Chương 20

    
Ả GIA ĐÌNH NHÀ PHELAN đứng căng thẳng, chờ đợi trên bậc thềm ngôi nhà của nghị sĩ bang Whitworth. Ngôi nhà nằm ở trung tâm thị trấn, trên phố Bắc. Nó cao vút và có những cây cột trắng, được tô điểm rất khéo bởi những bụi đỗ quyên. Một tấm biển mạ vàng ghi rõ đây là một di tích lịch sử. Những chiếc đèn lồng đốt ga vẫn cháy sáng lập lòe giữa cái nóng oi nồng của mặt trời lúc sáu giơ
“Mẹ,” tôi lại thì thầm, vì tôi thấy có nhắc bao nhiêu lần cũng là chưa đủ. “Con xin mẹ đấy, mẹ đừng quên những việc hai mẹ con mình đã nói nhé.”
“Kìa con, mẹ đã nói sẽ không nhắc đến cơ mà.” Mẹ giơ tay sờ lên chiếc trâm cài tóc. “Trừ những lúc thích hợp.”
Tôi mặc chiếc váy Lady Day màu xanh lơ mới mua và chiếc áo jacket cùng bộ. Bố mặc bộ complet đen sì vẫn dùng đi viếng đám tang. Thắt lưng của bố thít chật căng, nom chẳng thoải mái chút nào, chứ đừng nói đến hợp mốt. Mẹ mặc một cái váy trắng giản dị - tôi chợt nghĩ, trông mẹ y hệt một cô dâu nông thôn mặc chiếc váy cưới từ đời bà đời mẹ để lại, và tôi bỗng thấy hoảng, có lẽ chúng tôi ăn vận hơi trịnh trọng thái quá, cả ba người chúng tôi. Mẹ sẽ lại lôi quỹ tiết kiệm cho gái xấu ra tán và chúng tôi thật chẳng khác gì một lũ nhà quê ăn diện bốc giời để lên tỉnh chơi.
“Bố, bố nới bớt thắt lưng ra đi, quần bố dúm hết cả vào kia kìa.”
Bố nhàn mặt nhìn tôi rồi nhìn xuống quần mình. Tôi chưa bao giờ bảo bố phải làm gì dù chỉ một lần. Cửa mở ra.
“Xin chào.” Một người phụ nữ da màu mặc bộ đồng phục màu trắng gật đầu chào chúng tôi. “Cả nhà đang đợi cô và ông bà đấy ạ.”
Chúng tôi bước vào sảnh và thứ đầu tiên đập vào mắt tôi là chiếc đèn chùm khổng lồ, tỏa sáng lung linh như sao sa. Mắt tôi bị hút theo vòng xoáy trôn ốc của cầu thang và cảm giác cứ như chúng tôi đang ở trong lòng một con ốc biển khổng lồ.
“Ô kìa, chào cả nhà.”
Tôi quay ra, thẫn thờ như người vừa tỉnh mộng. Bà Whitworth lộc cộc bước vào sảnh, hai tay dang rộng. Bà cũng mặc một bộ âu phục giống hệt tôi, ơn trời, nhưng màu đỏ thẫm. Khi bà gật đầu, mớ tóc vàng đã ngả bạc của bà hầu như không động đậy.
“Chào chị Whitworth, tôi là Charlotte Boudreau Cantrelle Phelan. Gia đình chúng tôi rất cảm ơn chị đã mời chúng tôi qua chơi.”
“Rất hân hạnh,” bà nói và bắt tay bố mẹ. “Tôi là Francine Whitworth. Hoan nghênh tới thăm nhà chúng tôi.”
Bà quay sang tôi. “Chắc con là Eugenia. Chà chà. Cuối cùng cô cũng được gặp con.” Bà Whitworth nắm chặt tay tôi và nhìn thẳng vào mắt tôi. Đôi mắt bà có màu xanh biếc rất đẹp, như làước lạnh. Những nét khác khá bình thường. Bà phải cao gần bằng tôi khi xỏ đôi giày cao gót bọc vải xa tanh.
“Cháu rất vui được gặp cô,” tôi nói. “Stuart kể cho cháu nghe rất nhiều về cô và ngài nghị sĩ Whitworth.”
Bà mỉm cười và khẽ luồn tay dưới cánh tay tôi. Tôi thở dốc khi cạnh sắc của chiếc nhẫn bà đeo rạch một đường vào da mình.
“Đây rồi!” Sau lưng bà Whitworth, một người đàn ông cao lớn, ngực nở, sầm sập tiến về phía tôi. Ông ta ôm choàng lấy tôi, rồi đẩy ra nhanh chẳng kém. “Bác đã bảo thằng cu Stu đưa cháu đến đây từ một tháng trước rồi đấy. Nhưng xem ra,” ông ta hạ bớt giọng, “sau vụ con bé kia, anh chàng có vẻ kinh cung chi điểu(9) lắm.”
Tôi đứng đó, mắt chớp liên hồi, “Cháu rất vui được gặp bác.”
Ngài nghị sĩ cười ha hả. “Ta trêu cháu tí thôi,” ông nói, rồi lại tặng tôi một cái ôm bạo liệt và vỗ bồm bộp lên vai tôi. Tôi cười, cố thở lấy hơi. Tôi phải nhắc nhở mình rằng ông vốn là một ông bố của toàn những cậu con trai.
Ông quay sang mẹ, trịnh trọng nghiêng đầu chào và dang rộng vòng tay.
“Xin chào nghị sĩ Whitworth,” mẹ nói. “Tôi là Charlotte.”
“Rất vui được gặp chị, chị Charlotte. Chị cứ gọi tối là Stooley. Bạn bè tôi đều gọi thế.”
“Nghị sĩ,” bố nói và siết tay ông thật chặt. “Chúng tôi biết ơn ngài lắm vì những gì ngài đã làm với bộ luật trang trại đó. Công của ngài to lắm đấy.”
“Ấyyy. Cái lão Billups tính bỏ phiếu thuận cơ đấy thế là tôi sửa lão ngay, tôi bảo, Chico, nếu Mississippi không có bông thì, mẹ kiếp, Mississippi chẳng còn gì sất.”
Ông vỗ vai bố và tôi nhận thấy đứng cạnh ông, trông bố nhỏ bé làm sao.
“Mời cả nhà vào trong,” ngài nghị sĩ nói. “Không có cốc rượu cầm tay là tôi chịu, không bàn chuyện chính trị chính em gì nổi.”
Ngài nghị sĩ rầm rập rời khỏi sảnh. Bố đi theo sau và tôi bỗng giật mình khi thấy một vệt bùn rõ dài bám trên đuôi giày bố. Chỉ một đường giẻ lau cũng đủ làm nó biến mất, nhưng bố không quen đi giày đẹp vào một ngà thứ Bảy.
Mẹ theo bố ra còn tôi nhìn vớt chiếc đèn chùm lộng lẫy một lần cuối. Khi quay lưng lại, tôi bắt gặp bà giúp việc đứng ở của trước đang nhìn tôi rất chăm chú. Tôi mỉm cười với bà và bà gật đầu, rồi lại gật đầu lần nữa, và đưa mắt nhìn xuống sàn.
Ôi trời. Nỗi lo sợ dâng lên như một tiếng rung trong cổ họng khi tôi chợt nhận ra, bà ta biết. Tôi đứng đó, tê liệt bởi ý nghĩ mình đã sống một cuộc sống hai mặt tự bao giờ. Rất có thể bà ta sẽ xuất hiện ở nhà Aibileen, rồi kể cho chính tôi nghe chuyện mình đã phục vụ ngài nghị sĩ và vợ ông ta thế nào.
“Stuart đang trên đường từ Shreveport về đây,” ngài nghị sĩ nói to. “Nghe nói ở đấy thằng bé đang giấm một mẻ làm ăn lớn lắm.”
Tôi cố không nghĩ đến bà giúp việc và hít một hơi thật sâu. Tôi mỉm cười, tỏ vẻ mọi chuyện đều ổn, rất ổn. Làm như trước kia tôi đã từng gập mặt các bậc phụ huynh của hàng tá cậu bạn trai.
Chúng tôi bước vào căn phòng khách chính có những đường gờ chạm trổ tinh xảo và nhiều ghế tràng kỷ bọc nhung xanh, các món đồ gỗ nặng nề kê chật kín phòng, đến mức tôi gần như không nhìn thấy sàn nhà.
“Tôi mời cả nhà uống gì được đây?” Ngài Whitworth cười nhăn nhở, cứ như ông đang dỗ trẻ con xơi kẹo. Ông có vầng trán rộng, nom nặng nề và đôi bờ vai của một hậu vệ dập đã luống tuổi. Đôi lông mày rậm và lởm chởm. Mỗi lần ông mở miệng, chúng lại ngọ nguậy không ngớt.
Bố xin một cốc cà phê. Mẹ và tôi uống trà đá. Nụ cười của ngài nghị sĩ lập tức tịt ngóm, ông bèn quay sang cô giúp việc sai dọn ra mấy thứ đồ uống tầm thường này. Đứng ở góc, ông rót cho mình và bà vợ một thứ nước màu nâu nâu. Chiếc ghế sofa bọc nhung rít lên ken két khi ông đặt mình xuống.
“Nhà anh chị đẹp quá. Tôi nghe nói đây là điểm nhấn của cuộc tham quan phải không,” mẹ nói. Đó là câu mẹ đã khao khát được nói ra kể từ giây phút mẹ biết về bữa tối hôm nay. Mẹ vốn là thành viên lâu năm của Hội đồng các tòa nhà lịch sử quận Ridgeland, một tổ chức nhỏ xíu, nhưng mẹ vẫn thường khen chương trình tham quan nhà lịch sử của Jackson là “hàng thượng thặng” so với chỗ mình. “Thế anh chị có sửa sang hay dàn dựng gì để phục vụ tham quan không?”
Ngài nghị sĩ và bà Whitworth liếc nhau. Rồi bà Whitworth mỉm cười. “Chúng tôi vừa rút khỏi chương trình tham quan năm nay rồi. Tại vì... phiền ph quá.”
“Rút ư? Nhưng đây là một trong những tòa nhà quan trọng nhất Jackson đấy. Ấy, có lần tôi còn nghe ngài Sherman bảo ngôi nhà này đẹp quá, chẳng ai nỡ đốt bỏ cả.”
Bà Whitworth chỉ gật đầu, khụt khịt mũi. Bà ta trẻ hơn mẹ mươi tuổi nhưng trông già hơn, nhất là vào lúc này, khi khuôn mặt bà dài thuỗn ra, cố tỏ vẻ đoan trang kiểu cách.
“Chắc anh chị cũng cảm thấy mình có ít nhiều bổn phận, vì lịch sử...” Mẹ nói, tôi vội đưa mắt ra hiệu cho mẹ thôi.
Trong giây lát chẳng ai nói năng gì, rồi bỗng nhiên ngài nghị sĩ bật cười ha hả. “Chẳng qua có vài chuyện lằng nhằng,” ông nói oang oang. “Mẹ con bé Patricia van Devender là chủ tịch hội, thế nên sau vụ... dỗi lẫy của bọn trẻ, vợ chồng tôi quyết định rút khỏi chương trình tham quan cho nhẹ nợ.”
Tôi liếc ra cửa, thầm cầu nguyện để Stuart mau về. Đây là lần thứ hai cô ta được nhắc tới. Bà Whitworth bèn bắn sang chồng một cái nhìn nảy lửa.
“Ồ, thế ta phải làm gì đây, hở Francine? Không bao giờ nhắc đến tên con bé nữa à? Ta đã xây cả một tòa vọng lâu ngoài sân sau cho đám cưới của chúng nó kia mà. ’
Bà Whitworth hít vào một hơi thật dài và tôi chợt nhớ ra những gì Stuart từng nói với tôi, rằng ngài nghị sĩ chỉ biết một phần, nhưng mẹ anh, bà ấy biết hết mọi chuyện. Và những gì bà biết ắt phải tệ hơn “dỗi lẫy” nhiều.
“Eugenia” - bà Whitworth mím cười - “cô biết con muốn trở thành nhà văn. Con thích viết về đề tài gì?”
Tôi lại đeo nụ cười lên mặt. Hết đề tài hay ho này đến đề tài hay ho khác. “Cháu đang viết cho mục của cô Myrna trên báoJackson Journal. Bài lên vào thứ Hai hàng tuần.”
“Ô, hình như chị Bessie có đọc mục đó, anh Stooley nhỉ? Khi nào vào bếp em phải hỏi ngay chị ấy mới được.”
“Ôi dào, nếu chưa hề thì từ rày trở đi kiểu gì cô ta cũng phải đọc thôi.” Ngài nghị sĩ cười ha hả.
“Stuart nói cháu đang thử sức ở những đề tài nghiêm túc hơn. Cụ thể là cái gì vậy?”
Giờ thì tất cả mọi ánh mắt đều đổ dồn vào tới, cả cô giúp việc, không phải bà giúp việc tôi gặp ngoài cửa, khi cô đưa tôi ly trà không dám nhìn thẳng vào mặt cô, tôi sợ những gì sẽ nhìn thấy. “Cháu đang làm một... một số...”
“Eugenia đang viết về cuộc đời của Đức Chúa Jesus đấy ạ,” mẹ chen vào và nhắc lại lời nói dối mới nhất của tôi để biện minh cho những đêm tôi ra khỏi nhà, và gọi nó là “nghiên cứu.”
“Ô,” bà Whitworth gật đầu, có vẻ bị ấn tượng rất mạnh, “quả là một chủ đề cao quý.”
Tôi cố nặn ra một nụ cười, cảm thấy ghê tởm chính lời nói của mình. “Và cũng rất... hệ trọng nữa.” Tôi liếc sang mẹ. Mẹ đang cười rạng rỡ.
Cánh cửa trước đóng sầm lại, khiến cả mấy cây đèn thủy tinh chao đảo dữ dội.
“Con xin lỗi, con về muộn quá.” Stuart sải chân bước vào, mặt mũi phờ phạc sau cuốc xe dài, vừa đi vừa xốc lại chiếc áo khoác thể thao màu xanh hải quân. Mọi người đều đứng dậy còn mẹ anh dang tay ra đón con trai nhưng anh tiến thẳng về phía tôi. Anh đặt hai tay lên vai tôi và hôn lên má tôi. “Anh xin lỗi,” anh thì thầm còn tôi thở hắt ra, rốt cuộc tôi cũng thấy thoải mái hơn đôi chút. Tôi quay sang và thấy mẹ anh đang cười như thể tôi vừa giật mất chiếc khăn bông đẹp nhất của bà để chùi đôi bàn tay bẩn thỉu của mình vậy.
“Con trai, đi lấy thứ gì uống rồi ra ngồi đây đi,” ngài nghị sĩ nói. Khi Stuart đã lấy xong đồ uống cho mình, anh ngồi xuống bên tôi trên ghế sofa và siết chặt tay tôi không rời.
Bà Whitworth đưa mắt khẽ liếc sang nhìn cảnh chúng tôi tay trong tay một tích tắc và nói, “Chị Charlotte, để tôi đưa chị và cháu Eugenia đi thăm nhà một vòng nhé?”
Trong mười lăm phút tiếp theo, tôi lẽo đẽo theo mẹ và bà Whitworth đi từ gian phòng sặc mùi khoa trương này đến gian phòng đầy vẻ khoe mẽ khác. Mẹ há hốc mồm khi thấy một lỗ đạn Yankee chính hiệu ở phòng khách mặt tiền, viên đạn vẫn còn găm sâu trong thớ gỗ. Có cả những lá thư do những người lính Hiệp bang viết bày trên một chiếc bàn hộc, những món đồ cổ hoành tráng cùng khăn tay được xếp đặt rất cầu kỳ. Căn nhà này chính là ngôi đền lưu lại những chứng tích của cuộc chiến tranh một thời giữa các bang, tôi bỗng tự hỏi không hiểu Stuart cảm thấy thế nào khi phải lớn lên trong một ngôi nhà nơi mình chẳng được phép sờ mó vào bất kỳ thứ gì.
Trên tầng ba, mẹ suýt nghẹn thở trước chiếc giường vòm nơi tướng Robert E. Lee từng ngả lưng. Khi chúng tôi đi xuống một lối cầu thang “bí mật,” tôi nán lại nhìn những bức ảnh chụp gia đình treo dọc hành lang. Tôi thấy và hai cậu em trai hồi còn bé xíu, Stuart đang cầm một quả bóng màu đỏ. Stuart trong chiếc áo rửa tội, nằm trên tay một phụ nữ da màu mặc bộ đồng phục trắng.
Mẹ và bà Whitworth bước đi không nghỉ, nhưng tôi vẫn nhìn đăm đăm, vì có nét gì đó thật thân thương ẩn sâu dưới khuôn mặt cậu bé Stuart ngày nào. Đôi má anh ấy thật bầu bĩnh và đôi mắt xanh biếc thừa hưởng từ mẹ vẫn lấp lánh như bây giờ. Mớ tóc có màu vàng bạch kim của hoa bồ công anh. Hồi chín, mười tuổi, anh ấy đứng với một khẩu súng săn và một con vịt trong tay. Lên mười lăm, cạnh một con hươu vừa giết được. Lúc này trông anh đã điển trai, dày dạn lắm rồi. Tôi chỉ thầm cầu khẩn để Chúa đừng cho anh xem được ảnh của tôi hồi bé.
Tôi dấn thêm vài bước và nhìn thấy buổi lễ tốt nghiệp trung hoc, Stuart đầy kiêu hãnh trong bộ đồng phục trường quân sự. Ở chính giữa bức tường, có một khoảng trống không treo một chiếc khung nào, ô giấy dán tường hình chữ nhật đậm màu hơn xung quanh một chút. Một bức ảnh đã bị gỡ bỏ.
“Bố, thế là đủ lắm rồi...” Tôi nghe thấy Stuart nói, giọng căng thẳng. Nhưng chỉ trong chốc lát, tất cả lại chìm vào im lặng.
“Bữa tối đã sẵn sàng,” tôi nghe tiếng một người giúp việc thông báo bèn nhanh chân quay lại phòng khách. Chúng tôi kéo nhau vào phòng ăn, ngồi vào một chiếc bàn dài tối màu. Gia đình Phelan ngồi một phía, gia đình Whitworth ngồi phía đối diện. Tôi và Stuart ngồi chéo nhau, bị tách xa hết mức có thể. Xung quanh phòng, những tấm ván lát chân tường có vẽ những bức tranh miêu tả các hình ảnh thời tiền Nội chiến, những người da màu vừa hái bông vừa tươi cười rạng rỡ, ngựa kéo xe, những chính khách có chòm râu trắng bạc đứng trên bậc thềm tòa nhà lập pháp bang. Chúng tôi ngồi đợi trong khi ngài nghị sĩ vẫn còn nán lại trong phòng khách. “Tôi vào ngay đây, mời các vị cứ khai tiệc trước đi.” Tôi nghe thấy tiếng đá va lanh canh, tiếng chai đặt cạch xuống hai lần, sau rốt ngài nghị sĩ cũng bước vào và ngồi xuống chiếc ghế đầu bàn.
Xa lát Waldorf được bưng lên. Chừng vài phút một, Stuart lại liếc sang phía tôi và mỉm cười. Ngài nghị sĩ Stuart nghiêng đầu sát bố và nói, “Anh biết không, tôi cũng là loại tay trắng làm nên đấy chứ. Quê gốc tôi ở quận Jefferson, Mississippi đấy. Ông cụ nhà tôi hồi xưa làm nghề sấy lạc, mười một xu một cân ta.”
Bố lắc đầu. “Quận Jefferson chắc phải nghèo nhất nước rồi.”
Tôi nhìn mẹ cắt một miếng táo nhỏ tí xíu. Mẹ ngập ngừng, rồi trệu trạo nhai một lúc lâu, mặt mẹ nhăn nhó khổ sơ khi miếng táo trôi xuống họng. Mẹ sẽ không cho phép tôi kể với bố mẹ Stuart về bệnh dày của mẹ. Thay vào đó, mẹ tâng bốc bà Whitworth lên tận mây xanh với những lời khen có cánh. Mẹ xem bữa tối này như một bước đi quan trọng trong trò chơi “Liệu con gái tôi có bẫy được con trai chị không?”
“Hai đứa trẻ quấn nhau quá cơ.” Mẹ cười. “Đấy, gần như tuần nào cháu Stuart cũng qua nhà tôi chơi đến hai bận.”
“Thế cơ ạ?” Bà Whitworth nói.
“Chúng tôi rất hân hạnh nếu một hôm nào đỏ chị và ngài nghị sĩ đây có thể ghé qua đồn điền dùng bữa tối, rồi đi thăm vườn quả một vòng.”
Tôi nhìn mẹ. Đồn điền là một từ cổ lỗ sĩ mẹ hay dùng để đánh bóng trang trại nhà tôi, còn “vườn quả” chỉ là một cây táo điếc và một cây lê bị sâu đục tơi tả.
Nhưng mồm bà Whitworth đang cứng đơ lại. “Hai lần một tuần? Stuart, mẹ không biết là con về đây thường xuyên đến thế đâu đấy.”
Chiếc nĩa của Stuart dừng lại giữa không khí. Anh khẽ đưa mắt sang ngượng ngùng nhìn mẹ.
“Các con đều còn trẻ.” Bà Whitworth cười. “Cứ thong thả mà vui chơi. Không cần phải vội vã tính chuyện nghiêm túc làm gì.”
Ngài nghị sĩ chống khuỷu tay lên bàn. “Nếu một phụ nữ dám tự mình ngỏ lời cầu hôn với người khác, chắc cô ta phải xoắn lắm đấy nhỉ.”
“Bố!” Stuart nghiến răng, tay gõ chiếc nĩa lên đĩa.
Cả bàn đều im lặng, chỉ còn tiếng mẹ nhai cẩn thận, tỉ mỉ, cố biến thức ăn rắn thành bột lỏng. Tôi đưa tay sờ lên vết xước vẫn còn đỏ tấy trên cánh tay.
Cô giúp việc xúc thịt gà vào đĩa mỗi người, điểm thêm một lớp mayonnaise dày phía trên cùng, và tất cả mọi người đều mỉm cười, mùng rỡ vì cuối cùng cũng có người giúp phá tan bầu không khí căng thẳng. Trong khi chúng tôi ăn, bố và ngài nghị sĩ nói chuyện về giá bông, mọt bông. Tôi vẫn nhìn thấy vẻ giận dữ trên khuôn mặt Stuart sau khi ngài nghị sĩ nhắc đến Patricia, chừng vài giây tôi lại liếc sang phía anh ấy, nhưng xem chừng cơn thịnh nộ không nhạt đi là bao. Tôi tự hỏi không hiểu đó có phải chuyện họ vừa tranh luận lúc tôi đang đứng ở hành lang không.
Ngài nghị sĩ ngả người lên lưng ghế, “Cháu đã xem bài báo họ viết trên tạp chí Life chưa? Bài trước vụ Medgar Evers ấy, về... anh-ta-tên-gì-nhỉ - Carl.. Roberts hả?”
Tôi ngước mắt lên, sững sờ nhận ra ngài nghị sĩ đang dành câu hỏi đó cho mình. Tôi chớp mắt, lúng túng, hy vọng nguyên nhân là vì tôi làm việc ở tòa báo. “Cái đó... anh ta đã bị hành hình. Vì dám bảo ngài thống đổc là...” Tôi im bặt, không phải vì lỡ quên, mà vì tôi vẫn nhớ.
“Một gã thảm hại,” ngài nghị sĩ tiếp lời, giờ ông dã quay sang phía bố tôi. “Với lương tâm của một con điếm đứng đường.”
Tôi thở phào, nhẹ cả người vì mũi dùi đã rời khỏi mình. Tôi nhìn Stuart để xem anh phản ứng thế nào với chuyện này. Tôi chưa bao giờ hỏi quan điểm của anh về vấn đề dân quyền. Nhưng tôi không nghĩ anh ấy có lắng nghe cuộc nói chuyện. Cơn giận dữ quanh khuôn miệng anh đã cứng đanh lại và lạnh buốt.
Bố dặng hắng rồi chậm rãi nói. “Thú thực, tôi thấy ghê tởm khi nghe đến những việc làm dã man như thế.” Bố đặt chiếc nĩa xuống thật nhẹ. Ông nhìn thẳng vào mắt nghị sĩ Whitworth. “Tôi có hai nhăm công nhân người da màu làm việc ngoài đồng và nếu có kẻ nào dám động vào một cái lông chân của họ, hay bất cứ người thân nào của họ...” Ánh nhìn của bố đầy vẻ cương quyết. Rồi bố cụp mắt xuống. “Đôi khi, tôi cảm thấy rất hổ thẹn, ngài nghị sĩ ạ. Hổ thẹn vì những chuyện xảy ra ở Mississippi này.”
Mắt mẹ trố ra, đóng đinh vào bố. Tôi rất sốc khi nghe ý kiến này. Còn sốc hơn khi bố dám phát biểu ngay bên chiếc bàn này, với một chính khách. Lúc ở nhà, các tờ báo đều được gập lại sao cho hình chụp bị úp xuống mặt bàn, tivi bị chuyển kênh khi đề tài chủng tộc xuất hiện. Đột nhiên tôi có cảm giác vô cùng hãnh diện về bố, vì rất nhiều lý do. Trong một tích tắc, tôi thề là mình cũng nhìn thấy nó trong đôi mắt mẹ, bên dưới nỗi lo rằng bố vừa khiến tương lai của tôi tan tành mây khói. Tôi nhìn Stuart và khuôn mặt anh lộ vẻ quan tâm, nhưng theo chiều hướng nào, tôi cũng không rõ.
Ngài nghị sĩ nheo mắt nhìn bố.
“Anh Carlton, để tôi nói cho anh biết,” ngài nghị sĩ nói, tay lắc lắc mấy viên đá trong ly. “Chị Bessie, rót cho tôi ly nữa.” Ông đưa chiếc ly cho cô giúp việc. Chỉ một giây sau cô ta đã quay lại với một chiếc ly đầy ắp.
“Dùng những lời lẽ như thế để nói về ngài thống đốc thật chẳng hay ho gì,” ngài nghị sĩ nói.
“Tôi nhất trí một trăm phần trăm,” bố đáp lại.
“Anh Stooley,” bà Whitworth khẽ. Nhưng chỉ chớp mắt sau đó, bà đã tươi cười, đoạn ngồi thẳng lên. “Kìa, anh Stooley,” bà nói bằng giọng như đang dỗ một đứa trẻ con, “các vị khách của chúng ta đâu có muốn bị lôi vào ba cái chuyện chính trị của anh giữa bữa...”
“Francine, để anh nói thẳng suy nghĩ của mình nào. Chúa biết anh không thể làm thế từ chín giờ sáng đến năm giờ chiều, nên bây giờ về nhà rồi, cũng phải cho anh xả ra tí chứ.”
Nụ cười của bà Whitworth không biến đổi, nhưng đôi má bà hơi ửng đỏ, chỉ một chút xíu thôi. Bà trân mắt nhìn mấy bông hồng Floradora trắng muốt chưng giữa bàn. Stuart thì cắm mặt gườm gườm nhìn xuống đĩa với cơn giận dữ giá buốt y như trước. Anh ấy không thèm ngó sang phía tôi một lần nào kể từ món thịt gà. Mọi người đều im lặng cho đến mãi sau đó, một người chuyển sang nói chuyện thời tiết.
CUỐI CÙNG BỮA TỐI CŨNG KẾT THÚC, chúng tôi được mời ra ngồi ngoài hiên sau để uống trà và cà phê. Stuart và tôi vẫn đứng nán lại ở hành lang. Tôi chạm vào tay anh, nhưng anh lùi lại.
“Anh đã biết trước thể nào ông ấy cũng uống say rồi lải nhải đủ thứ ngớ ngẩn mà.”
“Stuart, không sao đâu,” tôi đấu dịu vì nghĩ anh đang nói về mấy chuyện chính trị mà ông bố vừa lôi ra. “Mọi người đều vui mà.”
Nhưng người Stuart đổ mồ hôi đầm đìa, trông anh như đang phát sốt phát rét lên. “Patricia thế này, Patricia thế nọ, suốt cả tối,” anh nói. “Ông ấy định nhắc đến cô ta bao nhiêu lần mới vừa lòng đây?”
“Thôi quên đi, anh Stuart. Mọi việc đều ổn mà.”
Anh xộc tay vào tóc và nhìn khắp nơi, trừ tôi, như thể tôi không hề hiện diện. Và rồi tôi nhận ra mình thừa biết điều đó, trong cả buổi tối hôm nay. Anh ấy nhìn tôi nhưng lại đang nghĩ về... cô ta. Cô ta ở khắp mọi nơi. Trong cơn giận dữ trong mắt Stuart, trên đầu lưỡi ngài nghị sĩ và bà Whitworth, trên bức tường nơi lẽ ra phải treo bức ảnh của cô ta.
Tôi nói với anh tôi cần vào nhà vệ sinh.
Anh bèn dẫn tôi đi xuống cuối hành lang. “Gặp em ngoài kia nhé,” anh nói, nhưng không cười. Trong phòng vệ sinh, tôi nhìn chằm chằm hình ảnh của mình phản chiếu trong gương, tự nhủ rằng chỉ trong tối nay thôi. Mọi sự sẽ ổn thỏa một khi chúng tôi rời khỏi
Rời phòng vệ sinh, tôi đi qua phòng khách, ngài nghị sĩ ở đó, đang tự rót cho mình một cốc rượu khác. Ông ta cười khoái trá một mình, tay vỗ vỗ lên áo sơ mi, rồi ngó quanh xem có ai thấy mình uống vụng không. Tôi bèn nhón chân thật khẽ qua cửa trước khi ông nhìn thấy tôi.
“Cháu kia rồi!” Tôi nghe tiếng ông quát khi tôi vừa ra khỏi cửa. Tôi từ từ quay lại, mặt ông tươi tỉnh hẳn lên. “Sao thế, cháu bị lạc à?” Ồng bước ra hành lang.
“Dạ không, thưa bác, cháu chỉ... ra ngồi với mọi người thôi ạ.”
“Ra đây, cô bé.” Ông quàng tay lên vai tôi, hơi rượu nặng làm mắt tôi cay xè. Tôi thấy mặt trước áo sơ mi của ông ướt đẫm rượu. “Cháu vui chứ hả?”
“Dạ vâng. Cảm ơn bác.”
“Này, mẹ thằng Stuart ấy, cháu đừng có sợ bà ấy. Bà ấy chỉ cảnh giác quá, thế thôi.”
“Ồ không, bác ấy... dễ mến lắm ạ. Mọi chuyện đều ổn cả.” Tôi đưa mắt về phía cuối hành lang, nơi có tiêng mọi người đang vẳng lại.
Ông thở dài, mắt nhìn xa xăm. “Thằng Stuart vừa có một năm khó khăn lắm. Chắc nó kể cho cháu nghe chuyện xảy ra rồi nhỉ.”
Tôi gật đầu, cảm giác toàn thân nổi da gà.
“Ôi, tệ lắm,” ông nói. “Rất tệ là đằng khác.” Rồi đột nhiên ông cười hớn hở. “Xem kìa! Xem ai đến chào cháu kìa!” Ồng nhấc bổng mộĩ con chó trắng bé tí lên, rồi vắt nó qua tay như một cái khăn bông. “Chào đi, Dixis,” ông nựng nịu, “chào cô Eugenia đi.” Con vật giãy giụa, cố nhoài đầu tránh thứ mùi nồng nặc trên chiếc áo sơ mi.
Ngài nghị sĩ quay lại nhìn tôi bằng một ánh mắt vô hồn. Tôi nghĩ ông đã quên mất tôi đang làm gì ở đây rồi.
“Cháu ra hiên sau đây ạ,” tôi nói.
“Vào đây, cháu vào đây.” Ông cầm tay tôi ngoắc lên khuỷu tay mình, rồi dẫn tôi đi qua một cánh cửa ốp ván. Tôi bước vào một căn phòng nhỏ kê một chiếc bàn lớn nặng nề, một chiếc đèn vàng hắt những luồng sáng nhờ nhờ lên bốn bức tường màu lục sẫm. Ông đóng chặt cánh cửa lại sau lưng tôi và tôi lập tức cảm thấy không khí thay đổi, trở nên kín bưng và ngột ngạt đến ghê
“Đấy, ai cũng bảo cứ làm vài ly là ta lại nói luôn mồm nhưng...” ngài nghị sĩ nheo mắt nhìn tôi, như thể chúng tôi là hai kẻ âm mưu lâu ngày gặp lại, “Ta muốn nói với cháu một chuyện.”
Con chó bắt đầu thôi quẫy đạp, dần quen với mùi hương của chiếc áo. Đột nhiên tôi khao khát được ra nói chuyện với Stuart, như thể cứ qua mỗi giây xa cách, tôi lại mất anh thêm một chút. Tôi lùi lại.
“Cháu nghĩ - cháu nên ra tìm...” Tôi đặt tay lên quai nắm của, và biết mình đang cư xử vô cùng thô bạo, nhưng tôi không thể chịu đựng được không khí trong căn phòng này, mùi rượu mạnh và xì gà đặc quánh.
Ngài nghị sĩ thở dài, khẽ gật đầu trong khi tôi siết chặt lấy tay nắm của. “Ồ. Hóa ra cháu cũng thế.” Ồng tựa lên chiếc bàn, trông như một kẻ bại trận.
Tôi hé cửa ra nhưng khuôn mặt ngài nghị sĩ lộ rõ vẻ đau khổ y hệt Stuart ngày nào khi anh xuất hiện trên hiên nhà tôi. Tôi cảm thấy mình không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc hỏi, “Cháu cũng thế cái gì... cơ ạ?”
Ngài nghị sĩ đưa mắt nhìn sang bức chân dung bà Whitworth, to tướng và lạnh lẽo, treo trên tường căn phòng làm việc của ông như một lời cảnh báo. “Ta thấy hết rồi, vậy thôi. Trong mắt cháu.” Ông bật cười chua chát. “Ta cứ hy vọng cháu cũng ít nhiều ưa lão già này. Ý ta là, nếu cháu có bao giờ về làm dâu nhà này.”
Tôi nhìn ông, tim rộn lên khi nghe lời ông nói... về làm dâu nhà này.
“Cháu không... ghét bác đâu, thưa bác,” tôi nói, chân nhấp nhổm trong đôi giày bệt.
“Bác không muốn kéo cháu vào rắc rối của gia đình bác, nhưng tình hình trong nhà đang rối lắm, Eugenia ạ. Hai bác lo đến phát ốm vì những chuyện lùm xùm xảy ra năm vừa rồi. Với con bé kia ấy.” Ông lắc đầu, mắt nhìn xuống cái ly trên tay mình. “Thằng Stuart, nó đùng đùng bỏ căn hộ ở Jackson, rồi chuyển hết đồ đạc đến ở cái nhà gỗ dưới Vicksburg.”
“Cháu biết anh ấy rất... buồn,” tôi nói, trong khi thật ra chẳng biết gì hết.
“Còn tệ hơn thế nhiều. Trời ơi, có bận ta lái xe xuống đấy thăm nó, thấy nó cứ ngồi trước cửa sổ bóp hạt hồ đào. Nó còn chẳng thèm ăn một hạt nào, chỉ bóp vỡ vỏ, rồi vứt vào thùng rác. Nó chẳng nói năng gì với ta hay mẹ nó suốt... hàng tháng trời
Nhìn ông, người đàn ông kềnh càng như con bò mộng đó, vò đầu bứt tóc khổ sở mới đáng thương làm sao, tôi vừa muốn bỏ chạy thật nhanh, lại vừa muốn lại gần an ủi. Nhưng rồi ông ngước lên nhìn tôi với đôi mắt đỏ ngầu và nói, “Ta có cảm tưởng như mười phút trước đây ta còn dạy nó nhồi viên đạn đầu tiên, bắn hạ con chim đầu tiên trong đời nó. Thế mà sau mọi chuyện với con bé đó, nó đã... khác hẳn. Nó chẳng nói với ta một lời nào. Ta chỉ muốn biết, con trai ta có sao không?”
“Cháu... cháu nghĩ anh ấy không sao đâu ạ. Nhưng thành thật mà nói, cháu... cũng không rõ nữa.” Tôi nhìn lảng đi. Trong thâm tâm, tôi bắt đầu nhận ra rằng mình chẳng hiểu gì về Stuart. Nếu chuyện này khiến anh ấy tổn thương đến độ không thể nói cho tôi biết, vậy thì với anh tôi là cái gì đây? Chỉ là một công cụ đánh lạc hướng ư? Thứ gì đó ngồi bên anh để anh khỏi nhớ đến điều thực sự đang vò xé tâm can anh ư?
Tôi nhìn ngài nghị sĩ, cố nghĩ ra câu gì để xoa dịu ông, bất cứ câu gì mẹ có thể sẽ nói ra. Nhưng chỉ còn lại một bầu không khí im lặng chết chóc.
“Francine sẽ lột da ta mất nếu bà ấy biết ta hỏi cháu chuyện này.”
“Không sao đâu, thưa bác,” tôi nói. “Cháu không phiền gì đâu.”
Trông ông như kiệt quệ sau tất cả mọi chuyện, ông gắng nở nụ cười. “Cảm ơn cháu. Thôi cháu ra với con trai ta đi. Lát nữa ta sẽ ra với mọi người.”
TÔI TRỐN THOÁT RA HIÊN SAU và đứng cạnh Stuart. Ánh chớp rạch ngang trời sáng lòe, khiến trong một tích tắc, toàn bộ khu vườn hiện lên lộng lẫy kỳ quái, rồi bóng tối lại nuốt chửng lấy nó ngay. Tòa vọng lâu, nom như một bộ khung xương, đứng lù lù phía cuối vườn. Tôi thấy nôn nao vì ly rượu sherry vừa uống sau bữa ăn.
Ngài nghị sĩ bước ra, nom tỉnh táo lạ lùng, trong một chiếc áo sơ mi mới tinh, kẻ ca rô và là ủi phẳng phiu, giống hệt cái ông mặc trước đó. Mẹ và bà Whitworth cùng nhau thả bộ vài bước, rồi chỉ trỏ mấy đóa hồng hiếm hoi khẽ tựa lên thềm nhà. Stuart đặt tay lên vai tôi. Anh ấy có vẻ khá hơn, nhưng tôi càng u ám thêm bội phần.
“Ta đi...?” Tôi chỉ vào trong nhà và Stuart theo tôi vào. Tôi dừng lại ở dải hành lang có chiếc cầu thang bí mật.
“Có rất nhiều điều em chưa biết về anh, anh Stuart
Anh chỉ lên bức tường treo đầy ảnh sau lưng tôi, cùng khoảng trống trên đó. “À, tất cả ở đây này.”
“Stuart, bố anh, bác nói với em...” Tôi cố tìm cách nào đó để nói trôi.
Anh nheo mắt nhìn tôi. “Nói với em cái gì?”
“Nói mọi chuyện tồi tệ như thế nào. Rằng anh đã rất đau khổ,” tôi nói. “Vì Patricia.”
“Bố chẳng biết gì cả. Bố còn chẳng biết đấy là ai hay chuyện đó có can hệ tới mức nào hay...”
Anh tựa lưng lên tường và khoanh tay lại, tôi lại nhìn thấy cơn giận dữ sôi sục ấy, sâu sắc và rực đỏ. Anh đang bị nó cuốn nuốt hoàn toàn.
“Stuart. Anh không cần phải cho em biết ngay đâu. Nhưng đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ phải nói về vấn đề này.” Tôi ngạc nhiên thấy giọng minh tự tin đến vậy, trong khi tôi hoàn toàn không cảm thấy thế.
Anh nhìn sâu vào mắt tôi, nhún vai. “Cô ta ngủ với một thằng khác. Đấy.”
“Một người... anh quen à?”
“Chẳng ai biết hắn. Hắn là một trong mấy thằng giòi bọ vẫn la cà quanh trường, thúc ép các giáo viên phải hành động để thay đổi bộ luật hợp nhất ấy. Hừm, cô ta đã chơi một cú ngoạn mục lắm.”
“Ý anh là... anh ta là một kẻ hoạt động chính trị à? Đòi dân quyền gì đó...?”
“Phải. Giờ thì em biết rồi đấy.”
“Anh ta... có phải người da màu không?” Tôi nuốt nước bọt khi nghĩ đến những chuyện tiếp diễn sau đó, vì ngay cả với tôi, điều đó vẫn là quá kinh tởm.
“Không, hắn không phải là người da màu. Hắn chỉ là một thằng cặn bã. Một thằng Yankee trên New York về, cái loại em vẫn nhìn thấy trên tivi, tộc dài xõa xượi và đeo biểu tượng hòa bình ấy.”
Tôi sục sạo khắp trong não để tìm một câu hỏi thích hợp nhưng không nghĩ ra nổi bất kỳ thứ gì.
“Em biết phần điên rồ nhất là gì không, Skeeter? Lẽ ra anh đã có thểa mọi chuyện. Anh đã có thể tha thứ cho cô ta. Cô ta cầu xin anh, nói rằng cô ta rất ân hận. Nhưng anh biết, nếu như mọi chuyện vỡ lở, thiên hạ mà biết con dâu ngài nghị sĩ Whitworth đã lên giường với một thằng Yankee cánh tả thì đó là một đòn chí tử với bố. Sự nghiệp của bố rồi sẽ tiêu ma trong chớp mắt.”
“Nhưng bố anh, lúc nói chuyện trong bữa ăn. Bố anh chẳng đã nói ông nghĩ Ross Barnett đã sai còn gì.”
“Em thừa biết chính trị không như vậy. Ông ấy tin tưởng vào cái gì không quan trọng. Điều Mississippi tin tưởng mới quan trọng. Mùa thu này ông sẽ tranh cử vào Quốc hội, may mà anh sớm biết chuyện đó.”
“Thế nên anh chia tay cô ấy vì bố anh?”
“Không, anh chia tay cô ta vì cô ta đã lừa dối anh.” Anh nhìn xuống bàn tay mình và tôi nhận ra nỗi hổ thẹn ê chề đang gặm nhấm anh. “Nhưng anh không cho cô ta cơ hội quay lại vì... bố.”
“Stuart, anh... có còn yêu cô ấy không?” Tôi hỏi vì gắng mỉm cười làm như đó chẳng phải là vấn đề gì to tát, chỉ là một câu hỏi, mặc dù tôi cảm thấy máu trong người đang dồn cả xuống chân. Tôi cảm giác như mình sắp ngất lịm đi chỉ vì đã lỡ hỏi câu ấy.
Toàn thân anh hơi khuỵu xuống, đổ vào bức tường dán giấy in hoa văn mạ vàng. Giọng anh dịu lại.
“Em sẽ không bao giờ làm thế. Lừa dối như thế. Với anh, hoặc bất kỳ ai.”
Anh ấy không thể biết được tôi đang lừa dối bao nhiêu người. Nhưng vấn đề không phải ở đó. “Trả lời em đi, Stuart. Anh còn yêu cô ấy không?”
Anh day day thái dương, rồi bắc tay lên ngang mắt. Anh ấy đang cố giấu đôi mắt, tôi thầm nghĩ.
“Anh nghĩ chúng ta nên tạm chia tay một thời gian,” anh khẽ nói.
Theo phản xạ tôi bước tới bên anh, nhưng anh lập tức lùi lại. “Skeeter, anh cần thêm chút thời gian. Cả không gian nữa. Anh cần làm việc và khoan dầu và... đả thông tư tưởng.”
Tôi cảm thấy miệng mình há hốc ra. Ngoài hiên nhà, tôi nghe có tiếng bố mẹ gọi. Đã đến giờ về.
Tôi lẽo đẽo đi sau Stuart ra nhà trước. Gia đình Whitworth dừng lại ở gian sảnh hình trôn ốc trong khi ba người nhà Phelan chúng tôi bước ra cửa. Trong cơn mê, tôi chỉ đứng nghe người xuýt xoa hẹn ngày gặp lại, lần sau sẽ ở nhà Phelan. Tôi chào tạm biệt mọi người, cảm ơn, giọng nói của chính tôi vang lên như một âm thanh xa lạ. Stuart đứng trên bậc thềm vẫy tay và tươi cười với tôi để bố mẹ không nhận ra đã có điều gì đó thay đổi.