- 7 -
Bảo Đại - Nguyễn Hữu Thị Lan gặp nhau lần đầu ở đâu?

Theo một số tài liệu cho rằng thì chính chuyến tàu mà Bảo Đại về nước và Nguyễn Hữu Thị Lan về nghỉ hè là chuyến tàu “định mệnh” cho cặp tình duyên này.
Ở đây chúng tôi không cho là “định mệnh” được, mà là có sự đạo diễn của con người, hay đúng hơn của vợ chồng cha nuôi Bảo Đại là Charles. Chính Charles đã chọn ngày giờ và con tàu mang tên d’Artagnan của hãng Messagegies Maritimes để mua vé cùng ngày giờ với vợ chồng ông Lê Phát An cùng cô cháu gái Nguyễn Hữu Thị Lan cùng đi về Việt Nam. Đây là có sự bàn bạc giữa hai bên, nhà trai mà vợ chồng Charles là đại diện; còn đằng gái là do vợ chồng Denis Lê Phát An đại diện.
Có thể, với Nguyễn Hữu Thị Lan thì không biết có bàn tay sắp đặt của người lớn, nhưng với Bảo Đại thì chắc chắn đã có sự rỉ tai của vợ chồng ông bà mối Charles trước đó rồi. Nghĩa là vợ chồng Charles đã báo cho Bảo Đại biết là chuyến tàu hồi hương này sẽ có gia đình cô nữ sinh xinh đẹp Nguyễn Hữu Thị Lan cùng về trên chuyến tàu.
Ở trên tàu d’Artagnan hẳn đã có bữa cơm thân mật của gia đình Denis Lê Phát An mời vợ chồng cựu Khâm sứ Pháp Charles và không thể thiếu đôi trẻ nữ sinh Nguyễn Hữu Thị Lan và chàng trai trẻ Vĩnh Thụy, tức Hoàng đế Bảo Đại của Việt Nam. Và trong dịp bữa cơm ở trên tàu đã làm cho đôi trẻ quen nhau gần hơn, trò chuyện thoải mái, tự do mà nếp sống phương Tây đã có?!
Đầu tháng 9 năm 1932 tàu d’Artagnan cập bến cảng Cap Saint Jacques ( Vũng Tàu ). Tại đây gia đình Nguyễn Hữu Hào và gia đình họ Lê Phát đã đón ông bà Lê Phát An cùng cô Nguyễn Hữu Thị Lan về biệt thự Montjoye ( Lạc Sơn ) ở số 37 đường Tabert ( số 109 Nguyễn Du - Quận 1 ngày nay ). Còn Hoàng đế Bảo Đại thì được chuyển sang một chiếm hạm nhỏ có tên là Dumont d’Urville, nhưng trên chiến hạm này đã được trang hoàng đầy đủ một “phòng khách sang trọng” để dành cho nhà vua nghỉ trong một tuần lễ từ Vũng Tàu ra Tourane ( Đà Nẵng ).
Khi chiến hạm Dumont d’Urville cập bến Tourane thì người Pháp đã bắn 21 phát súng đại bác để nghênh chào Hoàng đế nước Việt hồi loan. Còn trên bờ, bến cảng Touranne thì đầy đủ các quan ta, quan Pháp, ông Tây bà đầm. Sau đó, Hoàng đế Bảo Đại lên xe hơi cùng đoàn tùy tùng các quan trong triều đi đón cũng từ Đà Nẵng trở ra Kinh đô Huế, nơi có bà Từ Cung, thân mẫu của Hoàng đế đang ở đó.
Còn theo Hồi ký của Bảo Đại thì cuộc hội ngộ đầu tiên giữa Bảo Đại và Nguyễn Hữu Thị Lan diễn ra ở Đà Lạt.
Sau thời gian ở Huế thăm thân mẫu và các quan trong triều từ cụ Đại thần Tôn Thất Hân đến cụ Thượng thư Nguyễn Hữu Bài. Hoàng đế Bảo Đại được Khâm sứ Pháp ngỏ ý mời Bảo Đại vào Đà Lạt để nghỉ mát ít tuần.
Ngày mà Bảo Đại vào Đà Lạt nghỉ là mùa hè năm 1933 và theo sự chỉ thị của toàn quyền Pháp là Pasquier ra lệnh cho viên Đốc lý ( thị trưởng ) Đà Lạt là Darles tổ chức một buổi dạ tiệc tại Tòa Đốc lý ( nhưng có tư liệu lại ghi là Hotal Palace - khách sạn Lang Bian ). Sau này, những ngày cuối đời cựu hoàng Bảo Đại có nhắc đến chuyện tham dự buổi dạ tiệc tại Tòa Đốc lý như sau: “Sau lần hội ngộ đầu tiên ấy, thỉnh thoảng chúng tôi lại gặp nhau để trao đổi tâm tình. Marie Thérèse thường nhắc đến những kỷ niệm ở trường Convent des Oiseaux một cách thích thú. Cũng như tôi, Marie Thérèse rất thích thể thao và âm nhạc. Cô ta có vẻ đẹp dịu dàng của người miền Nam pha một chút Tây phương. Do vậy mà tôi đã chọn từ kép Nam Phương để đặt danh hiệu cho nàng. Các vị Tiên đế của tôi cũng thường hướng về những người đàn bà miền Nam.”
“Nếu tôi nhớ không sai thì trước Hoàng hậu Nam Phương, có đến bảy  phụ nữ miền Nam đã từng là chủ nhân của Hoàng thành Huế. Khi chọn phụ nữ miền Nam làm vợ hình như đức Tiên đế và tôi đều nghĩ rằng trước kia đức Thế tổ Cao Hoàng ( tức Gia Long ) đã được nhân dân miền Nam yểm trợ trong việc khôi phục giang sơn. Chính đó là sự ràng buộc tình cảm giữa Hoàng triều Huế với người dân miền Nam”. ( Theo Con rồng Việt Nam - Nxb Plon - Paris, 1980 ).
Còn bà Nam Phương thì sau này kể lại với ông Nguyễn Tiến Lăng, Bí thư riêng của bà, về “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” khi bà gặp ông Bảo Đại ở Đà Lạt: “Hôm đó ông Darle, Đốc lý thành phố Đà Lạt có gởi giấy mời cậu Denis Lê Phát An tôi ( Lê Phát An, là anh ruột của bà Lê Thị Bình, tức bà Nguyễn Hữu Hào) và tôi đến dự dạ tiệc ở Hotel Palace. Tôi không muốn đi nhưng cậu An tôi năn nỉ và hứa với tôi là chỉ đến tham dự một chút và vái chào nhà vua xong là về nên tôi phải đi một cách miễn cưỡng và tôi cũng chỉ trang điểm sơ sài thôi. Chúng tôi đến trễ nên buổi tiệc đã bắt đầu tự lâu. Cậu tôi kéo ghế định ngồi ngoài hiên thì ông Darle trông thấy, ông ta chạy đến chào chúng tôi rồi năm tay cậu tôi kéo chúng tôi vào nhà. Vừa đi ông vừa nói “Ông và cô phải đến bái yết Hoàng thượng mới được.”
“Khi cánh cửa phòng khách mở ra, tôi thấy vua Bảo Đại ngồi trên chiếc ghế bành chính giữa nhà. Ông Darle bước tới bên cạnh Vua rồi nghiêng mình cúi chào và kính cẩn nói:
Votre Magesté, Monsieur Le Phat An et sa niêc, Mademoiselle Marie Thérèse. ( Tâu Hoàng thượng, đây là ông Lê Phát An và người cháu gái, cô Marie Thérèse).
Rồi sau này M.Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan nhắc lại: “Nhờ các nữ tu ở trường Convent des Oiseux khi trước đã từng chỉ dạy nên tôi biết phải làm gì để tỏ lòng tôn kính đối với bậc Quân vương, vì vậy tôi đã không ngần ngại đến trước mặt Hoàng đế quỳ gối và cúi đầu sát nền nhà cho đến khi thấy bàn tay cậu tôi kéo tôi dậy mới đứng lên. Vua gật đầu chào tôi đúng lúc tiếng nhạc vừa trỗi theo nhịp Tango, Ngài ngỏ lời mời và dìu tôi ra sàn nhảy rồi chúng tôi bắt đầu nói chuyện.
“Về sau, khi đã trở thành vợ chồng, Ngài mới cho tôi biết hôm đó Ngày rất chú ý cách phục sức đơn sơ của tôi. Tôi nghĩ rằng tôi được nhà vua lưu ý một phần do trong suốt buổi dạ tiệc chỉ có tôi là người đàn bà Việt Nam duy nhất nói tiếng Pháp và theo cung cách lễ nghi Âu tây đối với Ngài.”
Đọc lại những lời tâm sự trên của Bảo Đại lẫn Nam Phương, chúng ta biết là buổi dạ tiệc trên có sự sắp đặt của Toàn quyền Pháp, và do viên Đốc lý Darle đạo diễn với Denis Lê Phát An mà chắc khi đó cô thiếu nữ Nguyễn Hữu Thị Lan vẫn chưa biết đây là dịp coi mắt của nhà vua muốn gặp mặt để trực tiếp tiếp cận tìm hiểu xem cô thiếu nữ đất Nam bộ có chịu làm vợ Hoàng đế không. Và chắc chắn giữa lúc hai người nói chuyện, Bảo Đại có hứa hẹn là sẽ phong Hoàng hậu ngay sau khi cưới và cũng sẽ cho các con cái nhập đạo Công giáo. Vì vậy sau ngày trên,  Bảo Đại trở về Huế bàn việc cưới hỏi đã gặp sự ngăn cản của Hoàng tộc và Triều đình Huế.
Tóm lại, dù “cái thuở ban đầu” của Bảo Đại và Nam Phương diễn ra trên chuyến tàu d’Artagnan hay tại buổi dạ tiệc ở Đà Lạt thì đều có một sự thật là do bàn tay đạo diễn của người Pháp.