4. Thấy được cội nguồn
(Trích Tạp chí "Phật Giáo Việt Nam", tháng 10-2000, California, USA)

Tôi đề nghị với người thiếu phụ khoan trở về gặp mẹ. Tôi đề nghị với người đó tổ chức một tăng thân tu học, hoặc là gia nhập một tăng thân tươi mát để tu học. Mục đích là để cho người đó được sống trong khung cảnh chánh niệm, đi, đứng, nằm, ngồi trong chánh niệm để làm cho tinh lực chánh niệm lớn lên trong bản thân. Rồi tôi đề nghị người đó ghi lại những câu mà mình đã nói với mẹ và mẹ đã nói với mình trong buổi gặp mặt vừa rồi để quán chiếu: mẹ đã nói điều gì và mình đã nói những điều gì. Những điều gì mẹ nói đã làm cho mình đau khổ điên cuồng cho đến nỗi mình đã trả lời bằng những câu nói rất phũ phàng. Rồi mình quán chiếu. Phương pháp này gọi là trạch pháp.
Ví dụ mình quán chiếu vào một câu nói của mẹ. Câu nói đó có vẻ hết tình hết nghĩa quá đi. Nhưng mà mình phải đặt câu hỏi tại sao mẹ đã nói như vậy, động lực nào đã khiến cho bà nói như vậy? Những nguyên do nào, những gốc rễ nào đã đưa tới một câu nói như thế? Và mình ngồi quán chiếu, đi thiền hành mà quán chiếu. Một vài ngày sau, tự nhiên mình thấy, mình thấy được tại sao mẹ đã nói như vậy. Và mình cũng sẽ nói như vậy và bất cứ ai nếu đã đi qua những khổ đau như khổ đau của mẹ, những kinh nghiệm như kinh nghiệm của mẹ chắc cũng sẽ nói như vậy. Và khi thấy được điều đó tự nhiên ta hiểu được và cái hiểu đó đưa tới sự tha thứ.
Cái hiểu đó ở trong đạo Bụt gọi là Prajna hay là Bát Nhã. Có thể người kia đã không muốn nói, nhưng mà người đó đã nói. Một lực lượng ma quái gì ở trong họ bắt họ nói. Và mình phải thấy cho được cái lực lượng ma quái đó. Mà lực lượng ma quái đó là những nội kết, những khổ đau đã được gây ra trong quá khứ và mình đã chịu trách nhiệm một phần nào về cái quá khứ đó. Một khi đã thấy được như vậy rồi thì mình hiểu. Khi hiểu được rồi thì mình có thể tha thứ và cái giận của mình sẽ tan. Sau đó mình quán chiếu câu nói mà mình đã nói với mẹ. Câu nói nào đã làm cho mẹ nổi điên? Mình tự hỏi tại sao mình đã nói như vậy? Lúc ban đầu, mình đã đi tới với một tâm niệm thương yêu, hòa giải, mình đâu có muốn nói những câu nói như thế; nhưng mà tại sao mìng đã nói những câu nói đó? Quán chiếu một ngày hai ngày, ba ngày, đi thiền hành, sống trong tăng thân mình sẽ tìm hiểu, mình sẽ thấy được. Mình thấy tuy mình nói như vậy nhưng không phải chính mình nói mà là khối nội kết kia đã nói. Mà những khối nội kết ấy được gây ra như thế nào, với ai và bởi ai? Mình không lên án nhưng mình thấy rõ ràng, sở dĩ mình đã nói như vậy vì có những khối đau như vậy. Lúc đó, ta thấy những khối đau kia được tượng hình do những nguyên do nào và tự nhiên ta tha thứ cho chính ta, ta không có mặc cảm tội lỗi nữa. Ta nói rằng nếu mẹ ta đã sống qua những khổ đau của ta như vậy thì bà chắc cũng sẽ nói như vậy. Bất cứ ai sống qua những khổ đau và tức bực như mình thì chắc cũng sẽ nói như vậy. Thành ra mình tha thứ cho mình.
Hiểu được như vậy ta biết rằng từ nay trở đi ta sẽ không bao giờ để cho cái tâm của ta và để cho cái thân của ta bị trưng bày ra để cho những hạt giống nội kết kia được gieo trồng vào nữa. Trong quá khứ ta đã không giữ thân, giữ tâm của ta. Một miếng đất mà để phô bày ra như thế thì bất cứ hạt giống nào cũng rơi vào được, nhất là những hạt giống độc hại. Ta phải giữ thân ta, ta phải giữ tâm ta. Trong quá khứ ta đã không tu học, ta đã không biết giữ thân, giữ tâm để cho tâm ta xúc chạm vào những độc tố. Và bây giờ đây, ở trong một đại chúng tu học, ta phải biết giữ gìn để cho điều đó đừng tiếp diễn và ta để ta có cơ duyên chuyển hóa.
Khi mình bắt đầu hiểu được mình và hiểu được mẹ mình thì cái hiểu đó có thể biểu hiệu bằng ngôn ngữ. Mình ngồi xuống viết thơ. Mẹ ơi, sáng hôm nay sau khi đi thiền hành, con thấy rất nhiều điều ngộ nghĩnh. Con xin trình bày để mẹ thấy... Và người đó viết tất cả những gì mình đã thấy trong tâm của mình. Trong thời gian một giờ đồng hồ hay hai giờ đồng hồ viết lá thơ đó, người thiếu phụ tưới tẩm lại hạt giống hiểu biết và tha thứ của mình. Nghĩa là cô ta tiếp tục thực tập trong vòng một giờ hay hai giờ đồng hồ nữa cho vững chãi cái thấy vừa qua của cô ta. Viết xong lá thơ, người thiếu phụ thấy nhẹ hẳn người. Người thiếu phụ đó biết chắc rằng nếu mẹ đọc lá thơ này thì mẹ cũng sẽ khỏe. Người đó bỏ lá thơ vào trong phong bì và gởi về miền nam nước Pháp cho mẹ. Bà mẹ mở lá thơ ra đọc. Những lời, những ý và cái thấy của con gái mình giống như là một ngọn đuốc soi sáng những ngõ ngách trong tâm hồn mình. Mình thấy rằng tháng trước quả thật mình đã có nói những câu nói đó và những câu nói kia thật ra đã tuột khỏi miệng mình chứ mình không bao giờ muốn nói. Cái gì đã làm cho mình nói câu nói đó để làm cho nó nổi điên? Con gái mình đã quán chiếu, đã thấy và đã nói để nhờ mình xét lại coi thử có đúng hay không. Nó đã nói đúng. Nhưng nó chưa thấy được một vài điều ở trong tâm mình. Tuy nhiên trong mấy mươi phút đọc lá thơ này, bao nhiêu cái nút thắt ở trong lòng bà được mở ra. Những nội kết được tiêu tán là nhờ đọc lá thơ. Lá thơ đó là ánh sáng tuệ giác của đứa con gái chiếu vào trong nội tâm của mình. Lá thơ đó đã giải phóng cho đứa con nhưng cũng bắt đầu làm công việc giải phóng cho bà mẹ.
Tháng sau người con gái gởi thêm một lá thơ thứ hai. Cô ấy tiếp tục thực tập như vậy và sáu tháng sau, sau khi viết được sáu lá thơ, cô gái thấy trong người khỏe hẳn. Cô có cảm tưởng là có thể về gặp mẹ mà không còn sợ nguy hiểm. Lúc đó, sự gặp gỡ có thể không tạo ra chiến tranh nữa vì cô gái đã được thực tập trong sáu tháng, đã biết thở, biết đi, biết mĩm cười, đã nhìn, đã hiểu và vì vậy nên cô có nhiều tự do. Cô không còn bị nô lệ cho cái khối đau trong lòng mình nữa và vì vậy công tác hóa giải của cô kỳ này có thể đem tới kết quả. Người thông minh tự vạch cho mình một con đường thực tập. Người thông minh biết rằng trong khi ta đau khổ, người kia cũng đau khổ. Chắc chắn là cả hai người đều phải thực tập. Có thể chúng ta nên thực tập chung và thực tập cùng một pháp môn. Có thể chúng ta nên cùng thực tập tại một nơi hay chúng ta nên xa nhau trong một thời gian để thực tập. Nếu thực tập ở một nơi, có thể là chúng ta cùng thực tập tịnh khẩu đồng thời với nhau, mà trong trường hợp đó thì không cần phải xa nhau.
Chúng ta không hối hả, không gấp gáp về chuyện hòa giải, tại vì nếu không có yếu tố và điều kiện của hòa giải thì dầu có ý chí hòa giải, chúng ta cũng không đi đến đâu. Có nhiều cuộc hòa đàm kéo dài từ năm này sang năm khác mà không bao giờ đem tới hòa bình cả. Vừa đánh vừa đàm. Tiếng Hoa gọi là "đả đả đàm đàm". Thương thuyết thì thương thuyết, đánh thì cứ đánh. Vì vậy cho nên có những cuộc thương thuyết hòa bình kéo dài tới ba năm, năm năm, mười năm. Chúng ta nên biết rằng giữa nước Pháp và nước Anh có một trận chiến tranh kéo dài tới một trăm năm, La guerre de cent ans. Và chính tới bây giờ người Pháp cũng còn có nội kết với người Anh và người Anh cũng có nội kết với người Pháp. Nội kết giữa người Pháp với người Đức đã được hòa giải cũng khá nhiều, nhưng nội kết giữa người Pháp và người Anh cũng đang còn.
Tu tập, chúng ta phải nhìn vào tâm của chúng ta và tâm của người kia để thấy được những hạt giống của khổ đau, của nội kết trong tâm ta và trong tâm người kia. Đừng bao giờ nói rằng ta là người đau khổ duy nhất và người kia chỉ làm ta đau khổ thôi. Người kia thật ra cũng đau khổ lắm. Và chính ta cũng chịu trách nhiệm một phần trong cái sự đau khổ của người kia. Người kia đau khổ có thể là vì trong quá khứ, hồi còn thơ ấu, người đó đã tiếp nhận những hạt giống nội kết. Nhưng nếu chúng ta tươi mát, khéo léo, có nhiều thương yêu thì chúng ta đã giúp được người đó hóa giải bớt rồi. Đằng này người đó đã không bớt. Và vì vậy cho nên chúng ta biết chúng ta chưa phải là một người anh tốt, chưa phải là một người bạn tốt, chưa phải là một người chị tốt đối với người kia. Và chúng ta đã chịu trách nhiệm một phần nào. Vấn đề không phải là vấn đề trách móc. Trách móc không phải là giải pháp. Trong bài Sám nguyện, chúng ta đọc:
Lý luận xong rồi trách móc,
Mỗi ngày mỗi chuốc khổ đau
Chia cách hố kia càng rộng
Có ngày không nói với nhau
Cũng không muốn nhìn thấy mặt
Gây nên nội kết dài lâu...
Đó là sự thật!