Chương 2
BỔN PHẬN CÔNG DÂN

BÀI 3. BỔN PHẬN, GIA ĐÌNH, XÃ HỘI
Lúc nầy tuổi đã trưởng thành phải làm nghĩa vụ đầu tiên cho làng, vì làng tôi có hương ước ấn định: Mỗi người nam trong làng khi tuổi đã trưởng thành, không sớm thì muộn phải qua một khóa (một nhiệm kỳ) một năm đầu xâu cho làng (tiếng Bắc là anh mõ) làm tay sai cho làng, để các vị bô lão và ông Thôn trưởng sai khiến khi có việc cần.
Mời làng họp, đi quyên tiền tế tự xuân kỵ, thu thường, tống đạt giấy báo thuế nông nghiệp, khi làng cúng tế bưng cỗ đến nhà cho các vị bô lão bị ốm đau không đi dự tiệc được, bị sai làm đủ việc v.v...
Làm chức vụ nầy là một tay sai mà thấy nhàn hơn chức vụ trên. Được bàn giao Ban chấp hành Thanh-niên cho người khác, được miễn đi canh gác ban đêm giữ an ninh trật tự trong làng. Thu xong vụ thuế nông nghiệp lại được tiền thù lao, ông Thôn trưởng trích quỹ thôn cho 10$, tỷ giá tiền bây giờ cở 100.000$. Nhưng ông chẳng đưa trực tiếp cho tôi, mà lại gởi cho cha mang về sung vào quỹ gia đình để mẹ chi tiêu việc chợ búa.
Trong làng có người qua đời tôi cũng đi gánh đám đưa các vị đến nơi an nghỉ cuối cùng. Chiến tranh chống Pháp đến lúc ác liệt, đình chùa bị bom đạn tan tành, nên phải đóng góp tiền bạc công sức xây dựng lại. Thành lập Đoàn Gia-đình Phật Tử để hương khói tụng niệm ngày rằm, mồng một âm lịch hằng tháng tôi cũng có tham gia.
Năm 18 tuổi cha đi nói vợ. Phải làm rể 3 năm mới được cưới, công việc làm rể phải đi cày ruộng, vun luống khoai lang cao ngang thắt lưng cho gia đình bên vợ, làm một ngày là oải ba sườn.
Mang tiếng thanh niên nhưng sức còn yếu, lao động không kịp ông già vợ.
Nhờ ông có lòng thương con rể nên chẳng trách móc gì.
Tôi lấy vợ là do cha mẹ quyết định, vợ chồng tôi chẳng quen biết trước và tìm hiểu gì cả, nhìn nhau như mặt trăng mặt trời, do cái tội mắc cỡ, chứ chẳng phải chê bai gì nhau. Làm rể đã lâu ngày, cha vợ thấy hai đứa chẳng tâm sự gì với nhau. Tôi nhớ có một hôm ông gọi cả hai chúng tôi đi theo ông ban đêm để thăm chẹp (đó), ông dàn cảnh cho ngồi trên đường quốc lộ, ông lội xuống ruộng đi mất cở một tiếng đồng hồ mới quay trở lại, hai đứa tôi cứ ngồi im lặng chẳng đứa nào nói năng một điều gì. Bây giờ nhớ lại mới buồn cười.
Đến năm 1960, nhà cửa làm xong xuôi ổn định, cha mẹ lo cưới vợ cho tôi, đang hội ý với nhau, tôi rình nghe, hai ông bà bàn bạc việc sắm sanh lễ vật. Bà nói theo thông lệ của phong tục, phải làm một đôi hoa tai một chỉ vàng y (vàng 24 ca ra) là một số tiền hơi lớn nhưng phải có. Ông nói thời nầy làm bông chạm lọng là xưa chỉ có mấy bà già còn đeo mà thôi, hiện nay tôi thấy con gái toàn đeo hoa tai bèo, mình đi đặt cho thợ họ làm đôi hoa tai bèo hợp thời trang cho con dâu nó thích. Bà nói: Hơi đâu mà ông đi chiều con dâu, theo tôi nghĩ bông tai bèo là để đeo đi chơi các lễ thường, còn đây là mình sính lễ cưới xin, nhà mình con cái hiếm hoi mà nó là con trưởng nam, làm bông tai bèo đi cưới vợ răng được. Bà nói tiếp, ông không nghe người ta nói:
Lênh đênh bèo nổi trên sông,
Bềnh bồng trôi dạt biết về nơi mô.
Ông chịu thua lý của bà, nhất trí đặt làm đôi hoa tai chạm lọng.
Lại bàn qua cặp áo cưới, phong tục ở Huế áo cưới cô dâu phải mặc hai chiếc áo dài. Bà nói:
-Mình mới làm nhà cửa vừa xong tiền bạc cũng thút mút, may cả cặp áo dài mua vải tốt lấy đâu ra tiền, còn phải sắm sửa cổ bàn nữa, ít nhất cũng phải mời bà con họ hàng, hàng xóm, tính sơ cũng bốn mâm, đãi họ đàn gái đưa dâu hai mâm, con cháu trong nhà nữa, vị chi phải bảy tám mâm chớ phải ít sao, mà đi vay mượn thì cũng phải trả. Cưới rồi bắt con dâu đi làm trả nợ là tội nghiệp cho chúng nó, mà mình cũng mang lấy tiếng tăm. Tôi nghĩ ông bà sui và con dâu nó cũng hiểu cho hoàn cảnh gia đình mình. Ông bà nhất trí may cặp áo cưới bằng vải nội hóa loại xoàng, bàn xong việc bông hoa mua sắm áo quần.
Cha đi nhờ thầy xem ngày lành tháng tốt để tổ chức đám cưới, năm 1960 là cha mẹ cưới vợ cho tôi, rước nàng dâu mới về chung sống với gia đình, vài tháng sau cô em gái cũng cất bước theo chồng. Vợ chồng tôi đi làm lụng với nhau cũng vất vã, hết việc đồng áng lên núi chặt củi đốt than. Trở lại mùa cấy gặt thì làm việc đồng áng, chân lấm tay bùn, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, tương lai mù mịt, lấy nhau cả một năm mà chưa dám sinh con.
Lúc này lại nhận được lệnh gọi đi quân dịch, phải đi trình diện khám tuyển, Bác sĩ khám chưa đủ sức khỏe, Hội đồng tuyển binh cho hoãn lại năm sau sẽ xét tuyển. Ở nhà được một năm, qua năm sau có lệnh gọi lại, tôi nghĩ lần nầy là phải đi thôi. Đi quân dịch thời ấy nhà nước chỉ nuôi cơm, chẳng có lương bổng gì.
Tôi lo lắng, nhà thì nghèo mà đi các thứ lính không lương lấy gì ăn tiêu, phần tiết kiệm được đồng nào gởi về phụ giúp gia đình. Tôi tính toán suy nghĩ chắc phải tìm lính gì có lương bổng đi đăng ký trước, dù gì mình cũng phải đi làm lính, không sớm thì muộn, chẳng ai cho ở nhà với vợ mãi được đâu.
Tôi nhất quyết phải bỏ lại cha mẹ, vợ, em, làng xóm để ra đi làm bổn phận nam nhi hồ thỉ.
Đi cho biết đó biết đây
Ở nhà với vợ (mẹ) biết ngày nào khôn.
(Ca dao)