Chương 7

Người đàn ông ngồi bên tôi bỗng ngáp rất to. Ông ta không buồn giơ tay che miệng, rồi nhắm mắt lại, ông ta gối đầu lên chiếc áo va rơi vắt trên thành ghế mà ngủ. Tàu đang chạy qua 1 một thị trấn không tên. Chỉ có vài ba dãy phố, với cây cầu ngắn. Con sông nhỏ như 1 lạch suối, mất hút trong bóng đêm. Đám cỏ ven bờ in xuống những vệt đen ngoằn ngoèo. Lát sau, con tàu đã bỏ lại ngọn đèn cuối cùng của dãy phố xép. 2 bên đường ray, lại là những cánh đồng phẳng lặng, trải dưới ánh bạc của tinh tú. Giống 1 vùng biển nhợt nhạt. Biển u buồn. Phong cảnh nào rồi cuối cùng cũng đến như nhau. Cái đông đầu tiên trên đất Nga tôi đã đứng 6 giờ đồng hồ liền bên khung cửa sổ nhìn tuyết rơi. Trời rét. Nhưng các tấm cửa kính trong suốt, tôi dán mắt vào đó, nhìn 1 thế giới của hoa phù dung bay lượn, tuôn chảy, làm ngập mặt đất bằng sắc trắng tinh khiết và lạnh lẽo, làm cho những tâm hồn trở nên e ngại và mềm yếu, làm cho những cơn cuồng vọng của con người nguội bớt, cô đặc lại, được lọc cho tinh sạch hơn. Trong khi đó, nắng như bay cao lên, sáng nhẹ, rực rỡ như vàng lỏng, chói lói và mỏng manh như giấc mơ thời thơ ấu. Khung cảnh ấy làm tim tôi đau nhói. Cái gì thái quá cũng làm con người đau. Hồi nhỏ, tôi đã trải qua cơn đau ấy 1 lần. Ngày đó, mẹ tôi đưa tôi đi lễ ở Côn Sơn. Trên đường về, xe vòng qua Bãi Cháy. Tôi ngồi ngủ gà ngủ gật trong tay mẹ. Chợt ôtô đỗ, và 1 giọng nói vang bên tai:
- Tỉnh dậy đi em, tới nơi rồi.
Tôi dụi mắt, choàng dây. Ngay tức khắc, vịnh Hạ Long hiện ra. Biển lặng trong sương, không 1 gợn sóng xao, không 1 cánh buồm, không tiếng rì rào của cây lá, không tiếng thì thầm của sóng nước. Sự im lặng không cùng ngưng đọng trong không gian màu lam. Những trái núi giống những thỏi mực đen in xuống mặt nước. Chúng giấu trong nỗi trầm mặc đen của chúng muôn ngàn huyền thoại, những uẩn khúc lịch sử, những chứng tích câm lặng u uất, những châu báu ngà ngọc bị chôn vùi. Các vòm cửa hang ngó nhìn cõi đời với con mắt chột độc địa. Trong mỗi con mắt ấy, lưu trữ 1 ngàn hình ảnh của các anh hùng đã tử vong, của các trí nhân bị ám hại, của các tên cướp sống cuộc đời hoang dã sầu thảm. Nơi chân trời, bị phân cách bởi các trái núi cô lẻ, làn mây ngọc thạch vắt ngang. Ấy là màu mây của buổi lê minh. Tôi nhìn mãi làm mây đó, như 1 chiếc vòng ngọc khổng lồ ai ném xuống thế gian. Màu xanh lá non trộn lẫm màu khói, được lọc bởi ánh trời, đẹp như thế chỉ có 1 lần trong vũ trụ. Phải, chính vì cảm nhận vẻ đẹp ấy, trái tim non nớt của tôi đã đau, dù tôi chẳng hiểu duyên cớ.
Bây giờ lại tuyết trắng xứ người. Cái đẹp không có biên giới, cái đẹp thống trị với quyền uy như nhau. Xứ người, tuyết trắng bay như thể có 1 trời hoa phù dung đổ xuống. Nhưng rồi, sau lưng tôi có tiếng kêu ré lên:
- Đứa nào lấy cái đầu máy khâu của tao dưới gầm giường?
Tôi giật mình quay lại. Cô ta nhớn nhác đưa mắt nhìn khắp lượt bọn tôi. Tôi, đứng bên cửa sổ. 2 cô khác đang trùm chăn trên giường. Cô nào cô nấy tung chăn thò đầu ra:
- Vớ vẩn, đầu máy khâu nào?
- Đầu máy khâu 69 rúp, thằng cháu tao ở Kháckốp vừa gửi hôm qua. Lúc ấy, tụi mày đi xuống cửa hàng bánh mì.
- Làm sao chúng tao biết được?
- Nhưng cả phòng chỉ có 4 đứa mình. Chẳng lẽ...
Cô ta nói, và mặt đỏ lên. Có lẽ vì lo, vì tức, cả vì xấu hổ, tôi bảo:
- Sáng nay bọn mình làm bún ăn chung. Chiều qua, mày tiếp khách ở nhà, chúng tao đi cửa hàng, rồi về xem xiếc. 9 rưỡi tối mới ăn cơm. Chẳng có ai kịp biết mày có máy khâu và để đâu hết.
Mặt cô ta đỏ hơn lên, gần như người mắc chứng xung huyết. Rồi, cô ta phân bua:
- Rõ ràng tay tao cất chiếc đầu máy khâu dưới gầm giường. Trước khi cất, tao còn kiểm tra hộp phụ. Lại phủ tấm vải sơn hoa tím cũ lên trên. Tấm vải bọn mày vẫn trải bàn ăn năm ngoái.
1 trong 2 cô nằm trên giường tức giận, quát lên:
- Phủ vải sơn hay vải trắng thì kệ xác mày. Chúng tao biết đâu được.
Mặt cô ta từ tím đỏ chuyển sang xanh tái, 2 tay đặt trên mép bàn bắt đầu run:
- Chúng mày đừng ức hiếp tao. Chỉ có chúng mày cùng ở trong phòng này, làm sao mà chiếc đầu máy khâu biến mất. Chẳng lẽ nó mọc cánh bay qua cửa sổ?
Cả 2 cô nằm trên giường đều tung chăn, ngồi nhỏm dậy:
- Vậy mày nghi chúng tao lấy, phải không?
Mắt họ lóe lên như lửa đạn. Cô ta hoảng sợ, lùi lại, lắp bắp:
- Không nghi, không... nhưng cái đầu máy của tao... rõ ràng tay tao cất trong phòng này.
Nước mắt lăn xuống 2 gò má. Cánh mũi rung rung. Cô ta đưa tay quệt nước mắt. Những giọt lệ loang qua sống mũi tẹt. Tôi bỗng thấy mủi lòng. Tôi bảo 2 cô bạn đang ngồi chòm hỏm trên giường, mắt long như hổ dữ:
- Bình tĩnh, đừng có ấm lên. Phòng bên cạnh nghe thấy thì xấu hổ. Bây giờ tất cả đứng dậy, mặc áo ấm vào giúp nó tìm kỹ xem sao? Căn phòng này có rộng lớn gì đâu. Kể cả khu phụ nữa, chỉ nửa giờ là xong hết.
2 cô bạn cũng nể tôi, họ mặc áo khoác, và chúng tôi bắt đầu lục từng gầm giường lên. Hết trong phòng tới bếp. Mới chỉ 10 phút sau, 1 cô đã kêu như thét:
- Đây rồi.
Cô lôi chiếc đầu máy khâu trong ngăn cuối của chiếc tủ đựng bát đĩa ra. Ngăn ấy là ngăn lớn nhất, thường để cất các gói mì. gói gạo, khoai tây, hành tỏi khô và đồ gia vị chưa dùng tới. Chắc cô ta đã tự tay lôi chiếc máy khâu dưới gầm giường dúi vào đây, dùng những túi gạo túi mì lấp lên trên, rồi cuối cùng lại quên mất. Bà hàng xóm nhà tôi ở cái xóm thợ ngoại ô, một người đã ngoại 50, chuyên sống bằng nghề bán sách báo cũ cũng có thói cất dấu như thế. Thỉnh thoảng, lại nghe ông chồng bà ta chửi 1 trận vì tội tìm 1 gói chè mốc nhét giữa đám quần áo cũ, 1 cân đường dấu dưới đáy thùng mì chảy đến ăn rỉ cả lớp vỏ thùng, hoặc 1 gói mứt sen để từ Tết năm này qua Tết năm sau ở giữa những vỏ hộp bánh mốc. Thói quen ấy xuất phát từ cuộc sống quá cơ cực, khiến con người nhiễm thói bần tiện và gian dối. Khởi đầu, có thể nó có ý nghĩa như sự cơ chỉ. Sau rồi nó trở thành sự vụng trộm 1 cách vị kỷ và làm họ hóa thành hèn mọn, nhục nhã.
- Cái gì đây?
Cô bạn tìm thấy chiếc đầu máy khâu đã hét to lên, cầm cả khối kim loại mặng mấy chục cân sát vào mặt cô ta.
- Mở mắt ra mà nhìn. Có phải chính nó đây không?
Cô ta đứng sát cái bàn ăn, 2 tay buông thõng xuống. Đôi cắp cụp mi, nhìn như đóng đinh vào lớp ván gỗ lát sàn. Cái mũi tẹt lúc ấy trông càng thêm tẹt. 1 người phụ nữ có thể xấu, nhưng không nên hèn. Nếu đã xấu, lại cộng thêm tính hèn, thì vẻ khó coi của dung mạo sẽ tăng lên theo cấp số nhân. Không hiểu vì đâu, mà 1 cô gái 21 tuổi đã nhiễm thó quen tồi tệ ấy. Tôi bảo cô bạn:
- Thôi, thôi.
Cô ta gắt lại:
- Nhưng ức lắm, không chịu được. Mà tất cả ở lỗi mày. Ngay hồi đầu, chúng tao có muốn nhận nó về phòng đâu? Những đứa khác cũng không chịu ở chung với nó. Chẳng ai muốn rước cái của nợ ấy. Chỉ có mày.
Tôi cầm tay cô bạn:
- Thôi đừng to tiếng nữa. Đằng nào chuyện cũng qua rồi mà.
Cô bạn tôi ném thịch cái đầu máy khâu xuống, ngồi xuống ghế thở hổn hển. Còn cô ta, cô ta vẫn đứng bên mép bàn, móng tay cạo lớp sơn màu xanh nhạt đã loang lổ. Những giọt nước mắt bẩn chạy trên 2 gò má to và bẹt, rồi chúng lan xuống cái chỏm mũi. Trán cô ta thấp, 1 đám tóc đen ăn lan xuống bên thái dương trái khiến nó lệch lạc. 1 mụn ruồi nhỏ nằm ngang chính giữa sơn căn. Ở với nhau gần 2 năm, đây là lần đầu tiên tôi ngắm gương mặt cô ta kỹ lưỡng.
Chúng tôi trở về phòng, bỏ mặc cô ta với chiếc máy khâu trong phòng ăn, giữa các túi gạo, túi mì ngổn ngang. 1 cô bạn tôi lại chui vào chăn ngủ. Cô kia chải tóc, chuẩn bị ra phố. Tôi ra đứng bên cửa sổ. Tuyết vẫn rơi bên ngoài. cơn giông tố của 1 vẻ đẹp thuần khiết và huy hoàng vẫn trút xuống. Những làn sóng mỹ cảm ngây ngất vẫn lan truyền trong không gian. Nhưng tôi trở nên đờ dại. Tôi quay vào, ngồi trước bàn. 1 cuốn sách để ngỏ với mấy cái lô cuốn tóc. Những dòng chữ sắc nét, in bằng thứ mực đen nhánh trên giấy trắng tinh. Tôi nhìn những dòng chữ, mà không thấy gì cả. Lần đầu tiên trong đời, tôi hiểu rằng, cho tới lúc nào đó, có những điều thiêng liêng cao cả, tươi đẹp bỗng tan biến như làn khói. Các giá trị mà suốt cuộc đời con người thờ phụng và theo đuổi tới 1 khoảnh khắc thức tỉnh, trở nên hèn mọn, xoàng xĩnh. Khoảnh khắc ấy thật đáng sợ. Khoảnh khắc ấy thật khủng khiếp. Nhưng, không tránh được...