Chương XV

      ỘT THÁNG SAU NGƯỜI TA GỌI TÔI LÊN văn phòng giám thị. Từ hôm chị Nga bị xử tử không một phát súng ân huệ, tôi được nằm dưỡng sức ở bệnh xá. Cô y tá tù Đan Chi đã sẵn sóc tôi tận tình. Cô thường hát cho tôi nghe những bản Tù Ca mà cô học thuộc khi luân lạc ở các quần đảo Phước Long, Xuyên Mộc, Hàm Tân. Có bao nhạc sĩ tù nhân đã sáng tác. Họ hát trong cachot, trong connex… Họ bị phát vãng miền Bắc trở về Nam. Những bài Tù Ca lãng mạn, đẹp như trăng sao, không hận thù máu lửa, không lưỡi lê đòi trả nợ. Người Việt Nam nghìn năm mơ mộng, cao thượng. Chân đeo cùm vẫn yêu thích ca dao.
Đan Chi nhìn tôi, mỉm cười âu yếm:
- Lần này, chị sẽ may mắn đấy.
Tôi nắm chặt tay Đan Chi:
- May mắn hay không may mắn cũng thế thôi, em ạ! Chị quen rồi… Cám ơn em nhiều. Chị nhớ em mãi mãi.
Sử Gia đang ngồi chờ tôi. Ông ta có vẻ buồn bã. Giọng trầm hẳn xuống, ông ta nói:
- Tôi rất tiếc.
Tôi im lặng.
- Cô hiểu chứ, tôi rất tiếc.
Tôi vẫn im lặng.
- Hôm nay, tôi chứng minh lời hứa của tôi. Cô được trả tự do.
Như pho tượng, tôi ngồi bất động. Sử Gia muốn nói nhiều, tưởng sẽ nói nhiều và ngỡ rằng tôi sẽ thích thú tranh luận với ông như những lần trước. Nhưng ông ta thiếu may mắn. Tôi đã rửng rưng tất cả. Ông ta đưa cho tôi hai tờ Giấy Ra Trại, bảo tôi ký tên góc bên trái, cuối trang. Tôi cầm bút, uể oải ký. Sử Gia giữ một tờ, tôi một tờ. 
- Cô cất kỹ, mất thì phiền phức lắm. Cô phải trình diện chính quyền địa phương. Sau vài thủ tục tạm trú, cô sẽ trở về đời sống bình thường. Bây giờ cô về thu xếp hành lý rời trại. Người ta sẽ phát tiền xe cộ cho cô. 
Tôi nhìn Sử Gia không chớp mắt:
- Có thật tên ông là Nguyễn Bình Nam không?
Sử Gia gật đầu:
- Phải, tên cúng cơm của tôi đấy.
- Khi ông chết, ông di chúc cho vợ con chôn ông ở đâu?
- Xã Tường An, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.
- Cám ơn ông, tôi sẽ ra Bắc đặt lên mộ ông một vòng hoa hồng thắm.
Và tôi đứng dậy, rời văn phòng giám thị. Người ta bắt tôi phải rời trại khẩn trương. Lúc này, các đội đang lao động ngoài bãi. Tôi đi chào các chị em bệnh hoạn làm việc trong trại. Đan Chi cho tôi bộ quần áo mới. Tôi từ chối. Tôi muốn mặt bộ quần áo cũ của tôi. Ngày vào tù quần áo nào, ngày ra tù quần áo ấy. Tôi yêu sự tơi tả của bộ quần áo kỷ niệm của tôi. Nó theo tôi từ buổi sáng ngày 6 tháng 2 năm 1976 và nó về với tôi cũng buổi sáng ngày 24 tháng 12 năm 1982. Suýt soát 7 năm tù đày! Kiểm soát lại xem còn thiếu sót gì không? Tôi nhờ Đan Chi nói với chị Thanh rằng tôi tha thiết chờ đợi xem phim O’cangaceiro của chị. Đan Chi ôm chặt lấy tôi. Bùi ngùi…
Bước qua cổng trại, tay xách cái bị cói, đi một quãng, tôi nhìn lại Long Thành, nhìn lại hàng rào giây kẽm gai, nơi chị Nga đã chết treo tay trên đó. Giã từ ngục tù nhỏ, tôi về ngục tù lớn. Gió sớm mát rượi. Tôi lúng túng bước đi. Văng vẳng đâu đây, những lời ca mượt mà theo nhạc đêm của muôn loài chim êm ái. 
«Tôi ca ngợi tôi
Ngụp giữa biển đời
Sóng gầm bão nổi
Tôi vẫn là người…»
Tôi mỉm cười. Dưới những tầng địa ngục, tôi đã lên đời chói lọi. Tôi vẫn là tôi. Tôi vẫn là người.  
DUYÊN ANH
Sungai Besi, Malaysia
13-9-1983
 

Xem Tiếp: ----