Chương 3

     ồng hồ vừa đổ bốn giờ thì chiếc xe hơi của bà Quỳnh cũng vừa ngừng trước cổng. Tự nhiên Phi Nga nghe hồi hộp, nhưng rồi nàng cũng trấn tĩnh được, đi ra đón khách, ông Malê, một người đàn ông cao lớn, tóc đã hoa râm, phục sức sang trọng, đã tiến vào cửa, không có bà Quỳnh đi theo. Bộ dáng bệ vệ của ông Malê không có vẻ gì là nghệ sĩ cả. Nhìn Phi Nga không nháy mắt, ông hỏi:
- Cô Phi Nga?
- Vâng, chính tôi đây.
- Tôi có thể dùng tiếng Pháp để nói chuyện với cô?
- Tôi không thạo lắm và cũng không quen nghe người ngoại quốc nói, nhưng ông cứ dùng tiếng Pháp, xem thử tôi có hiểu không?
Lúc bấy giờ ông Malê mới nói tiếng Pháp. Ông nói chậm rãi:
- Nhà tôi đã nói trước cho cô biết về mục đích thăm viếng của tôi?
Ông Malê cao lớn vì thế mỗi lần nói, phải cúi xuống. Phi Nga đứng mới đến vai của ông, đôi mắt của ông cứ nhìn thẳng vào mặt Phi Nga, khiến nàng hơi khó chịu, nhưng vẫn không tránh ánh mắt của ông:
- Vâng... Xin mời ông ngồi.
- Trông cô còn nhỏ... như một thiếu nữ độ mười bốn tuổi. Vậy mà cô đã lập gia đình rồi à?
Phi Nga mỉm cười:
- Tôi đã hai mươi tuổi.
- Hai mươi tuổi? Lập gia đình vẫn là sớm đấy, nhất là một người có tài như cô.
- Ông quá khen.
- Tôi không biết nịnh đầm. Tôi khen vì đã thấy hai bức tranh của cô. Cô học vẽ với ai?
- Tôi chỉ học lúc ở trường, với một giáo sư dạy vẽ, có đi học ở ngoại quốc.
- Về trường phái nào?
- Tôi không biết. Nghe đâu ông ấy học ở Paris...
- Lúc cô học, ông ấy đã nói gì về những tranh cô vẽ?
- Ông ấy khuyên tôi nên đi học vẽ ở trường Mỹ thuật.
- Thế cô có đi không?
- Không.
- Tại sao?
- Cha tôi không thích cho con gái học nhiều...
Ông Malê nhún vai, rồi nói có vẻ bực tức:
- Con gái học nhiều thì xã hội có ngừng tiến bộ không? Sao lại ngăn cấm những thiên tài phát triển?
Phi Nga đi pha trà, ông Malê ngồi nhìn căn phòng, rồi đi xem từng bức tranh nhỏ treo trong phòng khách. Lúc xem xong, ông lại ngắm Phi Nga trong khi nàng pha trà. Những cử chỉ lanh lẹ của nàng đã lọt vào mắt ông Malê. Ông nheo mắt nói:
- Cô pha trà y như một phụ nữ Nhật, chỉ tiếc là cô không mặc chiếc áo kimono của họ.
Phi Nga đặt tách trà trước mặt ông Malê, rồi nói như để phá những ý nghĩ của ông ta mà Phi Nga không thích lắm:
- Ông may mắn thật, đi nhiều nước quá.
Ông Malê nâng tách trà rồi hỏi:
- Trang hoàng nhà cửa như thế này, chắc là cô thích xây dựng một gia đình êm ấm. Nhưng hình như chồng cô chỉ là một giáo viên...
- Nghề nghiệp của chồng tôi không phải là sự trở ngại cho hạnh phúc gia đình.
Ông Malê lại nhún vai:
- Cô nghĩ như thế? Nhưng tôi không tin như thế.
- Đó là quyền của ông.
Ông MaLê uống cạn tách trà rồi đứng lên:
- Nào, chúng ta hãy ra xưởng vẽ của cô.
Phi Nga hướng dẫn ông đi ra cái chái bên hông nhà. Ông vừa đi vừa hỏi:
- Cô sắp làm mẹ?
Phi Nga gật đầu:
- Chồng tôi bảo anh ấy thích những bức tranh do tôi soạn ở nhà bếp hơn là ở xưởng vẽ.
Ông Malê nói lớn như nạt:
- Đàn ông ai không ích kỷ như thế! Những món ăn do cô soạn mà bảo là những bức tranh? Con người phàm phu thật! Và đứa con là sản phẩm ông ấy thích hơn cả?
Đôi mắt sáng quắc của ông Malê nhìn thẳng vào đôi mắt rụt rè của Phi Nga, nhưng Phi Nga không chịu thua:
- Chính tôi cũng thích có con. Với những mầm sống ấy, chúng ta thấy rõ sự tiến bộ của nhân loại. Còn nghệ thuật, khoa học, y học, văn học có tiến bộ được cũng phải nhờ vào những mầm sống ấy. Không có loài người làm gì có những bức tranh, những phát minh?
Ông Malê cười lớn làm Phi Nga phải ngừng nói:
- Và cô nghĩ cô tạo cho đời những mầm sống ấy tức là tạo cho thế giới sự tiến bộ về mọi mặt?
Phi Nga gật đầu. Ông Malê nghĩ ngợi rồi nói:
- Cô triết lý cũng khá đó. Và cô nghĩ chỉ đàn bà mới giữ cho nhân loại khỏi diệt vong? Nhưng nào, hãy bàn về tranh ảnh đã. Cô có bao nhiêu tranh?
Phi Nga chỉ tay lên mấy tấm vách và nói:
- Chỉ có từng ấy...
- Đã bán cho ai bức tranh nào chưa? Hay chỉ bán cho nhà tôi?
- Có người chịu mua các bức này nhưng tôi không bán.
Phi Nga chỉ hai bức tranh mà Đình muốn mua thì ông Malê hỏi:
- Tại sao cô không bán?
- Vì tôi thấy tôi chưa thật có tài. Người muốn mua tranh lại có ý mua để tặng một người bạn là họa sĩ.
- À, vì thế mà cô không bán? Nhưng hai bức tranh này cũng khá lắm đấy chớ. Tôi không ngờ cô có cả một kho tài hoa như vậy?
Ông Malê lim dim đôi mắt rồi nói:
- Lạ thật. Thượng đế dường như cũng thiên vị người đẹp.
Phi Nga mỉm cười trong khi ông MaLê nói tiếp:
- Chồng con sẽ làm mất thì giờ của cô và cũng do đó một phần tài năng của cô bị phân tán. Thật là điều đáng tiếc. Cô Phi Nga à, cô nên nghe lời tôi, tìm một họa sĩ có tiếng mà học thêm. Cô bảo họa sĩ nào muốn mua tranh của cô đó? Cô có thể học với ông ta không?
- Không, lúc này tôi không vẽ gì được, tôi bận...
- Bận vì sắp làm mẹ? Đáng tiếc thật! Người có tài như cô mà lập gia đình sớm uổng thật đấy. Bên nước tôi, người như cô sẽ nổi tiếng... Có bao giờ cô nghĩ đến sự nghiệp của cô, của một họa sĩ?
Phi Nga lắc đầu. Ông Malê nói như hét:
- Vô lý, cô không chịu nói thật! Có phải cha mẹ cô ép cô lập gia đình? Phải mà, ở cái xã hội Việt Nam, nhà nào có con gái là y như có một mối lo, phải tìm cách tống khứ sớm chừng nào tốt chừng nấy.
Phi Nga cãi:
- Không phải cha mẹ tôi ép, tại tôi muốn lập gia đình.
- Tại cô? Tại sao như thế?
- Tại tôi nghĩ như thế này...
- Nghĩ như thế nào?
- Nghĩ rằng người phụ nữ chỉ có thể phát triển mọi mặt khi có gia đình.
Ông Malê lại nhìn Phi Nga với đôi mắt đầy kinh ngạc:
- Cô nghĩ như thế? Cô lạ hơn ai hết và thật khó hiểu.
Phi Nga tự phụ nói:
- Ông làm sao hiểu tôi được.
Ông Malê quả quyết:
- Tôi tin chắc cô sẽ nổi tiếng về tài vẽ của cô. Tôi cũng tin rằng một ngày nào đó cô sẽ thấy chán khung cảnh chật hẹp của gia đình...
Phi Nga dằn từng tiếng:
- Không đời nào. Tôi thích sống với chồng, tôi thích được làm mẹ, tôi không bao giờ chán những công việc nội trợ. Những việc ấy không làm tôi quên lãng chuyện vẽ tranh. Nhưng bây giờ chưa vẽ được, tôi tạm nghỉ một thời gian. Trong lúc nghỉ, nếu tôi có tài như lời ông nói thì cái tài ấy sẽ có dịp mà phát triển thêm lên.
- Phát triển thêm lên? Bằng cách nào? Cô không đi học thêm, không cầm cây cọ, không rờ đến hộp màu... mà tài cô phát triển?
Phi Nga cười lớn, vẻ mặt tươi tắn khác thường:
- Nhiều nhà văn không cần viết, chỉ cần suy nghĩ, quan sát mà tư tưởng họ sáng suốt, cao siêu hơn. Vì thế có nhiều người sau khi bị tù chính trị trở thành những nhà triết học hay những nhà tâm lý học. Lúc ở tù họ chịu khó nghiền ngẫm về một vấn đề gì đó.
Ông Malê gật đầu:
- Nãy giờ tôi thấy cô thạo về sách vở hơn là vẽ tranh! Chắc cô đọc nhiều sách?
- Tôi đọc rất ít vì không có sách nhiều. Nhưng khi đọc thì phải suy nghĩ. Tôi chưa có dịp đi xem triển lãm tranh của các họa sĩ, nên không biết gì nhiều về tranh. Tôi nói thế chắc ông không tin.
Ông Malê ngạc nhiên:
- Chưa đi xem cuộc triển lãm tranh nào? Thế thì lạ thật!
- Nhưng tôi được xem nhiều bức tranh ở nhà bạn bè hay ở trong sách. Tôi thích vẽ trên lụa như các họa sĩ Tàu, nhưng không ai chỉ tôi cả. Vẽ trên lụa chắc khó lắm.
- Cô học là vẽ được. Cô nói có lẽ đúng, vì không học với ai, nên tranh cô có những khuyết điểm về kỹ thuật. Cô Phi Nga à, cô nên nghe lời tôi, thu xếp thì giờ để đi học thêm. Cô nên dọn lên Sài Gòn, đừng ở nơi hẻo lánh này. Sài Gòn là sân hoạt động thích hợp nhất của cô. Lên đó, cô sẽ có dịp đi xem những cuộc triển lãm tranh, sẽ gặp nhiều họa sĩ tài hoa. Họ sẽ giúp cô, đưa cô ra khỏi chỗ tăm tối...
- Tôi thích ở đây. Chúng tôi cưới nhau chưa đầy một năm.
- Đó không phải là lý do để cô chôn cuộc đời của cô ở đây.
- Vài năm nữa, có lẽ tôi sẽ thay đổi ý kiến. Bây giờ thì chưa được.
- Chồng cô ngăn cản? Tôi biết mà, có ông chồng nào mà muốn vợ mình nổi tiếng hơn họ đâu. Ái tình, sự nghiệp, là những con đường một chiều.
Phi Nga bực tức nói lớn:
- Chồng tôi không hề ngăn cản. Ông nói như vậy là không hiểu gì nhà tôi hết. Nhà tôi hiền lắm, chúng tôi rất hiểu nhau trước khi cưới nhau.
Ông Malê nhún vai, đứng lên:
- Tôi làm mất thì giờ của cô quá nhiều rồi... Tôi chỉ còn điều này khuyên cô, bao giờ cô thấy khung cảnh này tù túng, có ý nghĩ muốn tạo cho mình một sự nghiệp thì cô hãy liên lạc với tôi theo những địa chỉ này, bất cứ lúc nào. Tôi sẽ giúp cô. Cô không cần viết nhiều, vài dòng thôi, cho biết cô muốn học vẽ hay muốn gặp tôi, là tôi đến ngay... Tôi cho cô ba địa chỉ, một ở Sài Gòn, một ở Paris và một ở Nhật. Ngoài ra cô còn có thể liên lạc với nhà tôi.
Khi ông Malê đi rồi, Phi Nga cứ đứng thẫn thờ như người mất trí. Tấm giấy có ghi địa chỉ của ông cứ nằm trên bàn mà nàng cũng không buồn đọc.
Vài phút sau thấy Dũng về, Phi Nga vội vã cất mảnh giấy vào túi và tối hôm ấy lặng lẽ cất nó vào ngăn kéo. Đọc làm gì khi Phi Nga không thể bỏ chồng để làm theo lời đề nghị của ông Malê. Ông muốn Phi Nga đi học vẽ, muốn Phi Nga dọn lên Sài Gòn để tiếp xúc với giới hội họa. Những chuyện ấy Phi Nga chưa làm được trong lúc này.
Dũng vui vẻ hỏi:
- Ông Malê đến rồi à?
- Ông ấy đi độ năm phút thì anh về...
- Thế à? Ông ấy nói chuyện gì mà lâu thế?
- Ông ấy xem tranh và khuyên em nên học thêm với một họa sĩ, hoặc dọn về Sài Gòn để có dịp đi xem những cuộc triển lãm tranh.
Dũng lo lắng:
- Rồi em nói sao?
- Em trả lời là chuyện ấy chưa cần. Em đang có thai và thấy chuyện sắp làm mẹ mới là quan trọng.
Đôi mắt của Dũng sáng lên một niềm vui khó tả:
- Em trả lời như thế phải lắm.
- Còn về chuyện dọn lên Sài Gòn thì em bảo em thích ở đây, vì đã quen sống với khung cảnh yên tịnh. Ông ấy có vẻ tức giận bảo em khờ dại, chôn vùi một tài năng mà không biết. Ông ấy nói nhiều lắm nhưng em không hề xao xuyến. Thấy thuyết phục em không được, ông ta liền ra về.
Dũng vui vẻ lắm khi nghe Phi Nga đã làm ông Malê thất vọng, nhưng trong khi dùng cơm, thấy nét mặt Phi Nga uể oải, và khi ăn xong, ngồi hóng mát ngoài hiên, Phi Nga trả lời một cách bất đắc dĩ những điều mà Dũng hỏi, Dũng không khỏi lo nghĩ. Chàng liền nói với vợ, khi hai người đã lên giường ngủ:
- Phi Nga à, anh không ngăn cản gì em đâu. Nếu em thấy cần học vẽ thì cứ đi.
- Tại sao anh lại băn khoăn như vậy? Nếu muốn học thêm thì em đã nói với anh, và đã nhờ ông Malê giới thiệu với một họa sĩ nào đó rồi. Em không chịu kia mà.
Dũng yên lòng, và một lát sau đã nghe tiếng chàng ngáy đều. Phi Nga nghĩ:
- Con người vô tư thật...
Phi Nga không sao ngủ được, cứ nằm nhớ mãi những lời ông Malê nói. Nàng tự nhủ:
- Có lẽ một ngày nào đó, ta sẽ thấy ông Malê nói đúng...
Từ trong thâm tâm của Phi Nga có tiếng thì thầm:
- Để cho một thiên tài mai một là có tội với bản thân và cũng có tội với xã hội nữa.. Ta có đủ thời giờ lo cho gia đình và học thêm, tại sao ta không làm...?

*

Một tuần sau bà Quỳnh đến hỏi mua bức “Người gánh lúa”, bức tranh mà ông Minh đã khen: “Gánh lúa mà như gánh cả giang san đất nước, gánh cả cuộc sống nhân loại”. Bà Quỳnh nói:
- Nhà tôi bảo cô không bán cho họa sĩ nào đó, nhưng chẳng lẽ không bán cho nhà tôi? Cô muốn mấy nghìn cũng được.
Phi Nga nói:
- Bà để cháu suy nghĩ lại đã.. Ông mua để làm gì?
- Để đem về triển lãm ở Paris cùng với những bức tranh đã sưu tầm được trong chuyến đi này. Đó là một vinh hạnh cho cô. Nếu bức tranh ấy mà được giải thưởng thì tên tuổi cô sẽ nổi như cồn...
Phi Nga suy nghĩ một chút rồi nói:
- Được rồi, tuần tới cháu sẽ bán bức tranh ấy cho bà vì cháu cũng đang cần tiền. Để cháu sửa lại vài chỗ đã.
- Còn về chuyện vẽ hình cho cháu Paul, cô nghĩ sao? Lúc này vẽ được chưa?
- Tuần tới cháu sẽ trả lời luôn.
- Tuần tới tôi sẽ trở lại. Tôi hy vọng cô không từ chối. À, cô Phi Nga này, nhà tôi khen cô lắm, nhà tôi tiếc là cô không chịu nghe lời nhà tôi, nhưng nhà tôi hy vọng cô sẽ thay đổi ý kiến. Cô đã khỏe hơn chưa? Cô hãy vẽ hình cháu Paul, nhà tôi muốn biết tài vẽ chân dung của cô, cô có thể lột hết tinh thần qua bức vẽ ghi lại nét mặt của cháu không? Nhiều họa sĩ vẽ rồi nhưng vẫn không thấy giống.
Bà Quỳnh nói nhiều lắm, nhưng Phi Nga như không còn nghe gì nữa cả. Phi Nga đang nghĩ ngợi. Nàng biết nàng phải có một số tiền lo cho đứa con tương lai của nàng, hay là nàng nhân cơ hội này mà bán bức tranh “Người gánh lúa” để có tiền sắm giường nệm, may khăn tã, quần áo cho đứa bé...
Bà Quỳnh nói một lúc, thấy Phi Nga ngồi thừ người ra, đôi mắt như đang đeo đuổi những ý nghĩ riêng tư, liền hỏi:
- Cô nghĩ gì thế? Nãy giờ cô có nghe tôi nói gì không?
Phi Nga giật mình trở về thực tại:
- Cháu nghe, thưa bà. Cháu sẽ bàn với nhà cháu về việc này và tuần sau sẽ trả lời cho bà.
- Tuần sau về đây nghỉ hai tuần, tôi sẽ đem theo cháu Paul. Cô nhớ vẽ cho cháu...
Phi Nga đưa bà Quỳnh ra cửa, bà còn đứng lại, nhìn Phi Nga rồi nói:
- Cô nên nghĩ kỹ những gì nhà tôi đã khuyên cô. Vì lợi ích cho cô mà tôi đã nói như vậy chớ không có ý gì khác đâu. Nếu cô chưa có thể tìm thầy học thêm thì ít ra cô cũng phải dọn lên Sài Gòn. Lên Sài Gòn cậu Dũng vẫn đi dạy được như thường. Và ở đó, cậu còn có thể học thêm, thi tú tài để khỏi thua sút bạn bè, nhất là khỏi sợ thua vợ.
Bà Quỳnh ngồi vào xe rồi vẫn còn căn dặn:
- Tuần sau tôi trở lại để đón sự chấp thuận của cô.
Phi Nga chậm rãi đi vào nhà, trong lòng không được vui.
- Không biết Dũng có bằng lòng đổi lên Sài Gòn không? Ông Malê nói cũng có lý. Ta cần phải có thầy chỉ vẽ, huớng dẫn thêm về ngành vẽ. Cứ vẽ theo sở thích thì làm sao được.
Ba hôm sau, trong một buổi chiều đi dạo mát trên bờ sông, Phi Nga mới đá động đến việc này:
- Bà Quỳnh có đến thăm em, cách đây ba hôm.
- Hôm nay em mới nói cho anh biết?
- Tại không có gì quan trọng. Bà ấy muốn em vẽ một bức chân dung của cậu con bà, độ mười hai tuổi. Còn ông Malê thì muốn mua bức “Người gánh lúa”.
- Em nhận lời rồi chớ gì?
- Chưa, em chưa nhận lời. Em nói với bà là tuần sau, em sẽ trả lời.
- Tại sao em không trả lời liền?
Phi Nga nhìn Dũng:
- Tại em chờ ý kiến của anh.
- Ý kiến của anh? Tranh của em, anh có quyền gì góp ý kiến?
Phi Nga giận dỗi:
- Sao anh lại nói vậy? Đã là vợ chồng, việc gì quan hệ đến em tức quan hệ đến anh, và ngược lại. Anh làm như chúng ta là người dưng. Bạn bè còn giúp nhau ý kiến nữa kia mà...
Nghe Phi Nga nói thế, Dũng liền hỏi:
- Em đã nghe khỏe chưa?
- Chưa khỏe lắm.
- Tại sao em không đi bác sĩ, uống thuốc cho chóng khỏe.
- Tốn kém vô ích. Người nào có thai, trong mấy tháng đầu cũng như thế cả. Rồi đây em sẽ khỏe lại và ăn uống nhiều như trước.
- Chưa khỏe thì làm sao vẽ được?
- Chính em cũng tự hỏi như thế. Nhưng có lẽ tuần sau nữa thì em vẽ được.
Hai người ngồi trên bãi cỏ, quay mặt về phía sông. Phi Nga nói:
- Mấy tháng nay chúng ta không dư được bao nhiêu.
- Mỗi tháng anh gởi ở quỹ tiết kiệm một nghìn đồng. Còn lại bao nhiêu chỉ đủ xài vì độ này em cho anh ăn uống sung sướng quá. Ngày nào cũng có gà, vịt cả. Anh cứ sợ quen cái nếp sống này, anh không còn chịu cực như trước nữa. Các bạn của anh cứ quở anh trẻ và mập hơn.
- Anh đi dạy lao tâm, mệt xác, không ăn uống tẩm bổ sao được?
Ngừng một lát, Phi Nga nói tiếp:
- Đến tháng em sanh chắc tốn kém lắm.
Dũng gật đầu:
- Chắc là tốn kém. Nhưng anh có gởi tiền ở quỹ tiết kiệm đến lúc đó cũng đủ cho em may sắm, trả tiền nhà bảo sanh.
- Không đủ đâu anh...
Dũng hơi buồn:
- Chớ anh biết đào tiền đâu ra?
- Hay để em lãnh vẽ chân dung cho cậu Paul và bán bức tranh kia cho ông Malê?
- Em muốn bán thì cứ bán, muốn vẽ thì cứ vẽ, nhưng anh không muốn em lấy số tiền ấy để lo cho con chúng ta.
Phi Nga nhìn Dũng:
- Tại sao vậy? Con là con chung. Anh lo được thì em cũng lo được.
- Em cần mua sắm cái gì? Em hãy tính thử xem độ bao nhiêu tiền về chuyện sanh đẻ và mua sắm đồ đạc cho con?
Phi Nga kể:
- Em muốn sắm cho con một cái giường có nệm, có mùng lưới, một cái nôi nhỏ.
 Đã giường, lại còn nôi chi cho phí?
- Anh quên nó là đứa con đầu lòng của chúng ta sao? Nôi nó nằm ba tháng thôi, đến tháng thứ tư thì nằm giường. Em còn sắm cho nó một chiếc xe, để ban ngày đẩy nó quanh vườn hoặc đi dạo mát. Rồi thì nào tã, nào khăn, nào chỉ đan áo, nào vải hàng may áo quần, phấn, xà phòng, nước hoa...
Phi Nga kể một dọc để kết luận:
- Em cần ít nhất là một vạn đồng.
Dũng hốt hoảng:
- Một vạn đồng? Chi nhiều vậy?
Và Dũng ngồi sững sờ. Phi Nga nói:
- Đó là em chưa tính chuyện rước bác sĩ đỡ đẻ cho em... Mẹ bảo em con đầu phải cẩn thận. Anh thấy đó, tôn kém như vậy mà anh bảo để anh lo, không cho em góp sức vào thì có phải là vô lý không?
Dũng nói chậm rãi:
- Một người cha mà không lo được cho con thì thiếu sót bổn phận. Anh mà không lo đầy đủ cho em thì anh không thể vui được. Nhưng anh chỉ là một ông giáo quèn, biết đào đâu ra tiền? Em tiện tặn, vừa đủ với số tiền anh gởi tiết kiệm là được rồi.
- Như vậy con chúng ta không có xe đẩy, không có giường.
- Con các giáo viên khác đâu có những thứ ấy.
- Vì họ lo không nổi, còn em, em lo được, sao anh không muốn để em lo? Anh tự ái quá và anh không chịu nghĩ đến tình làm mẹ của em.
Phi Nga không giằn được sự bực mình, nói tiếp:
- Tiền anh để dành, thì cứ để yên đó. Cũng như món tiền hồi môn của em, em không sờ đến. Lúc nào cần lắm hãy dùng đến nó. Còn lúc này mình có thể lo được thì cứ lo. Em cần một vạn đồng, số tiền ấy em lo được. Có những thứ tiêu xài mới ngó tưởng đâu không cần thiết gì, nhưng có nó đời sống của chúng ta vui tươi hơn lên, hạnh phúc gia đình tăng gấp bội. Trong gia đình mà con cái ăn bận rách rưới, thiếu thốn về mọi mặt thì kẻ làm cha mẹ làm sao không khổ tâm, nhọc trí. Họ cảm thấy không lo đầy đủ cho con cái. Đứa bé còn nằm trong nôi đâu có biết gì, cho nó mặc thế nào không được, nhưng cho nó mặc sạch sẽ, đẹp đẽ là để vui mắt mình...
Dũng không chịu thua:
- Em đã biết những đứa bé lúc còn nhỏ chưa biết thế nào là cực khổ, thì cho chúng nó ăn mặc thế nào không được, việc gì phải chọn thứ hàng đẹp, phải may sắm đủ loại áo quần, khăn tã, rồi thì nào xe đẩy, nôi đưa, giường nằm... Có phải mình tự tạo cho mình sự phiền phức không? Anh biết em có tài, em có thể tạo cho em một cuộc sống huy hoàng hơn cuộc sống này, nhưng em đã yêu anh thì em hãy chiều anh một chút có sao đâu? Em đã chọn anh là chồng nghĩa là em có thể từ bỏ tất cả những giàu sang, xa hoa, để sống với một anh thầy giáo. Người đàn bà thường thích giữ thể thống, còn người đàn ông thì không bỏ được tánh tự ái. Anh lo được cho con chừng nào thì em cứ bằng lòng như thế, không nên bắt anh phải dẹp bỏ tánh tự ái của anh.
Phi Nga bực mình:
- Anh thật là vô lý, hẹp hòi quá. Đứa bé này là con của chúng ta, đâu phải là con riêng của ai. Anh lo được thì em cũng lo được.
Sau hôm ấy, thấy Phi Nga có vẻ chán nản mặc dù vẫn lo lắng phục vụ chàng những bữa cơm ngon lành. Dũng không được yên lòng lắm, nói với Phi Nga:
- Em muốn sắm cho con thế nào cũng được, nhưng cứ dùng số tiền ở quỹ tiết kiệm của anh để anh vui lòng. Còn thiếu bao nhiêu thì em chêm thêm tiền của em vào. Em trọn quyền bán tranh hay vẽ chân dung cậu Paul. Anh không có ý kiến gì hết.
- Đây không phải là một sự nhượng bộ mà là một sự thỏa thuận... Anh vui vẻ chớ?
Dũng gật đầu. Phi Nga nói:
- Rồi đây anh sẽ thấy là em đem hết tâm trí và thì giờ vào việc nuôi nấng, dạy dỗ cho đứa con của chúng ta. Nó sẽ là nguồn vui của chúng ta.
Dũng mỉm cười:
- Anh tin như vậy...
Thế là tuần sau, khi bà Quỳnh trở lại, Phi Nga đồng ý bán bức tranh và nhận vẽ chân dung của cậu Paul. Bà Quỳnh mừng rỡ:
- Bắt đầu ngày mai, tôi sẽ cho cháu lại đây. Mấy ngày thì cô vẽ xong?
- Chỉ cần ba hôm. Bà bảo cậu ấy lại đây từ chín giờ đến mười một giờ.
Bà Quỳnh lo ngại:
- Nó về đây, thích lắm, giờ đó nó ở ngoài sông tắm với đứa cháu ông hội đồng. Nhưng để tôi bảo nó lại xem sao. Tôi xin nói trước cho cô biết là nó nghịch chịu không nổi, không bao giờ nó chịu ngồi yên hai giờ đồng hồ. Cô có cách bắt nó ngồi yên không?
- Bà cứ cho cậu ấy đến rồi sẽ hay. Nhưng về bức tranh và bức chân dung, bà tính cho cháu bao nhiêu?
- Cô cứ định giá cả. Bao nhiêu nhà tôi cũng trả cho cô.
- Cháu chỉ cần sáu nghìn đồng. Bà thấy như thế có nhiều không?
Bà Quỳnh lắc đầu:
- Không nhiều đâu. Chúng tôi trả nổi.
Ngày hôm sau chiếc xe nhà của bà Quỳnh đưa Paul đến. Thằng bé đi ngay vào nhà và gọi rối rít:
- Cô Phi Nga đâu rồi?
Phi Nga chạy ra, vui vẻ:
- Tôi đây rồi. Còn cậu, cậu có phải Paul, con ông bà Malê không?
Paul nhìn Phi Nga và hỏi:
- Cô nhỏ quá, cô vẽ hình tôi à? Nhưng phải cho chóng xong để tôi đi chơi. Mẹ tôi sao lôi thôi quá chụp hình vừa mau, vừa dễ giống mà không chịu, cứ muốn có một bức vẽ. Tôi ngồi hay đứng?
Phi Nga chỉ chiếc ghế:
- Chúng ta hãy nói chuyện đã.
Paul bực dọc:
- Mất thì giờ đến thế sao? Tụi nó đi tắm sông cả rồi.
- Mất vài buổi tắm sông có sao? Tắm buổi sáng không được thì tắm buổi chiều, có sao đâu.
Vừa nói Phi Nga vừa quan sát từng cái nhìn, cái nhíu mày của Paul. Rồi Phi Nga đưa cho Paul một tờ giấy và một cây bút chì:
- Trong khi tôi vẽ cậu thì cậu vẽ hình tôi nhé.
Paul thích chí cười lớn, đôi mắt sáng quắc:
- Em thích vẽ lắm. Nhưng ngồi đây mà vẽ sao chị?
Thấy cách xưng hô của Paul có vẻ thân mật. Phi Nga mừng thầm:
- Chúng ta ra ngoài này. Cậu theo tôi.
Phi Nga đặt nhẹ tay lên vai Paul rồi cả hai đi ra cái chái bên nhà. Phi Nga ngồi vào giá vẽ còn Paul thì ngồi ở cái bàn nhỏ trước mặt. Cả hai bắt đầu vẽ. Paul vẽ nguệch ngoạc một lúc rồi reo lên:
- Thích quá, em vẽ giống chị ghê.
Phi Nga đã đặt hết tâm trí vào công việc, không còn nghe thấy gì nữa. Paul ngừng vẽ, nhìn nàng:
- Khi làm việc trông chị đẹp làm sao ấy.
Phi Nga vẫn vẽ không ngừng. Nàng làm việc độ một giờ thì đứng lên:
- Hôm nay như thế là đủ rồi. Em vẽ chị ra sao, cho chị xem với.
Paul đưa tấm giấy mình vẽ, Phi Nga nhìn và mỉm cười:
- Em vẽ giỏi đấy. Để chị cất, ngày mai em trở lại vẽ tiếp nhé. Bây giờ em về đi tắm vẫn còn kịp.
Paul vừa chạy ra xe vừa nói:
- Ngày mai em sẽ đến. Em cám ơn chị đã cho em về sớm.
Paul đi rồi, Phi Nga còn ngồi trầm ngâm trước giá vẽ, nhớ lại từng cử chỉ của Paul. Đến mười một giờ Phi Nga mới xuống bếp làm cơm và đợi Dũng về.
Ngày hôm sau Paul lại đến, vui vẻ hỏi:
- Chúng ta lại làm việc? Nào, bức vẽ của em đâu?
Phi Nga nhìn sững vào cặp mắt của Paul rồi gật đầu:
- Tại sao ta không nhận ra ánh mắt của Paul? Hèn gì ta thấy có cái gì không được giống lắm.
Paul hỏi:
- Chị nói cái gì vậy?
Phi Nga mỉm cười rồi dắt Paul qua xưởng vẽ. Nàng nói:
- Tấm giấy em vẽ vẫn còn đó.
Paul cầm xem lại rồi bĩu môi:
- Chị đẹp hơn nhiều! Em vẽ chưa giống, hôm nay em sửa lại.
Phi Nga thúc giục:
- Chúng ta làm việc vậy.
Paul cắm cúi vẽ trong khi Phi Nga ngồi ngắm từng cử chỉ của cậu. Cả hai cũng làm việc độ một giờ, rồi Paul buông viết xuống trước, đi lại bên cửa sổ, tự nhiên tâm sự với Phi Nga:
- Anh Jean cao lớn vì không phải là con của mẹ em. Anh Jean mà gặp chị chắc sẽ thích lắm vì chị và anh sẽ nói chuyện với nhau về hội họa. Em thì không hiểu gì hết, nói chuyện với em chắc chị chán lắm.
Phi Nga ngắm nét mặt của Paul và nhận thấy mình vẽ không đúng liền xóa vài chỗ để vẽ lại, không chú ý về những lời của Paul nói. Thật ra nàng không nghe gì hết. Nàng kêu lên trong thâm tâm:
- Lần này thì ta nắm chắc phần hồn của Paul rồi!
Paul quay lại thấy Phi Nga phóng bút một cách nhanh nhẹn, trên môi một nụ cười đắc thắng đã làm khuôn mặt nàng tươi hẳn lên. Paul kêu lên:
- Chị đẹp thật! Em chưa thấy ai làm việc mà lại có nét mặt đẹp kinh khủng như vậy!
Phi Nga cười:
- Đẹp kinh khủng là không đẹp gì hết. Nhưng hãy để chị làm việc.
- Hôm nay sao chị ham làm việc quá vậy? Em nói gì chị cũng không nghe.
Phi Nga buông viết đứng lên:
- Ngày mai em đến một lần nữa là xong. Bây giờ chúng ta đi uống nước.
Paul nhìn ra vườn:
- Em định vẽ hai con bướm đang đuổi nhau, nhưng tại chị mà em mất hứng.
- Tại chị?
- Em nói gì chị cũng không trả lời. Em phải chạy lại nói vào tai chị, bây giờ thì bướm bay mất rồi.
- Ngày mai em đến sẽ có bướm khác, ngày nào mà nó không bay lượn ở đây.
- Ngày mai em đến mà không có bướm là em bắt thường chị đó.
Phi Nga thấy nét mặt phụng phịu của Paul liền nói:
- Đúng rồi, ta không thể nhận sai nữa.
- Cái gì mà đúng rồi?
- Nét mặt thật của em.
Paul nhìn trừng trừng vào mặt Phi Nga:
- Em có nét mặt giả sao?
Phi Nga chỉ cười mà không nói, Paul kêu lên:
- Em khát nước lắm, cho em một ly nước và em về kẻo tụi nó trông, không có em là y như tụi nó không tổ chức được trò chơi nào hết.
Uống nước xong, Paul ra về. Phi Nga đưa Paul ra xe, thấy Paul vừa đi vừà nhảy như một đứa bé thì vui vẻ nói:
- Thôi, em về nhé. Ngày mai là ngày chúng ta hoàn thành bức vẽ. Rồi thì em tha hồ chạy nhảy, bơi lội ngoài sông.
Paul đưa tay làm một cử chỉ thân mật rồi leo lên xe.
Phi Nga trở vào nhìn bức vẽ một lúc lâu, gật đầu nghĩ:
- Lần này thì không thể sai được, rõ ràng là nét hóm hỉnh, tinh nghịch nhưng lại rất thông minh.
Bữa cơm trưa hôm ấy thịt chiên hơi bị cháy vì Phi Nga đã để tâm trí tận đâu đâu. Ngồi vào mâm cơm, Phi Nga nói với Dũng:
- Hôm nay em tệ quá, để thịt cháy. Chắc là mất ngon.
Dũng hỏi:
- Em bận vẽ?
- Không, em đứng trong bếp mà lại nghĩ về bức tranh chưa vẽ xong.
Phi Nga cười và nói tiếp:
- Em tự hào vì đã tóm được phần hồn của cậu bé ấy để diễn tả một cách rõ ràng qua nét bút.
Dũng nói sau khi ăn một lát thịt:
- May quá, chưa bị khét đâu, còn ăn được.
Phi Nga cười:
- Anh khen để an ủi em chứ gì?
- Không, anh nói thật đấy. Em làm việc có mệt không?
- Không, khi em thích thú thì không nghe mệt.
- Nếu em đi dạy thì em có thích không? Chớ còn anh, anh chán nghề này lắm rồi.
Phi Nga nói như đã nghĩ về điều này:
- Nếu em dạy học thì em phải tìm những cái gì làm em thích để có thể yêu nghề. Chẳng hạn em sẽ tìm cách thương yêu mấy đứa học trò, còn không nữa thì lấy sự tiến bộ thấy rõ của chúng nó để làm nguồn vui. Em cũng có thể vui thích vì sự nghịch ngợm hay hay của chúng nó. Và nhờ thích những thứ ấy, em sẽ lấy việc dạy dỗ làm vui, không thích cũng phải tạo ra những cái gì có thể thích được mới có thể làm việc và yêu nghề. Còn làm việc mà lúc nào cũng nghĩ mình làm một cách bất đắc dĩ thì làm sao làm được và mau chán lắm.
Dũng thở dài:
- Tại em chưa dạy học, em mà dạy rồi thì không thể nào nghĩ như vậy. Có hôm anh vô lớp thấy chán làm sao. Đứa thì mặt mũi dơ bẩn, đứa nghịch ngợm chịu không nổi, đứa sách vở không đủ, đứa bài vở chưa làm, la hét khan cả tiếng. Dạy mãi không thấy chúng tiến bộ chút nào cả. Lớp học thì lúc nào cũng như cái tổ ong...
Phi Nga hỏi:
- Tại sao anh lại chọn nghề này?
- Nào anh có chọn! Anh dạy học vì cha anh muốn anh cũng làm nghề ấy.
- Thế khi còn đi học anh thích nghề gì?
- Anh cũng không biết thích nghề gì. Anh định học thêm nữa, nhưng hoàn cảnh không cho phép thì anh nghỉ.
Phi Nga đề nghị:
- Nếu anh không thích thì anh nên nghĩ cách đổi nghề.
Dũng hốt hoảng:
- Đổi nghề? Biết nghề gì mà đổi?
Phi Nga không hiểu tại sao như thế được, không yêu nghề mà vẫn làm, bảo đổi nghề thì lại không biết mình thích nghề gì.
Phi Nga nói:
- Chúng ta còn cả một con đường dài trước mắt, anh cứ tự tìm thử anh thích nghề nào. Anh còn chán thì giờ để mà đổi nghề. Không thể sống miễn cưỡng và kéo dài chuỗi ngày trong một công việc bất đắc dĩ.
Dũng nói để vợ yên lòng:
- Ừ, để anh nghĩ lại đã.
Sau những buổi cơm trưa, Dũng nghỉ một giờ để chiều đi dạy tiếp, vì thế không có thì giờ để chuyện trò nhiều với vợ. Nhưng sau những bữa cơm tối, khi Phi Nga dọn dẹp xong, hai vợ chồng đi dạo ngoài đường hay ngồi hóng gió ngoài sân, những lúc ấy Dũng cảm thấy mình đang sống những giờ hạnh phúc. Bên chàng có một nàng tiên lúc nào cũng chăm lo cho chàng, chàng không cần nghĩ ngợi nhiều về tương lai, cuộc sống của chàng bình thản, không sóng gió. Nhưng cũng có nhiều lúc, Dũng như người có hạnh phúc mà lại cảm thấy mình không thể giữ vững được nó. Chàng nghe như cái hạnh phúc ấy đang lần hồi lọt qua đôi tay chàng như khi chàng vốc một ngụm nước...
Phi Nga hiểu tâm trạng ấy của Dũng và nghĩ Dũng vì thiếu sự săn sóc, thiếu tình yêu từ lúc nhỏ nên bây giờ khi sống trong hạnh phúc vẫn hoài nghi không dám tin. Vì thế Phi Nga cố tạo cho Dũng một cuộc đời êm vui, cố đánh tan những lo nghĩ bi quan của Dũng, cố cảm hóa Dũng và nhất là làm cho Dũng yêu nghề của mình.
Sáng hôm sau, chờ Dũng vừa đi dạy là Phi Nga chạy ngay ra xưởng vẽ. Cả đêm Phi Nga không ngủ được vì nhớ ra mình đã bỏ sót nét nào đó khiến cái miệng của Paul mất đi vẻ liếng thoắng. Phi Nga muốn tông chăn đi ra để vẽ tiếp nhưng nhớ ra xưởng vẽ của nàng không có đèn, vả lại nếu nàng bỏ ra khi cựa mình không thấy nàng đâu Dũng lại đi tìm...
Phi Nga cắm cúi làm việc cho mãi tới khi Paul đến, tiếng còi xe bóp lên inh ỏi mà Phi Nga vẫn không hay biết.
Paul vừa đi vào nhà vừa hỏi lớn:
- Chị Phi Nga đâu rồi?
Không thấy Phi Nga, Paul chạy ra xưởng và gặp nàng đang ngồi vẽ thì kêu lên:
- Đã tìm được đôi bướm cho em chưa? Em bắt đền chị đó!
Phi Nga ngơ ngác:
- Mấy giờ rồi? Sao em đến sớm vậy?
- Em đến đúng giờ mà. Kìa, bướm của em đầu?
Vừa nói Paul vừa chạy lại cửa sổ nhìn ra vườn, rồi Paul xụ mặt:
- Bướm bay đâu mất rồi!
Phi Nga đã quên hẳn chuyện đôi bướm của Paul:
- Bướm gì, chị không hiểu?
Paul dậm chân:
- Chị chóng quên quá! Em bảo em vẽ hình chị xong rồi, bây giờ em vẽ bướm.
- Thì cứ vẽ đi.
- Bướm đâu mà vẽ? Cặp bướm đuổi nhau ngày hôm qua. Chị bảo ngày nào chúng cũng đuổi nhau...
Đôi mắt của Paul sắp sửa ứa lệ, Phi Nga thích quá vì vừa nhận ra ở nét mặt của Paul những điểm đặc biệt khác. Nàng quên cả chuyện Paul đang hờn dỗi mình.
Nhưng Paul bỗng nhảy lên vỗ hai tay vào nhau:
- Hai con bướm kia rồi! Hôm nay có con bướm vàng đuổi con bướm đen có những chấm trắng. Thích lắm! Giấy đâu, đưa đây để em vẽ.
Thấy cái hứng thú làm việc của Paul, Phi Nga thích lắm vội vàng đi lấy giấy kẹp vào tấm khung đưa cho Paul vẽ. Thấy Phi Nga đứng sau lưng, Paul nói:
- Chị có đi chỗ khác không? Em đang vẽ mà ai nhìn thì em ngượng lắm.
Phi Nga mỉm cười trở về chỗ cũ, ngồi ngắm Paul. Đôi mắt của Paul sáng lên một niềm vui thích, đôi tay của Paul làm việc không ngừng... Paul vẽ được một lúc thì cặp bướm bay mất. Paul nói lớn:
- Tụi bây đi đâu tao cũng không cần. Tao đã chụp được màu sắc của tụi bây rồi. về nhà tao sẽ tô màu. Chắc chắn không sai.
Phi Nga khen:
- Chàng họa sĩ trẻ tuổi của tôi ơi! Sao anh tự phụ quá vậy?
- Không tự phụ thì không thể làm việc được.
- Ai nói với em như vậy?
- Anh Jean nói. Anh nói mình có tin mình làm được việc thì mình mới đạt được mục đích. Những kẻ rụt rè, chưa làm đã thấy thất bại, làm việc gì cũng sợ thiếu sức, không đủ tài thì không bao giờ làm được. Theo ý chị, anh Jean nói có đúng không?
- Đúng lắm, nhưng tự phụ quá đôi khi cũng hỏng.
- Ba cũng nói thế, nhưng anh Jean cãi lại và nói trong một trăm trường hợp chỉ có chừng mười trường hợp không đúng thôi. Nhất là với những người có tài như chị thì phải tự phụ mới được...
Phi Nga lắc đầu:
- Chị thấy anh Jean có lẽ đã lầm tự phụ với tự tin. Tự tin là để thành công. Tự phụ đôi khi phải vấp...
Rồi Phi Nga chỉ bức vẽ của mình:
- Em xem thử có giống em không?
Paul đứng tần ngần nhìn vào giá vẽ hồi lâu:
- Em đẹp đến thế sao?
- Em đẹp? Không, em thông minh thì đúng hơn. Em có thích nhìn em như thế này không? Thường thì ít ai chịu công nhận tấm ảnh của mình là vừa ý khi vừa lấy ở tiệm ra. Thế nào họ cũng chê anh thợ chụp hình không giống.
- Em thích chị vẽ em như vậy. Trông em giống bức ảnh của một nhà văn nào đó. Hình như là Chateaubriand hay Alfred de Musset gì đó...
Phi Nga cười:
- Em có thích làm một nhà văn không?
Paul trả lời ngay, không chút nghĩ ngợi:
- Làm nhà văn đâu phải thích hay không thích mà được. Người ta sinh ra là nhà văn, hay sinh ra làm thợ mộc, chỉ có thế. Nào phải muốn mà được.
Phi Nga ngạc nhiên:
- Em bao nhiêu tuổi mà nói năng như người lão luyện vậy?
- Em mười ba tuổi. Em nghe cha và anh chị thường bảo thế. Em đâu có biết gì. Lớn lên em sẽ đi du lịch, đi du lịch rồi lúc ấy em sẽ thấy rõ em thích làm nghề gì...
- Nếu không có phương tiện để đi du lịch thì sao?
- Thì em đi vòng quanh nước em. Chị Phi Nga à, tại sao chị không đi học vẽ?
- Tại chị không bao giờ nghĩ rằng mình có thể thành một họa sĩ.
Paul nhún vai:
- Em không tin như vậy. Thế tại sao chị lại vẽ?
- Chị vẽ để giải trí, cũng như người biết đàn, lúc rảnh lấy đàn ra chơi gọi là để di dưỡng tinh thần, vì vẽ cũng như nhạc làm dịu linh hồn con người...
Paul cãi:
- Nhạc làm dịu linh hồn con người? Nhưng cũng phải lựa những bản nhạc êm dịu, nhạc cổ điển, chứ những điệu nhạc kích động làm cho con người cuồng loạn là khác. Còn vẽ, vẽ nhất định không làm cho linh hồn êm dịu được. Lúc cầm đến cây cọ rồi thì đầu óc nóng bừng lên vì thích thú.
Phi Nga gật đầu:
- Nếu vậy sau này em sẽ trở thành một họa sĩ.
- Không, em không muốn vẽ tranh để bán. Nhưng bây giờ em còn nhỏ, chưa biết em thích cái gì. Em không muốn cãi với chị, biết đâu vài năm nữa, em lại không thay đổi ý kiến để trở thành một họa sĩ. Lúc ấy chị em mình tha hồ mà tranh tài với nhau. Chị không cần em đến nữa phải không?
- Chị vẽ xong rồi. Em thưa với mẹ, vài hôm nữa hoàn thành bức vẽ chị sẽ mang đến cho mẹ.
Paul phản đối:
- Em sẽ đến lấy vì em có xe, chị mang đi không tiện.
- Như thế càng tốt. Vậy thì ba hôm nữa nhé.
- Em tặng chị tấm em vẽ chị. Còn tấm hai con bướm, em mang về tô màu, bao giờ xong sẽ đưa chị xem. Thỉnh thoảng em đến thăm để xem chị làm việc được không?
- Vẽ xong tấm này chị không vẽ nừa, chị làm việc khác.
- Làm việc gì?
- Công việc nhà.
- Tại sao chị không mướn một người giúp việc? Họ làm giúp chị những việc ấy, để chị có thì giờ mà vẽ.
- Không, chị phải lo cho đứa con tương lai của chị.
Paul nói một câu mà Phi Nga cho là nó nghe lóm từ những người lớn:
- Đàn bà khó hiểu quá! Thôi, em về đây.
Khi Paul đi rồi, Phi Nga cầm tờ giấy mà Paul vẽ mình, nhìn kỹ rồi nói:
- Thằng bé ngó vậy mà có tài ghê. Nhưng nét mặt của tôi như thế này sao?
Phi Nga cầm tờ giấy ấy đi qua phòng khách, ngồi ngắm một lúc lâu mới đi xuống bếp làm cơm. Khi Dũng về thấy tờ giấy để trên bàn, cầm lên xem rồi gọi lớn:
- Phi Nga, em vẽ hình em đó à?
Phi Nga vội vàng chạy lên:
- Thằng Paul con ông Malê vẽ em đó.
- Nó vẽ khá vậy à?
- Em vẽ nó, sợ nó ngồi không rồi nghịch, em đưa giấy cho nó vẽ hình em. Anh thấy thế nào, có giống em không?
- Giống lắm! Những lúc em nghĩ ngợi hay ỉàm việc, nét mặt em như thế đó. Không ai hiểu được em đã nghĩ gì, vì thế mới nhìn em, người ta có cảm giác nhìn một pho tượng đá lanh lùng, uy nghiêm.
- Paul vẽ lúc em đang làm việc và nó bảo em lúc đó đẹp một cách kinh khủng...
- Nó nói đúng đó, và có lẽ nó không dùng đúng hai chữ “kinh khủng”. “Kinh khủng” mà Paul dùng có nghĩa là uy nghiêm...
- Nếu vậy Paul cũng thuộc loại có hạng rồi sao?
- Một nhân tài mới chớm nở! Paul bao nhiêu tuổi rồi?
- Mười ba tuổi, nhưng cao lớn vì có giòng máu của người Tây phương mà...
Dũng ngắm bức vẽ của Paul một lúc lâu rồi nói với Phi Nga:
- Hãy cất tấm hình này để làm kỷ niệm.
Lúc ngồi vào bàn ăn, Dũng còn nói:
- Lạ thật, tại sao Paul lại vẽ được nét mặt xa xăm của em? Nếu đem tấm hình ấy mà so với nét mặt vui vẻ của em lúc này thì có thể nói là hai người hoàn toàn khác nhau. Nói thật, anh thích em với nét mặt hiện giờ hơn...
Dũng nói xong bưng chén lên chuyển ngay đề tài:
- Ồ, hôm nay chúng ta ăn uống thịnh soạn quá! Em làm món gì mà ngon thế? Gà nấu đậu?
Phi Nga nói:
- Đừng nghĩ gì hết, ăn uống cho no nê đã...
Phi Nga không nghe Dũng hỏi gì về bức vẽ của mình và suốt mấy ngày kế đó, Dũng cùng không hề muốn nhìn qua để biết nàng vẽ như thế nào. Biết là Dũng tránh không muốn nói đến, Phi Nga chỉ làm việc khi Dũng đi vắng. Bức vẽ ấy đã xong vào sáng thứ bảy. Paul hẹn đến sáng thứ hai sẽ đến chở về cho bà Quỳnh. Chủ nhật Dũng ở nhà, Phi Nga thức dậy sớm và nói với chàng:
- Em đi chợ mua thức ăn. Chiều nay chúng ta đi xem hát anh nhé.
- Đi xem hát hay về nhà thăm cha mẹ và các em cũng được. Trời nóng nực vào rạp hát bực lắm.
Phi Nga ra chợ mua rau cải, thịt cá xong vội vàng trở về nhà. Khi vòng lối đi tắt bên hông vườn ngang qua xưởng vẽ, nàng thấy Dũng đang đứng ngắm bức chân dung của Paul một cách chăm chú đến nỗi không nhìn thấy nàng.
Phi Nga đi nhè nhẹ vào bếp. Một lát sau, khi Dũng vào nhà và nghe có tiếng động dưới bếp, vội hỏi:
- Em về đó à?
- Em về nãy giờ...
Dũng ngạc nhiên:
- Em đi ngõ nào mà anh không thấy?
Phi Nga giả như không biết Dũng đã xem tranh:
- Em đi vào phòng khách rồi xuống đây.
Dũng vội nói:
- Anh đi dạo ngoài vườn.
Phi Nga không hỏi nữa, lo soạn các thức ăn ra rổ. Dũng nói bâng quơ:
- Ngoài vườn mát ghê. Đi dạy cả tuần, được nghỉ, đi dạo quanh vườn cũng thích...
Phi Nga tự hỏi:
- Tại sao Dũng lại dối ta, không chịu nói thật là Dũng đã qua xưởng để xem bức vẽ của ta? Hay Dũng không thích cho ta vẽ, hoặc không quan tâm đến việc làm của ta? Hay là Dũng cho rằng việc làm của ta không quan trọng gì đến cuộc sống chung của hai người? Tại sao ta lại quan tâm đến công việc dạy học của Dũng, giúp Dũng chấm bài, soạn bài, góp ý kiến vào việc tổ chức lớp học... mà Dũng lại thờ ơ, lãnh đạm với việc làm của ta? Trước đây ta cứ ngỡ ta và Dũng hiểu nhau nhiều, bây giờ mới thấy ta vẫn chưa hiểu được Dũng vì Dũng không bao giờ chịu bộc lộ những ý muốn của mình.
Những ý nghĩ này đã làm Phi Nga không được vui, và suốt buổi sáng hôm ấy Phi Nga cứ lục đục dưới bếp, hết nấu nướng đến dọn dẹp. Dũng ở nhà trên và cũng như Phi Nga, tự dưng cảm thấy không vui. Có lẽ Dũng đang nghĩ đến bức chân dung của Paul.
Thấy Phi Nga ở nhà bếp đi lên, đôi mắt mệt nhọc, Dũng hỏi:
- Em mệt thì ngồi nghỉ đi để anh làm cho.
Phi Nga cười lạt:
- Xong hết rồi!
Dũng nói gượng:
- Thì để anh dọn bàn.
Dũng giúp vợ trải khăn bàn, bày chén đĩa, bưng thức ăn từ dưới bếp lên. Nghe nôn nao đói, chàng khen:
- Em mới đi chợ về mà đã nấu xong cả.
Phi Nga cố nén bực bội:
- Anh quên cả thì giờ. Em về từ lúc tám giờ, bây giờ là mười hai giờ. Bốn giờ đã trôi qua. Anh làm gì trên này?
- Anh có làm gì đâu. Anh nằm nhìn lên trần nhà và nghĩ vơ vẩn. Anh cảm thấy mình có nhiều hạnh phúc do chính em ban cho...
Phi Nga làm thinh xới cơm vào chén, đôi mắt không giấu được sự khó chịu.
Dũng nói tiếp:
- Anh không biết dùng thì giờ như em. Anh chỉ làm việc khi không thể nghỉ được.
- Nghĩa là có giờ giấc và bị bắt buộc?
Dũng xác nhận:
- Chắc vì vậy mà anh không bao giờ làm việc xuất sắc được.
- Thôi mình ăn đi, đừng nói nữa. Em nấu nướng mệt, nếu anh ăn ít thì em buồn lắm đó...
Dũng cười:
- Việc gì chớ ăn ngon thì anh không từ chối đâu. Và cũng không bao giờ ăn vì bất đắc dĩ.
Nhìn Dũng ăn một cách ngon lành, Phi Nga cũng quên đi chuyện bực mình trong giây lát. Khi hai người nằm nghỉ trưa, Phi Nga chợt nói:
- Hôm nào rảnh em sẽ vẽ hình anh.
- Có cần anh ngồi cho em vẽ không?
- Với anh thì không cần. Em thuộc làu từng cử chỉ của anh, không có anh ngồi trước mắt, em cũng có thể vẽ được như thường. Hôm nào em sẽ vẽ.
Dũng lim dim đôi mắt:
- Tại sao em không tự vẽ em? Anh chưa thấy bức tranh nào về em cả.
- Em không nghĩ đến chuyện ấy. Thôi, để hôm nào em vẽ hình của chúng ta, mình sẽ treo ở phòng khách.
Dũng tán thành ngay:
- Đồng ý, như thế có vẻ êm đềm hơn, chớ vẽ anh ngồi một mình vô duyên lắm...
Phi Nga im lặng, nghĩ đến bức tranh mà nàng sắp vẽ, nhất là bức chân dung của Dũng. Phi Nga sẽ vẽ một mình Dũng, vẽ lớn như vẽ Paul, để xem thử Dũng có phản ứng như thế nào. Rồi Phi Nga mới vẽ bức thứ hai, đôi vợ chồng trẻ ngồi bên nhau trên chiếc ghế đá nhìn ra dòng sông. Mãi trù tính chuyện vẽ tranh, Phi Nga không để ý là Dũng đã ngủ từ bao giờ. Khi Dũng thức dậy thấy Phi Nga nằm nhìn lên trần nhà, đôi mắt đăm đăm theo dõi những ý nghĩ vô hình. Dũng hỏi:
- Em không ngủ à?
Phi Nga giật mình nhìn lên đồng hồ:
- Ba giờ rồi à?
- Anh ngủ một giấc ngon quá. Thấy anh ngủ, em có chán không?
- Em cũng không để ý là anh đã ngủ.
- Việc gì khiến em không còn biết những gì xảy ra quanh em vậy?
- Em bận phác họa trong đầu em bức tranh về anh.
- Em phác họa trong đầu?
- Khi em đã phác họa xong thì ngồi lại vẽ sẽ rất nhanh.
Dũng ngồi dậy lấy khăn đi tắm:
- Anh tắm xong chúng ta đi dạo một vòng nhé?
Một giờ sau, họ thong dong đi bên nhau. Dũng khoác tay Phi Nga đầy âu yếm.