Mùa hạn

     hiều váng vất những áng mây màu cua gạch phía trời Tây. Mặt trời bầm đỏ đang tụt dần sau những ngọn đồi. Và nắng dại rồi thì nhạt lắm, chỉ tràn độ tàn phai. Anh em tôi khiêng chiếc chõng tre ra ngồi dưới gốc sấu đợi xe bố tôi đi qua. Bà tôi nhìn bóng mẹ hụp lên hụp xuống với cái gàu dai tát nước lên ruộng hạn, thở dài: “Trời đất này rồi không biết có sống được hay không? Nắng trao ôi là nắng!”.
Đã hơn một tháng, bố tôi không lái xe qua nhà. Chẳng hiểu vì lý do gì nhưng mẹ tôi bảo bố chuyển tuyến xe. Nghe đâu bố còn lái ngược Cam Đường - Nghĩa Lộ. Nhưng bà nội không tin. Bà bảo: “Rồi mấy hôm nữa bố mày đánh xe về mang đầy tú hụ là quà ấy chứ!”. Và bà vẫn phe phẩy quạt mo cau, chúng tôi vẫn mang chõng ra đầu cổng để chờ. Chờ đến khi mẹ tôi gọi về ăn cơm mới thôi. Thường khi ấy cũng vào độ tám giờ tối. Hôm trước, ngày nào bố tôi cũng lái xe chở chè theo hợp đồng nhà máy chè đen. Mỗi khi chập choạng tối, ánh đèn pha xe “y pha” của bố lại quét dọc khắp cánh đồng, đồi bãi theo những cung đường. Lúc ấy, đến cổng là bố bấm còi inh ỏi rồi dừng xe lại, vẫn bật đèn pha chiếu sáng cho cả nhà ngồi. Anh em tôi đứng giữa sân, rồi bắt đầu diễn kịch và tự xem bóng mình in trên bức tường nhà. Rồi sau bữa cơm vội với gia đình, bố tôi lại hộc tốc ra xe, mở cái thế giới đầy dầu mỡ kia và tiếp tục cuộc hành trình trên những cung đường. Anh em tôi chạy theo, cứ đòi theo bố, đến khi bố bực lên mới thôi. Cái Mai bảo: “Bố chẳng thương anh em mình gì cả. Em chỉ muốn ra phố một lần rồi về”. Thế là bố tôi lại nhảy xuống, xoa đầu hai anh em, rồi ôm cái Mai vào lòng: “Bố chẳng thương hai của khoai của bố thì thương ai? Thôi vào nhà để bố đi”. Lúc ấy, thế nào mẹ tôi cũng gọi: “Vào để bố đi cho may!”. Anh em tôi còn nhìn theo ánh đèn xe bố phản vào vách đồi, những hàng cây bờ cỏ hiện ra, lươn lướt như những thước phim nhoang nhoáng sắc màu mà chúng tôi được xem trên phông chiếu bóng.
Nhưng mà, đã hơn ba mươi buổi chiều nắng hạn, bố tôi vẫn chưa về!
Cái Mai ngả vào lòng bà, nũng nịu: “Bà kể chuyện đi bà”. Bà tôi vứt bã trầu vào gốc sấu, hắng giọng và bắt đầu: “Ngày xửa, ngày xưa, có hai vợ chồng trẻ, chồng bị bắt đi lính thú xa nhà, vợ vò võ chờ qua ngày tháng mà tin chồng vẫn bặt im giữa khói lửa binh đao...”. Câu chuyện của bà tôi nghe có đến cả trăm lượt rồi. Thể nào mà người chồng chẳng tử trận, người vợ ở nhà hóa đá hoặc thủ tiết bằng cách trầm mình trôi sông. Nhưng mà bà có cách kể lạ lắm, cứ rù rì thủ thỉ làm tôi không dứt ra được. Còn cái Mai thì cứ gọi là say như điếu đổ, bỏ quên hết mọi thứ. Rồi khi kết thúc câu chuyện, nó lại vòi vĩnh: “Bà ru cháu ngủ đi”. Hôm nay cũng thế, bà phe phẩy quạt cho anh em tôi rồi ru:
“Bông bồng con ngủ con ơi
Dưới sông cá lội trên giời chim bay
Ước gì mẹ có mười tay
Tay kia bắt cá tay này bắt chim
Một tay chuốt chỉ luồn kim
Một tay đi ruộng tay tìm hái rau
Một tay kéo sợ guồng xa
Một tay lo bếp của nhà sớm hôm
Tay nào để giữ lấy con
Để lau nước mắt mẹ còn thiếu tay
Bồng bồng con ngủ cho say
Dưới sông cá lội chim bay trên giời”.
Tôi không nhớ bà ru đến khi nào, chỉ biết đến lúc được đánh thức dậy ăn cơm thì đã khuya rồi, đêm phẩy những đốm sao rừng rực. Bà tôi đã lại bỏm bẻm miếng trầu khác. Bà có thể ăn trầu suốt ngày. Bà bảo không ăn thì nó nhạt miệng. mẹ tôi dọn cơm cho hai an hem tôi hỏi: “Chăn trâu có no không?” Tôi bảo: “Có”. Mẹ lại bảo: “Mai mang trâu sang cho nhà bác An kéo đường”. Bà tôi bảo: “Hay là snag nhờ bác ấy kéo cái máy về bơm cho đỡ khổ”. Mẹ tôi không nói gì. Hình như mẹ cũng đang chờ đợi.
Nhưng mà, hơn ba mươi đêm rồi sao bố tôi vẫn chưa về!

 

Cho đến chiều hôm sau, bóng tối đến rất muộn và luẩn quẩn hư thực giữa bốn bề trời đất. Mẹ tôi vẫn tát nước,lúa vàng võ đi nhiều vì một tay mẹ sao cáng đáng dược trăm bề. Ruộng thì rộng mà đều khô nứt nẻ. Tôi đang nấu cơm trong bếp thì cái Mai chạy vào: “Anh Nguyên ơi, anh la nghe tiếng gì lạ mà hay lắm”. Vùi nồi cơm vào tro, tôi chạy theo Mai ra đầu ngõ. Phải lắng nghe thật lỹ mới thấy tiếng xe ầm ĩ và tiếng còi thanh thanh. Bà tôi hỏi: “Cái gì thế?”. Tôi bảo: “Có tiếng xe ô-tô. Hình như bố cháu về”. “Bà đã nói rồi mà, thế nào bố mày lại chẳng về. Rồi mai bố mày bơm nước lên đồng”.
Thế nhưng chiều ấy, đến khuya chúng tôi vẫn nghe tiếng còi xe rên rỉ vọng lại từ đâu đó. Tôi nói dối sang nhà bạn mượn sách học và đạp xe đi về hướng tiếng còi. Đến khi tôi nghe rõ tiếng còi ấy từ đâu thì tôi thấy vọng hoàn toàn. Mỏ than Phấn Mê đang khai thác trở lại, tiếng xe ben đang trở than về bãi. Tôi đạp xe về nhà mà trong lòng không hiểu mình làm sao nữa. Cứ thấy bứt rứt khó chịu mà không biết gọi tên. Tâm trí tôi vẫn riết róng mùi dầu mỡ quan thuộc của bố. Hình như từ lúc lọt lòng tôi đã quen với cái mùi mỏi mệt ấy.

 

Đêm. Tôi nằm mãi ở cái chõng tre, không ngủ được! Bà tôi ra ngồi bên, phe phẩy cái quạt mo: “Mày giã cho bà miếng trầu”. Tôi lấy cái tràng, giã thật nhuyễn trong chiếc cối bằng đồng thau. Hương trầu cay quấn chặt lấy tim óc. Bà tôi bảo: “Thôi, nằm xuống bà ru cho mà ngủ”. Tôi không cưỡng lời bà, nằm yên nghe bà ru khúc ru cũ mà chợt liên tưởng đến mẹ. Ừ, có lẽ để lau nước mắt mẹ còn thiếu tay thật. Sao ba mươi ngày nắng nôi rồi mà bố tôi vẫn chưa về nhỉ?
Nước bơm suốt sáng thì ngập đồng. Đầu óc tôi nặng trĩu và đau như búa bổ. Một việc làm quá sức khiến tôi quị ốm. Tôi chẳng thấy mình dạo chơi trong những giấc mơ nữa mà những mộng mị ma quái cứ chờn vờn quanh đầu óc. Mọi người túc trực trên giường tôi, đến khi mở mắt nhìn quanh tôi hiểu mình đang hạnh phúc.
Bố tôi biên thư về. Mẹ tôi đọc ngắt quãng. Thư bảo bố đi lái xe đường dài nên đến Tết mới về. Bố dặn anh em tôi nhiều thứ nữa nhưng mà tôi không nghe được. tôi thiếp đi, bỏ quên nỗi buồn chập chờn ban nãy. Bây giờ thì bà và cái Mai vẫn ra gốc sấu ngồi chờ xe bố tôi về. Nhưng tôi thì không. Tôi biết phải làm gì khi mình bắt đầu lớn. Mà hơn thế, dù sao thì mua đại hạn cũng qua rồi. Nhà chỉ có mỗi mình tôi là con trai. Và bố tôi thì đến Tết mới về cơ.