Chương 7

Dương vừa rửa mặt xong thì Tép đến.
- Đi đâu thế, cô Tép?
Tép cười:
- Lâu ngày lại thăm anh xem có được mạnh khỏe không?
- Gớm, chờ được cô đến hỏi thăm thì vừa! May nhờ trời, trâu bò vẫn ăn cỏ... bà vẫn bình an chứ?
- Cám ơn anh; bu em không biết làm sao cứ đau yếu luôn, chẳng mấy ngày khỏe hẳn.
- Tạng bà thế, nói mạnh thế nào được!
- Ấy vì bu em cứ yếu luôn nên em làm được đồng nào cũng chỉ chi vào thuốc men cơm cháo, có khi còn không đủ.
Rồi Tép buồn rầu nói tiếp:
- Một mình em xoay xỏa, lắm lúc cùng quẫn quá!
- Làm thế nào được! Cha mẹ chỉ nhờ con những lúc già yếu, bệnh tật chứ còn biết trông vào ai.
- Vâng, em cũng biết như thế và có dám phàn nàn gì đâu! Em chỉ lo lắng một nỗi sức mình làm chẳng đủ tiêu, quần quật suốt năm cùng tháng mà rút cục vắt mũi vẫn chả đủ đút miệng. Giá trời cho em mạnh khỏe thì nó còn đỡ khổ...
Mắt Tép dơm dớm ướt, hai gò má cô đỏ bừng:
- Đằng này lo ăn lo mặc chưa xong, mẹ lại cứ ốm... Em thật cũng chỉ vì thế mà mang tai, mang tiếng...
Cảm động, Dương quay lại gần Tép và ngọt ngào an ủi:
- Tai tiếng ở đời này thì ai mà tránh hết được!
Tép thổn thức:
- Nhưng cũng năm, bảy đường tai tiếng, anh ạ! Em, em khổ không biết chừng nào!
Dương thở dài:
- Tôi cũng biết lắm! Nhưng cô cũng đừng nghĩ ngợi quá làm gì: Cô Kiều khi xưa bán mình chuộc tội cho cha, người đời chẳng vẫn khen là có hiếu đó ư?
- Ngày xưa khác, ngày nay khác. Ngày xưa người ta khen ngợi và thương xót cô Kiều; ngày nay người ta độc ác lắm, người ta chửi bới những kẻ muốn làm cô Kiều hay bị hãm vào cái cảnh gần giống như cô Kiều.
Dương khuyên giải:
- Cô nghĩ thế đấy! Tôi có nghe ai nói gì đâu.
Dương có ý ngượng vì đã nói dối. Anh nhìn đi nơi khác và nhớ lại những lời của bọn Thông, Lộc hôm nào...
- Có anh chẳng hay đi đâu nên không biết, chứ họ tệ lắm! Họ chế giễu, họ mỉa mai, họ chửi cạnh chửi khóe, họ chòng ghẹo, thôi thì đủ thứ! Giá như anh đàn ông có sức lực, đứa nào đám láo với anh, anh choảng ngay cho một trận thế là yên, bận sau cứ cho ăn kẹo chúng nó cũng không dám trêu vào anh nữa. Đằng này ác cái em lại chỉ là một đứa con gái hèn yếu, không ai bênh vực nên chúng nó càng dễ bắt nạt, càng dễ làm già.
Trong lúc Tép nói, Dương lắng nghe và để ý nhìn thì thấy Tép nhu mì, mềm mỏng như một con chim sẻ non nớt bị lạc loài giữa cơn gió bão. Dương lại nghĩ đến lão già Mẫn. Ấy là một người đàn ông, sức dài vai rộng hẳn hoi đấy chẳng nói chi Tép nữa.
Trước sự độc ác, trước sự bất công của người ta nó theo đuổi lão già Mẫn như bóng theo hình. Mẫn đã phản động như thế nào? Mẫn đã thua một cách tai hại, mặc dầu Mẫn là đàn ông! Mẫn như một con lợn độc ác cùng đường đã quay lại đàn chó săn mà giơ nanh ra, mà đứng dựng lên, mà đánh thục mạng. Đàn chó lẵng nhẵng quả đã có con bị thương nhưng càng thế chúng càng theo riết, càng dai như đỉa đói, càng nhâu nhâu lên ghê gớm không biết chừng nào, đến nỗi Mẫn đành bỏ nhà bỏ cửa, bỏ vườn, bỏ ruộng, bỏ làng mạc, bỏ mồ mả tổ tiên, phiêu bạt đến một xó rừng hẻo lánh, đem cuộc đời vùi trong hầm mỏ đen tối và thối tha...
Thế thì Tép?...
Dương lo cho Tép lắm, chẳng biết rồi Tép sẽ ra làm sao trước hàng trăm cái mõm há ra như trăm cái hốc cống từ trong đó phun ra những lời phỉ báng, những câu mỉa mai, đặt để, thù ghét, nó có thể làm cho người ta váng đầu, chóng mặt phát ốm lên được, cũng như mùi nước cống nồng nặc.
Dương thấy rằng Tép cần phải có ai bênh vực cho, che chở cho. Dương nghĩ ngay đến Thuật. Phải, Thuật sẽ là người che chở cho Tép đươc. Vả lại, chính Thuật hôm vừa rồi chẳng đã hết sức bênh vực Tép trong khi mọi người đều chế giễu Tép đó ư?
- Cho dù thế nào đi nữa thì đối với cô không phải ai cũng bất công như cô vẫn tưởng đâu. Trong số ấy, tôi biết có người rất tốt...
Tép nhìn chòng chọc vào mặt Dương, ngực cô đánh thình thịch, hơi thở cô như ngừng hẳn lại, toàn thân cô tựa hồ hướng cả về phía trước...
- Người ấy đã bênh vực cô trong khi hết thảy đều nhiếc móc cô, nguời ấy đã đối đầu với sự kéo bè, kéo đảng của hết thảy và không những thế người ấy còn hết sức cãi cho cô, cố làm cho chính những đứa thù ghét cô phải cảm động và thương xót...
Tép chớp nhanh hai mắt để cho mấy giọt nước khỏi trào ra. Cô khẽ hỏi, tuy cô đã đoán biết người ấy là ai rồi:
- Người nào mà tốt bụng thế, anh Dương?
- Thuật.
- Anh Thuật?
- Phải.
Tép sung sướng, thở dài một tiếng và thấy nhẹ nhõm cả tấm lòng. Một cảm giác mới lạ tràn ngập trong tâm hồn Tép như một thứ hơi nắng xuân đầm ấm... Có thế chứ lại! Trái tim cô đã chẳng đánh lừa cô. Tép đã cố sức tin ở Thuật trước khi biết rõ tấm lòng tốt của anh chàng. Tép lấy làm tự hào rằng mình cũng biết người biết của. Giá mà Tép đã ngờ vực Thuật, đã chỉ coi Thuật bất quá như mọi người con trai khác thì lúc này có lẽ Tép hối hận và hổ thẹn lắm.
Tép ngần ngại hai, ba lượt rồi mới hỏi Dương bằng một giọng thấp:
- Anh có thể nhắc lại cho em biết anh Thuật đã nói gì để... bênh vực em không?
Dương tủm tỉm cười vì hiểu ý Tép. Anh ta đem lòng thương hại cho Tép, biết rằng cô như một kẻ gần rơi xuống vực đang cố nắm lấy một túm rễ cây. Nhưng, bản tính hay nghịch ngầm, Dương không chịu nói ngay, thủng thỉnh đáp:
- Những câu Thuật đã nói để bênh vực cô ấy à?...
- Vâng, anh nhắc lại cho em nghe thì hay quá!...
- Ai nhắc được!
Tép van nài:
- Em lạy anh nữa!... Anh Dương, chóng đi...
- Hừ! Người ta dỗ dành tôi, làm tôi như một đứa bé con ấy!
Tép cười:
- Không, làm anh như một ông anh chứ lại!...
- Nhưng mà ông anh quên hết rồi. Thuật nó nói dài lắm vì tính thằng cha ấy dai như đỉa.
Dương quay đi chỗ khác để giấu một nụ cười vì chàng vừa bịa một câu chuyện để nói đùa Thuật.
- Gớm anh ỡm ờ quá! Em đi về vậy.
- À, thế ra cô đến đây chẳng phải cốt để thăm tôi như cô vừa nói mà chỉ cốt để nghe chuyện Thuật đấy phỏng?
Tép đỏ bừng sắc mặt.
- Quyền của anh, anh muốn nói thế nào chẳng được!...
Dương lúc đó đã không cười cợt nữa. Vẻ mặt anh ta trở nên nghiêm trang và ngụ một nét buồn thương nó làm cho anh thành một người anh hoàn toàn đáng tin cậy và đáng yêu kính.
- Anh nói đùa cô đó thôi! Ý cô muốn biết những lời Thuật đã nói là một ý rất phải. Người ta cần biết kẻ thù của mình nghĩ về mình thế nào thì lại càng nên biết bạn mình có những ý nghĩ gì về mình. Cô ngồi xuống đây anh nhắc lại cho mà nghe vì thực ra, anh còn muốn một điều này nữa...
Dương nhìn Tép một cách thương mến và khẽ tủm tỉm cười làm cho Tép phải cúi đầu bẽn lẽn.
- Cái điều anh muốn nó hơi tự truyện một tí vì trước hết anh phải hỏi ý cô đã.
- Nhưng điều gì mới được chứ! Anh cứ đắn đo mãi thế thì em biết ra làm sao?...
- Để anh nhắc lại lời Thuật cho cô nghe đã...
- Anh nói đi, em chỉ chờ anh...
- Ở đời, tôi đã nghiệm thấy rằng người ta có một thói đáng ghét là cái thói chỉ bới xấu kẻ khác. Mà cái số này lại rất nhiều. Mặt đất đầy những kẻ chỉ lấy sự bới xấu đồng loại làm một cái thích, một cách tiêu khiển độc ác vô cùng. Những kẻ đó phần nhiều lại có tài nói một cách hóm hỉnh nên thường làm cho công chúng bật cười... Sự nói xấu không những làm cho những ai bị nói xấu phải đau đớn mà còn làm cho kẻ lắng nghe phải nhầm lẫn nữa. Một bức tranh khôi hài có phải là một bức truyền thần đâu.
"Họ làm cho người nghe họ quen với những cái xấu của đồng loại rồi tin rằng ở đời chỉ thuần những cái xấu mà thôi. Ví như câu chuyện của cô. Ngay từ khi mới thoạt nghe đồn, anh đã không tin vì anh biết chắc bên trong thế nào cũng còn có một uẩn khúc. Anh em mình tuy nghèo khổ nhưng đó không phải là một cớ để họ tin mình có thể làm những việc không hay một cách dễ dàng được. Mà chính những kẻ nghèo đói như mình lại càng ít khi làm những việc bẩn thỉu, có điều anh không thể nào cãi với những lời nói thiên lệch kia được. Vì biết đâu họ chẳng bảo rằng chúng ta có họ với nhau nên anh cố bênh cô? Hôm vừa rồi, nhân anh Thuật mới vào làm, mà lại làm ở cùng một lò với anh nên anh có làm một bữa rượu để anh em cùng mua vui và để giúp cho cái tình bạn thêm khăng khít. Trong khi uống rượu, họ nói chuyện lăng nhăng rồi sau cùng lại đả động đến chuyện cô. Họ nói tới cô chẳng qua cũng là để cho có chuyện và những câu nhảm nhí chẳng qua cũng chỉ là những câu họ đã nghe và nhắc lại mà không tự biết chứ bản thân họ vị tất đã xấu. Nhưng vừa nghe bọn họ đả động tới cô, Thuật đã đỏ bừng ngay sắc mặt và nói như gắt với hết thảy:
"- Tôi không thích nghe những câu ấy vì những câu chế giễu bản tâm chỉ cốt nói đùa thôi nhiều khi có thể làm hại cả một đời người ta. Và, cho dù câu chuyện các anh nói có là đích thực chăng nữa thì ai mũ lệch xấu người ấy việc gì cứ phải bàn ra tán vào? Mà mỗi việc của người ta làm biết đâu nó đã thực đáng chê trách. Còn nhiều lý do ngấm ngầm biết đâu? Chẳng nói chi một người con gái yếu hèn, không ai là chỗ tựa nương, không ai che chở, lại còn phải tự lực nuôi thân và nuôi mẹ già, hãy cứ lấy ngay một người trong bọn mình đây, thực là đàn ông sức dài vai rộng hẳn hoi đấy, nếu bây giờ tôi hay anh chẳng hạn không có công ăn việc làm, không có một đồng tiền, một hạt gạo mà, cùng lúc ấy, cha già, mẹ già hay con thơ ốm yếu gần chết thì liệu cùng đường đâm ra trộm cắp hay cứ khoanh tay mà ngồi nhìn? Huống hồ cô Tép đã chắc đâu tự mình làm việc nọ? Chắc đâu cô không bị người ta dọa nạt ép uổng?... ".
Tép lẳng lặng lắng nghe Dương nhắc lại những lời Thuật nói. Hơn thế, ta phải nói là Tép uống từng câu ấy vào linh hồn như bông hoa bị phơi nắng suốt ngày uống những giọt sương trong mát...
Cô cảm động quá. Trong ngực phập phồng một mớ tình cảm dạt dào nó mơn trớn trái tim non nớt đã sứt sở nhiều vết thương đau... Cô dơm dớm nước mắt và, sau cùng, thở dài như cất một gánh nặng.
Cô cảm ơn Thuật không biết chừng nào. Trời! Giá Tép hiểu rõ lòng Thuật từ lâu thì việc gì Tép còn phải đau đớn như cô đã từng âm thầm đau đớn bấy nhiêu lâu? Nếu cô đã biết rằng trên đời còn có người chịu khó hiểu rõ nỗi khổ tâm cho cô và đem lòng thương hại cô như Thuật thì cô dám bất chấp tất cả sự độc ác của những kẻ xấu bụng.
Cô nhắm mắt lại, yên tĩnh giờ lâu để cho những lời êm ái thấm thía vào tận cùng đáy linh hồn... Cô như người bị thương nặng bỗng có một bàn tay nhân từ bó vết thương lại bằng một thứ thuốc thần diệu. Cô cần phải lắng nghe cái sung sướng sau cơn đau...
Cùng lúc ấy, hình ảnh Thuật lại hiện ra trước mắt cô với tất cả mọi vẻ đáng yêu, đáng mến. Đối với cô, hình ảnh ấy ví như mặt trời xuân đối với cảnh giá rét của mùa đông...
Trời ơi! Cớ sao đời cô đã bị lấm lem, đau đớn ở trong hai cánh tay của người Tây nọ. Cớ sao trên con đường đời, người thứ nhất chiếm được sự trong sạch của cô lại chẳng là Thuật, cái anh con trai thực thà và phúc hậu ấy?
Tép đứng lên, lòng ngao ngán tiếc hận giữa khi một hy vọng vừa lờ mờ hiện ra.
- Anh Dương, lúc nào anh cảm ơn anh Thuật hộ em mấy câu nhé?
- Chờ cô dặn thì vừa! Tôi đã nói ngay từ hôm ấy.
Tép nhìn Dương bằng cặp mắt đầy sự yêu mến và biết ơn.
- Thế thì em cảm ơn anh lắm!...