Chương 7

     ũng ở nhà cha mẹ về, trông mệt nhọc hơn trước. Phi Nga hối Dũng đi khám bệnh lại, đổi bác sĩ khác thì Dũng nói:
- Em nói phải đó, anh phải đến bác sĩ Văn mới được, ông Huyên hình như xem bệnh anh không ra.
Mấy hôm nay, cứ buổi chiều là anh nghe trong người như bị sốt.
- Anh có đo thân nhiệt không?
- Không.
Phi Nga lấy nhiệt kế đặt cho Dũng, hốt hoảng thấy nó chỉ đến 39 độ:
- Anh sốt cao rồi, phải đi bác sĩ ngay.
Bác sĩ Văn nói sau khi khám cho Dũng:
- Ông mệt lại đi xa, nên bị cảm... Nằm nghỉ và chích thuốc vài hôm, ông sẽ khỏe. Tôi không thấy có triệu chứng một bệnh nặng nào khác.
Như lời bác sĩ Văn, hai hôm sau Dũng đã bớt sốt bắt đầu ăn uống lại như thường. Dũng đòi đi dạy lại nhưng Phi Nga không chịu và xin phép cho Dũng được nghỉ thêm ba hôm nữa...
Trong lúc ấy ông Malê sai Paul lên cho nàng hay ngày hôm sau sẽ khai mạc cuộc triển lãm và Paul sẽ đem xe lên rước Phi Nga về dự. Paul nói ầm lên ở phòng khách, Phi Nga liền cho Paul biết Dũng đang bệnh, nghỉ cả tuần nay. Paul vội hỏi:
- Nếu vậy chị không đi dự lễ khai mạc được à?
- Anh bị bệnh, làm sao chị yên lòng đi được?
Từ phòng trong Dũng đã lên tiếng:
- Phi Nga vào đây anh nói cái này.
Phi Nga vội vàng đi vào. Dũng nói:
- Anh nghe hết rồi. Em cứ nhận lời đi xem triển lãm đi. Người ta đã chấm những bức tranh dự thi rồi mà. Tranh của em như thế nào?
- Em không nghe Paul nói gì...
- Chắc người ta chấm rồi mới đưa ra triển lãm. Em nên đi dự.
Phi Nga ái ngại:
- Nhưng anh không được khỏe...
- Anh khỏe rồi. Em ra nhận lời với cậu Paul đi.
Thấy Phi Nga còn do dự, Dũng ngồi ngay dậy:
- Hay để anh ra trả lời cho cậu ấy?
Phi Nga vội vàng đỡ Dũng nằm xuống:
- Thôi để em nói.
Paul ra về rồi, Phi Nga trở vào ngồi bên Dũng cầm tay chàng và hỏi:
- Anh nghe trong người thế nào?
- Anh nghe đỡ nhiều.
Phi Nga vạch xem mí mắt của Dũng rồi nói:
- Trông anh còn xanh nhiều, chưa lại sức. Chưa thật khỏe mà đi dạy thì mệt lắm. Để em đưa anh đi bác sĩ Văn tái khám.
Dũng cười:
- Anh đi một mình không được sao? Em làm anh như là trẻ con vậy.
Nói đến đây, cặp mắt của Dũng để lộ sự mệt nhọc, Dũng nói tiếp:
- Nhưng đôi khi, anh thấy anh đúng là trẻ con thật. Như chuyện bức tranh gia đình mà em vẽ đó, không hiểu sao anh cứ nghĩ đến nó hoài và tự hỏi, tại sao em lại vẽ em ngoảnh mặt đi nơi khác?
- Em bảo để em vẽ lại, anh lại không chịu.
- Em có quyền vẽ theo cảm xúc của em, vẽ lại mất hay. Nhưng anh vẫn thấy làm sao ấy. Mấy hôm về quê thăm cha mẹ, anh cứ có cảm giác rồi đây anh sẽ mất em. Anh lo quá. Rồi lúc này anh lại nghe trong người mệt mỏi quá. Dường như có một cái gì sắp thay đổi trong đời anh, trong người anh, lắm lúc anh cảm thấy buồn làm sao ấy.
Nói đến đây, Dũng ứa nước mắt:
- Anh thật lẩn quẩn quá, em sẽ chán anh.
Phi Nga siết chặt tay Dũng:
- Anh đừng nói vậy. Em lúc nào cũng yêu anh.
- Anh hiểu thế nhưng anh vẫn lo...
- Hay là ngày mai em ở nhà với anh, không đi dự triển lãm nữa? Ngày mai người ta làm lễ khai mạc. Hôm khác em đi xem cũng được. Đợi anh thật khỏe đã.
Dũng lắc đầu:
- Em nên đi, đó là một vinh dự người ta dành cho em, anh không được ích kỷ.
- Anh hứa là chiều nay anh đi thăm bệnh lại.
- Anh sẽ đi, em hãy yên lòng.
Hai người nói chuyện tới đây thì bé Hoàng chạy vào, leo lên ngồi bên Dũng:
- Ba đưa con đi chơi đi, sao ba nằm hoài vậy?
Phi Nga trả lời thay Dũng:
- Ba không khỏe, ba mệt.
Hoàng hỏi:
- Ba bệnh hả?
Rồi nó ôm đầu Dũng hôn mấy cái:
- Con hôn nhiều để ba mau hết bệnh.
Dũng siết nó vào lòng:
- Ba sẽ khỏi bệnh để đưa con đi chơi, cả em Hồng nữa.
- Hồng là con gái, cho nó ở nhà với mẹ. Con trai mới đi với nhau chớ.
Nghe Hoàng nói thế, Phi Nga phì cười:
- Con là con nít, chớ con trai với ai?
Hoàng cãi lại:
- Con là con trai, ba cũng là con trai. Mẹ là con gái. Em Hồng là con gái như mẹ. Con không chơi với con gái.
Nghe Hoàng lý luận, Dũng bật cười. Phi Nga nói:
- Mới có ba tuổi mà thằng bé này đã tự phụ về giới tính của mình. Đàn ông các anh được cái tài ấy.
Dũng quên cả buồn phiền, cười lớn:
- Bây giờ đến em gọi thằng Hoàng là đàn ông, buồn cười chưa? Thằng này rồi đây thế nào cũng có sự nghiệp làm trai. Mới ba tuổi mà đã nêu cao ngọn cờ của nó...
Ngày hôm sau, Phi Nga thức dậy sửa soạn đi Sài Gòn thì Dũng còn ngủ. Lúc mặc áo dài vào rồi, Phi Nga đến bên giường, lấy tay đặt nhẹ lên trán Dũng, hốt hoảng vì nghe trán Dũng nóng hổi. Dũng mở mắt ra và hỏi:
- Em chưa đi à?
- Anh sốt thế này, vậy mà hôm qua em nhắc anh đi bác sĩ, anh lại không chịu.
Dũng đưa tay sờ lên trán:
- Anh đâu có sốt. Tại anh nằm trong phòng kín nên ấm như thế.
Dũng cựa mình, nghiêng ra ngoài và hỏi:
- Em ăn gì chưa? Xe chưa đến sao?
- Chưa đến, nhưng em không muốn đi nữa. Rõ ràng là anh bị sốt nặng rồi. Hai mắt đen láy, môi ửng đỏ thế kia.
Vừa nói, Phi Nga vừa cởi nút áo trên cổ. Dũng hỏi:
- Thế hẹn lỡ với cậu Paul thì sao?
- Không sao cả. Ngày nào anh khỏe em đi Sài Gòn xem triển lãm sau cũng được.
Dũng ngồi ngay dậy:
- Anh có sốt đâu.
Nhưng Dũng nghe chóng mặt, mồ hôi ra ướt cả áo, lại phải nằm ngay xuống, lấy tay vỗ nhẹ lên trán. Phi Nga hoảng hốt vì thấy mặt Dũng tái nhợt:
- Anh bị sao vậy?
Dũng vẫn gượng gạo:
- Anh có sao đâu, hơi chóng mặt chút thôi. Em nghe lời anh, đi dự lễ khai mạc triển lãm đi.
Phi Nga vén mùng lên ngồi xuống bên Dũng:
- Anh còn mệt vậy mà không chịu đi bác sĩ.
- Em yên lòng, ở nhà uống sữa xong anh sẽ đi.
Phi Nga còn do dự thì Dũng cầm lấy tay nàng, đưa lên miệng hôn:
- Tội nghiệp em quá. Từ ngày về làm vợ anh chưa có được một ngày hạnh phúc.
Phi Nga lườm Dũng:
- Lại nói bậy nữa đi. Tại sacf không có lấy một ngày hạnh phúc?
Dũng lắc đầu:
- Anh không mang hạnh phúc đến cho em.
- Anh đừng nói vậy. Anh đã cho em hai đứa con, chúng nó là nguồn sống, nguồn an ủi của em.
Dũng cười đầy vẻ hoài nghi:
- Anh không tin.
Phi Nga đã thay áo dài để mặc lại chiếc áo bà ba. Dũng nói:
- Kìa, sao lại thay áo? Em đừng cãi lại anh, anh buồn sẽ đau nặng hơn. Hãy sửa soạn đi dự lễ đi.
Vừa lúc ấy bên ngoài có tiếng xe ngừng trước cửa. Dũng nói:
- Cậu Paul đến rước em đó. Sai hẹn kỳ lắm, nhất là sai hẹn với ông Malê.
Có tiếng Paul gọi lớn:
- Chị Phi Nga ơi! Bức tranh của chị được huy chương vàng rồi! Một bức khác được huy chương bạc! Ông Trần Phong và ba em sung sướng như điên. Đêm qua hai ông kéo nhau đi ăn uống để mừng thắng lợi của chị.
Sợ Paul chạy vào buồng, Phi Nga phải ra ngoài đón cậu ta:
- Chị may mắn như thế à?
- Ông Trần Phong bảo, nếu chị là đàn ông thì ông đã đem xe lên rước chị đêm qua khi biết kết quả và đưa chị đi ăn uống để mừng chị. Đến lúc này ông ta mới thấy cái phiền phức, chị là đàn bà con gái.
- Anh Dũng bị bệnh, hôm nay anh ấy bị sốt lại. Paul đứng sững lại nhìn Phi Nga:
- Thảo nào mặt mày chị bơ phờ như thế.
- Anh Dũng bị bệnh, chị sợ không đi được.
Paul chán nản ngồi phệch xuống ghế:
- Chị không đi được à? Đúng mười giờ người ta khai mạc, có cả ông bộ trưởng đến dự, chị không đi để chứng kiến sự thành công của chị à? Nhiều người muốn biết mặt chị. Thế nào hôm nay các phóng viên báo chí cũng sẽ xúm lại phỏng vấn chụp ảnh chị.
Paul nói lớn lắm nên ở trong phòng Dũng nghe lồng lộng. Dũng lên tiếng:
- Em Phi Nga!
Nghe Dũng gọi, Phi Nga vội vàng quay vào. Dũng nói:
- Anh đã nghe cậu Paul nói về chuyện em được giải thưởng. Anh mừng cho em. Em nên sửa soạn đi dự lễ, đừng để ông Malê và ông Trần Phong đợi.
Phi Nga còn do dự thì Dũng ngồi dậy, dựa lưng vào thành giường:
- Anh nghe khỏe rồi, đầu anh cũng hết nóng rồi.
Dũng cười vui vẻ để trấn an Phi Nga. Phi Nga lại đặt tay lên trán Dũng và hỏi:
- Anh không nói để em yên lòng chớ?
- Không có gì cho em lo cả. Nếu em không đi, anh buồn lắm và anh sẽ ân hận suốt đời. Em bảo chị Tâm cho anh một ly sữa càphê. Lát nữa anh sẽ đi đến phòng mạch của bác sĩ Văn.
Nghe thế, Phi Nga mới đi mặc lại chiếc áo dài. Nàng siết tay Dũng:
- Anh nhớ đi lại bác sĩ Văn nhé.
Rồi Phi Nga dặn chị Tâm:
- Chị làm sữa cho thầy rồi lấy nước nóng cho thầy lau mặt. Chị nhớ nhắc thầy đi bác sĩ và săn sóc thầy giúp tôi.
Chị Tâm đã nghe Paul nói chuyện với Phi Nga, chị mừng cho Phi Nga và nói:
- Cô nên đi dự lễ cô ạ. Trong đời mình được mấy lần như thế? Chắc thầy chỉ đau xoàng thôi, có gì cô phải bận tâm. Cô yên lòng, mọi việc đã có tôi.
Thấy Phi Nga quay ra, đã thay chiếc áo dài, Paul mừng rỡ đứng dậy:
- Có vậy chớ. Tưởng đâu chị không đi.
- Anh Dũng bảo chị phải đi, nhưng lòng chị vẫn không yên.
- Khi chị thấy được chiến thắng của mình, chị sẽ quên tất cả. Chiều nay, người ta sẽ giữ chị lại và đãi đằng. Thế nào ông Trần Phong cũng giành đãi chị trước, rồi đến những họa sĩ được giải, ban giám khảo và cuối cùng là cha mẹ và tụi em.
Hai người lên xe và xe chạy đi. Nhìn chiếc áo dài màu tím sậm Phi Nga đang mặc, Paul hỏi:
- Đi dự lễ mà chị ăn mặc như đi đưa đám tang, lựa chi cái áo màu tối quá! Một nữ họa sĩ mà diện đồ không mỹ thuật chút nào cả.
- Đi xem triển lãm chớ đi khoe áo quần sao?
Paul nói sau khi ngắm kỹ Phi Nga:
- Tuy vậy trông chị cũng đẹp chán. Đố ai biết chị đã có chồng và hai con.
Rồi vừa cười Paul vừa nói tiếp:
- Em tuy vậy chớ thạo cách ăn mặc lắm. Để em đưa chị đi phố, chọn những màu áo thích hợp cho chị. Chị phải mặc màu gạch hay màu nâu tươi mới đẹp.
- Chà, cậu này ngó vậy mà rành cách ăn mặc của đàn bà ghê quá. Thế cậu thấy Phi Anh ăn mặc thế nào?
- Ăn mặc trang nhã mới đẹp. Không phải có tiền rồi muốn mặc thế nào cũng được. Có bà đi dạo phố, nhìn vào mình cứ có cảm tưởng bà ta đang quảng cáo cho thứ hàng may màn cửa, bao ghế nệm. Lại có bà mập thù lù như bao gạo chỉ xanh, vậy mà lại mặc quần jean áo thun mới khổ. Em còn nhớ có hôm em bị nhức đầu, đang đi khám bệnh thì gặp ngay một bà mặc áo dài đỏ và cái quần cũng đỏ luôn, nguyên bộ comlê, mốt bây giờ đó. Đầu em đã nhức, bấy giờ mắt cũng nhức luôn!
Ngừng một lát, Paul nói tiếp:
- Cô Phi Anh kể ra cũng biết cách ăn mặc đây. Em thấy Phi Anh không đẹp bằng chị, nhưng biết chưng diện. Chị vẽ tranh biết chọn màu sắc cho hòa hợp, lẽ dĩ nhiên phải biết cách ăn mặc. Chị không chưng diện là tại chị không thích, không muốn để ý đến chuyện đó. Mà những người ái mộ tài chị như ông Trần Phong hay cha em chắc cũng không để ý đến những chuyện ấy mà chỉ để ý đến những bức tranh của chị...
Paul nói luôn miệng, hết chuyện này đến chuyện khác, trong khi Phi Nga nghĩ ngợi liên miên. Phi Nga không ngờ nàng có đến hai bức tranh được trúng giải. Đó là một vinh dự lớn lao của đời nàng, nhưng tại sao vinh dự ấy lại đến giữa lúc Dũng bị bệnh? Nếu Dũng khỏe mạnh thì Dũng có chịu đi dự triển lãm với nàng không.
Nhưng trong lúc ấy, Phi Nga đã quên đi là Dũng đang bệnh, nàng chỉ nghĩ đến những bức tranh nàng sắp vẽ. Nếu hai bức kia mà được giải thưởng thì rồi đây sự nghiệp của nàng sẽ đi đến đâu? Vì nàng chưa mấy thích hai bức tranh vừa được giải thưởng đó.
Phi Nga không sợ gì hơn là sợ đám đông. Mà giờ đây cái đám đông ấy lại để ý đến nàng, chỉ biết có nàng. Giữa đám đông ấy, Phi Nga chắc chắn là lạc lõng, nàng không hiểu họ mà họ cũng không hiểu nàng.
Chiếc xe của Paul ngừng trước một biệt thự ở đường Hiền Vương [1]. Paul nói:
- Tới nhà em rồi.
Ông Malê ăn mặc chỉnh tề, vừa nghe tiếng còi xe đã vội vàng bước ra, theo sau là bà Quỳnh. Cả hai đều để lộ sự vui mừng. Paul mở cửa xe đẩy Phi Nga ra ngoài:
- Cha mẹ em ra đón chị kia kìa.
Phi Nga vừa bước xuống xe thì bà Quỳnh đã ôm lấy nàng:
- Cô may mắn quá! Cô thấy đó, tôi nói có sai đâu. Thế nào cô cũng thành công.
Ông Malê bắt tay Phi Nga rồi lườm vợ:
- Bà giành lấy cô Phi Nga cho mình bà sao? Thì cũng để cô ấy bắt tay tôi chứ.
Ba người cùng cười. Ông Malê nói tiếp:
- Vậy mà cô còn chưa muốn mang tranh của cô đi dự thi.
Bà Quỳnh nhìn Phi Nga từ đầu đến chân, rồi kéo nàng vào nhà:
- Ăn mặc sao lôi thôi thế? Vào đây tôi sửa soạn lại cho. Một nữ họa sĩ mà không ra dáng chút nào. Ai lại nhè ngày vui vẻ thế này mà mặc chiếc áo màu tím sậm!
Ông Malê nói:
- Cứ để yên cô Phi Nga như thế. Có vậy mới là một nghệ sĩ.
- Dù là nghệ sĩ, người đàn bà cũng phải phục sức trang nhã. Những người đàn bà có sự nghiệp, sở dĩ không tìm thấy hạnh phúc ồ gia đình cũng tại họ quên họ là đàn bà.
Ông Malê bực bội:
- Tôi không có thì giờ tranh luận với bà về việc này bây giờ. Hãy cho cô Phi Nga dùng cái gì, sữa tươi hay nước cam, để chúng ta còn đi kẻo trễ.
Trong khi bà Quỳnh đi vào phòng ăn thì ông Malê nói với Phi Nga:
- Đêm qua gặp tôi tại phòng triển lãm, ông Trần Phong tỏ vẻ bực tức vì cô là một phụ nữ.
Phi Nga ngạc nhiên nhìn ông Malê thì ông nói tiếp:
- Nếu cô không phải là đàn bà thì đêm qua tôi và ông ấy đã đem xe lên Biên Hòa rước cô về Sài Gòn để chúng ta cùng đi ăn uống một bữa no say rồi. Cô có tài, điều ấy theo tôi không có gì đáng phiền, phiền chăng chỉ vì cô là đàn bà, nên dù cô có tài mấy đi nữa, tụi tôi cũng không thể hết mình với cô. Tôi và ông Trần Phong đành dẫn nhau đi ăn, nhưng không vui trọn vẹn được.
Bà Quỳnh đi ra mời mọi người:
- Có sẵn sữa tươi và bánh ngọt, mời vào dùng còn đi kẻo trễ.
Ba người xúm xít quanh một bàn àn rộng. Paul đã thay bộ comlê màu xám nhạt, ở trên lầu đi xuống, vừa cười vừa nói:
- Con đã lo phần con rồi, đi rước chị Phi Nga về nghe đói quá. Chị Phi Nga hôm nay không được vui, vì anh Dũng đang bị sốt.
Ông Malê nói:
- Sốt thì uống thuốc, có sao mà sợ? Cô nên quên chuyện ấy đi để hoàn toàn sống một ngày thật vui thật sôi nổi. Đời người được mấy mùa xuân? Tối nay cô ở lại đây dùng cơm với tôi và ông Trần Phong. Có cả nhà tôi đi nữa để cô khỏi ngại.
- Nể ông lắm hôm nay tôi mới đi như thế này. Nhà tôi đang bị bệnh. Dự lễ khai mạc xong tôi trở về Biên Hòa ngay.
Ông Malê nhún vai, trong khi bà Quỳnh nói:
- Cũng phải ở lại một buổi chiều cho thiên hạ biết qua mặt mày một chút chớ, làm gì mà về gấp vậy? Lễ khai mạc dành riêng cho quan khách, chớ người ngoài đã có ai đi xem đâu.
Paul cũng nói:
- Chị ở lại đây chơi, sáng mai em đưa chị về sớm.
Phi Nga lắc đầu. Paul đi lại đứng bên Phi Nga, nũng nịu nói:
- Chị mà về thì em giận đó.
- Giận thì chịu chớ biết sao?
Mọi người ra xe. Thấy Phi Nga ngồi có vẻ đăm chiêu, bà Quỳnh hỏi:
- Cô nghĩ gì vậy?
- Cháu lo lắng quá. Cháu không quen những chuyện lễ lạc như vầy.
Ông Malê cười:
- Thỉnh thoảng cô cũng phải ra khỏi cái tháp của mình, tập giao thiệp cho quen. Rồi đây cô sẽ có hội hè liên tiếp.
- Một họa sĩ đâu cần phải sống như một nhà ngoại giao. Họa sĩ cần sống với thiên nhiên, với nội tâm của mình.
- Trường đời sẽ thay đổi cô.
Bà Quỳnh nói:
- Cô cứ lúc thúc ở nhà thì làm sao làm việc? Cũng phải đi ra ngoài, có bạn bè.
Chiếc xe của ông Malê vừa ngừng trước phòng triển lãm thì Phi Nga đã thấy ông Trần Phong và bà Châu chạy lại. Bà Châu thò tay qua cửa xe, nắm lấy tay Phi Nga:
- Tôi thành thật chia mừng với cô.
Phi Nga bước ra ngoài. Ông Trần Phong và Phi Nga nhìn nhau, qua cái nhìn ấy, cả hai đều hiểu họ muốn nói gì. Ông Malê nói:
- Ông Trần Phong vui mừng như chính ông ấy được giải thưởng.
Phi Nga đến bên ông Trần Phong và nói vừa đủ cho ông nghe:
- Tôi xin cám ơn thầy.
Ông Malê và ông Trần Phong giới thiệu Phi Nga với các họa sĩ khác, Phi Nga chỉ biết chào hết người này đến người nọ, và cũng không nhớ nổi tên họ của những người ấy. Những phóng viên nhiếp ảnh cứ chìa máy về phía Phi Nga, khiến nàng ngượng nghịu quá. Lúc ấy nàng không còn nhớ gì cả, chỉ đi theo ông Malê hay ông Trần Phong như một cái máy.
Rồi nhạc trỗi, rồi người ta đứng ngay ngắn để nghênh đón ông bộ trưởng. Cuộc triển lãm đã khai mạc với một làn sóng người. Phi Nga cùng các bạn học đi theo ông Trần Phong, ông chỉ từng bức tranh được giải và phê bình cho mọi người nhận xét.
Bỗng Phi Nga nghe tiếng người hỏi:
- Nữ họa sĩ Phi Nga có trong đám này không?
Phi Nga lánh đi nơi khác, nhưng rồi ông Trần Phong cũng kéo nàng đứng lại cho mấy phóng viên phỏng vấn. Phi Nga thấy mình không thể tiếp tục chịu được những cực hình ấy nên nói với Paul:
- Em lén đưa chị về trước đi. Chị thấy mệt quá!
- Chị hãy chờ ông bộ trưởng về đã.
- Ai cấm mình về trước?
- Chị chưa xem hết những bức tranh kia mà.
- Hôm khác sẽ đến xem sau.
Ông Malê thấy Phi Nga và Paul định đi ra một cánh cửa hông thì chạy ngay lại:
- Con định đưa cô ấy đi đâu vậy?
- Chị Phi Nga đòi về.
Ông Malê nói:
- Cô ở lại đây xem tranh đã chứ?
- Tôi khổ sở quá.
Ông Malê cười lớn:
- Mọi người tìm cô để tỏ lòng khâm phục, tại sao cô lại khổ?
- Chính vì thế mà tôi khổ.
Ông Trần Phong nghe ông Malê cho biết Phi Nga đòi về thì vui vẻ nói:
- Được rồi. Người ta cũng đã phỏng vấn và chụp ảnh xong rồi. Cô về cũng được. À, để tôi bảo Dục Tú đưa cô về nhà tôi. Chúng tôi sẽ về sau. Trưa nay tôi sẽ đãi cô và các môn đệ của tôi.
- Tôi định về Biên Hòa ngay bây giờ.
Ông Trần Phong la lớn:
- Đâu được!
Dục Tú, Lê Thanh, Hà Nam và Vũ Minh cũng xúm lại bên Phi Nga:
- Chị về sao được? Hôm nay thầy đãi, hôm khác đến phiên bọn này. Chị đã làm vinh dự cho chúng tôi.
Bà Châu cũng chạy lại:
- Tôi nhường các bạn đãi trước, phần tôi đãi sau cùng.
Bà Quỳnh nói:
- Cô phải dành cho vợ chồng tôi một ngày nữa!
Phi Nga cảm động trước những lời mời mọc ấy:
- Tôi nhận lời hết, nhưng hôm nay cho tôi về vì việc nhà.
Dục Tú nhìn ông Trần Phong để hỏi ý kiến. Ông nói:
- Em đưa cô ấy về nhà thầy đi, không nói lôi thôi gì hết.
Thế là Dục Tú kéo Phi Nga ra xe. Bà Châu chạy theo:
- Tôi cũng về Chợ Lớn luôn thể. Thầy bảo tôi cùng đi với hai cô.
Khi ngồi vào xe của ông Trần Phong rồi, Phi Nga mới thở phào:
- Thế là thoát nạn!
Dục Tú cười và nói với bà Châu:
- Người ta càng đến chúc mừng chị ấy chừng nào, em thấy chị ấy càng khổ sở chừng nấy.
Bà Châu nói:
- Cô may mắn thật đấy!
Dục Tú bênh Phi Nga:
- Chị Phi Nga có tài chớ sao lại may mắn?
- Thiếu gì người có tài mà không may mắn thì sao?
Dục Tú dằn từng tiếng:
- Nhưng chị Phi Nga chắc chắn là có tài, chớ không phải chỉ may mắn thôi đâu.
Phi Nga không hiểu tại sao hôm nay Dục Tú lại bênh vực mình như thế. Mọi ngày mỗi khi ông Trân Phong hay các bạn khen Phi Nga thì Dục Tú luôn tỏ ra ganh tị.
Bà Châu nói:
- Cô Phi Nga có tài, điều này tôi có phủ nhận đâu. Nhưng cô ấy cũng may mắn hơn nhiều người có tài khác vì cô đã gặp ông Malê và thầy Trần Phong. Nếu cô không gặp những người này khuyến khích thì cô đã nằm yên một chỗ ở dưới quê, chớ làm sao có tranh gởi dự thi ở Paris? Cô Phi Nga chỉ biết có chồng con. Cô ấy có tài mà không chịu dùng tài. Chính tôi trước đây đã thúc giục cô ấy đi học. ông Malê cũng đã nói biết bao nhiêu lần. Nhưng cũng nhờ tôi rủ cô ấy đi dự cuộc triển lãm tranh của tôi...
- Nhưng nếu chị Phi Nga không phải là người có thực tài thì làm sao có những sự khuyến khích kia? Ai chịu mất công khuyến khích một người bất tài, trừ phi người ấy bỏ tiền ra để mua một chút hư danh?
Thấy câu chuyện đi đến chỗ gây cấn, Phi Nga liền nói:
- Bà Châu khuyến khích tôi nhiều lắm. Tôi rất phục sự cố gắng và sự kiên nhẫn của bà Châu. Chị Dục Tú không biết đó thôi, chớ nếu không có bà Châu đây thì chưa chắc tôi đã chịu học với thầy Trần Phong.
Xây lại Dục Tú, Phi Nga nói:
- Tôi cũng xin cám ơn chị, nhưng sự thật thì cũng nhờ thầy Trần Phong và các anh chị giúp đỡ tôi nhiều.
Về đến nhà ông Trần Phong, Dục Tú đi pha trà, cả ba cùng uống để chờ đợi ông Trần Phong về với Lê Thanh, Hà Nam, Vũ Minh. Vừa về đến, ông nói:
- Mấy họa sĩ trẻ tuổi cũng đòi về theo để bắt thầy đãi nhưng thầy không cho họ về vì sợ Phi Nga không bằng lòng.
Câu chuyện trở nên vui vẻ và thân mật. Vũ Minh hỏi bà Châu:
- Chị có mấy bức tranh dự thi?
- Có một tấm nhưng không được giải nào.
Vũ Minh quay qua hỏi Phi Nga:
- Chị nghĩ thế nào khi hay tin được hai giải thưởng?
Phi Nga nói:
- Lẽ dĩ nhiên là tôi mừng.
Lê Thanh hỏi:
- Chỉ thế thôi sao?
- Các anh làm gì mà hỏi còn hơn các phóng viên sáng nay phỏng vấn tôi vậy?
Lê Thanh hỏi:
- Với họ chị đã trả lời thì với anh em tôi, chị cứ nói cho chúng tôi biết cảm tưởng của chị di.
Hà Nam thêm vào:
- Để may ra sau này tụi tôi có được giải thưởng thì còn rút kinh nghiệm để biết cách nói.
- Tôi rất vui mừng, chỉ thế thôi, chớ không nghĩ gì khác.
Ông Trần Phong nói:
- Ông bà Malê quý mến Phi Nga quá. Ông Malê thật có bụng liên tài. Ông ấy nể tôi lắm mới nhường tôi đãi cô trước đó. Tối hôm qua, ông ấy cứ đòi lên Biên Hòa báo tin cho cô biết và rước cô đi ăn uống luôn. Tôi cản vì ông ấy không chịu hiểu phong tục tập quán mỗi nơi mỗi khác. Nếu cô là người Âu Mỹ thì không sao nhưng cô là một phụ nữ Việt Nam. Chúng ta là người Á Đông, chúng ta có những phong tục tập quán riêng.
Phi Nga chấm dứt câu chuyện ấy bằng một câu:
- Nếu đêm qua ông bà Malê có lên rước thì tôi cũng không đi được...
Và để xoay câu chuyện qua một chiều khác, Phi Nga hỏi:
- Thầy nghĩ thế nào về hai giải thưởng của tôi?
Ông Trần Phong nói:
- Có vài giải thưởng có vẻ thiên vị, nhưng hai giải thưởng của Phi Nga thì thật xứng đáng. Các họa sĩ trong ban giám khảo đã bàn cãi nhiều về hai giải thưởng của Phi Nga. Họ không tin một phụ nữ vẽ được như thế. Họ càng ngạc nhiên hơn khi sáng nay gặp Phi Nga, thế nào rồi đây họ cũng tìm tới xưởng vẽ này để xem Phi Nga làm việc.
Phi Nga hỏi:
- Phiền phức như thế sao?
- Nhưng bây giờ thì họ tin rồi... Ông Malê có đưa cho họ xem những bài báo phê bình giải khuyến khích của Phi Nga ở cuộc triển lãm tranh vẽ tự do ở Paris.
Rồi ông Trần Phong nhìn lên chiếc đồng hồ trên tường:
- Mười hai giờ rưỡi rồi. Thôi chúng ta đi ăn kẻo trễ. Nhà hàng gần đây, mình đi bộ cho vui.
Dục Tú đi lại bên Phi Nga, lấy tay vuốt lại mái tóc cho nàng:
- Chị có nghệ sĩ tính thật đấy, không biết chưng diện gì cả, đầu cổ thế này mà đi dự tiệc à?
Bà Châu cũng nói:
- Cô ấy ít khi chưng diện lắm.
Lê Thanh nói:
- Người ta bảo nữ văn sĩ Sagan bên Pháp không hề chưng diện, lúc nào cũng chỉ mặc cái áo thun dài tay, đầu cổ chôm bôm. Không khéo chị Phi Nga cũng giống Sagan.
Phi Nga vừa nói vừa sửa lại cổ áo:
- Giống thế nào được.
Đến nhà hàng, ông Trần Phong giao cho bà Châu phần gọi món ăn:
- Ngọc Diệp thay thầy tổ chức bữa tiệc vì Ngọc Diệp lớn tuổi nhất trong đám môn đệ của thầy.
Phi Nga ngạc nhiên thấy ông Trần Phong gọi bà Châu bằng tên con gái của bà. Bà Châu thoăn thoắt đi giao thiệp với các nhân viên nhà hàng. Lé Thanh và các môn đệ khác xúm lại bên khung cửa sổ chuyện trò với nhau, Phi Nga ngồi trên một chiếc ghế dài, có vẻ mệt mỏi. Ông Trần Phong đến ngồi bên nàng và hỏi:
- Phi Nga nghĩ gì thế?
Phi Nga lập tức ngồi xích xa ra:
- Tự nhiên tôi cảm thấy không được yên lòng.
- Tại Phi Nga sợ đi lâu, ông Dũng ở nhà chờ đợi?
- Nhà tôi đang bệnh.
- Có phải đau nặng đâu. Cô lo lắng như thế mất vui. Tôi muốn thấy mặt Phi Nga thật vui, vui vì đã thành công một phần nào.
- Tôi vui lắm, nhưng không có nghĩa là quên chồng đang đau ốm ở nhà.
Ông Trần Phong thở dài:
- Đây cũng là một trở ngại lớn cho sự nghiệp của cô.
- Tôi không thấy như thế.
Ông Trần Phong nhìn Phi Nga, đôi mắt sáng lên:
- Tôi tin sự nghiệp của cô còn nhiều hơn nữa. Rồi cô sẽ là một tên tuổi lớn.
Phi Nga nhìn lên và gặp đôi mắt của ông Trần Phong. Đến hôm ấy Phi Nga mới nhận thấy ông Trần Phong có một cái nhìn rất say đắm, nói lên sự khao khát một tình yêu lý tưởng, mặc dù tuổi ông đã lớn. Nhưng lòng Phi Nga vẫn dửng dưng, không chút xao xuyến.
- Tôi rất vui mừng thấy cô được hai giải thưởng, nhưng lại thấy dường như cô không vui mừng bao nhiêu. Lúc nào nét mặt cô cũng ngây thơ, đôi mắt của cô lúc nào cũng vô tư như không hề biết yêu đương là gì. Lạ thật, vậy mà tại sao cô lại sống với thầy Dũng được?
Phi Nga cười một cách hồn nhiên:
- Chuyện ấy ở một lãnh vực khác, không phải ở lãnh vực hội họa thì thầy làm sao hiểu đưực?
- Phi Nga muốn nói thầy không biết yêu đương là gì à?
Phi Nga lắc đầu:
- Tôi không bao giờ tìm hiểu những chuyện ấy. Vì chuyện đó không liên quan tới việc tôi học với thầy.
Ông Trần Phong cười:
- Cô lý luận hay thật. Nhưng chắc gì cô đã biết yêu đương là gì. Chuyện yêu mà các nam nữ đặt lên trên hết, trên cả công danh sự nghiệp, theo tôi không có gì đáng kể cả. Các thanh niên hiểu lầm đấy thôi.
Phi Nga thấy ông Trần Phong đề cập đến chuyện yêu đương thì vội vàng đưa tay vẫy Dục Tú đến. Cả Lê Thanh, Hà Nam, Vũ Minh cùng kéo theo. Dục Tú hỏi:
- Chị gọi bọn này?
- Làm gì mà đứng riêng đằng ấy, lại đây nói chuyện với thầy đi. Thầy đang nói về nhiều vấn đề hay lắm.
Vũ Minh nhìn ông Trần Phong:
- Trông thầy trẻ hơn mọi ngày.
Lê Thanh nói:
- Nhờ chị Phi Nga giật được hai cái giải thưởng.
Rồi Lê Thanh ngậm ngùi nói tiếp:
- Tôi học với thầy mấy năm rồi mà chưa đem lại cho thầy vinh dự ấy. Tôi cảm thấy buồn vì quá bất tài.
Ông Trần Phong nói:
- Các con cũng có tài nhưng chắc chắn không bằng Phi Nga.
Vũ Minh nói:
- Chị Phi Nga đã làm thầy trẻ được mấy năm.
Thấy Vũ Minh trở lại lời khen ấy, ông Trần Phong hỏi:
- Các con thấy thầy trẻ lại à? Sự vui mừng thường làm cho con người ta trẻ lại. Chưa bao giờ thầy thấy vui vẻ như hai hôm nay. Thầy dạy học trò cũng đã nhiều, chưa ai làm thầy vừa lòng như Phi Nga.
Vừa nói, ông Trần Phong vừa nhìn Phi Nga. Dục Tú nói:
- Rồi đây chị còn học với thầy nữa không?
Ông Trần Phong vội nói:
- Sao lại không?
Dục Tú nói:
- Bà Châu khi triển lãm tranh xong đâu có học nữa, mặc dù bà ấy chưa được giải thưởng nào cả.
Lê Thanh hỏi Phi Nga:
- Chị vẫn tiếp tục học chớ chị Phi Nga?
- Học chứ. Tôi đã học hết nghề của thầy đâu. Vẽ trên lụa tôi chưa học tới.
Ông Trần Phong nói:
- Phi Nga mà vẽ trên lụa chắc giỏi hơn thầy.
- Tại sao vậy, thưa thầy?
- Vẽ trên lụa, cần có sự tế nhị. Đàn bà bao giờ cũng tế nhị hơn.
Hà Nam nói đùa:
- Thảo nào mà chị Dục Tú chỉ thích vẽ trên lụa.
Dục Tú càu nhàu:
- Anh ngạo tôi à? Để rồi anh xem, tôi sẽ vẽ hơn anh.
Ông Trần Phong hỏi:
- Tại sao?
Dục Tú nói:
- Trước đây con cứ nghĩ về hội họa, đàn bà không thể có tài bằng đàn ông, vì lẽ đàn bà bận gia đình, chồng con. Nhưng bây giờ thấy chị Phi Nga thành công như thế, con tin tưởng phái nữ của con không phải không có người tài.
Hà Nam hỏi:
- Và dựa vào thành công của chị Phi Nga, chị tin rằng ngày mai đây chị cũng nối tiếng là họa sĩ tài hoa. Chị không nên phân biệt đàn bà hay đàn ông, mà nên nghĩ có tài hay không có tài. Chính thầy đã bảo thế kia mà. Trên lãnh vực nghệ thuật, không nên phân biệt đàn ông hay đàn bà.
Câu chuyện đến đây thì bà Châu đã trở lại. Bà nói với ông Trần Phong:
- Tôi chỉ gọi những món ăn thầy thích, chứ không biết các bạn đây thích món gì.
Ông Trần Phong không bằng lòng:
- Đãi Phi Nga thì phải lựa những món Phi Nga thích. Có phải đãi thầy đâu?
Phi Nga nói:
- Tôi không quen đi ăn tiệm. Tôi quê mùa lắm, không biết thích món nào đâu.
Dục Tú nói:
- Nhưng ít ra chị cũng phải biết chị thích ăn cá hay heo bò gà vịt gì chớ.
- Cái đó thì tôi biết. Nhưng bà Châu làm như thế phải lắm. Ở đây có thầy là lớn, phải lựa những món ăn thầy thích.
Bà Châu nói:
- Họ đã bắt đầu dọn những món ăn chơi rồi đó, chúng ta ngồi vào bàn là vừa.