Dịch giả : Thích Nữ Trí Hải
8. ĐỜI NÀY: CÕI BARDO TỰ NHIÊN

Ta hãy thám hiểm Bardo đầu tiên, Bardo tự nhiên của cuộc đời, cùng những hàm ẩn của nó, rồi sẽ tiếp tục thám hiểm ba Bardo kia theo thứ tự và thời gian thích hợp. Bardo tự nhiên của cuộc đời này trải dài suốt cuộc đời từ lúc sinh ra cho đến lúc chết. Giáo lý về Bardo làm ta hiểu rõ tại sao đời này lại là một cơ may quý báu, được làm người có nghĩa gì, và gì là điều quan trọng nhất, cốt yếu nhất ta nên làm đối với tặng phẩm vô giá này, nghĩa là một đời người.
Những bậc thầy cho ta biết có một khía cạnh làm nền tảng căn để của tâm ta, gọi là "nền tảng của tâm thường ngày." Longchenpa, bậc thầy Tây Tạng thế kỷ thứ mười bốn, mô tả nó như sau:
- Đó là một trạng thái trung tính, không giác ngộ, thuộc về tâm và tâm sở, đã trở thành nền tảng cho mọi hành nghiệp và dấu vết của sinh tử và niết bàn.
Nó có nhiệm vụ như một cái nhà kho, trong đó những dấu ấn của các hành vi quá khứ do cảm xúc tiêu cực gây ra được tích chứa lại như những hạt giống. Khi những điều kiện thích hợp phát sinh, chúng nẩy mầm và biểu hiện thành hoàn cảnh của đời ta.
Hãy tưởng tượng cái nền tảng của tâm ấy giống như một ngân hàng trong đó nghiệp được gửi vào kể như những dấu ấn của khuynh hướng thói quen. Nếu ta có thói suy nghĩ theo một mẫu mực đặc biệt nào đó, tiêu cực hay tích cực, những khuynh hướng ấy sẽ bị kích động dễ dàng, cứ trở lại và tiếp tục trở lại. Với sự lặp đi lặp lại ấy, những khuynh hướng và tập quán của ta càng ăn sâu, tăng trưởng, thêm năng lực, ngay cả khi ta ngủ. Đây là cách những thói quen, khuynh hướng ấy định đoạt đời ta, cái chết và tái sinh của ta.
Chúng ta thường tự hỏi: "Tôi sẽ như thế nào khi tôi chết?" Câu trả lời là, như cái tâm trạng mà hiện thời ta đang là, loại người mà ta đang là:
- Ta sẽ như thế ấy khi ta chết, nếu ta không thay đổi. Đấy là lý do tại sao thực quan trọng để xử dụng cuộc đời hiện tại của mình để thanh lọc luồng tâm thức, và do đó thanh lọc con người và tính tình ta, trong khi ta còn có thể làm việc ấy.
 CÁI THẤY DO NGHIỆP LỰC
 Tại sao chúng ta sinh làm người? Tất cả hữu tình có nghiệp giống nhau sẽ có một cái thấy giống nhau về thế giới xung quanh, toàn bộ thấy biết mà họ cùng có ấy gọi là "cái thấy do nghiệp." Sự tương ứng mật thiết giữa nghiệp chúng ta với hoàn cảnh ta gặp, cũng giải thích được sự xuất hiện những hình tướng khác nhau: Chẳng hạn bạn và tôi là những con người, là do cái nghiệp căn để chung mà chúng ta cùng san sẻ. Tuy nhiên ngay trong thế giới người, chúng ta còn có mỗi người một nghiệp riêng. Chúng ta được sinh ra trong những xứ sở khác nhau, đô thị, gia đình khác; mỗi người hấp thụ một nền giáo dục khác, có những ảnh hưởng và niềm tin khác, tất cả những thứ này gồm chung lại thành nghiệp riêng của mỗi người. Mỗi chúng ta là một tổng thể những thói quen và hành động quá khứ, do vậy chúng ta chỉ có thể nhìn thấy sự vật bằng cái lối nhìn riêng biệt độc đáo của ta. Con người có vẻ giống nhau nhưng nhìn sự vật với cách hoàn toàn khác nhau, mỗi người sống trong một thế giới độc đáo của riêng mình. Kalu Rinpoche nói:
- Một trăm người chiêm bao, thì có trăm cảnh mộng khác nhau. Có thể nói mọi giấc mộng đều thực, nhưng thật phi lý nếu cả quyết rằng chỉ có một của một người là cảnh thực, những cảnh mộng khác đều sai sự thật. Mỗi người thấy sự thực tùy theo nghiệp chi phối những nhận thức của họ.
 LỤC ĐẠO
 Đời người chúng ta không phải là nghiệp cảnh duy nhất. Phật giáo phân biệt sáu cõi hiện hữu: Trời, a tu la, người, súc sinh, quỷ đói, địa ngục. Mỗi cõi là hậu quả của một trong sáu cảm xúc tiêu cực chính yếu: Kiêu mạn, ganh tị, dục vọng, ngu si, thèm khát và giận dữ.
Sáu cõi ấy có thực sự hiện hữu bên ngoài không? Chúng quả có thể hiện hữu vượt ngoài tầm nghiệp thấy của ta. Đừng bao giờ quên: "Cái gì chúng ta thấy chỉ là do nghiệp, thấy của chúng ta khiến cho thấy, không gì khác." Cũng như trong hiện tại, với nhận thức bất tịnh, chưa tiến hóa của chúng ta, chúng ta chỉ biết được vũ trụ này, một con vi trùng cũng thế, có thể thấy một ngón tay của ta như cả một phong cảnh. Chúng ta kiêu căng tới nỗi chỉ tin rằng "thấy là tin tưởng" (nghĩa là, có thấy mới tin.) Nhưng những giáo lý cao của Phật thường nói đến vô lượng thế giới trong nhiều chiều không gian khác nhau – có thể có nhiều thế giới rất giống với thế giới chúng ta – và nhiều nhà thiên văn hiện đại đã có những giả thuyết về sự hiện hữu những vũ trụ song hành với vũ trụ này. Làm sao ta có thể cả quyết cái gì hiện hữu hay không hiện hữu ở bên kia giới hạn tri kiến hẹp hòi của chúng ta?
Nhìn vào thế giới xung quanh ta, và vào tâm ta, ta có thể thấy quả thực có sáu cõi luân hồi. Chúng hiện hữu khi chúng ta vô tình để cho những cảm xúc tiêu cực nơi ta chiếu ra và kết tinh thành những hoàn cảnh sống (cõi, hay y báo), và để cho những cảm xúc ấy định đoạt mẫu mực, hình dạng, hương vị và toàn thể đời ta trong những cõi ấy. Sáu cõi cũng hiện hữu trong tâm ta dưới dạng những hạt giống và khuynh hướng tiêu cực luôn sẵn sàng để nẩy nầm và tăng trưởng, tùy theo ảnh hưởng bên ngoài và lối sống của ta.
Ta hãy nhìn xem một vài cõi như thế đã được phản chiếu và cô đọng lại trong thế giới quanh ta như thế nào. Đặc tính chính của cõi trời chẳng hạn, là vắng bóng khổ đau, một cõi có sắc đẹp bất biến và mê mẩn theo dục lạc. Hãy tưởng tượng những vị thiên thần cao ráo, tóc hung đang tản bộ trên bờ biển, trong những khu vườn ngập nắng, đang lắng nghe bất cứ bản nhạc nào họ ưa thích, đang say sưa với đủ mọi thứ kích thích, hăng say học yoga thiền định, !!!4866_12.htm!!! Đã xem 85412 lần.

Đánh máy : Hải Hạnh, Ngọc Sương
Nguồn: Buddhismtoday
Được bạn: NHDT đưa lên
vào ngày: 8 tháng 2 năm 2005