5. Chiếc hộp ân tình
(Trích Tạp chí "Phật Giáo Việt Nam", tháng 10-2000, California, USA)

Tôi xin kể câu chuyện hộp bánh LU để làm rõ thêm ra sự thực tập này. Bánh bích quy hiệu LU, Lefevre Utile, là một thứ bánh ở Việt Nam ngày xưa coi như là bánh sang, nhập cảng từ nước Pháp. Hộp bánh LU rất đẹp. Có những cô thiếu nữ đem cất những lá thơ tình của người con trai mình yêu viết cho mình trong hộp bánh LU. Cô có nhỏ vào đấy một ít nước hoa và giữ gìn hộp bánh LU rất kín đáo. Có khi cha mẹ cũng không có cơ hội thấy được cái hộp bánh LU kỷ niệm ấy của các cô nữa. Ngày xưa không có điện thoại, vì vậy cho nên phương cách để cho hai người yêu liên lạc với nhau chỉ là viết thơ thôi. Viết thơ mà đôi khi cũng không gởi bằng nhà giây thép, tại vì nếu gởi nhà giây thép (nhà bưu điện) thì ông phát thơ có thể đưa tới cho mẹ mình. Rồi mẹ mình biết, và mẹ người kia biết. Thành ra đôi khi họ giả bộ mượn sách, cho nhau mượn sách và dấu thơ trong cuốn sách của mình. Những lá thơ đó, đọc xong mình không xé, mình muốn giữ kỹ.
Có một gia đình nọ, hai người lấy nhay vì tình yêu chớ không phải là vì cha mẹ bắt ép. Lúc mới cưới nhau, họ có hạnh phúc. Nhưng vì không biết tu tập chánh niệm nên sau một thời gian, họ gây nội kết cho nhau và làm khổ nhau. Nguời đàn bà mất hết sự tươi mát, người đàn ông mất hết sự dịu dàng và ngọt ngào. Hai vợ chồng sống không có hạnh phúc nữa. Sở dĩ họ còn sống với nhau là vì danh dự, có thể là tại vì sợ cha mẹ hai bên buồn. Ông ta không còn cảm thấy thoải mái khi sống gần bà vợ. Bà vợ cũng không cảm thấy thoải mái khi sống gần chồng. Hai người đi tìm những niềm vui riêng. Nếu những niềm vui ấy lành mạnh thì đở. Bà bỏ hết thì giờ để lo việc chùa hay lo việc xã hội... làm như là nếu không có bà thì nhà chùa sống không nổi! Ông thì lấy cớ là cần phải học thêm ngành chuyên môn nên cứ ở miết trong sở hay đi ghi tên lớp đêm để học thêm.
Có một bác sĩ cảm thấy không thoải mái khi về nhà, cho nên sau giờ làm việc ở phòng mạch xong, ông nấn ná thêm một vài giờ đồng hồ nữa để cứu xét hồ sơ của những bệnh nhân ngày mai. Về nhà không có hạnh phúc gì mấy. Thà rằng ngồi ở phòng mạch của mình làm việc mà khỏe hơn. Đó là một bi kịch. Bà vợ của ông có khi than: "Em cũng là một người bệnh nữa đây. Anh chẳng chăm sóc em gì cả. Anh chỉ chăm sóc hồ sơ của bệnh nhân anh thôi". Người vợ đau khổ và cũng muốn được coi như là một bệnh nhân. Câu nói đó chỉ chứng tỏ rằng anh ta không muốn về nhà mà thôi. Có người đã có bằng tiến sĩ rồi nhưng không muốn về nhà, cho nên đi học thêm một lớp ban đêm để có thêm một bằng tiến sĩ thứ hai. Không biết để làm gì? Có người tìm làm công việc xã hội, dạy văn hóa cho con nít ở khu phố trong khi con mình thì không hề để ý, vợ mình cũng không để ý. Cái đó gọi là trốn tránh. Người kia mất hết sự tươi mát rồi và mình tìm sự trốn chạy. Cả hai bên đều như vậy cả.
Một buổi sáng nọ, trong khi ông chồng đang ở trong sở thì bà vợ dọn lại cái tủ áo của mình, tủ áo có nhiều chiếc áo rất đẹp mà lâu nay bà không mặc. Bà còn giữ lại cái áo cưới ngày xưa. Trong khi lục tìm, không biết vì sao mà bà đụng tới cái hộp bánh LU. Rồi không biết buổi sáng đó ông bà dun dủi làm sao mà bà ta lại có ý muốn mở cái hộp bánh đó ra. Khi mở ra và nhìn thấy những lá thư thì bà cảm thấy rung động. Cả mười, mười mấy năm nay bà không nhìn thấy những lá thư đó. Thấy lại cái màu sắc của những lá thư, những nét chữ của anh chàng ngày xưa, tự nhiên có một cái gì như một giọt nước mát thấm vào trái tim của bà. Bao nhiêu quá khứ, bao nhiêu kỷ niệm hạnh phúc ngày xưa sống dậy. Bà đứng đó, rút một lá thư ra, và đọc. Trong khi đọc, bà tiếp xúc được với cái ngôn ngữ của anh chàng ngày xưa. Nguời gì mà nói năng, viết lách ngọt ngào làm sao. Tự nhiên hình ảnh ngày xưa của anh chàng hiện ra, rất tươi mát, đúng là vị hoàng tử của đời mình. Đọc xong lá thư đó tự nhiên bà thấy khỏe. Thấy dễ chịu. Bà bỏ lá thư ấy xuống, đọc thêm một lá nữa. Càng đọc bà càng thấy dễ chịu. Bà dẹp mấy cái áo vào tủ, không muốn sắp lại nữa. Lấy nguyên hộp LU để lên bàn, bà ngồi đọc. Bà ngồi đọc một mạch bốn chục lá thư, cái này sang cái khác. Đọc xong, bà xếp thư trở lại theo thứ tự ngày tháng như một trò chơi trẻ con vậy. Trong khi bà đọc những lá thư đó, những hạt giống của hạnh phúc, của thương yêu, của kỷ niệm được tưới tẩm. Và hình ảnh của chàng trai dễ mến ngày xưa hiện ra, rất kỳ lạ, giống như những hạt giống lâu nay chưa bao giờ được tuới tẩm.
Bà đâu có biết rằng bà đang thực tập đúng theo đường hướng Duy thức của Phật học. Thực tập đúng nghĩa là tưới tẩm những hạt giống của thương yêu, của hạnh phúc trong con người của mình. Ở đây một sự may mắn đã xảy ra cho bà thôi, chứ bà đâu có chú ý thực tập. Nếu còn giữ hộp bánh LU của mình, xin quý vị về thử rồi sẽ biết. Trong khi đọc thư, tâm hồn khô khan như sa mạc của bà có một trận mưa rào đi qua. Biết bao nhiêu hạt giống bừng nở lên. Bà thấy khỏe. Bảy tám năm nay, không bao giờ ông nói với bà bằng cái giọng ngọt ngào như vậy. Và bà quên, đã nghĩ không bao giờ người đàn ông lại có thể nói được những câu như vậy. Ông ta bây giờ lạnh lùng, khắt khe, không giống gì người con trai ngày xưa. Đọc lại những lá thư, hình ảnh tưởng đã chết rồi lại xuất hiện trong lòng mình. Thì ra hình ảnh ấy chưa bao giờ chết cả. Những hạt giống còn đó, không bao giờ chết hết.
Đọc xong thư bà thấy chuyển hóa. Bà nhìn vào bà và bà tự hỏi: một con trai dịu hiền, biết điều, tươi mát như vậy, mình đã làm ăn như thế nào để bây giờ người đó trở nên một người khắt khe và lạnh lùng thế kia? Tại sao? Ta đã có trách nhiệm nào trong việc làm cho anh chàng trở thành một người đàn ông khó chịu như ngày hôm nay? Bà có ý định sẽ ngồi xuống, lấy một tờ giấy và viết cho ông một lá thư, và nói ra những cảm nghĩ của mình trong khi đọc lại bao nhiêu lá thư đó. Bà tiếc cho cái hạnh phúc ngày xưa của mình. Hạnh phúc ấy ngày xưa đã có chứ không phải không có. Chính mình đã đánh mất nó. Cố nhiên là anh chàng có lỗi, nhưng lỗi phần mình cũng có rất nhiều trong đó. Không thể nói là mình không có lỗi được. Chưa kịp viết thư thì có điện thoại của ông ta gọi về. Ông nói là ông phải đi New York, chiều hôm nay không về nhà ăn cơm được. Bà biết đó là cái thói quen trốn chạy của ông. Về nhà đâu có hạnh phúc gì? "Ông chủ nói anh phải đi New York với ông, có thể là ở cả tuần bên đó." Ông cũng biết rằng bà không cần gì ông mấy. Chắc bà sẽ nói: "O.K, anh đi thì cứ đi". Nhưng lần này giọng bà trả lời hơi ngọt. Bà nói: "Anh cứ đi, cần thì anh đi. Nhưng xong công việc thì anh về với em." Bà đã nói như vậy. Ông cũng không có chánh niệm gì mấy và không để tâm tới giọng nói đã trở nên dịu dàng của bà. Trong bảy tám năm nay, giọng bà có khi rất chua chát. Từ một nàng tiên tươi mát, dịu hiền, bà đã trở thành một thứ bà chằng cho ông. Đặt ống điện thoại xuống, bà nghĩ rằng bây giờ nếu ngồi viết một lá thư cho ông sẽ là một niềm vui. Bà ngồi và viết lá thư đó. Bà viết như đã từng viết cho ông ngày xưa. Bà bắt đầu bằng ba chữ: "Anh yêu quý".