Người dịch: Sơn Lê
Chương 39
Lòng hướng về phương Bắc

Năm ấy, một phần ba đất đai nhà Mạch Kỳ được trồng cây thuốc phiện, hai phần ba trồng cây lương thực. Những Thổ ti khác cũng làm như vậy. Qua một trận đói chưa từng có, mọi người đều biết phải làm như thế nào.
Tôi ở nhà một năm, cho đến ngày tro hài cốt của anh tôi được mai táng nơi nghĩa trang nhà Mạch Kỳ.
Cha tỏ ra nhiệt tình với công việc hơn lúc nào hết. Ông già rồi, đàn bà không còn sức hấp dẫn đối với ông, ông không hút thuốc phiện, chỉ uống chút ít rượu. Ông còn giảm phần lớn thuế khoá nợ nần cho dân. Bạc trắng trong nhà Mạch Kỳ nhiều không còn chỗ để.Thổ ti Mạch Kỳ lớn mạnh hơn bao giờ hết, không một Thổ ti nào không lượng sức mình để so sánh với chúng tôi. Chưa bao giờ người dân được an cư lạc nghiệp như ngày nay, chưa bao giờ người dân và nô lệ sống trên lãnh địa Thổ ti được tự hào như sống trên lãnh địa này. Một hôm tôi hỏi cha có cần gọi ông quản gia thọt trên biên giới phía bắc về không. Ông không cần suy nghĩ,nói "Không, cứ để ông ấy ở đấy, ông ta về cha lại không có việc gì làm".
Hôm ấy, hai cha con tôi cùng ngồi uống trà.
Uống trà xong, ông lại nói "Ai dám bảo thằng con ngốc không tốt, trước mặt con, cha muốn nói gì thì nói.Trước mặt anh con đã chết, cha không thể muốn nói gì thì nói".
"Đúng vậy, cha không cần đề phòng con".
Chợt mây đen che phủ khuôn mặt, cha nói "Trời đất, con làm cha phải lo đến chuyện sau khi chết. Nhà Mạch Kỳ lớn mạnh thế này mà không có người thừa kế giỏi".
Ta Na nói "Làm sao cha biết chồng con không phải là người thừa kế giỏi?"
Mặt Thổ ti biến sắc, ông nói "Hay là cứ để chồng con thừa kế trước ngôi vị Thổ ti Nhung Cống để xem có xứng đáng được thừa kế ngôi vị Thổ ti Mạch Kỳ hay không".
Ta Na nói "Phải xem cha hay là mẹ con chết trước".
Cha nói với tôi "Ngốc ạ, thấy đấy, đừng nói gì cai quản dân chúng, ngay cả vợ con cũng không quản nổi nữa là".
Tôi suy nghĩ rồi nói "Cha hãy cho con đi xa. Con muốn lên  biên giới".
Cha nói "Nhưng phải nói trước, vùng biên giới là cha cho con mượn, chờ bà Thổ ti chết, con phải trả vùng đất ấy cho cha".
Bà Thổ ti cười "Nghe thấy chưa, Thổ ti không chịu chết, ông phải sống đủ vạn năm với kho bạc trắng".
Cha nói "Tôi cảm thấy mỗi ngày một khoẻ ra".
Ta Na nói với cha "Câu nói ấy nếu lộ ra ngoài kẻ giết người thế nào cũng đến. Lần trước, vì cha tỏ ra sắp chết, nên hắn mới giết người con cả của cha".
Thổ ti mong tôi sớm xuất phát. Ông đồng ý cho tôi đem theo người ngựa như lần trước. Hai thằng Trạch Lang và Nhi Y không có vấn đề gì.Trác Mã hình như không muốn rời anh thợ bạc.Tôi cho gọi anh thợ bạc đến, bảo anh ta di với chúng tôi. Nhưng anh từ chối. Anh nói, Thổ ti choi mời nhiều thợ bạc đến làm đồ bạc, ông cho anh ta làm thợ cả.Tôi nói vậy thì hai vợ chồng phải xa nhau, vì tôi cần Trác Mã nấu ăn.Tôi hỏi Trác Mã có muốn làm mãi người nấu ăn thấp hèn hay không, cô ta chỉ chảy nước mắt, không trả lời.Tôi biết cô ta không muốn làm người nấu ăn. Hôm xuất phát, tôi rất vui khi thấy Trác Mã cõng theo đồ đạc đứng trong hàng ngũ những người đi theo.Tôi bảo thằng Nhi Y đưa cô một con ngựa. Ngoài ra, tôi còn được đem theo người thư ký của cha.
Lúc đoàn người ngựa của tôi lên đường, quay lại nhìn dinh cơ nhà Mạch Kỳ, tôi chợt có cảm giác cái toà kiến trúc hùng vĩ kia không còn đứng vững được bao lâu. Sau lưng tôi, gió đưa lời mẹ, nhưng không ai nghe rõ mẹ nói gì.Tôi hỏi ông thư ký, nếu cha không chết, mẹ tôi liệu có chết được không?
Ông thư ký nói bằng mắt, làm gì có chuyện người không chết, thưa cậu?
Chúng tôi biết, linh hồn không ngừng luân hồi. Cái chết mà chúng tôi nói ấy là con người trong vòng luân hồi. Liệu có ai thực sự biết chuyện của đời trước và đời sau? Tôi hỏi ông thư ký "Tại sao cha biết mình không chết?"
Ông ta trả lời bằng ánh mắt: quyền lực.
Thấy đấy, hễ có ông thư ký, tôi trở thành người thông minh. Dọc đường ông thư ký làm cho tôi một bài thơ.Thơ như thế này:
Cái miệng mi đóng thêm hàm thiếc
Bên khoé miệng sẽ thêm vết thương
Trên lưng mi có cái yên
Trên yên thồ nặng
Có người hát rằng
Nỗi buồn trong lòng mi
Có người hát rằng
Ánh dương trong lòng mi 
 
Ông quản gia thọt đón chúng tôi ở nửa chặng đường.
Ông đón tôi theo nghi lễ đón Thổ ti.
"Xem nào, cậu đi hai năm rồi đấy".
"Đúng là một thời gian dài".
"Mọi người đi đường khoẻ cả chứ?"
"Tôi đưa cả Trác Mã lên đấy".
Mắt ông quản gai đỏ lên, ông nói "Cậu đúng là người tốt, cậu về là tốt rồi, mừng cho mọi người khỏe mạnh".
Ta Na nói "Như vậy có ích gì đâu, khi chúng tôi đi như thế nào thì nay vẫn về như thế".
Ông quản gia cười "Xin cô chớ lo, cậu đây sẽ lên làm Thổ ti".
Buổi tối ngủ lại dọc đường, bên ngoài lều là ánh trăng. Chờ cho Ta Na ngủ say, tôi ra ngoài đi dạo dưới ánh trăng. Lưỡi lê của lính gác lấp loáng sau mô đá. Đi qua lều ông quản gia, tôi hắng giọng, rồi đi tiếp. Lát sau, một người từ trong lều ông ta chui ra, đi về một hướng khác. Nhìn bóng người tôi biết đấy là Trác Mã.Tôi cười. Hồi cô ta mới ly anh thợ bạc, tôi rất buồn, cảm giác ấy bây giờ không còn. Cô ta và ông quản gia đều là người tôi thích, tôi để họ đến với nhau. Ông quản gia đi tới trước mặt tôi, nói "Thưa cậu, tôi nghe thấy tiếng cậu".
Tôi nói "Dậy đi dạo, ngắm trăng".
Ông quản gia nói "Xin cậu cứ ngắm trăng".Tôi nhìn trăng. Ở đây là miền Bắc, là cao nguyên, trăng lớn hơn nhiều so với dưới xuôi. Ở đây, có thể giơ tay với trăng, ánh trăng khẽ rung trong tiếng suối róc rách.Tiếng ông quản gia như từ trên cung trăng vọng xuống "Tin tức từ dưới nhà đưa lên, tôi cứ lo cậu không về đây nữa".
Tôi không nhìn mặt ông quản gia, biết rằng ông nói thật, hơn nữa trong buổi tối đầy  trăng, con người sẽ không nói dối.Tôi nói "Tôi lại về rồi đấy".
Tôi về, nhưng lòng thấp thoáng nỗi đau. Vợ tôi đã phản bội tôi, anh trai tôi là đối thủ của tôi đã chết.Thổ ti vẫn ngồi vững trên cao, ông càng sống càng vui vẻ, khoẻ mạnh.Tôi gửi gấm hy vọng vào mẹ, mẹ lúc nào cũng muốn tôi là người thừa kế ngôi vị Thổ ti, nhưng anh đã chết, thái độ của mẹ trở nên không rõ ràng. Mẹ nói, cha sẽ không đi tìm một người đàn bà khác, cho nên con trai bà khỏi cần sốt ruột, như vậy càng tốt cho mọi người. Nhưng tôi không thấy có gì tốt. Hôm ra đi, mẹ lại nói với tôi, vì mẹ còn sống thêm ít năm nữa, bà đã quen làm vợ Thổ ti rồi.
Ông quản gia gọi tôi.
"Ông có điều gì thì nói đi".
Lúc ấy, ông mới lấy từ trong người ra một phong thư, thư của mẹ Ta Na, bà Thổ ti Nhung Cống.Tôi không biết chữ, ông quản gia nói, bà Thổ ti bảo con rể của bà không cần thiết phải vội về thăm bà. Ông quản gia nói tất cả những điều ấy với tôi rồi thêm "Xin cậu đừng buồn".
Tôi nói "Họ chết tôi mới buồn". Nói xong, tôi cầm bức thư của bà Thổ ti Nhung Cống đi về lều của mình.Tôi nghĩ bụng, thế này mình phải ở trên biên giới mãi.Tôi nhìn trăng trên bầu trời, nhớ đến ông chú ở xa. Hôm nay tôi rất nhớ chú, ông giống như người thân duy nhất của tôi. Ông quản gia đứng sau lưng tôi nói "Tôi về ngủ nhé".
Tôi nghe thấy tiếng mình "Ữ".
Ông quản gia đi dưới ánh trăng.Tôi vén cửa lều, ánh trăng theo tôi vào, rơi trên người Ta Na. Nàng cười. Nàng vừa từ trong mơ thức dậy, nụ cười của nàng rực rỡ, xao động lòng người.Tôi bỏ cửa lều xuống, nụ cười của nàng chìm trong bóng tối, không thấy đâu. Nhưng tiếng cười của nàng vang lên "Ra đi tìm gái à?"
Tôi lắc đầu, tờ thư sột soạt trong tay tôi.
"Anh nói đi, ngốc ạ, em biết anh lắc đầu, nhưng anh biết đấy, lắc đầu trong tối ai mà thấy!"
Tôi lại vén cửa lều lên để ánh trăng lọt vào, lúc này nàng không những biết mà còn trông thấy. Đêm khuya dưới ánh trăng vằng vặc, Ta Na cười "Anh là con người rất lý thú".
Tôi lắc lắc tờ thư trong tay.Ta Na biết chữ, nàng nói "Anh thắp đèn lên đi".
Dưới đèn, nàng nói "Thư của mẹ".Tôi chui vào  chăn, nàng xem xong thư, không nói gì.Tôi nói "Mẹ cũng không muốn chúng ta về chỗ mẹ".
Ta Na nói "Mẹ bảo đừng nhớ mẹ".
Tôi nói "Nếu có ai nhớ Thổ ti, tức là nhớ cái ngôi vị Thổ ti".
Ta Na nói "Mẹ bảo em đã là người của nhà Mạch Kỳ rồi, đừng lo lắng gì công chuyện của nhà Nhung Cống nữa".Thư của bà Thổ ti Nhung Cống còn nói, nhà Mạch Kỳ xảy ra  bao nhiêu chuyện rắc rối, hai vợ chồng đã đủ bận tâm, nên gánh vác bớt công việc cho lão Thổ ti Mạch Kỳ đau đớn vì mất con, tuy chàng rể là một thằng ngốc, nhưng không ngốc như kẻ ngốc thông thường. Bà nhạc mẫu nói "Nghe nói các con sắp lên biên giới phía bắc, không ở nhà lo công chuyện mà lên biên giới làm  gì?" Cuối cùng, bà  còn nói "Các con đừng quá lo lắng cho mẹ, lúc này nạn đói đã qua rồi".
Ta Na vẫn nghĩ mình mãi mãi là viên ngọc trong lòng bàn tay mẹ, mãi mãi là cô gái yêu kiều của Thổ ti  Nhung Cống, nàng rưng rưng nước mắt nói với bức thư "Mẹ, mẹ, không cần con gái của mẹ nữa rồi!"
Lá thư sột soạt trong tay nàng, nàng đọc lại thư, dầu trong đèn đã cạn. Không khí nồng nặc mùi dầu thực vật.Ta Na ngồi dựa vào tôi, nói "Anh ngốc, anh đưa em đi đâu?"
"Đến chỗ chúng ta".
"Anh có làm cho người vợ xinh đẹp nhất thế gian phải chịu khổ không?"
"Em sẽ thành bà Thổ ti".
"Anh không làm em buồn chứ? Em là đứa con gái đẹp nhất thế gian, anh đã nghe em hát chưa?"
Tất nhiên tôi nghe rõ, hơn nữa, bài hát ấy vẫn vang trong tai tôi. Chúng tôi làm cái việc từ lâu chưa làm. Xong việc, ngón tay nàng vẫn du ngoạn trên ngực tôi.Tôi hỏi nàng có nên trả lời thư mẹ không. Một giọt nước mắt của nàng nhỏ trên ngực tôi. Nước mắt ấm, bất giác tôi rùng mình. Nàng nói "Em ngủ với anh trai của anh, làm tổn thương anh phải không?"
Cái cô gái này! Tôi không ngờ nàng hỏi chuyện ấy. Ngay cả thằng ngốc như tôi cũng sẽ không hỏi chuyện ấy với người khác, gợi lại đau khổ của người khác. Lúc bấy giờ tôi rất muốn giết anh tôi. Về sau, sát thủ hợp sức cùng tấm áo tím giết anh, làm cho con người vốn phong lưu hào hoa bốc mùi hôi thối. Nghĩ đến đây, tưởng như tôi đã giết anh. Nhưng đó là cảm giác trong tim, là cảm giác tội lỗi.Tôi nghe thấy tiếng mình hết sức lạnh lùng "May mà trên người em không có mùi thối đến buồn nôn của anh ấy".
"Người em thơm lắm, anh ngửi xem, em không dùng hương liệu mà người em vẫn thơm".
Tôi ngửi.
Nàng lại nói "Ngốc ơi, đừng để người con trai nào làm trái tim em phải rung động". Người con gái đẹp luôn luôn có con trai nhòm ngó, điều ấy thì tôi biết. Nếu có ai đến cướp, tôi sẽ ra sức bảo vệ. Nhưng nếu nàng rắp tâm lên giường với người khác, thì chẳng có cách nào bảo vệ nổi. Hình như đoán được ý nghĩ của tôi, nàng vừa lấy ngón tay vẽ lên ngực tôi, vừa chậm rãi nhẹ nhàng nói "Thôi, đừng giận nữa, lên biên giới sẽ bảo ông quản gia tìm cho anh một cô. Hai ta trói chặt không rời nhau nữa".
Cho đến nay nàng mới nhận ra điều ấy, khiến tôi cảm thấy chua xót vô cùng.
Trên đường đi tiếp, tôi vẫn nghĩ đến câu nói của nàng. Ông quản gia nói, một cô gái xinh đẹp như nàng suy nghĩ được như thế là tốt rồi.Tôi cũng nghĩ như thế. Chuyện gì nghĩ được thông suốt, đi đường sẽ nhẹ nhàng hơn.
Tôi lại về biên giới.
Tôi dành cho ông thư ký một căn phòng thích hợp với  công việc.Tôi nói với ông ta "Phải ở gần tôi, nơi yên tĩnh, tiện cho suy nghĩ, không khí trong lành, phải đủ ánh sáng, như thế được không?" Ông ta gật đầu lia lịa, ánh hồng hiện lên khuôn mặt.Tôi dám nói, kể từ khi bị cắt lưỡi lần đầu, chưa bao giờ ông ta xúc động như lúc này. Ông không tin trên biên giới cũng có một toà lâu đài, mà lại là một kiến trúc mở. Ông ta càng không tin ở đây có một cái chợ rất lớn, hội đủ các thứ của cải dưới trời này. Làm một người ghi chép lịch sử, ở trong nhà tôi, ông ghi lại tuyên bố thoái vị của Thổ ti, ghi lại chuyện anh em hoặc âm thầm hoặc công khai tranh giành ngôi vị Thổ ti, ghi lại chuyện người thừa kế Thổ ti bị giết bởi bàn tay kẻ phục thù, cảm thấy tất cả là nhắc lại lịch sử. Lúc này, trên biên giới ông thấy những điều mới lạ chưa từng có, mắt ông sáng lên. Ông ta sẽ ghi lại tường tận tất cả.Tôi đưa ông ta ra cái chợ ồn ào huyên náo dạo một vòng.Tôi đưa ông ta vào quán rượu của kẻ thù, đó là nơi tôi rất quen thuộc. Chủ quán nhìn tôi, ông cười, tưởng như hai năm nay tôi vẫn ở đây, hôm qua còn say  sưa trong quán của ông.Tôi hỏi chủ quán, thằng em ông đã về chưa? Ông ta nhìn ông thư ký.Tôi nói người này không có lưỡi. Ông ta bảo, làm cái chuyện ấy phải lẩn tránh kín đáo, nếu không, không còn là sát thủ, nghề nào có quy luật của nghề ấy.
Đường phố thật vui, ngồi trong quán nhìn người cưỡi ngựa hoặc người đi bộ qua lại, bụi đất bay mù mịt, tôi phải lấy tay bịt ly rượu không để  bụi bay vào. Rượu ngon, uống rất vào.Tôi đang nói chuyện với chủ quán, hai thằng nhỏ bước vào, nói ông quản gia đang tìm.Tôi gọi hai bát rượu cho hai đứa, bảo chúng uống.