Dịch giả: Anh Tuấn và Kim Phương
Chương 5
ĐÓ LÀ ĐIỀU CÒN NGHI VẤN

    
 ột chiếc taxi đang chờ khách ở cuối đường, tôi nhảy lên xe phóng về cơ quan. Ông McArdle vẫn ngồi chỗ của ông như thường lệ.
Ông kêu lên đầy hy vọng:
-  Thế nào, sự việc ra ao? Cậu bạn trẻ ơi, tôi đang nghĩ là ông đã lâm trận. Chớ nói với tôi là cậu đã bị tấn công nhé.
- Đầu tiên, chúng tôi đã có một sự bất đồng nho nhỏ.
- Một con người mới lạ lùng chứ! Cậu đã làm những gì?
- Ồ, ông ta trở nên biết điều hơn và chúng tôi nói chuyện phiếm với nhau. Nhưng đáng tiếc là tôi chẳng thu nhập được gì để viết thành một bài báo cả.
- Tôi không biết rõ lắm những gì đã xảy ra nhưng việc mắt cậu bị thâm tím thế kia cũng đủ để viết một bài kha khá rồi! Chúng ta không thể để tình trạng bạo lực hoành hành thêm được nữa cậu Malone ạ! Hãy kể chi tiết đi, ngay ngày mai tôi sẽ viết một bài xã luận ngắn và tôi sẽ làm cho hắn một cái biệt danh để đời. Cậu nghĩ thế nào về một cái tít “Giáo sư Muchausen” trên báo? Ngài John Mandeville hoặc Cagliosto, đại loại toàn những tay có tiếng hung ác trong lịch sử. Hắn ta sẽ phải trả giá cho sự lừa dối của mình.
- Thưa ngài, tôi sẽ không làm điều đó đâu!
- Tại sao không?
- Bởi vì ông ấy hoàn toàn không phải là người lừa lọc.
- Cái gì? – Ông McArdle kêu lên – Cậu sẽ không định nói cậu tin vào những chuyện quỷ quái của ông ta về voi ma mút, về voi răng mấu ấy chứ?
- Không! Tôi không biết gì về việc đó cả! Tôi không thấy ông ta nói động gì đến những điều đó! Nhưng tôi chắc rằng ông ấy có điều gì đó lạ lắm!
- Thế thì vì Chúa hãy viết ngay một bài về điều đó!
- Tôi cũng rất muốn viết nhưng oái ăm thay khi ông ấy kể cho tôi nghe thì ông ấy đồng thời cũng bắt tôi phải hứa không được viết về những gì tôi được nghe…
Tôi kể với ông McArdle vắn tắt về câu chuyện của giáo sư Challenger.
Ông McArdle nhìn tôi với vẻ ngờ vực.
- Thôi được! Malone này! Về cuộc hội thảo khoa học tối nay ấy mà, chắc là chẳng cần phải giữ bí mật gì về nó đâu! Tôi đoán rằng sẽ chẳng có báo nào muốn đưa cái tin ấy lên bởi vì trước kia ngài Waldron đã được trương lên báo hàng chục lần rồi còn gì. Không ai ngờ lần này lại có thêm giáo sư Challenger tham gia. Nếu may mắn thì đây sẽ là một tin sốt dẻo cho mà xem. Dù có bất kỳ lý do gì thì cậu cũng phải có mặt tại buổi hội thảo đó để viết một bản tường thuật chi tiết. Tôi sẽ dành chỗ cho cậu trên báo cho đến hết nửa đêm.
Ngày hôm nay đối với tôi thật là bận rộn. Tôi đến quán Savage Club để gặp Tarp Henry – người đã cho tôi lời khuyên trước khi tôi đi gặp giáo sư Challenger. Anh ta ngồi nghe tôi nói, nở một nụ cười đầy vẻ nghi ngờ trên gương mặt hốc hác. Và sau đó anh ta chợt cười lớn khi nghe tôi nói rằng tôi hoàn toàn tin những gì giáo sư Challenger nói.
- Ông bạn của tôi ơi! Cuộc sống không có chỗ nào cho những chuyện trời ơi đất hỡi ấy đâu! Người ta không tin vào những phát kiến vĩ đại đó nếu như không có chứng cứ rõ ràng! Hãy để việc đó cho các nhà văn nhé! Đó là một tay giáo sư siêu lừa đấy!
- Nhưng thế còn câu chuyện về cậu nhà thơ người Mỹ?
- Cậu ấy chưa từng tồn tại trên đời này!
- Tôi đã nhìn thấy cuốn vở và những tác phẩm của cậu ta!
- Thế cậu nghĩ là người vẽ cái con vật ấy trong vở à?
- Tất nhiên rồi! Không phải cậu ta thì còn ai vào đây nữa! Cả mấy cái ảnh nữa?
- Chẳng có cái gì trong mấy bức ảnh đó cả. Cậu cũng đã nói rằng cậu chỉ nhìn thấy một con chim thôi phải không?
- Một con thằn lằn bay!
- Đó là những gì ông ta nói với cậu thôi! Ông ta làm đầu cậu mụ mị rồi!
- Thế còn mẩu xương thì sao?
- Tớ nghĩ là hắn đã lấy từ một nồi nước dùng nào đó của người Ai-len nhà cậu. Nếu cậu có trí thông minh như người thường thì cậu cũng sẽ dễ dàng chuẩn bị một miếng xương cũng như chụp một tấm ảnh mà thôi.
Tôi bắt đầu cảm thấy băn khoăn. Có lẽ tôi chưa đủ từng trải nên đã bị ông Challenger lừa gạt chăng? Trong óc tôi chợt nảy ra một ý nghĩ.
- Cậu sẽ đi cùng tôi đến cuộc hội thảo tối nay chứ? – Tôi hỏi.
Tarp Henry chợt tỏ ra trầm ngâm.
- Cái ông Challenger “thiên tài” ấy không được mọi người ưa lắm đâu! – Tarp nói – Hầu như tất cả mọi người đều có lý do để gây sự với ông ta! Tớ lo rằng ông ấy sẽ là người bị cả thành phố Luân Đôn này căm ghét mất! Nếu bọn sinh viên trường y có mặt tại cuộc hội thảo thì chắc sẽ xảy ra ẩu đả. Tớ không muốn dây vào chỗ phiền phức đâu!
- Nhưng ít ra cậu cũng cần phải nghe ông ấy thể hiện quan điểm riêng của mình một cách công bằng chứ!
- Thôi được! Nghe cũng có lý đấy! Tối nay tớ sẽ đến đó với cậu!
Khi hai chúng tôi vào được hội trường thì thấy mọi người đã đến rất đông. Số người tham dự nhiều hơn chúng tôi tưởng tượng. Ngoài cổng, một đoàn xe chạy điện đang dỡ hành lý của các giáo sư râu tóc bạc trắng xuống. Xa xa là những hành khách bộ hành đang chen chật cửa ra vào. Như vậy có thể thấy rằng trong số những người tham dự cuộc hội thảo có nhiều giới, cả giới bình dân và giới khoa học. Dự đoán của chúng tôi đã được chứng minh khi nhìn thấy một chàng trai còn mang nhiều nét trẻ con đang đi trong hành lang. Ngay phía sau là hàng dãy dài sinh viên trường y. Rõ ràng các bệnh viện lớn đã kịp thời cử các phái viên của họ đến đây. Cách xử sự của các khán giả này khá nghịch ngợm và buồn cười. Họ hào hứng hát hàng loạt bài hát đang thịnh hành trước khi bắt đầu cuộc hội thảo. Đây là một điều ít khi xảy ra ở các sự kiện tương tự. Nó ngụ ý một sự bỡn cợt nào đó và tất nhiên dường như báo trước một buổi tối không bình thường.
Khi ông tiến sĩ già Meldrum xuất hiện với chiếc mũ vành cong kiểu nhà hát opera thì tất cả các sinh viên cùng đồng loạt cất lời: “Ông lấy cái mũ chóp đó ở đâu vậy?”. Ông Meldrum vội vàng bỏ chiếc mũ ra ngay và giấu xuống sau ghế ngồi của mình. Khi giáo sư Wadley bị bệnh gút khập khiễng đến chỗ ngồi của mình thì tất cả các góc của hội trường cùng vang lên tiếng rì rầm theo từng bước chân ông gõ nhịp ngắt quãng xuống mặt sàn khiến ông tỏ ra vô cùng xấu hổ. Nhưng sự phản ứng của mọi người ồn ào nhất là khi ông bạn mới quen của tôi – giáo sư Challenger bước dọc theo hàng ghế đầu và đến ngồi ở chiếc ghế ngoài cùng cũng của hàng ghế đầu. Tiếng la hét nổi lên khắp nơi khi tôi thấy bộ râu đen của ông thấp thoáng trong đám đông. Tôi cảm thấy những gì anh bạn Tarp phỏng đoán có thể trở thành sự thật. Tôi cũng chợt hiểu ra rằng mọi người tập trung ở đây quá nhiều như thế này ngoài việc nghe hội thảo còn có một lý do quan trọng khác nữa là trước đó đã xuất hiện lời đồn vị giáo sư tai tiếng Challenger sẽ tham dự cuộc hội thảo.
Một vài vị ở hàng ghế danh dự đầu tiên bật cười cảm thông khi ông Challenger xuất hiện. Tiếng la hét của mọi người nghe đáng sợ như tiếng những con thú dữ đói, bị nhốt trong lồng khi nghe thấy tiếng chân của người trông coi chúng đang mang thịt đến. Tôi nghe có tiếng ai đó hò hét lên, thực ra nghe như tiếng hò reo phấn khích chứ không phải của sự căm ghét hay thù oán. Giáo sư mỉm cười vẻ mệt mỏi, trong nụ cười của ông có cả sự khinh rẻ lẫn độ lượng. Thái độ ấy giống như của một ông già tốt bụng khi nghe thấy tiếng sủa của một đàn chó con. Ông chậm rãi ngồi xuống chỗ của mình, ngực thở phào, tay vuốt nhẹ chòm râu, đôi mắt với cặp mí sụp xuống nhìn đám đông với vẻ miệt thị. Tiếng la ó từ lúc ông Challenger bước vào vẫn chưa dứt, ngay cả khi giáo sư Ronald Murray – chủ tọa cuộc hội thảo và ông Waldron – diễn giả của buổi tối hôm nay bước lên bục.
Giáo sư Murray Ronald cũng bị mắc lỗi tương tự như hầu hết người Anh khác đó là việc ông nói quá bé. Tôi cũng không hiểu người đời nữa rồi. Không biết tại sao họ nói toàn những điều hay ho cả nhưng lại không biết làm thế nào để cho người khác có thể nghe được – điều mà tôi cảm thấy không có gì dễ hơn. Phương pháp truyền thụ của họ giống như việc một người múc những thùng nước mát từ dòng suối và đổ chúng vào một cái bồn chứa qua một cái ống bị tắc. Trong khi chỉ cần một cố gắng nhỏ anh ta cũng có thể làm thông được cái ống đó nhưng anh ta lại không làm thế. Giáo sư Murray lấy tay chỉnh lại chiếc cà vạt màu trắng rồi ông chỉnh lại vị trí của bình đựng nước được đặt trên bàn, cạnh chiếc chân nến bằng bạc, bên tay phải của ông. Sau đó ông ngồi xuống ghế. Tiếp theo chương trình ông Waldron – diễn giả nổi tiếng tiến đến bục diễn thuyết, khắp hội trường rì rầm tán thưởng. Ông Waldron là một người nghiêm nghị và khắc khổ, giọng nói khan khan rất khó nghe, phong cách không được nhẹ nhàng cho lắm. Nhưng ông lại có một biệt tài là biết cách tổng hợp ý kiến của tất cả mọi người và chuyển tải tới mọi người một cách dễ hiểu nhất, thậm chí gây cho khán giả một sự thú vị nhất định. Ông có thể cải biến các câu chuyện bình thường thành câu chuyện hài hước vì vậy các vấn đề như động vật có xương sống hay điểm thu phân trong tính cách lịch qua cái đầu thông minh của ông cũng sẽ trở thành đề tài gây cười.
Bằng ngôn ngữ của khoa học, một thứ ngôn ngữ luôn luôn rõ ràng mạch lạc đầy hình ảnh, ông mở ra cho chúng tôi một chân trời kiến thức mà trước đây chúng tôi chưa hề biết. Ông diễn thuyết về địa cầu, về những đám cháy khí ga khổng lồ. Ông nói với chúng tôi về sự hình thành những ngọn núi lửa, sự hình thành của nước từ hơi nước, về những bước chuẩn bị vô cùng huyền bí cho những bi kịch của cuộc sống. Về nguồn gốc của sự sống thì ông tỏ ra khá dè dặt. Ông tuyên bố rằng mầm mống đầu tiên của sự sống không chắc có tồn tại được vào thời hỗn mang mà nó chỉ mang tính tương đối. Như vậy rất có thể nó được hình thành từ những nguyên tố vô cơ trong vũ trụ. Rất có thể - ông nói như vậy. Hay các hạt mầm đầu tiên của sự sống lại bắt nguồn từ một ngôi sao băng nào đó. Vấn đề trên khó có thể được giải đáp một cách hoàn hảo. Tóm lại kẻ thông minh nhất là người sẽ không quá phụ thuộc vào các lý thuyết có sẵn. Chúng ta không thể nghiên cứu cuộc sống hữu cơ của chúng ta trên trái đất này bằng việc nghiên cứu những yếu tố vô cơ trong phòng thí nghiệm được. Khoảng cách từ cái chết cho đến sự sống là điều mà các nhà hóa học không thể giải đáp được. Nhưng có một nhà hóa học vĩ đại nhất – đó chính là Tạo hóa – Người đã trải qua nhiều giai đoạn lâu dài để tạo ra những điều mà chúng ta không thể tưởng tượng nổi… vì vậy cần xem xét vấn đề dần dần.
- Điều này lại làm tôi lại muốn nói về nấc thang tiến hóa của động vật bắt đầu từ động vật thân mềm và các loài động vật dưới biển sau đó tiến dần đến bò sát, cá và cuối cùng là chuột túi – một loài động vật luôn mang con của nó trước ngực. Nó được coi là tổ tiên của tất cả các loài động vật có vú và hơn nữa là tổ tiên của tất cả khán giả đang ngồi trong hội trường này.
- (“Không!” có tiếng của một sinh viên nào đó vọng lên từ hàng ghế sau).
Ông Waldron tiếp tục:
– Và thậm chí quý ông đeo cà vạt đỏ vừa phản đối kia cũng có thể được nở ra từ một quả trứng (mọi người cười ồ lên). Thật kỳ lạ nếu chúng ta nghĩ rằng cả một quá trình sáng tạo dài lâu của đấng Tạo hóa đã dẫn đến việc tạo ra quý ông đeo cà vạt đỏ kia. Nhưng nếu quá trình đó dừng lại thì sao? Quý ông kia có phải là sản phẩm cuối cùng của đấng Tạo hóa hay không? Và ông có phải là đại diện cho muôn loài, là bậc thang sau chót của sự tiến hóa hay không? Đấng Tạo hóa luôn hy vọng rằng ngài sẽ không xúc phạm đến quý ông đeo cà vạt đỏ. Cho dù ông có bao nhiêu tính tốt trong cuộc sống thì đối với vũ trụ rộng lớn, ông cũng chỉ là một phần nhỏ nhoi của cả quá trình – cái quá trình chúng ta chưa thể biết tường tận được. Sự tiến hóa không phải do một thế lực nào đó thúc đẩy, Đấng Tạo hóa vẫn đang làm công việc của Người và như thế chắc chắn sẽ có nhiều điều thú vị đang chờ đón chúng ta.
Giữa tiếng cười khúc khích của mọi người, diễn giả vẫn tiếp tục đề tài nguồn gốc của muôn loài, ông nói về sự mất đi của biển, sự xuất hiện của những cồn cát, của loài sứa yếu ớt, xu hướng của các loài sinh vật biển vào trú ngụ tại các đầm lầy đầy bùn nơi có bao nhiêu thức ăn cùng tốc độ phát triển kinh người của chúng.
Ông nói tiếp:
- Như vậy! Thưa các quý bà, cùng quý ông! May mắn thay loài thằn lằn đáng sợ mà chúng ta có lần được xem trong những mẩu hóa thạch vùng Wealden hoặc vùng Solenhofen đã hoàn toàn tuyệt chủng trước khi có sự xuất hiện của loài người trên hành tinh này.
- Không phải!
Có tiếng ai đó vọng lên từ dưới hàng ghế đầu. Ông Waldron là một người nghiêm khắc pha một chút hài hước chua cay. Chính ông đã lấy ngay ví dụ về anh chàng sinh viên đeo cà vạt màu đỏ - người đã cả gan ngắt lời, khiến anh chàng này không dám tái phạm lần nữa. Nhưng lần này tiếng nói vọng lên làm ông không kịp suy nghĩ để đối phó. Ông dừng lại mấy giây và sau đó ông cao giọng, nhắc lại rành rọt mấy câu:
- … đã tuyệt chủng trước khi xuất hiện con người!
- Không phải! – ai đó lặp lại.
Ông Waldron nhìn các giáo sư ở hàng ghế đầu với vẻ kinh ngạc, cuối cùng mắt ông dừng lại chỗ giáo sư Challenger, người đang ngồi ngả người, đôi mắt nhắm nghiền, miệng không giấu được một nụ cười thỏa mãn.
- Tôi biết! – Ông Waldron nhún vai – Chính là giáo sư Challenger vừa nói câu đó.
Và trong lúc mọi người cười ồ lên thì ông Waldron lại tiếp tục bài diễn thuyết của mình cứ như không có điều gì xảy ra.
Nhưng câu chuyện còn lâu mới tới hồi kết thúc. Những gì ông Waldron vừa nói, cho dù đó là sự tuyệt chủng của các loài sinh vật hay cuộc sống của sinh vật thời tiền sử đều làm cho ngài giáo sư Challenger của chúng ta không thể ngồi im được. Cử tọa đoán già đoán non và cuối cùng mọi người cười ồ lên thoải mái khi phát hiện rằng chính giáo sư Challenger là tác giả của câu nói vừa rồi. Sinh viên từ những hàng ghế chật cứng bắt đầu vào cuộc. Mỗi khi bộ râu của giáo sư Challenger vừa rung lên khi ông cất tiếng nói là có hàng trăm tiếng đồng thanh phụ họa lặp lại lời giáo sư. Đồng thời ngay sau đó cũng có một dàn đồng thanh đông không kém cùng hô lên “Thật đáng xấu hổ!”. Ông Waldron mặc dù là một người cứng rắn, có bản lĩnh nhưng cũng bắt đầu cảm thấy hơi rung động. Ông do dự, nói lắp bắp hàng tràng dài dây cà ra dây muống và cuối cùng không chịu đựng được thêm nữa ông giận dữ gầm lên:
- Thật quá quắt! Tôi yêu cầu giáo sư Challenger dừng ngay hành vi gián đoạn ngu ngốc và mất lịch sự đó đi!
Cả hội trường ngồi im như thóc. Bọn sinh viên đang nín lặng theo dõi hai giáo sư của họ cãi nhau như đang theo dõi các vị thần trên đỉnh Olympus tranh tài. Giáo sư Challenger bắt đầu nhúc nhích cái cơ thể khổng lồ của mình ra khỏi ghế ngồi.
- Đến lượt tôi yêu cầu ông Waldron dừng ngay phát biểu của mình, chúng không gắn liền với những chứng cứ khoa học.
Thế là cả hội trường huyên náo. Các tiếng nói đan xen nhau hỗn độn.
“Xấu hổ quá!”
“Nghe ông ấy nói đã nào!”
“Đuổi hắn ta ra ngoài!”
“Đề nghị chơi đẹp!”
Ông chủ tọa vỗ hai tay bồm bộp vào nhau, miệng nói không thành tiếng:
- Giáo sư Challenger! Đề… nghị… gặp… riêng… lúc khác!
Giáo sư Challenger cúi mình đáp lễ, miệng ông mỉm cười, râu vểnh lên, sau đó ông quay lại chỗ của mình. Ông Waldron trong cơn tức giận vẫn không quên quan sát kẻ dám cả gan chống lại mình. Ánh mắt của ông thình thoảng lại liếc qua ông Challenger một cách dò xét.
Cuối cùng thì bài diễn thuyết của ông Waldron cũng kết thúc. Tôi có cảm giác rằng đó là một bài nói chuyện hơi tẻ nhạt bởi tôi thấy đoạn kết của nó rời rạc và có phần vội vã. Phần lý luận của bài diễn thuyết đã bị gián đoạn một cách thô bạo, khán giả thì háo hức chờ xem điều gì xảy ra. Ông Waldron ngồi xuống và sau tiếng vỗ tay nhạt nhẽo của chủ tọa, giáo sư Challenger đứng lên và đi lại gần bục. (Vì sự kiện này gây cho tôi hứng thú lớn nên tôi đã chép lại nguyên văn bài phát biểu của ông dưới đây).
- Kính thưa Quý ông và các Quý bà! – Ông nói trong tiếng hò hét của đám đông phía sau - Xin lỗi, tôi đã nói sai. Kính thưa các Quý ông, Quý bà cùng các Cháu, tôi xin lỗi vì đã vô tình bỏ sót một bộ phận khán giả quan trọng này –Tiếng ồn ào trong hội trường nổi lên khi giáo sư Challenger nâng một cánh tay lên, cái đầu to lớn cúi xuống như Đức Giáo hoàng vẫn thường cúi xuống ban phước cho đám đông quần chúng - Tôi được đặc cử đọc lời cảm ơn bài phát biểu đầy hình ảnh và đầy sức tưởng tượng của ông Waldron nhưng có vấn đề tôi không đồng ý với ông Waldron. Tôi không đồng ý cách giải thích đơn giản và đầy tưởng tượng của ông về sự hình thành trái đất. Các bài diễn thuyết của bình dân thường dễ hiểu và ông Waldron… - Giáo sư Challenger nói và nheo mắt nhìn về phía ông Waldron - …sẽ thứ lỗi cho nếu tôi nói rằng bài diễn thuyết của ông rất hời hợt và không đi trúng mục đích bởi vì nó đã được chuẩn bị cho một đám thính giả xuẩn ngốc (có tiếng hò hét phản đối) – các diễn giả bình dân phẩm chất là đám ký sinh trùng ăn theo – (đến đây thì ông Waldron tỏ vẻ vô cùng giận dữ) nhưng ông Challenger vẫn tiếp tục nói - … họ kiếm tiền và kiếm sự nổi tiếng dựa trên thành quả lao động của đồng nghiệp khốn khổ và của rất nhiều người khác. Chỉ những phát kiến nhỏ nhất trong phòng thí nghiệm cũng được phù phép thành những phát kiến vĩ đại của khoa học. Họ tốn nhiều thời gian để diễn giải về những điều đó mà chẳng đem lại lợi ích gì. Tôi nói lên điều này không có ý định làm mất thể diện của ông Waldron nhưng tôi không muốn các bạn lầm lẫn giữa thầy tu giả danh và những thầy tu chính cống – (đến lúc này mọi người để ý thấy ông Waldron thì thầm gì đó với ông chủ tọa trong khi ông này đang nhấp nhỏm trên ghế) -… nhưng thế là đủ - (có tiếng ồn ào tỏ ý đồng tình) - … tôi xin được nói thêm một vài vấn đề rộng hơn mà chắc các bạn sẽ quan tâm. Tôi muốn đề cập đến những vấn đề quan trọng chính mà tôi với tư cách là một người chuyên đi sâu nghiên cứu tìm hiểu. Tôi đã đi tìm tính xác thực của bài diễn thuyết vừa rồi như thế nào. Đó là sự tồn tại của một loài động vật mà chúng ta chưa từng được biết đến trên trái đất này. Tôi không đề cập vấn đề này với tư cách một người nghiên cứu nghiệp dư hay một nhà diễn thuyết bình dân, mà với tư cách của một nhà khoa học và những công trình nghiên cứu được hoàn toàn dựa trên cơ sở khoa học. Tôi cho rằng ông Waldron đã sai khi nói động vật thời tiền sử không còn tồn tại trên trái đất này nữa bởi vì ông ta chưa được tận mắt nhìn thấy chúng. Ông Waldron đã nói rất đúng rằng loài vật tiền sử đó là tổ tiên chúng ta nhưng tôi cũng xin được nói thêm rằng chúng đang còn tồn tại trên hành tinh này. Chúng ta vẫn có thể chứng kiến cuộc sống của chúng nếu như chúng ta chịu khó và đủ sức đến đúng nơi chúng ở. Tôi biết hiện nay trên trái đất còn tồn tại những loài vật có thể ăn tươi nuốt sống những động vật to lớn và hung dữ nhất mà chúng ta từng biết…
Có tiếng kêu to:
- Nói bậy!
- Hãy chứng minh!
- Làm thế nào mà ông biết được?
- Không tin!
- Các bạn hỏi tôi làm sao tôi có thể biết được ư? Tôi biết được điều đó bởi vì tôi đã có dịp chứng kiến tận hang ổ của chúng. Tôi biết bởi vì tôi đã tận mắt chứng kiến những loài sinh vật như vậy! – (có tiếng hò reo, vỗ tay và cả tiếng hét “Tên lừa đảo”!) – Tôi là một kẻ lừa đảo ư?... Có phải ai đó vừa nói rằng tôi là một kẻ lừa đảo? Ai đó vừa nói rằng tôi là kẻ lừa đảo làm ơn đứng lên để tôi nhìn một chút được không?
Có tiếng ai đó vọng lên:
- Anh ta đây thưa ngài!
Mọi người nhìn thấy một người dáng dấp nhỏ bé đeo kính đang chống cự quyết liệt với một đám sinh viên đang cố gắng nâng bổng anh ta lên.
– Anh dám gọi tôi là đồ lừa đảo?
- Không! Không! Thưa ngài! - Anh chàng nhỏ thó đó kêu lên và lủi mất.
– Nếu có ai đó trong hội trường nghi ngờ về tính trung thực của những lời tôi vừa nói, xin hãy gặp lại sau buổi diễn thuyết này.
Lại có tiếng:
- Đồ lừa bịp!
– Ai nói đó?
Lại chính là anh chàng ban nãy và chỉ loáng một cái các sinh viên lại tung anh ta lên không như tung một quả bóng.
– Nếu tôi đi xuống đó với các bạn…
Có tiếng nói to:
- Xuống đi!
Tiếng hét làm gián đoạn mất mấy phút. Trong khi đó ông chủ tọa cuộc hội thảo đứng lên hai tay vẫy vẫy như một người chỉ huy dàn nhạc. Còn vị giáo sư của tôi thì đỏ lựng mặt lên vì bực tức, râu ông dựng ngược, lỗ mũi nở to.
- Tất cả những phát hiện về mặt khoa học của tôi đều gặp phải sự nghi ngờ của cả một thế hệ những thằng ngốc. Trong khi đó những chứng cứ khoa học có sức thuyết phục được đưa ra thì dù không được tiếp xúc bằng trực giác, chúng cũng phải dùng trí tưởng tượng của mình để hiểu thấu đáo những điều đó chứ. Bọn chúng chỉ có thể ném bùn vào người đã liều mạng sống của mình để tìm đến chân trời mới của khoa học mà thôi, ngoài ra chúng chẳng làm được gì khác. Bọn chúng đã hành hình những nhà tiên tri Galileo, Darwin và tôi.
Tiếng hò reo náo loạn làm cho không ai có thể nghe thấy gì nữa.
Tất cả những điều trên là do tôi ghi tốc ký được khi tham dự buổi hội thảo hôm đó. Nó không thể hiện được đầy đủ sự hỗn loạn của cuộc diễn thuyết.
Sự náo loạn đã khiến những quý bà có mặt tại buổi đó nhanh chóng ra khỏi hội trường. Các vị chức sắc nghiêm nghị cũng có vẻ như bắt đầu đứng về các sinh viên trẻ. Tôi chứng kiến một ông râu bạc trắng đang giơ giơ nắm đấm về phía vị giáo sư cứng đầu của chúng ta. Cả hội trường sôi lên sùng sục như cái nồi nước nóng. Giáo sư Challenger tiến lên một bước và đưa hai tay lên cao. Thái độ rắn rỏi, động tác dứt khoát cùng ánh mắt thông minh của ông khiến mọi tiếng ồn ào trong hội trường dần dần im bặt. Có vẻ như giáo sư đang định nói điều gì đó. Mọi người bắt đầu im lặng lắng nghe.
- Tôi sẽ không cản trở các bạn – Giáo sư Challenger nói – Bởi vì tôi thấy không cần phải làm như thế. Sự thật là sự thật còn tiếng ồn ào của mấy cậu chàng choai choai ngốc nghếch và cả những vị trí thức nhưng ngốc nghếch không kém họ cũng không thể ảnh hưởng đến sự thật. Tôi đã tuyên bố rằng sẽ là người đi tiên phong trong một lĩnh vực khoa học mới mẻ, còn các bạn lại nghi ngờ điều đó – (có tiếng nói to: Hoan hô ông Challenger!) – vì vậy tôi thấy cần phải chứng minh những phát hiện của mình. Có quý ông nào muốn cử đại diện để kiểm chứng lời nói của tôi hay không?
Ông Summerlee – cựu giáo sư môn giải phẫu so sánh đứng lên – một người cao gầy khắc khổ. Trông ông giống một nhà nghiên cứu thần học thì đúng hơn. Ông yêu cầu giáo sư Challenger tường trình rõ ràng về chuyến hành trình lên đầu nguồn sông Amazon hai năm về trước. Giáo sư Challenger liền đáp ứng ngay yêu cầu của ông Summerlee. Ông Summerlee chất vấn ông Challenger làm thế nào mà có những phát hiện mới mẻ về những vùng đất đã cũ, trong khi những nhà khoa học danh tiếng như Bates hoặc Wallace lại bỏ qua.
Ông Challenger trả lời rằng: Có lẽ ông Summerlee nhầm lẫn sông Amazon với dòng sông Thames. Amazon là một dòng sông lớn mà nếu ông Summerlee có dịp tận mắt chứng kiến chắc sẽ không khỏi thú vị. Đó là một khu vực rộng lớn hàng trăm ngàn dặm vuông, nó rộng đến nỗi người ta khó có thể đi hết được.
Ông Summerlee mỉm cười chua chát và nói rằng ông ta hoàn toàn thừa nhận sự khác nhau giữa sông Thames và sông Amazon. Nhưng ông cũng nói thêm rắng những kết quả của các nhà khoa học mà ông vừa đề cập đến đã thực tế chứng minh trong khi những kết quả của giáo sư Challenger chưa hề được kiểm chứng, rằng sẽ hoàn toàn tâm phục nếu như giáo sư Challenger nói được kinh độ và vĩ độ vùng đất có loài động vật tồn tại từ thời tiền sử đến bây giờ.
Giáo sư Challenger trả lời rằng ông cất giữ những thông tin như thế để đề phòng những câu hỏi như thế này, nhưng ông cũng nói thêm rằng ông sẽ chỉ cung cấp những thông tin đó cho một số người có chọn lọc và liệu ông Summerlee có muốn nằm trong nhóm người đích thân thử tính chính xác của kết luận đó hay không.
Ông Summerlee nói:
- Đồng ý! Tôi sẽ đến!
Mọi người hoan hô rầm rầm.
Giáo sư Challenger nói:
- Thế thì xin đảm bảo với ông rằng, tôi sẽ trao tận tay những tài liệu có liên quan đến phát hiện của tôi và ông Summerlee sẽ tự đi tìm hiểu vùng đất đó. Tuy nhiên điều đó chỉ hợp lý khi có thêm một hoặc hai người đi cùng đến để giám sát ông ta luôn thể. Tôi không giấu các ông rằng sẽ có rất nhiều khó khăn gian khổ đấy. Tôi nghĩ ông Summerlee sẽ cần một người đồng hành trẻ. Xin hỏi có ai xung phong không ạ?
Những biến cố lớn trong cuộc đời một con người thường ập xuống đầu anh ta một cách đột ngột. Làm sao trước khi đến đây tôi có thể tưởng tượng được rằng mình sẽ đồng ý tham gia vào một cuộc phiêu lưu mạo hiểm chưa từng có trong đời? Nhưng tôi nghĩ Gladys chắc chắn sẽ khuyến khích để tôi đi. Nghĩ đến đây tôi đứng bật dậy. Tôi như người mộng du. Tarp Henry, bạn tôi, giật giật vạt áo của tôi và thì thầm:
- Ngồi xuống! Malone! Đừng làm cho thiên hạ cười vào mũi cậu đi.
Đúng lúc đó tôi thấy một người cao, gầy với mái tóc hoe hoe ngồi trước tôi mấy hàng ghế cũng đứng bật dậy. Anh ta nhìn tôi với ánh mắt giận dữ, nhưng tôi không sợ.
- Tôi sẽ đi! Thưa ông chủ tọa! – Tôi nhắc đi nhắc lại lời của mình.
- Tên là gì? Tên là gì? – Cả hội trường nhao nhao yêu cầu.
- Tên tôi là Edward Dunn Malone, phóng viên của tờ Daily Gazette. Tôi cảm thấy mình là người vô tư nhất trong chuyện này.
- Thưa ngài! Tên ngài là gì? – Ông chủ tọa hỏi tay đối thủ cao gầy của tôi.
Ông ta trả lời:
- Tôi là Huân tước John Roxton. Tôi đã từng đến vùng Amazon. Tôi biết rõ vùng đất đó và tôi nghĩ mình có đủ tư cách để trở thành một người giám sát việc này!
- Danh tiếng trong lĩnh vực thể thao và du lịch của Huân tước John Roxton đã lan ra khắp thế giới. Tuy nhiên chúng ta cũng cần có một người thuộc giới báo chí tham gia vào cuộc phiêu lưu này – Ông chủ tọa nói.
- Thế thì tôi đề nghị chúng ta đồng ý để Huân tước Roxton và chàng trai trẻ này làm đại diện của chúng ta đi theo giáo sư Summerlee kiểm định những phát kiến của tôi.
Thế là những tiếng reo hò xen lẫn tiếng la hét, số phận của chúng tôi đã được quyết định. Tôi thấy mình bị cuốn bởi dòng người xô nhau ra phía cửa hội trường, đầu tôi bong bong lên với ý nghĩ về sự việc lớn lao mà tôi vừa đột ngột dính vào. Tôi vừa nhoài ra được phía hành lang thì chợt bừng tỉnh vì một tràng cười rộ lên của đám sinh viên đang đứng trên vỉa hè và giữa họ có một cánh tay cầm ô lớn giơ lên. Giữa những tiếng cười xen lẫn tiếng hét ấy, chiếc xe chạy điện của giáo sư Challenger rẽ lối đi ra. Tôi rảo bước trên con phố Regent dưới ánh đèn bàng bạc, Gladys và tương lai xâm chiếm hết lấy đầu tôi.
Bỗng nhiên có ai đó đập vào vai tôi. Tôi quay lại và chợt nhận ra người vừa đập vào vai tôi chính là người đàn ông cao gầy đã tình nguyện là bạn đồng hành trong chuyến phiêu lưu kỳ lạ của tôi. Ông nhìn tôi với ánh mắt rất hóm hỉnh và thông minh.
- Ông Malone, tôi hiểu! – Ông ta nói – Chúng ta sẽ là những người bạn đồng hành, phải thế không? Nhà tôi ở ngay trên đường này, khu Edinbourg. Có lẽ ông vui lòng ghé vào nhà tôi chừng nửa giờ, vì tôi có một hai điều rất muốn nói với ông.