Chương 3
Đàn bà là cái chi chi…

     ôi không nhớ đã có dịp nào mở một tập thơ xưa và đọc bên trong mấy chữ ‘’ ái tình là cái chi chi… ‘’ Nếu đạo văn không phải là một tội thì tôi xin sửa lại như sau ‘’ đàn bà là cái chi chi !’’ Vâng, đàn bà là cái chi chi vì họ là cái dễ hiểu và rất khó cắt nghĩa, là cái dễ thương và rất dễ ghét, là cái làm cho đàn ông sống và làm cho đàn ông chết, là cái tạo ra chiến tranh và tạo ra hòa bình…
Trong đời, tôi đã gặp quá  nhiều đàn bà, da vàng có (là lẽ dĩ nhiên vì tôi cũng mũi tẹt, da vàng như họ), da trắng có, và da … đen cũng có. Tôi vốn chủ trương nam nữ bình quyền nên vấn đề tuổi tác tôi cũng bình quyền. Tôi không kỳ thị đàn bà 17 tuổi hay 50 tuổi, đối với tôi điều kiện cần thiết là sắc đẹp, đẹp diện mạo cũng như đẹp thân hình, niên …
(thiếu 2 trang )
…một lát với nàng.
Nhiều người chưa có kinh nghiệm đinh ninh rằng đàn bà đẹp không mang quần áo trên mình chỉ bộc lộ hết cái đẹp nếu họ đứng thẳng, và đàn ông chỉ chiêm ngưỡng bề trước. Quan niệm như vậy là sai : trong hoàn cảnh này, họ đứng nghiêng mới đẹp. Đứng hơi nghiêng, đàn ông mới có cơ hội quan sát đầy đủ đường cong. Trời ơi, Kira đã nắm được bí quyết chinh phục đàn ông, nàng cố tình xoay người hơi nghiêng, hai gót chân rón lên nhè nhẹ, và như thể ngần ấy động tác cũng chưa đủ làm cho tôi đứng tim, nàng còn ưỡn ngực, đưa hai tay ra đàng sau, đan sau gáy dưới mái tóc bồng bềnh nữa.
Cho đến bây giờ tôi cũng chưa hiểu tại sao khi ấy tôi chưa đứng tim mà chết. Vì khi ấy tim tôi đập ình ình, tiếng đập của búa tạ trong xưởng rèn cũng chỉ kêu ình ình đến thế là cùng. Mắt tôi phóng ra hàng vạn con đom đóm nên tôi chỉ thấy loáng thoáng là bà Côrin chìa bàn tay ra và mỉm miệng cười đợi tôi đáp lễ.
Thấy tôi trơ như đá vững như đồng, bà Côrin vội ra lệnh cho người đep Kira :
-Trời lạnh lắm, em mặc ngay quần áo vào kẻo bị cảm. Chúng mình phải đi ngay bây giờ.
Tôi bừng tỉnh mộng. Kira uyển chuyển đi sang phòng bên. Nàng cố tình khêu gợi tôi vì nàng cứ để nguyên như thế mà đi, và đi từ từ, rất từ từ, và cứ bước được vài ba bước nàng lại dừng, ngoảnh đầu ra sau cười duyên với tôi.
Bà Côrin tiếp tục cho tôi uống nước đường ngọt lật :
-Ông là sĩ quan tình báo đầu tiên dám giết Kira. Nhân danh ông tổng giám đốc tình báo liên bang Tây Đức, tôi xin thành thật khen ngợi ông.
Tôi không cần bà Côrin khen mà chỉ cần có Kira một bên. Vả lại, cách đây mấy phút, bà đã khen tôi một cách khách sáo. Tôi buồn héo ruột vì có linh tính Kira đang bỏ tôi đi mất. Trong khi ấy bà Côrin vẫn lải nhải :
-Mời ông ngồi xuống đây, tôi sẽ giao công tác cho ông.
Công tác nào nữa ? Tôi không còn bụng dạ để nghĩ đến công tác nữa. Hình ảnh Kira đã choán đầy tâm khảm tôi. Tôi bèn đáp, giọng bực bội :
-Thưa bà, tôi không thể nghe lời bà được.
Bà Côrin đứng vụt dậy, vẻ mặt vô cùng sửng sốt :
-Tại sao ?
-Vì tôi chán rồi.
-Ông không thể chán như vậy. Mọi việc đã được sửa soạn chu đáo, chỉ còn chờ ông nữa thôi. Nếu ông từ chối vào phút chót thì nền an ninh chung sẽ bị hăm dọa nặng nề. Tôi tin là ông sẽ xét lại quan điểm. Tuy nhiên, tôi cũng xin ông cho biết lý do ông chán.
-Trời ơi, chính tôi cũng chưa biết lý do tại sao tôi chán nữa.
Một tiếng nói trong trẻo lại cất lên :
-Nhưng em lại biết.
Tôi vội quay lại. Người vừa lên tiếng là Kira. Nàng mặc đồ Tàu, cánh tay và bắp chân đều đặn trắng nõn của nàng tương phản dịu dàng với màu áo sường sám cánh sen, cũng bằng gấm Hồng kông. À, ra Kira là đệ tử của màu cánh sen gợi cảm.
Nàng cười với tôi :
-Em đã biết rõ. Anh muốn em nói ra không?
Lưỡi tôi đột nhiên cứng đơ. Tôi muốn bà Côrin hiểu ngầm cho tôi chứ tôi không muốn nàng nói. Ai ngờ nàng lại xuất hiện. Đàn bà quả là cái chi chi… Tôi sành tâm lý đàn bà, nhưng ngược lại đàn bà lại sành tâm lý nam nữ hơn tôi.
Bà Côrin dục nàng :
-Em cứ nói đi. Chị sẽ phục em sát đất nếu em nói đúng. Và chị sẽ biết ơn em thuyết phục được đại tá Văn Bình nhận công tác.
Kira nói:
-Ông đại tá nói đùa đấy. Em biết chắc chắn trăm phần trăm là ông đại tá đã nhận lời. Vì nếu ông đại tá từ chối, em bắt buộc phải hoạt động một mình trên đất địch, võ nghệ em kém, mưu trí em xoàng, thế tất em phải mất mạng. Ông đại tá nỡ nào bỏ mặc cho em chết, phải không thưa bà chị Côrin?
Bà Côrin ngúc đầu:
-Em nói đúng.
Nàng đặt bàn tay lên vai tôi:
-Phải không, anh đại tá Văn Bình?
Nàng chỉ hỏi tôi lấy lệ vì nàng đã biết tôi nhận lời. Tôi vốn là người được Trời sinh ra để bênh vực phụ nữ, nhất là phụ nữ đẹp cô thế. Vả lại, thoạt đầu tôi từ chối vì tôi tưởng không có Kira. Nếu được hoạt động với nàng thì bảo tôi lẻn vào điện Cẩm Linh – pháo đài kiên cố nhất thế giới - để xin ông Thủ tướng Liên sô tí huyết tôi cũng ký liền hai chân, hai tay, huống hồ...
Huống hồ đây chỉ là một điệp vụ thông thường. Danh từ chuyên môn gọi là điệp vụ ‘’xuất nhập’’. Đưa một nhân viên gián điệp vào bên trong quốc gia địch được gọi là ‘’tàng nhập’’. Hoạt động xong, nhân viên gián điệp phải trở về. Các biện pháp đảm bảo sự trở về an toàn gọi là ‘’xuất nhập’’.
Trong quá khứ, tôi đã tàng nhập nhiều lần vào bên trong lãnh thổ sô viết. Xuất nhập không dễ song cũng không khó lắm. Phương chi lần này lại có giai nhân Kira giúp sức một bên.
Kira là người đẹp Ấn trăm phần trăm, chứ không phải giả hiệu. Nàng sinh trưởng tại một tiểu bang phía tây nên da nàng trắng, mũi nàng cao. Thân thể nàng đẹp không phải là chuyện lạ vì từ hồi còn ở trường đại học, nàng đã chiếm giải nhất về môn thể dục thẩm mỹ. Nàng còn là vô địch bơi lội, con sông Gange rộng mênh mông, nước chảy xiết mà nàng bơi qua bơi về như thể tôi lái xe hơi phom phom sáng sớm trên xa lộ Biên Hòa. Về võ thuật và tác xạ, nàng cũng nổi tiếng ; chả thế mà tình báo liên bang Tây Đức còn quý nàng hơn cả hạt soàn nữa.
Vâng, nàng là điệp viên ưu tú và tin cậy của Tây Đức hoạt động trên lục địc Ấn độ. Nàng đã xử dụng những đường cong núi lửa độc nhất vô nhị của nàng để mồi chài các nhà ngoại giao Ấn độ vì nước này theo chủ nghĩa trung lập, và rất bồ bịch với Liên Sô. Núp sau chiêu bài ngoại giao bất khả xâm phạm của cộng hòa Ấn độ mà hoạt động do thám cho Tây Đức thì KGB ba đầu sáu tay cũng trở thành điếc tai và mù mắt.
Tình báo Tây Đức gài Kira vào một tòa báo bản xứ. Hàng ngày, nàng tiếp xúc với các yếu nhân chánh quyền, và chỉ mấy tháng sau nàng đốn ngã được một thanh niên trên 30, giữ chức tham vụ tại bộ Ngoại Giao. Gã đàn ông dại gái này có nhiều quan thầy trong đảng Quốc Đại, đảng cầm quyền tại Ấn, nên thăng chức như diều gặp gió. Hắn đã có vợ, có con đùm đề, Kira lại quá đẹp, hắn không thể giấu nhẹm mối tình trên bộc trong dâu được mãi. Nên hắn phải vận động để được bổ nhiệm ở hải ngoại.
Mới đầu, hắn qua Ba Lê. Kira lén lút đi theo. Một thời gian sau hắn được thuyên chuyển sang Mạc tư Khoa. Trong thời gian ấy, hắn đã chạy chọt để Kira thành thư ký trong sứ quán. Và từ đó nàng nghiễm nhiên trở thành vợ bé của ông đệ nhị tham vụ sứ quán Ấn độ tại Mạc tư Khoa.
Kira vừa từ thủ đô Liên Sô về thăm nhà hai tuần trước. Tiếng là để thăm nhà, nhưng thật ra là để nhận chỉ thị mới và tiếp xúc với tôi. Nàng quen Mạc tư Khoa như chiếc mù soa trong túi áo, bà Côrin nói rằng kinh nghiệm và tài tháo vát của nàng sẽ giúp tôi được nhiều. Tôi không muốn đáp bà Côrin rằng có lẽ tôi còn quen Mạc tư Khoa hơn Kira nhiều lần vì tôi sợ phải hoạt động một mình thì nguy. Vì vậy, tôi chỉ ừ hữ. Bà Côrin nói dứt, Kira chìa bàn tay cho tôi hôn rồi thoăn thoắt đi ra. Tôi giữ nàng lại song bà Côrin lắc đầu:
-Ông chồng hờ của nàng đang đợi. Ông nên để nàng về thì hơn. Phải về ngay mới kịp. Tôi tin rằng ông đang còn nhiều cơ hội gặp nàng tại Liên Sô.
À ra tình báo Tây Đức cũng khôn như ranh! Biết tôi mê gái đẹp, họ dùng Kira để dụ tôi...
Tôi thở dài nhìn theo nàng khuất trong bóng tối. Nửa giờ trước, tôi không thích phục vụ cho tình báo Tây Đức. Giờ đây, tôi lại thích hơn cả ông Hoàng nữa. Và tôi chỉ muốn trèo lên phi cơ, bay vù qua bức màn sắt để tái ngộ Kira.
Nhưng bà Côrin không cho phép tôi nhớ nhung vẩn vơ nữa. Bà đeo cặp kiếng lão vào mắt, mở hồ sơ ra tham khảo rồi bắt đầu vào việc:
-Công tác mà ông sắp thi hành liên hệ đến một vấn đề hiện được bàn tán sôi nổi trên khắp thế giới. Vấn đề võ khí chiến tranh hóa học và vi trùng.
Hẳn ông đã biết công ước Giơ-neo cấm mọi hình thức chiến tranh hóa học và vi trùng nhưng trên thực tế các cường quốc đều dành những ngân khoản lớn lao cho công cuộc nghiên cứu và sản xuất loại võ khí kinh khủng ấy. Hàng năm, Hoa Kỳ chi tiêu từ 400 đến 500 triêụ đô la. Số tiền do Liên Sô xuất ra có thể lên gấp đôi. Tây Đức không có hoàn cảnh và phương tiện như Nga, Mỹ song lại là quốc gia có nhiều nhà khoa học lỗi lạc về chiến tranh hóa học và vi trùng. Trong số này, lỗi lạc nhất là bác sĩ Faben. Hiện thời Faben đang bị kẹt tại Mạc tư Khoa.
Tôi ngắt lời bà Côrin:
-Bị bắt?
-Theo tin tức nhận được thì Faben bị bắt, và đang bị giam tại khám đường Lubiănka. Nhưng cũng có thể vụ bắt giam này chỉ có tính cách dàn cảnh. Một số khoa học gia Đức từng bị KGB bắt giam như vậy, thật ra là họ tự ý cộng tác với Liên Sô. Cho nên trong trường hợp Faben, chúng tôi chưa thể xác định là ông ta bị bắt giam thật sự hay đã tự ý cộng tác với họ.
Sự ra đi của Faben là một mối nguy lớn, không những cho cộng hòa liên bang Đức mà còn cả cho toàn Tây phương nữa. Vì Faben là một trong số rất ít khoa học gia Tây phương từng phục vụ tại các trung tâm thí nghiệm võ khí hóa học và vi trùng mạnh nhất của Hoa Kỳ. Faben lại tham dự một khóa hội thảo đặc biệt tại trung tâm thí nghiệm võ khí hóa học và vi trùng tối mật ở Hoa Kỳ, Anh, Pháp và Thuỵ điển. Faben đã lưu trú gần 6 tháng tại căn cứ Detrick, Edgewood và Dugway, nghĩa là những căn cứ thí nghiệm, sản xuất và tích trữ võ khí hóa học và vi trùng mạnh nhất của Hoa Kỳ. Faben lại tham dự một khóa hội thảo đặc biệt tại trung tâm Porton, Anh quốc. Faben còn đến cả nhà máy Bouchet và Tarbes của Pháp để quan sát tận mắt thể thức chế tạo nữa. Tóm lại, Faben là một pho tự điển sống, nếu KGB khai thác được ông ta thì hậu quả sẽ rất tai hại.
-Tôi nghĩ rằng Liên Sô không đến nỗi thua kém Tây phương trên địa hạt sản xuất võ khí hóa học và vi trùng hữu hiệu. Có lẽ còn hơn nữa.
-Ngay sau khi thế chiến thứ hai chấm dứt, Liên Sô đã bắt một số khoa học gia Đức về nước và lập phòng thí nghiệm, nhưng tiến bộ của họ về hóa học và vi trùng học lại rất chậm. Tuy nhiên, vấn đề làm chúng tôi lo ngại không phải là sợ Liên Sô cóp nhặt thể thức chế tạo, mà là sợ trường hợp Liên Sô khám phá được các công thức độc dược mới của Tây phương, họ sẽ không chịu thương thuyết đúng đắn về việc hủy bỏ võ khí hóa học và vi trùng nữa.
Tưởng anh nên biết là từ nhiều tháng nay, một cuộc thương thuyết thầm lặng đã diễn ra trên cấp bậc ngoại giao giữa Liên Sô và Hoa Kỳ cùng một số quốc gia Tây phương nắm được bí quyết chiến tranh hóa học và vi trùng. Cuộc thương thuyết này nhằm đạt tới một sự thỏa thuận chung, hủy bỏ toàn diện các võ khí giết người man rợ kể trên. Liên Sô chỉ chịu thương thuyết nghiêm chỉnh nếu họ còn thua Hoa Kỳ, nhưng một khi họ đã ngang sức với Hoa Kỳ họ sẽ tìm cách lảng ra. Trung Cộng sẽ lợi dụng tình trạng bế tắc này để lao đầu vào công cuộc sản xuất. Đến một ngày nào đó, Mao trạch Đông hoặc một Thủ tướng Sô viết hiếu chiến bấm nút chiến tranh hóa học và vi trùng thì Tây phương không còn cách nào khác ngoài cách trả đũa. Anh thử tưởng tượng xem, cuộc đại chiến toàn diện này gồm đủ mọi võ khí, kể cả siêu bom hạch tâm, chớ không riêng gì hóa chất và vi trùng. Khi ấy trái đất sẽ vỡ nát, nhân loại sẽ bị hoàn toàn hủy diệt.
Muốn khai chiến nguyên tử, người ta phải bắn hỏa tiễn. Một vài chục hỏa tiễn vị tất triệt hạ được Tây phương, vì còn hàng rào điện tử chống hỏa tiễn mỗi ngày một gia tăng tính chất hữu hiệu. Liên Sô có thể phá hủy Hoa Kỳ, nhưng không dám khai chiến vì sợ Hoa Kỳ phá hủy lại. Nhưng về lãnh vực hóa học và vi trùng thì thật là khó khám phá ra ai là kẻ gây chiến. Chỉ một trái bom, một hỏa tiễn cũng đủ chinh phục một lục địa rộng lớn. Hoặc, trên một quy mô hạn chế hơn, chỉ cần một toán biệt kích thâm nhập vào quốc gia địch là đủ đầu độc hàng trăm triệu dân trong vòng vài ba giờ đồng hồ.
Tôi xin đơn cử một võ khí vi trùng hiện được coi là khủng khiếp nhất: vi trùng botulinus, nghĩa là một loại vi trùng gây bệnh dịch hạch. Chỉ cần một gờ-ram là có thể giết chết một ngàn triệu người... Anh nghe rõ chưa? Muốn giết hết dân chúng Hoa Kỳ, người ta chỉ cần chế một viên thuốc nhẹ một phần năm gờ-ram, có thể giấu bất cứ chỗ nào...
Tuy nhiên vi trùng dịch hạch cũng chưa nguy hiểm bằng hơi độc GB hoặc VX mà tác động làm tê liệt thần kinh hệ nạn nhân. Sở dĩ óc con người ra lệnh được cho thân thể, và thân thể tuân theo là nhờ một chất đặc biệt gọi là acétylcholinestérase. Hơi độc GB và VX tiêu diệt hết chất này, thần kinh hệ trở thành bất lực, con người trở thành khúc gỗ sau khi hít phải hơi độc.
Bây giờ giả sử Trung Cộng phóng một trái bom hơi độc vào Hoa Kỳ. Hai trăm triệu dân Mỹ sẽ trở thành hai trăm triệu khúc gỗ vô tri giác. Cái lợi của hơi độc GB hoặc VX là chỉ sau mấy giờ đồng hồ sẽ tan biến. Sau khi người Mỹ nằm xuống, binh sĩ Trung Cộng sẽ thản nhiên đổ bộ lên tây bán cầu, chiếm trọn lãnh thổ mà không cần bắn một phát súng.
Riêng hơi độc GB đã có thể làm nhân loại sợ toát bồ hôi lạnh. Phương chi hơi độc VX lại mạnh hơn hơi độc GB. Trong thời gian gần đây, các nhà bác học Thụy điển đã tìm ra một hơi độc mạnh gấp hơi độc GB 20 lần. Mạnh gấp 20 lần! Phòng thí nghiệm của Mỹ ở Fort Detrick lại tìm ra một hơi độc độc hại hơn 10 lần nữa!
Ông thấy chưa? Liên Sô mới sản xuất được một loại GB và VX thông thường. Và bác sĩ Faben là người đã ít nhiều liên quan đến những phát minh ghê gớm ở Thụy điển và Hoa Kỳ về lãnh vực võ khí hóa học và vi trùng. Nếu không có cách nào thu hồi Faben, Liên Sô sẽ nắm được một kho tàng tài liệu vô giá, và cuộc thương thuyết bãi bỏ võ khí tàn sát sẽ bị vô hiệu hóa.
-Tại sao một khối óc khoa học siêu đẳng như Faben lại có thể rơi vào tay Liên Sô dễ dàng như vậy?
-Nhiều yếu nhân phản gián Tây phương cũng nêu câu hỏi này như anh. Trên thực tế, Faben được bảo vệ an ninh vô cùng nghiêm mật. Ngày cũng như đêm, nhân viên an ninh luôn luôn bám sát ông ta. Ông ta ăn cơm, nhân viên an ninh phải nếm trước. Ông không được ăn uống bất cứ cái gì ở bên ngoài. Đi đâu, ông ta cũng phải mang theo bình thủy đựng nước riêng kè kè bên mình. Mỗi khi ông ta xê dịch, ông ta đều có tiền hô hậu ủng, và ông ta ngồi trong xe hơi bọc thép đặc biệt, đạn bắn không thủng. Vậy mà ông ta lại biến mất như làn khói mới lạ lùng chứ!
-Faben mất tích ở đâu?
-Bá Linh. Tây Bá Linh. Phòng thí nghiệm của Faben được đặt trong một khu an toàn, cách thủ đô Bonn 50 cây số. Chẳng hiểu nhân viên an ninh làm ăn ra sao mà Faben trốn được tới Tây Bá Linh, và từ đó người ta không nghe nói đến ông ta nữa. Cho đến ngày chúng tôi được tin đích xác ông ta bị giam trong khám đường Lubiănka. Sau đó, ông ta xuất hiện trong một cuộc họp báo ở Mạc tư Khoa trước gần một trăm ký giả, trong số có 10 thông tín viên Tây phương.
-Faben nói là tự ý trốn sang Liên Sô ?
-Đại để như thế. Cuộc họp báo chỉ kéo dài trong 15 phút, chỉ vừa đủ cho Faben tuyên bố mấy câu vô thưởng vô phạt, cho các nhiếp ảnh viên làm việc và cho nhân viên phiên dịch.
-Nhiệm vụ của tôi là sang Mạc tư Khoa bắt Faben mang về?
-Thượng sách là mang ông ta về. Vì chúng tôi muốn biết tại sao ông ta biệt tích. Các phòng thí nghiệm Tây phương cũng đang cần bộ óc cừ khôi của ông ta.
-Bà vừa nói đến thượng sách, thế tất phải có trung sách. Tôi có quyền giết Faben trong trường hợp không thu hồi ông ta được không ?
-Ông được toàn quyền. Mang về hay giết, ông sẽ được ttoàn quyền định đoạt tại chỗ.
-Kira sẽ là tiếp xúc của tôi tại Mạc tư Khoa.
-Phải. Nàng sẽ cho ông biết thêm tin tức và chi tiết cần thiết. Ngoài ra, nàng sẽ cung cấp phương tiện cho ông trốn khỏi Liên Sô.
Tôi xô ghế đứng dậy, nhưng bà Côrin lại ra hiệu cho tôi ngồi xuống :
-Thong thả. Tôi mới trình bầy một nửa của công việc. Nửa còn lại mới quan trọng. Ông không sang Liên Sô một mình, vì còn có một người đàn bà nữa.
-Trời ơi, lại đàn bà… Đàn bà là cái chi chi ? Tôi muốn trốn mà không được.
-Chẳng qua đó là tại ông. Ông có cảm tình quá đáng với đàn bà nên ông ráng chịu khổ. Người đàn bà cùng đi với ông sang Mạc tư Khoa là vợ của Faben.
-Vợ chính hay vợ lẽ ?
-Không chính cũng không lẽ. Vì bà vợ chính của ông ta đã chết từ lâu trong một tai nạn máy bay. Faben đã lớn tuổi rồi, không còn trẻ nữa đâu. Tuy vậy ông ta vẫn còn nhiều duyên thầm, và cũng khá khỏe mạnh, và khá gắn bó với nữ sắc. Sau khi góa vợ, Faben không chịu tục huyền, không phải vì ông ta thương vợ cũ, mà vì ông ta thích tự do để dễ hẹn hò hơn. Nhưng rốt cuộc ông ta cũng sa vào lưới.
-Lưới săng ta của tình báo ?
-Không, lưới tình. Đây chỉ là lưới tình vì Lôlô là một bông hoa tuyệt sắc.
-Nàng là Lôlô, tất sinh trưởng ở Ý ?
-Không, người ta gọi nàng là Lôlô vì nàng giống nữ minh tinh màn bạc Ý Gina Lollobrigida như thể chị em ruột. Nàng trẻ hơn, tươi hơn, và thân thể còn hấp dẫn hơn Lollobrigida nữa.
-Lão già Faben thật tốt phước !
-Không thể biết là tốt hay xấu. Tôi rất tin vào bản lãnh của ông nhưng chỉ sợ ông mê luôn Lôlô thì hỏng to. Tuy nhiên, công việc chính là thu hồi Faben, ông làm cách nào xong việc là được, còn ông yêu vợ Faben hay không là chuyện khác, chúng tôi không quan tâm đến. Chắc ông cũng hiểu tại sao chúng tôi chọn ông vì ông hội đủ điều kiện làm thân với Lôlô. Nàng có quốc tịch Mỹ, hiện sống ở Nữu Ước. Faben viết thư về, yêu cầu nàng sang thăm. Bộ Ngoại Giao Mỹ đã chấp thuận cho nàng qua Mạc tư Khoa.
Tất cả tài liệu, hình ảnh liên quan đến Lôlô và Faben được đựng trong cặp da này. Ông đọc xong, nhớ kỹ, rồi hủy đi. Thân ái chúc ông thành công.