- 2 -

4/ Bốn nguyên tắc: "Bấm", "Vòng", "Vươn", "Buông"
 
Đúng như tôi đã nói từ đầu: "Bấm", "Vòng", "Vươn", "Buông" là hoàn toàn do Võ sưPhạm Gia Cổn sáng chế ra, không có trong sách vở nào. Nhưng nói vậy thôi chớ dưới ánh sáng mặt trời này muốn kiếm cái gì hoàn toàn mới đâu phải dể dàng gì! Bốn nguyên tắc đó bàng bạc trong võ thuật và nhiều môn thể dục, cũng như còn nhiều nguyên tắc khác... Tôi thiển nghĩ cái giá trị là sự lựa chọn và phối hợp các nguyên tắc sao cho đúng, ví dụ như Tổ sư Jigoro Kano chỉ đem vài nguyên tắc để lọc và cải biến các thế từ môn võ Nhật Jiu-Jitsu cổ xưa đã tạo ra được môn Nhu Đạo nổi tiếng trên hoàn vũ...
Điều đó có nghĩa là sự mới lạ của bốn nguyên tắc Hoàng Hạc nằm trong sự phối hợp các nguyên tắc đó trong các thế tập, và sự hiệu quả hay không của sự phối hợp đó. Cũng vì bốn nguyên tắc tiêu chuẩn này chi phối toàn thể các thế tập nên người nào muốn tập nên tìm hiểu lợi ích cũng như cách thực hành các nguyên tắc này. Tôi xin dựa theo võ sư Phạm Gia Cổn đã giải thích, trong video tại Montréal năm 2009 và trong lúc trình bày trước mặt tôi tại Cali, để suy diễn theo kiến thức của mình mà cố gắng giải thích lại cho mọi người. Theo tôi hiểu thì anh Cổn đã có ý tin tưởng trao cho tôi công tác này. Tôi hy vọng kết quả phản ảnh đúng tâm ý anh ấy. Tại vì tất cả các điều được viết sau đây đều ra thẳng từ kinh nghiệm, kiến thức và suy luận cá nhân, không thể tìm hoàn toàn trong sách vở để chứng minh!
I) BẤM:
Bấm là bấm 10 đầu ngón chân xuống đất. Đây chính là động tác đứng căn bản (và duy nhất) của Phất Thủ Dịch Cân Kinh (môn mà người Pháp, Gs André Faubert, đã dịch ra là "QiGong Universel"). Thử tìm hiểu xem bấm đầu ngón chân như vậy sẽ đưa đến hiệu quả gì? Theo Đông-y, 10 đầu ngón chân bắt đầu hệ thống gọi là Túc Cân Kinh, có tất cả 6 đường "Kinh gân cơ khởi đầu ở mỗi chân", từ một hay nhiều đầu ngón. Theo thứ tự, bên ngoài chân từ sau ra trước là Thái Dương, Thiếu Dương và Dương Minh; bên trong từ sau ra trước là Thái Âm, Khuyết Âm và Thiếu Âm. Mỗi đường Kinh Cân này không phải chỉ là một bắp thịt tại chổ, mà bao gồm nguyên một "dãy nối tiếp" các bắp thịt, từ đầu ngón chân lên trên, có khi tới cả trên mặt, thành một hệ thống có hoạt động liên hệ tiếp nối với nhau (Xem hình thí dụ Túc Thái Dương Cân Kinh ).
Hầu hết các huyệt "Tỉnh" (nghĩa là cái giếng) của Kinh mạch dẫn khí nằm trong các đầu kinh cân, tức là các đầu ngón chân này. Do đó khi bấm các đầu ngón, người tập sẽ cảm giác được sự kích thích cơ gân khắp từ đầu ngón cho đến lưng, thân và mặt. Dĩ nhiên càng xa thì càng ít rõ, nhưng cảm giác đến thắt lưng thì rất dể nhận.
Sự kích thích này theo mỗi động tác (thế) tương ứng với một hơi thở sẽ làm co thắt theo chu kỳ động tác. Mà theo sinh lý học, các huyết quản phía dưới chân, vì phản trọng lực nên phải có sự co thắt này của bắp thịt để làm cho máu "chảy lên" về tim dể dàng hơn. Tức là giúp được sự lưu thông của hệ tuần hoàn phía dưới cơ thể. Chưa kể tác động co thắt đó cũng bắt các hệ thống bắp thịt liên hệ làm việc, giữ được hay làm phát triển thêm cường độ hoạt động của các bắp thịt đó. Cũng vì sự tuần hoàn ngược lên trên tăng nhiều mà người ta vẫn khuyên nên mang giày và vớ để tránh hơi lạnh ("tà khí") theo vào từ mặt đất nơi tập vào người, nhất là nếu nhiệt độ đất quá thấp, như trên nền gạch bong chẵng hạn.