Dịch giả: Anh Tuấn và Kim Phương
Chương 4
ĐẤY THẬT SỰ LÀ ĐIỀU QUAN TRỌNG NHẤT TRÊN THẾ GIỚI

    
ửa vừa đóng thì bà Challenger từ phòng ăn lao tới. Người đàn bà nhỏ bé này giận dữ chặn ông chồng lại, y như một con gà con nổi khùng trước con chó bướng bỉnh. Rõ ràng là bà đã nhìn thấy tôi đi ra, nhưng không biết tôi đã tở lại.
Bà la lên:
- George, anh thật tàn nhẫn! Anh đã đánh bị thương chàng thanh niên đáng mến kia!
Ông lấy ngón tay cái chỉ ra phía sau nói:
- Anh ta đây, vẫn lành lặn chưa sứt mẻ gì đâu.
Nhận ra tôi, bà hơi ngượng ngập nói:
- Xin lỗi tôi không nhìn thấy cậu.
- Xin bà yên tâm! Tôi không bị làm sao cả!
- Ông đánh cậu ta thâm mặt rồi kia kìa! Ôi George! Sao ông độc ác thế! Tuần nào ông cũng gây rắc rối như thế này. Tất cả mọi người căm ghét và chế nhạo ông. Ông làm tôi không thể chịu đựng được nữa rồi. Thế là hết!
- Bà đừng vạch áo cho người xem lưng!
- Chuyện đó không còn là bí mật nữa rồi! Cả khu phố này, cả thành phố Luân Đôn này đều biết. Hãy đi đi Austin. Chúng ta không cần anh ở đây! Anh không nghe người ta đang xì xào về anh ngoài kia à? Anh không có lòng tự trọng à? Còn ông…đúng ra ông đã là một giáo sư tại một trường đại học lớn, giảng dạy hàng ngàn sinh viên. Lòng tự trọng của ông đâu rồi George!
- Thế còn em? Lòng tự trọng của em ở đâu? Em yêu?
- Thật quá sức chịu đựng của tôi rồi. Ông đã trở thành một tên côn đồ suốt ngày gây lộn từ bao giờ vậy?
- Hãy tử tế hơn một chút nào, Jessie.
- Một tay hung đồ quen thói bắt nạt người khác.
- Thôi nhé! Đủ rồi đấy! Rồi em sẽ phải hối hận cho mà xem!
Trước sự ngạc nhiên của tôi ông ta cúi xuống nhấc bổng bà vợ lên và đặt lên cái bệ đá hoa cương ở góc nhà. Cái bệ đá ít nhất cũng phải cao bảy feet và trông nó mỏng đến nỗi tôi có cảm giác bà vợ nhỏ bé của ông giáo sư khó có thể giữ được thăng bằng trên đó. Bà Challenger ngồi trên đó với vẻ mặt hằm hằm, hai chân đạp loạn xạ vào thành đá hoa cương còn người bà ta thì gần như bất động vì sợ ngã lộn xuống đất. Tôi thật không thể tưởng tượng được tình cảnh lúc đó.
- Cho tôi xuống! – Bà Challenger hét lên.
- Hãy nói:  Làm ơn cho em xuống.
- Ông thật độc ác. Cho tôi xuống ngay lập tức.
- Cậu Malone! Hãy vào trong phòng khách đi!
- Sao cơ, thưa ông? – Tôi hỏi lại và đưa mắt nhìn bà vợ ông ta đang đung đưa như muốn rơi xuống đất.
- May mà có cậu Malone ở đây đấy. Hãy nói: Làm ơn cho em xuống và anh sẽ cho em xuống ngay lập tức.
- Ông thật độc ác! Thôi! Làm ơn cho em xuống!
Ông giáo sư lại nhấc bà vợ đặt xuống đất như nhấc một con gà.
- Em phải liệu cách đối xử đấy. Cậu Malone là một nhà báo. Chỉ ngay ngày mai là mọi chuyện sẽ nằm trên báo của cậu ấy hết. Sẽ có một bài có tên là Câu chuyện kỳ lạ về cuộc sống thượng lưu. Em cảm thấy mình cao hơn mọi người khi ngồi trên cái bệ đá đó phải không? Và có lẽ còn có một cái tít nhỏ nữa Một cái nhìn sơ bộ về con thú đơn độc. Cậu ta là một con súc vật thô lỗ, là ngài Malone một kẻ ăn xác thối giống như đồng bọn của cậu ta. Cậu ta là một con lợn ghê tởm vừa tách ra khỏi đàn. Thế đấy. Malone! Cái gì thế?
- Ngài thật rộng lượng! – Tôi nói vẻ hào hứng.
Ngài Challenger cười rống lên.
- Chúng ta sẽ liên kết với nhau – Giọng ông ta âm vang, đôi mắt hết nhìn bà vợ lại nhìn tôi, ngực ông ta ưỡn lên. Bỗng nhiên ông ta đột ngột đổi giọng – Xin lỗi cậu vì tôi đã đùa cợt hơi quá đáng. Tôi mời cậu quay lại đây vì mục đích nghiêm chỉnh. Hãy ra ngoài đi mụ đàn bà nhỏ bé! Đừng làm phiền chúng tôi! – Nói rồi ông đặt tay lên hai vai của bà vợ – Tất cả những gì em nói đều đúng tuyệt đối. Anh đã trở nên một người tốt hơn nếu như anh làm theo lời khuyên của em. Nhưng nếu như thế thì anh lại không phải là GEORGE EDWARD CHALLENGER. Có rất nhiều người tốt nhưng chỉ có một G.E.C mà thôi vì vậy hãy biết quý trọng ông ta hơn nữa.
Đột nhiên ông giáo sư hôn bà vợ một cách rất nồng nàn. Tôi cảm thấy ngượng trước cử chỉ đó, thậm chí ngượng hơn cả lúc chứng kiến sự hung hãn của ông ta.
– Nào cậu Malone! – Ông Challenger tiếp tục với vẻ mặt rất cao đạo – Xin mời cậu đi theo đường này.
Chúng tôi cùng bước vào căn phòng mà trước đó mười phút còn là nơi đánh lộn tơi bời. Ngài giáo sư cẩn thận đóng cánh cửa sau lưng lại, dẫn tôi đến một chiếc ghế tựa và đưa một hộp xì gà mời tôi.
- Xì gà San Juan Colorado chính hiệu đấy – Ông ta nói – Những người tuổi trẻ năng động như cậu cần một chút chất narcotics. Lạy chúa! Đừng cắn! Phải cắt, cắt với lòng sùng kính. Nào, hãy ngồi ngả người ra và lắng nghe những gì tôi nói. Nếu cậu thấy có điều gì cần bàn luận thì hãy nhớ và chờ thời điểm thuận lợi.
- Trước hết là vì việc tôi đã trục xuất cậu ra khỏi nhà tôi một cách chính đáng – Ông giáo sư nói và vểnh bộ râu dài lên, mắt nhìn tôi như có vẻ thách thức - … vì việc cậu bị tống cổ chính đáng ra khỏi nhà tôi. Lý do nằm ngay trong câu trả lời của cậu dành cho tay cảnh sát nhiễu sự nhất trần đời… Chính vì câu trả lời của cậu mà tôi đã có một chút thiện cảm về cậu. Tôi đã quá quen với bọn nhà báo các cậu. Cậu phải thừa nhận rằng lỗi thuộc về cậu nhưng cách xử lý tình huống của cậu lúc đó cùng với cách nhìn nhận vấn đề khoáng đạt của cậu đã giành được cảm tình của tôi. Đẳng cấp của cậu thấp hơn đẳng cấp của tôi. Nhưng những lời lẽ của cậu đã chứng minh điều đó không hẳn đúng. Cậu đã làm tôi suy nghĩ một cách nghiêm túc hơn. Vì tất cả những nguyên nhân đó tôi đã yêu cầu cậu quay trở lại đây bởi vì tôi sẵn lòng kết bạn với cậu. Đề nghị cậu gạt tàn thuốc vào cái gạt tàn Nhật Bản đặt trên chiếc bàn tre bên tay trái kia!
Ông ta nói với tôi cứ như đang giảng bài trước lớp học của mình vậy. Ông ta đường bệ trên chiếc ghế xoay và quay về phía tôi. Cái cách ông ta ngồi trên ghế khiến tôi liên tưởng đến một con cóc cụ vênh váo và tự đắc, mặt ngửa lên trời, mắt khép hờ vẻ ngạo đời. Bỗng nhiên ông ta quay đi để lộ mái tóc bù xù, đôi tai đỏ vểnh ra ngoài. Ông ta đang loay hoay với một đống giấy trên bàn sau đó quay lại phía tôi với một cuốn sách rách tả tơi như một tập giấy lộn trên tay.
- Tôi sẽ nói với cậu về Nam Mỹ - Ông ta nói – Đề nghị cậu không bình luận gì thêm. Trước tiên tôi muốn lưu ý với cậu một điều rằng cậu sẽ không được công bố những gì tôi nói cho mọi người biết trừ phi có sự cho phép của tôi. Và cậu hãy nhớ, tôi sẽ không đời nào cho phép đâu! Cậu đã rõ chưa nào?
- Điều đó thật là khó! – Tôi nói – Một lý do chính đáng thì sẽ phải làm.
Ngài Challenger cầm cuốn vở trên bàn và nói:
- Thế thì thôi nhé! Chúc cậu một buổi sáng tốt lành!
- Không! Không! - Tôi kêu lên – Tôi xin chấp thuận bất kỳ điều kiện nào của ngài. Miễn là tôi có thể được nghe ngài nói. Tôi không có sự lựa chọn nào khác!
- Hiển nhiên rồi! – Ông ta đế thêm vào.
- Thôi! Tôi xin hứa!
- Lời hứa danh dự?
- Lời hứa danh dự! – Tôi khẳng định.
Ông giáo sư nhìn tôi bằng ánh mắt gườm gườm.
- Rốt cuộc thì tôi lại chưa biết cậu có tư cách gì mà lại hứa một lời hứa danh dự với tôi!
- Tôi dám nói rằng… - Tôi tức giận kêu lên – Ngài đã đi quá xa rồi đấy! Từ thuở bé tôi chưa bị ai lăng mạ như vậy đâu!
Ông giáo sư kỳ quặc nhìn tôi với vẻ thích thú chứ không có vẻ gì giận dữ.
- Đầu tròn! – Ông ta lẩm bẩm - … ngắn, mắt xám, tóc đen. Có lẽ cậu là một tay thuộc giống người Negroid. Chắc cậu là người Celtic?
- Thưa ngài! Tôi là một người Ai-len!
- Người Ai-len? – Ông ta kinh ngạc hỏi lại.
- Vâng! Thưa ngài!
- Bề ngoài của cậu đã giải thích điều đó! Để tôi xem nào! Cậu đã hứa với tôi rằng cậu tôn trọng ý nguyện của tôi? Tôi muốn nói với cậu rằng ý nguyện của tôi còn lâu mới hết. Tôi sẽ kể cho cậu một vài điểm có thể sẽ làm cậu hứng thú! Trước tiên cậu cần phải biết rằng tôi đã làm một chuyến sang Nam Mỹ hai năm về trước – một chuyến đi phải nói rằng đã trở thành kinh điển trong lịch sử khoa học của thế giới. Mục đích chính của chuyến đi là tôi muốn làm rõ thêm một vài điểm trong các luận đề của Wallace và Bates đã đưa ra trước đó vì tôi nghĩ rằng chỉ có thể nhận định chính xác vấn đề khi đã trực tiếp tiếp xúc với thực tế. Chỉ việc tôi đặt chân lên đất Nam Mỹ cũng cho thấy chuyến đi của tôi thành công rồi, nhưng hơn thế nữa một sự việc kỳ lạ đã xảy ra ngoài dự đoán.
“Ở độ tuổi chưa được giáo dục đầy đủ như cậu đây thì chắc cậu cũng chỉ láng máng rằng, một vài quốc gia quanh lưu vực sông Amazon đã được con người văn minh đặt chân tới, rằng có vô số các nhánh sông đổ ra con sông cái Amazon (trong đó phần lớn chưa có tên trên bản đồ). Nhiệm vụ của tôi là thăm dò khu vực này và nghiên cứu hệ động vật ở đây nhằm cung cấp thêm tư liệu để tôi hoàn thành nốt mấy chương trong cuốn sách đang viết về động vật học – một cuốn sách để đời mà tôi còn đang dở dang. Khi công việc đã hoàn tất và trước khi quay về, tôi ngủ lại một đêm tại một làng nhỏ của người da đỏ nơi có một nhánh sông đổ ra sông cái mà tên của nó tôi không muốn nói ra ở đây. Ngôi làng đó thuộc bộ tộc da đỏ Cucama – một tộc người hiền lành nhưng kém văn minh hơn các bộ tộc khác. Họ là một tộc người mà trình độ có lẽ không hơn nổi một người Luân Đôn cỡ trung bình. Trên đường đi ngược lên thượng nguồn dòng sông tôi đã chữa bệnh cho họ và cũng đã gây được thiện cảm đáng kể. Họ đề nghị tôi chữa bệnh cho một người thân của họ. Tôi bèn theo tù trưởng về một trong những căn lều của ông ta. Khi vào trong lều tôi nhận ra người bệnh mà họ muốn tôi chữa chạy đang thở hắt ra. Thật ngạc nhiên khi tôi nhận ra rằng người này không phải là một người da đỏ mà là một người da trắng thuần chủng với mái tóc màu vàng nhạt. Người ấy có những đặc điểm của một người mang chứng bạch tạng. Quần áo của anh ta rách tả tơi, gầy rộc, cử chỉ vô cùng khó nhọc. Đến đây tôi hiểu ra người đàn ông này là một người hoàn toàn xa lạ đối với dân làng ở đây. Anh ta đã một mình đi tới bộ tộc này và hiện đang trong tình trạng kiệt sức.
“Tôi thấy cái ba lô của người đàn ông này được để cạnh chiếc ghế dài vì vậy tôi đã lục tìm vài thứ trong đó. Tên của ông ta được viết trên một miếng giấy gắn ở quai ba lô: Maple White – Đại lộ Lake, Detroit, bang Michigan. Đó là một cái tên mà mỗi lần tôi nghe thấy đều phải ngả mũ. Thật không quá khi nói rằng cái tên đó có thể đứng ngang hàng với cái tên của tôi.
“Từ những gì phát hiện trong ba lô của người đàn ông nọ, tôi nhận định rằng đây là một nghệ sĩ và cũng là một nhà thơ. Tôi còn đọc được một vài câu thơ mà anh ta viết ra trên một tấm giấy. Tôi không rành lắm cái khoản thơ phú nhưng cũng đủ để thấy rằng đó là những vần thơ không tầm thường chút nào. Tôi cũng phát hiện ra mấy bức tranh vẽ phong cảnh sông nước, một hộp thuốc màu, mấy hộp phấn màu, vài cây cọ vẽ, một mẩu xương cong mà tôi đang để trên giá để bút mực kia kìa, một tập sách của Baxter có tên Sâu và bướm, một khẩu súng côn loại rẻ tiền, mấy hộp đạn. Còn những vật dụng cá nhân khác thì tuyệt nhiên không thấy. Lúc ấy tôi nghĩ có lẽ anh ta đã đánh mất trong chuyến đi của mình. Đó là toàn bộ những gì tôi phát hiện về anh chàng lãng tử này.
“Tôi đang định quay đi thì chợt phát hiện một vật gì đó nhô ra khỏi chiếc áo jacket rách nát mà anh ta đang mặc. Đó chính là cuốn vở này. Lúc đó nó cũng rách nát như cậu thấy đây. Tôi muốn nói với cậu rằng tôi đã giữ gìn và bảo quản nó còn cẩn thận hơn cả di cảo tác phẩm đầu tay của Shakespears. Tôi sẽ đưa cho cậu và muốn cậu giở từng trang để xem trong đó viết những gì.
Ông Challenger châm một điếu xì gà và ngả người ra phía sau, đôi mắt nghiêm nghị pha lẫn dữ tợn theo dõi phản ứng của tôi khi đọc cuốn vở.
Tôi mở cuốn vở ra và hy vọng phát hiện một điều gì đó rất mới mẻ mặc dù tôi cũng chưa tưởng tượng được đó là cái gì. Trang đầu tiên làm tôi thất vọng vì nó chỉ là một bức tranh vẽ một người đàn ông to béo mặc một cái áo va-rơi với dòng đề tựa: “Jimmy Clover trên tàu chở thư” được viết bên dưới. Tiếp theo là một số trang vẽ ký họa người da đỏ và cuộc sống của họ. Tiếp theo là hình vẽ chân dung một giáo sĩ to béo đang tươi cười đội mũ rộng vành và đối diện ông ta là một người Châu Âu gầy gò, dưới bức tranh là dòng đề tựa “Ăn trưa với Fra Cristofero ở Rosario”. Mấy trang tiếp theo viết về phụ nữ và trẻ em. Tiếp đến là một loạt bức vẽ các con vật với các tiêu đề như: Lợn biển trên bãi cát, Rùa đẻ trứng, Ajouti (Ajouti là một loài động vật giống như con lợn). Cuối cùng là hai trang viết về loài thằn lằn mõm dài xấu xí. Tôi chẳng thấy gì đặc biệt trong cuốn vở đó. Tôi nói với giáo sư suy nghĩ của tôi.
- Chỉ có cá sấu là không có trong này thôi.
- Cá sấu! Cá sấu! Ở Nam Mỹ mà không có cá sấu…
- Ý tôi muốn nói rằng tôi chẳng thấy gì là đặc biệt cả - chẳng có gì giống như những gì ngài đang nói với tôi cả.
- Thế thì cậu hãy thử giở trang tiếp theo xem sao! – Ông giáo sư nói.
Tôi vẫn không thể nào hiểu được ông ta. Trang tiếp theo là một bức tranh phong cảnh được vẽ với một tông màu mạnh mẽ, một phong cách thường thấy ở những họa sĩ hay vẽ các bức tranh ngoài trời sau đó về nhà trau chuốt lại. Trên bức tranh tôi thấy cận cảnh là một thảm cỏ màu xanh nhạt mịn như nhung chạy vòng theo triền dốc thoai thoải. Xa xa là triền núi đá màu đỏ sậm có đan thêm những đường kẻ bazan. Triền núi đá chạy ngang bức tranh. Một ngọn núi hình chóp đứng chơ vơ, trên đó có một cái cây. Ngọn núi bị chẻ ngang từ trên đỉnh suốt dọc sườn núi. Phía sau dãy núi là bầu trời nhiệt đới xanh thẳm. Một hàng cây màu xanh nhạt chạy dọc theo sườn núi lên tới tận đỉnh. Trang sau là một bức tranh vẽ cảnh tương tự nhưng ở góc độ gần hơn vì vậy người xem có thể nhìn thấy mọi thứ trong bức tranh rõ ràng hơn.
- Thế nào? – Ông giáo sư hỏi tôi.
Đúng là một hình dạng kỳ lạ! – Tôi nói – nhưng tôi không phải là nhà nghiên cứu địa lý để nhận xét được vẻ đẹp của nó!
- Vẻ đẹp thôi ư? – Ông ta nói – Đó là một hình dạng có một không hai. Không thể tin nổi. Không ai có thể tưởng tượng đến điều này. Hãy xem trang kế tiếp!
Tôi lật trang tiếp theo và chợt thấy vô cùng ngạc nhiên. Đó là một bức tranh vẽ một sinh vật kỳ lạ chưa từng thấy. Tôi như đang trong trạng thái của một người say thuốc phiện, đang trong cơn mê giữa đời sống thực. Đầu của sinh vật kỳ lạ đó trông giống như đầu một con gà, thân hình giống như một con thằn lằn béo múp, cái đuôi dài đầy gai vểnh lên cao. Cái lưng cong được trang trí thêm bởi những tua riềm trông giống như hàng chục cái yếm thịt ở cổ con gà tây xếp lại với nhau. Trước hình con vật kỳ lạ này là hình một người lùn với dáng vẻ rất buồn cười đang đứng nhìn trân trân vào con vật nọ.
- Cậu nghĩ sao về cái hình này? – Ngài giáo sư kêu lên, hai tay xoa vào nhau vẻ đắc thắng.
- Trông thật quái dị!
- Nhưng vấn đề là cái gì đã khiến anh ta vẽ hình của con vật đó?
- Để đổi lấy rượu gin thôi mà! Tôi nghĩ thế!
- Ồ! Cậu nghĩ kỹ chưa đấy!
- Thế ngài nghĩ sao?
- Trước hết tôi nghĩ hình vẽ này chứng tỏ một điều rằng con vật kỳ dị kia đang tồn tại trên trái đất của chúng ta. Chắc chắn rằng hình vẽ kia được vẽ từ thực tế chứ không phải do trí tưởng tượng.
Suýt nữa tôi bật cười khi xem lại bức tranh.
- Không nghi ngờ gì nữa -  tôi nói giống như người ta đang chế giễu một ai đó ngốc nghếch - Không nghi ngờ gì nữa. Thú thực với ngài rằng cái hình người bé xíu kia làm tôi rối cả trí. Nếu đó là một người da đỏ thì chúng ta có thể kết luận được rằng hắn chẳng qua là một người thuộc bộ tộc lùn Picmê sống tại châu Mỹ, nhưng nhìn cái mũ mà hắn đang đội thì đích thị là một người châu Âu.
Ngài giáo sư khịt mũi như một con trâu đang trong cơn giận dữ.
- Đủ rồi đấy! Cậu làm tôi mở mắt về những điều có thể trong thế giới này. Thật là một kẻ bị liệt não, tư duy ì ạch!
Trông ông ta buồn cười đến nỗi những gì ông ta nói không làm tôi giận chút nào. Thực ra tôi đã tự rút ra cho mình một bài học rằng nếu mình tức giận những người như ông giáo sư này thì mình cả đời sẽ phải tức giận mà thôi. Tôi mỉm cười nhẹ nhàng và nói với ông ta:
- Hình dạng nhỏ xíu của thằng người trong tranh đã làm tôi choáng!
- Hãy nhìn đây! - Ngài giáo sư kêu lên và nhoài người ra phía trước, giơ ngón tay như một cái xúc xích to tướng chỉ vào bức tranh - Cậu có nhìn thấy cái đằng sau con vật không? Tôi chắc rằng cậu đang nghĩ đó là một cây bồ công anh Trung Quốc hoặc một cây cải Bruxenchứ gì? Sai bét! Đó chính là một cây cọ ngà voi đấy. Loài cây này có thể cao tới năm mươi đến sáu mươi feet. Cậu không thấy tay họa sĩ kia được đặt ở đây là có mục đích cả sao? Trong thực tế thì anh ta làm sao có thể đứng trước con quái vật đó để vẽ bức tranh này cơ chứ. Anh ta vẽ hình mình ở đó để tạo ra một phép so sánh về chiều cao. Ta có thể thấy rằng anh ta cao chỉ độ năm feet. Cái cây kia cao gấp mười lần anh ta.
- Trời ạ! – Tôi kêu lên – Thế ngài nghĩ rằng con quái vật đó là… sao nhỉ! Thế thì tổ chức từ thiện Chữ Thập Đỏ thế giới khó mà làm cho con vật này một cái cũi nghiêm chỉnh được!
- Nếu nói không phóng đại lên thì đó là một loài vật rất phát triển! – Ông giáo sư nói với vẻ mãn nguyện.
- Nhưng… - Tôi kêu lên - …kinh nghiệm cho thấy cuộc sống của con người không thể hiện qua một bức tranh. Tôi đã giở thêm mấy trang cuối của cuốn vở và thấy rằng chẳng có gì đặc sắc hơn: một bức tranh được vẽ bởi một họa sĩ lang thang, thậm chí có lẽ anh ta vẽ nó trong lúc đang trong cơn nghiện lá gai dầu, đang trong cơn mê sảng hoặc đơn giản là chỉ để thỏa mãn trí tưởng tượng quái gở của mình mà thôi. Là một nhà khoa học ngài không nên nhìn nhận vấn đề như thế!
Thay cho câu trả lời vị giáo sư lấy một cuốn sách trên giá xuống.
- Đây là một công trình tuyệt diệu mà tác giả của nó là Ray Lankester – một người bạn tài năng của tôi. Minh họa này có lẽ sẽ làm cho cậu thích thú. Cậu xem đi, dòng chữ bên dưới là: Cuộc sống của loài khủng long Stegosaurus kỷ Jurassic, chỉ riêng chân sau của nó cũng đã cao gấp đôi một người bình thường. Nào! Cậu thấy thế nào?
Giáo sư đưa cuốn sách được mở sẵn cho tôi. Tôi giật mình khi nhìn vào bức tranh. Con vật từ thời tiền sử được tái dựng lại giống con vật trong bức vẽ mà ông Challenger đưa cho tôi xem trước đó một cách không ngờ.
- Thật đáng chú ý! – Tôi nói.
- Thế nhưng cậu vẫn chưa chấp nhận ý kiến của tôi?
- Rất có thể đó là một sự trùng hợp ngẫu nhiên hoặc cũng có khi do chàng họa sĩ người Mỹ kia đã tình cờ nhìn thấy bức tranh con vật này và vẽ lại theo trí tưởng tượng. Trong khi mê sảng những ý nghĩ quá khứ rất hay hiện về.
- Rất tốt! – Giáo sư nói với vẻ khoan dung – Chúng ta hãy gác lại vấn đề đó sau nhé. Bây giờ tôi muốn cậu nhìn mảnh xương này xem sao!
Nói rồi ông đưa cho tôi miếng xương mà tôi đã có dịp kể cho các bạn biết rằng đó là một trong những thứ Giáo sư Challenger lấy trong ba lô của tay họa sĩ nọ. Miếng xương dài sáu inch và dầy hơn ngón tay cái của tôi, đầu khúc xương có một vài đặc điểm cho thấy dấu hiệu của sụn.
- Thế cậu nghĩ miếng xương này là của loài động vật nào trên trái đất chúng ta? – Giáo sư hỏi.
Tôi xem xét mẩu xương kỹ lưỡng và cố lục lại trí nhớ xem có biết được điều gì liên quan đến mẩu xương này không.
- Rất có thể đây là một cái xương quai xanh cỡ lớn của một người nào đó! – Tôi nói.
Ông Giáo sư phẩy tay phản đối, thái độ tỏ vẻ khinh bỉ.
- Xương quai xanh của người thì cong còn cái này thì lại thẳng. Những vết rạn trên bề mặt của nó chứng tỏ có vết của gân bao bọc quanh nó mà ta đều biết các loại xương đòn thì làm gì có gân.
- Thế thì tôi thú thật với ngài rằng tôi không thể biết nó là gì!
- Cậu không nên xấu hổ về kiến thức kém cỏi của mình bởi vì tôi cho rằng ngay cả các giáo viên trường Nam Kensington cũng không thể đoán được nó là cái gì – Giáo sư Challenger nói rồi lôi một miếng xương dài cỡ quả đậu đũa ra hỏi cái hộp đựng thuốc – Tôi cho rằng mẩu xương người này tương tự như mẩu xương mà cậu đang cầm trên tay. Điều này sẽ gợi cho cậu một ý niệm nào đó về kích cỡ của sinh vật này. Nhìn vào miếng sụn ở đầu mẩu xương này thì ta thấy rằng không có dấu vết của hóa thạch mà ngược lại mẩu xương này còn rất mới. Cậu thấy thế nào?
- Chắc đó là xương của một con voi…
Giáo sư nhăn mặt vẻ đau đớn.
- Đừng! Đừng nói đến voi ở Nam Mỹ. Thậm chí đến đứa học trò còn đang học trong trường nội trú cũng biết điều đó!
- Ồ! – Tôi cắt ngang – Rất có thể là một con thú Nam Mỹ cỡ lớn như heo vòi chẳng hạn.
- Chàng trai trẻ! Cậu có thể cho rằng tôi ỷ vào chuyên môn động vật học của mình. Nhưng đây không phải là xương heo vòi hay bất cứ một loài động vật nào mà ta từng biết. Đây là xương của một loài động vật rất lớn, rất khỏe, của một loài động vật dữ tợn tồn tại trên trái đất nhưng chưa được giới nghiên cứu khoa học biết tới. Cậu có còn điều gì hoài nghi nữa hay không?
- Ít ra thì tôi cũng bắt đầu thấy mình bị cuốn hút!
- Thế thì cũng chưa đến nỗi thất vọng lắm. Tôi cảm thấy rằng cậu đang sắp hiểu ra vấn đề rồi đấy vì vậy tôi sẽ cố gắng giải thích cho cậu hiểu. Thôi hãy tạm gác lại câu chuyện về anh chàng người Mỹ đã chết kia đi và tiếp tục với câu chuyện của tôi. Cậu hãy tưởng tượng rằng sẽ rất khó khăn nếu bắt tôi rời khỏi những ý nghĩ về vùng Amazon. Có một vài dấu hiệu về nơi xuất phát của anh chàng người Mỹ kia. Những huyền thoại của người da đỏ đã gợi ý cho tôi về điều đó vì trong suốt chuyến đi qua các bộ tộc theo dòng sông Amazon tôi được nghe nhiều lời đồn đại về một vùng đất lạ. Cậu đã bao giờ nghe nói đến Curupuri?
- Chưa bao giờ!
- Curupuri là một con ma rừng, là một đối tượng đáng sợ, ai cũng phải rợn tóc gáy khi nghe nói đến. Không ai có thể miêu tả cụ thể hình dạng cũng như bản chất của nó nhưng nó làm các bộ tộc trên dọc lưu vực sông Amazon khiếp sợ. Curupuri sống trên quãng đường anh chàng người Mỹ đã đi tới làng của các bộ tộc đó. Có một điều gì rất khủng khiếp ở đó. Và nhiệm vụ của tôi là tìm hiểu xem đó là cái gì.
- Ngài đã làm những gì?
Sự nghi ngờ ban đầu của tôi hoàn toàn biến mất. Cái ông Giáo sư to như hộ pháp này có khả năng thu hút sự chú ý cũng như sự tôn trọng của người khác.
- Tôi đã thuyết phục được thổ dân ở đó bởi ban đầu họ tỏ ra rất miễn cưỡng. Sự miễn cưỡng thể hiện cả ở những lúc họ nói chuyện về đề tài này. Bằng khả năng thuyết phục tài tình, bằng quà cáp, bằng sự giúp đỡ thậm chí tôi cũng xin thú thật rằng đôi lúc tôi đã phải đe dọa, cuối cùng cũng có được hai thổ dân đồng ý đi dẫn đường. Sau nhiều chuyến phiêu lưu mạo hiểm thiết nghĩ cũng chẳng nên kể ra ở đây làm gì, một quãng đường dài theo tôi cũng không cần đề cập đến và theo một hướng mà tôi xin được giữ kín, cuối cùng chúng tôi đến một vùng đất chưa bao giờ được nhắc tới. Cậu hãy nhìn vào đây!
Nói rồi ông đưa cho tôi một tấm ảnh cỡ nhỏ.
- Tấm ảnh đã bị ố bởi một lần khi đang đi trên sông, thuyền của tôi đã bị lật và cái hòm đựng phim chưa tráng của chúng tôi bị vỡ. Gần như toàn bộ số phim bị hỏng. Đây là một số ít trong những tấm ảnh còn sót lại. Chắc cậu nghĩ rằng tôi đang dùng lý do để lừa dối cậu điều gì đó. Tôi chẳng muốn tranh cãi với cậu rằng điều đó đúng hay sai.
Đó là bức ảnh đã bị ố hết màu. Nhìn vào hình ảnh lờ mờ đó người ta có thể đoán được đó là cái gì. Hình như đó là một bức ảnh chụp phong cảnh màu xám mà dần dần tôi đã nhìn ra được. Trong bức ảnh là một vách đá rất cao với một thác nước xa xa, một triền cây xanh mọc thoai thoải.
- Tôi nghĩ rằng bức ảnh này giống với bức tranh trong cuốn vở mà ông vừa cho tôi xem. – Tôi nói.
- Chính nó đấy! – Ngài giáo sư trả lời – Tôi còn thấy cả dấu vết của tay họa sĩ lang thang đó. Nào bây giờ hãy nhìn vào đây!
Mặc dù bức ảnh không rõ như tôi đã nói nhưng cũng nhận ra một mũi đá dựng đứng mọc đầy cây.
- Đúng rồi!
- Tốt rồi! Chúng ta tiếp tục nhé? Cậu hãy chú ý cái chóp của mũi đá xem! Cậu có nhìn thấy gì đấy không?
- Một cái cây rất to!
- Nhưng trên cái cây cơ?
- Một con chim rất lớn. – Tôi nói.
Ông Giáo sư đưa cho tôi một chiếc kính lúp.
Tôi nhìn bức ảnh qua cái kính lúp Giáo sư vừa đưa và nói:
- Đúng rồi! Một con chim khổng lồ đang đậu trên cây. Nó có cái mỏ rất to. Rất có thể đó là một con bồ nông!
- Thị lực của cậu chán lắm! – Giáo sư nói – Đó không phải là một con chim bồ nông mà cũng không phải là một con chim. Có thể cậu sẽ cảm thấy thích thú khi biết rằng tôi đã bắn được con vật đó. Đó là chiến công duy nhất mà tôi có thể mang về nhà!
- Ngài vẫn còn giữ nó chứ?
- Tôi đã mang nó về nhưng thật không may tôi đã bị mất trong chuyến lật thuyền cùng với những cuộn phim. Tôi đã ôm chặt lấy nó khi chiếc thuyền bị lật nhưng cuối cùng chỉ giữ được một phần của cái cánh bên trái. Tôi gần như bất tỉnh nhưng thật may một phần nhỏ của chiến lợi phẩm tuyệt diệu đó vẫn còn trong tay tôi. Bây giờ nó đang ở trước mặt cậu đây!
Nói rồi ông ta lấy từ trong ngăn kéo một thứ trông giống như một mảnh xương đuôi của một con dơi cỡ lớn. Đó là một mảnh xương cong dài ít nhất là hai feet với một lớp màng dính ở phía dưới.
- Một con dơi khổng lồ! – Tôi bình luận.
- Hoàn toàn không phải! – Giáo sư nói với vẻ mặt nghiêm nghị – Là người luôn sống trong môi trường nghiên cứu khoa học và có văn hóa tôi không thể chấp nhận việc ai đó bỏ quên các nguyên tắc cơ bản của động vật học. Làm thế nào mà cậu lại không biết những kiến thức cơ bản của môn giải phẫu học so sánh cơ chứ. Chẳng lẽ cậu lại không biết rằng cánh của chim chẳng qua là hai chi trước đã bị biến hóa còn cánh của con dơi có ba ngón dài được dính với nhau bởi các màng hay sao. Hãy nhìn miếng xương này mà xem! Nó hiển nhiên không phải là chi trước và cậu cũng thấy một đặc điểm là chỉ có một miếng màng dính vào một mảnh xương đòn duy nhất hay sao. Chính vì vậy đây cũng không phải là cánh của một con dơi như cậu nói. Nhưng nếu như nó không phải là dơi không phải chim thì nó là con gì?
Cái đầu tôi gần như muốn nổ tung.
- Tôi thật sự không biết! Thưa ngài! – Tôi nói.
Giáo sư mở cuốn vở mà ông đã cho tôi xem trước đó và nói:
- Đây này – ông nói và lấy tay chỉ bức tranh con quái vật khổng lồ biết bay - đây là một bản sao tuyệt hảo của loài lưỡng hình hay còn gọi là loài thằn lằn có cánh, một loài bò sát biết bay của kỷ Jura. Trang sau có vẽ cơ chế hoạt động của bộ cánh. Nào hãy so sánh nó với cái vật mà cậu đang cầm trong tay mà xem.
Một cảm giác kinh ngạc choáng hết tâm trí tôi. Tôi đã hoàn toàn bị thuyết phục và không tài nào mà dứt cái ý nghĩ này ra khỏi đầu được. Các bằng chứng thuyết phục mỗi lúc một chất đầy thêm. Bức vẽ, những bức ảnh, câu chuyện của ông Giáo sư và một mẫu vật đang cầm trong tay, tất cả đã được chứng minh. Giáo sư ngồi ngả người trên ghế với đôi mắt khép hờ, miệng nở một nụ cười rộng lượng.
- Đây là một điều kỳ lạ nhất mà tôi từng được gặp – Tôi nói với giọng điệu của một nhà báo hơn là của một người hứng thú với khoa học – Thật kỳ diệu. Nghe giống như một Cô-lôm-bô trong lĩnh vực khoa học đã phát hiện ra những miền đất chưa ai đặt chân tới. Tôi thực sự cảm thấy rất tiếc nếu như có lúc tôi đã nghi ngờ ngài. Điều này thật không thể tưởng tượng nổi. Khi chứng kiến tất cả những điều này tôi đã bị chinh phục hoàn toàn và tôi nghĩ bất kỳ ai đi chăng nữa nếu được chứng kiến như tôi cũng sẽ có cảm giác tương tự.
Giáo sư tỏ vẻ hài lòng.
- Thưa ngài! Thế câu chuyện tiếp diễn như thế nào?
- Lúc ấy là mùa mưa cậu Malone ạ, và lương thực dự trữ sắp cạn. Tôi đã thám hiểm một phần mỏm núi đá kỳ vĩ này. Vì thấy rằng không tài nào có thể đo được nó. Mỏm đá hình kim tự tháp – nơi mà tôi bắn được con thằn lằn bay có vẻ dễ leo hơn. Là một người biết chút ít về kỹ thuật leo núi, tôi đã cố mãi mới leo lên được nửa ngọn núi. Từ độ cao đó tôi lại phát hiện ra rằng đỉnh của vách núi kia lại là một vùng mặt bằng rộng lớn đầy cây cối rậm rạp, đầy rắn, côn trùng và mầm bệnh sốt rét vàng da. Nó là sự bảo vệ thiên nhiên cho chính cuộc sống vùng này.
- Giáo sư có thấy dấu vết của cuộc sống con người trên đó hay không?
- Không! Chàng trai trẻ ạ! Nhưng một tuần liền cắm trại dưới chân núi chúng tôi thường nghe vọng xuống những tiếng động rất lạ.
- Nhưng ngài có kiến giải gì thêm về con vật mà tay họa sĩ người Mỹ ấy vẽ không?
- Chúng ta chỉ có thể đoán rằng anh ta đã trông thấy nó khi leo lên đỉnh núi. Như vậy có thể khẳng định rằng có một con đường dẫn lên đỉnh núi. Và chắc chắn đó phải là một con đường rất hiểm trở chứ nếu không con quái vật đó đã hủy diệt hết các khu vực dưới chân núi rồi. Cậu rõ rồi chứ?
- Nhưng làm thế nào mà chúng có thể lên trên đó được?
- Tôi không nghĩ rằng vấn đề đó lại không có lời giải đáp - Giáo sư đáp - Chỉ có một câu giải thích duy nhất. Đó là: Nam Mỹ là một châu lục được kiến tạo bởi hầu hết là đá Granite. Có lẽ là cậu đã từng được nghe đâu đó. Vào một thời điểm xa xôi nào đó trong quá khứ, ngay tại nơi này chính là miệng núi lửa. Những vách núi này có lẽ là bằng đá bazan. Đây là một khu vực còn nguyên vẹn từ thời đó, được nâng lên cao hơn hẳn so với xung quanh và được cắt một góc thẳng đứng bởi các vách núi đá. Từ đó điều gì sẽ xảy ra? Tại sao các quy luật của tự nhiên lại không có tác dụng tại khu vực này? Người ta đã tốn rất nhiều công sức để đánh giá các tác động của cuộc đấu tranh sinh tồn trên trái đất này và những công trình nghiên cứu đó chỉ mang tính chất tương đối mà thôi. Sinh vật sẽ tồn tại nếu như nó chiến thắng trong cuộc chiến sinh tồn. Cậu có thấy rằng cả loài thằn lằn bay và khủng longStegosaurus cũng thuộc kỷ Jura không? Vì vậy ta có thể nói rằng kỷ Jura là một thời kỳ vĩ đại trong tiến trình lịch sử của trái đất. Sinh vật sống trên đỉnh núi kia đã được bảo tồn do những yếu tố ngẫu nhiên của tự nhiên.
- Cứ cho rằng những chứng cớ của ngài là rõ ràng thì ngài phải đệ trình chúng trước các cơ quan thẩm quyền chứ!
- Theo suy nghĩ đơn giản của tôi thì… - Giáo sư nói vẻ cay đắng - …tôi chỉ có thể nói với cậu rằng tôi gặp phải một lũ vô tích sự luôn hoài nghi những gì tôi nói, chúng đã ngu ngốc lại hay ghen ghét những thành tích mà tôi đạt được. Tính tôi không thích quỵ lụy, khép nép trước bất cứ ai, vả lại tôi cũng chẳng muốn chứng minh nếu có ai đó nghi ngờ những gì tôi nói. Có một lần tôi cũng thử làm như cậu nói nhưng tôi đã nhanh chóng căm ghét cái đề tài đó tới nỗi bây giờ tôi cũng không muốn nhắc tới nó nữa. Khi mà có một ai đó đại diện cho cái xã hội tò mò xấu xa bên ngoài đến đây phá yên sự yên tĩnh của tôi thì tất nhiên tôi không thể tiếp đón họ bằng lòng hiếu khách được, trường hợp của cậu vừa rồi là một ví dụ. Khi bị kích động tôi rất dễ nổi khùng và sẽ tỏ ra thô bạo với mọi người. Tôi sợ rằng cậu sẽ nhớ mãi cách đối xử trước đây của tôi đối với cậu.
Tôi chớp chớp mắt và im lặng.
- Vợ tôi luôn phản đối kịch liệt việc đó và tôi cũng biết rằng tất cả những người đàn ông đáng kính sẽ phản đối cách xử sự của tôi. Tối hôm nay tôi sẽ cho cậu thấy khả năng kiềm chế cảm xúc tuyệt vời của tôi như thế nào. Tôi muốn mời cậu xem buổi diễn thuyết của tôi! – Giáo sư trao cho tôi một tấm danh thiếp ma fông để trên mặt bàn – Cậu sẽ được nghe Percival Waldron – một nhà tự nhiên học phát biểu vào lúc tám giờ ba mươi tại hội trường Viện Động Vật học về các vấn đề Các thời kỳ phát triển của trái đất. Tôi là khách mời đặc biệt và được vinh hạnh đọc lời đáp lễ ngài Percival. Tranh thủ lúc đó tôi sẽ khéo léo nêu lên các luận điểm của mình trước cử tọa để gây nên sự chú ý và chắc chắn sau đó sẽ khiến mọi người quan tâm nhiều hơn. Cậu nên hiểu rằng không có gì đáng ngại cả mà ngược lại người ta sẽ chỉ quan tâm đến những gì tôi nói mà thôi. Tôi sẽ cố gắng tự kiềm chế mình và xem xem nếu như tôi kiềm chế tốt bản thân thì kết quả sẽ đi đến đâu.
- Tôi có thể tham dự buổi hôm đó chứ? – Tôi hỏi với vẻ háo hức.
- Tại sao không?
Giáo sư trả lời với thái độ thân thiện. Dáng vẻ to lớn quá khổ của ông lúc này lại gây cho tôi cảm giác thân tình trái hẳn với cách xử sự hung hãn ban đầu. Nụ cười mãn nguyện của Giáo sư trông thật đẹp, hai má ông ta tự nhiên đỏ như hai quả táo, hai mắt ông nhắm nghiền và bộ râu thì đen và rậm rạp.
- Bằng bất cứ giá nào cậu cũng phải đến! Thật vinh hạnh cho tôi nếu tôi có một đồng minh trong hội trường mặc dù người đồng minh của tôi có thể sẽ mù tịt về những gì tôi nói. Tôi đoán rằng mọi người sẽ đến rất đông để nghe Waldron nói vì Waldron có rất nhiều người hâm mô mặc dù theo tôi hắn chẳng qua là một kẻ lừa bịp mà thôi! Thôi nào cậu Malone! Tôi đã dành cho cậu quá nhiều thời gian rồi đấy. Một cá nhân như cậu không thể độc chiếm riêng tôi – một con người của thế giới. Tối nay tôi rất vui sẽ được gặp cậu tại hội thảo. Nhân tiện tôi cũng muốn cậu hiểu rằng tôi không muốn cậu phổ biến bất kỳ thông tin nào tôi vừa nói với cậu ra công chúng.
- Nhưng thưa Giáo sư! Ngài McArdle – chủ bút của tôi muốn tôi báo cáo lại những gì tôi đã làm ở đây!
- Cậu cứ nói bất cứ điều gì cậu muốn. Này! Mà cậu cứ nói với ông ta rằng nếu ông ta cử bất kỳ một kẻ nào đến nhà tôi thì tôi sẽ đến ngay tòa soạn với một cái roi ngựa đấy! Thôi được cậu muốn làm gì cũng được nhưng miễn là đừng tiết lộ những gì tôi vừa nói lên mặt báo đấy! Tốt lắm! Tám giờ ba mươi tối nay có mặt tại hội trường viện Động Vật học nhé!
Giáo sư Challenger vẫy tay tạm biệt tôi, hai má ông đỏ ửng, bộ râu rậm rì, đôi mắt nheo nheo vẻ độ lượng.
Ấn tượng cuối cùng còn lưu lại trong tôi, là đôi má đỏ rực, chòm râu quăn xanh, đôi mắt cố chấp của ông, khi ông xoa tay tiễn tôi ra khỏi phòng