C - NHẬN XÉT

1/ Cá tính
Một trong những nhận định đầu tiên của người viết là Bùi Viện không phải là một nho sĩ theo nghĩa bình thường, ông là một võ tướng ẩn mình dưới lớp áo văn nhân. Theo tộc phả, họ Bùi chánh quán ở Thanh Hóa, di cư ra Bắc từ triều Lê đã hai trăm năm nhưng có lẽ chỉ đến định cư ở Trình Phố, Thái Bình vài đời trước, Bùi Viện là đời thứ tám tính từ khi thiên di.
Tỉnh Thái Bình vốn là đất tân bồi, phần lớn là đầm lầy. Dưới thời Minh Mạng, năm 1828, Nguyễn Công Trứ được phong chức dinh điền sứ, đem dân vào khai khẩn lập ra hai huyện Kim Sơn, Tiền Hải (núi vàng, biển tiền) và hai tổng Hoành Thu và Minh Nhất. Họ Bùi có thể cũng đến định cư ở Tiền Hải từ thời này.
Theo văn chương và hành trạng cuộc đời ông, Bùi Viện là người có tính liều lĩnh, không nệ qui tắc, có thể nói là táo tợn. Với lối văn trực ngôn ít khuôn sáo, việc ông đỗ Cử Nhân kể cũng là chuyện khác thường. Trong xã hội quân chủ chuyên chế của nước ta thời đó, ông đã dám làm thơ (hay vè???) diễu cợt quân triều đình bị Tàu Ô đánh đuổi bằng những câu:
… Tàu ô hai chiếc thẳng dong,
Ào ào nổ súng rồi cùng hét vang.
Tung hoành chạy dọc chạy ngang,
Quan quân chẳng thấy thấy toàn Tàu ô.
Chúng cười chúng thét líu lo,
Đứa đâm đứa chém, đứa xô xuống tàu …
và miêu tả quan quân:
… Nghênh ngang võng võng dù dù,
Bài vàng thân mũ xuân thu phái tàu.
Cũng không tài cán chi đâu,
Rồi ra múa mỏ, vảnh râu chõm chòe …
Ăn thì nhằm trước nhằm sau,
Đến khi có giặc trụt đầu trụt đuôi …[50]
kể cũng là bạo gan.
Việc tiên sinh tự ý tìm đường sang Mỹ (có lẽ ông chỉ được cử đi sang Hongkong xem xét tình hình), rồi lại liều lĩnh giả triều phục, giả quốc thư … đủ biết ông là người dám nghĩ, dám làm chỉ nghĩ đến lợi ích cụ thể mà không nề hậu quả bất lợi cho bản thân.
Sau khi đỗ Cử Nhân, ông không có chức vụ gì cả, nhưng lân la kết giao với thành phần có đầu óc canh cải tại Huế, rồi tình nguyện xin theo Lê Tuấn ra Bắc dẹp giặc Cờ Đen, lại theo Doãn Uẩn đi khai khẩn đất hoang … đều là những việc mà văn nhân ít ai chịu làm, đủ biết ông vốn là người có chí mạo hiểm, thích điều mới lạ mà không chịu bó mình vào qui củ.
Xem phương lược tuyển mộ, trị binh … của ông, mặc dầu không khỏi ảnh hưởng cổ nhân, chắc chắn ông đã tham duyệt nhiều binh thư, nghiên cứu đồ trận và tìm hiểu phương pháp tổ chức của châu Âu qua sách vở (có thể bằng những bản dịch sang tiếng Trung Hoa) đồng thời nhận xét tận mắt sinh hoạt của họ trong những lần du hành qua nước ngoài.
Ông cũng là người quyết đoán, mỗi khi có việc khó xử đều tự chuyên rồi tâu sau nên không khỏi bị nhiều người dèm pha. Có sáng kiến, biết đưa ra kế hoạch và tìm cách thực hiện kế hoạch, Bùi Viện có nhiều đức tính của kẻ doanh gia (entrepreneur) mà nếu biết dùng ông, triều đình Huế đã có thể xoay chuyển được thời thế.
Một điểm chúng ta cũng cần nhắc tới là văn chương ông trọng thực dụng, những bài văn ông viết đã tự ý hạ thấp xuống để cho người bình dân có thể hiểu được. Trong tờ chiêu yết để dụ dỗ bọn hải khấu về với triều đình, ông không ngần ngại đưa ra lẽ hơn thiệt, chỗ thì đề cao “danh tướng đã bao người xuất thân ở chốn lục lâm”, lúc lại dùng lợi để nhử bọn giặc cướp:
… Tuy nhiên xông pha chỗ cung tên, sóng gió cũng là việc rất can tràng, phải trải qua bao nỗi nguy hiểm mới cướp được hóa vật đem về rồi dấm dúi bán rẻ, của đáng mười chỉ bán được một hai …
Như vậy các anh em chẳng những lập được danh mà lại còn có cả lợi nữa …
Trong bài “quân luật” bằng văn vần ông cũng viết:
… Giáp tầu giặc, tàu nào tới trước,
Kẻ cắm cờ người lấy hương lô.
Tiền công lệ đã trọng thù,
Đồng đoan giai bạn cũng cho hoa hồng.
Còn hóa hạng công đồng định thưởng,
Trước nhất tầu được thưởng năm thành.
Còn thừa chia cả đoàn binh,
Mấy thành châm chước phân minh cũng đều …
Bài văn tế hai người lính tử trận ông viết cũng rất dễ hiểu, phải nói là ai ai cũng có thể thông cảm tấm chân tình của ông nhưng không phải vì thế mà không có phần “thu phục nhân tâm”, dùng văn chương để củng cố lòng tin của thuộc cấp:
… Người sống ở đời,
Tiếng thơm là trọng.
Chết mà phải nghĩa,
Chất cũng như sống.
… Than ôi hai anh,
Vô tình đạn lửa.
Bắn vào nhâu nhâu,
Há vì ham tước,
Há vì ham lộc.
Tấm thân ngàn vàng,
Bỏ đi một chốc.
Vì chưng trọng nghĩa,
Nên coi rẻ thân …
2/ Cái chết của Bùi Viện
Ngày mồng 1 tháng 11 năm Tự Đức 31 (1878), ông đột ngột từ trần. Cái chết của ông cũng có nhều điểm còn mờ ám vì thật bất ngờ và không có dấu hiệu gì báo trước.
… Cả ngày mồng một ông vẫn mạnh mẽ như thường … nhưng đến chập tối thì ông kêu đau nhức khắp mình mẩy. Đến nửa đêm, Bùi Viện chết.[51]
Rất có thể ông đã bị ám hại vì nhiều người đương thời không thích tính trực ngôn của ông cũng như e ngại rồi đây ngôi sao họ Bùi sẽ làm cho đình thần bị thất sủng.
Cũng có người lại cho rằng triều đình e ngại ông sẽ trở thành một thứ Hoàng Sào, Từ Hải – dọc ngang nào biết trên đầu có ai – phương hại đến cơ nghiệp triều Nguyễn nên ra tay trừ khử trước.
Tuy nhiên đó chỉ là những giả thuyết của những người ái mộ ông mà không có gì làm bằng cớ. Nhìn lại những câu đối của các quan lại và đồng liêu thời đó mừng ông, thương tiếc ông, chúng ta có thể tin rằng với những lời ca tụng quá ư nồng nhiệt, không thể không có người ghen ghét.
Một điểm nổi bật đáng lưu ý, bản thân ông chính là sợi dây buộc chặt Tuần Dương Quân với triều đình vì một khi không còn ông nữa, những đoàn quân đó đều tự động giải tán, một số quay trở về nghề ăn cướp cũ, một số khác tự ý tìm đường khác mưu sinh. Họ chỉ mới đến mức trung với chủ tướng chứ chưa phải vì quốc gia. Cũng có thể việc giải thể Tuần Dương Quân chính là chủ trương của một số người trong triều đình Huế lúc bấy giờ.
3/ Tại sao binh bị triều Nguyễn lại suy sụp?
Một câu hỏi mà chúng ta có thể nêu ra là tại sao việc binh bị triều Nguyễn so với những triều đại trước rất là kém cỏi. Cuộc cách mạng hải quân của Bùi Viện là một điểm rất đặc biệt, về phương diện quan điểm cũng như về phương pháp tổ chức.
Sự thành công trong một thời gian ngắn đáng lẽ phải được duy trì và khuếch trương thì tại sao triều đình lại bỏ qua?
Hà cớ gì những công lao đó sau đó như một hòn đá ném vào biển cả, không còn để lại tăm tích gì? Ngay cả Quốc Sử Quán triều Nguyễn cũng gần như không đề cập đến. [52]
Chúng ta phải đi lại một quãng lịch sử khá dài để có cái nhìn chính xác hơn.
Khi vua Gia Long đánh bại nhà Tây Sơn, thu giang sơn về một mối, nỗi lo của nhà vua không còn là ở một lực lượng đối đầu mà chính là sợ cái họa từ trong tâm phúc. Một mặt nhà vua e ngại những người cật ruột mình làm phản, mặt khác e dân chúng các nơi còn hoài vọng tiền triều.
Với vị trí kinh đô đóng ở Huế, việc kiểm soát lãnh thổ là một việc tương đối khó khăn, đường sá xa xôi cách trở. Mặc dù ngoài Bắc và trong Nam có các tổng trấn thay mặt triều đình, nhà vua không khỏi lo ngại tệ trạng các trọng thần ở xa chuyên quyền. Vua Gia Long tính lại đa nghi nên ông đã tìm nhiều biện pháp ngăn chặn mầm loạn[53]. Về phương diện hành chánh, tuy nhà vua đứng đầu và có toàn quyền định đoạt nhưng trên thực tế, tổng trấn Bắc Thành và Gia Định thành có nhiều ưu thế và việc nội trị chỉ trông vào lòng trung thành của các bầy tôi. Vua Thế Tổ chỉ có thể tiết giảm quyền lực của những phiên trấn bằng cách hạn chế binh lực, lấy cớ cho dân nghỉ ngơi trở về sản xuất.
… lệ định các trấn, tự Quảng Bình và đến Bình Thuận thì cứ ba tên đinh kén lấy một tên lính; tự Biên Hòa trở vào thì cứ 5 tên đinh kén lấy một tên lính; từ Hà Tịnh trở ra đến 5 nội trấn ở Bắc thành thì cứ 7 tên đinh kén lấy một tên lính. Còn 6 ngoại trấn là Tuyên Quang, Hưng Hóa, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Quảng Yên thì cứ 10 tên đinh kén lấy một tên lính …[54]
Các tổ chức thân binh, cấm binh, tinh binh và các vệ thủy quân chủ yếu cũng đóng tại kinh thành. Xem thế ta thấy nhà vua đặt trọng binh ở gần kinh đô ngoài mục tiêu quốc phòng cũng còn có ý đề phòng nội phản. Chính vì luôn luôn nghi kỵ, hai đại công thần là Nguyễn Văn Thành (tổng trấn Bắc Thành), Đặng Trần Thường (binh bộ thượng thư) đã bị sát hại ngay khi vua Gia Long còn tại vị.
Sang đời Minh Mạng, giặc giã ở miền Bắc và miền Nam rất nhiều, nhà vua cũng sợ cái họa phiên trấn nên cũng bắt chước nhà Thanh triệt phiên, bãi bỏ Gia Định thành và Bắc thành. Năm 1833, con nuôi của Lê Văn Duyệt (nguyên tổng trấn Gia Định thành, nay đã từ trần) nổi lên chiếm thành Phiên An (Gia Định) rồi lấy hết sáu tỉnh Nam Kỳ. Triều đình đem quân vào đánh, Lê Văn Khôi bị bệnh chết nhưng quân lính còn tiếp tục chống cự non ba năm mới hạ được thành.
Vua Minh Mạng lại truy cứu những lỗi cũ của Lê Văn Duyệt, Lê Chất khi còn sống, mả bị san phẳng, thân nhân, gia quyến cùng thuộc hạ cũng bị trị tội. Nhà vua cũng sai triệt hạ thành Hà Nội và thành Gia Định, lấy cớ là thành trì địa phương không được quyền to lớn hơn kinh thành Huế. Những cửa khẩu sầm uất đời Lê và đời Tây Sơn cũng bị cấm đoán nên thương nghiệp trong nước cũng suy giảm dần.
Chính vì thế, binh bị đời Nguyễn một mặt thiếu trang bị, ít luyện tập lại tiết giảm vì sợ các nơi nổi lên nên càng lúc càng suy sụp, đến khi bị xâm lấn không sao cầm cự nổi.
Đến đời Tự Đức, nhà vua cả đời ngồi trong cung cấm, không quen việc binh nhung. Ngài tuy tính tình nho nhã nhưng lại là người yếu đuối[55], thích văn chương, trọng hư văn mà kém phần thực dụng. Khi người Pháp đến gây hấn, nhà vua lên ngôi đã lâu, tuổi cũng đã lớn nên không muốn thay đổi khác hẳn những vị vua của Xiêm La hay Nhật Bản cùng thời đó, tuổi còn trẻ, mới lên ngôi nhiều nhiệt huyết. Hơn thế nữa, trong suốt những năm trị vì, ông thấy lúc nào ngoài Bắc cũng có loạn – mà toàn loạn lớn, có lúc tưởng nguy đến nơi -- khiến cho không khỏi có bụng nghi kỵ nhân sĩ Bắc Hà. Ngoài ra có lẽ nhà vua cũng không quên vụ “Giặc Chày Vôi” mới xảy ra chưa lâu (1866) khi phu phen đang xây Vạn Niên Cơ (Khiêm Lăng) xông vào điện định thí quân, may nhờ chưởng vệ Hồ Oai liều chết mới cứu được[56]. Trong hoàn cảnh vua tôi không đồng lòng, đình thần không hòa mục, nước nghèo, dân chúng đói khổ, quốc khố trống rỗng, việc mất về tay người Pháp không phải là chuyện lạ.
Cũng vì thế, một con người dũng mãnh, táo tợn như Bùi Viện, có tài trị được cả bọn giặc khách, tính tình lắm lúc có chỗ ngông nghênh, trong tay lại chỉ huy một đội thủy binh hùng hậu đóng ngay cạnh kinh thành, không thể không mang đến những úy kỵ cho triều đình. Dẫu cái chết của ông chỉ là một sự ngẫu nhiên, việc chương trình cải cách của ông không được tiếp nối cũng đáng cho chúng ta đặt thành một câu hỏi.