Người Thú Phá Giới

    
ãi miết theo dòng tư tưởng nên đi lạc đề. Nay xin trở lại câu chuyện buổi sáng hôm ấy.
Dùng bữa xong, Montgomery tính đưa tôi đến tham quan nguồn suối lưu huỳnh. Cả 2 đều cầm theo roi da và súng lục. Lúc đi ngang cánh rừng rậm lá, chợt như có tiếng thỏ kêu ré lên. Lắng nghe giây lát không thấy động tịnh gì thêm, chúng tôi tiếp tục hành trình, rồi nhanh chóng quên phứt chuyện đó. Montgomery chỉ mấy con gì nho nhỏ màu hồng, chân sau rất dài, đang nhảy bên bụi cây, cho tôi biết đó cũng là “sản phẩm” của Moreau. Khi bị người báo đốm truy đuổi, tôi đã từng thoáng thấy mấy con ấy. Như sợ chúng tôi, bọn chúng chạy cật lực, 1 con nhảy đúng ngay vào cái lỗ tạo ra bởi cây bị trốc rễ. Nó chưa kịp chui ra đã bị tôi tóm ngay. Con vật dễ thương phun phì phì như mèo, chân vung vít đá lấy đá để. Nó còn cắn cả tôi nữa, nhưng răng nó quá yếu, cẳn chẳng đau gì. Tôi thả nó xuống. Montgomery giới thiệu thêm: Bọn này không đào hang phá cỏ, và cũng rất sạch sẽ. Hắn từng hy vọng bọn chúng sẽ sinh sôi nảy nở, tạo nguồn thịt cho đảo, song chúng lại có thói quen ăn thịt con mình.
Trên đường đi, chúng tôi còn thấy 1 thân cây bị cào tróc vỏ. “Không cào vỏ cây, đó là Giới Luật” Montgomery thốt lên “Bọn nó lại quậy rồi”. Vừa lúc ấy, người dê và người khỉ xuất hiện. Khi tạo người dê, chắc Moreau ứng dụng mỹ thuật cổ điển. Trông mặt nó giống con dê quỷ trong huyền thoại Do Thái, 2 chân thì lông lá như Sa Tăng. Lúc gặp chúng tôi, nó đang dùng răng tước vỏ trái cây. Cả người dê lẫn người khỉ đều đứng nghiêm chào Montgomery.
“Cung nghinh Nhị Tiên Chủ!” Chúng hô
“Đây là Tam Tiên Chủ” Montgomery chỉ tôi “Chúng mày phải liệu chừng đấy!”
“Ơ, thế không phải Chủ Nhân tạo nó hay sao?” Người khỉ thắc mắc “Nó nói với con là nó cũng được tạo ra mà.”
Người dê nhìn tôi vẻ hiếu kỳ “Tam Tiên Chủ hả? Đây là cái thằng vừa khóc mếu vừa chạy ra biển mà. Mặt nó trắng mà gầy ha.”
“Liệu hồn, ông ấy có cái roi dài lắm” Montgomery đáp.
“Hôm qua con thấy nó khóc và chảy máu” người dê vẫn cãi “Nhị Tiên Chủ có bao giờ khóc, có bao giờ chảy máu đâu. Chủ Nhân cũng thế.”
“Cái thằng ăn mày hay lý sự” Montgomery quát “Tao nói mà không nghe thì chính mày sẽ khóc và chảy máu đấy.”
“Ông ấy có 5 ngón tay, 5 ngón giống con”, người khỉ khoe.
“Đi thôi, Prendick”. Hắn khoác tay tôi, và chúng tôi lại lên đường. Người dê và người khỉ đứng nhìn theo, xì xầm to nhỏ cùng nhau.
“Nó không biết nói” người dê bảo “người thì phải nói được chứ.”
“Nó nói được. Hôm qua nó hỏi tao có gì để ăn không” người khỉ trả lời “Nhưng hỏi thế tức là nó chả biết gì.”
Trên đường từ suối trở về, tôi và Montgomery phát hiện 1 xác thỏ. Thân thể đẫm máu của con thỏ bị xé làm mấy mảnh, nhiều mảnh xương sường bị gặm trắng hếu, cả xương sống cũng bị gặm. “Trời ơi”, Montgomery thảng thốt, hắn vội cầm mấy khúc xương lên xem kỹ “Trời ơi, thế này là thế nào?”
“Bản năng thú ăn thịt đã sống lại rồi”, tôi nói “Cái xương sống bị gặm gần thủng.”
Montgomery đứng trừng trừng nhìn xác thỏ, mặt tái đi, môi cong lại.
“Hôm nọ tôi cũng thấy 1 cảnh tương tự thế” tôi kể.
“Anh thấy? Thấy cái gì?”
“Thấy xác 1 con thỏ không đầu.”
“Hôm anh mới tới hả?”
“Hôm tôi mới tới và đi ra ngoài đấy. Tôi thấy cái xác trong bụi cây phía sau nhà. Trước đó, tôi gặp 1 thằng người thú đang uống nước bên suối. Chỉ là nghi ngờ thôi, nhưng có thể chính thằng đấy đã giết con thỏ.”
“Uống nước bình thường, hay là cúi xuống mà mút?”
“Mút.”
“Không mút mà uống, đó là Giới Luật. Loạn rồi, khi không có mặt thầy Moreau thì bọn nó chẳng coi luật liếc ra gì.”
“Thằng đấy cũng chính là thằng đã rượt tôi.”
“Hẳn rồi” Montgomery nói “Chỉ bọn ăn thịt khát máu mới thế. Sau khi ăn thịt thì chúng uống nước. Cái vị của máu đã thử 1 lần thì muốn thử mãi. Thằng đấy là thằng nào? Giờ gặp nó anh còn nhận được không?”
Hắn móc súng ra, kiểm tra lại băng đạn, rồi chép miệng.
“Nhận được. Hôm đó tôi cho nó ăn củ đậu vào đầu. Bây giờ chắc vẫn còn thẹo.”
“Nhưng vẫn phải tìm được bằng chứng việc nó giết con thỏ. Ôi, tôi ước gì mình chưa bao giờ mang thỏ về đây.”
Tôi đi tiếp, trong khi Montgomery vẫn đứng đăm chiêu nhìn xác thỏ. Tôi đi được 1 quãng đã xa, hắn vẫn cứ bất động.
“Đi nào”, tôi gọi
Hắn như bừng tỉnh, vội bước theo tôi. “Anh hiểu không?”, giọng hắn thầm thì “Trước nay chúng chưa hề ăn thịt cá. Nếu như 1 đứa đã biết vị máu rồi…”
“Lẽ ra không nên…” hắn tiếp “Hôm nọ tôi đã làm 1 điều ngu ngốc. Tôi chỉ thằng M’ling cách lột da và nấu thịt thỏ. Tôi thấy nó liếm liếm tay…Thôi, giờ phải báo cho thầy Moreau hay, và giải quyết nhanh chuyện này.”
Moreau nhìn nhận vấn đề còn nghiêm trọng hơn cả Montgomery. 2 thầy trò làm tôi cũng phát hoảng lên. “Phải xử 1 đứa làm gương”, ông nói “Tôi cũng nghĩ thằng báo đốm là thủ phạm, nhưng phải có bằng chứng. Montgomery này, phải chi cậu đừng thèm thịt rồi mang lũ thỏ về đây. Nếu thế thì đâu có chuyện gì.”
“Em biết em ngu rồi” Montgomery nhận lỗi “Nhưng dù sao việc cũng đã xảy ra, chính thầy cũng đồng ý cho em mang thỏ về mà.”
“Phải lo giải quyết mọi chuyện cho sớm. Mình đi, để thằng M’ling ở lại trông nhà có an toàn không?”
“Chẳng biết nữa. Em vẫn nghĩ em hiểu nó, nhưng bây giờ không dám chắc.”
Thế là cả 4 người: Moreau, Montgomery, tôi và M’ling cùng nhau đến thạch động. 3 chúng tôi mang theo súng, còn M’ling cầm cái rìu chẻ củi và mấy cuộn dây. Moreau còn đeo theo trên vai 1 tù và khổng lồ. Ông không nói 1 lời nào trên đường đi, khuôn mặt đầy sát khí.
Chúng tôi đi dọc hẻm núi, nơi có suối lưu huỳnh, xuyên qua mấy bãi lau sậy, đến chỗ bãi đất vàng trước thạch động hôm trước. Moreau thổi tù và, phá tan sự tĩnh lặng của buổi chiều nhiệt đới. Phổi ông tốt thật. Tiếng tù và vang vọng chói cả tai.
Tù và vừa dứt, đã thấy lao xao huyên náo, rồi từ bốn phía, bọn người thú lũ lượt kéo ra. 1 vài đứa đang ở trên cây, cũng vội vàng leo xuống. Tôi phát hoảng, nhưng kịp lấy lại tinh thần khi thấy Moreau và Montgomery vẫn bình tĩnh, an nhiên.
Người dê là kẻ tới đầu tiên, hắn đứng lấy chân nghịch nghịch đất. Sau nó là 1 tên cục mịch gớm ghê, ngựa lai tê ngưu, miệng đang ngậm cọng rơm. Mấy ả heo và sói, mụ cáo-gấu…cũng lần lượt đến. Cả lũ khúm núm bước lại gần Moreau, đứa nào đứa nấy tụng niệm tứ tung “Ngài là Vị Cứu Tinh, Ngài là Tay Cứu Rỗi”, chẳng theo bài bản gì. Chúng dừng lại trước Moreau khoảng 20 thước rồi quỳ xuống. Bụi đất bay tung.
Độc giả thử tưởng tượng cảnh đó xem. Giữa đất vàng trời xanh, 3 người mặc áo xanh cùng 1 tên gia nhân mặt đen đứng giữa, bao quanh bởi hàng loạt con quái đang cúi lạy, có con gần giống người, con như què quặt, con thì dị hình đến nỗi ta tưởng chỉ thấy trong mơ. Trước mặt là hẻm núi có thạch động, 2 bên tả hữu là bãi sậy và rừng cọ, phía đằng sau thấp thoáng mặt biển Thái Bình Dương.
“62, 63” Moreau đếm “Còn 4 đứa nữa.”
“Không thấy người báo đốm đâu” tôi nói.
Moreau lại thổi tù và. Lũ người thú phục đầu xuống đất. Ít phút sau, người báo đốm từ bụi sậy chui ra, quỳ xuống rồi lết vào nhập bọn. Đứa cuối cùng vào hàng là người khỉ. Bọn kia phải phủ phục quá lâu, giận dữ liếc nhìn nó.
“Miễn lễ!” Moreau oai vệ nói. Bọn người thú lục tục ngồi lên.
“Tuyên Giới Luật Sư ở đâu?” Đảo chủ hỏi. Lão lông bạc lập tức cúi đầu.
“Tuyên Luật đi!”
Cả lũ bắt đầu lắc lư ngâm nga, bụi lưu huỳnh bay mù đất. Khi chúng đọc tới “Không ăn thịt cá, đó là Giới Luật”, Moreau giơ tay lên. “Ngừng lại”, ông ra lệnh. Ngay lập tức, im lặng bao trùm. Người thú mặt đứa nào đứa nấy đều co rúm, mắt lấm lét sợ sệt. Có lẽ chúng đoán được điều gì sắp xảy ra.
“Có kẻ đã phá giới ấy” Moreau nói.
“Không ai thoát được” Tuyên Giới Luật Sư hô. Cả lũ liền hô theo.
“Đứa nào?”, Moreau quất roi, mắt nhìn khắp vòng quanh. Tôi trông mặt thằng linh cẩu-heo có vẻ hoảng. Người báo đốm cũng thế. Moreau dừng trước mặt người báo đốm, khiến nó run rẩy cả người.
“Đứa nào?” Moreau lặp lại, giọng như sấm rền.
“Xấu xa thay, kẻ nào phá giới” Tuyên Giới Luật Sư ngâm.
Moreau nhìn thẳng vào mắt người báo đốm, như muốn hút hồn nó. Rồi ông chợt quay người về phía chúng tôi, miệng quát lần nữa “Đứa nào phá giới?” (giọng nghe hơi đắc ý).
“Bắt nó về Nhà Khổ Hình”, lũ người thú đồng thanh “Bắt nó về Nhà Khổ Hình, hỡi Chủ Nhân!”
“Về Nhà Khổ Hình, về Nhà Khổ Hình”, người khỉ liến thoắng ra vẻ thích chí.
“Mày nghe chưa, thằng kia?”, Moreau nói, lại quay nhìn người báo đốm “Úi cha!”
Thì ra lúc Moreau quay đi, người báo đốm đã đứng lên, mắt như tóe lửa, răng nanh lòi ra lóe sáng dưới bờ môi. Giờ nó lao thẳng vào đảo chủ. Nỗi sợ cùng cực khiến nó nổi điên. Cả lũ người thú bật dậy. Tôi nắm chặt súng lục. 2 thân hình va vào nhau. Moreau lảo đảo lùi mấy bước. Người báo đốm phá được vòng vây, chạy vụt qua tôi. M’ling vội sải bước đuổi theo. Bọn người thú hú hét ầm ĩ, thiếu điều muốn nổi loạn. Cặp mắt vàng của thằng linh-cẩu heo nhìn tôi đầy phấn khích, như thể muốn tấn công. Người dê đứng sau cũng ngó tôi chằm chằm. Tôi nghe Moreau bóp cò súng, rồi ánh lửa lóe lên. Cả đám đông chạy ùa theo đường đạn, quyết truy kích cho được người báo đốm. Tôi bị xô đẩy, cũng phải chạy theo.
M’ling dẫn đầu đoàn truy kích, theo sau bởi mấy ả người sói lưỡi le dài, rồi đến người heo và 2 gã người bò toàn thân quấn vải trắng. Moreau chạy giữa bầy đệ tử ở đằng sau, làn tóc trắng bay lòa xòa. Cái mũ rơm rộng vành của ông đã rơi mất tự bao giờ, nhưng tay ông vẫn lăm lăm khẩu súng. Thằng linh cẩu-heo chạy ngay cạnh tôi, cặp mắt nham hiểm thỉnh thoảng lại liếc trộm.
Người báo đốm chạy hùng hục qua rặng cây lau. M’ling đuổi ngay sát, bị lau đàn hồi cọ quẹt trúng mặt. Tôi ở cuối đoàn, chạy đến nơi,thấy lau đã bị dẫm đạp rạp cả xuống đất. Đuổi thêm nửa dặm thì lọt vào rừng cây rậm rạp, hết sức khó đi, nhất là khi đi cả đám. Cành lá cứ quất vào mặt, dây leo buộc vào chân, vướng lấy cằm, gai nhọn đầy rẫy đâm thủng quần áo, vào đến thịt da.
“Nó bò cả tứ chi đi qua chỗ này”, tiếng Moreau đằng trước mặt.
“Không ai thoát được”, người gấu-sói rít lên, hý hửng vì có dịp được săn mồi.
Ra khỏi rừng cây, đến 1 bãi đá. Người báo đốm chạy trên 4 chân, gầm gừ ngó lại chúng tôi. Nó vẫn mặc quần áo, khuôn mặt nhìn xa xa vẫn hơi giống người, nhưng cái dáng chạy 4 chân rõ ràng là của con thú bị truy đuổi. Nó nhảy qua mấy bụi gai hoa vàng rồi mất dạng. M’ling bị bỏ lại 1 quãng. Lũ người sói tru lên.
Mệt mỏi, hầu hết chúng tôi đã phải giảm tốc độ, chạy từ từ, chậm rãi hơn. Đội hình truy kích lúc đầu giống hình trụ, nay tản ra giống đường thẳng. Linh cẩu-heo chạy bên, và vẫn cứ nhìn tôi, thỉnh thoảng lại nhăn mõm khoái trá. Chạy đến mũi đất hôm nọ nó rượt tôi, người báo đốm lủi vào lùm cây, nhưng Montgomery đã kịp thấy và đuổi theo bén gót. Cứ thế, tôi giúp truy đuổi kẻ phá giới, mặc cho đá vướng chân, mặc gai cào, mặc dương xỉ, lau sậy cản lối. Chiều nhiệt đới nóng hầm hập, tôi cảm thấy đầu quay cuồng, tim đập mạnh như muốn va vào sương xườn. Mệt gần muốn chết, tôi vẫn cố chạy, để khỏi bị bỏ lại 1 mình, bên cạnh thằng linh cẩu-heo gian manh.
Cuộc săn đi dần đến hồi kết. Chúng tôi đã dồn được con thú không may vào 1 góc đảo. Roi trong tay, Moreau như tướng thúc quân. “Cứ từ từ! Từ từ!”, ông nói. Đám đông dần tiến lại, xiết chặt vòng vây. Không thấy người báo đốm, nó hẳn đang nín hơi, núp trong bụi cây nào đó.
“Coi chừng nó xộc ra” tiếng Montgomery.
Tôi đứng ở triền dốc phía trên, Moreau và Montgomery phía dưới bãi biển. Cả bọn chậm rãi dò tìm từng bụi cây. Vẫn chưa thấy con mồi đâu.Người ngựa-tê ngưu đi bên phải tôi, đến đâu là làm cành lá gãy rắc rắc đến đấy. ”Về Nhà Khổ Hình, Về Nhà Khổ Hình”, người khỉ bô bô đằng xa.
Nghe câu người khỉ nói, tự dưng tôi lại thấy tội nghiệp người báo đốm, và sẵn sàng tha thứ tội nó đã rượt tôi. Ơ, mà nó ngay kia chứ đâu, đang ẩn trong bóng 1 lùm cây rậm rạp. Tôi dừng lại. Người báo đốm cố thu mình cho nhỏ, giương cặp mắt xanh nhìn tôi.
Thật là mâu thuẫn. Sinh vật trước mặt tôi đây rõ ràng là thú, nhưng khi nhìn vào ánh mắt, vào khuôn mặt kinh hoàng của nó, tôi lại thấy nhân tính. Chỉ chốc nữa thôi, người khác sẽ thấy nó, nó sẽ bị tóm, phải trở về Nhà Khổ Hình, phải lên bàn mổ để 1 lần nữa trở thành vật thí nghiệm của Moreau. Muốn giải thoát cho người báo đốm 1 cách nhanh chóng, tôi rút súng, nhằm giữa trán nó bắn liền. Thằng linh cẩu-heo nghe tiếng đạn thì rú lên hăm hở, nhào ngay tới, kề miệng vào cổ nạn nhân chực uống máu. Lũ người thú lần lượt kéo đến.
“Đừng giết nó, Prendick, đừng giết”, giọng Moreau hớt hải. Ông bước vội qua những cây dương xỉ, dùng roi da đánh bật linh cẩu-heo ra. Rồi ông và Montgomery đuổi hết những giống ăn thịt đang kích động. Tuyên Giới Luật Sư cúi xuống hửi hửi cái xác chết. Những đứa khác tò mò đẩy tôi qua 1 bên để nhìn.
“Quỷ tha cậu đi, Prendick!” Moreau giận dữ “Tôi cần bắt sống nó.”
“Rất tiếc” tôi giả tảng “Tôi bắn mà không kịp suy nghĩ.”
Chán nản, tôi rời đám đông, đi 1 mình lên dốc. Moreau ra lệnh cho 3 tên người bò kéo xác nạn nhân quăng xuống biển.
Chẳng ai quấy rầy tôi. Lũ người thú cũng đa sự như người thật, thấy xác chết là xúm lại xem, gầm gừ hửi hửi. 3 người bò đến khiêng xác đem đi. Đời người báo đốm thật vô nghĩa. Đời cả lũ người thú trên đảo này cũng đều vô nghĩa. Đứng dưới bãi biển, giữa những tảng đá, lúc này là người khỉ, linh cẩu-heo và mấy đứa nữa. Đứa nào cũng vui như Tết, miệng lảm nhảm tụng Giới Luật. Tôi chợt linh cảm: Thủ phạm thật sự giết thỏ không phải người báo đốm, mà là linh cẩu-heo. Ôi! Cái đảo này toàn thú, nhưng cũng có khác gì xã hội loài người thu nhỏ đâu? Cũng 1 màn kịch của số phận, lý trí và dục vọng. Người báo đốm xấu số thì chết. Thế thôi!
Những con thú đáng thương! Tôi bỗng thấy rõ hơn khía cạnh tàn ác trong công cuộc nghiên cứu của Moreau. Trước đây, tôi chỉ tội nghiệp bọn người thú khi chúng nằm trên bàn phẫu thuật, đau đớn dưới lưỡi dao. Nhưng thật ra đó chỉ là phần nổi. Nỗi khốn nạn thật sự chỉ đến với chúng khi chúng rời bàn mổ ấy. Ngày xưa, chúng đơn giản là thú, sống vui đời thú, bản năng của chúng phát tiết tự nhiên, hòa hợp với môi trường xung quanh. Ngày nay, chúng chẳng thú chẳng người, suốt đời sống trong sợ hãi, phải tuân thủ Giới Luật mà không hiểu vì sao. Sinh ra trong đớn đau, chúng sống 1 đời người giả tạo, luôn luôn phải đấu tranh nội tâm, và luôn khúm núm trước Moreau. Để làm gì? Tất cả rốt cuộc để làm gì?
Tôi không quá nhạy cảm với nỗi đau như Moreau nhận xét. Giá thử Moreau có 1 mục đích cao cả nào đó, tôi có thể thông cảm. Thậm chí nếu động cơ của ông là thù hận, tôi cũng có thể tha thứ phần nào. Đằng này ông hoàn toàn vô trách nhiệm, hoàn toàn vô cảm. Chỉ vì sự hiếu kỳ, điên cuồng, ông tiến hành những thí nghiệm không mục đích. Lũ người thú được tạo ra chỉ để sống trong dằn vặt, khổ đau.
Tôi không còn sợ người thú, cũng như không còn sợ Moreau, nhưng lại rơi vào trạng thái trầm uất kéo dài dai dẳng, thậm chí đến hiện tại vẫn còn. Thấy những sự đau thương quái đản trên đảo, tôi đánh mất cả niềm tin vào thế giới rộng lớn bên ngoài. Thật thế, thế giới chúng ta vận hành dựa theo nguyên lý nào? Hay nó chỉ như bánh xe, được quay muôn đời bởi số phận mù quáng, bởi 1 cỗ máy trời vô tri giác coi vạn vật như chó rơm? Moreau phát cuồng vì khoa học, Montgomery nghiện rượu, lũ người thú bị giằng xé giữa Giới Luật và bản năng, tất cả đều bị số phận trêu đùa rồi nghiền nát 1 cách tàn nhẫn.