Dịch giả: Văn Hòa
Chương II (E)

     à khóa trái cửa phòng lại. Và ngay lúc ấy, đột nhiên bà cảm thấy cô độc lạ lùng, nỗi cô độc mà bà đã từng cảm thấy mỗi khi lặn xuống đáy bể sâu, một mình giữa biết bao tạo vật lạ lùng chung quanh, những tạo vật vô tri giác. Bà đã tìm cách chế ngự những nỗi kinh hoàng ấy; bà chế ngự nó để tiếp tục cái nghề hải dương học của bà. Nhưng kể từ đó bà không còn xuống đáy biển sâu một mình nữa. Bà nhớ lại một hôm, vào buổi trưa, bà cùng ông John Wilton lặn xuống một vùng biển sâu không xa hòn đảo Saboga mấy, để nhặt những mẫu rong bể. Rong bể dật dờ theo dòng nước như những khóm cây nảy lộc trong một cánh rừng bé nhỏ trước cơn gió, nhẹ nhàng và mỏng manh, một vẻ đẹp thần tiên và diễm ảo, nhưng có thể trong đó tàng ẩn một sinh vật dữ tợn như cá mập, cá xà. Thận trọng, đề phòng mọi bất trắc có thể xảy ra, bà đã tiếp tục công việc và nhặt được nhiều loại hải tảo mà các phòng thí nghiệm có thể rút được nhiều chất kháng sinh mới để chữa bệnh hoặc những chất phân hóa tố dị thường, những loại kích thích tố có thể biến cải hẳn sự sống và ngay cả biến giống nữa.
Bà trở lại với thực tế và tự hỏi bà sẽ làm gì trong cái thế giới xa lạ và khó hiểu này. Quả cách xa Chris, bà cô độc một mình giữa những người xa lạ chẳng giúp đỡ gì được bà. Bà không có đủ yếu tố cần thiết để sống trong một thế giới như vậy, bà không đủ yếu tố giải quyết một vấn đề không phải của riêng cá nhân bà mà tệ hại hơn là bà không còn có đủ ý chí để giải quyết nữa. Bà chỉ muốn từ bỏ tất cả để trở về nhà, chịu nhận mình đã thất bại, nhưng bà đã cố chống lại nỗi ước muốn ấy. Dầu sao, đó không phải chỉ là một trong những điều rắc rối, hậu quả của vô số các biến động chiến tranh và những va chạm không thể tránh được giữa các dân tộc có quá nhiều dị biệt.
Ngay chính vào lúc bà đưa tay ra như để thốt lên một tiếng kêu cầu cứu thì chuông điện thoại reo vang. Bà cầm lấy ống nghe và nghe một người Triều Tiên có tiếng Anh giọng nhát gừng ở đằng kia đầu dây.
- Phải bà Christopha Wintal không ạ?
- Vâng, chính tôi đây.
- Xin bà nói chuyện với Mỹ quốc.
Bà chưa kịp reo lên kinh ngạc thì tiếng nói của Chris đã văng vẳng đến tai bà, xuyên qua đại dương và đêm tối. Kỳ lạ biết bao! Tiếng của chồng bà rõ ràng như đang nói từ căn phòng kế bên, nhưng cường độ âm thanh đều đặn biến đổi chứng tỏ nó từ rất xa vẳng đến.
- Laura đây à?
- Ồ Chris anh! Em mừng quá! Em đang tủi thân đây!
- Khi nào em về?
- Chưa biết. Em vừa mới đi về thì anh gọi. Em đã tìm ra thằng bé rồi anh ạ.
- Nó ra sao?
- Nó giống anh như tạc.
Đầu dây im lặng. Bà vội kêu lên:
- Chris?
- Anh đây.
- Em không biết anh tính sao cho thằng bé cả.
- Nhét nó vào trường, bất cứ ngôi trường nào em muốn rồi trở về với anh. Anh đang cần đến em, em ạ! Anh tin rằng anh sẽ đắc cử.
- Ồ, em xin chúc mừng anh.
- Chưa xong đâu em. À, em có đủ tiền tiêu không?
- Khá đủ. Em chưa tiêu gì nhiều cả... Em cũng đã gặp cô Sương rồi.
- Cô ta đòi hỏi tiền bạc gì không?
- Cô ấy không đá động gì đến tiền bạc cả.
- Nếu em gặp bất cứ điều gì phiền phức hãy nhờ gọi sứ quán Hoa Kỳ nghe em - giúp đỡ em, đó là vai trò của họ.
- Chẳng có gì phiền phức... Nhưng, em không biết phải quyết định ra sao.
- Thôi về đi em.
- Không anh ạ. Em đã sang đây, em phải giải quyết cho xong vấn đề đứa bé.
- Em muốn anh bay sang với em không?
- Không. Em sẽ làm những gì em thấy phải.
Họ không còn gì để nói với nhau nữa, nhưng Laura vẫn dán tai vào ống nghe để còn được nghe tiếng chồng bà.
- Chris, anh không có kể cho em nghe gì ở đây hết, ở đây cái gì cũng tuyệt đẹp anh ạ, nhưng cũng hết sức lạ lùng, ở đây em không hiểu gì họ cả. Cảm nghĩ của họ không giống chúng ta mấy.
- Em nên yêu cầu người Mỹ giúp đỡ.
- Vâng.
Đột nhiên, giọng nói của chồng bà yếu đi: Ông vẫn nói nhưng bà không còn nghe gì nữa. Bà kêu lớn: “Chris... Chris...” nhưng thế là chấm dứt.
Bà chỉ biết đặt lại ống nghe vào máy và đi ngủ.

*

Sáng hôm sau, bà tự hỏi phải chăng bà đã không nằm mơ cuộc điện đàm ấy, song bà vẫn còn nhớ lại rõ ràng câu nói của chồng bà: “Hãy nhờ người Mỹ giúp đỡ”. Bà quyết định vâng lời chồng.
Một giờ sau, bà tới văn phòng khách sạn:
- Sứ quán Mỹ ở đâu?
- Thưa bà, ở đối diện với khách sạn đây ạ.
Bà đi băng qua đường và bước vào sứ quán; nơi đây người ta đưa bà đi qua hết văn phòng này đến văn phòng khác. Cuối cùng, bà đến trước một người đàn bà đã có tuổi, khô khan, nói giọng Ohio:
- Thưa bà Winters, bà cần tôi giúp đỡ bà điều gì?
Laura ngồi xuống ghế. Bà nói:
- Tôi đến đây để kiếm một đứa trẻ... lai Mỹ.
- Thưa cô...
- Pitman. Tôi tên là Pitman. Con của chồng bà phải không?
- Sao cô biết?
- Bà không phải là người độc nhất gặp trường hợp này. Nhưng thường thì chính người đàn ông đến tìm con. Tuy vậy, đa số trẻ con bị bỏ rơi không có ai nhìn nhận nên đã sống vất vưởng.
- Vậy, chính phủ ta không có biện pháp nào về trường hợp của chúng nó cả sao?
- Thưa bà không. Chúng tôi không nhận được chỉ thị nào về các việc ấy. Người Mỹ chúng ta hiện đang có mặt trên khắp bảy nước Á châu, chúng ta...
- Nhưng rồi đây những đứa trẻ ấy sẽ ra sao?
- Thưa bà, tôi không biết, chúng tôi không có lệnh...
- Điều đó cô đã nói rồi.
Cô Pitman xếp các giấy tờ. Cô nói:
- Nếu tôi có thể giúp được bà...
- Giải pháp nhận con nuôi như thế nào là tiện nhất?
- Cái đó tùy theo cách bà muốn làm.
- Tôi không biết tôi phải làm những gì.
- Bà chỉ có việc chọn một trong hai điều: Để đứa trẻ ở lại đây hoặc đưa nó về Mỹ.
- Nó sẽ ra sao nếu tôi để nó lại ở đây? Dĩ nhiên là tôi sẽ gởi nó vào ký túc xá.
- Ở đây không có ký túc xá ngoại trừ... nó mấy tuổi rồi nhỉ?
- Mười hai tuổi.
- Vậy thì không có ký túc xá. Nó không được xem như là trẻ mồ côi, tất nhiên.
- Vậy thì phải làm sao?
- Hãy quên nó đi. Đa số người Mỹ đã làm như thế. Đã có hàng ngàn đứa trẻ ở vào trường hợp này.
- Rồi chúng sẽ ra sao?
- Tất cả đều tùy thuộc những gì sẽ xảy ra ở đây. Nếu quân cộng sản xâm lăng, điều đó có thể lắm, nếu các hoạt động của chúng ta tại Việt Nam bắt buộc phải rút bớt quân ở đây để tăng viện cho bên ấy - trong trường hợp đó, chúng sẽ bị tàn sát hoặc chúng sẽ trở thành cộng sản, bởi vì dường như không một ai ở đây ưa thích chúng cả.
Laura nhìn cô Pitman đang chăm chú vào tập hồ sơ trước mặt cô.
- Cô Pitmin, cô có thể dửng dưng như vậy với điều đó sao?
- Tôi không thể chuốc vào mình những tình cảm vô ích; và dầu thế nào đi nữa, tôi cũng không có thể làm gì được hết.
- Nhưng riêng phần tôi, tôi có thể làm gì được cho đứa bé này.
Cô Pitman nhìn bà ngang qua kẽ hở bên trên cặp kiếng trễ xuống mũi.
- Nếu chồng bà thừa nhận đứa trẻ, bà có thể mang nó về Mỹ với tư cách là một công dân Hoa Kỳ.
- Chỉ đơn giản có thế thôi sao?
- Vâng. Chỉ có thế.
Bà đứng dậy:
- Cám ơn cô lắm.
- Không có gì ạ.
Vậy thì bà có thể quyết định một trong hai giải pháp sau đây: Bỏ rơi đứa trẻ và trở về nhà, hoặc yêu cầu chồng bà thừa nhận tính cách phụ hệ của ông đối với đứa trẻ rồi đưa nó theo bà về Mỹ. Bà trở về khách sạn để viết thư cho chồng bà và kể cho ông nghe cuộc tiếp xúc này. Điều này sẽ giúp bà dễ dàng nói rõ sự thật với ông và bà sẽ mang đứa bé theo. Bà mang nó về nhà? Nó giống Chris biết bao!
Từ cửa sổ tầng lầu trên, ông Chu nhìn thấy bà Winters đi băng qua đường đến Sứ quán Mỹ và trở về. Bây giờ có lẽ bà đang ở trong phòng của bà. Đã lâu, ông không có dịp nói chuyện với một người đàn bà Mỹ và trong lòng ông chợt hiện lên hết bao kỷ niệm xa xưa. Trong suốt năm học cuối cùng ở đại học Yalte, ông đã yêu say đắm một thiếu nữ Mỹ, có đôi chút giống cái bà Winters, cũng không đẹp như bà, nhưng hồi ấy ông xem cô là người thiếu nữ đẹp nhất trên đời. Ông đã viết thư về Triều Tiên xin phép cha mẹ để cưới nàng. Nhưng song thân ông đã khẩn cấp gởi thư năn nỉ van lơn, xen vào những câu dọa dẫm và dấu vết của những giọt nước mắt cố ý phơi bày rải rác trên giấy, nên ông đành phải khước từ tình yêu và nhẫn nhục học cho xong niên học cuối cùng trước khi hồi hương cưới người thiếu nữ do gia đình đã chọn lựa.
Vợ ông đã sinh liền một loạt con gái và cuối cùng, một đứa trai. Sau khi lo việc gả chồng cho con gái và nuông chiều cậu con trai đến ngày khôn lớn, bà đã qua đời để lại ông Chu trong tình trạng phóng túng hiện tại. Vì hiu quạnh, ông dễ dàng hết chạy theo Sương, cô kỹ nữ xinh đẹp, đến chạy theo bà Winters, một thiếu phụ ngoại quốc yêu kiều. Tuy vậy, ông là một kẻ biết diều, ông không nghĩ gì đến việc tục huyền cả. Đối với ông, cưới một kỹ nữ về làm vợ là điều không cần thiết. Vả lại, mặc dầu ông là người chịu chi nhiều tiền cho Sương, nhưng chẳng thâu lượm được kết quả gì khác ngoài những nụ cười duyên của người thiếu phụ. Về phần Laura thì bà ta đã có chồng. Tuy vậy, ông vẫn cảm thấy rung động mãnh liệt trước vẻ yêu kiều của họ và cái điều mà ông lấy làm thích thú nhất là vì cả hai người đàn bà ấy đều thuộc về một người đàn ông mà chắc hẳn ông ta phải có một nhân cách đặc biệt, hiện ông đang dấn thân vào một cuộc tranh cử quan trọng.
Ông bị mê hoặc bởi cái sắc đẹp tương phản của hai người thiếu phụ: một người thì rất ủy mị, đầy nữ tính, là một kỹ nữ tuyệt vời, còn người kia lại là loại đàn bà thon, cao, khỏe mạnh, như con trai, một hạng đàn bà đặc biệt ở Mỹ quốc, có thân hình của thân vệ nữ và có trí thông minh của nam giới. Tối hôm qua, ông đã phân tích cho bà Winters rõ sự tương phản này. Bà lắng nghe ông nói, chăm chỉ đến nỗi ông đã có đôi chút hy vọng kéo dài câu chuyện trên một bình diện thân mật hơn, sau khi đã đưa bà Winters về đến cửa phòng bà. Nhưng thái độ của bà chẳng có gì khích lệ cả. Trong lúc chờ đợi tìm hiểu sự việc một cách rõ ràng hơn, sau khi người mật báo viên tại sứ quán Mỹ đến báo cáo cho ông rõ chi tiết cuộc tiếp xúc giữa bà Winters và cô Pitman, ông liền quyết định đến gập cô Sương và nếu có thể cả thằng bé lai Mỹ mà cô ta đã từng nói đến với bao buồn vui lẫn lộn.
Một giờ sau, ông ngồi trong phòng riêng của Sương lại “Vạn Hoa Đìinh”. Nàng đang kể cho ông nghe chuyện của Christopher Winters, ông Chu rất lấy làm khâm phục Sương khi nghe nàng dùng những lời lẽ văn hoa để diễn tả câu chuyện, những lời lẽ mà nàng chỉ dùng khi tiếp xúc với những khách hàng nàng đã chọn lựa kỹ, nàng chỉ chịu tiếp những người Triều Tiên thanh lịch như ông mà thôi.
Nàng nói:
- Thật khó mà diễn tả lại câu chuyện ấy đã xảy ra như thế nào.
Ngồi trên một tấm nệm đặt giữa sân, Sương tì hai khuỷu tay vào chiếc bàn thấp đặt giữa hai người. Nàng mặc váy màu xanh lá cây, áo màu vàng nhạt để lộ hai cánh tay trắng như ngà, hai bàn tay tuyệt mỹ, mềm mại, xinh xắn, với những ngón tay thon nhỏ, móng tay óng ánh như xà cừ.
- Trước tiên, xin ông biết cho rằng tôi không phải là hạng người sinh trưởng trong giới hạ lưu như phần đông các cô gái lấy Mỹ. Cha mẹ tôi là những người có học thức, cha tôi làm giáo học, tôi là con một. Tôi đã từng kể cho ông nghe nhà cửa của chúng tôi bị bom tàn phá như thế nào, cha tôi đã chết ra sao rồi. Không một đồng xu dính túi, hai mẹ con tôi kinh khiếp chạy lang thang ngoài đường để tìm một nơi nương náu và kiếm một chút gì để nhét vào cái bụng trống trơn. Ông cũng đã biết quân lính ngoại quốc chiếm đóng thành phố chúng ta ra sao rồi. Chúng chẳng khác nào một đàn châu chấu thèm mồi. Không người đàn bà nào có thể thoát khỏi tay chúng ngay cả mẹ tôi cũng thế. - Sương úp mặt vào hai bàn tay một lát rồi tiếp - Tôi không thể nào nói ra đây được. Nhưng tôi biết ràng tôi phải cứu mẹ tôi. Và đó là cái lý do chính khiến tôi đi theo những người con gái khác, những cô gái không cửa không nhà, mồ côi mồ cút vì chiến tranh. Và thế rồi tôi bắt đầu tập nhảy và ca hát để kiếm tiền sinh sống. Trong lúc đi làm tôi có thể mướn một căn phòng cho mẹ tôi ở.
Nhưng hồi ấy vì thế chất tôi quá mảnh mai, yếu đuối, nên cứ ốm đau hoài. Các bạn tôi mạnh khỏe hơn tôi nhiều. Vì nhân ái, họ chia cơm xẻ áo cùng tôi. Nhưng, tôi không thể xin họ cưu mang cả mẹ tôi nữa. Một đêm nọ, lòng tôi thắt lại vì đau khổ, tôi tìm đến một cái “ba”, nơi mà những người Mỹ đang khiêu vũ, mặc dầu chúng tôi sợ họ hơn tất cả mọi sự trên đời này. Tôi chú ý đến một thanh niên ngồi một mình một bàn. Hắn ta còn rất trẻ, đẹp trai và buồn bã. Hắn không nhảy. Tôi ghê tởm cái lối khiêu vũ nham nhở của lính Mỹ. Trong lúc họ nhảy, họ làm những việc thiếu tế nhị. Tôi thầm nghĩ, nếu ta đến bên chàng trai cô độc ấy, chắc những kẻ khác sẽ để cho ta được yên thân. Dolly, cô bạn gái của tôi cũng đã khuyên tôi như vậy. Câu chuyện khởi đầu là thế.
Sương ngừng lại, vẻ mặt trở nên mơ mộng.
Ông Chu nói:
- Đành rằng khởi đầu là thế, nhưng rồi tại sao lại có đứa bé ấy?
Sương dựa vào cái tựa lưng, hai tay giao nhau trên váy lụa.
- Tôi chỉ sợ mất chàng - Nàng thú nhận - Thật vậy, chàng đã che chở tôi khỏi bị những kẻ khác hành hạ, những thanh niên thô tục và ồn ào. Họ đã để tôi yên khi chúng tôi ở bên nhau. Cuối cùng, chúng tôi đã lập tổ uyên ương trong một túp liều nhỏ. Chàng đã nộp tiền thế chân cho người chủ nhà hết một trăm năm chục đô la. Người chủ nhà giao nhà cho chúng tôi và thâu tiền mướn, nhưng ông ta đã trả lại cho chàng số tiền thế chân khi chàng hồi hương. Để có phương tiện sinh sống chàng đã mua tất cả những gì có thể mua được ở P.X - Ông biết P.X là gì rồi chứ?
Ông Chu gật đầu.
- Tôi bán với giá chợ đen tất cả những gì chàng đã mang về để mua thực phẩm và vật dụng cần thiết. Như vậy, chúng tôi đã làm tất cả những gì có thế làm được với những người bạn Mỹ của chúng tôi. Cha mẹ chàng cũng có gởi cho chàng một ít tiền, nhưng chàng muốn giao cho tôi. Chàng nói rằng, bạc Mỹ cấm lưu hành tại miền Nam, bởi vì lũ gián điệp miền Bắc sẽ mua loại bạc này để mang đi sử dụng tại các quốc gia khác, bạc Mỹ có giá trị trên khắp thế giới.
Ông Chu dịu dàng nói:
- Điều đó vẫn chưa giải thích được việc thằng bé.
Sương bừng đỏ mặt. Trên làn da tươi sáng của nàng màu hồng hiện ra rất nhanh.
Nàng rụt rè thú nhận:
- Tôi bắt đầu yêu chàng thanh niên người Mỹ ấy. Tôi không còn có thể thiếu vắng chàng. Từ trước tôi chưa từng biết yêu đương là gì. Chàng đã tỏ ra rất tốt với tôi; hơn nữa, chàng không có giao du với bất cứ một người đàn bà nào khác mà chỉ sống với tôi. Khi tôi đòi chàng cưới tôi, chàng đáp: có thể, nhưng không có hứa hẹn gì hết. Lúc bây giờ tôi nghĩ rằng, nếu tôi sinh cho chàng một đứa con, chắc chắn chàng sẽ đưa cả hai mẹ con tôi về Mỹ. Khi tôi báo cho chàng biết tôi đã thụ thai, chàng tỏ ra vừa mừng vừa giận, đến nỗi tôi không biết điều tôi làm là đúng hay sai. Ngay cả sau khi sinh con, khi chúng tôi biết rằng đứa bé là trai, tôi vẫn không chắc chắn gì hết. Cha đứa bé đôi khi đã tỏ ra vui sướng, nhưng cũng có những lúc bất chợt tôi nhìn thấy nét mặt chàng rầu rĩ. Và thế rồi một hôm chàng đã ra đi. Trong suốt thời gian chung sống cùng chàng, tôi xa hẳn mẹ tôi, tôi cũng không cho bà đến nơi tôi cùng chàng trú ngụ. Chàng tưởng tôi là gái mồ côi.
- Tại sao?
- Bởi vì tôi muốn chàng tin rằng tôi không vướng bận một ai mà chỉ lệ thuộc chàng trọn vẹn. Tôi tưởng như thế chàng sẽ chẳng đời nào bỏ rơi tôi. Nhưng thưa ông, chàng vẫn rứt áo ra đi. Từ Mỹ quốc, chàng đã viết thư cho tôi chỉ một lá thư thôi. Trong thư chàng nói với tôi rằng chàng hết sức thương nhớ tôi và có thể chàng sẽ trở lại cùng tôi trong một ngày nào đó không báo trước. Bức thư ấy tôi vẫn còn cất giữ tại phòng riêng của tôi ở nhà.
- Nhưng ông ta không có hứa hẹn gì với cô cả sao?
- Không. Chẳng bao giờ.
- Cô có biết ông ta đã có vợ rồi chứ?
- Chàng chẳng nói gì với tôi về chuyện ấy cả.
- Cô không hỏi sao?
- Tôi muốn được chính chàng nói ra, có thể vì tôi e sợ sự thật nên không dám hỏi.
- Còn cô... cô vẫn còn yêu ông ta mãi chứ?
- Không. Đã từ lâu, tôi không còn yêu anh ấy nữa.
- Thế thì sao?
- Anh ấy phải trả tiền để bắt con.

*

Bên ngoài khung cửa, Kim Christopher nép mình sau một khóm sơn trà để lắng nghe. Câu chuyện giữa mẹ nó và ông Chu là một phát giác mới mẽ đối với nó, vả lại nó chỉ mới biết tên của cha nó trong thời gian gần đây. Nhưng nó đã biết từ lâu rằng nó là thành phần một giống người mới trên cái xứ Triều Tiên này.
“Chúng ta phải giải quyết lũ trẻ lai này làm sao đây?”
Đó là câu nói đầu môi của bao người trên đường phố, trong các quán hàng. Đôi khi câu hỏi ấy trở thành gay gắt và giọng nói của họ đã làm cho Kim khiếp sợ. Một hôm giữa đám đông, một người hung hãn đứng lên đọc một bài diễn văn thật hấp dẫn. Ông nói:
“Cái lũ trẻ lai ấy, chúng ta phải quăng chúng xuống biển nếu không có cách nào khác để thanh toán chúng”. Kim Christopher không thể cắp sách đi học. Lũ trẻ Triều Tiên chế nhạo nó và chỉ vào nó mà nói rằng: “Mẹ mày là một con điếm bởi vì cha mày là người Mỹ! Chỉ có những con điếm mới ngủ với Mỹ!”. Chúng liệt nó vào loại “mắt xanh mũi lõ”. Tuy vậy mắt nó không xanh và nó không nhìn thấy mũi nó lõ. Nó nhớ lại đã từ lâu, nó biết rằng nó không có thể sống trong cái xứ này. Bà ngoại nó khi thì tỏ ra thương yêu nó, khi thì đánh mắng nó. Nó thương yêu mẹ nó vì mẹ nó xinh đẹp, nhưng nó không thích bà vì bà sống một cuộc sống riêng rẻ. Đêm qua là lần đầu tiên nó bước vào ngôi nhà do mẹ nó làm chủ, ngôi nhà đầy gái đẹp. Mẹ nó đã gọi đến nó “Vạn Hoa Đình” bắt nó tắm gội, cắt tóc, và tuyên bố rằng từ rày trở đi nó sẽ phụ giúp bà trông nom công việc. Nhưng bà muốn nó phụ giúp công việc gì? Nó thích ca hát, gảy đàn tỳ bà. Nó hấp thụ cái năng khiếu ấy của mẹ nó và nó đã tập dượt để làm vui lòng bà. Hơn nữa nó đã mua cây đàn ấy với số tiền quét hè phố mà nó đã kiếm được. Tuy cây đàn thuộc loại rẻ tiền nhưng nó cũng đã luyện được những ngón hay và đã được thử thách một cách rất hãnh diện tối hôm qua khi mẹ nó cất tiếng hát trước các quan khách.
Sau khi chấm dứt cuộc trình diễn, đa số các người đàn ông hiện diện đều cặp tay các cô gái lui vào phòng riêng. Nhưng không có người đàn ông nào bước vào phòng của mẹ nó cả. Kim ngủ chung phòng với người gác cổng, một lão già mới đặt mình xuống giường đã ngáy pho pho.
Sáng hôm nay, ông Chu, một người đàn ông cao lớn, nghiêm trang và đáng kính, đã đến gặp mẹ Kim. Nó đã nấp ngoài hiên để nghe lỏm câu chuyện. Khi ông Chu cáo từ ra về, nó thu mình chờ đợi như một con vật đang rình mồi. Một bà già bước vào hỏi mẹ nó có uống trà không; nhưng chẳng biết vì sao mẹ nó đã thét lên giận dữ:
- Cút đi, cho tôi yên một chút.
Bà già lui ra, Kim nghe tiếng mẹ nó khóc. Nó nhìn xuyên qua những cành cây sơn trà. Mẹ nó ngồi một mình trên tấm nệm giữa sàn nhà, đầu cúi xuống hai cánh tay khoanh lại trên chiếc bàn thấp. Mẹ nó khóc rấm rứt. Nó ngập ngừng tiến đến bên bà với những bước chân do dự.
- Bây giờ con đã biết - Nó nói bằng tiếng Triều Tiên.
Sương ngẩng đầu hỏi:
- Mày biết gì?
- Biết con là ai.
- Mày là con tao - Bà nói - Mày không biết vậy sao?
- Con biết tên cha con là người Mỹ.
- Bất cứ cha mày tên gì cũng mặc, vì cha mày đã không nhìn nhận mày, cha mày chẳng gởi cho mày một đồng xu nhỏ cũng không có hỏi mày còn sống hay đã chết.
Nó liếc nhìn mẹ nó và tự hỏi bà có biết nó đã viết thư cho cha nó hay không?
Đột nhiên nó nói:
- Con biết địa chỉ của cha con rồi.
Mẹ nó thét lên:
- À, mày đã viết thư cho cha mày? Mày đã lục ngăn kéo của tao, đánh cắp lá thư và viết thư cho cha mày để phàn nàn tao!
- Không, không phải thế... Con không có phàn nàn gì mẹ cả.
Nó nói lắp bắp như mỗi lần mẹ nó làm cho nó sợ hãi. Mẹ nó đọc được sự sợ hãi trong đôi mắt nó, bà đứng dậy và tát tới tấp vào mặt nó. Nó cúi gập người xuống tránh đòn và cố không sợ bà. Bây giờ nó cũng cao lớn xấp xỉ bà, tại sao còn sợ bà? Không, đây không phải là sự sợ hãi mà gần như là một niềm lo âu, nếu người mẹ đã sinh ra nó mà không thương yêu nó thì ai yêu thương nó bây giờ? Nó sẽ trơ trọi một mình, xa lạ giữa một xứ xa lạ. Kim ngồi xổm, hai tay che đầu, mặt úp vào hai gối để tránh đòn. Nó đưa lưng nhận chịu những cái đá của mẹ nó. Mẹ nó vừa đá vừa thét:
- Mày hãy đi đi, đi cho khuất mắt tao. Dù sao mày cũng đã oán trách tao về những gì tao đã làm cho mày.
Kim ngước mặt khóc:
- Không, con không oán hận gì mẹ cả.
- Có. Mày oán tao. Mày chỉ biết thương thằng cha mày, người đã chẳng bận tâm gì đến sự sống chết của mày.
Hai mẹ con nhìn nhau mặt đối mặt và ngay lúc ấy Kim cảm thấy bừng lên trong lòng một nghị lực mới. Nó nói:
- Có lẽ mẹ muốn cho con trở thành một kẻ chẳng ra gì? Sau này khôn lớn con sẽ ra sao chứ? Con sẽ là một tên đi nhặt giẻ rách? Hay một đứa ăn mày?
- Mày sẽ phụ giúp tao, tao sẽ chỉ dẫn mày.
- Làm đầy tớ à?
- Có thể lắm, nếu mày có đủ sức làm đầy tớ.
Trong khi hai mẹ con căm giận nhìn nhau, đột nhiên Kim hiểu rõ - điều mà từ trước tới nay nó chưa bao giờ nghĩ đến - rằng nó cũng là con của người đàn bà này. Nó giống hệt bà. Đã lâu, vì quá mơ tưởng đến người cha Mỹ của nó, nên nó đã tự xem mình như một người Mỹ chính cống, nhưng nó đã quên rằng nó còn giống cả mẹ nó nữa.
Nó hỏi:
- Vậy mẹ muốn con sẽ ra sao?
Kiệt sức vì tức giận, bà thở dài ngồi thịch xuống tấm nệm để trên sàn.
- Mày có thể phụ giúp công việc cho tao. Mày hát hay và đàn giỏi.
- Phụ giúp... phụ giúp mấy cô gái thì có... - Nó càu nhàu.
Mẹ nó ngọt ngào:
- Chỉ lúc đầu thôi con ạ. Rồi con sẽ hiểu biết công việc dần và cai quản ngôi nhà này. Khi nào mẹ về già, mẹ sẽ giao cho con tất cả.
Kim nghĩ ngợi. Nó không còn là trẻ con nữa, nó biết, có nhiều đứa con trai còn nhỏ hơn nó, cũng lai như nó, đã chạy quanh các trại binh Mỹ để bắt mối cho chị chúng làm tiền. Một đứa trong bọn chúng là bạn thân của nó, nếu giả thiết rằng nó có nhiều bạn. Thường thì tụi lính Mỹ từ chối nhưng nó đã làm cho họ chấp nhận hoặc ít ra là làm cho họ ngừng lại để kết tình quen biết với lũ trẻ. Một người lính Mỹ đã cho nó tiền để nó dẫn vào “Vạn Hoa Đình”, nhưng Kim Christopher chưa bao giờ vào đó và vì quá sợ mẹ nên nó đã từ chổi.
Mẹ nó hỏi:
- Con nghĩ gì thế?
Nó nhún vai không đáp, lê bước đi. Bà lại giận dữ hét lớn:
- Quay lại đây thằng khốn. Tại sao tao hỏi mà không trả lời. Rồi mày sẽ biết tay tao!
Nó cứ bước đi. Bỗng nhiên nó không còn sợ mẹ nó nữa. Nó biết, từ nay nó sẽ không bao giờ còn sợ bà. Bởi vì mẹ nó muốn nó phục tùng bà, giúp đỡ bà khai thác việc bán phấn buôn hương. Vì vậy nó quyết định trở về cùng cha nó.

*

Laura đang nằm nghỉ trên giường thì nghe tiếng gõ cửa: tiếng gõ nhẹ nhàng, rụt rè và do dự. Bà mở mắt, nhưng không dậy. Bà đang mệt nhọc: một nỗi mệt nhọc lạ kỳ không do thể chất đã làm cho bà trở nên não nề. Tiếng gõ cửa lại tiếp tục mạnh hơn. Bà chỗi dậy và quàng cái áo ngủ vào người. Bà bước tới mở cửa, đứa bé đứng trước mắt bà. Bà không ngờ nó đến thăm bà. Nó im lặng nhìn bà. Nó mặc chiếc áo cụt tay, quần xà lỏn ngắn, chân mang dép rơm như thường lệ.
Kinh ngạc, bà ngập ngừng nói:
- Vào đi Kim Christopher.
Nó bước vào nhưng vẫn đứng nhìn quanh gian phòng. Bà bảo:
- Ngồi đi con.
Bà ngồi xuống một cái ghế đối diện nó. Bà nhìn thấy trên mặt nó có một vệt đỏ bầm.
Bà hỏi:
- Mặt con sao thế?
- Mẹ con... - Nó nói và chấm dứt với một cử chỉ ý nghĩa.
- Khổ chưa! - Bà nói và đứng dậy một cách tự nhiên, đến bên và vuốt ve má đứa bé. Da dẻ nó mịn màng.
“Bên ngoại nó người Triều Tiên”, bà thầm nghĩ.
- Tại sao mẹ con đánh thế?
Với lối nói tiếng Anh chập chững, nó cố gắng giải thích:
- Mẹ con... bảo ở lại với mẹ con.
- Con muốn nói rằng mẹ con bảo con ở lại “nhà hoa” phải không?
Nó gật đầu:
- Để làm việc.
- Con có thích không?
- Không.
Bà chăm chú nhìn đứa trẻ, cố đoán những ý nghĩ trong đầu óc nó:
- Con có thương mẹ con không?
Nó hiểu rất rõ nhưng không thể giải thích được. Nó nói:
- Đôi khi...
- Đôi khi? Mẹ con tử tế với con chứ?
Nó ngập ngừng:
- Không đi học.
- Bà ngoại ra sao?
Nó diễn lại trò giẫm chân và đánh đòn của bà ngoại nó.
Nó nói:
- Bà ngoại đánh con như thế này này.
Nó lại ngồi xuống ghế, quàng tay lên hai đầu gối gầy teo, đầu cúi xuống bất động, bóng đen của hai hàng mi có thể nhìn thấy trên hai má nó. Thằng bé thật giống Chris! Mà đồng thời nó cũng thật khác chàng! Bà thầm nghĩ. Điều gì sẽ xảy tới cho thằng bé này nữa?
Bà hỏi:
- Nếu ta gởi con vào trường học, con nghĩ sao?
Nó lắc đầu quầy quậy.
- Con không muốn à?
Nó ngước nhìn bà:
- Đi Mỹ.
Bà thở dài, lo lắng về điều mà đứa trẻ đặt ra. Nó sẽ được sinh ra quá sớm trong một thế giới không sẵn sàng để tiếp nhận nó.
- Ba con... Xin bà giúp con.
- Ờ, ta hiểu... ta biết...