Giải Pháp

 'Nguyện đem công đức này hồi hướng đến tất cả chúng sinh đang đau khổ.'
Mundgod, Ấn Đô.
Connie thất vọng vô cùng và bật khóc.
Cô đang ngồi trên sân thượng căn nhà lầu 4 tầng với người em trai luôn im lặng một cách điên khùng. Đã bao nhiêu lần cô muốn hỏi cho ra lẽ rằng thầy có cuộc sống vui vẻ thực sự Ở đây hay không. Cô muốn biết chắc người em trai 15 tuổi đời có chấp nhận cuộc sống tăng sĩ ở một vùng khô cằn hoang dã nơi miền Nam hay không.
Tuy nhiên, thầy Konchog Kusho Osel, người em trai có tên Donald Phạm, vẫn hoàn toàn im lặng.
Connie hiểu rằng vì giới luật cậu em trai không thể nói dối. Cô nghi ngờ rằng sự im lặng của em là một cách trả lời về điều này. Nhưng trời hỡi, làm sao bây giờ. Em ấy cũng không thể nào nói thích. Cô phải làm sao đây khi cậu em không thể nói điều này? Là chị cả trong gia đình, Connie luôn lo lắng chăm sóc em. Nhưng cô không biết phải làm thế nào?
Thầy Kusho kiên nhẫn chờ đợi chị Connie dịu bớt cơn xúc động. Nhưng Connie không ngăn được dòng nước mắt. Thầy không muốn nhìn thấy chị buồn rầu đau khổ như thế. Thầy đang suy nghĩ tìm câu trả lời thế nào để chị không buồn lòng. Đây cũng là điều thầy nguyện giữ khi thọ giới.
Cuối cùng thầy nói: 'Em biết là em muốn đi tu. Có điều em chưa quen cuộc sống ở đây.'
Connie chộp vội lấy điều này và nói cùng bố mẹ. Rồi gia đình đem điều này thưa cùng các sư phụ của thầy. Các vị đại sư không ngạc nhiên cho lắm. Các ngài biết thầy đang trong giai đoạn khó khăn và các ngài cũng đang tìm những giải pháp khác cho thầy.
Có lẽ Gaden Shartse chưa phải là nơi lý tưởng cho một cậu bé trai Hoa Kỳ. Khí hậu miền Nam Ấn luôn nóng nhiệt vô cùng. Đời sống trong tu viện cũng quả nghiêm nhặt. Phần lớn tăng sinh ở đây là những người lớn tuổi. Đã vậy thầy Kusho phải sống với một kỹ luật khắt khe, không được rời tu viện vào những lúc thầy được phép. Mọi người đã quá kỳ vọng nơi thầy. Muốn thầy hành xử như người trưởng thành trong khi thầy vẫn còn là một cậu bé vị thành niên. Thế là một giải pháp khác được đề ra.
Dharamsala là một thành phố nằm dưới chân dãy Hy Mã Lạp Sơn thuộc vùng Bắc Ấn. Đây cũng là thủ đô của chính phủ Tây Tạng lưu vong và thường được gọi là Tiểu Lhasạ Dharamsala thuộc vùng ngoại vi khu vực Hy Mã Lạp Sơn. Chung quanh là cảnh hùng vĩ gồm nhiều đỉnh núi vươn cao trên trời xanh. Nhìn về phía dưới là thung lũng Kangra mầu mỡ. Đức Đạt Lai Lạt Ma, vị lãnh đạo tinh thần của Phật Giáo Tây Tạng, đang trú ngụ Ở đây. Đây cũng là nơi có rất nhiều tu viện cùng ni viện. Nơi đây có một trường đại học Tây Tạng, xây dựng dưới sự bảo trợ của Đức Đạt Lai Lạt Ma, chuyên giáo dục các thanh thiếu niên Tây Tạng để mai sau họ có thể trở về phục vụ đất nước khi quê hương thoát khỏi ách thống trị của người Trung Hoa.
Ở đây có Viện Lý Luận Phật Học. Học viên là những tăng sinh trẻ tuổi đang theo học những khóa giáo lý cao cấp, nhưng cũng có những học viên thế tục tại gia theo học. Học viện cũng giảng dạy những môn triết học phương Tây, chính trị học và văn chương Tây Tạng. Ở đây cũng có một phòng máy vi tính cho học viên sử dụng.
Sau hai năm giam mình trong tu viện Gaden Shartse, có lẽ thầy Kusho nên được gởi theo học tại đây trong một thời gian. Hy vọng thầy sẽ cảm thấy dễ chịu hơn.
Dharamsala
Con đường quanh co dẫn đến học viện như bám vào sườn dốc đứng, xuyên qua những rặng cây xanh trải dài theo sườn núi. So với sự nóng bức và đầy bụi cát của miền Nam, không khí nơi đây khá trong lành cộng thêm cái se lạnh của vùng rừng núi linh thiêng khiến mọi người dễ chịu hơn. Thầy Kusho cảm thấy nhẹ nhàng thoải mái pha lẫn sự chờ đợi hồi hộp. Tất cả phải làm lại từ đầu. Ý nghĩ này khiến thầy hơi khó chịu.
Chặng đường còn khoảng 10 dặm để đến Tiểu Lhasa nằm về hướng bắc. Người tài xế bẻ mạnh tay lái sang trái và bắt đầu cho xe leo đoạn dốc đựng đứng. Chiếc xe bus lắc lư gập gềnh lăn bánh một cách mệt mỏi trên những phiến đá lởm chởm nhô khỏi mặt đường như muốn xé rách vỏ xe. Đoạn dốc dường như dài vô tận.
Sau một khúc quanh gắt, mọi người đã nhìn thấy học viện ở phía trước. Đó là một kiến trúc có vách tường sơn màu vàng cũng được trang trí bằng những hoa văn nút thắt vô tận làm bằng sắt. Chung quanh học viện là những khu nhà nội trú dành cho học viên. Ở đây có một sân bóng rổ, một sân bóng chuyền và một khu vườn thật rộng. Các học viên đang đi dạo trong khuôn viên, có người trong những chiếc tăng y, có người mặc trang phục thế gian. Trông họ có vẻ không lớn tuổi hơn thầy bao nhiêu. Ở đây chắc thầy không hoàn toàn bị vây quanh bởi những vị tăng sinh lớn tuổi.
Thầy còn trông thấy một vài cô gái. Những cô gái trẻ mặc những chiếc sari Ấn Độ nhiều màu sặc sở. Họ khoác quanh cổ những chiếc khăn trôi bồng bềnh sau lưng theo mỗi nhịp bước đi. Một vài cô mặc trang phục Tây Tạng. Những chiếc chupa truyền thống của Tây Tạng được thắt ngang lưng tà áo thả dài tận gót chân. Một số khác còn mặc quần jean và áo jacket tây phương. Bên cạnh những học viên nam giới, những cô gái này cũng đang theo học tại học viện. Điều này quả là một cuộc cách mạng so với thế giới toàn tăng tại tu viện Gaden Shartse.
Những vật dụng cần thiết của thầy Kusho được chứa trong vài vali, phần lớn là sách cho nên khá nặng. Những con thú nhồi bông đã được thầy chia cho đám trẻ con nơi tu viện Gaden. Thầy Kusho bắt đầu chuyển các túi xách xuống xe. Đại sư Pema Dorjee, một vị tăng nhỏ người vui tính đón thầy nơi xe. Đại sư là viện trưởng của học viện, cũng là thành viên trong chính phủ Tây Tạng lưu vong và làm việc với Đức Đạt Lai Lạt Mạ Thầy viện trưởng cho biết người đã nghe những điều tốt về thầy Kusho và vui mừng đón nhận thầy vào học viện. Thầy viện trưởng cũng không ngần ngại thăm hỏi thầy Kusho về mọi việc. Thầy Pema Dorjee cũng biết những khó khăn mà thầy Kusho đã gặp phải nơi tu viện Gaden Shartse.
Cuộc đời thầy viện trưởng là cả một sự tranh đấu. Thầy vượt biên đào thoát khỏi Tây Tạng khi còn là một đứa trẻ. Thầy cùng gia đình phải vượt những chặng đường gian nan nguy hiểm. Khi đến Ấn Độ cả gia đình đều ngã bệnh và thầy phải một tay làm việc mưu sinh nuôi nấng cả nhà. Thầy đem tất cả tâm sức để giáo dục những đứa trẻ Tây Tạng mồ côi. Sau đó thầy gầy dựng học viện. Thầy chỉ ngủ một vài giờ trong ngày. Tấm gương kham nhẫn trải qua cuộc sống gian nan của thầy viện trưởng đã khiến thầy Kusho như được tăng thêm sinh lực.
Thầy Kusho được đưa đến khu nội trú nam giới. Mùi hôi nơi phòng vệ sinh dưới cầu thang xông lên nồng mũi. Chiếc cầu thang dẫn lên lầu còn loang những vết nước trầu đỏ loét. Những tầng dưới dùng làm nơi trú ngụ cho các công nhân giúp việc nơi tu viện. Những người này thường nhai trầu cho sạch miệng và họ nhổ nước trầu vương vải dính khắp tường nhà.
Phòng của thầy Kusho nằm ở cuối hành làng tầng thứ tự Không như ở tu viện Gaden Shartse, phải sống chung phòng với hai tăng sinh lớn tuổi gấp đôi, phòng này chỉ dành riêng cho thầy. Cuối cùng thầy cũng có được một căn phòng riêng cho mình.
Căn Nhà Mới
Trên cửa phòng là con số 26 được sơn bằng tay. Thầy Kusho kéo chốt cửa và mở toang cánh cửa phòng. Căn phòng tương đối tươm tất, sàn nhà xi măng, một chiếc bóng đèn gắn trên tường. Giường ngủ là một chiếc nệm cao su mỏng thả trên sàn nhà. Nhưng căn phòng có nhà vệ sinh riêng dù cũng là một vòi nước và bàn cầu cũ kỹ như ở tu viện Gaden. Căn phòng có một khoảng bao lơn nhỏ và một cửa sổ nhìn ra những ngọn đồi xanh mát. Phòng này không rộng và được trang trí như ở Gaden nhưng khá tiện nghi.
Thầy Kusho làm quen ngay với sinh hoạt của học viện. Thời khóa biểu ở đây tương đối dễ chịu hơn ở tu viện Gaden Shartse. Chuông đánh thức buổi sáng vào lúc 6 giờ. Như thế là thầy có thêm được một tiếng đồng hồ để ngủ.
Trong giờ Triết, các học viên cùng vào lớp để nghe thầy giảng bài, không phải một thầy một trò như ở tu viện. Sau giờ ăn trưa học viên có một tiếng đồng hồ để nghỉ trưa. Sau buổi học chiều lại có 90 phút nghỉ giải lao. Vào giờ này các tăng sinh có thể chơi bóng chuyền nơi sân trước khu nội trú.
Buổi ăn tối được tổ chức ngoài trời. Hai chiếc nồi to tướng được đặt nơi gốc cây bên cạnh sân bóng chuyền. Một nồi cơm, một nồi canh rau. Mọi người được phân phát phần ăn của mình và tìm một chỗ tùy thích ngồi ăn nơi sân cỏ. Thầy Kusho thường đem phần ăn của mình về phòng để ăn và nghỉ ngơi. Dùng xong bữa tối, thầy có thể nghỉ đến 7 giờ chuẩn bị cho thời công phu tối. Tiếp theo là buổi nghiên cứu thảo luận cho đến 9:30 tối.
Thầy trở về phòng vào lúc 10 giờ đêm. Ở đây thầy có thể làm việc riêng hoặc thức khuya để học bài. Hằng đêm, thầy thường thức rất khuya kiên nhẫn tập viết tiếng Tây Tạng và tập xử dụng tay phải để viết. Thầy Kusho bảo: 'Đời sống ở đây tương đối tự do thoải mái hơn ở tu viện Gaden Shartsẹ'
Tại học viện còn có một điều mà đã hơn hai năm nay thầy dường như chưa hề biết đến. Đó là máy truyền hình. Vào cuối tuần, các tăng sinh thường quây quần trước chiếc tivi màu để xem các trận tranh giải thể thao. Điều này quả là một sự xa xỉ khó tưởng tượng so với cuộc sống nghiêm khắt nơi tu viện. Mọi người thường thích xem chương trình của đài ESPN. Lúc còn ở Mỹ, thầy Kusho không thích thể thao cho lắm. Nhưng sự ham thích của các bạn học ở đây đã khiến thầy cũng thích xem các trận tranh giải bóng tròn thế giới và hiểu những kỹ thuật trong trò chơi cricket đánh banh bằng gậy.
Thầy Kusho không bao giờ nghĩ mình là một cầu thủ. Thầy ít khi tham dự các trận bóng rổ hoặc bóng chuyền chỉ đứng nhìn các tăng sinh hăng say tung bóng, với những chiếc tăng y màu đỏ thẫm nhảy múa khắp sân. Nhưng thầy cũng đồng ý tham dự trò chơi banh gậy lúc thầy được rủ.
Đám tăng sinh theo triền dốc rời học viện để đến sân banh. Đây cũng là một tự do to lớn so với tu viện Gaden. Theo con đường chính một đoạn, rồi băng một ngã tắt qua những lùm cây mọi người tiến đến khu đất trống rộng gấp đôi sân chơi banh gậy. Qua sự hướng dẫn của các bạn, thầy Kusho đã biết khá nhiều về trò chơi này. Họ dùng những viên đá xếp lại để làm sân chơi. Người cầm gậy ra sân sẵn sàng đánh banh. Quả banh là một trái banh tennis chứ không phải dùng cho banh gậy. Nhưng không sao. Họ tung banh thật mạnh, rồi băng mình vào những lùm cây để tìm banh và rượt đuổi nhau từ đầu sân đến cuối sân. Cả đám tăng sinh túa ra sân vui vẻ nô đùa như một đám học trò trẻ tuổi.
Trong đám cầu thủ này có thầy Ngawang Khentsẹ Thầy thường được nhiều người đặt cho biệt danh là vị tăng nhỏ người nhưng có bộ Óc lớn. Thầy là con trai của một gia đình tỵ nạn Tây Tạng. Thầy lớn lên ở Nepal và được gởi đến sống trong tu viện lúc thầy vừa 10 tuổi. Thầy Khentse có nhiều thiện cảm với thầy Kusho, người bạn mới Hoa Kỳ. Thầy chỉ dạy cho thầy Kusho cách chơi banh gậy, thầy kể nhiều chuyện về trường lớp và những vị giảng sư. Cả hai bắt đầu ngồi ăn chung với nhau, cùng tham gia tranh luận, và kể cho nhau nghe những mẫu chuyện về thời thơ ấu. Cuối cùng, cả hai đồng ý thầy Khentse dời về cùng ở chung phòng với thầy Kushọ Thầy Khentse năm nay được 19 tuổi, bây giờ như một người trong gia đình, một người anh mà thầy Kusho chưa từng có.
Thầy Kusho cũng có thêm một vài người bạn mới. Tại học viện có ba tăng sinh ngoại quốc. Họ đều lớn tuổi hơn thầy Kusho nhưng cả ba trở nên thân thiện vì đồng cảnh ngộ. Thầy Jangchup Puntsok, người Do Thái. Trước đây thầy là một nhân viên làm việc cho một tổ chức y tế ở Nepal. Sau khi nghiên cứu Phật Pháp và tìm hiểu về Tánh Không thầy đã quyết định xuất gia và theo học tại đây. Thầy Lobsang Dawa trước đây là một sinh viên theo học ngành hội họa tại đại học Mexico Citỵ Thầy xuất gia sau lần theo gia đình sang Ấn Độ nghe Đức Đạt Lai Lạt Ma thuyết pháp. Thầy Thoupten Jacky Jinpa là một kỹ sư ở New York. Thầy làm việc để trợ giúp gia đình ở Haitị Một hôm thầy được bạn bè rủ đi nghe một vị Lạt Ma thuyết pháp. Sau đó thầy quyết định xuất gia. Thầy Jacky kể lại: 'Điều này xảy ra như một tiếng sét ái tình. Bỗng dưng tất cả mọi việc đều hoàn toàn thay đổi.'
Thầy Kusho là học viên trẻ tuổi nhất trong số 300 học viên đang theo học tại học viện. Nhưng thầy được mọi người biết đến như là ông thầy thuốc trong khu nội trú. Nhờ sự tiếp trợ của mẹ, thầy có đủ các loại thuốc, từ bao tử, nhức đầu, khan cổ cho đến cảm cúm. Thầy dự trữ những loại thuốc này rất nhiều và sẵn sàng cung cấp cho mọi người khi cần. Thầy cũng còn cả kho dinh dưỡng linh tinh để san sẻ cùng bạn bè như chocalate, kẹo, bột nấu canh v.v... Sau những thời công phu sáng vào mùa đông lạnh lẽo, mọi người rất thích thưởng thức những ly chocolate nóng.
Cuộc Hành Trình Khác La.
Thầy Kusho mở nước đầy vào chiếc sô nhựa màu hồng. Thầy nhúng chiếc tăng y vào rồi vò mạnh. Chiếc máy nhạc CD của thầy đang chơi những bản nhạc nhẹ của ATB, Sasha và Paul van Dyk mà cô em Christine đã gửi cho thầy. Vừa giặt áo quần thầy vừa nghe nhạc qua hai chiếc loa nhỏ xíu mang trên tai. Thầy xả áo quần thật kỹ. Thầy Khentse đã trêu rằng thầy Kusho đã giặt đồ quá lâu và quá kỹ như thế.
Sau khi xả quần áo thật sạch, thầy mang thùng nước ra bao lơn tưới vào đám cây dưới lầu. Và thầy tiếp tục xả áo quần lần nữa. Xong xuôi thầy đem những chiếc tăng y phơi nơi bao lơn. Đứng nơi đây thầy có thể nhìn về thung lũng Kangra thơ mộng ở phía dưới xa.
Trước đây, thầy Kusho chưa từng giặt áo quần bao giờ. Thầy cũng chưa bao giờ dọn dẹp phòng ngủ hay chùi rửa phòng tắm. Ở nhà tất cả mọi chuyện đều có mẹ lọ Bây giờ mỗi ngày thầy tự tay quét nhà với cây chổi như chiếc đuôi ngựa và mỗi tuần một lần thầy dọn dẹp chùi rửa phòng vệ sinh.
Đây là căn nhà của thầy. Hai tấm nệm với chăn mền và túi ngủ là giường ngủ của thầy và người bạn Khentsẹ Những chiếc vali được kê sát tường dùng làm kệ đựng áo quần. Chiếc bàn duy nhất của căn phòng chất đầy sách. Thầy đọc rất nhiều loại sách. Từ cuốn Cuộc Thám Hiểm Của Huckleberry Finn của Mark Twain, Mưa Đen của Masuji Ibuse, Iliad của Homer đến Chuyển Hóa Nội Tâm của Đức Đạt Lai Lạt Mạ Tấm hình của Đức Đạt Lai Lạt Ma được lồng khung và treo trang trọng trên tường. Trong hình Đức Đạt Lai Lạt Ma mỉm nụ cười bình an trước tượng Đức Quán Thế Âm mạ vàng, mà người Tây Tạng gọi là Chenrezig.
Ngồi nơi giường ngủ, thầy Kusho kể: 'Lúc trước tôi rất thích đọc sách tiểu thuyết tình cảm. Nhưng bây giờ nghĩ lại tôi thấy chẳng có ích lợi chi cả. Tôi nghĩ, không giúp ích được gì nhiều, nhất là đối với cuộc sống thực tế.'
Khi còn bé, thầy Kusho thích những món đồ chơi để lớn lên có thể trở thành văn sĩ. Thầy cũng thích đọc truyện khoa học giả tưởng. Bây giờ nhìn lại thầy thấy lúc đó đúng là trẻ con. Sau này thầy lại thích đọc truyện viết theo lối cổ điển. Năm ngoái thầy đã đọc xong cuốn Catcher in the Rydẹ Thầy Kusho cầm quyển sách của Đức Đạt Lai Lạt Ma trên tay, lật nhanh qua nhiều trang thầy nói: 'Tôi không dám cho rằng những loại sách ấy là vô bổ. Nhưng đọc những quyển sách thuộc loại này thì có ích lợi cho tôi nhiều hơn.'
-'Tôi đặc biệt thích đọc loại sách này vì chúng nói về những sự thật. Loại sách này nói về những thực tế cuộc sống mà chúng ta đang sống từng giờ từng phút từ thể xác đến tinh thần. Khi tôi cảm thấy buồn chán, chỉ cần cầm quyển sách trên tay là mọi việc trong tôi đều thay đổi. Ít nhất là trong giây phút đó. Những quyển sách loại này đã giúp tôi thoát khỏi những tình cảm nặng nề đó.'
Khi nói chuyện thầy Kusho thường dùng tay che miệng. Giọng nói của thầy rất nhẹ khiến người đối diện phải lắng tai mới nghe rõ. Khi trả lời câu hỏi, thầy suy nghĩ cẩn thận, cố gắng dùng ngôn ngữ để người nghe khỏi phải phiền lòng. Đôi khi thầy dừng lại khá lâu cố gắng tìm cho được chữ thích hợp rồi mới trả lời. Thầy không thích tạo sự chú ý đối với mọi người. Thầy rất ngại ngùng khi điều này xảy ra. Và thầy có cảm tưởng như đang vác trên vai một khối đá nặng, khiến thầy phải hơi cúi đầu về phía trước.
Đối với thầy Kusho, cuộc hành trình này là một điều vô cùng đặc biệt. Thầy cho biết: 'Tôi là tu sĩ duy nhất trong tu viện có cơ hội thực hiện điều này. Đây là điều không phải ai cũng có diễm phúc có được.' Thầy Kusho biết rõ điều này. Đây không phải là một trường hợp ngẫu nhiên.
Thầy tin rằng tất cả mọi sự việc đã xảy ra một cách nhịp nhàng chặt chẻ để hôm nay thầy trở thành tu sĩ không thể là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Khi mang thai thầy hai tháng, mẹ thầy đã trở nên một Phật tử nhiệt tâm một lòng kính tin Phật Giáo Tây Tạng. Khi lớn lên thầy lại được vị đại sư Tây Tạng giảng dạy giáo pháp và sắp xếp để thầy có thể tu học tại Ấn Độ. Thầy là tăng sĩ Hoa Kỳ duy nhất được thu nhận theo tu học tại tu viện Gaden Shartse và là đệ tử của vị đại sư khả kính, tác giả cuốn Tử Thư, cuốn sách đã đưa mẹ thầy đến với Phật Giáo Tây Tạng.
Thầy Kusho kể lại: 'Tôi nhớ có lần xem bói toán ở tu viện, quý thầy xem chỉ tay và cho tôi biết kiếp trước tôi cũng là một vị tăng. Như thế trong tiền kiếp tôi đã tạo được khá nhiều thiện duyên để bây giờ mới có thể trở thành tu sĩ như thế này.'
Thầy Kusho nhớ lại là hầu như lúc nào thầy cũng muốn đi tu. Lúc còn bé thơ, thầy đã nghe giảng và hiểu rằng được sinh ra làm người là điều vô cùng quý báu không nên uổng phí cuộc đời. Trở thành một tăng sĩ tu học theo giáo pháp của Đức Thế Tôn là công đức vô lượng có thể giúp chúng sinh giải thoát mọi khổ đau để kiếp sau có thể tái sinh vào kiếp trời, người mà không bị đọa vào đường súc sinh, ngạ quỷ. Thầy hiểu rằng sống cuộc đời tăng sĩ là cao quý nhất.
Ngay từ bé, cha mẹ cùng vị sư phụ tâm linh đã mong thầy sẽ là một tu sĩ, và tin rằng tương lai của thầy sẽ vô cùng rực rỡ. Thầy sẽ là vị Luận Sư Phật Giáo người Hoa Kỳ gốc Việt đầu tiên. Thầy sẽ hoằng dương Phật Giáo Tây Tạng đến với cộng đồng người Việt, ngay tại đất Mỹ cũng như ở Việt Nam. Một ngày nào đó, thầy có thể trở thành người thông dịch cho Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Viện trưởng Pema Dorjee tin rằng cuộc đời của thầy Kusho đã được số phận an bày để sống tại Ấn Độ. 'Điều này có liên quan trực tiếp đến duyên nghiệp của thầy từ kiếp trước. Tôi tin rằng thiện duyên này đã khiến thầy Kusho trở thành tu sĩ, và chuyên tâm nghiên cứu kinh luận thâm sâu. Mặc dù thầy sống trong một gia đình sung sướng, có nhiều người thân, và còn rất trẻ nhưng thầy đã quyết định trở thành tăng sĩ nghiên cứu triết lý sâu xa thâm diệu của đức Thế Tôn. Vâng, chính thầy đã mong muốn và quyết định như thế.'
Thật vậy, thầy cho biết chính thầy đã quyết định như thế. Khi còn bé, điều này giống như một cuộc thám hiểm đầy mới lạ và là một ý tưởng haỵ Nhưng bây giờ thì điều này dường như là một hạnh nguyện cao cả. Thầy đã nguyện suốt đời chỉ mong cầu sự giác ngộ. Tuy hiện tại thầy chưa có sự chứng nghiệm tâm linh sâu xa thúc đẩy trên đường tiến tu. Đối với thầy cánh cửa giác ngộ như chưa hé mở. Tâm trạng nầy khiến thầy như đang đứng trước những mẫu xếp hình còn lộn xộn chưa rõ ràng. Tuy nhiên thầy cho biết: 'Tôi đang trông chờ điều này trong một tương lai rất gần.' Vào năm tới, thầy sẽ bắt đầu thực hành thiền quán. Đây là bước quan trọng giúp thầy tiến xa hơn. Thầy tiếp: 'Cuộc sống tăng sĩ đã giúp tôi mỗi ngày càng tiến gần hơn.'
Viễn tượng sẽ không bao giờ làm một người chồng, người cha chưa hề làm thầy bận tâm. Thầy bảo: 'Dù không phải là tu sĩ tôi nghĩ cũng sẽ không bao giờ cưới vợ. Đối với tôi, điều này quả là một rắc rối lớn trong cuộc đời.'
Nói như thế không có nghĩa là khi gặp những cô gái trẻ đẹp thầy không dám nhìn. Thầy bảo: 'Một nửa học viên ở đây là phái nữ. Vâng, tôi muốn nói. Thỉnh thoảng tôi có nhìn các cô thì cũng là chuyện bình thường thôi. Nhưng tôi cố gắng không để ý đến họ. Bởi vì dù sao thì tôi cũng là một tu sĩ. Tôi chỉ cố gắng không để ý đến họ thôi.'
Khu Vườn Nội Tâm
Thầy Kusho đã thay đổi khá nhiều. Khi mới đến Ấn Độ, thầy vẫn còn là một cậu bé ngại ngùng, lo âu vì sống xa gia đình. Thầy đã sống thu mình và cách biệt mọi người. Tuy nhiên, sau ba năm thầy trở nên trưởng thành hơn, tự tin hơn và cởi mở hơn. Thầy đã khá hơn 5 năm trước đây. Ít ra cũng khá hơn chút đỉnh. Thầy cười vui bảo:
-'Về phương diện tu học, tôi nghĩ tôi đã có tiến bộ trong một vài điều. Tôi nghĩ, tôi trở nên quân bình hơn trong nhiều sự việc, biết phân biệt nhận rõ nên làm điều gì để có lợi ích cho tất cả mọi người, chứ không phải riêng cho cá nhân mình. Tôi suy nghiệm điều này qua nhiều khía cạnh. Áp dụng luật nhân quả, trong mọi trường hợp tôi đều xem xét những điều tốt cũng như điều xấu, trước khi hành động. Chúng ta nên luôn áp dụng điều này vào cuộc sống hàng ngày.'
Thầy trở nên khiêm nhường hơn. Một cậu bé trai ngày trước được mọi người chăm lo săn sóc bây giờ thầy luôn săn sóc đến mọi người. Lúc trước thầy được cả gia đình săn sóc bây giờ phải tự lo cho chính mình. Thầy phải tự lo việc chi tiêu, nấu ăn, giặt giũ áo quần. Và thầy đang bắt đầu tập tự kiểm soát chính mình.
Bản ngã con người lúc nào cũng vô cùng xảo quyệt. Cũng có những trường hợp thầy cảm thấy bực bội trong người. Đó là những lúc thầy gặp phải một vài tăng sinh khó chịu chua ngoa trong các buổi tranh luận, hoặc khi những người ăn xin nắm áo thầy lôi kéo, hoặc khi cô em gái tinh nghịch tìm mọi cách chọc ghẹo phá phách. Tuy nhiên thầy đã có đủ định lực để nhận biết và kềm chế. Thầy hiểu rằng cần phải tu tập trong nhiều năm mới có thể chế ngự được sự kiêu căng của tự ngã. 'Bước đầu là nổi giận rồi kế đến là thể hiện sự tức giận. Tôi cố gắng ít nhất thì cũng ráng kềm chế mình không được thể hiện sự tức giận này.'
Dù mới có 16 tuổi đời và là vị tăng sinh trẻ tuổi nhất tại học viện, nhiều người đều đồng ý rằng thầy Kusho đã tiến khá xa trong việc điều phục tự ngã.
Rõ ràng nhất là trong các cuộc tranh luận. Có những tăng sinh tìm mọi cách lấn át đối phương để chứng tỏ khả năng của mình. Thầy Jacky kể lại: 'Nhưng thầy Kusho là một trong số rất ít tăng sinh chỉ tìm cách giúp đối phương hiểu rõ vấn đề cho thấu đáo chứ không tìm cách đè bẹp đối phương. Đây là một đức tính khó phát triển nhất. Nhưng thầy đã phát triển được đức tính này ngay từ khi còn trẻ thì quả là điều đáng ca ngợi.'
Thầy Kusho cũng là một trong thiểu số thực sự áp dụng giáo lý để tu dưỡng thân tâm. Thầy hiểu rõ lý do thầy muốn sống cuộc đời tu sĩ. Thầy Jacky kể tiếp: 'Khi nghe giảng dạy giáo lý, Có hai điều có thể làm. Hoặc là chỉ học thuộc lòng và lập lại những điều đã nghe. Thêm một bước nữa là dùng những lý thuyết này để tranh luận. Thầy Kusho có thể làm điều này. Đôi khi cuộc tranh luận trở nên gay go, chúng tôi cùng ngồi xuống và hỏi thầy muốn nói điều gì? Thế là cuộc tranh luận tiến lên một bình diện cao hơn và trở thành một cuộc tham vấn đàm đạo về giáo pháp. Thầy Kusho có thể làm được điều này trong khi phần lớn tăng sinh không làm được. Thầy vẫn còn trong tuổi vị thành niên, nhưng thầy hành xử điềm tỉnh, cẩn trọng như một tu sĩ lớn tuổi. Thầy có nhiều đức tính mà nhiều tăng sinh khác không có được.'
Thầy Kusho có nhiều điều khiến mọi người phải ngạc nhiên. Thầy viện trưởng Pema Dorjee cho biết: 'Chúng tôi nghĩ rằng một người Mỹ thường thẳng thắn, bộc trực, nhưng thầy Kusho rất khiêm nhường, im lặng và nói năng nhỏ nhẹ. Thầy là một người rất tốt và cũng rất thông minh. Sau khi hoàn tất khóa tu học, tôi nghĩ thầy sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho đồng bào của thầy.'
Đông Tây Hội Ngô.
Có một điều mà trước đây chưa từng xảy ra tại học viện. Vào mỗi chiều thứ Bảy và Chúa Nhật trong tuần các tăng sinh có thể rời học viện và muốn làm gì tùy thích. Thầy Kusho đã quen với những chuyến xe bus đi xuống phố. Thầy cũng quen cách sử dụng điện thoại công cộng để gọi về nhà. Thầy còn biết cả những quán cà phê Internet nào rẻ tiền nữa. Thường thì thầy vào những nơi tính giá 30 rupee một giờ - khoảng 57 cent Mỹ. Lúc trước email của thầy là thuginred (khoác tăng y đỏ), bây giờ thầy đã đổi thành ricefolife (ăn cơm để sống).
Tự lo việc chi tiêu tiền bạc là một điều khá mới lạ đối với thầy. Ngày trước thầy đã có cha mẹ lo lắng mọi điều nên thầy không hề bận tâm đến tiền bạc. Khi vào tu viện Gaden Shartse đã có những vị tăng lo việc tài chánh nên thầy cũng chẳng để ý. Nhưng bây giờ mỗi học viên được nhận 200 rupee (khoảng 4 dollars) tiền hàng tháng và phải tự lo liệu, cho nên thầy rất cẩn thận trong việc chi tiêu, không muốn xài hoang phí.
Hôm nay là Chủ Nhật, ngày nghỉ của mọi người. Thầy Kusho và thầy Khentse đang thả bộ qua những con đường đông người trong khu phố. Gặp một đàn chó hoang, hai thầy dừng lại chia cho chúng ăn những phần cơm còn dư trong buổi ăn trưa. Một chú bò đói hung hăng tiến đến đuổi đàn chó để tranh phần ăn. Hai thầy lại tiếp tục thả bước, và dừng lại trước một quán bán rau cải bên đường. Hai thầy đang trả giá mua vài quả cà chua cùng mớ rau cải để chuẩn bị cho bửa ăn tối thì một chú bò khác lại ngang nhiên bước đến ngoạm từng bó rau cải đang chất thành đống nhai ngấu nghiến. Người chủ quán bực bội quát tháo tìm cách xô đuổi chú bò đi nơi khác.
Về nơi học viện, hai thầy Kusho và Khentse cùng ngồi bệt nơi sàn xi măng loay hoay gọt rau quả với hai con dao cũ mèm chuẩn bị nấu ăn. Một bữa ăn tự nấu gọi là thay đổi hương vị cho các bữa ăn một ngày như mọi ngày trong học viện. Nơi góc phòng, thầy đặt chiếc chảo điện vừa mới mượn lên trên cái sô giặt áo quần cho cao, rồi cho dầu, gia vị và rau vào chảo trộn đều. Hôm nay hai thầy sẽ có món rau cải xào cà ri.
Cậu bé Hoa Kỳ gốc Việt đang đóng một vai trò rất đặc biệt trong lịch sử. Cậu cười vui vẻ khi dùng tiếng Tây Tạng để nói chuyện với người bạn chung phòng xứ Nepal tại một vùng Ấn Độ xa xôi. Cậu đang ở một nơi mà Đông Tây đang gặp mặt. Cậu đang sống một cuộc sống với một Giấc Mơ Mỹ Quốc mới. Một giấc mơ vượt khỏi xứ Hoa Kỳ giàu mạnh, vượt khỏi mọi tiện nghi đời sống và vượt khỏi xã hội vật chất thế gian.
Nhắc đến những người bị bệnh phong cùi và những kẻ ăn xin mọi người gặp hằng ngày tại Ấn Độ, thầy Kusho bảo: 'Sự đau khổ bạn nhìn thấy ở đây thuộc về thể xác. Nhưng ở phương Tây thì đau khổ về tinh thần. Mặc dù bạn có đầy đủ tất cả những tiện nghi vật chất, nhưng về nội tâm bạn vẫn không có được sự hạnh phúc. Còn sống ở đây, mặc dù bạn thiếu thốn những tiện nghi vật chất, nhưng về mặt tinh thần bạn lại cảm thấy bình an.'
-'Nếu nhìn xa hơn, bạn có thể bảo rằng cuộc sống ở đó rất phức tạp. Bạn phải lo lắng cho rất nhiều vấn đề, có quá nhiều trách nhiệm và quá nhiều nỗi khổ tâm mà bạn cần phải giải quyết.'
Đức Đạt Lai Lạt Ma cho rằng xã hội Tây Phương cũng có nhiều điều đáng ca ngợi. Đây là một xã hội năng động, sáng tạo và ham học hỏi những điều mới lạ. Nhưng ngài cũng lo ngại về nhiều vấn đề. Sự cạnh tranh nghiệt ngã đã tạo nên bao nỗi sợ hãi và bất an. Con người sống trong một xã hội tiện nghi vật chất quá đầy đủ nhưng về phương diện tình cảm và tinh thần thì họ quá bơ vơ lạc lỏng. Một khuynh hướng duy lý trong những ý niệm tuyệt đối, trắng đen, phân biệt dứt khoát rõ ràng khiến họ quên rằng ngoài hai màu trắng và đen vẫn còn có nhiều sắc độ cho màu xám, và họ quên đi sự liên hệ hỗ tương cùng sự tương đối của vạn vật.
Hy vọng lớn lao là một ngày nào đó, thầy Kusho có thể thay đổi được điều này, dù là một chút ít nhỏ nhoi.
Chấp Nhận
Vào thời gian đầu, các tăng sinh chiến đấu với bản thân mình trong nỗi hoang mang ngờ vực. Về phương diện nội tâm, điều này quả là hết sức khó khăn. Các tăng sinh thường tự hỏi liệu mình có đủ nghị lực, khả năng và giới hạnh để làm tất cả những điều này không? Có thể nào trừ bỏ được những thói quen của tự ngã đã huân tập từ vô lượng kiếp, để kiểm soát tâm ý và tháo tung những trói buộc của tình cảm thế gian đối với người thân yêu?
Thầy Kusho cho biết: 'Cũng có những lúc tôi không được vui, hoặc cũng có lúc tôi muốn trở về với gia đình vì nhớ nhà.'
Khi bị nỗi nhớ nhà dằn vặt, thể xác họ cũng đau đớn vô cùng. Thầy Jacky kể: 'Là một tăng sĩ, chúng ta phải can đảm và cương quyết từ bỏ mọi ràng buộc dù đó là tình cảm gia đình. Nhớ nhà là một sự yếu đuối. Bản thân tôi cũng thường yếu đuối như thế. Tôi nhớ gia đình, nhớ cha mẹ. Tôi nhớ bố tôi.'
Tệ hại nhất là vào những ngày nghỉ hoặc sinh nhật. Thầy Jacky muốn khóc thật nhiều, muốn có người để tỏ bày tâm sự, nhưng đây là một cấm kỵ đối với tất cả các tăng sinh trong học viện. Ngoại trừ thầy Kusho.
Thầy Jacky kể: 'Thầy Kusho thì khác. Thầy ân cần, nhẹ nhàng nói với tôi, 'Thầy có biết không? Tôi cũng nhớ nhà như thầy.'.' Thầy Kusho cũng thú thật rằng có những lúc thầy cũng thèm những chiếc bánh hamburger và những miếng pizza và thèm sống với khí hậu thoải mái ở Mỹ. Thầy nhớ cuộc sống ở Hoa Kỳ, tự do đi lại, và có thể nói tiếng Việt với bố mẹ. Thầy trân quý những gói chocolate, cùng những vật dụng linh tinh mà mẹ đã gửi sang, những bức thư email của cô em gái, những buổi nói chuyện qua điện thoại với gia đình ở Laguna Niguel mỗi hai tuần một lần. Hai thầy Kusho và Jacky cùng ước mơ một cuộc nghỉ ngắn hạn để có thể trở lại Hoa Kỳ. Chỉ cần cùng nhau tâm sự cũng đủ để hai thầy nguôi ngoai phần nào nỗi ray rứt trong lòng.
Nhưng hai thầy trở lại với cuộc sống thực tế. Hai thầy thường nhắc nhở khuyến tấn lẫn nhau rằng họ đã chọn cuộc sống tăng sĩ và theo tu học ở đây vì một mục đích cao cả. Với lòng từ bi, họ muốn tạo dựng lại thế giới này thành một thế giới tốt đẹp hơn. Qua giáo pháp của đấng Như Lai, họ đang trên đường mong tìm sự bình an và toàn thiện toàn mỹ cho chúng sinh.
Thầy Jacky kể tiếp: 'Thỉnh thoảng, thầy Kusho cũng có lúc suy nghĩ về tương lai của mình. Thật nhiều gian nan và một tương lai khó thực hiện. Tôi cũng cho thầy biết những khó khăn chướng ngại của riêng tôi. Thầy đặt vấn đề này nhiều lần, phân tích và suy nghĩ rất nhiều. Khi bạn đặt vấn đề này với chính mình tức bạn đã tự nhận trách nhiệm về những gì mình đang làm. Bạn hiểu tại sao bạn đang ở đây. Tôi nghĩ thầy Kusho là một trong số rất ít người hiểu rõ tại sao mình chọn cuộc sống tăng sĩ như thế này.'
Khi trong lòng không được vui, thầy Kusho thường cố gắng chuyên tâm vào những đề mục khác để tránh rơi vào tâm trạng buồn chán. Vào những lúc như thế, thầy thường đọc cuốn Lam Rim (Tuệ Đăng - Đuốc Giác Ngộ) để tìm lại sự an định cho tâm hồn. Đây là cuốn ngữ lục gồm nhiều bài kệ được trước tác bởi các vị thánh tăng Tây Tạng từ hàng ngàn năm trước để hướng dẫn hành giả từng bước tiến tu.
Khởi lòng từ bi đến muôn loài
Giải thoát chúng sinh khỏi phiền não,
Quyết tâm chứng đạo quả giác ngộ.
Thệ nguyện quy y đấng đạo sư,
Đoạn trừ ác tâm cùng sân hận.
Tinh tấn tu hành làm điều thiện,
Từ bỏ ác nghiệp cùng dục vọng.
Thiền định phát sinh tâm chánh kiến,
Hạnh nguyện rộng độ khắp chúng sinh.
Hiểu rõ tánh không trong vạn hữu,
Vạn pháp vô sinh không tự tánh.
Công đức hành giả tâm khai ngộ,
Một ngày sánh bằng hàng trăm kiếp.
Những bài kệ với trí tuệ thâm viễn như thế đã giúp thầy rất nhiều. Nhờ đó thầy biết rằng thầy đã chọn đúng con đường để theo.
Thầy Kusho nói: 'Đức Đạt Lai Lạt Ma thường khuyên. 'Nếu bạn không thể giúp được ai, thì ít nhất bạn cũng không nên gây điều tổn hại cho họ.' Tôi nghĩ, dù không phải là một Phật tử, chúng ta cũng nên suy nghĩ nhiều về điều này. Nếu ai cũng thực hiện điều này, không những chúng ta sẽ đem lại lợi ích cho mọi người nhưng bản thân mình cũng được lợi ích lớn. Nếu con người suy nghĩ và hành động như thế, cả thế giới sẽ thay đổi. Y báo sẽ thay đổi tùy theo chánh báo. Đây chính là ý nghĩa của câu: Tâm tịnh quốc độ tịnh.'
Thầy Kusho rất vui thích trong thời gian theo học tại học viện. Nhưng thầy biết thầy không thể hưởng những tự do ưu đãi mãi như thế này được. Một ngày nào đó, thầy phải trở về Mundgod, Nam Ấn để sống cuộc sống kham nhẫn nhiều giới luật tại tu viện Gaden Shartse, nơi mà thầy đã thọ giới. Cuộc đời của thầy đã gởi nơi tu viện. Và thầy sẽ trở về, như một đứa con luôn tìm về gia đình. Lúc đầu, cuộc sống ở tu viện chưa quen đối với thầy vì thầy còn quá trẻ. Nhưng khi trở về thầy đã trưởng thành hơn, nhiều nghị lực hơn và hiểu biết hơn. Thầy biết rằng một chương trình tu học cam khổ suốt 20 năm, hoặc có thể lâu hơn, đang chờ đón, trước khi thầy có thể hoàn tất học vị Luận Sư Phật Học mà thầy hằng tâm nguyện lúc còn 8 tuổi. Trong suốt 20 năm, rất nhiều sự việc có thể xảy ra. Nhiều điều sẽ thay đổi. Nhưng thầy Kusho tự hứa với mình sẽ không bao giờ nản lòng thối chí. Từ bỏ chấp nhận thua cuộc không phải là một giải pháp. Vị tăng sĩ 16 tuổi cho biết: 'Tôi hoàn toàn hiểu rõ điều mình muốn làm.'
Thầy Kusho đang mang trong lòng một niềm mơ ước cao cả. Một giấc mơ Mỹ quốc hoàn toàn khác lạ. Thầy nguyện trong kiếp lai sinh, thầy sẽ trở lại thế giới nầy trong hóa thân của Đức Quán Thế Âm.
Thầy Kusho bảo: 'Đôi lúc tôi tự hỏi mình đang làm gì ở đây? Trong bao nhiêu đứa trẻ cùng tuổi ở Hoa Kỳ, tại sao tôi lại chọn cuộc đời tăng sĩ như thế này? Nhưng sau khi bạn suy nghĩ cặn kẽ, cố gắng nhớ lại những mục đích đầu tiên đã khiến bạn quyết định đến đây. Khi nhớ lại điều này và liên kết với những sự kiện khác thì vấn đề trở nên có ý nghĩa như lúc ban đầu. Và bạn sẽ tìm lại được chính mình, không còn hoang mang ngờ vực nữa.'
'Tôi đến đây với một mục đích. Và tôi nhất định hoàn thành tâm nguyện này.'
Hết

Xem Tiếp: ----