Chương Bốn

     áng hôm sau, Hai thức dậy ra bếp định pha ly cà phê thì thấy trên bàn có ai để sẵn cái nồi ngồi trên cái cốc, cà phê đen đang nhỏ từng giọt đen sánh, bay mùi thơm phức.  Hai dòm xung quanh coi nhà có khách nào không, sao đến hồi nào mà ông không hay biết.  Thấy bóng Hà dưới bếp, Hai hỏi
- Bộ có khách tới nhà hả Hà?
- Dạ đâu có ai đâu.
- Vậy ly cà phê của ai vậy?
- Của con pha cho ba đó, con còn có món này ba thích nè, hôm nay cha con mình khoái ăn sang nghen?
Thấy Hà bưng lên mấy củ khoai Dương Ngọc bốc khói, Hai nói
- Khoai lang là món nhà nghèo chứ sang gì mà sang?
Hà cười hì hì
- Khoái ăn sang là sáng ăn khoai.
Hai cha con cười vui vẻ.  Hà lấy muỗng cà phê khuấy sữa lên cho đều, Hà thấy ba ăn xong củ khoai tím, Hà đứng lên dọn dẹp giấy tờ trên bàn, rồi mỉm cười hỏi vu vơ.
- Có bao giờ ba nói "Đây là củ khoai ngon nhất đời tôi" không ba?
Hai đang ăn khoai, nghe câu hỏi của Hà, ông không rõ là Hà thật sự muốn hỏi gì.  Dường như câu nói này quen quen, văng vẳng đâu đây trong tiềm thức, ông cố suy nghĩ câu trả lời, bỗng ông giật mình sực nhớ lại.  Đúng câu này, ông đã nói ba mươi năm về trước, cái đêm trong ngôi nhà âm u, mấy củ khoai đã cứu sống ông, hình ảnh xa xưa của một cô gái da mặt trắng bệch, không rõ là người hay ma đang lầm lũi bước sâu vào bóng tối sau nhà, nay hiện rõ trước mặt anh.  Chỉ có hai người biết được câu nói này.  Tại sao con Hà biết được mà hỏi anh, nó và cô gái trong khu rừng kia có quan hệ gì với nhau? 
Hay là hậu thân của con ma đó đang đứng trước mặt anh?  Có phải con Hà sanh ra để làm niềm hy vọng cho ông sống, để làm chiếc bè để cho ông bám vào trong những lúc khốn cùng nhất của đời ông? Ngày mà người vợ đầu ấp tay gối, cuốn hết tiền bạc, bỏ đi theo thằng tình nhân trẻ tuổi đầy sức sống, cũng là ngày ông uống hết chai rượu này tới chai khác.  Ông không muốn tỉnh nữa, gan ruột ông nóng bừng, người ông đờ đẩn gục ngả dưới sàn nhà.  Lúc đó con Hà mới lên chín tuổi, đi học về thấy ba nó nằm bất động trên sàn, nó bấm điện thoại gọi 911, xe cứu thương chở ba nó và nó vào bịnh viện.
Lúc Hai mở mắt ra, ánh đèn trên trần bệnh viện mờ mờ, những giọt nước biển chầm chậm nhỏ giọt xuống mạch máu, hình như có ai rờ lên mặt, ông đưa mắt nhìn, con Hà đứng sát bên giường bệnh, cặp mắt nó đỏ ngầu, nước mắt nó ràn rụa.  Hai nhớ lại những gì đã xảy ra, Hai yếu ớt nắm lấy tay con, con Hà gục đầu vào lòng ông khóc nức nở.  Hai nhủ thầm, tội cho con tôi, mới từng tuổi này, định mệnh đã cướp mất của nó người mẹ.  Trong một phút yếu lòng, ông suýt đã cướp mất của nó người cha.  Ông đã sống những phút huy hoàng nhất của đời ông trên trận mạc, thì còn nắm níu, kéo dài kiếp sống thừa bằng công việc rửa chợ, rửa cầu tiêu làm gì?  Ông ước gì phải ngày trước ông được nằm xuống chung với anh Năm và các chiến hữu bên đồi Charlie, một cái chết hãnh diện vì được hy sinh cho tổ quốc, muôn thuở lưu danh, thì bây giờ ông đâu có tàn tạ trong tuổi già, đau khổ vì thất tình, vì nghèo khó. Phần ông, ông có thể rời cõi tạm.  Nhưng còn con Hà, nó còn cả cuộc đời trước mặt.  Ai sẽ là người đắp cho nó cái mền, vuốt tóc cho nó ngủ, ai sẽ là người lo cho nó từng miếng cơm, tấm áo, ai làm điểm tựa cho nó chập chững bước vào đời.  Không!  Ông phải sống, sống cho tới ngày nó có thể vỗ cánh tung bay, cho tới khi nó không còn cần ông nữa.  
Có bữa dọn cầu tiêu trong một công ty nọ, cầu nghẹt nước trào ra đầy sàn, mùi hôi thối nồng nặc.  Ông phải lau rửa cả đêm, hai đầu gối đau nhức kinh niên vì thấp khớp, giờ lại phải bò tuốt trong góc, cố chùi rửa cho sạch sẽ.  Tay chân của ông, chỗ thì đỏ hồng ngứa ngáy, chỗ thì lở lói chảy nước vàng vì thuốc tẩy.  Sáng ra ông còn bị khiển trách vì cái mùi hôi chưa hết.  Tủi nhục nào ông cũng ráng nuốt vào lòng, vì con ông sẽ sống.  Từ đó Hai không còn muộn phiền nhiều về những công việc mà trước kia ông cho là hèn hạ.  Nhiều khi ông ngồi lựa rau trong siêu thị, ông thấy công việc sao nhàn hạ quá, giống trong hai câu thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm "Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ, người khôn, người đến chốn lao xao".  Những người ngồi trong lầu cát nguy nga, xu hào rủng rỉnh, chưa chắc lòng họ có được thư thả, an vui.  Ông ngồi làm mà cứ trông mau cho hết giờ để về ôm lấy con.  Khuôn mặt hồn nhiên của nó dường như chứa đựng một phép mầu.  Ôm được con rồi, thì mệt mỏi nào cũng tan biến, muộn phiền nào rồi cũng nguôi ngoai.
Dù con Hà là hậu thân của con ma xó, theo đền ơn ông, hay là thiên thần, do ơn trên đưa xuống, cứu rỗi đời ông, nó đã làm tròn nhiệm vụ.  Chưa lúc nào ông vui bằng lúc này, con Hà càng trưởng thành, càng đáng yêu, nó là hiện thân của tất cả những gì ông ao ước.  Hai hỏi 
- Làm sao con biết được ba đã từng nói câu đó?
Hà mỉm cười không trả lời, nàng đánh trống lảng, hỏi ba
- Trưa chủ nhật này con đi hát kỷ niệm ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa ở nhà cộng đồng, ba đi ủng hộ con nghe ba?
- Ừ đi thì đi, mà ba chỉ đến nghe con hát, chứ không đi diễn hành hay phát biểu gì đâu nghen.
- OK, mà con thích nhìn thấy ba trong quân phục thiên thần mũ đỏ.
- Ba không có đồ lính, ba chỉ còn được chiếc mũ đỏ kỷ niệm thôi.
- Để con đi chợ trời mua cho ba, mua luôn đôi giày bốt-đồ-sô nghe ba?
- Ừa, mà sao tự nhiên con muốn ba mặc đồ lính vậy?
Hà không đáp lời mà hỏi tiếp
- Ba nè, ai là người anh hùng nhất trong lòng ba?
- Nhiều lắm, vua Quang Trung, đức Trần Hưng Đạo, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu.
- Sao ba không nhắc đến Lê Văn Hưng, Nguyễn Khoa Nam, Phạm Văn Phú, Lê Nguyên Vỹ vậy ba, hay là tại những người này chỉ xấp xỉ tuổi ba?
- Chắc tại từ nhỏ tới lớn thầy cô của ba chỉ nhắc tới Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, tên tuổi của những bậc tiền nhân này đã ghi sâu vào tâm khảm của ba.  Nhưng mà con nói đúng.  Lê Văn Hưng, Nguyễn Khoa Nam, Phạm Văn Phú, Lê Nguyên Vỹ đều là những người anh hùng dân tộc, vị quốc vong thân, "Thành tan theo nước, tướng theo thành" giống như Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu.
- Đố ba biết ai là người anh hùng nhất trong lòng con?
Hai nói đùa, 
- George Washington, Abraham Lincoln.
Hà nũng nịu nói
- Nooooooooo, con là người Việt Nam, người anh hùng nhất trong lòng con, của riêng con, là người lính dù mũ đỏ T. V. Hai.
Hai phồng lỗ mũi, nhưng ngơ ngác hỏi
- Ba mầy là anh hùng à, anh hùng rửa rau, anh hùng quét dọn, sao con?
- Làm kỹ sư ngồi phòng lạnh gõ máy vi tính đâu có gì khó khăn đâu ba, ai cũng có thể nhận việc đó dễ dàng, con nít như con cũng có thể làm được, chứ làm những việc cực nhọc như ba mà vẫn vui vẻ, con chưa thấy ai bao giờ.  Đồng tiền lương thiện của ba tuy ít ỏi, nhưng nó đã mua cho con những thứ mà tiền muôn bạc vạn mua không nổi.  Ngày xưa nhờ những người lính như ba mà tiểu đoàn 11 Nhảy Dù và tên tuổi của cố Đại Tá Nguyễn Đình Bảo mới đi vào lịch sử.  Con thật hãnh diện được làm con của ba.  Con muốn được chụp chung với ba trong quân phục thiên thần mũ đỏ, ba đi với con nghen ba?oOo
Trong bộ quân phục Nhảy Dù, Hai bước vào hội trường, trong hội trường đầy ắp cựu chiến binh QLVNCH, đủ mọi binh chủng, Hai ngồi xuống một chiếc ghế trống phía sau.  Hai thấy con mình trong chiếc áo dài màu vàng thật đẹp, Hà hát rất hay những bài ca về lính.  Hai thật vui mừng vì con mình tự tìm về cội nguồn, điều mà ông âm thầm mong ước nhưng vì hoàn cảnh nên không thực hiện được.
Sơn cầm microphone giới thiệu
- Để tưởng niệm sự hy sinh anh dũng của cố Đại Tá Nguyễn Đình Bảo, và những anh hùng thiên thần mũ đỏ đã vị quốc vong thân tại đồi Charlie trong Mùa hè Đỏ Lửa 1972, Kim Sơn và Thanh Hà xin gửi đến quý vị khán giả nhạc phẩm "Người Ở Lại Charlie" của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. 
Rồi Sơn đàn và hát chung với Hà, bài ca này Hà hát đi hát lại nhiều lần, nhưng lần nào nàng cũng phải nuốt ngược nước mắt vào lòng để không bi khản giọng.  Sơn và Hà cúi đầu chào khán giả trong những tiếng vỗ tay vang dội.  Một cựu chiến binh tiếp lấy microphone, bước ra trước sân khấu nói
- Xin cám ơn tràng pháo tay của quý vị đã dành cho hai cháu Sơn và Hà.  Nhân đây tôi cũng xin giới thiệu, hai cháu Sơn và cháu Hà là con ruột của hai người anh hùng mũ đỏ của tiểu đoàn 11 đã từng tử thủ ở Charlie.  Hai người hùng này đã may mắn sống sót sau những ngày "đội pháo" tại Charlie và có mặt trong hội trường ngày hôm nay. 
Cả hội trường lại vỗ tay vang dội, ngừng một chút rồi ông tiếp
- Xin kính mời hai chiến hữu mũ đỏ N. H. Tâm và T. V. Hai bước lên sân khấu chụp hình lưu niệm với hai đứa con thân yêu của mình.
Hai người lính Mũ Đỏ đứng lên bước về phía sân khấu từ hai bên hội trường.  Hai người vừa bước đi vừa nhìn đăm đăm về hướng nhau, khi gần tới sân khấu, Tâm nhìn ra được người bạn sanh tử đã thất lạc ba mươi năm dài, ông chạy vội lại
- Trời ơi, anh Hai còn sống đây mà, mấy chục năm nay tôi tìm anh khắp nơi mà bặt vô âm tín.
Hai người ôm chầm lấy nhau, ở trên sân khấu Sơn và Hà nhìn nhau cười thật tươi và mãn nguyện.

Hết.
Thanh Tâm

Xem Tiếp: ----