Thử Thách

  'Đừng giận dữ khi bị chửi mắng. Đừng phê bình khi bị chỉ trích. Không nên trả thù khi bị người hãm hại.'
Dharamsala, Ấn Đô.
Các vị tăng sinh đang lâm râm niệm Phật. Đối với chúng tăng, mỗi vị sẽ kiên trì học thuộc lòng từng câu kinh và tụng lên thật lớn. Và các vị sẽ lập đi lập lại mãi cho đến khi âm thanh tụng kinh rền to như tiếng sấm vang dội khắp tu viện.
Bây giờ là 2 giờ chiều. Đây là thời gian các tăng sinh tự nghiên cứu nội điển trong thời gian tu học tại Viện Lý Luận Phật Học. Thầy Konchog Kusho Osel, một cậu con trai Hoa Kỳ gốc Việt đã từng có thế danh là Donald Phạm, đang ngồi tựa lưng sát tường, hai chân xếp bằng theo thế kiết già trên chiếc nệm trải nơi sàn nhà. Ở tuổi 16, thầy trông giống như một cậu học trò trung học đang ngồi học bài. Khuôn mặt thầy vừa bắt đầu nhú những sợi râu mép với đôi gò má mịn màng như trẻ thơ. Cũng như các tăng sinh khác, thầy đang lâm râm tụng từng lời kinh, thân lắc tới lui theo nhịp tụng. Thầy đang cố gắng học thuộc lòng từng chữ từng lời. Điều này rất quan trọng. Thầy sẽ phải dùng những kiến thức nội điển này để áp dụng vào những buổi tranh luận giáo lý với chư huynh đệ đồng tu. Đây là một nghi thức truyền thống đã có từ hàng trăm năm trong các tu viện Phật học của quê hương Xứ Tuyết.
Từ khi lớn lên thầy Kusho chỉ biết nói tiếng Anh và tiếng Việt. Nhưng những trang kinh thầy đang tụng được viết bằng một loại văn tự hoàn toàn xa lạ. Những nét chữ gồm những vòng khuyên và nét thảo kỳ ảo. Một loại văn tự mà vài năm trước đây thầy hoàn toàn không hiểu. 'Có hai phương pháp lý luận. Một phương pháp trực dẫn và một phương pháp truy dẫn... '
Đã hơn ba năm kể từ ngày thầy từ giã gia đình xuất gia tu học. Kể từ đó, Ấn Độ đã là nhà của thầy, thay thế cho vùng Orange County của xứ Hoa Kỳ. Kể từ ngày thầy nói lời từ giã cha mẹ vào ngày sinh nhật thứ 13, thầy đã gởi trọn đời mình vào cuộc sống kham nhẫn nơi tu viện, một thế giới nhiều giới luật khắt khe và hoàn toàn xa lạ đối với thầy.
Thay Đổi
Các vị tăng sinh thuộc gia đình mới của thầy vừa dùng xong chiếc bánh sinh nhật và cùng đứng bên cạnh thầy vẫy tay chào từ giã khi chiếc xe bus từ từ rời xa, mang theo những người thân trong gia đình cũ mà thầy đã từng chung sống. Cha mẹ và hai chị em gái của thầy đã sống nơi tu viện Gaden Shartse suốt trong 6 tuần lễ giúp thầy được dễ dàng khi chuyển sang cuộc sống mới. Nhưng khi họ thật sự chia tay để trở về California thì mọi việc trở nên hoang mang, mất định hướng. Nỗi lo âu trống vắng choáng ngợp tâm hồn thầy khi chiếc xe bus mờ dần trong tầm mắt.
Cô đơn và lẻ loi. Giờ đây thầy chỉ một mình một bóng.
Ngoài chuyến đi Canada, thầy Kusho chưa hề rời khỏi Hoa Kỳ bao giờ. Từ bé thầy đã có thói quen thường ngủ với bố mỗi đêm. Ở nhà mọi việc đều được mẹ lo lắng và chăm sóc nên thầy không hề đụng tay vào. Hai chị em gái là những người bạn thân nhất của thầy. Giờ đây thầy sống với những người hoàn toàn xa lạ tận một vùng hẻo lánh thuộc miền Nam Ấn. Một cậu bé Hoa Kỳ giữa cả ngàn vị Lạt Ma Tây Tạng. Nhiều người trong số này là những người tỵ nạn. Nếu thầy hiểu được tiếng Tây Tạng, thầy sẽ nghe những mẫu chuyện đầy kinh hoàng trong những chuyến đi mà người tỵ nạn phải trải quạ Những cuộc hành trình đầy cam go nguy hiểm khi vượt dãy Hy Mã Lạp Sơn trên đường trốn thoát sự đàn áp của chính phủ Trung Hoa.
Nhưng thầy chưa nói được tiếng Tây Tạng. Thầy không hiểu được những mẫu đối thoại các tăng sinh thường nói trong các bữa ăn. Thầy không hiểu được những chuyện vui ngoài vườn. Thầy cũng không hiểu được những cuộc thực tập tranh luận và cũng không thể bắt chuyện với hai vị tăng sinh cùng phòng. Trong tu viện có một vài vị biết nói tiếng Anh, nhưng họ là những vị cao tăng và lớn tuổi hơn thầy rất nhiều. Thầy chẳng có ai để làm bạn, để chuyện trò tâm sự, để nói cho họ biết nỗi nhớ nhà đang dâng đầy trong lòng. Thầy cảm thấy lẻ loi và dường như hoàn toàn cách biệt với mọi người.
Tất cả những tiện nghi quen thuộc khi còn sống với gia đình bây giờ đã là quá khứ.
Ngôi nhà sang trọng trên ngọn đồi vùng Laguna Niguel giờ đây được thay thế bằng một căn lầu bốn tầng, xây bằng gạch xi măng, dùng làm nơi trú ngụ cho các tăng sinh sẽ là căn nhà mới của thầy. Sàn nhà trải thảm dày và êm mịn bây giờ là chiếc sàn xi măng trơ trụi. Phòng vệ sinh là một chiếc bồn cầu theo kiểu Ấn Độ nơi sàn nhà và phòng tắm là một vòi nước lạnh băng. Lúc trước căn phòng ngủ là cả một thế giới riêng của thầy, bây giờ là một căn phòng nhỏ hẹp, vách tường được sơn màu xanh bệnh viện và gồm ba chiếc giường kê thành một hàng dài. Hai người bạn cùng phòng là hai vị tăng sinh tuổi đời gấp đôi tuổi thầy. Họ không biết gì về trò chơi điện tử Nintendo, Cable TV hay nhạc trẻ.
So với thời khóa biểu của lớp 7 trường Aliso Viejo, một ngày nơi tu viện dài đăng đẳng và vô cùng khắt khẹ Tiếng chuông đánh thức vang lên vào lúc 5 giờ sáng. Sau đó là thời công phu sáng dài cả mấy tiếng đồng hồ. Sau thời công phu là buổi ăn sáng. Tiếp theo là 4 tiếng đồng hồ dành cho việc học hỏi kinh luận cá nhân chỉ có một thầy một trò. Buổi ăn trưa vào lúc 12:30. Sau đó là 4 tiếng nữa cho việc tham vấn cá nhân. Sau bữa ăn tối là thời gian các tăng sinh cùng nghe giảng giáo lý hoặc tranh luận nội điển cho đến 9 giờ tối. Khi lên giường ngủ thầy cảm thấy mỏi mệt, rã rời. Thời khóa biểu như thế được áp dụng nghiêm nhặt trong suốt cả tuần, trừ ngày thứ Hai để các tăng sinh có thời gian lo những công việc cá nhân.
Thầy cũng chưa quen với những bữa ăn trong tu viện. Ở nhà thầy rất thích món Taco, Pizza cùng những tô phở mẹ thường nấu. Bây giờ thực đơn trong các bữa ăn chỉ toàn là cơm, rau và một chén canh nhạt nhẻo chỉ đủ để sống qua ngày. Điểm tâm buổi sáng thì ngày nào cũng giống nhau, buổi ăn trưa và tối cũng vậy. Nơi tu viện, thực phẩm chỉ có mục đích nuôi dưỡng xác thân làm phương tiện để tu tâm dưỡng tánh trên con đường giác ngộ. Trong bữa ăn, các tăng sĩ không dùng những món ngũ vị tân như hành, tỏi, hẹ, kiệu, nén để tiết giảm sự ham muốn tình dục và điều phục lòng sân hận. Ngoài lý do quá đắt tiền, tu sĩ Phật Giáo tránh không ăn thịt nhằm trưởng dưỡng lòng từ bi đối với mọi loài chúng sinh.
Thời gian đầu, nước uống ở đây cũng gây cho thầy khá nhiều phiền phức. Vì lạ nước, thầy đã bị bệnh trong nhiều tháng trời. Vào thời kỳ gió mùa, khoảng tháng Năm, nhiệt độ tại Ấn Độ tăng cao, không khí lại quá ẩm khiến thầy mệt mỏi, uể oải chẳng muốn làm gì cả. Trong tu viện cũng không có máy điều hòa không khí.
Một vài đứa trẻ địa phương bắt đầu làm quen với thầy. Nhưng khi biết thầy là một chú bé Hoa Kỳ chúng đã lãng tránh. Qua điện thoại, mẹ thầy thường an ủi và khuyến khích thầy. Mẹ bảo thầy, qua thời gian mọi việc cũng sẽ quen dần. Lúc đầu thì ai cũng như thế cả. Hơn nữa, thầy cũng không nên kỳ vọng mọi người đều hoàn hảo.
Kỹ luật nghiêm khắc trong một tu viện khiến thầy có cảm tưởng như một nhà tù. Thầy đang chịu rất nhiều áp lực để cố gắng tu học và sinh hoạt như một tăng sĩ trưởng thành. Điều này gần như vượt quá khả năng của một cậu bé mới 13 tuổi đời. Hơn thế nữa, thầy là vị tăng sĩ Hoa Kỳ đầu tiên được chấp nhận vào tu viện, và còn là đệ tử đặc biệt của đại sư Lati, vị phụ tá tinh thần của Đức Đạt Lai Lạt Mạ Những điều này là một trường hợp hết sức đặc biệt, tương tự như thầy được nhận vào đại học Harvard lại được sự hướng dẫn của một giáo sư nổi tiếng nhất. Tại tu viện, Lati Rinpoche chỉ nhận hướng dẫn riêng cho những đệ tử được ấn chứng là tái sinh của những vị Lạt Ma cao cấp. Điều này đã khiến mọi người đều kỳ vọng thầy Kusho sẽ trở thành một tăng sĩ mà những tăng sĩ bình thường không thể sánh được.
Hưởng sự ưu đãi đặc biệt này thầy cũng phải trả một cái giá. Đệ tử của ngài Lati phải tuân theo một kỹ luật nghiêm nhặt hơn so với những tăng sinh khác. Họ không được phép rời khỏi tu viện. Trong giờ rảnh rỗi cũng không được chạy nhảy, cười đùa, la hét. Thầy Kusho luôn được những vị tăng khác kiểm soát mọi hành động và báo cáo cùng đại sư Latị Điều này khiến một số tăng sinh khác thường nói đùa thầy rằng: 'Thầy đang sống trong căn nhà tù.'
Trong tu viện những tăng sinh phạm lỗi phải chịu kỹ luật rất nghiêm. Những vị tăng được gọi là thiết bảng lạt ma có nhiệm vụ giữ gìn trật tự và kỹ luật trong tu viện. Tăng sinh ngủ gật trong khi tọa thiền hay trong các buổi giảng giáo lý liền bị những vị thiết bảng lạt ma dùng chuỗi tràng hạt bằng gỗ quất vào người, bất kể vị tăng phạm lỗi cao tuổi hay còn trẻ. Điều này có mục đích giúp vị tăng phạm lỗi điều phục thân tâm và diệt trừ ngã mạn. Có lần, thầy Kusho chứng kiến cảnh một vị tăng bị phạt kỹ luật. Cảnh tượng lúc đó và sự đau đớn xác thân của vị tăng này khiến thầy Kusho bị ám ảnh suốt mấy ngày đêm liền. Mỗi lần nhớ lại thầy rất thương xót cho vị tăng kia.
Thầy cảm thấy rất khó khăn và ngại ngùng khi muốn làm quen với những tăng sinh khác. Thầy cố gắng siêng năng trong mọi công việc để tránh bị phạt kỹ luật. Lúc còn ở nhà, thầy không hề phải bận tâm làm việc gì cả. Tại tu viện Gaden thầy cũng được đặc biệt ưu đãi không phải làm những công việc tạp dịch như mọi người. Nhưng thầy không muốn thế. Thầy không muốn nhận bất kỳ sự ưu đãi nào như thầy đã từng có trước đây. Với một cây chổi giống như chiếc đuôi ngựa, thầy cũng tham gia quét dọn nhà cửa. Thầy tự tay pha trà bơ cho các vị sư phụ. Thầy nấu cơm cho các vị này, mặc dù thầy chưa bao giờ nấu ăn cho chính mình. Khi các thầy ăn xong thầy cũng lo dọn dẹp rửa chén bát cho họ.
Tối đến, trong căn phòng nhỏ nơi tu viện, thầy Kusho nhớ nhà kinh khủng. Những kỷ niệm trong thời gian sống với gia đình trở nên trân quý. Hình ảnh những buổi tối chị Connie vào phòng gây ồn ào phá phách bây giờ trở nên thân thiết. Những mẫu chuyện vụn vặt trong bữa cơm gia đình, nghe bố kể chuyện phòng mạch, nghe chị em nói chuyện trường lớp, bây giờ không còn là tầm thường vô bổ, nhưng là những kỷ niệm luôn xoáy sâu trong lòng. Thầy bỗng thấy thèm những tô phở mẹ thường nấu ở nhà. Thầy ao ước có dịp sẽ kể cho hai chị em nghe những chuyện kỳ lạ thầy đã gặp nơi tu viện. Thầy Kusho nhớ nhà và thương gia đình thật nhiều.
Đoạn trừ những ràng buộc trong tình cảm gia đình nhằm giải thoát khổ đau là mục đích tâm linh của Phật Pháp trên con đường giải thoát. Thầy Kusho ao ước mình có thể thực hiện điều này. Nhưng vào năm đầu, hằng đêm khi nằm trên giường ngủ thầy thường âm thầm khóc vì nhớ nhà.
Mỗi hai tuần một lần thầy thường gọi điện thoại về Mỹ nói chuyện với bố mẹ. Nhưng thầy không hề thổ lộ điều này cho gia đình biết. Qua đường dây điện thoại, thầy trấn an chị Huyền: 'Mẹ đừng có lo cho con nhiều quá. Mọi việc ở đây đều bình thường. Con không có hề gì đâu.'
Chương Trình Tu Học
Tại tu viện, thầy Kusho bắt đầu theo học một chương trình tu học gian nan để có được học vị Luận Sư Phật học. Đây là một chương trình đào tạo tăng sĩ đã có từ hàng ngàn năm qua trong tu viện Phật giáo, trước cả khi nhà thiên văn học Galileo khám phá ra quỹ đạo của các hành tinh trong thái dương hệ quay chung quanh mặt trời.
Trong khi các bạn cùng lớp tại Hoa Kỳ đang tập đo độ của một góc với môn hình học phẳng, đọc sách truyện tuổi thơ và tìm hiểu nhiệm vụ của tế bào trong cơ thể, thì thầy Kusho đang theo học một chương trình mà một học sinh trung học bình thường không thể nào hiểu nổi. Chương trình tu học 20 năm của thầy về Tam Tạng kinh điển Phật Giáo gồm:
1. Các lớp giáo lý căn bản về duy thức học, nghiên cứu tâm vương cùng các tâm sở, và những khóa lý luận Phật học căn bản, 8 năm đầu.
2. Đại Bát Nhã (Prajna Paramita) 7 năm
3. Trung Quán Luận của Bồ Tát Long Thọ (Madhyamika) 3 năm
4. Giới Tông, Luật Tạng (Vinaya) một năm
5. Pháp Tướng Tông, Luận Tạng (A Tỳ Đạt Ma, Abhidharmay) 2 năm
6. Phật Giáo Luận (Pramana) trong suốt thời kỳ tu học.
Học vị Luận Sư Phật học, tương đương văn bằng tiến sĩ tâm linh thần học, là một học vị cao nhất trong các viện Phật học và ngài Giới Hiền là vị Luận Sư đầu tiên trong lịch sử Phật Giáo. Tăng sinh phải mất 20 năm để hoàn tất khóa tu học. Có nhiều vị không đạt được sau nhiều năm tu học. Hiện nay trên thế giới chỉ có 200 vị luận sư (Geshe) trong Phật Giáo Tây Tạng. Từ khi còn 8 tuổi, thầy Kusho đã từng tâm nguyện sẽ là một luận sư Phật Giáo Việt Nam đầu tiên trong hệ thống Phật Giáo Tây Tạng. Thầy không muốn sự cô đơn và nỗi nhớ nhà gây chướng ngại trên con đường tu học của thầy.
Để thực hiện tâm nguyện này, trước tiên thầy phải học tiếng Tây Tạng, một ngôn ngữ đang trên đà hủy diệt ngay tại quê hương xứ sở. Suốt ngày thầy Kusho chuyên tâm học tiếng Tây Tạng qua sự hướng dẫn của một vị thầy. Đối với thầy Kusho, các mẫu tự Tây Tạng trông giống như những bức tranh. Dường như những người sáng tạo chữ Tây Tạng đã kết hợp giữa tiếng Phạn, Á Rập, Do Thái và Nhật Bản để tạo ra những mẫu tự hoàn toàn mới lạ. Có mẫu tự dường như được tạo bởi nhiều nét chân mày hoặc những cánh chim baỵ Có mẫu tự như tạo bởi những nụ cười rạng rỡ hoặc những khuyên tròn hoàn hảo. Càng nghiên cứu thầy càng thích thú. Nhưng hiểu ý nghĩa của từng chữ thì quả là khó khăn.
Ngay cả những vị giáo sư ngôn ngữ cũng đồng ý tiếng Tây Tạng là một loại ngôn ngữ phong phú nhưng khó học. Đây là một ngôn ngữ đơn âm, thiếu sự uyển chuyển, do đó thứ tự các chữ trong câu rất quan trọng. Chỉ cần thay đổi âm giọng là ý nghĩa đã hoàn toàn khác như: cao ngắn, cao dài, thấp ngắn, thấp dài, rơi ngắn, rơi dài. Điều khó khăn nhất là khi xử dụng ngôn ngữ quý tộc trong nghi lễ cung kính với các bậc trưởng thượng, tôn quý. Trong các trường hợp này, ngôn ngữ sử dụng hoàn toàn khác hẳn lúc nói chuyện bình thường. Chữ bàn ghế dùng khi nói chuyện với các vị tăng sinh huynh đệ hoàn toàn khác với chữ bàn ghế khi dùng nói chuyện với sư phụ. Hầu như tất cả mọi chuyện đều có cả hai loại ngôn ngữ khác biệt dùng dành riêng cho từng hoàn cảnh, từ món ăn, sợi tóc cho đến chung trà.
Có một điều quen thuộc với mọi người là chữ Tây Tạng được viết từ trái sang phải. Tuy nhiên điều này đối với thầy Kusho cũng không phải dễ dàng, vì thầy thuận tay trái. Các quốc gia Á châu không khuyến khích việc sử dụng tay trái khi viết chữ, cầm đũa và bắt tay mà chỉ dùng tay phải. Như thế là thầy Kusho phải tập viết lại từ đầu. Thầy vụng về cầm cây viết với bàn tay phải rồi nắn nót tập viết từng hàng, một cách chậm chạp kiên nhẫn vào cuốn tập vở. Buổi tập viết có khi kéo dài cả hàng giờ.
Khi cảm thấy quá ngán với những công việc nầy, thầy Kusho thường ngồi yên lặng nghe giảng về giáo lý Phật Pháp. Thầy rất thích nghe những điều thâm diệu trong giáo lý Phật Pháp:
'Không một vật gì thực sự biến mất khỏi vũ trụ, pháp giới. Vật chất biến thành năng lượng, năng lượng trở thành vật chất. Chúng sinh hữu tình được tạo bởi những yếu tố tứ đại hoàn toàn giống như cỏ cây hoa lá, ngay cả đến những hạt mưa. Không có gì khác biệt. Khi chúng ta hủy diệt môi trường chung quanh, tức là chúng ta đã tự hủy diệt mình.'
-'Vạn pháp vốn vô thường. Kiếp sống như một giòng sông luôn hằng chuyển. Nhìn từ xa, giòng sông như đang đứng yên lặng lờ, nhưng mỗi một phân tử nước luôn chuyển động và thay đổi từng vị trí theo thời gian. Kiếp người cũng như thế. Con người dường như một là thực thể hiện hữu độc lập xuyên suốt thời gian. Nhưng thân tâm chúng sinh luôn sanh diệt, biến đổi trong từng sát nạ Vì vô thường nên không có tự ngã.'
-'Luật Nhân Quả là một quy luật sinh tồn, tạo nên trường nghiệp lực trong pháp giới. Không có điều gì xảy đến cho chúng ta nếu chúng ta không đáng được hưởng. Nhân nào quả nấy. Dục tri tiền thế nhân, kim sinh thọ giả thị. Dục tri lai thế quả, kim sinh tác giả thị. Muốn biết kiếp trước ta làm gì hãy nhìn những gì ta đang hưởng. Muốn biết kiếp sau ta thế nào, hãy nhìn những gì đang tạo trong hiện tại. Trong mỗi phút giây, chúng sinh luôn tạo ra nghiệp mới qua thân, khẩu, ý. Nghiệp có thiện nghiệp, ác nghiệp. Chúng sinh tạo thiện nghiệp sẽ hưởng quả lành trong tương lai. Chúng sinh tạo ác nghiệp sẽ bị đọa vào địa ngục chịu muôn vàn đau khổ.'
-'Tánh không của vạn pháp trong Phật Giáo là thực tại tối hậu. Mọi sự việc trong thế gian không hề hiện hữu độc lập mà luôn liên hệ với những sự việc khác. Không điều gì có thể tồn tại riêng lẻ độc lập. Vì thế nên không có tự ngã. Để khai mở trí tuệ thực chứng Tánh Không, hành giả phải tu tập các phương pháp thiền định, quán chiếu thực tướng của lục căn lục trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp nhưng không bám víu vào những điều này. Như một áng mây trôi lơ lững giữa bầu trời không hề vướng mắc vào đâu cả. Sau nhiều năm công phu nghiêm mật, hành giả sẽ đạt tới cảnh giới khai ngộ. Đây là một trạng thái tâm linh an lạc của trí tuệ vô biên không thể dùng văn tự ngôn ngữ thế gian diễn tả được.'
Điều khác lạ và hệ trọng nhất trong chương trình tu học tại tu viện Tây Tạng là những buổi tranh luận theo những nghi thức cần thiết. Đây là phần quan trọng dùng tập áp dụng kiến giải Phật học mà tăng sinh đã thu thập, một phương tiện cổ xưa nhằm mài dũa trí tuệ và phát triển những sở đắc trong Phật Pháp. Những buổi tranh luận giáo lý giúp tăng sinh phân biệt giữa thực tại và vọng tưởng.
Lúc đầu, thầy Kusho chỉ có thể nhìn mọi người tham dự. Hàng ngày, trong khu vườn rộng nơi tu viện, các tăng sinh chia từng nhóm. Trong mỗi nhóm, các tăng sinh chuẩn bị câu trả lời ngồi nơi bãi cỏ. Vị tăng sinh nêu câu hỏi đứng trước mặt mọi người, trên tay cầm chuỗi tràng hạt. Và như thế buổi tranh luận bắt đầu. Tiếng quát tháo, dậm chân, và cười vang khi các câu tham vấn được hỏi và đáp. Một cảnh tượng thầy Kusho chưa hề gặp qua bao giờ.
Buổi tranh luận được thực hiện với đề tài: Có khói thì có lửa. Khói là chủ đề, Có là kết đề, và nguyên do là bởi vì có lửa. Thế là các tăng sinh cùng nhau phản biện một cách hăng say náo nhiệt. Cảnh tượng giống như một đám mèo đang vờn chú chuột trước mặt. Người thì đặt vấn đề về định nghĩa của lửa. Người thì dựa vào kinh điển để nói về sự hiện hữu, sự vô thường. Cuộc tranh luận được thực hiện một cách hăng say.
Một tăng sinh ngồi nơi bãi cỏ lớn tiếng lập luận. Có nhiều trường hợp có khói mà không có lửa. Tôi có thể dùng một kính lúp soi dưới ánh mặt trời trên đám lá khộ Sau một lúc, đám lá khô bắt đầu bốc khói rồi mới có ngọn lửa. Như vậy là khói có trước lửa.
Vị tăng sinh đang đứng, lùi lại vài bước vận dụng kiến thức của mình lớn tiếng phản bác. Thầy nhắc mọi người rằng lửa trong kinh chỉ sự thiêu đốt não hại tâm can chúng sinh, không nhất thiết phải có ngọn. Khi mọi người không thể phản biện lại, vị này hăm hở tiến đến trước mặt những người đang ngồi. Thầy co cao một chân như cầu thủ đang vặn người ném banh, tay phải vung cao trên đầu, tay trái che miệng làm loa lớn tiếng nói như quát vào vị tăng sinh nọ một tiếng 'Ngộ!' để ghi điểm thắng cho mình.
Nhìn mọi người tham dự các buổi tranh luận, thầy Kusho tự nghĩ không biết đến lúc nào thầy mới nói thông thạo tiếng Tây Tạng để đối đáp cùng họ. Và không biết đến bao giờ thầy mới có đủ kiến thức và tự tin đứng trước mặt mọi người tranh biện những điểm tinh tế sâu xa như thế.
Vào năm đầu tiên, thầy thực tập tranh luận riêng với một vị giáo thọ. Thầy hiểu rằng thế gian sử dụng lý luận bình thường trong cuộc sống hàng ngày, nhưng họ đã dùng không đúng cách. Thầy hiểu rằng tam đoạn luận là một phương pháp lý luận căn bản. 'Tôi sẽ sung sướng nếu tôi có chiếc xe Mercedes màu đỏ.' Tôi: chủ đề. Kết luận: sẽ sung sướng. Nguyên do: nếu tôi có chiếc xe Mercedes màu đỏ. Nhưng thầy biết rằng đây là một lý luận không đúng, đặt căn bản trên sự giả lập, không phải sự thật. Không có gì bảo đảm rằng nếu một người có chiếc xe Mercedes màu đỏ thì sung sướng cả. Có rất nhiều người có xe Mercedes màu đỏ nhưng họ vẫn đau khổ. Như thế lý luận này không có giá trị.
Dần dần thầy hiểu được ý nghĩa những động tác các tăng sinh sử dụng trong buổi tranh luận. Cái vung tay biểu hiện sự giải thoát chúng sinh khỏi đau khổ. Vỗ bàn tay phải vào cánh tay trái diễn tả sự từ bỏ những điều xấu ác. Sử dụng tay chân và những động tác cơ thể để suy nghiệm và tạo sự kích động trong buổi tranh luận.
Sau một năm, vị giáo thọ quyết định thầy Kusho đã có khả năng tham dự buổi tranh luận đầu tiên. Nghe điều này, thầy Kusho cảm thấy hoang mang lo lắng vô cùng. Thầy hồi hộp đứng thủ vai trò đặt câu hỏi trước các tăng sinh khác đang ngồi chờ phản biện. Đứng giữa đám đông, thầy lầm thầm cầu nguyện trong lòng, cố gắng làm sao để mọi người kể cả chính thầy không bị xấu hổ, mất mặt trong khi tiếng quát tháo, vỗ tay, dậm châm của buổi tranh luận bắt đầu. Đề tài cho buổi thảo luận hôm nay là Nhân Quả. Những tiếng quát tháo khiến thầy quên cả những gì đã học hỏi. Đầu thầy rỗng tuếch không còn một chữ. Các vị tăng lại nói quá nhanh khiến thầy không nghe kịp nói gì đến hiểu. Thầy lục tung trong đầu để nhớ lại từng chữ. Mặt thầy đỏ rần như chiếc tăng y thầy đang khoác trên người.
Đại sư Lati nhẹ nhàng trấn an người đệ tử: 'Con hãy cố gắng và bình tĩnh. Một ngày nào đó, con sẽ có nhiệm vụ hoằng dương giáo pháp của Đức Thế Tôn để lợi lạc chúng sinh.'
Buổi Đoàn Tụ.
Hai năm đã trôi qua. Thầy Kusho đã có thể nói tiếng Tây Tạng một cách thông thạo như tiếng mẹ đẻ. Bây giờ thầy không còn cảm thấy lo lắng ái ngại mà trở nên tự tin hơn. Thầy cũng bình tỉnh hơn khi tham dự các buổi tranh luận giáo lý với các tăng sinh huynh đệ.
Nhưng tu viện vẫn chưa là nhà của thầy. Trong lòng thầy vẫn âm thầm ray rứt nỗi nhớ nhà. Thầy vẫn chưa phá vỡ được sự ràng buộc của tình cảm gia đình. Thầy đang sống trong phiền não do Ái và Cầu. Ái biệt ly khổ và Cầu bất đắc khổ. Đau khổ vì phải sống xa người yêu thương và đau khổ vì sự mong cầu không đạt được. Đây là hai trong tám nỗi khổ của chúng sinh mà Đức Thế Tôn đã giảng dạy. Hai điều này còn nguy hại hơn cả lòng sân hận, vì chúng trói buộc con người trong kiếp sống thế gian, đời đời kiếp kiếp không thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử. Đức Phật đã dạy: 'Ta đã từng tiêu diệt tất cả các người. Các người đã từng sát hại ta trong bao nhiêu tiền kiếp. Chúng ta đã từng sát hại lẫn nhau như những kẻ thù. Tại sao chúng ta lại tự trói buộc lẫn nhau?'
Đức Phật đã so sánh tình cảm yêu thương thế gian này như món nợ ngân hàng. Nếu hằng tháng, chúng ta cứ trả dần, thì cuối cùng món nợ sẽ được thanh toán. Ngược lại, nếu chúng ta cứ chần chừ ngần ngại thì món nợ sẽ không bao giờ xong. Cũng giống như mộït người mang từng thùng nước muốn đổ đầy biển cả. Một công việc vô ích và không định hướng như thế sẽ không bao giờ kết thúc.
Thầy Kusho hiểu điều này, nhưng lòng thầy không sao ngăn được. Thầy đã cố gắng kềm chế sự náo nức cuộn dâng trong lòng khi thầy được phép về thăm nhà vào mùa hè năm 2001. Trong giấc ngủ thầy luôn mong được gặp lại gia đình. Thầy nôn nao với những ý tưởng trong kỳ viếng thăm này thầy sẽ là một đứa con ngoan và giúp đỡ gia đình thật nhiều. Thầy tự hứa sẽ không hề buồn giận hai chị em trong bất cứ điều gì. Thầy sẽ cố gắng làm họ vui lòng trong mọi trường hợp.
Lòng thầy choán ngợp vui mừng khi bước ra khỏi chiếc phi cơ tại Los Angeles. Cha mẹ thầy cũng vui mừng vô hạn khi gặp lại người con trai. Thầy đã khá cao nhưng hơi ốm. Khuôn mặt của thầy không còn nét bụ bẫm của một chú bé nữa. Hai gò má nhô cao trên khuôn mặt hình trái soan. Vùng xương hàm đã hiện rõ nét. Điều mà cha mẹ thầy chưa từng thấy trước đây. Nhưng nụ cười của thầy rạng rỡ hơn như phát xuất tận đáy lòng.
Chị Huyền anh Hỷ nghẹn ngào ôm chầm lấy thầy, rồi nhìn con trai trầm trồ sung sướng. Họ cảm thấy nhẹ nhỏm trong lòng. Thầy trông khỏe mạnh và rắn chắc.
Ở nhà, những con thú nhồi bông đã được thu dẹp. Những ngôi sao lân tinh trong phòng ngủ của thầy cũng được tháo gỡ. Một tấm hình thầy chụp chung với Đức Đạt Lai Lạt Ma được treo trang trọng nơi phòng khách. Cả nhà cùng ùa vào phòng bếp, để trao đổi những tin tức mới nhất trong sinh hoạt gia đình. Phòng mạch của nha sĩ Hỷ khá thành công, giờ đây nha sĩ có thể giúp đỡ bệnh nhân nghèo ở Long Beach nhiều hơn. Chị Huyền cũng vẫn lo công việc sổ sách văn phòng. Hàng ngày chị cũng vẫn thức giấc vào lúc 5 giờ sáng để ngồi thiền trong căn phòng kế phòng khách, và chị cũng vẫn chạy bộ 5 dặm mỗi ngày. Christine đang chuẩn bị tham dự tranh giải tennis cho trường Aliso Niguel. Cô em gái vẫn mong muốn trở thành một vị ni cô hoặc học lấy bằng bác sĩ để giúp đỡ anh. Connie đã ghi danh bầu cử với tư cách thành viên của Đảng Xanh (Green Party) và là một nhà hoạt động chính trị Ở đại học Cal State Long Beach. Cô cũng tham gia tổ chức hội nghị chống toàn cầu hóa, vận động giải phóng Tây Tạng và tố cáo những vi phạm nhân quyền của Trung Hoa trước cộng đồng thế giới.
Mọi việc cũng không thay đổi nhiều kể từ khi thầy sang Ấn Độ. Gia đình vẫn thường xuyên tham dự những buổi giảng pháp tại chùa Tây Tạng tại Long Beach. Họ vẫn là những đệ tử thân tín của Geshe-la, vị sư phụ tinh thần của thầy lúc bé. Ngày trước, thầy là người được mọi người chăm sóc. Bây giờ thầy luôn lo lắng chăm sóc từng người trong gia đình. Thầy pha trà, rửa chén đĩa, ân cần hỏi han từng người cần phụ giúp điều gì. Thầy sung sướng ăn uống thỏa thích những món ăn do mẹ nấu. Ý tưởng ở lại sống với gia đình êm ấm quả là một điều khó lòng kềm chế.
Để công việc tu học không bị gián đoạn, mỗi ngày thầy Kusho đều đến chùa Tây Tạng nghe Geshe-la giảng dạy. Ở chùa thầy được nhiều người đối xử khá đặc biệt. Gặp thầy họ cung kính cúi đầu chào như thầy thường chào sư phụ của mình. Họ đối xử với thầy như gặp một vị cao tăng. Điều này khiến thầy cảm thấy ngại ngùng. Thầy bảo họ không nên làm thế. Thầy không muốn mình già trước tuổi.
Thực tế là thầy vẫn còn nhiều việc để làm trước khi trở thành một luận sư như thầy từng mong ước. Mộït buổi tối thầy đang ăn tối với cha nơi bàn ăn. Cô em gái Christine bắt đầu chọc phá anh. Cô em đang chơi trò khiêu khích ông anh. Anh đánh trả lại đi. Thầy nghiêm mặt bảo cô em dừng lại. Nhưng Christine tiếp tục quấy phá ông anh một cách bướng bỉnh. Anh cứ đánh lại em đi. Thầy cố gắng kềm chế sự bực dọc trong người như thầy đã từng được khuyên dạy tại Ấn Độ. Bỗng Christine đấm một cú thật mạnh vào vai thầy. Thầy vùng đứng dậy đánh trả lại cô em gái một phát thật mạnh khiến Christine lảo đảo muốn té sấp xuống sàn nhà. Nha sĩ Hỷ hoảng hốt la lên: 'Này, này. Con đang làm cái gì vậy, hả?'
Thầy vội vàng bình tỉnh trở lại. Hối hận, thầy tự hỏi mình đang làm cái gì vậy. Thầy nhẹ nhàng xin lỗi em gái. Cảnh này xảy ra như thể một người đang mong muốn thân thiện dịu dàng với người mà mình luôn thương nhớ rồi bỗng dưng bị lôi tuột vào những thói quen cáu giận cố hữu. Thật là kỳ cục.
Ông ngoại cũng đến thăm thầy. Cụ Nam thân mật ngồi sát đứa cháu ngoại ân cần hỏi han tâm sự. Cụ đã cực lực phản đối ý định gởi thầy sang Ấn Độ tu học và cụ đang nôn nóng muốn tìm hiểu xem đứa cháu ngoại của cụ đã sống như thế nào trong thời gian qua.
Cụ Nam kể lại: 'Tôi hỏi cháu có thích trở về với gia đình không. Cháu không trả lời. Tôi bảo cháu không cần phải làm điều gì mà cháu không thích. Chỉ cần nói với cha mẹ là cháu muốn sống với gia đình. Cháu chỉ gật đầu và nói. 'Dạ. Ông ngoại. Dạ. Ông ngoại.'.'
Vào tháng chín, đến thời gian hết hè, thầy Kusho lại lên đường sang Ấn Độ.
Cuộc Đối Đầu
Vào tháng 12, anh chị Huyền Hỷ cùng hai cô con gái Connie và Christine đáp phi cơ sang tu viện Gaden để tìm hiểu xem thầy Kusho hội nhập vào cuộc sống mới như thế nào. Connie vẫn cương quyết phản đối như lúc đầu, sẽ cố gắng tìm hiểu và làm mọi điều qua những gì ông ngoại đang chờ đợi.
Trong chuyến viếng thăm này, gia đình mang cho thầy khá nhiều thực phẩm dinh dưỡng và những vật dụng linh tinh cần thiết. Kẹo chocolate, bột nấu canh, nho táo khô, cacao, xà bông, kẹo cao su, thuốc bổ, pin v.v... Đủ mọi thứ vật dụng trong khi thầy sống xa nhà. Nhưng cả gia đình ngạc nhiên khi thầy đem chia sẻ cùng bạn bè trong phòng. Thầy nói chuyện với họ bằng tiếng Tây Tạng một cách thông thạo, quen thuộc như thầy là một người Tây Tạng thực sự.
Connie tiếp chuyện với em trai trên sân thượng của căn nhà bốn tầng thầy đang ở. Đây là nơi thầy thường thơ thẩn vào những lúc rảnh rỗi. Đứng nơi đây thầy có thể nhìn toàn thể khuôn viên tu viện Gaden cùng những chỏm tháp bằng vàng trên nóc các tòa cao ốc chung quanh. Đây là một nơi lý tưởng để các tăng sinh đọc kinh và nghiên cứu giáo lý.
Connie muốn biết cậu em thực sự vui vẻ muốn sống ở đây. Connie đã hỏi thầy câu hỏi này hàng ngàn lần trước khi thầy sang Ấn Độ. Thầy luôn trả lời chị với sự im lặng khó hiểu. Lần này, Connie nhất định không để điều này xảy ra nữa. Cô sẽ bắt thầy phải trả lời rõ ràng dứt khoát.
Hai chị em ngồi yên lặng nơi sân thượng, nhìn những lá cờ cầu nguyện của Phật Giáo Tây Tạng bay phất phới trên nền trời xanh thẫm. Cả hai không nói một lời nào. Cảnh đất trời vùng sa mạc miền Nam Ấn như kéo dài đến vô tận.
Connie hỏi thầy: 'Em có thích sống ở đây không?'
Hỏi xong, Connie chờ câu trả lời. Thầy Kusho vẫn im lặng, chẳng nói một câu. Connie hỏi dồn:
-'Em có thích sống ở đây không? Em có muốn đi tu không hả?'
Vẫn sự im lặng cố hữu, thầy Kusho cũng chẳng động môi trả lời câu hỏi của chị.