Phạm Tú Châu - Nguyễn Văn Thiệu (Dịch và biên soạn)
Chương 13 (B)

Thấy thế Tiền thị nghĩ: "Những tên tâm phúc của hai người ấy là Lai Phúc, Lai Thọ, Tiến Quý, Văn Đồng vẫn đang đứng ở đây chắc hai người này đã đánh chết chồng mình. Song họ khoác vào cổ cha. Ta là đàn bà, lại một thân một mình thì biết đâu mà kêu oan. Nếu ta không biết thân phận thì sẽ bị họ hãm vào chỗ chết, ba đứa nhỏ cũng không còn đường sống, và mối oán thù như biển cả này cũng không trả được". Đành phải nói với bố chồng rằng:
- Anh ấy nói năng bừa bãi thì tự chuốc lấy cái chết thôi. Cha có đánh chết, con cũng không dám nới gì. Con chỉ mong cha hãy trông nom lấy ba đứa cháu này, bảo toàn lấy chút máu mủ của anh ấy!
Bố chồng đang sợ con dâu không biết thân biết phận sẽ bị họ giết chết. Anh em nó sẽ trừ khử cả ba đứa trẻ này thì chị ấy sẽ tuyệt tự. Thấy con dâu nói thế, nước mắt ông trào ra, nói với Bá Tấn, Trọng Duy rằng:
- Nó đã không nói gì thì chúng mày phải trông nom đến con của nó. Bố chồng lấy ra ba mươi lạng bạc, sai người mua quan tài tang phục. Bá Tấn coi chặt cửa sau, không cho gia nhân tùy tiện ra vào. Trọng Duy đứng chặn lấy cửa vườn chỉ cho hai ba gia nhân và vợ hắn vào để giúp việc khâm liệm.
Tro nguội không bùng lửa,
Chim lồng chẳng thể bay.
Nỗi oan không rửa được.
Đạo trời mù mịt thay.
Ba đứa con trai mới năm tuổi thì sao hiểu nổi sự đời, chỉ có Tiền thị vừa lo khâm liệm vừa khóc lóc, chỉ khóc rằng sao chồng đã vội vã bỏ vợ con mà đi, rằng chị một mình không thể nuôi dạy con cái, không dám hé ra một lời oán hận về chồng chết oan. Khi cùng bọn đàn bà khiêng thi thể chồng, Tiền thị lén lút giấu chiếc búa sắt dùng để giết người đi. Khi hai bên khâm liệm thì người này cứ ngỡ người kia cất đi, không hỏi lại. Xác đưa về nhà Tiền thị thay chiếc áo máu ra giấu cùng với chiếc búa vào một chỗ kín. Khâm liệm xong, quan tài để ngay tại nhà, những người trong thân tộc đều biết rằng Thúc Miện đột tử, trong đó có điều gì bất minh, hai người này giữ kín người ngoài không ai biết được. Họ lại thấy Tiền thị không nói năng gì, mà dù có bất bình cũng không làm sao được. Không còn cách nào khác bố chồng đành phải chia gia tài, và Tiền thị được chia nhiều hơn. Bá Tấn, Trọng Duy biết rõ việc ấy cũng không dám suy bì. Song chúng đuổi hết những gia nhân đi, chỉ để hai người lão bộc ngu đần đi thu tô cho Tiền thị và hai đứa ở ngu xuẩn cho Tiền thị sai vặt trong nhà. Những người thân thích đến chúng đều sai người nghe ngóng xem Tiền thị có nói gì không. Song Tiền thị chỉ nói:
- Tôi là quả phụ, không gặp đàn ông, kể cả người thân tôi cũng không gặp.
Tất cả những người thân thích khi có công việc đến mời, Tiền thị đều từ chối là đang có tang không đi. Đến khi xong tang, phàm là những người chí thân, những việc hiếu hỉ bất đắc dĩ phải đi, thì hai người chị dâu đều sai người đi theo dõi, song Tiền thị cũng chẳng nói gì, vì chị cho rằng có nói ra cũng vô ích, mà có khi còn mang vạ.
Tai điếc như bức vách,
Chẳng hé răng nửa lời.
Đêm phòng the vò võ,
Ngậm ngùi nuốt đắng cay.
Cao thị và Vương thị là những đứa đầy mưu kế, sợ rằng Tiền thị không quên thù chồng đã cấm cửa ni cô ra vào và nhờ mấy mụ mối tâm phúc vờ vịt đến mối manh cho mấy đứa con chị, song lại hỏi vì sao chồng chị lại chết yểu như thế? Tiền thị chỉ nói chồng mình chết vì mắc bệnh cấp tính. Có người lại hỏi:
- Nghe đâu người ta bảo chồng chị chết bất minh có phải không?
- Chồng tôi chết vì ốm đau chứ có gì là bất minh đâu.
Tuyệt nhiên Tiền thị không để lộ ra một ý nào khác. Hai người đàn bà kia lòng dạ vô cùng nham hiểm, sai mấy bà mối giả vờ ngờ nghệch, khơi gợi chuyện phong tình, than vãn Tiền thị phải sống phí hoài tuổi thanh xuân, song Tiền thị không chút lãng quên, chị thẳng thắn từ chối:
- Con còn nhỏ, tôi không nghĩ tới chuyện đi bước nữa.
Hai người ấy lại cố ý sai những người đầy tớ trẻ đẹp mang lễ vật tới thăm hỏi, Tiền thị không mời vào nhà. Tất cả những việc ấy Tiền thị đều đáp lại hết sức chu đáo.
Giữ miệng kín như bình,
Giữ thân như giữ ngọc.
Dù sóng cả gió to
Vẫn không hề lay chuyển.
Những đứa con cũng dần dần trưởng thành, sợ học xa nhà không trông nom được, mà mời thầy về nhà dạy, lại sợ những người anh đặt điều, thôi thì Tiền thị tự dạy con. Vì thương con rất mực, Tiền thị dạy con hết sức nghiêm túc.
Con cũng vì thương me,
Nên chịu khó học hành.
Đọc sách cha để lại,
Nước mắt đỏ máu tươi.
Mấy năm sau thì bố chồng chết. Tiền thị nghĩ thầm, nay họ không còn chỗ để che giấu, thoái thác, ta liều mình minh oan cũng không khó nữa. Song đứa con cả mới hơn mười tuổi, đứa út thì còn bé quá, chưa đủ lông đủ cánh. Trong những đêm trăng Tiền thị thầm kêu lên với chính mình rằng ta phải trả mối thù này. Khi dạy con Tiền thị thường kể cho con nghe những gương trung thần và người có hiếu với cha mẹ. Chị luôn chú ý rèn dũa chúng thành những người có khí tiết, biết hiếu nghĩa, và những đứa con của chị cũng hiểu được điều đó. Hai đứa con lớn đã trưởng thành, định tìm vợ cho chúng, chị cũng giả vờ xin ý kiến của hai chị dâu, hai người ấy sợ rằng nếu tìm những nhà có thế lực sau này họ giúp đỡ nó thì lại thêm rắc rối. Họ bèn tìm cho thằng cả đứa con gái của một bà quả phụ, nó không có bố vợ. Còn đứa thứ hai thì hỏi cho nó đứa con gái của một gã thô tục vừa mới giàu lên, và họ giả vờ nói, mình là một nhà quan nghèo, lấy họ sẽ được nhiều của hồi môn. Sau này muốn leo lên cao e rằng sẽ tốn kém, mà mình thì mẹ góa con côi lo làm sao được. Tiền thị cũng đành phải nghe theo họ.
Chân ta vẫn hãy còn,
Cần gì nhờ người khác.
Chí nếm mật nằm gai,
Quyết trả thù rửa hận.
Những sách vở của Thúc Miện để lại chúng đã đọc được, những lối văn khoa cử chúng chưa được học. Đến khi mười lăm mười sáu tuổi, Tiền thị cho chúng đi học xa nhà. Bá Tấn, Trọng Duy thấy Tiền thị vẫn yên phận ở vậy, lại vẫn đối đãi với các anh các chị hết sức chu đáo. Họ nghĩ rằng Tiền thị đã quên chuyện xưa. Hơn nữa sự việc xảy ra đã lâu, ba đứa cháu còn yếu đuối chẳng hại được ta, cho nên cũng không nghi kỵ và hãm hại chúng. Bởi thế Tiền thị cũng yên tâm cho chúng đi học xa. Sáng chiều vẫn giữ chúng không cho đi đâu, còn mình thì cũng làm việc nhà, đôn đốc chúng học hành. Điều đáng mừng là hai đứa học tập chuyên cần, đứa lớn được xếp thứ nhất trong phủ huyện, được cử lên đạo(1) học.
(1) Đạo: đơn vị hành chính cấp trên của phủ huyện.
Ba đứa con, đứa lớn lên là Pháp Tổ, đứa thứ hai là Thằng Tổ, đứa thứ ba là Kế Tổ. Lúc ấy Pháp Tổ đã lên đạo học, Thằng Tổ và Kế Tổ cũng đã biết làm văn. Kế Tổ mười tám tuổi, Tiền thị định tìm vợ cho nó, và mong sao cả ba đứa thành gia thành thất rồi sau đó mình mới đòi đến mạng. Không ngờ mười tám năm đau lòng buốt ruột, chỉ biết một mình chịu đựng không dám thổ lộ cùng ai, kể cả những người thân thích. Ngay nhũng đứa con rứt ruột của mình cũng không cho chúng biết, nếu chúng để lộ ra với bác chúng thì sẽ thành tai họa. Bởi thế Tiền thị không dám hé răng, ngay những lúc quá uất ức, muốn khóc lên cho vơi đi cũng không khóc được. Bởi thế lúc đầu khí uất kết từ trong tì vị không điều hòa được, sau đó biến thành cổ trướng.
Uất khí nghẽn trong ngực,
Định nói phải nuốt vào.
Tích lại thành cố tật,
Chết đi ở suối vàng.
Tài sản tích góp được đều do chị tảo tần hơn mười năm trời, thấy mình không thể sống được, chị dành lại một ít để lo việc chôn cất cho mình và lo việc cưới vợ cho Kế Tổ, còn lại chị chia đều cho ba người. Chị dặn:
- Mẹ còn một chiếc hòm nhỏ, sau khi chôn cất mẹ xong, các con hãy mở ra, đừng cho bất cứ ai biết.
Quả nhiên ba người con vẫn không mở ra xem, mà chỉ một lòng một dạ lo chạy chữa thuốc thang cho mẹ. Song thuốc dù tốt cũng không hiệu nghiệm, năm hết tết đến chị ôm hận từ giã cõi đời.
Đêm bên đèn oán hận
Thù này ngỏ cùng ai.
E rằng nơi chín suối
Vẫn ngậm tủi nuốt cay.
Ba đứa con khóc lóc kêu trời kêu đất, mua quan tài khâm liệm mẹ. Ai ai cũng xót thương cho Tiền thị, mười tám năm trời khổ sở ở vậy nuôi dạy ba đứa con nên người, không ai biết được chị quyết tâm nuôi chí báo thù.
Việc tang ma tạm xong, ba anh em nghĩ: "Mấy hôm trước mẹ dặn còn chiếc hòm nhỏ, chưa biết chừng ở đó còn ít tiền chăng”. Nay việc ma chay đã tạm xong, thôi thì hãy mở xem sao". Thế rồi họ vào nhà, mang hòm thấy rất nặng. Ba người vội mở ra, chỉ thấy trong đó có bộ quần áo bê bết máu, một chiếc búa sắt và một mẩu giấy. Trên mẩu giấy còn bút tích của mẹ: "Vì thẳng tính, cha con đã xúc phạm đến hai bác con. Vào ngày... tháng... năm..., hai bác đã lừa cha con ra vườn sau, dùng búa đánh chết. Lúc ấy có cả những tên tay chân của họ là Lai Phúc, Lai Thọ, Tiến Quý, Văn Đồng. Chiếc áo máu là của cha con mặc lúc bị hành hung, chiếc búa là hung khí giết cha con. Vì các con còn nhỏ, nếu mẹ đứng ra đòi mạng, sợ rằng họ sẽ giết hại, và ngay các con cũng khó mà sống được, bởi thế mẹ phải nén chịu. Nếu các con có chí thì hãy làm đơn cáo giác, trên báo thù cho cha, dưới rửa hận cho mẹ!". Ba người con thấy thế gào lên khóc, nói:
- Cha chúng ta vốn chết bất đắc kỳ tử, há sao chúng ta lại không báo thù cho cha?
- Bây giờ thì chúng ta phải giết chết hai người ấy, - Kế Tổ nói, - bắt họ phải đền mạng.
- Không nên nôn nóng như thế, - Pháp Tổ nói. - Ta là anh cả, ta phải đứng ra cáo giác.
Ngay đêm ấy Pháp Tổ làm đơn đưa tới Phủ án cáo giác.
Lưới trời sao thoát được,
Nỗi oan ắt phạt đền.
Khi cáo giác, quan trên cho rằng việc đã quá lâu không chịu giải quyết. Pháp Tổ cứ ôm chiếc áo máu kêu oan, Phủ án đành phải phê, giao cho Lý hình của bản phủ giải quyết. Quan Lý hình là người Trọng Duy tôn là thầy, Bá Tấn lại đút lót nhiều tiền của, bởi thế Lý hình dọa Pháp Tổ:
- Chuyện tính mạng rất hệ trọng, sao lại chỉ dựa vào mấy câu nói của mẹ để tố cáo bác được? Hơn nữa lại không có giấy khám nghiệm thương tích, nếu mở nắp quan tài cha đã khâm liệm từ lâu thì ngươi sẽ là kẻ bất hiếu, mà án mạng sao mười tám năm nay mẹ ngươi không cáo giác?
- Lời trăng trối của mẹ tôi đã rõ, - Pháp Tổ nói, - hai bác tôi giàu như nước, sợ không báo thù được cho cha tôi, mà còn nguy hiểm đến tính mạng của các con, cho nên mẹ tôi phải nén chịu. Nếu kẻ học trò này lại tiếc thân mình, không dám tố cáo thì kẻ học trò này càng bất hiếu. Mà khám nghiệm không có thương tích thì tôi xin nguyện chết.
Lý hình không dọa nạt được, đành phải tới nhà mở quan tài ra khám nghiệm. Trước khi khám nghiệm Lý hình lại dụ dỗ nhiều lần, song Pháp Tổ khăng khăng không chịu. Hai người này ỷ vào thế Lý hình, nghĩ rằng thi hài đã rữa nát không còn dấu vết, hơn nữa đã đút lót cho những người khám nghiệm tử thi, hẳn là họ sẽ che đậy cho. Ngờ đâu khi mở quan tài, thì lạ thay, đó là một xác chết khô, còn nguyên vẹn. Cởi áo ra khám xét thì xương bả vai trái bị búa đập dập nát, cánh tay bên phải bị búa đập gẫy. Thái dương bị tống tổn thương, hạ bộ bị đá dập. Ngoài ra còn nhiều vết thương trên khắp cơ thể. Những vết bầm tím, vết tròn, vết dài, vết rộng, vết hẹp, đều ghi hết vào biên bản khám nghiệm. Thời ấy, Pháp Tổ kiện hai người bác đã làm chấn động các trường học. Những người cùng học với Pháp Tổ không hiểu sự việc bên trong, còn những người quen biết Thúc Miện đều cho rằng Thúc Miện nói năng bừa bãi mà bị đố kỵ. Hai người ấy đều đổ cho cha, nhưng việc Thúc Miện ngỗ ngược với cha lại không có chứng cứ thực, nên quan cũng không bao che được. Lai Phúc đã chết, Tiến Quý bỏ trốn từ lâu, quan đành phải bắt Lai Thọ, Văn Đồng tới tra khảo. Lúc đầu chúng chối là không biết, sau đó tra khảo chúng đành phải khai là Bá Tấn dùng búa đánh gẫy cánh tay, Trọng Duy tống vào thái dương, Bá Tấn lấy búa đánh vào vai bên trái, Trọng Duy đá vào hạ bộ, chúng con chỉ hùa theo. Bá Tấn và Trọng Duy không sao chối cãi được, viên quan xét xử cũng không bịt được mồm hai tên kia.
Hai mươi năm ôm hận.
Bỗng nay được minh oan.
Phép vua sao cãi được,
Khó thoát khỏi lưới trời.
Bá Tấn, Trọng Duy phải khép vào tội anh giết em. Lai Thọ, Văn Đồng đáng ghép vào tội con ở giết chủ. Song vì tiền bạc của chúng rất thiêng, Bá Tấn đã âm mưu bảo bọn tay chân nhận hết, Trọng Duy được tha, Lai Thọ, Văn Đồng chỉ là kẻ đánh hôi, cuối cùng được giảm tội. Pháp Tổ lại tiếp tục kháng cáo. Hai người kia lại tiếp tục biện bạch, song vẫn bị bác bỏ. Thế mới biết lưới trời lồng lộng, không chóng thì chầy cũng bị báo ứng.
Ân, nghĩa là lẽ trời,
Giết nhau thật bất nhân.
Lần lượt vào nhà ngục,
Đáng đời bọn ác nhân.
Bá Tấn là một tên giàu có, Trọng Duy là một kẻ mưu mô quỷ quyệt khéo chui luồn, nếu như ngày ấy người đàn bà yếu chân mềm tay kia làm cho ra nhẽ, thì chúng sẽ đổ vấy cho cha, và chẳng qua chúng chỉ tung ra ít tiền, cũng chẳng làm gì được chúng. Nếu xuất đầu lộ diện thì Tiền thị không chết vì uất ức thì cũng bị chết vì mệt mỏi. Ba đứa con mồ côi cha mẹ, ai sẽ là người nuôi nấng, dạy bảo? Nếu Tiền thị không nén lòng chịu đựng thì nỗi oan uổng của chồng không rửa được, mà thậm chí còn phải chết oan, ba đứa con không bảo toàn tính mạng. Không ngờ Tiền thị âm thầm kiên trì chịu đựng nuôi chí báo thù, thấy tình thế bất lợi, bèn thuận theo bố chồng đó là một cách làm tùy thời khéo léo nhất. Mười tám năm trời không tỏ ra một chút gì oán hận, ngay đến con cũng không nói cho chúng biết, thì quả là vô cùng mưu trí và đầy nghị lực. So với những người tiết liệt còn hơn một bậc. Còn như Bá Tấn, Trọng Duy, không có tình yêu thương, tàn sát người thân, tuy dùng mọi mưu mô xảo trá để mong thoát tội, rốt cục vẫn vô ích. Tại sao bọn chúng không kìm nén cái tính độc ác như lang sói đi đôi chút? Còn như Thúc Miện nát rượu nói bừa để đến nỗi phải chuốc lấy cái chết, khiến cho vợ con phải sống vất vưởng long đong, âu cũng là một bài học cho những kẻ ngông cuồng. Tiền thị là một người biết nhẫn nhịn và cuối cùng đã báo được mối thù cho chồng. Ba người đàn ông không nhẫn nhịn được cuối cùng đã phải chuốc lấy cái chết. Kinh thư viết: "Việc nhỏ không nhẫn nhịn sẽ làm loạn mưu lớn". Trương Công Nghệ kiên trì chữ nhẫn, không hoàn toàn bị lệ thuộc vào luân lý, quả thực đây cũng là điều quan hệ đến tính mạng con người.

Truyện Đoán Án Kỳ Quan Lời Giới Thiệu Tập 1 - Chương 1 (A) Chương 1 (B) Chương 2 (A) Chương 2 (B) Chương 3 (A) Chương 3 (B) Chương 4 (A) Chương 4 (B) Chương 4 (C) Chương 5 (A) Chương 5 (B) Chương 5 (C) Chương 6 (A) Chương 6 (B) Chương 7 (A) Chương 7 (B) Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 17 (C) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 18 (C) Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 23 (B) Chương 24 Chương 24 (B) Chương 24 (C) Chương 25 Chương 25 (B) Tập 2 - Chương 1 Chương 1 (B) Chương 2 Chương 2 (B) Chương 3 Chương 3 (B) Chương 3 (C) Chương 4 Chương 4 (B) Chương 5 Chương 5 (B) Chương 6 Chương 6 (B) Chương 6 (C) Chương 6 (D) Chương 6 (E) Chương 7 Chương 7 (B) Chương 8 Chương 8 (B) Chương 9 Chương 9 (B) Chương 10 Chương 10 (B) Chương 11 Chương 11 (B) Chương 12 Chương 12 (B) Chương 13 Chương 13 (B) Chương 14 Chương 14 (B) Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 19 Chương 20 Chương 20 (B) Chương 21 Chương 21 (B) Chương 21 (C) Chương 22 Tập 3 - Chương 1 Chương (B) Chương 1 (C) Chương 2 Chương 2 (B) Chương 2 (C) Chương 3 Chương 3 (B) Chương 4 Chương 4 (B) Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 9 (B) Chương 10 Chương 10 (B) Chương 10 (C) Chương 11 Chương 11 (B) Chương 11 (C) Chương 12 Chương 12 (B) Chương 12 (C) Chương 13 Chương 13 (B) Chương 14 Chương 14 (B) Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 19 Chương 19 (B) Chương 20 Chương 20 (B) Chương 20 (C) Chương 20 (D) Chương 20 (F) Chương 21 Chương 21 (B) Chương 21 (C) Chương 21 (D) Chương 22 Chương 22 (B) Chương 23 Chương 23 (B) Chương 24 Chương 24 (B) Chương 25 Chương 25 (B) Chương 26 Chương 26 (B) Kết