Dịch giả: Minh Quân & Mỹ Lan
Chương 2

     lisa được bà chủ nuôi nấng từ tấm bé, cô lớn lên mặc nhiên hưởng nhận sự thương yêu và rộng lượng của ông bà Shelby. Vào tuổi thành nhân, Elisa kết hôn với George-Harris, một thanh niên đồng chủng cùng địa vị như cô ở trại láng giềng.
Chủ nhân của Harris cho anh làm công nhân trong một xưởng may bao. Tháo vát và khá thông minh, anh được nâng lên một địa vị cao nhất xưởng vì anh sáng chế ra được một cái máy dệt sợi gai.
Thật ra, nếu không vì vướng màu da và giai cấp xã hội, người ta có thể coi anh như một nhân tài có sáng kiến ngang với Whitney, người đã sáng chế ra máy dệt tơ lụa.
Harris tỏ ra là một người có đủ tư cách cũng như lòng nhân hậu, tất cả nhân viên trong xưởng từ lớn đến nhỏ đều một lòng quý mến anh. Mặc dù vậy, dưới con mắt luật pháp, chàng trai có khả năng này vẫn không được coi như một con người, như mọi công dân da trắng khác, mà là một đồ vật: tất cả đặc tính phi thường của chàng đều được đặt dưới quyền thao túng chuyên chế của lão chủ tầm thường, đầu óc ích kỷ, hẹp hòi. Do đó, khi những lời đồn đãi về khả năng và vật anh sáng chế ra bay đến tai lão chủ nhân da trắng này, tức thì lão đi ngay đến xưởng để xem xét. Lão nôn nả muốn biết sinh vật thuộc quyền sinh sát của lão làm được trò trống gì thật hay chỉ là lời đồn đại vô căn cứ.
Lão được ông Giám đốc tiếp đón niềm nở, xưng tụng lão vì lão đã có công thu nạp được một nô lệ tài ba, đặc biệt.
Harris, niềm hãnh diện của lão ở xưởng, đã chỉ cho lão cái máy do anh sáng chế. Anh không thể ngờ là với những lời giới thiệu máy một cách nồng nhiệt rành rẽ, anh đã vô tình chạm đến cái mặc cảm thấp kém, ngu dốt của lão ta. Hừ! Biết đâu một ngày sắp đến tên nô lệ này sẽ được chu du khắp xứ, chế ra vô số máy móc đặc biệt, phi thường và ngẩng đầu lên cao ngang hàng với bọn chủ nhân trưởng giả cỡ lão? Chỉ nghĩ đến đó là lão tức lộn tiết lên rồi. Không đâu. Lão thấy có bổn phận phải dìm nó xuống, phải đem nó về trại, bắt nó đào đất, cuốc đất... Đào và cuốc đất, vậy thôi. Đừng hòng có dịp thi thố tài năng! Đừng hòng! Rồi đầy, để coi nó làm gì nên trò trống được với lão. Thế là không do dự một giây, lão đòi bắt Harris về, không cho mướn nữa.
Quyết định bất ngờ của ông chủ da trắng làm cho viên giám đốc và hầu hết thợ thuyền trong xưởng kinh ngạc tột độ.
- Nhưng, thưa ông... - Người cai xưởng ngập ngừng hỏi - có lẽ ông quyết định hơi vội...
- Không vội đâu! Anh thừa biết là nó thuộc quyền tôi chứ?
- Dĩ nhiên, thưa ông. Nhưng... nếu ông vui lòng cho Harris làm lại, chúng tôi tăng thêm lương...
Lão chủ gạt phăng đi:
- Đây không phải là lý do. Tôi không thích cho mướn nô lệ nữa, hiểu không? Mà hễ tôi đã không muốn cho mướn là...
- Xin ông nghĩ lại, vả hiện giờ anh ấy đang đảm nhiệm một công tác đặc biệt vừa được giao phó.
- Hơn nữa, ông cũng nên nghĩ đến cái máy mà anh ấy sáng chế ra...
Một người thợ rụt rè lên tiếng bênh vực Harris. Lão chủ đê tiện cười nhạt:
- À! Cái máy! Một cái máy để khỏi làm việc mệt nhọc chứ gì? Đó chính là mục đích khiến hắn để tâm sáng chế, tôi đánh cá với các anh đó! Hừ! Cần chi phải chế ra máy móc: chính tụi da đen chúng há không là những cái máy hoàn hảo đó rồi ư? Thôi, khỏi bàn cãi lôi thôi, tôi muốn nó phải về trại.

*

Harris, sau đó phải về trại theo lệnh chủ nhân và được giao cho những công việc nặng nhọc nhất. Con người bị coi như một đồ vật đó không thể phản đối sự độc ác của chủ nhân bằng lời nói, nhưng bằng ánh mắt căm phẫn, vầng trán và nét mặt u tối, buồn rầu.
Chính trong thời kỳ làm việc thong thả và sung sướng ở xưởng, Harris đã gặp Elisa và kết hôn với nàng. Thời kỳ này, được cai xưởng tin cẩn, quý mến, anh có rất nhiều tự do.
Hôn lễ cử hành có sự tán thành của chủ nhân Elisa. Cũng như các phụ nữ từ tâm khác, bà Shelby vui vẻ đứng ra tổ chức lễ cưới. Bà rất hài lòng vì tớ gái của bà xinh đẹp và giỏi giang, lấy được một cậu thanh niên thông minh, có tương lai. Quả thật bà không chê Harris một điểm nhỏ nào. Tiệc cưới diễn ra trong phòng khách rộng lớn của bà và tận tay bà trang điểm cho cô dâu, cài hoa cam lên mái tóc óng mượt và phủ lên đó tấm voan trắng muốt. Bà Shelby cho là chưa bao giờ một tấm voan được phủ lên một mái tóc đẹp như thế. Thật là một lễ cưởi hoàn mỹ, không thiếu chi cả: găng tay trắng, voan phủ tóc, bánh ga-tô, rượu nho v.v...
Rất đông quan khách đến chúc mừng hôn lễ, chúc mừng tân nhân và chia sẻ niềm vui cùng bà chủ nhân từ.
Suốt hai năm ròng, Elisa gặp chồng thường xuyên và quả thật họ đã sống những ngày khá hạnh phúc. Có lẽ họ hoàn toàn sung sướng hơn nếu không xảy ra hai cái chết của hai đứa con đầu: Elisa bị sinh non. Elisa buồn lắm, gần như quẩn trí. Nhờ những lời an ủi dịu dàng của bà Shelby, nhờ tấm lòng từ mẫu của bà, cô mới chịu đựng và vượt qua thử thách đầu tiên trong đời làm vợ.
Thế rồi, Jim ra đời, Elisa trở lại hồn nhiên, vui vẻ như xưa. Elisa sống ngợp trong hạnh phúc như con cá trong nước vậy. Nàng không mơ ước chi hơn. Nhưng những ngày vui đó chấm dứt khi lão chủ độc ác bắt chồng nàng thôi việc ở xưởng, trở về trại làm việc dưới gọng kìm sắt của lão, tên chủ nhân pháp định vô lương.
Viên cai xưởng giữ lời hứa với người thợ da đen đáng mến, hai tuần lễ sau khi Harris thôi việc, thân hành đến thăm chủ Harris với hy vọng là ngọn lửa tức giận vô lý của lão ta đã tàn. Ông ta không nề hà gì, miễn sao được đưa chàng thanh niên đó trở về làm việc trong xưởng. Song chủ Harris trả lời điều yêu cầu chính đáng của ông bằng giọng bực tức và chắc nịch:
- Đừng phí công thuyết phục tôi, vô ích. Tôi biết tôi phải làm gì và tôi không đổi ý đâu.
- Thưa ông, tôi không lợi riêng trong việc này, tôi mong ông nghĩ lại, ông mà chịu cho Harris trở lại xưởng, ông sẽ được hưởng nhiều quyền lợi hơn.
- Biết rồi, tôi biết rõ điều này từ hôm đến xưởng lận kia. Nhưng tôi đã nói tôi không bằng lòng là tôi không bằng lòng. Chúng ta sống trong một nước tự do mà. Tên mọi đen này thuộc quyền tôi, tôi muốn sử dụng nó cách nào tùy ý tôi, chỉ vậy thôi.
Hy vọng cuối cùng của Harris tắt ngấm. Trước mặt anh lúc này chỉ còn một chuỗi dài những ngày đọa đày, tủi nhục. Đời sống chàng sẽ tối tăm hơn, thảm khổ hơn, không vì lao lực mà chính vì những lời mắng mỏ, khinh miệt độc ác của chủ nhân. Tất cả những thứ đó như những mũi nhọn xuyên sâu vào trái tim anh.
Một nhà luật pháp từng tuyên bố: “Treo cổ một người là hành động tồi tệ, dã man mà người ta dành cho đồng loại”. Ông có lầm chăng? Chủ nhân của Harris còn đối xử với anh tàn tệ hơn là treo cổ nữa kia, trời ạ!