Phạm Tú Châu - Nguyễn Văn Thiệu (Dịch và biên soạn)
Chương 24
Giữ Khí Tiết Liệt Nữ Lưu Danh
Tham Sắc Đẹp Kẻ Ngu Chịu Tội

Khổng Dung che giấu Trương Kiệm, việc ấy bị phát giác, em và mẹ tranh nhau chết thay, cả nhà đã trở thành những người nghĩa hiệp, được đời đời ca ngợi. Sau này lại có nhà tham quyền ỷ thế, không có cương thường nghĩa, cha, con không đồng lòng, anh em không cùng tiết lẫm liệt, trở thành một loại. Những việc này do quyền lực ngăn chặn, mai một đi, không ai còn biết được nữa, ta hoàn toàn không muốn nó mất đi.
Ta thường ghi những sự việc tai nghe mắt thấy: có một người đàn bà chồng chết, không đi lấy người khác, đã vẽ bức ảnh chồng để dưới gối, hằng ngày ngắm nhìn chồng. Thế rồi có một người khác biết được nói, chẳng phải cô ta yêu chồng đâu, cô chỉ yêu sắc đẹp đấy thôi. Có một người dung mạo đẹp hơn chồng cô, cuối cùng đã làm cho cô thay lòng đổi dạ. Một người thấy Long Dương là bạn thân của mình đẹp hơn hẳn chồng cô, anh ta bèn vẽ bức chân dung Long Dương rồi nhờ một bà già đưa cho cô. Quả nhiên bà già ấy làm cô thay lòng. Long Dương ép thuyền vào bờ chờ ba đêm thì cô ấy ra. Sao đó Long Dương trốn đi, chỉ còn lại một người trung niên râu quai nón, nên cô ấy đành phải lấy người này. Người nhà chồng cũ kiện người này đã dụ dỗ người gian dâm. Song người này đã dẫn cô ta cho một vị quan to, để dập tắt vụ kiện. Như vậy cô đã qua bốn đời chồng. Điều ấy chẳng có gì đáng nói.
Ở Ngô Giang có một người đàn bà giàu nhưng góa chồng. Vì muốn chiếm gia tài, nên người chú họ gả người ấy cho một người danh tiếng. Người ấy trốn thoát tố cáo việc này lên huyện. Quan huyện không dám thẳng tay xét xử. Người đàn bà ấy đã tự cắt cổ chết. ở Sở Trung có một người đàn bà giỏi văn chương, từng làm bài giúp chồng. Có một công tử cùng trường biết được, bởi thế đã đầu độc chồng chị ta. Sau đó lại tổ chức tang lễ cho chồng chị cực kỳ linh đình. Người đàn bà ấy vẫn không biết. Đến khi người này tìm mọi cách và dùng cả thế lực cướp chị về làm vợ lẽ. Người đàn bà này bèn nghi ngờ về cái chết của chồng. Rồi chị nghĩ: "Ta đã dùng tài sắc để giết chồng, rồi đi hầu hạ kẻ giết chồng mình". Sau đó tự đâm cổ chết. Người đàn bà này thật xứng đáng là một liệt nữ. Ở Chiết Giang lại có một người giữ trọn lời thề với người chồng chưa cưới, khi chồng chết cũng chết theo chồng, càng làm cho ta vô cùng kính trọng.
Đó là:
Một lời đã hứa,
Tiếc gì đến thân.
Cùng nhau sống chết,
Tuyệt vời vĩ nhân.
Người đàn bà ấy họ Trình, ở ngoại thành huyện Khai Hóa, phủ Cù Châu, vốn quê ở Vụ Nguyên. Cha là Trình ông, thường xẻ gỗ bán cho vùng Nam Trực, Triết Giang, bởi thế thường trú tại Khai Hóa. Vợ là Ngô thị, cũng là người thuộc dòng họ lớn ở Tân An. Trình ông có người con trai tên là Trình Thức. Tháng Chín lại xin được một con gái tên là Cúc Anh. Trình ông tính tình chất phát, thật thà, đã hứa với ai thì chẳng bao giờ sai lời, chẳng hạn như hẹn một người nào đó vào giờ tỵ, thì không bao giờ tới giờ ngọ. Đã hứa cho ai vay một trăm lạng thì không bao giờ đưa chín mươi chín lạng. Ông thường nói mình là một gã đi buôn, không thông hiểu chữ nghĩa, nhưng rất yêu mến những kẻ sĩ hiểu biết rộng. Trong nhà, ông thích lưu giữ sách vở và thư họa. Con cái còn nhỏ tuổi nhưng ông đã mời thầy về dạy học. Bởi thế Cúc Anh cũng biết đến sách vở chữ nghĩa và biết viết văn chương. Khi lớn lên ông lại dạy thêu thùa may vá. Xem ra sau này cô không chỉ là người đẹp, răng trắng lông mày lá liễu, da trắng như tuyết, thướt tha yểu điệu, hòa nhã nết na mà còn là một bậc nữ sĩ tài hoa. Vợ Trình Công thương nói: "Con gái ta nhất định sẽ không làm thiếp cho những kẻ phàm phu tục tử".
Người đẹp như băng tuyết,
Lại tỏa ngát hương thơm.
Lũ dê đục thèm thuồng,
Cũng không sao chiếm được.
Trước hết Trình ông cưới cho Trình Thị một người con gái thuộc dòng dõi Nho gia. Sau đó ông chọn cho con gái một chàng trai cũng thuộc dòng dõi Nho gia. Trong làng có một tú tài người họ Trương. Con trai ông là Trương Quốc Trân, khôi ngô tuấn tú, cử chỉ lịch thiệp, cực kỳ thông minh, lại rất ham học. Chỉ có điều nhà rất thanh bạch nghèo túng. Trình ông thấy anh ta là người đức hạnh, lại học giỏi bèn gả con gái cho anh ta. Song Trương tú tài ra sức chối từ, ông nói:
- Người ngày nay chỉ muốn lấy vợ nhà giàu, mong của hồi môn, để hằng ngày dựa dẫm vào vợ. Không biết rằng người đời sẽ cậy của lấn lướt chồng, coi thường bố mẹ chồng. Hơn nữa không quen gian khổ, lại thích ăn ngon mặc đẹp. Nếu mình cứ chiều theo họ thì sẽ không có khả năng. Nếu không chiều theo họ thì cửa nhà sẽ không yên, cho nên không thể với cao.
Tùng bách vươn tầng mây,
Mộng đàn bà hạn hẹp.
Giữa đường mộng đã vỡ,
Lệ chảy tràn xiêm y.
Trình ông nghĩ: "Ông Trương nói như thế, ấy là người có phẩm giá cao. Con gái ta vốn là người có học vấn, biết lẽ phải. Hoàn toàn khác hẳn với con những nhà giàu có khác. Dù cho lễ vật ít hay nhiều ta vẫn gả cho Trương Quốc Trân".
Đúng vào lúc sắp cưới, thì gặp lại nhà họ Từ ở Thanh Dương, là một đại phú gia, ruộng đồng thẳng cánh cò bay. Thích kết giao với quan lại, chỉ có một đứa con trai tên là Từ Đăng Đệ. Vì là nhà giàu lại một con, nên cả nhà hết sức nuông chiều. Tuy có mời thầy, nhưng không dám dạy một câu viết một chữ. Đến năm mười ba, mười bốn tuổi vẫn mù tịt, chẳng biết chữ nào. Chạy hết chỗ này đến chỗ khác xin vào trường, tỏ ra ta đây là học sinh. Nay phá đề thừa đề, mai giảng giải, chọn ngày làm văn. Chẳng biết chữ nào do anh ta viết ra? Còn thầy thì cốt kiếm tiền, không nghĩ gì đến hậu họa. Từ Đăng Đệ thì vênh vang tỏ ra ta đây là người tài giỏi. Hắn cứ mở miệng ra là tục tĩu. Thường thì người ta tốt đẹp khoe ra, xấu xa đậy lại, nhưng hắn thì không thế, lúc nào cũng luôn miệng chi hồ giả dã(1), người khác xấu hổ thay, nhưng hắn không biết ngượng. Đến năm mười lăm mười sáu tuổi thì hắn la ca tới ngõ liễu đường hoa, quán rượu sòng bạc, chẳng nơi nào mà hắn không đến. Tới khi thi, thì cả nhà phải chạy chọt đút lót, thầy dạy cũng đi tìm người làm bài hộ, chẳng biết mất bao nhiêu tiền. Đến khi không đỗ lại ngông cuồng khoác lác rằng: "Lão đề học không hiểu được văn chương mới, rằng không biết chọn người có thực tài "
(1) Chi hồ giả dã: là các hư tự thường dùng trong cổ văn. Ở đây ý nói Từ Đăng Đệ dốt đặc nhưng hay khoe chữ.
Đúng là:
Bụng dạ tối om om,
Không phải là chứa mực.
Là mặt hoa da phấn,
Song chẳng phải văn nhân.
Lão Từ lại nói:
- Con tôi giỏi như thế, phải lấy một người cực kỳ xinh đẹp, cực kỳ giỏi giang.
Chẳng quản xa hay gần, cứ thấy nhà ai có gái đẹp là nhờ người tới hỏi. Rất may lão Từ tìm được con gái nhà họ Trình, lại biết được nhà họ Trình mời thầy về dạy chữ, mời người dạy thêu thùa. Cô gái ấy biết chữ lại biết thêu thùa may vá. Thế rồi lão ta nhờ một người mối đến nhà xem mắt, họ trở về nói, cô là một người quốc sắc thiên hương. Lão ta nhờ người tới hỏi, song Trình ông không ưng. Lão Từ đã định rằng, nếu Trình ông ưng thuận thì đưa tới năm trăm lạng bạc làm sính lễ. Trình ông không bằng lòng gả. Ông nói:
- Không phải là tôi bán con.
Thế rồi ông sai người mối tới nói với Trương tú tài, thôi thì sính lễ. thế nào cũng được, cứ dẫn lễ trước đi. Đó chính là:
Chim hoang sánh chim phượng,
Bạch chỉ sánh hoa lan.
Cười cho giống lau sậy,
Đòi sánh càng ngọc lan.
Thấy Trình ông nhiều lần chối từ, lão Từ túc giận nói:
- Ta nhờ một người có thế lực, sợ gì ông ta không nghe.
Thường ngày lão Từ kết thân với một viên quan họ Vương, đây là một tri huyện cử nhân, đã từng làm quan đốc phủ của tình này, ông ta luôn búi tóc. Lần này đốc phủ vẫn còn phấn chấn, lão Từ đã biếu bốn bộ quần áo, một bộ chén bạc có chân, và mười hai lạng bạc, nhờ ông ta bày mưu. Viên quan này nhận tất không từ chối.
Ông ta chọn ngày tốt, đội chiếc khăn đen nhánh, mặc chiếc áo đỏ sẫm, tay cầm ô tới gặp Trình ông. Trình ông thấy thế khiếp sợ sau khi ngồi vào bàn, ông ta nói ngay vào việc hôn nhân. Trình ông nói:
- Con gái tôi đã nhận sính lễ nhà họ Trương.
- Làm gì có chuyện đó, viên quan nói, mà nếu có nhận sính lễ rồi thì tại sao ông Từ lại còn nhờ tôi, đến nói? Tôi phải là người làm mối.
- Quả thực đã nhận sính lễ rồi, - Trình ông nói, - hiện lễ vật vẫn còn.
Thế rồi Trình ông bảo người mang lễ vật ra cho quan xem. Thấy thế quan nói:
- Sao ông lại bán rẻ con ông như thế? Đây không coi là sính lễ. Tôi xin đảm bảo với ông sính lễ năm trăm lạng.
- Việc hôn nhân mà bàn đến của cải thì đó là đạo cầm thú, quả thực tôi đã gả cháu cho người ta rồi, không thể thay đổi được nữa.
- Có khó gì mà không thay đổi được! - Viên quan nói. - Loại tú tài kiết xác, ông trả thêm cho ông ta một ít thì ông ta ưng ngay. Ông lại chuẩn bị một ít để lại quả cho ông Từ, như vậy vẫn còn bốn trăm lạng. Đây là điều ông ấy mong chờ ông, có mất thêm một chút cũng không ngại. Ngay tôi đây khi gặp may, có ba bà, tám đứa con gái mà cũng đã lấy chồng cả rồi, cháu nội cháu ngoại thì cũng phải đủ ba trăm lạng một đứa. Nhà tôi cũng như nhà ông Từ, hơn một trăm lạng có đáng kể gì tiền lãi hằng ngày của ông ấy còn nhiều hơn thế. Ông không nên cố chấp.
Trình ông vẫn không nghe, viên quan cụt hứng bỏ về. Lúc ấy cha con lão Từ đang chờ ở nhà, cầm chắc việc đã thành. Thấy ngoài cửa báo tin ngài Vương tới, viên quan họ Vương không giương ô, không mặc áo nhà quan, bước vào nói:
- Hai mươi năm đỗ cử nhân làm quan, ta đã nói không biết bao nhiêu người, song không có ai lại cố chấp như lão ta.
- Lẽ nào ông ta không nghe. - Lão Từ nói.
- Vẫn không nghe! - Viên quan nói. - Ta nghĩ rằng thiên hạ thiếu gì con gái, sợ gì không có người đẹp? Ta sẽ tìm cho một người khác.
Nói xong đứng dậy ra về. Cha con lão Từ cố giữ lại bằng được, nói:
- Mong ông ngồi lại một chút đã.
- Không có công mà ăn lộc. - Viên quan nói.
Ngồi yên chỗ, viên quan chỉ vào Từ Đăng Đệ nói:
- Tài cao như anh nhà đây giá làm phò mã cũng xứng. Chỉ hận một nỗi tôi không đứa con gái thứ chín.
- Cha con tôi ngu dốt bị cự tuyệt còn chịu được. Nhưng ông lớn nói lời vàng ý ngọc, không thể không nghe. Nhà tôi mất thể diện đã đành, mà ngay cả ông lớn nói không đắt lời cũng sẽ bị người ta chê cười. Mong ông lớn tìm cách giúp.
Viên quan nói:
- Tôi chẳng có kế gì, có gì ông cứ nói ra tôi sẽ đi làm.
Hồng nhan thường bạc mệnh,
Xưa nay thật đáng thương.
Chỉ sợ mày ngài đẹp,
Gây nên bao chuyện buồn.
Lão Từ nói:
- Tôi biết ngài quan huyện rất phục ông lớn, mình cầu hôn không được thì kiện thôi.
- Lẽ nào lại đi kiện! - Viên quan nói.
- Tôi kiện nhà họ Trình bội ước, họ Trương cưỡng ép đưa sính lễ. Xin ngài nhờ quan huyện xét xử.
- Tôi được đốc phủ tin cậy yêu mến, song chuyện nhỏ không nên nhờ. - Viên quan nói. - Việc hôn nhân là việc nhỏ ông nhờ người khác thôi.
- Cốt là tranh lấy tiếng chứ không tranh giành về của cải, Từ Đăng Đệ nói, - chỉ cần xong việc là tôi sẽ tạ ơn một trăm lạng, cha tôi không bỏ ra thì tôi bỏ ra.
- Loại lăng nhăng ấy kể làm gì, chỉ cần kiện nhà họ Trình bội ước, gả con gái cho người khác thôi.

Truyện Đoán Án Kỳ Quan Lời Giới Thiệu Tập 1 - Chương 1 (A) Chương 1 (B) Chương 2 (A) Chương 2 (B) Chương 3 (A) Chương 3 (B) Chương 4 (A) Chương 4 (B) Chương 4 (C) Chương 5 (A) Chương 5 (B) Chương 5 (C) Chương 6 (A) Chương 6 (B) Chương 7 (A) Chương 7 (B) Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 17 (C) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 18 (C) Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 23 (B) Chương 24 Chương 24 (B) Chương 24 (C) Chương 25 Chương 25 (B) Tập 2 - Chương 1 Chương 1 (B) Chương 2 Chương 2 (B) Chương 3 Chương 3 (B) Chương 3 (C) Chương 4 Chương 4 (B) Chương 5 Chương 5 (B) Chương 6 Chương 6 (B) Chương 6 (C) Chương 6 (D) Chương 6 (E) Chương 7 Chương 7 (B) Chương 8 Chương 8 (B) Chương 9 Chương 9 (B) Chương 10 Chương 10 (B) Chương 11 Chương 11 (B) Chương 12 Chương 12 (B) Chương 13 Chương 13 (B) Chương 14 Chương 14 (B) Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 19 Chương 20 Chương 20 (B) Chương 21 Chương 21 (B) Chương 21 (C) Chương 22 Tập 3 - Chương 1 Chương (B) Chương 1 (C) Chương 2 Chương 2 (B) Chương 2 (C) Chương 3 Chương 3 (B) Chương 4 Chương 4 (B) Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 9 (B) Chương 10 Chương 10 (B) Chương 10 (C) Chương 11 Chương 11 (B) Chương 11 (C) Chương 12 Chương 12 (B) Chương 12 (C) Chương 13 Chương 13 (B) Chương 14 Chương 14 (B) Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 19 Chương 19 (B) Chương 20 Chương 20 (B) Chương 20 (C) Chương 20 (D) Chương 20 (F) Chương 21 Chương 21 (B) Chương 21 (C) Chương 21 (D) Chương 22 Chương 22 (B) Chương 23 Chương 23 (B) Chương 24 Chương 24 (B) Chương 25 Chương 25 (B) Chương 26 Chương 26 (B) Kết