Hồi 2

Nàng lại đưa mắt nhìn hắn rồi thở dài:
- Phi Yến, tự nhiên ta thấy yêu quý nàng quá! Sự sắp đặt của ta, một mặt chính là vì ta, đồng thời, ta cũng vì nàng nữa. Giả dụ, nay nàng có được tiến vào cung đi nữa thì tương lai biến chuyển ra sao cũng không thể định liệu trước được.
Vấn đề Trương Phóng đưa Phi Yến vào cung, đầy rẫy những mâu thuẫn, lại nửa mừng nửa lo. Nhưng với Phi Yến, hẳn cũng không thể không nói ra như vậy được.
- Ủa.
Nàng quay người lại, chăm chú nhìn Trương Phóng từ từ thở một hơi dài cay đắng, hai tay ôm đầu gối: - Trương công tử, em biết rồi. Nhưng em nghĩ rằng em với ngài là một kia!
Trong phút buồn thương, Trương Phóng cúi thấp người xuống, trán của hắn cùng chạm với trán của nàng.
Triệu Phi Yến từ từ nhắm mắt lại, Trương Phóng như người cùng cơn mộng, khe khẽ gọi tên nàng.
Rất lâu, rất lâu, hắn cảm thấy sự thôi thúc của tình yêu. Ðó là sự giăng mắc, đồng lõa với nhau thậm chí là cùng dựa dẫm vào nhau.
Hắn theo bản năng ghì chặt lấy Phi Yến.
- Phi Yến, sự tình vẫn chưa đến kết thúc cuối cùng đâu, có thể...
Nàng bịt chặt miệng hắn, bồng bột nói:
- Không nên nói đến chuyện mai sau, Trương công tử, hãy cho em biết ngay bây giờ đi. Em sẽ làm theo cách của ngài. Tuy vậy, bản thân em rất không muốn vào cung chút nào.
Nàng dừng lại một lát, hai tay ôm lấy vai hắn:
- Em vì chàng mà dấn thân. Trương công tử, em cũng sẽ mãi mãi nhớ đến chàng.
- Phi Yến!
- Khi còn ở phủ đệ của công chúa Dương A, chàng đối xử với em thật tốt.
Má nàng áp vào má hắn:
- Trương công tử, chàng là người đàn ông thứ nhất đã đem đến sự ấm áp cho em.
Ðó là nỗi đắng cay, tình yêu không có tiền đồ, nhưng nàng Triệu Phi Yến tuyệt thế giai nhân đã uống cạn giọt rượu đắng tình yêu của nhân loại tối sơ.
Trương Phóng đi rồi, nàng đem câu chuyện gặp gỡ ấy nói cho cô em biết.
Triệu Hợp Ðức vẫn còn là một cô gái vị thành niên, nhưng về mặt suy nghĩ thì lại vượt hẳn sức phân tích và nhận thức của lứa tuổi mình. Khi được báo cho biết, cô ta cảm thấy lạ lùng cho cái ông khách Trương đại nhân kia, liền nháy mắt hỏi:
- Chị ơi, người đó, có phải là hoàng đế không? Thường thì vua chúa không thể cứ ra khỏi cung tùy tiện như thế được đâu ạ.
- Ðêm qua em nghe họ nói riêng với nhau...
- Em chỉ lõm bõm một vài câu thôi, nghe trong giọng nói của Trương công tử thì biết rằng cái nhà ông Trương đại nhân kia là có địa vị.
Hợp Ðức thì thầm có vẻ chắc chắn; rồi sau đó, lại lộ ra vẻ tươi cười:
- Chị ơi, nếu quả thật như thế, đối với chị thì tốt quá đi chứ! Chúng ta xuất thân từ trong cảnh bần cùng, hèn mọn. Phúc may mà được vời vào cung thì quá tốt, nếu có gì không như ý thì cũng có thể trở về như cũ thôi.
- Hợp Ðức này, trong hoàng cung có đến mấy nghìn cô gái, thêm một mình chị vào nữa, khác nào ném một hòn đá xuống hồ, có nên trò trống gì.
- Chị ơi. Việc là ở con người! Chỉ cần cố gắng, tại sao lại không được nhỉ? Theo em thì hoàng đế hình như muốn đưa chị vào cung, với chị, đương nhiên là đã được lọt vào mắt xanh của ngài rồi đấy. Rồi từ bước đầu đó, biết đâu là sẽ giành được sự sủng ái của vua.
Hợp Ðức cười ranh mãnh:
- Chị ơi, đêm qua, chị rất thành công.
- Chị mệt quá đến đứt hơi rồi đấy.
Triệu Phi Yến thở dài:
- Nếu cứ kéo dài thế này mãi chị sẽ đến suy sụp mất thôi. Hợp Ðức, tuổi của chị em mình còn trẻ nhưng từng trải của chúng ta lại chẳng thua kém gì ai hết! Khi còn ở làng...
- Chị ơi, đến nay, chúng ta chỉ mới đi được nửa đường, nếu như không chịu gắng sức thêm nữa thì rồi cả hai chị em mình sẽ rơi xuống vũng bùn mất thôi.
- Trương công tử làm chị hận quá.
- Chị Phi Yến, theo em biết thì đàn ông đều một giuộc như thế cả, không thể dựa được.
- Ðồ quỷ! Triệu Phi Yến cười phá lên. Mày biết nhiều quá rồi đấy.
- Em trông thấy không phải ít.
Hợp Ðức cũng cười theo:
- Năm ấy, chị ấy vẫn chưa lớn như em bây giờ, cái thằng nhãi con kia đã chẳng xun xoe bên cạnh chị, rồi mê mệt chị đấy sao? Sau đó, nửa đêm hắn lại mò đến...
Hợp Ðức lắc đầu quầy quậy:
- Chị Phi Yến, hiện nay chị quả thực là đã quá nhiều chuyện rầy rà rồi, hồi ấy chị yêu hắn biết bao nhiêu, nhưng rồi, hắn cũng đã chẳng cút xéo mất tăm đấy thôi.
- Hắn.
Triệu Phi Yến cắn chặt môi, nhớ lại một gã con trai, nhưng nàng lắc đầu:
- Ðó không phải là yêu. Lúc đó, chị quá bé. Cái gì chị cũng không hiểu. Chỉ có thể nói là do tò mò. Chỉ thích thì đúng hơn, hắn đi rồi, chị không còn nhớ đến hắn nữa. Vả lại, hắn cũng không nhất định đem chị đi. Em có lẽ cũng đã quên rồi. Hắn đi làm ăn, từ đấy không ngoảnh cổ lại nữa.
- Quên đi! Những chuyện đó đã quá xa rồi.
Ðôi lông mày Hợp Ðức khẽ dương lên:
- Chị Phi Yến, hãy chớp lấy bất kỳ một cơ hội nào, làm cho hoàng đế mê mẩn đi.
- Mày thật quả là táo tợn.
Triệu Phi Yến thở dài:
- Tao thì chỉ muốn biển êm sóng lặng, làm một kẻ thân thuộc của Phú Bình Hầu thôi, thế mà hiện nay, xem ra cái nguyện vọng ấy cũng đã tiêu tan rồi! Vào cung, nếu muốn vào cung thì phải thật hết sức khẩn trương.
- Em tin là chị có thể làm được điều đó, xem như từ đêm qua, chị Phi Yến, chị có thể làm một gã đàn ông xin chết cho chị một cách dễ dàng.
- Với Trương công tử, chị đã thất bại rồi.
- Trương công tử có một mục đích cực kỳ trọng đại kia.
Hợp Ðức nói vẻ trang nghiêm:
- Nếu không, ngài ta cũng sẽ xin chết cho chị như vậy thôi.
Nàng cười, đưa hai tay bưng lấy mặt người chị gái lắc lấy lắc để.
Gió mát thổi hề trời tan sương
Nhớ quân tử hề xa không quên
Lo lắng lòng ta nhiều khảng khái
Gió tụ về đây hề rồi cuốn xa
Triệu Phi Yến lướt tay trên phím đàn, miệng hát bài từ do nàng soạn. Tiếng hát của nàng khác hẳn với các ca kỹ trong giáo phương. Gió tụ lại rồi cuốn đi xa là đúng, cách luật, nhưng khi nàng hát "trời tan sương" "xa không quên", "nhiều khảng khái" thì lại nâng cao lên nửa phách, chuyển biến cung nghe có vẻ như không được hài hòa nhưng lại chứa đầy ý vị mang một nỗi ngang trái buồn đau, khiến người ngồi đối xướng cảm động nhức nhối tận đáy lòng.
Vị hoàng đế nhà Ðại Hán ngồi trên bên trái nàng cách năm thước lịm người đi như một vật bằng gỗ, có thể là ngài không muốn động đậy, cũng có thể, ngài cảm nhận sâu sắc cái hay của tiếng hát lời ca, ngài rất xúc động.
Thái độ ấy không giống như đối với một người ca kỹ khác.
Lưu Ngao chỉ khi ở triều đường hoặc khi ở cạnh mẹ, mới có cái vẻ nghiêm nghị như thế.
- Trương đại nhân, ngài ngồi y như là một khúc gỗ vậy.
Lưu Ngao mở đôi mắt đang lim dim nhưng vẫn còn giữ vẻ xúc động của mình.
- Thì chính nàng muốn ta như thế đấy thôi? Nàng bảo khi nghe đàn thì phải đoan trang, ta ngồi đoan trang như thế nàng lại trách ta giống khúc gỗ.
- Ôi thế thì em có lỗi.
Nàng đập tay vào đùi của ngài rồi nói tiếp:
- Trương đại nhân, khi ngài ngồi nghiêm chỉnh như thế, tuy có giống khúc gỗ thật, nhưng thần khí của ngài thì lại có dáng vẻ của bậc đế vương.
Nàng khôn ngoan ám chỉ một cách kín đáo. Nàng hy vọng sẽ làm cho đối phương tỉnh khỏi cơn mê.
Lưu Ngao khẽ giật mình lắc đầu nói:
- Trương đế vương, cái đó không thể nói tùy tiện được đâu đấy nhé.
- Sợ gì nhỉ? Nàng duỗi dài đôi chân đang xếp bằng tròn. Ở đây chỉ hai con người chúng ta thì cho phép em gọi ngài là đế vương nhé.
- Thế là phạm phép nước.
- Trương đại nhân, không nên câu nệ như vậy! Tướng mạo trời sinh của ngài có khí chất của bậc đế vương, thế thì cũng có phép tắc nào?
Nàng nghiêng người buông tiếng cười vui vẻ:
- Thôi được, em không nói huyên thuyên nữa. Xin hỏi ngài, tại sao mấy hôm nay không thấy ngài đến? Lại vì sao, người ta đem em đến đây nữa?
- Mấy hôm nay ta không đến là để nàng soạn khúc từ "Gió tụ lại rồi cuốn đi xa" đấy chứ, thế thì có điều gì không tốt hả? Phi Yến, bài hát ấy sẽ còn bay đi xa hơn nữa kia đấy! Thật là tuyệt vời.
- Em không phải thích được ngài ca ngợi đâu ạ! Ðiều em hỏi thì ngài chẳng trả lời thẳng vào.
- Mấy hôm nay ta có chuyện đặc biệt, không thể đi đâu được. Còn như việc muốn nàng chuyển chỗ ở Lưu Ngao xoa xoa bộ râu ngắn dưới cằm:
- Ta cho rằng, chính nàng đã hiểu được ý tứ của ta.
Nàng khép mắt lại, lắc đầu.
- Em không biết thật đấy!
- Quan Bình Viên, do Trương công tử xây cho nàng, đất này là của ta.
- Ồ!
Cặp lông mày của nàng từ từ nhướn lên rồi chau lại:
- Trương đại nhân, em không rõ, ngài muốn nghĩ...
Ngài ngăn nàng lại, thân mật nói.
- Ðây là nhà của ta với nàng.
Triệu Phi Yến kêu lên một tiếng nhỏ, rồi từ từ đẩy Lưu Ngao ra. Như thể, nàng có điều gì thương cảm. Ðiều đó khiến Lưu Ngao ngạc nhiên. Trong ý thức, ngài tưởng rằng, Triệu Phi Yến phải sướng mê đi, nhà, đấy là tất cả! Vì thế, ngài hỏi:
- Phi Yến, nàng không thích sao?
Nàng trầm ngâm, rồi dần dần lộ vẻ tươi cười.
- Em thích chứ!
Nàng nhỏ nhẹ, rồi nói tiếp, vẻ ảm đạm:
- Làm sao mà em lại không thích cơ chứ? Trương công tử mua em ra khỏi phủ đệ của công chúa Dương A. Ngài bảo, đây là ngài sai ông ta xây như thế này. Vậy thì, chính ngài đã là ông chủ của em rồi sao?
- Phi Yến, ta không có ý ấy, sự thực thì ta rất thích nàng! - Lưu Ngao vội nói:
- Là bởi vì ta thích nàng, Phi Yến.
Nàng cúi đầu xuống, lại khe khẽ thở dài:
- Thích, đó chỉ là mối tình si của em, mấy hôm nay ngài không đến, em cứ si tưởng hoài, em vì ngài mà soạn bài ca... Giọng nói của nàng mỗi lúc một hạ thấp xuống. Giống như tiếng vĩ cầm của cây đàn nức nở trong gió, thoang thoảng tan đi.
- Phi Yến, ta biết nàng đối với ta...
- Ðó chỉ là mối tình si của em thôi.
Nàng quay người lại, giơ tay, giọng cao lên:
- Còn với ngài, Trương đại nhân, vị quý nhân mà em không hay biết một chút gì, vì một lúc cao hứng, tìm kẻ quản gia xây một ngôi nhà, đem em về đấy, rồi một hôm, ngài chán ngấy, sẽ không bao giờ đến nữa, em không bao giờ còn có thể tìm được ngài, ngày lại ngày mỏi mắt chờ đợi. Có thể, rồi một hôm nào đó, một vị quý nhân khác do người quản gia của ngài sai đến nói với em: "Cô và ngôi nhà này thuộc về ông ta". Ðúng không? Thưa Trương đại nhân...
Lưu Ngao đờ người ra, lại tức giận nữa, xua xua tay, nói lí nhí:
- Phi Yến, ta không có ý ấy.
Nàng quay người, vẻ bực dọc.
- Phi Yến, ta đối với nàng, không như nàng vừa nói đâu.
Nàng coi thường điều đó, thốt nhiên, hai tay nàng ôm lấy mặt ngài, bằng một thứ âm thanh mạnh mẽ, đầy kích động nàng kêu lên:
- Tùy ngài muốn thế nào cũng được! Tùy ngài! Dù là sau một tháng ngài không cần đến em nữa, em cũng không oán ngài. Em yêu ngài! Em rất yêu ngài!
Nói rồi nàng lại đẩy mạnh Lưu Ngao một cái.
Ðó có lẽ cũng là do ý trời. Trương công tử trẻ hơn ngài, nhưng sau khi em gặp ngài thì không còn hiểu ra sao nữa, em đã bị ngài bắt mất cả hồn vía rồi. Ôi! Nàng thở dài não ruột rồi nói tiếp:
- Trương đại nhân, bắt đầu từ hôm nay, em không hỏi ngài nữa, tùy ngài lúc nào đến thì đến, lúc nào đi thì đi. Tất nhiên, em cũng không còn hỏi ngài là ai nữa.
- Phi Yến... Phi Yến - Lưu Ngao cảm động nói rất nhanh:
- Ta là ai, hoàn toàn không cố ý giấu nàng. Ta...
Nàng vội vàng đưa tay bịt miệng Lưu Ngao:
- Trương đại nhân, không cần nói nữa em đoán được rằng, ngài nhất định có điều gì khó khăn.
Ngài ngửi thấy mùi phấn đặc biệt từ bàn tay nàng toát ra, khiến ngài mê mẩn tâm thần. Ngài hôn vào lòng bàn tay nàng.
Nàng đẩy ngài ra lại vờ đánh ngài. Lưu Ngao cũng vờ co rúm lại làm ra vẻ sợ sẽ bị nàng đánh đồng thời, ngài cất tiếng cười khanh khách, so vai rụt cổ, kêu lên: Phi Yến... Mới đây, họ vừa nói đến những chuyện rất nghiêm túc, nhưng chỉ trong nháy mắt, tình thế hoàn toàn thay đổi.
Triệu Phi Yến tránh xa ngài gần như là giận dữ, nhưng thân thể của nàng lại dần dần tiến sát vào, cuối cùng để cho chàng ôm ghì lấy.
- Trương đại nhân...
Nàng nũng nịu kêu lên trong phút giây bối rối, thân thể mềm nhũn ra, toàn bộ sức nặng của con người nàng đè cả lên người của Lưu Ngao.
Sức ép đó làm cho Lưu Ngao trong phút chốc cảm thấy tim của ngài bùng lên như phá tung cả lồng ngực.
Ngài tới tấp hôn nàng như một chàng trai trẻ tuổi, vuốt ve nàng, luôn miệng rối rít gọi tên nàng. Triệu Phi Yến rên khe khẽ khoái trá như để khiêu khích như để khêu gợi, mà Lưu Ngao lúc này, như một con thiêu thân thấy ánh lửa. Ngài tự nguyện chịu để bị thiêu đốt thành tro. Giống như chỉ có lửa thiêu mới phát huy được nguyên khí của sinh mệnh ngài.
Hiện tượng này về mặt sinh lý khiến Lưu Ngao sợ. Ở trong cung, ngài đã có nhiều cô gái trẻ, ngài cũng thường đi tìm những thứ kích thích mới lạ làm cho mình hưng phấn. Nhưng từ sau khi làm vua, thì từ đấy ngài không giành được nguồn hưng phấn của thời niên thiếu nữa.
Ban Tiệp Dư được ngài thích, hầu hạ ngài, thì triền miên rồi, thỉnh thoảng, trong sự triền miên cũng có kích động. Nhưng so với thời trẻ khác nhau xa lắm.
Hồi mới trông thấy Triệu Phi Yến lần đầu tiên, ngài đã có ngay cảm giác một sự thích thú thanh tân, trong ý niệm của ngài, Triệu Phi Yến là một quả mai đã lên mật mà vẫn còn vị chua. Cũng lại giống như một con chim non vừa mới rời khỏi mẹ, còn ngơ ngác. Ngài thích vị chua của nàng, cũng thích cái ngơ ngác ấy của nàng, hai thứ ấy thì trong cung đình không một cô nào có được.
Hơn nữa hồi trông thấy ở Quan Bình Viện, ngài lại phát hiện ra ở nàng như có một thứ rượu nồng. Một sức khêu gợi tràn trề làm say đắm lòng người, ngài đã mê mệt rồi. Mà hôm nay, ngài nhận ra sức cuồng nhiệt của nàng. Sức cuồng nhiệt ma quái của nàng, giống như một thứ cuồng nhiệt tự thân thể nàng truyền vào trong cơ thể của ngài, làm cho sinh mệnh của ngài tràn trề tinh lực thịnh vượng, khôi phục lại những gì của tuổi thanh xuân.
Quyền lực vua chúa có thể thu về bao nhiêu của cải nhân gian. Quyền lực vua chúa có thể đổi thay vận mệnh của bao nhiêu con người. Nhưng quyền lực vua chúa lại không có phép gì làm cho mình trẻ lại được. Chính lúc này, Triệu Phi Yến lại khiến ngài tự giác lấy lại được sức thanh xuân. Tuổi trẻ! Ðó là thời gian đáng yêu nhất của đời người. Bỗng nhiên, ngài cảm thấy hào quang rực rỡ trước mắt mình... Lúc này, tấm thân nàng như một con rắn, cuốn chặt lấy ngài.
Lúc này, sức trai trẻ được khơi trở lại, làm cho Lưu Ngao cuồng phóng lên, ngài bắt đầu dùng sức mạnh thân thể để chinh phục, nàng đã không còn sự chống đỡ nữa.
Nàng kín đáo chống đỡ, đó hiển nhiên là một cách chống cự. Nhưng, nàng hoàn toàn không biểu đạt ý niệm của mình ra. Chỉ là ngấm ngầm, rồi thôi hẳn. Lưu Ngao khôi phục sức thanh xuân, rất nhanh chóng chế ngự được sức chống đỡ ngấm ngầm. Hơn nữa, chính vào lúc này, nàng đã buông thả. Ngẫu nhiên, ngài nhìn thấy trong đôi mắt nàng một dòng lệ chảy ra. Trong phút chốc, Lưu Ngao cảm thấy ngạc nhiên. Lúc này đâu phải là lúc con người phải khóc, sức mạnh của tuổi thanh xuân coi là thường tất cả. Nhưng Lưu Ngao thì hoàn toàn không còn ở cái tuổi đó nữa, thói quen của những người vào lứa trung niên đã khiến ngài phải hiểu về nước mắt, vì sao?
ý niệm đó làm động tác dừng lại. Vì vậy, nàng mở to đôi mắt nhòa lệ, nhìn chàng, mỉm cười hoài! Sau đó, nàng ghì chặt lấy chàng.
- Phi Yến, em làm sao thế?
- Không sao cả, em yêu ngài.
Nàng lại ghì chặt chàng, nhưng giọng nàng êm nhẹ không kích động, cũng không ham muốn. Ðiều đó làm cho ngọn lửa tình của Lưu Ngao hạ xuống. Nhưng tình cảm trầm lắng của tuổi trung niên lại sống dậy, ngài ôn tồn hỏi.
- Phi Yến, nói cho ta hay, nàng có điều gì?
- Em đã nói rồi, chẳng có điều gì cả.
- Nhưng sao nàng lại khóc?
- Ðiều đó không liên quan gì đến ngài cả. Nàng dụi nước mắt lên người chàng, rồi bỗng nhiên nàng nói một cách thê thiết. Hồi còn nhỏ vì sinh kế khó khăn phải đến ca kỹ ở phủ Dương A, em gặp không ít những chàng trai say đắm em, nhưng em hết sức giữ gìn mình, không để buông thả, cha em đã làm quan, gia thế xưa kia cũng không đến nỗi nào, em mong được có một cuộc hôn nhân đẹp đẽ.
Nàng lại nức nở, đôi mắt nhòa lệ. Nhưng nàng vẫn nói, tiếp tục nói trong nước mắt:
- Em biết, một cô gái như em, có bắt đầu với một người con trai thì sẽ nối tiếp không thể dừng được, vì vậy em phải giữ mình.
- A, Phi Yến.
Chàng cảm thấy xúc động dữ dội. Ðiều nàng thổ lộ, tuy Lưu Ngao không thể cắt nghĩa nổi, nhưng lời nói uyển chuyển của nàng mới cảm động làm sao.
- Trương đại nhân, em yêu ngài. Em xin nguyện cùng ngài bắt đầu, nhưng em không thể không nghĩ đến ngày mai... Nước mắt nàng lại tuôn ra lã chã.
- Phi Yến.. Phi Yến.
Chàng đẩy nàng ra trong sự chấn động.
- Ðừng trách em, đừng trách em, Trương đại nhân ơi...
- Ta biết, ta không trách nàng đâu, Phi Yến. Ta sẽ sắp xếp.
Chàng chân thành nói hai tay ôm lấy má nàng.
- Phi Yến! Ta sẽ sắp xếp ổn thỏa. Bây giờ, ta đi đã.
- Chàng giận em rồi sao?
- Không phải, chàng nói chắc nịch tinh thần nghiêm túc. Phi Yến, đến ngày mai, nàng sẽ biết.
Nàng lau nước mắt, còn chàng, chàng sửa lại quần áo, rồi đi.
Triệu Phi Yến giống như một người lính lăn lộn trên trường đấu, mệt phờ và rời rã nằm lăn ra giường, lát sau cô em rảo bước vào.
- Hợp Ðức.
Nàng buồn rầu gọi tên em gái. Mệt đến đứt hơi.
Hợp Ðức nhìn chị lạnh như tiền.
- Thế nào? Thành công chứ?
- Chị chưa biết, xem tình hình thì giống như có thể là thành công. Nhưng ông ta vẫn chưa lộ rõ chân tướng.
- Ồ! Chính chị tống ông ấy đi.
Triệu Phi Yến lắc đầu, như thể nàng không bằng lòng cái khẩu khí tra vấn của cô em gái.
- Hợp Ðức.
Nàng hổn hển nói:
- Em không được đối với chị như thế. Chị là một con người chứ, em không biết, như thế thật khốn khổ vô chừng, như đóng kịch...
- Chị ơi, ông ta là hoàng đế chứ!
- Hoàng đế, hoàng đế.
Nàng giận dữ nói tiếp:
- Vậy thì sao? Ðối với chị... Thực tế là chị đang rất hận ông ta.
- Chị ơi, chị phải nghĩ đến quá khứ của chúng ta.
Hợp Ðức vẫn cái giọng lạnh như tiền:
- Trương công tử không đáng dựa bằng nhà vua đâu nhé. Chị ơi. Quá khứ của chúng ta...
- Quá khứ? Triệu Phi Yến đưa hai tay lên ôm đầu đắm chìm vào trong hồi ức.
Quá khứ chị em họ có quá nhiều chuyện đắng cay không sao kể xiết.
Quá khứ, chị em họ sống trong cảnh tối tăm vô cùng.
Tuổi trẻ buồn đau, chị em họ vì thân thế không mấy minh bạch của mình mà đau khổ triền miên.
Bà mẹ, làm thiếp cho Triệu Mạn một Viên Uý ở Giang Tô, nhưng cả hai chị em lại không phải là con gái của ông ta. Chuyện đó, chị em Triệu Phi Yến đều biết cả, hơn nữa, họ mãi mãi không bao giờ quên.
Viên Uý Giang Tô Triệu Mạn cùng với Phùng Vạn Kim một gã nhạc công nổi tiếng nhất thời bấy giờ là đôi bạn thân thiết. Phùng là một tay kỳ tài kiệt xuất mà cũng là một nhân vật sống hết sức phóng đãng. Hắn ở nhà Triệu Mạn, tùy ý ra vào không phải giữ gìn ý tứ gì, một lần Triệu Mạn xa nhà lên quan, Phùng Vạn Kim và người thiếp thông gian với nhau. Hơn thế, lại ngang nhiên sống với nhau trong nhà Triệu Mạn, chim câu chiếm tổ chim sẻ, hắn lấy luôn vợ bạn. Khi Triệu Mạn trở về, Phi Yến đã ra đời rồi. Phùng Vạn Kim vẫn mặt dạn mày dày như không. Triệu Mạn tuy có nghi hoặc nhưng không truy cứu gì. ít lâu, ông ta bỏ nhà ra đi. Rồi từ đấy không trở về nữa. Phùng Mạn Kim cùng với người đàn bà đó đi tìm Triệu Mạn nhưng không sao tìm được. Nghe người ta đồn đại thì, sau khi bỏ nhà ra đi ít lâu Triệu Mạn mất.
Hợp Ðức lại ra đời.
Có thể là do thương nhớ chồng cũ, cũng có thể là vì đã chán ghét nhau, người đàn bà ấy đột nhiên thay đổi thái độ, chia tay với Phùng Vạn Kim, Bà để lại hai đứa con gái ấy lại cho cái anh chàng tình duyên bèo bọt ấy, tự mình đem tấm thân của người quả phụ nhà họ Triệu giáp mặt với đời.
Thế là Phùng Vạn Kim đem hai đứa con gái đi phiêu lãng giang hồ. Bấy giờ, Phi Yến đã lên năm, Hợp Ðức vừa đầy tuổi thôi. Hai chị em theo gót giang hồ của người cha cùng nhận được tình cảm lẫn cái sự giáo dục của ông ta. Họ cùng với người cha phóng đãng ấy dựa vào nhau, chung một số mệnh.
Năm Phi Yến lên chín tuổi, Phùng Vạn Kim chết trên bước đường giang hồ lưu lạc. Hai chị em trôi giạt về Lạc Dương sống dựa vào bạn bè của Phùng Vạn Kim. Ít lâu sau, một người bà con của người mẹ chú ý đến hai chị em này, tìm kế đem bán đi. Triệu Phi Yến mười một tuổi dắt em chạy trốn. Cô bé Phi Yến mười một tuổi ấy có đầy một thứ dũng khí bẩm sinh để chạy trốn. Nhưng, không biết rồi sẽ đi về đâu. Trên cõi nhân gian này, hai chị em bé bỏng ấy chỉ còn một người mẹ thân thiết. Nhưng, Phi Yến không nghĩ rằng sẽ đi tìm con người đó để dựa. Nàng không muốn dựa vào người mẹ đã bỏ hai chị em và người cha của mình.
Chính trong lúc nguy biến ấy. Phi Yến lại tìm được một người bạn của Phùng Vạn Kim, đó là một người nhạc công già tính kỳ quặc khác thường. Không còn hợp thời nữa. Phi Yến nhớ lại, ngày cha còn sống thường vẫn gọi là lão Chu già. Bây giờ thì gọi là bác Chu. Quỳ mọp dưới đất, cô gái ấy cầu xin lão già ấy thu nạp hai chị em mình.
Lão Chu nhận ngay. Nhưng tình cảnh của lão đang rất tồi tệ, muốn nuôi cả hai chị em trong thành phố thật hết sức khó khăn. Vì thế, lão đêm hai chị em cô bé ấy trở về nhà mình trong một cái thôn xóm gần đấy.
Lão Chu già tuy là hết sức quái dị nhưng đối xử với hai cô bé ấy rất từ hòa, dạy cho thanh nhạc, lại còn nhờ bè bạn đến dạy cho múa nhảy nữa.
Hai chị em sống vui vẻ trong hoàn cảnh khó khăn ấy. Coi lão Chu như cha. Ba năm như thế. Phi Yến dần dần phát triển đẹp lên. Tuy sống trong nghèo khổ, lại ở thôn quê, nhưng sức thanh xuân của nàng, lại vượt lên trên mọi hoàn cảnh đơn bạc và vật chất thiếu thốn đó. Mười bốn tuổi, nàng đã có đầy đủ phong vân của một thiếu nữ. Ðến cả lão Chu già xưa nay không tán dương con gái cũng phải thừa nhận sắc đẹp của Phi Yến.