Chương XVI

     ôi bảo Cơ dắt ngựa đi trước, cách tôi độ ba thước tây và dặn anh nhớ luôn luôn khom lưng xuống. Đất mềm, chân ngựa bọc đi êm như ru.
Chúng tôi men theo bờ ruộng ra mãi ngoài xa mới dám lên yên và cho ngựa xuống suối.
Nhưng chúng tôi không dám để ngựa bước nhanh.
Một là nước bị động mạnh sẽ làm cho người ta chú ý đến chúng tôi.
Hai là vì nước mưa nhiều, mậc suối cao hẳn lên và chảy xiết lắm.
Chúng tôi đi một cách rất vất vả.
Là vì, trong suối, bóng đêm dầy tưởng như sờ được.
Tuy thế, chính nhờ trời tối mù mịt thế mà bọn tôi đỡ bị nguy hiểm.
Chúng tôi mò mẫm lâu lắm; óc không kịp nghĩ gì ngoài sự làm cách nào thoát mau được chỗ nguy hiểm.
Cho mãi đến lúc trông thấy dải đường lờ mờ, chúng tôi mới thực yên chí.
Cơ réo lên:
-  Thoát nạn!
Toi cũng nói to.
-  Ra toi cho ngựa phóng nước đại đi!
Câu nói ấy không phải là vô ích.
Vì, tôi vừa dứt lời, trong động đã nổi lên một hồi tù và inh ỏi rồi kế đến mấy tiếng súng nổ vang.
Bại lộ rồi!
Cơ háo hức reo to như một đứa bé tinh nghịch khi quấy rầy được người lớn.
Tôi cũng thích chí cười to:
-  Bại lộ thì bại lộ chứ cần gì!
-  Phải, bây giờ thì có mà trời đuổi…
-  Lưu Huyền Đức đã qua khỏi Đàn Khê rồi!
Vừa nói, chúng tôi vừa cho ngựa phi như tên bắn…
--- & ---
Khôi ngừng kể, cầm cốc rượu uống…
Ngọc nhìn bạn, thấy có vẻ mơ màng cũng không vội hỏi.
Một im lặng.
Mấy phút qua…
-  Anh Khôi!
Khôi ngẩng đầu và nhìn bạn bằng hai mắt lờ đờ…
-  Câu chuyện của anh đến đây, kể cũng đáng mừng cho anh và anh Cơ…
-  Sao lại đáng mừng?
-  Vì tết năm ấy, bà cụ nhà anh ít ra cũng không đến nỗi hết nước mắt…
-  À, cái ấy đã hẳn!
-  Anh tuy không kiếm được gì đem về giúp đỡ cha mẹ mà cũng đem được tấm thân về một cách an toàn.
-  Nhưng dù vậy tôi vẫn buồn.
-  Kể ra thì cũng đáng buồn!
-  Đáng buồn thật chứ!
-  Nghĩa là anh vẫn mang trong lòng một mối tình u uất với… chị ấy chứ gì?
-  Chính thế!
-  Sau khi về que, anh có lần nào lại “tái đáo Thiên thai phỏng Ngọc Chân” hay không?
-  Có.
-  Thế thì còn buồn gì nữa!
-  Chính vì vậy mà tôi buồn dữ.
Khôi thở dài rồi đọc hai câu Kiều:
Trước sau nào thấy bóng người!
Hoa đào năm ngoài còn cười gió đông!
-  Nhà vợ anh dọn đi nơi khác rồi à?
Khôi gật:
-  Phải.
-  Sao anh không hỏi thăm hàng động xem là đi đâu mà tìm có được không?
-  Tôi đã hỏi thăm và đã biết chỗ ở của nhà vợ tôi.
-  Thế anh có đến chứ?
-  Không.
-  Tại sao?
-  Tại đến cũng vô ích!
-  Ngọc ngẩn ngơ:
-  Sao lại vô ích?
Khôi chớp nhanh hai mí mắt:
-  Tại nhà tôi đã tự tử rồi!...
Ngọc giật nảy mình:
Thật à?
-  Phải?
-  Tội nghiệp quá nhỉ! Câu chuyện ra làm sao?
-  Cứ như lời hàng xóm thuật lại thì sau khi tôi đi, cũng không xảy ra sự gì tai hại ngay…
-  Ừ, anh đã có một bức thư để lại rồi mà!
-  Chính thế! Nhờ bức thư ấy, bố vợ và anh vợ tôi cũng được yên lòng và vợ tôi cũng đành kiên nhẫn chờ. Vợ tôi đã chờ tôi mãi, chờ mãi đến khi sinh được một thằng cháu trai…
-  Thế ra, anh ở lì nhà lâu đến thế kia?
-  Khổ lắm anh ạ! Sau tết tôi cũng muốn đi ngay nhưng mẹ tôi chợt ốm nặng; tôi thành thử cứ loanh quanh ở nhà mãi…
Ngọc thở dài:
-  Trong đời người có lắm sự xảy ra thật oái oăm.
-  Chính thế! Bên hiếu bên tình, tôi biết tính sao? Mẹ già hắt hiu như ngọn đèn trước gió. Mình nỡ nào bỏ đi, phải không anh?
-  Phải lắm! Nhất là sau khi anh đã bị một tai nạn như thế…
-  Tôi cứ nấn ná ở nhà, cũng tưởng lần nữa rồi lên còn kịp và nhà tôi cùng cháu sẽ có ngày cùng tôi đoàn tụ. Ai ngờ…
Khôi ứa nước mắt:
-  Trong khi ấy, nhà tôi cứ ngày ngày ôm con lên đồi cao để ngóng chồng như hòn đá vọng phu! Đến khi ngày tháng đã chất đầy thành ngót một năm, nhà tôi không thấy vân mồng gì nữa nên chắc hẳn ngờ tôi đã xa mặt cách lòng…
Ngừng lại để chùi hai mắt, Khôi hút một điếu thuốc lào, thở khói và im lặng giây lâu mới lại kể tiếp bằng một giọng bình tĩnh hơn:
-  Theo lời hàng xóm thuật lại thì một hôm ông ngoại thằng cháu chờ mãi đến tối rồi mà không thấy con gái đem cháu về, liền sinh nghi đánh đuốc kéo nhau đi tìm. Khi lên đến cái gò mà ngày ngày nhà tôi vẫn bế cháu lên đứng ngóng tôi…
Ngọc thấy Khôi ngừng liền hỏi:
-  Sao nữa!
-  Thì thấy nhà tôi đã chỉ còn là một cái xác cứng lạnh, cổ treo lên một cành khế rừng!
-  Còn thằng cháu?
-  Mẹ nó vùi ở ngay gần đấy, hình như trong một lúc quá giận chồng tệ bạc, nó đã bóp chết đứa bé ngây thơ vô tội!
Ngọc rùng mình:
-  Chà! Thảm đạm quá!
-  Anh nên nhớ rằng người đường rừng họ lạ lắm! Yêu ghét, họ đều khác người dưới ta nhiều. Khác ở chỗ dù yêu hay ghét họ đều đem tình cảm lên đến tột bực!
-  Lạ nhỉ!
-  Một là gì cái hoàn cảnh của họ đã có ảnh hưởng sâu xa đến tâm linh họ. Hai là gì cuộc sống của họ bình dị quá nên bao nhiêu sức hoạt động về tinh thần của họ có thể chuyên chú vào một mối tình nào đó đến triệt để.
-  Anh nói, tôi chịu là đúng.
-  Nhưng, cái bài học kinh nghiệm ấy có phải là rẻ đâu! Tôi đã mua nó bằng máu và nước mắt!
-  À, thế còn anh Cơ.
-  Anh Cơ về được ít lâu cũng chết.
-  Sao thế?
-  Nghe đâu anh ấy bị đau gan thì phải. Anh tính thế có buồn không! Ai lại một lúc tôi phải mang ba cái tang trong lòng. Vợ, con và bạn. Hồi ấy, tôi thấy tôi trơ vơ lạ, không còn liên lạc chi đến sự đời nữa, muốn cứ lang thang như một linh hồn lưu lạc trong trần thế…
-  Anh nên khuây khỏa đi là hơn!
-  Để làm gì? Trong đời người ta, có nhiều cái không thể nào khuây khỏa được!
Khôi im lặng một lúc lâu rồi kết:
-  Lúc đứng trên gò, bên hai nấm đất mà cỏ xanh chưa phủ kín, tôi nhìn cành khế còn phảng phất thấy hình ảnh vợ tôi lúc đương giãy giụa và tai tôi còn như nghe thấy cái rên rỉ cuối cùng. Rồi ngày nay, mối lần thấy mình vẫn còn sống một cách vô vị tôi không thể không ngạc nhiên được!
Hanoi 1939-1940
Lan-Khai

HẾT

Xem Tiếp: ----