CHƯƠNG 12

Châu Đan Lệ nói là làm ngay, ngày hôm đó, nàng dọn vào ở trong khu ký túc xá nữ. Nàng gọi điện thoại báo tin cho cha mẹ, sáng sớm ngày hôm sau, ông bà cùng nhau đi đến La Mã. Châu Bồi Đức là một người rất thực tế, từ trước đến nay, bao giờ ông cũng làm việc có kỷ luật, có quyết đoán, có kế hoạch, đồng thời vô cùng tỉ mỉ, chu đáo. Ông không bao giờ ngờ rằng mình lại sinh ra một đứa con gái giống như Đan Lệ! Không sợ trời, không sợ đất, tính tình lại có vài phần ngông cuồng, vài phần hoang dại, vài phần trẻ con, vài phần nganh ngạnh và một trăm phần trăm nhiệt tình, sôi nổi! Đứa con gái này, từ khi còn là một đứa trẻ thơ, đã làm cho ông bó tay thúc thủ. Con bé có đủ trăm phương nghìn kế, hàng muôn, hàng vạn thủ đoạn để đạt cho bằng được những gì nó muốn, luôn cả việc ăn vạ, vờ vịt, giả điên, giả khùng, con bé đều có thể làm được cả. Ông Đức biết rõ đó là thủ đoạn, thế nhưng không có cách gì cưỡng lại được! Còn về phần bà Đức, lại càng khỏi phải nói. Từ lúc còn bé, Đan Lệ đã biết rõ nhược điểm của mẹ, nàng chỉ cần chớp chớp mắt, là đã nhỏ ra được hai giọt lệ, nước mắt đoanh tròng, lấp la lấp lánh, dậm chân, mếu miệng nói một câu:
- Mẹ, Con sống để làm gì? Sống để làm con múa rối theo đúng những gì ba mẹ điều khiển hay sao? Nếu như con không thể sống theo đúng ý con, thôi thì mẹ hãy đem con nhét trở vào bụng mẹ cho rồi!
Đó là kiểu ăn vạ, từ khi còn bé, nàng đã biết cách ăn vạ. Thế nhưng, thần sắc nàng khi ăn vạ lại quá tội nghiệp, lại quá thê thảm, nó làm cho trái tim của bà Đức thắt lại, đau đớn. Làm sao bà không đầu hàng cho được? Từ nhỏ, không có một chuyện gì, cả hai ông bà có thể cưỡng lại được nàng!
Bây giờ, trong căn phòng nhỏ của khu ký túc xá, vở kịch cũ lại tái diễn. Ông bà Đức, lời ngon tiếng ngọt, khuyên nhủ van lơn cho nàng trở về Geneva. Còn nàng, ngồi trên giường, hai tay xếp vào chiếc váy đầm, mở thật to đôi mắt, cứ lắc đầu quầy quậy:
- Con không về! Ba mẹ có nói gì đi nữa, con cũng không về là không về!
Bà Đức nói:
- Đan Lệ, sự ngang bướng của con lần này có hơi quá đáng rồi đấy! Con thử nghĩ xem, bây giờ đâu phải là mùa tựu trường, con đi đâu để học âm nhạc? Trường nào chịu nhận con?
- Con học dương cầm ở trường xxx.
Ông Đức nổi giận kêu lên:
- Cái chỗ đó không phải là trường học! Đó chỉ là lớp bổ túc, nói trắng ra, đó là một loại trường học cắc ké! Nếu như con thật sự muốn học dương cầm, đâu cần phải đi đến La Mã làm gì, ba sẽ mướn giáo sư về nhà, chỉ để chuyên dạy cho con!
Đan Lệ vẫn cứ lắc đầu lia lịa:
- Con không muốn! Con muốn ở lại La Mã!
Ông Đức nói một cách rõ ràng, đơn giản:
- Thôi được rồi! Đừng có ở đó nói vòng vo tam quốc nữa, và cũng đừng lấy lý do là học dương cầm hay học cái này cái nọ làm gì, nói chuyện đàng hoàng với ba đi, thằng con trai đó tên là gì?
Đan Lệ giả vờ:
- Thằng con trai nào đâu?
Ông Đức lớn giọng:
- Thằng con trai mà con gặp lần trước ở La Mã! Cái thằng mà con đi chơi với nó suốt một tuần lễ đấy!
- Anh ấy à? Anh ấy tên là Trần Chí Tường!
- Hắn ta làm gì?
- Sinh viên du học! Anh ấy đang theo học ngành điêu khắc ở học viện Nghệ Thuật xxx.
- Học viện Nghệ Thuật xxx? Nhà hắn làm gì?
- Con không hỏi!
Ông Đức hỏi ngay vào vấn đề:
- Con vì hắn mà đến La Mã phải không?
Đan Lệ tránh né:
- Con không hề nói như thế!
Ông Đức cắn cắn răng, suy nghĩ:
- Thôi được rồi! Bây giờ con tìm hắn ta đến đây, ba cần phải nói chuyện với hắn một lần mới được!
Đan Lệ nhìn nhìn đồng hồ:
- Bây giờ à? Anh ấy không đến đâu!
Ông Đức nhíu chặt đôi chân mày:
- Như vậy nghĩa là gì?
Đan Lệ lắc lắc đầu:
- Bây giờ anh ấy đang có giờ học, ba muốn bảo anh ấy hy sinh giờ học để đến đây à? Còn lâu anh ấy mới làm như thế! Anh ấy là một con mọt sách!
Đôi mắt của bà Đức trừng lên thật to, thật to:
- Ý con muốn nói là, con thích một con mọt sách?
Đan Lệ nói:
- Cũng không hoàn toàn là con mọt sách, mà còn là con mọt họa, con mọt điêu khắc!
Bà Đức càng nghe càng kinh hoàng:
- Con muốn nói là... dù sao hắn ta cũng chỉ là con mọt! Con vì con mọt đó, mà đến La Mã này sao?
Đan Lệ ngậm chặt miệng, không nói một lời.
Ông Đức chú ý nhìn con gái, một lúc sau, ông nói một cách quả quyết:
- Như vậy thì khi nào ba có thể gặp hắn ta được?
Đan Lệ ngẩng đầu lên, ánh mắt nàng nhìn ông mang đầy nét van xin, cầu khẩn:
- Ba! Ba biết rằng, bao giờ con cũng có quy tắc trong đời sống, ba biết rằng, con sẽ không làm điều gì quấy, ba cũng biết rằng, con không hề xem chuyện gì là quan trọng, ba hà tất phải nhất định gặp anh ấy để làm gì?
Ông Đức hứ một tiếng:
- Ba biết thật à? Ba thấy rằng, chuyện gì ba cũng không biết. Con cũng đừng nên nói nhiều nữa, thu xếp hết đồ đạc, đi theo ba mẹ về Geneva ngay! Cái con mọt sách đó, nếu như hắn ta thật sự có tình cảm với con, hắn ta sẽ đến Geneva để tìm con mà thôi!
Đan Lệ nói:
- Còn lâu anh ấy mới đi à! Ngay cả xin phép nghĩ học một tiếng đồng hồ, mà anh ấy còn không chịu đây! Nói gì đến chuyện đi Geneva!
Bà Đức nói:
- Đối với một thằng con trai như thế, mà con còn theo hắn để làm gì? Con đừng có điên rồ như thế! Mẹ xem, người ta đối với con chẳng có gì cả, thế mà con lại hết lòng hết dạ chạy theo đến La Mã một mình, như vậy không phải là xấu hổ lắm sao?
Bà Đức nói thêm:
- Đan Lệ, con vừa xinh đẹp, vừa dễ thương, bọn con trai theo đuổi con sắp hàng dài dài, con không thể nào vì con mọt sách này mà làm chuyện điên rồ như thế! Bây giờ, con mau thu xếp đồ đạc theo ba mẹ về Thụy Sĩ ngay đi!
Đan Lệ nói:
- Nhất định phải về Thụy Sĩ à?
Ông Đức nói một cách nóng nảy:
- Nhất định phải về! Đan Lệ, con phải có lý trí một chút, ba có hằng khối công việc còn ứ đọng lại ở đó kia, ba phải trở về nhanh để giải quyết! Con đừng nên làm tăng thêm rắc rối cho ba nữa, con biết không?
- Nếu như nhất định bắt con phải về, thì con sẽ về!...
Đan Lệ giận dỗi đứng dậy, mở cửa tủ, nàng quơ quào một đống quần áo thảy mạnh lên giường, nói dấm dẳng:
-... Về đến nhà xong, chuyện thứ nhất con sẽ làm là tự tử!
Bà Đức kêu lên:
- Đan Lệ! Đừng nói bậy!
Gương mặt Đan Lệ bậu lại, nàng nói thật nghiêm trang:
- Cái gì mà nói bậy! Tự do hay là chết!
Ông Đức lỡ khóc lỡ cười nhìn vợ:
- Thấy chưa! Cũng tại bà chìu chuộng nó quá mà ra nông nổi này! Con hư tại mẹ mà! Càng lúc nó càng quá quắt lắm!
Bà Đức trả đũa:
- Tại tôi chìu nó à? Hay là tại ông chìu nó? Từ lúc con bé còn nhỏ, tôi vừa mới nghiêm nhặt với nó một chút, ông đã nói: để cho nó tự do phát triển, để cho nó tự do phát triển! Đấy, tự do phát triển đấy! Bây giờ, nó đòi tự do, ông lại đổ lỗi cho tôi!
Đan Lệ len lén theo dõi thần sắc của cha mẹ, sau đó, nàng nhào ngay đến bên ông Đức, đưa tay ra câu lấy cổ cha, thân mật đặt gò má của mình tựa vào gương mặt ông, nàng nói bằng một giọng thật dịu dàng, thật ngọt ngào, vừa cầu khẩn, vừa nũng nịu:
- Ba, ba là người cha tốt nhất trên cõi đời này, ba là người cha tiên tiến nhất trên cõi đời này, ba là người cha hiểu rõ con cái nhất trên cõi đời này! Tất cả các ông cha trên thế giới này đều là bạo chúa, chỉ có ba là người biết rõ tâm tình của người trẻ tuổi nhất! Ba xem, con năm nay cũng đã hai mươi tuổi rồi! Ba không thể nào cứ để con vĩnh viễn sống dưới gối cha mẹ hoài được, phải không? Con cũng cần phải học cách sống độc lập chứ! Khi ba hai mươi tuổi, không phải ba đã tự mình đi Cambridge học rồi sao? Ông nội nào có rượt theo ba đến Cambridge để bắt ba lại đâu?...
Nàng hôn nhẹ lên gương mặt cha, lại nhìn ông, nhoẽn miệng cười xinh xắn:
-... Ba, ba thường hay nói câu thành ngữ, cái gì mà tự mình a... tự mình không muốn... thì... a... đừng làm... đừng làm cho người khác... gì đó mà...
Ông Đức sửa lại:
- "Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân!", nói cái gì mà mình không muốn! Chữ nghĩa của con bỏ đi đâu hết rồi?
Đan Lệ như thể mới vừa vỡ lẽ ra, nàng nói một cách khoa trương:
- Ồ! "Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân" à? Làm sao mà con nhớ cho hết đuược? Ai mà có trí nhớ tốt được như ba đâu? Tiếng Tàu, tiếng Tây gì cũng nhớ hết cả như thế!...
Nàng đưa tay ra gõ gõ vào đầu, gật ga gật gù đọc lên như thể trả bài:
- Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân! Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân! Điều gì mình không muốn, thì đừng làm cho người khác! Không thể nào quên được mấy câu này nữa nhé!
Ông Đức không nhịn được cười, ông vừa cười vừa nói:
- Thôi được rồi, Đan Lệ, đừng nên ở đó đóng kịch với ba nữa! Ba xem, ba không có cách gì trị con hết cả! Con đã quyết định là sẽ ở lại La Mã rồi, phải không?
- Dạ!
Ông Đức liếc nhìn con gái, cười cười:
- Con chuẩn bị "độc lập" luôn nữa, phải không? Như vậy, con cũng chẳng cần ba "tiếp tế" gì cho con nữa hết, phải không?
Đan Lệ hơi nhướng nhướng đôi chân mày, mím mím môi:
- Con cũng có thể tự mình đi làm việc vậy, nếu như ba mẹ nỡ nhẫn tâm để cho con đi làm! Phòng trà ca vũ nhạc ở phía bên kia đường đang tìm nữ tiếp viên kia!...
Giọng nàng kéo dài ra.
Bà Đức cũng cười, bà kêu lên:
- Đan Lệ! Chắc là kiếp trước ba mẹ thiếu nợ con! Thật là kỳ lạ, không thể nào hiểu nổi, tại sao ba mẹ lại sinh ra đứa con gái bướng bỉnh, ngang ngược như con được!
Ông Đức quyết định giảng hòa:
- Thôi được rồi, Đan Lệ, con muốn ở lại thì cứ ở lại, con muốn học dương cầm thì cứ học dương cầm! Còn về tiền bạc? Con muốn bao nhiêu, cứ lấy mà dùng, ba không muốn con xài tiền của thằng con trai đó! Ba biết, bọn đi học ở cái trường quý tộc đó, toàn là bọn con ông cháu cha, phong lưu công tử mà thôi! Đan Lệ, chỉ cần con biết phân biệt được trắng đen là đủ rồi!
Đan Lệ hơi cong cong vành môi lên, không nói tiếng nào. Ông Đức nói tiếp:
- Đan Lệ, con vẫn giữ ý định không muốn cho ba gặp tên con trai đó bây giờ hay sao?
Đan Lệ cúi đôi mi cong nhìn xuống đất:
- Ba, ba biết tính của con mà, bây giờ ba gặp anh ấy, có lẽ còn hơi quá sớm. Vả lại, ba... ba bận quá. Còn anh ấy? Anh ấy cũng bận!
- Bận đến độ không có thì giờ đến gặp ba, chỉ có thì giờ gặp con à?
Bà Đức kêu lên:
- Ông này! Ông sao mà hồ đồ đến thế, người ta gặp con gái ông là một sự hưởng thụ, gặp ông để làm gì? Thôi được rồi, tôi cũng không nhất quyết phải gặp hắn làm gì, con bé này của chúng ta không biết đâu mà lường được, ba hôm bốn bửa nó chán rồi chia tay với người ta, có gặp cũng phí thì giờ mà thôi!
Ông Đức nói:
- Thế nhưng, con gái mình vì người ta mà đơn thân tìm đến La Mã, mà thằng kia mặt mũi như thế nào, mình cũng không biết!
Đan Lệ hơi chu môi lên nói:
- Ba mẹ có gặp anh ấy rồi! Lần trước mình đến La Mã, cái người ở trong bản tàng viện vẽ bức tượng "Chụp bắt" đấy mà!
- Chụp bắt?...
Ông Đức lục lọi lại trí nhớ. Phảng phất đâu đây, hình như ông nhớ có một người thanh niên dáng dấp cao ráo, mạnh khỏe, gương mặt trông khá khôi ngô:
-... Chụp bắt? Ba xem, hắn đang chụp bắt con gái của mình thì có!
Một câu nói giỡn, kết thúc màn tranh chấp giữa hai cha con. Thế là, họ quyết định như thế, Đan Lệ ở lại La Mã một mình, buổi chiều hôm đó, vợ chồng ông Đức bay trở về Thụy Sĩ. Dù sao, là những người hấp thụ nền giáo dục Tây Phương, phương pháp giáo dục con gái của vợ chồng ông Đức là để cho nó được tự do quyết định. Buổi tối, trong căn phòng nhỏ của Đan Lệ, khi nàng ba hoa chích chòe, thêm mắm thêm muối vào để diễn tả lại màn tranh chấp giữa nàng và cha mẹ vào ban sáng cho Chí Tường nghe, Chí Tường lại cảm thấy bất an, chàng hơi chau đôi chân mày:
- Tiểu Lệ Chi, anh lại cảm thấy rằng, anh cần phải gặp ba mẹ của em!
- Tại sao?
- Để nói với ông bà rằng, anh không có ý "Chụp bắt" em!
Đan Lệ mở to đôi mắt, nhìn chàng một cách ngây thơ:
- Thế nhưng... em lại rất muốn anh "Chụp bắt" em!
Chí Tường kêu lên, cảm xúc tràn đầy:
- Ồ, Tiểu Lệ Chi! Em thật là không biết xấu hổ! Anh chưa bao giờ gặp một người con gái nào thẳng thắn và nhiệt tình đến như em!
Đan Lệ hơi nhướng nhướng đôi chân mày, liếc chàng một cái:
- Trong tình yêu cần phải xấu hổ hay sao? Những cô bạn gái trước đây của anh, đều xấu hổ cả hay sao?
Chàng nói:
- Tin hay không tùy em, em là người bạn gái đầu tiên của anh! Ý của anh muốn nói là, tình yêu đầu tiên!
- Thật vậy sao?...
Nàng hỏi lại, ánh mắt nàng mơ mơ màng màng:
-... Anh biết anh là người bạn trai thứ mấy của em không? Ý em muốn nói cũng là... tình yêu!
Chàng dùng tay bịt miệng nàng lại, sắc mặt chàng trắng nhợt, chàng nói:
- Không cần phải nói với anh làm gì! Anh không muốn biết đâu!
Nàng vùng ra khỏi tay chàng, nhìn thẳng vào chàng, ánh mắt nàng thẳng thắn, thành thật:
- Tin hay không tùy anh, anh cũng là người đầu tiên!
Chàng hơi chấn động một chút:
- Thật sao? Anh nhớ em có nói với anh, em có rất nhiều bạn trai!
- Nhưng không có một ai là thật sự cả.
- Vậy sao?
- Thật vậy. Ít nhất, không có một người nào có thể làm cho em từ Thụy Sĩ đơn thân độc mã tìm đến La Mã!
- Không gồm cả những người làm cho em từ La Mã tìm đến Thụy Sĩ? Hay là từ Paris tìm đến Amsterdam? Hoặc từ Hongkong tìm đến Âu Châu?...
- Anh...
Nàng chụp lấy một sợi dây nịt da, quất túi bụi lên đầu lên cổ chàng:
-... Anh nghĩ em là cái gì? Loại đàn bà chuyên môn đi khắp thế giới để tìm đàn ông chăng? Anh là đồ vong ân bội nghĩa, đồ vô lương tâm, anh ăn hiếp người ta... anh...
Chàng đưa tay chụp ngay lấy nàng lại, đẩy nàng té nằm lên giường, dùng đôi môi mình đậy đôi môi nàng lại:
- Tiểu Lệ Chi, thế nào rồi cũng có một ngày, anh phải đến gặp ba mẹ của em, tại vì anh muốn có em.
Nàng run lên nhè nhẹ:
- Nếu như anh thật sự có lòng với em, đợi đến khi anh nghĩ hè, anh theo em về Thụy Sĩ gặp ông bà. Chứ bây giờ, cho anh và ba mẹ em gặp nhau còn hơi quá sớm, tại vì, cả hai bên đều không có những chuẩn bị tâm lý trước!
- Nghỉ hè?...
Chàng hơi ngớ người ra. Nghĩ hè có rất nhiều chuyện phải làm, nghĩ hè có rất nhiều kế hoạch phải thực hiện, nghĩ hè còn có chuyến đi du lịch ở Geneva, nghĩ hè còn phải đi làm...
Đan Lệ nói bằng một giọng tỉ mỉ, dịu dàng, khuất phục:
- Em biết là không có cách gì làm cho anh bỏ những ngày đi học của anh, nên em đành phải chìu theo anh vậy. Còn có cách nào khác hơn nữa đâu? Coi như... cái số của em mắc nợ anh vậy!
Nghĩ hè? Nghĩ hè là một con số chưa thể biết trước được! Chí Tường hơi ngẩng người ra, bối rối, đối diện với gương mặt đầy nét khuất phục, chìu chuộng của Đan Lệ, chàng cảm thấy cổ họng mình như nghẹn lại, nói không nên lời.