Đoạn Kết

Buổi biểu diễn của Diệu Loan thành công vượt xa dự kiến.
Buổi biểu diễn được mở đầu với lời kể về cây Chò- Nghìn-tuổi bị chặt hạ và hình ảnh đó chỉ còn được lưu lại trong bức tranh cuối cùng của họa sĩ Phan Thạch, người đã truyền bí quyết nhạc lá cho cô bé Diệu Loan.
Rồi bức tranh cây Chò-nghìn-tuổi xuất hiện trên sân khấu. Diệu Loan cùng ba mươi em bé gái trai đến trước bức tranh hát lời khẩn cầu. Cây Chò trong tranh rung động tán lá. Những chiếc lá từ trong tranh tách ra rơi xuống lòng tay Diệu Loan và các em bé.
Nhạc lá của Diệu Loan nổi lên trên nền nhạc lá hòa tấu của ba mươi em bé.
Rồi xuất hiện Chíp Chiu, Nhót và Rắn. Rồi xuất hiện các bạn bướm các bạn chim của Diệu Loan từ rừng về, lần đầu tiên vào rạp hát hòa điệu múa ca.
Các sáng tác của Diệu Loan từ trước tới quay (đã được nhạc sĩ An Huỳnh phối âm hệ thống lại) lần lượt được trình diễn, khi bằng nhạc lá, khi bằng giọng ca chứa chan cảm xúc, vừa hồn nhiên vừa điêu luyện.
Xót thay bao rừng xanh...
Khi bài ca ấy cất lên, những người chai cứng nhất cũng quặn xé trong lòng với nỗi đau của rừng, của cây, của chồi, của nụ...
Buổi biểu diễn kết thúc với bài ca "Xanh xanh xanh..." dào dạt. Mọi người trong rạp đều đứng lên cùng hát, và lúc ấy rắn trườn lên quàng quanh vai Diệu Loan ngậm lấy chiếc mi-crô chĩa lại trước miệng cô khiến cả rạp sôi động như muốn vỡ.
Xanh xanh xanh, xanh xanh xanh.
Xanh núi xanh cây xanh trời xanh tuổi.
Tuổi xanh ta xanh mãi như rừng xanh xanh mãi.
Hồn ta xanh.
Đời ta xanh.
Xanh xanh xanh.
Ngàn ngàn xanh...
Tiếng ca truyền tỏa bốn phương, thấm tận đáy lòng mỗi người.
Ban đầu chỉ định tổ chức một đêm biểu diễn, sau phải kéo thành ba đêm mà người ta vẫn còn khao khát.
Sau đợt biểu diễn một hôm, Diệu Loan dậy sớm, đi dạo trong vườn. Tình cờ buồn tay bứt một chiếc lá đưa lên môi theo thói quen thổi thổi. Không ngờ nhạc ngân.
Loan bứt mấy chiếc lá ở mấy cây thổi tiếp, tất cả đều ngân nhạc. Loan chạy ra đường, bứt lá ở bờ cây ven đường thổi thử nữa, kết quả y như vậy. Tuyệt Vậy là mọi lá cây bình thường bấy lâu tắt nhạc nay đã có lại linh hồn, có lại âm nhạc như xưa kia. Loan vào nhà, đến trước bức tranh cây Chò-nghìn-tuổi chắp tay thì thầm lời cầu khẩn. Khấn đi khấn lại ba lần vẫn không thấy cây chò trong tranh cho lá. Cùng lúc, Loan nghe thấy vọng vào qua cửa sổ tiếng reo vi vút của ngàn thông bấy lâu tắt lịm nay đã hồi sinh.
Sự lạ ấy xảy ra vào đúng hôm Diệu Loan tiễn Phan Lữ ra đi. Lữ đi Xtốc-khôm thủ đô Thụy Điển dự một hội nghị về bảo vệ và khôi phục rừng. Trên đường ra sân bay, Loan kể cho Lữ nghe chuyện ấy. Mới đầu Lữ chưa dám tin. Loan phải bảo dừng xe cho Lữ xuống bứt lá ven đường thổi thử, anh mới thật tin..
Lữ đi rồi, Loan tiếp tục ngày ngày đi học ở nhạc viện.
Và, như thường lệ, sáng chủ nhật nào cô cũng vào rừng.
Vào buổi sáng chủ nhật sau hôm Lữ ra đi, Loan đến ngồi một mình trong ngôi nhà của họa sĩ Phan Thạch, lòng miên man nhớ ông. Và nhớ Lữ.
Loan vừa định thổi nhạc lá thì bên tai bỗng nghe tiếng nhạc lá từ xa, rất xa, vẳng tới. Loan biết đó là tiếng nhạc của ai rồi.
Tiếng nhạc từ Xtốc-khôm gửi về.
Tiếng nhạc ấy nói:
Loan ơi, anh yêu em!
Loan mỉm cười, đáp lại bằng tiếng nhạc của mình:
Lữ ơi, em yêu anh! Tất cả mọi chiếc lá trên khắp trái đất đều truyền đi cái thông điệp âm nhạc bí ẩn của hai người.

Đà Lạt sáng 11-5-1999.

Ngày Cu Boong tròn mười một tuổi.

Xem Tiếp: ----