Chương 11

Người đàn ông bên cạnh đập vào vai tôi.
- Này cô bé.
Tôi choàng dậy. Tôi vừa chìm vào giấc mộng của những cơn hồi tưởng. Người đồng hành cười. Những chiếc răng bạc của ông ta lại sáng lên trong bóng tối:
- Không có gì đắp hay sao?
Tôi nhận thấy tôi đã co quắp và rúc vào vai ông ta trên đoạn đường vừa qua. Tôi xấu hổ, lúng búng xin lỗi. Người đàn ông lắc đầu:
- Không sao, cô bé ạ. Tôi có thể cho cô mượn tấm áo varơi của tôi.
Tôi đáp:
- Cám ơn ông. Tôi có mang khăn theo.
Tôi mở túi, lấy tấm khăn của bà Vêra. Người đồng hành nhún vai, ồ lên một tiếng thán phục. Bà Vêra nói đúng. Đêm lạnh, và tấm khăn len mênh mông của bà thật là một cái tổ chim lý tưởng cho chim trú rét. Tôi choàng tấm khăn của người đàn bà cô đơn thấy hơi ấm tỏa toàn thân. Thật dễ chịu. Tàu vẫn đang chạy. Bên ngoài, cảnh sắc mờ ảo như một bức tranh của Jôn Oátsten một họa sĩ vô danh tiểu tốt tôi gặp trên bãi biển Crimê. Jôn Oátsten gốc Anh. Dù đã ở Tây Ban Nha nhiều năm, anh ta vẫn mang trong mình dòng máu sương mù xứ sở. Tranh của Jôn là những cơn hoang tưởng trộn lẫn sương mù. Mọi thứ màu sắc của anh đều bị sương mù phủ lên, như nhựa dính, như nỗi ám ảnh không có cơ suy giảm. Cường độ nỗi ám ảnh sương mùa càng ngày càng mạnh hơn, điên khùng hơn trong những bức tranh của Jôn. Anh ta đã cho tôi xem tới trên một ngàn bức sơn dầu
và phấn màu. Với địa chỉ và thời gian ghi dưới các tấm tranh, tôi biết càng ngày, Jôn Oátsten càng rời xa quê hương, dấn thân vào xứ sở của mặt trời. Nào Angiê, Los Angeles, Cairô, nào Tân Đêli, Bombay, nào những thành phố mới của Úc Châu cuồng phóng. Thật lạ, càng xa quê hương, nỗi nhớ quê hương cần ám ảnh. Càng lãng quên sương mù, sương mù càng trở thành một xúc cảm có tính toàn năng chi phối người nghệ sĩ. Có lẽ, nếu Jôn đã là danh họa, anh ta sẽ chẳng bao giờ trò chuyện với tôi, một người con gái bình thường trên bãi biển Crimê ồn ào có hằng hà sa số mỹ nhân. Nhưng cũng chính vì anh ta chỉ là một họa sĩ vô danh, tôi mới tìm thấy ở anh ta sự quyết liệt của khát vọng, và nguồn cảm xúc dồi dào, đôi lúc có khuynh hướng bội phát chỉ có ở đoạn đời trước của con người.
- Tại sao?...
Jôn nhún vai, anh ta nói tiếng Nga tồi, không mạch lạc. Cái mũi tróc da của anh ta đỏ ửng, nối trên những đám da chưa kịp tróc rám đen. Jôn tới thành phố Crimê để vẽ. Thuộc loại khách châu Âu không nhiều tiền. Một chàng trai xấu xí và cô độc. Các cô chiêu đãi viên xinh đẹp nhất, có giá nhất trong các khách sạn và các restaurant không quan tâm tới anh. Jôn nhắc lại.
- Tại sao cơ? Tôi không hiểu. Đã 12 năm tôi chưa trở về Anh. Gia đình tôi có một chuyện gì đó không thuộc loại chuyện vui vẻ. Vì thế, tôi cứ đi mãi. Khi nào, nhờ đám họa sĩ đàn anh, tôi bán được vài bức tranh, thì tôi tích trữ toan, cọ vẽ, và các loại màu. Sau đó tôi tiêu xài xa xỉ một chút. Nếu không, tôi sống với đồng tiền lợi tức của tôi.
Anh ta ngừng lại, để đưa chai nước suối lên tu. Suốt một tuần ở bãi bể Crimê, quên Jôn, tôi chỉ thấy anh ta uống nước khoáng. Sau đó, Jôn lăn cái vỏ chai rỗng lên cát, và nói tiếp:
- Đã 12 năm tôi không giáp mặt với sương mù xứ sở, nhưng tôi thấy nó ngày ngày. Như nó tẩm ướt tóc tôi, như nó phả vào hai lỗ mũi tôi buốt giá, nhưng nó chạm vào làn da tôi. Sớm nay cũng vậy, khi tôi từ trên giường bước xuống, tôi cũng bước trong lớp mù sương ấy, lạnh và ẩm ướt, và màu xám nhẹ, như có ai tung lớp bột mịn trong không gia.
Jôn nhắm mắt lại. Ánh nắng chói như lửa của Crimê chiếu vào mặt anh. Nhưng tôi biết tất cả những điều Jôn nói là hoàn toàn đúng.
Vâng, đôi khi người ta không lý giải được một ẩn ức ở trong mình. Nó tồn tại bởi một sức mạnh khác, một sức mạnh vô hình, không thể nắm bắt... Sương mù trong những bức tranh của Jôn Oátsten khiến tôi nhớ tới cảnh một ao bèo. Thật là một liên tưởng kì quái. Nhưng có thực. Sao tôi không nhớ tới cánh đồng xanh khoáng đạt, với những con diều bay lượn trên cao? Sao tôi không nhớ tới đồng lúa chín, với các chân ruộng bậc thang đậm nhạt pha sắc, vì hình ảnh ấy thanh nhã. Sao tôi không nhớ tới những thành phố trắng của miền Trung với các bãi biển mơ màng: nào Nha Trang, nào Mỹ Khê, nào Đại Lãnh... Sao tôi không nhớ tới con đường cheo leo lên Tây Bắc, vào một ngày xuân, trước khi bước vào trường đại học, tôi đã theo bạn bè tham dự cuộc rong chơi. Con đường ấy lượn quanh co giữa các vách núi và vực thẳm, tựa sợi dây đàn căng ra trong cơn hứng khởi trước vẻ đẹp và hiểm nguy. Những rừng ban trắng, ban tím trùng địp nở, như thánh thần, trong phút quên lãng, đã buông thả bao nhiêu giấc mộng đẹp cho con người. Biển hoa trắng ngần, tung trên đỉnh núi và rừng cây, như tuyết đọng. Rồi vào sâu hơn nữa, với những rừng ban tím nhẹ, người ta có cảm giác mây hoàng hôn quần tụ lại, và choàng trên núi rừng tấm khăn choàng mỏng manh, lộng lẫy, khiến trái tim con người lo âu, ngột ngạt vì e ngại vẻ đẹp thần tiên kia sẽ tan biến trong thời khắc.
Nhiều cảnh trí đã ghi dấu quyền uy của cái đẹp. Nhưng không hiểu sao, như Jôn Oátsten đã nhớ tới sương mù, tôi luôn bị ám ảnh bởi một ao bèo. Một cái ao bèo tầm thường như bất kì ai trong chúng ta đã từng nhìn thấy, và hờ hững bước qua. Giữa vùng quê, nơi tiếng còi ôtô hoặc còi tàu hỏa vẳng tới như ảo giác. Nơi mà người đàn bà trẻ có thể chắp tay lạy đức ông chồng như nô tì lạy chủ nô, và gã có thể lấy đòn gánh phang vợ vì tội đã trái lời gã, dám cho người bà con vay dăm gánh thóc hoặc vài nghìn viên gạch. Và những điều đó xảy ra ngay trong thập kỷ 80 này.
Hồi nhỏ, có lần, theo mẹ tôi đến một làng ngoại ô, tôi thấy một bà già ngồi vo gạo trên cầu ao. Ao rộng, nước trong, góc bên kia, lênh đênh dám bèo Nhật Bản. Trên đám bèo xanh, xòe những bông hoa tím nhạt. Giống nụ cười bí ẩn của người đàn bà đẹp trên một gương mặt hứa hẹn niềm yêu. Tôi ngắm mãi.
Bà già vo gạo xong, vỗ rá, rồi khỏa chân rửa. Mặt ao sóng sánh. Đám bèo Nhật Bản cũng sóng sánh theo, Và những bông hoa tím như thể thẫm lại trong cơn chao đảo. BÀ già ngẩng lên:
- Mẹ con bác hỏi nhà ai?
Mẹ tôi cười:
- Cháu tới nhà cô Lài. Nhưng con bé thích đám hoa bèo, đòi xem.
Bà già cười:
- Lạ lùng gì thứ hoa bèo cơ chứ.
Sau này, khi trở về quê, tôi nhiều lần đứng ngắm những ao bèo khác. Những chiếc ao thật sự của vùng quê thật sự. Những chiếc ao tù hãm, mặt nước nổi bọt vì chất thối rữa, các loại rong tảo nảy nở đến nỗi nước không còn trong và loãng mà trở nên nhớt nhát như một thứ dầu. Những chiếc ao vây bọc bởi các ngôi nhà chen chúc, những khu vườn bị phân cắt, những chuồng tiêu hôi thối dưới nắng hè. Mùi bèo, mùi cỏ dại, mùi đám rong đuôi chó, rong chùm bị phơi héo trên bờ, mùi bùn, mùi ếch nhái chết. Những con cá cờ bị lũ trẻ ném lên khô cong khô nỏ, vây sạm đen. Và trong cái khung cảnh ngột ngạt ấy, những cành hoa tím điểm trên nền xanh giống như một thứ độc dược, một vẻ đẹp của xú ếu, sự tô đỉm cho một đời sống thiếu sinh khí, không cởi mở và tăng trưởng. Trời chiều, mặt trời ném xuống các vũng ao một bát tiết đỏ lòe, nhếnh nhoáng như rượu hòa máu con vật bị đâm chết trong những ngày đình đám. Và trời lặng gió, không khí như ngưng đọng trong oi ả của mệt mỏi và đợi chờ. Và tiếng kêu của một con cuốc ném từng nhát vào tĩnh lặng. Và người ta lắng nghe, lắng nghe, vớt tìm tiếng còi tàu nơi xa. Màu tím đã trở thành ám ảnh. Niềm vui thơ ấu, nỗi khắc khoái của tuổi thanh niên. Cùng một lúc, nó là hạt sương sớm trong lành, là độc tố của nỗi sầu không thể cắt nghĩa...