CHẮP CÁNH BAY XA

     yên ơi. Bây giờ cứ mỗi chiều thứ bẩy đi dạo hoặc đi ngang đường Lê Lợi, anh lại nhớ tới em bằng những tình cảm thả buông, rung động nhất. Anh hiểu rằng, sẽ không bao giờ anh quên em được vì anh đã yêu em sâu đậm quá. Vì anh đã có quá nhiều kỷ niệm với em, mà kỷ niệm nào cũng đẹp, cũng êm đềm như mái tóc ngắn của em mà anh thường vùi mặt vào trong ấy.
Bây giờ tháng mấy rồi em nhỉ? Đã bao nhiêu ngày tháng rồi chúng mình phải xa cách nhau. Anh còn nhớ có một dạo anh được đọc một đoạn truyện tình của Hoàng Hải Thủy viết trên một tờ nhật báo, mà tựa là câu anh vừa hỏi: Bây giờ tháng mấy? Đó không phải một truyện dài mà là những dòng chữ trải ra một tâm hồn, một mối tình đằm thắm trong những ngày vào Hạ, êm đềm theo những tháng mùa Thu. Anh đã từng có lần tìm sách cho em đọc, anh nhớ thế. Hẳn bây giờ em còn giữ những cuốn truyện anh mang đến cho em. Của Doãn Quốc Sỹ, Hoàng Hải Thủy, Nhật Tiến, Duyên Anh, Lê Tất Điều…Anh cũng nhớ em đã bảo anh: cứ xem các tác giả anh đọc cũng đủ biết rằng anh thích loại truyện nhẹ nhàng, cảm động và tình thương yêu bàng bạc trong mỗi câu văn. Uyên nhận xét không sai. Nên bây giờ anh đánh bạo một lần ghi lại những ấm êm của chúng mình một độ nào. Và mai kia, nếu như em có đọc những dòng anh viết, anh tin hẳn em sẽ buồn, sẽ nhớ anh. Vì em đã từng yêu anh, cũng như anh đã từng yêu em và còn yêu mãi đó thôi.

*

Uyên ơi. Cho đến bây giờ anh vẫn không hiểu, hoặc không muốn hiểu vì sao anh mất em. Vì anh nghèo? - Anh biết em đâu bao giờ nghĩ tới điều ấy. Vì gia đình em? - Không, gia đình em và gia đình anh chẳng thương chúng mình lắm đó sao. Vì em hết yêu anh? Chả đúng, vì em vẫn âm thầm phiền muộn. Dù xa em lâu rồi nhưng anh vẫn đều đặn biết rõ về em. Phúc, Hà, Thanh…những người bạn nhỏ của chúng mình đã cho anh những mẩu tin ân tình ấy. Vậy mà…chúng mình xa nhau. Như thế, có lẽ tại anh trót đã hơn một lần vụng về cư xử. Em không còn gần anh để anh tìm hỏi: có đúng thế không em?
Anh biết em đã trách, đã giận hờn anh nhiều lắm. Nhưng anh tin chẳng bao giờ em ghét được anh, dù giờ đây mình mỗi đứa đi một ngả. Chả lẽ em lại quên được cả một vòng tròn dầy đặc kỷ niệm êm đềm như những buổi hoàng hôn tím có em, có anh. Phải không Uyên?
Cũng như, càng tìm quên lãng càng thương nhớ nhiều. Đã nhiều lúc anh tự nhủ: thôi thế cũng xong. Mỗi người một khung trời cho trọn đẹp. Những nhớ thương da diết, yêu thương day dứt muốn ua nát cả tâm hồn. Nhớ em, nhớ em, nhớ em. Cùng một lúc kỷ niệm tròn trĩnh thắm tươi ùa về như cơn lốc mùa Đông, để anh thêm băng giá. Đã rất nhiều lần anh âm thầm đếm bước, đi lại những con đường xưa đã đi, đã cùng em trao nhau từng ánh mắt, từng nụ cười, từng môi hôn vụng trộm. Cũng đã rất nhiều lần anh tìm về những ngã tư đường quen thuộc dắt đến nhà em, dắt đến trường Bồ Đề em học, dắt đến cầu Quay chúng mình thường song đôi qua trung tâm thành phố. Phải không em, những mẩu chuyện hết sức tầm thường, những hình ảnh vô cùng quen mắt, những âm thanh bàng bạc hàng ngày trong cuộc sống đối với mọi người vốn rất thường thì trái lại là cả một chuỗi dài những mẩu kỷ niệm, những hình ảnh đậm đà, những âm thanh đáng ghi nhớ đối với những đôi đứa yêu nhau. Chuỗi kỷ niệm của anh, của em, của chúng mình thì dài quá, đẹp quá, tuyệt quá nên anh không bao giờ dám nghĩ rằng những sự đó sẽ dừng lại, sẽ đứt quãng dở dang. Nên anh nghe hồn mình tan nát, khi một người không quen vô tình đọc trong câu chuyện lúc đường dài một đoạn thơ chẳng rõ ai là tác giả:
Cúi đầu tìm nụ môi hôn
Ngẩn ngơ thấy mất người thương bao giờ
Nghiêng mình tìm ánh mắt xưa
Bâng khuâng bắt gặp ơ thờ cách xa
Lặng nhìn kỷ niệm dần xa
Âm thầm tiếc nuối, thôi, thà chẳng quen.
Phải, thà mình chẳng quen, chẳng biết. Quen biết nhau rồi…yêu nhau, cuối cùng mất nhau thì buồn lắm, Uyên ơi. Anh vốn không muốn lý luận vẩn vơ về những triết lý ái tình lẩm cẩm. Mọi người cũng thế. Nhưng anh tin rằng khi bước vào tình yêu mọi người đều lẩm cẩm hết và lúc đó, những cái gì họ đã chê là lẩm cẩm sẽ chẳng còn…lẩm cẩm tí nào. Lúc đó chỉ còn tiếng nói, còn lý luận theo chiều hướng theo tư tưởng của con tim. Sự buồn khổ vì xa cách không phải bây giờ anh mới thấm thía. Trong đời niên thiếu, đã bao nhiêu lần anh biết thế nào là chia ly. Tiếng võng trưa hè ngày cũ, câu hát bà ru cháu dạo nào còn in đậm trong tâm hồn anh mãi. “Chim lạc bầy thương cây nhớ cội…Người lạc người tội lắm người ơi…Thà rằng chẳng biết thì thôi…Biết rồi mỗi kẻ mỗi nơi cũng buồn”. Nhưng chưa lần nào nỗi buồn mất mát đó thấm thía bằng lần này. Vì đó là những mất mát của chính tình yêu trai gái. Đánh mất viên ngọc quý rồi, người có ngọc mới có đủ thì giờ ngồi tiếc rẻ hào quang muôn màu sắc của vật quý vừa vuột khỏi lòng tay. Những hào quang kỷ niệm!
Uyên ơi! Hẳn Uyên còn nhớ? Chuyến xe đưa chúng mình từ Gia Định vào thành phố. Hôm ấy trời hiền lạ. Mây xanh tít trên cao, gió đuổi nhau xì xào trên ngọn lá. Chiếc taxi đón chúng mình lấn vào giữa dòng xe thác lũ. Mặc kệ ánh mắt soi mói, đôi tai tò mò của người tài xế, anh đã tỏ tình với em và em lặng yên nghe. Cho đến khi anh nói xong, lẽ ra em phải trả lời câu hỏi có chấp thuận… có yêu anh không, em lại vặn: Uyên biết anh chưa quên được cô Thu nào đó, ngày xưa. Anh tìm lời bào chữa…thề sống thề chết mà trong lòng như mở hội. Vậy là em có yêu anh. Anh cũng biết em nói để mà nói, thật ra em biết rõ lòng anh rồi. Nên khi chiếc xe trả chúng mình về đường Lê Lợi, em đã ngoan ngoãn bước bên anh, tay trong tay, những bước chân sơn ca không biết mỏi. Làm sao quên được buổi đầu tiên ấy, hở Uyên?
Uyên ơi. Hẳn là Uyên chẳng quên? Những buổi chiều tan học anh đón em. Hơn nửa giờ đứng tựa chiếc cột bảng xe Bus nhỏ, anh đăm đăm nhìn về hướng trường Bồ Đề lòng bồn chồn mong mỏi. Và em hiện ra trong chiếc áo dài xanh, mái tóc ngắn lòa xòa che tối một bên mặt, một tay ôm vài quyển vở, tay kia đong đưa chiếc thước kẻ xinh xinh. Em thong thả qua đường. Anh nín thở đợi chờ…chờ đến khi nụ cười em âu yếm nở trên đôi môi thắm. Hai đứa đi vòng vòng khu chợ cho đến lúc trời ngả màu xám đậm, em phải về…và em khuất mình trong lòng chuyến xe Lam ra ngoại ô thành phố. Ngày nào cũng vậy, chỉ bấy nhiêu thôi nhưng chắc chắn chuyện mình đẹp hơn nhờ đấy, phải không Uyên?
Uyên ơi. Chắc Uyên chưa thể nào quên được chuỗi tháng năm dài mà ngắn ngủi với chúng mình, tràn đầy kỷ niệm. Bao nhiêu con đường anh và em đã đi - mà bây giờ anh lại đang một mình bước đi không ngước mắt - bao nhiêu buổi sáng, buổi trưa bao nhiêu buổi chiều, buổi tối…cảnh vật và không gian in hằn dấu vết kỷ niệm chúng mình để lại và thời gian trôi qua lững lờ như hối thúc chúng mình yêu nhau thắm thiết hơn. Uyên có còn nhớ những ngày Tết Trung Thu, những đêm Giáng Sinh “không thể quên được”. Những đối đáp dí dỏm của chúng mình với Hùng, với Khoa, những mẩu chuyện đầy không khí gia đình với chị Ái, anh Khánh, với Thanh, với Phúc. Những miếng bánh nướng bánh dẻo, những miếng táo miếng cam…chan chứa ân tình từ tay em đến tay anh, từ người trao đến người nhận. Những buổi tối ngồi cạnh nhau bên chiếc Pick-up xinh xinh, cùng lắng nghe những bài hát ngợi ca tình ái và cùng lắng nghe tiếng thôi thúc của lòng mình. Uyên biết không, anh không thể nào quên được những điếu thuốc em châm cho anh, những điếu Sobranie Cocktail nhiều màu sắc dễ thương mà em lấy trộm của ba. Để dành cho anh đó!
Anh đã ngồi yên bên bàn học em, cạnh chiếc giường ngủ thơm thơm hơi hướm thịt da em, tận hưởng cảm giác lâng lâng của một kẻ đang ngụp lặn trong hạnh phúc gia đình. Và khi em vặn tiếng nhạc trong chai không vang lên, đôi trai gái âu yếm dìu nhau theo tiếng nhạc trong lòng chai rượu mạnh, anh và em cùng cúi xuống. Anh bắt gặp bên kia làn thuỷ tinh một đôi sao sáng long lanh, đang cười phụ hoạ với nụ cười tình tứ của đôi môi hoa ti gôn thắm. Uyên ơi. Tiếng nhạc ấy, tiếng nhạc ấy…trong chai rượu không ngày nào…
…Còn nhiều lắm Uyên. Những buổi chiều chúng mình ăn cơm trưa. Chỉ hai đứa, mẹ ngồi ăn trầu bên cạnh, chị Ái cho con ăn sữa gần đó. Em nhìn anh ăn nhiều hơn là lo cho mình hết đói, và anh thì gắp lấy gắp để một món dưa chua mà em đã nói “em muối đó, anh ăn thử xem có ngon không”. Sau buổi trưa anh quên ngủ với “truyện bé Phượng” của Nhật Tiến, em hiện ra ở cửa phòng với ly nước chanh tươi mát. Và cả em, tấm thân cũng tươi mát với mùi tóc thơm còn ướt nước, với da thịt phơn phớt hương xà phòng ngan ngát. Em tuyệt diệu thế đó, Uyên.
Uyên ơi. Còn nhớ không. Hàng cây cao trước dinh Độc Lập, trong vườn Tao Đàn, hồ nước đầy bông súng và dừa hoang bên đường về Thủ Đức…Những buổi chiều vàng ấy! Những chiếc bàn hai ghế ở Tuyết Lan, Hà Nội, Lan Hương, Cafétéria…những buổi sáng, buổi tối dễ thương ấy. Âm nhạc vĩnh viễn là gia vị cho món ăn tình yêu của hai đứa mình, phài không Uyên? Những bản nhạc vui, buồn, những bản nhạc mênh mang tình yêu biển cả. Mỗi chút hình ảnh tầm thường ấy có thể đến với bất cứ ai, vậy mà có một giá trị không cùng và cần thiết như ăn, như ngủ. Vẻ đẹp tình yêu nào mà không kết hợp bởi một chuỗi dài những hình ảnh những sự việc vô cùng quen thuộc?
Có là anh, mới hiểu được sự mất mát của anh to lớn là dường nào. Có là anh, mới biết tại sao anh tìm hết cách chắp nối sợi dây tơ đứt quãng một cách vô vọng. Hơn một lần em đã trách, vậy mà anh vẫn thêm một lần không cầm được tha thiết của lòng mình, bốc đồng nói với bạn bè khi có em: “Xin giới thiệu, đây là…tôi, và đây là…bà xã tôi, trong tương lai” Bà xã! chứ sao. Anh vẫn hằng tin tưởng chúng mình sẽ lấy nhau, và ngày cưới anh sẽ nói về em trước mặt hai bên đông đủ họ hàng: “Người đứng bên phải (hay bên trái) tôi là vợ tôi, và người đứng bên trái (hay bên phải) vợ tôi là…chồng của vợ tôi”. Có gì buồn cười đâu em nhỉ, hoặc nếu ai cười anh về tất cả những dòng anh đang viết thì họ phải hiểu lấy rằng: họ chỉ được quyền cười anh diễn tả vụng về, chứ không được quyền cười những mẩu kỷ niệm bình thường của chúng mình. Nếu không họ chỉ như một kẻ mộng du, chả bao giờ hiểu được, thấy được nét đan thanh của những cái bình thường ấy. Cho nên, khi anh…mất ‘vợ”, khi em đã xa anh và…đến bây giờ, anh vẫn mãi mãi ước ao có một ngày những dở dang lại được chắp nối. Em sẽ trở về bên anh, với nụ cười, ánh mắt, với những hiền ngoan như những thủa nào.
Uyên ơi. Một số trong cả chuỗi dài những kỷ niệm của chúng mình đó. Nên kiêu hãnh đi Uyên. Chuyện chúng mình dù trọn vẹn hay dang dở, cũng đều đẹp lắm. Kỷ niệm đầy vơi cùng tháng năm, nhưng những vẻ đẹp của nó vẫn triền miên. Anh tâm nguyện với mình: gắng giữ sao cho trọn vẹn những đẹp đẽ ấy, đẹp đẽ như khuôn mặt của em, như toàn vóc dáng em mà đã một thời gian anh ôm trọn cả vòng tay.
Chúng mình xa nhau - anh mất em - vậy mà đã hơn một năm rồi em nhỉ. Nếu không xảy ra biến cố Tết Mậu Thân thì cuộc sống anh cũng buồn thảm lắm. Anh vẫn đều đặn làm việc, vẫn nói vẫn cười vẫn viết lách. Chứ chẳng lẽ tất cả đều ngừng lại khi tình yêu chắp cánh bay xa? Nhưng chỉ là làm việc cho tròn bổn phận, nói cười để thử tìm những vang bóng của thời gian xưa cũ và viết lách chỉ là một cách giải tỏa hồn mình, không phải để tìm tòi, sáng tạo.
Trước kia mỗi lần đi xa anh đều gửi về cho em những cánh thư tràn đầy niềm thương nỗi nhớ trải dài trên mặt giấy. Và không lần nào trở về thành phố có em mà không mang theo một món quà phương xa. Hơn một lần nhìn những ngón tay xinh nhỏ em khéo léo gọt vỏ những trái ổi mang từ xứ Mỹ Tho về, anh say sưa nhìn em ăn và nghe em trả lời câu anh hỏi: “không ngon lắm…nhưng mà thích”.
Sau ngày hôm đó - mồng hai Tết - chuyện mình dang dở rồi anh đâu còn lý do gì để tiếp tục viết về cho em những cánh thư bàng bạc tình yêu? Mang về cho em những món quà chan chứa ân tình. Thư cứ viết nhưng để cất vào đáy ngăn sách vở. Quà cứ mua, nhưng rồi đem tặng người không định tặng. Bây giờ em đâu cần biết anh đi đâu đến đâu, mà anh đi đâu đến đâu thì cũng chẳng khi nào em biết được. Một năm loạn lạc ngay từ những ngày đầu Xuân nên anh đã có quá nhiều dịp để tạm xa thành phố đầy kỷ niệm này. Rời Sài gòn anh theo tàu đi Mỹ Tho, Long Xuyên, Sa Đéc, Cần Thơ, Vĩnh Long, Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Nẵng, Huế, Côn Sơn…Những nơi anh đến đều ít nhiều hoang tàn vì chiến tranh tàn phá. Những nơi đó anh đã từng một lần đặt chân. Nhưng khuôn mặt bình yên của chúng không còn nữa. Nơi đó chỉ còn xơ xác, tiêu điều. Một cụ già đã nói với anh như thế. Đứng trước cảnh hoang tàn, hơn lúc nào hết anh nhận ra tình thương yêu và cuộc sống ấm êm cần thiết cho con người hơn tất cả. Cũng như em cần thiết cho cuộc sống của anh, đó Uyên. Nơi nào cũng đổ nát, nhưng Huế đã cho anh những ý nghĩa, những ấn tượng sâu đậm nhất. Vì nơi đó đã từng in dấu bước chân em, đã từng đón nhận giọng nói tiếng cười và hơi thở của em. Nên anh muốn kể lại cho em nghe những ngày anh ở Huế, để làm quà tặng em ngày sinh nhật hằng năm.
Chiếc hải thuyền đưa anh từ cửa Thuận An ngược giòng sông Hương vào Huế. Thuyền máy chở đầy tặng phẩm. Nắng hanh vàng và gió lạnh làm anh nghĩ tới một gian phòng ấm cúng anh từng ngồi trong ấy. Anh gác khẩu tiểu liên trên đầu gối, châm một điếu thuốc. Lòng anh náo nức, mong chóng tới khúc sông Hương nơi có cầu Trường Tiền. Anh có lý do náo nức, Uyên ạ. Thuyền chở nặng, đều đều lướt trên mặt nước. Người lính đứng ở mũi đưa tay chỉ vào hai bên bờ, những dãy nhà đổ nát, những bụi cây xác xơ.
Giữa cảnh hoang tàn của vùng kinh đô cổ, một giọng ca buồn nào đó cất lên sau lái. Anh không quay lại, nhưng anh có ý nghĩ đó là tiếng than thở triền miên của miền sông Hương núi Ngự mà từ nhỏ anh đã được nghe nói đến. Miền quê hương nghèo khó nhất quê hương. Anh không biết nơi nào ngày xưa em đã ở, anh đã vận dụng trí tưởng tượng ức đoán một khúc sông nào đó, như em đã kể, mà em hay ra tắm, ngôi nhà nào đó mà em đã sống trọn một quãng tuổi ấu thơ. Anh mường tượng ra em thu nhỏ lại đang nhởn nhơ trên giòng nước trong xanh. Nhưng khi thuyền ghé vào dốc cầu Trường Tiền, anh vẫn không thỏa mãn với những nơi anh ức đoán.
Những ngày đầu anh làm quần quật cùng đồng đội, di chuyển hàng trăm tấn tặng phẩm lên bờ, đưa vào cất tạm trong trường Đại Học Sư Phạm để đem đi cứu trợ. Ngôi trường đẹp thế mà bây giờ hoang phế, sân trường đầy rác, vỏ đạn và những tấm mồ vùi nông, những áo quan vừa bốc lên và những xác người cuốn trong những manh chăn, chiếu. Mùi xác chết xông lên nhức óc. Anh đã mười lăm ngày ở đó. Những ngày đầu anh theo đoàn công tác vào thành nội, ra vùng ngoại thành và vào các trường học. Tất cả giờ trở thành trung tâm tạm trú. Nhìn sự cực khổ, đau thương của mọi người, anh nghe lòng xót xa. Uyên ơi giá có em ở đó để cùng thấy cùng nghe. Anh thường gọi thầm như vậy. Ghé vào trường Đồng Khánh, anh gặp Khuê công tác ở đây. Khuê đón anh vồn vã, không còn giữ được vẻ e thẹn truyền thống của cô gái miền Trung. Chiến tranh, loạn lạc đã làm người ta vội vàng, hối hả, biến đổi ngay cả đến tính nết của mình. Anh bảo, anh đi vào từng phòng học cố tưởng tượng ra một lớp có hàng ghế Khuê ngồi. Khuê cười: Anh thất vọng rồi nhỉ, giờ thì yên ấm chẳng còn. Mất mát cả! Câu nói khiến anh nhói đau. Mất mát thật mà. Như anh mất Uyên.
Mấy hôm sau đó, một hôm được nghỉ, Khuê đến đưa anh đi thăm Huế. Thiếu phương tiện đi xa nên hai đứa đi quanh quẩn tìm những nơi cảnh đẹp còn sót lại. Anh yêu cầu Khuê dắt anh đi tìm những con đường Uyên yêu, đã có lần Uyên kể. Khuê cười, các cô nào ở đây cũng đều yêu thích giống nhau. Trưng Trắc, Hàng Me, Lê Lợi. Và đường Hàng Đoát. Giữa hai hàng đoát cao, con đường còn giữ được vẻ quý phái như những Chu Mạnh Trinh, Tú Xương, Lê Quý Đôn ở Sàigòn. Khuê chụp cho anh tấm ảnh. Anh hỏi thầm: rồi ảnh này sẽ khoe với ai đây.
Vài ngày cuối trước khi rời Huế, anh nhớ tới lời mẹ em dặn. Nếu có dịp ra Huế cậu ghé Đập Đá thăm gia đình ông Phương hộ tôi. Anh tìm đến. Người đàn ông hân hoan ra mặt, lắng nghe anh kể chuyện về gia đình em. Ông ấy nói: Ngày xưa nhà ông Hân ở khu này đó, thưa ông. Anh reo lên, a, đây rồi, nơi có ngôi nhà em ở. Anh đưa mắt tìm hàng cây leo, tìm gốc me già và những đứa bé…Tất cả đều gần như còn đủ, nhưng không phải là em, là Chi, là các bạn em. Vì em rời xa thành phố này đã lâu rồi! Em đã bỏ lại sau lưng - dù không muốn - cả một chuỗi kỷ niệm ấu thơ. Như bây giờ, bỏ chuỗi kỷ niệm dài với anh. Chuyến trở về Thuận An theo tầu ra Đà Nẵng, anh đi bằng xe đò. Xe chạy ngang nhà em, ngang Đập Đá, Vĩ Dạ…những nơi mà em hằng nói tới với những ước ao được một lần trở về thăm lại.
Uyên ao ước được nhìn lại cảnh xưa, còn anh? Ao ước của anh là nối lại sợ dây tơ dang dở. Liệu chúng mình có bao giờ được toại nguyện không Uyên? Xa rời Huế anh nhớ mãi mẩu chuyện, một trong những sinh viên Huế đến thăm anh đã ví von “Nếu bây giờ đem nối tất cả các giải khăn tang trên đầu góa phụ, con côi hoặc những gia đình có thân nhân bị chết ở Huế rồi thả xuống giòng sông Hương thì đầu giải khăn trắng sẽ là cầu Trường Tiền và đuôi đã trôi ra tới Thuận An”. Câu nói ấy gợi lên sự thê thảm của đời người khi tình yêu vuột mất.
Buổi sáng lên đường từ giã Huế, Khuê đến đưa anh đi chơi lần chót. Trên đường hai đứa gặp nhiều lính Biệt Động, Hải Quân, Nhảy Dù…khuôn mặt họ bình lặng thản nhiên. Anh ngạc nhiên nhìn. Sao anh không như họ. Sao anh không biết tự dồn nén tình cảm xuống tận đáy lòng. Những phiền muộn cá nhân lúc này đâu nghĩa gì so với đau thương của tập thể. Anh xấu hổ với chính mình. Phải rồi, anh không nên “yếu đuối” như Uyên thường chê nhỉ. Dù phiền muộn hay không thì sự thật chuyện chúng mình vẫn thế phải không Uyên.
Uyên, Uyên ơi. Uyên ơi. Những ngày anh xa em, anh đã làm bao nhiêu đó. Về tới Sàigòn, khác với mọi lần, anh đã không tìm đến Thanh, đến Phúc để hỏi về em. Anh cũng không tỏ vẻ phiền hà về những công tác người ta lại giao phó. Lãnh nhận thêm hai tháng nằm ứng chiến ven đô sau kỳ địch đánh đợt hai, anh càng có thì giờ nghĩ về chuyện chúng mình. Anh biết rõ lòng anh rồi: không thể nào anh quên Uyên được, cho dù một năm hay mười năm xa nhau cũng thế thôi.
Vậy Uyên ơi, còn chấp nhất làm gì những cách ngăn đã trở thành quá khứ. Hãy đến với anh bằng nụ cười tha thứ bao dung ngày nào. Những cơ khổ của đời người chúng mình vừa chứng kiến hẳn đã làm anh già dặn hơn và giúp em đủ thời giờ cân nhắc suy tư.
Đúng không Uyên. Dù muốn dù không em cũng không thể chối cãi được rằng chúng mình từng có thời gian đã yêu nhau, đã khóc vì lo lắng cho nhau.
(Vậy Uyên hãy đến với anh đi, nếu tình em yêu anh chưa chắp cánh bay xa.)
Sài Gòn 1969