Phần VI

Hai hôm sau là ngày Hồng về. Cúc đi chợ mua gần như là để làm một đám giỗ nhỏ. Đàn bà họ có một cách thương yêu rất dễ chịu là cho ăn, và bữa tối thứ bảy ấy là một tiểu yến.
Cúc nấu nướng sẵn cả rồi để khi rước Hồng về, nàng rảnh thì giờ mà rù rì, và cô vợ trẻ của Thảo đã phản bội chồng từ bốn đến sáu giờ rưỡi, nàng ôm cầm thuyền khác.
Hồng chưa được như thường hẳn. Nàng cứ buồn buồn làm sao ấy và có cười cũng chỉ mỉm miệng thôi. Được cái là nàng ăn tợn lắm. Nàng đã nhịn đói nhiều ngày khi mới vào nhà thương, rồi sau đó, bếp núc ở nhà thương tệ quá nàng ăn không được, nên cơ thể cường tráng của người con gái đòi hỏi nhiều cái chất bồi bổ, thành ra gặp bữa ăn được lại có nhiều món ngon, nàng ăn bằng Cúc và Thảo cọng lại, khiến Cúc rất hài lòng. Đấy là tánh đàn bà. Họ thích cho ăn và cố nhiên ta ăn được họ mừng lắm.
Thảo đặt lại vấn đề giữa bữa cơm, nhưng chàng không hỏi ý kiến của hai người phụ nữ lương ương nầy nữa mà gần như là ra lịnh:
- Thảo đã xin phép cho Hồng, ngân hàng họ cho nghỉ mười hôm, nhưng nếu thấy cần họ cho kéo dài mười lăm hôm. Mai nầy hai chị em lên đường ngay đi.
Cúc nhìn Hồng rồi cười hỏi:
- Anh ấy đuổi chị em ta như là đuổi tà. Cúc tin rằng đã có cô nào len lỏi vào đời anh ấy.
Hồng cười và đây là lần đầu mà nàng cười, từ ngày tỉnh hồn tỉnh vía lại tới giờ. Nàng cũng nói đùa:
- Như vậy tao với mầy nên đi ngay.
- Chịu thua à?
- Không, đi ngay để trở về thình lình hầu bắt quả tang.
- Hay lắm, Cúc khen đùa, vậy mai đi nhé.
Khen đùa, nhưng mà đề nghị thật. Rồi nàng lại thêm:
- Nhưng Hồng đi trước một mình, vài bữa Cúc lên theo sau.
- Sao lạ vậy?
- Vì Cúc còn phải cúng tạ lễ nữa.
Bấy giờ nàng mới kể lể công trạng của cậu Mười Ba để cắt nghĩa sự cúng kiến sắp tới, là sự ở lại đi sau của nàng.
Hồng thấy kỳ kỳ, nhứt là nàng đã nhớ ra tâm trạng của nàng trước khi ngã xuống mà bịnh, tâm trạng đó bây giờ vẫn còn nguyên, nhưng lắng dịu xuống đôi phần, tâm trạng nguyên nhân của bịnh này. Nhưng nàng không nỡ cười chế giễu em, vì sự tin nhảm của Cúc thật ra là biểu hiệu cho tình thương không bờ bến của nó.
Vậy họ thỏa thuận với nhau là Hồng lên trước thuê một buồng ở biệt thự “Vô Ưu” của một người quen- chuyến nào đi Dalat họ cũng ở đó cả - rồi Cúc lên sau, tìm nàng tại đó.
Buổi nói chuyện đầu hôm trong gia đình không kéo dài vì Hồng còn phải chuẩn bị y phục nầy nọ để mai có đi.
Sáng chúa nhựt hôm sau, Hồng lên đường thật sớm, rồi sau khi hai chị em chia tay nhau, Cúc bảo chồng để nàng đi chợ sắm ăn cho nhà vài hôm, để nàng về tỉnh nhà cúng kiến.
Cũng lại như hôm trước là một nồi cá kho thịt kho đủ ăn ba bốn ngày, rồi trưa thứ hai nàng mới đi Định Tường.
Lần này thì Cúc vắng nhà lâu hơn, bởi nàng về dưới xin cúng thì cậu Mười Ba còn coi ngày nữa, chớ không phải mưốn tạ lễ bất kỳ hôm nào cũng được, thành thử nàng phải nằm đợi tới hai hôm, tại nhà một người cậu họ xa. Trong lúc chờ đợi nàng đi đặt cho lò quay một con heo và đến bữa ngày lành tháng tốt thì có sẵn cả mọi lễ dâng.
Hai đêm ba ngày Cúc đi vắng thì Thảo ở nhà, chuẩn bị cho vợ và đi rủ thêm cô bé Liên đi Đà lạt cho có bạn với vợ chàng.
Suốt thời gian Hồng nằm nhà thương, bạn hữu của họ không ai hay biểt gì cả, vì sau cái tang nhỏ, họ lới lui chia buồn rồi bẵng đi một dạo.
Thảo thấy rằng không nên làm tùm lum ra vì bịnh của Hồng rất bất lợi cho sự lấy chồng của nàng, thành thử không báo động ai hết.
Rủ Liên đi, chàng không nói rõ gì, chỉ cho biết là Hồng đã đi trước rồi, Liên và Cúc lên theo sau.
Thảo muốn cho Hồng vui khi có bạn hữu đông quanh nàng và rất hối hận mà đã quên mất Liên giờ không trễ lắm, lại còn cần hơn, vì để vợ đi một mình, chàng lo quá, muốn cho Cúc có bạn đường.
Cúc mất một ngày sắm ăn dự trữ, ba ngày đợi cúng và cúng kiến rồi khi về Saigon thì mệt, nghỉ thêm hai ngày nữa mới chịu đi, thành thử trước sau mất hết sáu hôm.
Theo lời Thảo căn dặn thì Hồng nên kéo dài kỳ nghỉ mát nầy hai tuần lễ. Nhưng Hồng đợi Cúc mãi đến hôm thứ sáu thì đâm chán. Nàng nhớ nhà ghê lắm mà không khí Đàlạt không cầm khách lâu được. Ở đây nàng thiếu bạn lại thiếu giải trí, ngắm cảnh mãi cũng ngấy ra, còn khí hậu tốt thì không đủ sức mạnh để giữ nàng.
Thành thử nàng sửa soạn va-ly để trở về Sàigòn và lên xe đúng vào cái hôm mà Liên và Cúc lên đường.
Có lẽ hai chiếc xe hàng mà họ đáp, gặp nhau ở đâu đó, trên đường xuôi ngược Sàigòn Đàlạt, nhưng họ không tò mò vì những chuyến xe gặp gỡ giữa đường, thành thử cả đôi bên đều không hay biết gì cả về cái vụ cút bắt vô tình của họ.
Đến nơi, nghe người giữ biệt thự cho biết Hồng vừa ra đi khi sáng, Cúc ngẩn ngơ, lạc hướng như gà lạc mẹ và đòi trở về ngay.
Nhưng cô bé Liên đâu có chịu về. Không có Hồng, cô bé nầy không nghe thiếu thốn gì cả như Cúc. Không có Hồng thì có Cúc, và cố nhiên Cúc bị bắt ép phải ở lại với cô ta.
Không đi thì thôi chớ ai lại đã trót lặn lội lên đây lại về ngay, trừ phi nổi điên thình lình, bất kỳ người nào khác hơn. Cúc cũng nghĩ như vậy cả phương chi cô bé Liên vừa mới lớn lên, bị cha mẹ giữ riết, ít được đi đâu, lâu lắm mới có dịp sỗ lồng như kỳ nầy thì cô ta quyết bám níu vào khuynh hướng ở lại.
Cúc hoang mang lắm, và yếu đuối tinh thần rên rốt cuộc bị cô bé Liên xỏ mũi.

°

° °

Chiều hôm đó, Thảo đi làm về, thấy mặt Hồng thì chưng hửng.
Hồng đã trở lại bình thường, vui vẻ như cũ nên hỏi đùa:
- Thảo thất vọng lắm phải không?
- Không, sao lại thất vọng?
- Biết đâu. Có thể sự có mặt của Hồng làm cho Thảo mất tự do.
- Tầm bậy, đó là luận điệu, là tin tưởng tầm ruồng của Cúc.
- Nhưng sao bộ mặt Thảo lại...
- Lẽ cố nhiên là Thảo phải ngạc nhiên,và phải bối rối, vì Cúc lên đường khi sáng, hai chị em không gặp nhau, Cúc sẽ buồn biết bao nhiêu.
- Chỉ nghĩ tới Cúc thôi à?
- Nghĩ tới Hồng nữa chở. Nhưng Hồng đã được không khí gia đình an ủi, không như Cúc.
- Chắc mai nó về chớ không có gì đâu mà lo. Không có anh chàng nào bắt cóc nó đâu. Vả lại nó có Liên canh giữ.
- Tẻ ra Hồng cũng biết là Cúc đi với...
- Ừ, con nhỏ đã kể hết mọi việc, kể cá chuyện Cúc về Định Tường cúng trả lễ Cậu Mười Ba nên mới trễ hẹn.
- Rủi ro quá! Thảo chỉ phiền là Cúc không được nghỉ. Thảo sợ nó quay trở về.
- Ai bảo nó trễ hẹn, Hồng không nghỉ trên ấy được lâu là tại Cúc không lên. Nếu Hồng quyết định đi nghỉ mát một mình thì ở bao lâu, Hồng cũng không buồn. Đằng nầy đã trót trông đợi, chừng lâu quá không thấy tâm dạng gì nó, Hồng đâm ra nghe trơ trọi ghê đi.
- Cố nhiên là như vậy, Hồng không có lỗi gì cả.
Đêm nay là đêm đầu trong đời của Thảo mà chàng ở nhà một mình với một cô gái mà có lần chàng đã thèm muốn và luôn luôn còn yêu.
Nói “có lần chàng đã thèm muốn” nhưng thật ra chàng vẫn còn thèm muốn. Tuy nhiên, đêm nay chàng quên mất cô gái ấy đi. Hai người chỉ cách nhau có một cái buồng ăn hẹp và một cánh cửa không đóng.
Tình thế như vậy rất dễ gợi ý không hay. Nhưng Thảo đã quá mệt mỏi thân thể từ ngày bé Thọ bịnh tới nay nên mới quên được. Những kẻ khỏi phải lo nghĩ, những kẻ khỏi phải làm lụng gì hết, hay nghĩ xằng, xác thịt nằm không cũng hay nổi loạn. Còn túi bụi công việc và âu lo thì lành mạnh được dễ dàng hơn.
Từ ngày bé Thọ bịnh tới nay trong nhà nầy đã xảy ra không biết bao nhiêu là công việc khiến chàng không yên ổn đều đặn như thường, rảnh trí đâu mà tưởng tượng đến thiếu nữ đang nằm ở buồng bên kia.
Thảo chỉ băn khoăn về vợ trước khi ngủ quên và chàng quyết ngày mai đánh điện lên bảo Cúc cứ ở trên ấy mà nghỉ.
Bức điện tín đã được thảo ra ngay, trong trí chàng, lúc chàng gần thiếp đi.
Hồng đã về. Trót lên, Cúc nên ở nghỉ.
Thảo
Và sáng ra, giữa giờ làm việc, chàng bỏ đi lên bưu điện để đánh bức điện tín ấy.

°

° °

Thấy Hồng xách chai Quinquina hiệu con mèo ra, Thảo ngạc nhiên hỏi:
- Sao lại có uống rượu?
Chai Canh-ki-na nầy vốn chàng mua cho vợ uống khi Cúc sanh đẻ. Nhưng Cúc lại cho con bú và bà bác sĩ khuyên không nên uống vì lẽ trong đó có chất rượu, nên rượu đã khui ra rồi, lại đậy nút cẩn thận mà cất từ một năm nay vì trong nhà không ai uống được rượu cả, mà không lẽ đãi ăn khách khứa bằng rượu con mèo!
Hồng đáp:
- Họ nói trứng sam chậm tiêu, phải có chút ít rượu không thôi nó phá bụng.
Thảo không bao giờ nghe ai nói như vậy cả, nhưng chàng không thắc mắc vì chàng bận xem lại mâm cơm tối mà chàng chưa kịp thấy thì Hồng báo là có món gỏi sam.
Gỏi sam hình như khó làm hay vì không tìm được sam thì không rõ mà các gia đình ít được ăn lắm, trừ các bợm nhậu, họ thì luôn nghĩ tới các món nhấm, và cầy cục để nấu các món ấy cho được mới nghe.
Thảo không nhậu, nhưng thấy món lạ, lại là món ngon nữa, nên cũng vui thích lắm.
Hồng rót cho chàng đầy một ly nhỏ và kỳ lạ thay, cũng rót cho chính nàng đầy một ly nhỏ nữa.
Chàng không uống rượu, nhưng có uống chút đỉnh cũng không sao, khác với phần đông phụ nữ, nhứt là chị em Hồng và Cúc mà chàng đã biết rõ rằng tạng phủ họ không chịu được rượu, uống vài hớp là đỏ rần mặt kêu chóng mặt, kêu nhức đầu.
Tuy nhiên chàng không hỏi, đinh ninh rằng Hồng chưa được bình tĩnh, sáng suốt lắm, hành động không ăn khớp với tánh tình nàng, và rót nhiều như vậy rồi bỏ.
Chàng tránh không hỏi vì chàng thấy rằng không nên trực tiếp hay gián tiếp nhắc nhở rằng nàng đã mất trí trong 10 hôm. Có thể chàng hỏi thì Hồng vụt nhớ ra là nàng làm sai, và ý thức ra cái sai ấy do bịnh trạng của nàng gây nên. Như vậy không tốt cho sức khoẻ của Hồng chút nào.
Hồng nói:
- Thảo có dám đánh cá về Cúc hay không?
- Đánh bao nhiêu?
- Một trăm đồng.
- Thảo nói mai nầy Cúc về.
- Hồng thì nghĩ khác, và Hồng ăn chắc.
- Gì làm cho Hồng nghĩ khác?
- Con bé Liên nó không bao giờ chịu trở về Sàigòn ngay đâu. Mà nó sẽ níu Cúc ở lại cho mà coi.
- Ờ, Thảo quên mất con bé Liên. Như vậy kể như Thảo mất toi một trăm bạc rồi đó.
Thảo ăn một gấp gỏi sam, trứng sam tròn vo gấp không được, thành thử rồi lại phải múc trứng bằng muỗng bỏ vào miệng, nhai rồi khen:
- Bùi lắm.
Hồng chỉ gấp có một trứng thôi, bỏ vào miệng. Nhai rồi nâng ly rượu lên mà nhắp. Thảo nhớ sực lại rượu, và cũng nâng ly lên, nhưng chàng uống hẳn hòi, chớ không phải nhắp sơ như Hồng. Chàng lại khen:
- Có rượu vô nghe ngon hơn. Hèn chi mà họ thích nhậu quá.
- Thảo ăn có ngon miệng hông?
- Ngon lắm.
Hồng lặng lẽ gấp bằng đũa những trứng sam, nhỏ hơn cả hột đậu petit pois nữa, rồi bỏ vào chén của Thảo.
Người đàn ông do bản năng, rất sung sướng mà được phụ nữ săn sóc. Rời vú mẹ không bao năm, họ cần ngay một người đàn bà khác, thế nên mới có yêu đương, có vợ chồng.
Thảo nghe một sự mơn trớn dịu nhẹ nơi lòng chàng. Chàng nhìn bàn tay Hồng, bàn tay nầy bây giờ đã đẹp hơn bàn tay của Cúc. Một kỳ sinh đẻ, làm cho thân thể Cúc nở nang đều đặn hơn thân thể của Hồng, nhưng về chi tiết trong người thì Cúc lại sút kém, tay Cúc nổi gân xanh rõ quá.
Từ đó, chàng nhìn lần lên và bây giờ mới hay là Hồng mặc áo không được kín đáo lắm.
Đó là một chiếc áo lỡ, cụt tay, cổ bà lai nhưng hở hơn cổ bà lai thường. Hồng lại có hóa trang nữa. Thường thì ngày nào đi làm về, Hồng cũng tắm rửa, tẩy hết cả son phấn và trong bữa ăn tối mỗi hôm, nàng hiện ra dưới cái mặt trần.
Đêm nay, nàng lại hóa trang trở lại, sau khi tẩy lớp son phấn đi làm, hóa trang rất kỹ như những lần họ đi xem hát, hay đi hội họp hoặc đi thăm ai.
Thảo đã uống tợp rượu thứ nhì, và ảnh hưởng của tợp rượu thứ nhứt đã bắt đầu nghe thấy. Chàng nghe mạch máu kêu bừng bựt ở hai bên thái dương của chàng và nghe mặt chàng nóng ran lên.
Có điều là chàng không sợ như bao nhiêu lần rồi. Chàng hơi ngạc nhiên ở chỗ đó, nó không có gì đáng ngạc nhiên cả. Rượu đã làm yếu đuối tinh thần chàng.
Thảo uống bốn lần là cạn ly canh-ki-na. Chàng đã nghe choáng váng vì nhìn không thấy Hồng rõ ràng lắm. Đã thế Hồng lại nói:
- Rượu nầy ngọt nhưng sao uống lại say. Hồng không dám uống nữa, mà bỏ thì uổng. Thảo giúp Hồng nhé? Có nhờm không? Có sợ Hồng ho lao không?
Thảo muốn từ chối, vì chàng đã bắt đầu nghe khó chịu, nhưng lại sợ Hồng tưởng là chàng nhờm, vì nàng đã nhúng môi trong đó mấy lần, nên lại làm thinh. Vả có từ chối cũng không kịp vì Hồng đã trút cả ly rượu của nàng sang ly chàng. Đó là một cử chỉ thoạt trông thấy là vô ích, ly của chàng đã cạn thì cứ thay đổi vị trí của hai cái ly, chớ sang sớt làm gì. Nhưng không vô ích đâu, vì luôn luôn người bị ép uống rượu, có cảm giác hơn rằng mình có bổn phận uống thêm khi chính cái ly cũ của mình đầy trở lại, chớ ly rượu của kẻ khác đẩy tới, mình có khuynh hướng chối rằng đó không phải là ly của mình.
Khi mâm cơm được triệt hạ. Thảo hết choáng váng có lẽ nhờ bánh ngọt và nước trà làm dã rượu, nhưng lại nghe yếu đuối tinh thần hơn bao giờ cả.
Hồng bước sang chiếc phô tơi nệm đỏ mà ngồi để tiếp lục câu chuyện đang nói dở chừng. Trong buồng ăn nầy có hai ghế bành lâu đời nệm phủ nhung màu đỏ sậm, ăn cơm xong, ngồi trên đó thì sung sướng vô cùng. Nhưng Thảo cứ ngồi nguyên chỗ cũ trên ghế của bàn ăn vì ghế nầy đặt cạnh phô tơi mà Hồng nằm, chàng chỉ phải day ra sau để nói chuyện thôi, hơi bất tiện thật đó, nhưng chàng thích sự bất tiện hơn là phải đổi chỗ ngồi.
Bây giờ chàng được ngắm Hồng toàn diện, chớ không phải chỉ thấy thân trên của nàng như từ nãy đến giờ nữa.
Hồng ngồi tréo cẳng lại, đánh đưa cái chơn trên mà ống quần ngắn để lòi cổ chơn no của nàng ra.
-... Đó cái rồi cô ta tỉnh, nhưng lạ quên hết việc trước.
- Nghe Hồng nói, Thảo ghê quá. Nhưng Hồng có thấy tận mắt hay không?
- Không, ngoài bác sĩ và các thầy các cô y tá ra không ai được chứng kiến cảnh chạy điện cả. Nhưng nghe các cô y tá kể lại thì rùng rợn lắm.
- Nhưng sao Hồng không được trị bằng điện?
- Hình như là tùy bịnh chớ không phải người nào cũng chạy điện cả đâu.
Hồng che tay trước miệng để ngáp một cái mà Thảo thấy là rất gượng gạo rồi tuyên bố:
- Thôi, Hồng đi ngủ đây. À, Thảo sửa lại giùm tấm lịch coi, khi nãy gỡ lịch cho ngày mai, Hồng đã làm sút ra.
Đó là một tấm lịch ngày, mà tờ lịch rất to, toàn khối xấp lịch nặng có trên hai ký lô, lúc đầu năm, nhưng tấm phông sau lại là một tấm thiếc thật mỏng. Hãng xà bông đánh răng làm thế để in hình ốp sét lên đó cho được, chớ không phải là hà tiện một tấm thiếc dầy.
Tập lịch dán vào đó khó dính lắm, lẽ cố nhiên, và ai dùng lịch cũng đóng đinh xấp lịch vào tấm thiếc cả. Nhưng như đã nói, thiếc mỏng lắm và vì thế mà hơi yếu, đinh bị việc gỡ lịch nhiều lần cựa quậy rồi nong lỗ đinh ra, thành thử, độ vài tháng là đinh long, phải đóng lại.
Nhà nầy được hai tấm lịch loại đó, một tấm treo ngoài trước, không ai buồn gỡ, nên không việc gì, tấm treo ở buồng ăn, cứ phải đóng đi đóng lại mãi.
Hồng nói rồi đứng lên mà đi trong khi Thảo kéo hộc tủ buffet để tìm búa.
Công việc không có gì và năm phút sau là chàng xong cả. Chàng đi đóng cửa trước, tắt đèn ngoài ấy, rồi đóng cửa sau và tắt đèn buồng ăn.
Bấy giờ mới có chín giờ đêm thôi, nhưng không có gì làm, không biết nói chuyện với ai, nên chàng cũng đi ngủ vậy.
Con nhỏ còn ở đàng sau bếp, cách đó độ mười thước nên ánh đèn nhà sau lọt vào các khe lá sách, soi mờ buồng ngủ của chàng.
Thảo vừa để chơn vào đó thì hết cả hồn vía, toan thối lui trở lại. Chàng thoáng thấy gì như là có ai nằm trên giường chàng. Nhưng chàng cười thầm để tự chế giễu mình. “A ha ha! Nhà ngươi chưa say sao lại trông một hóa hai và trông số không hóa ra số một?”
Vâng, chàng chưa say, chỉ choáng váng thôi, nhưng cũng đã khỏi rồi.
Trên tủ đầu giường có đặt một cây đèn ngồi, bòng đèn được chụp màu che lại. Đèn nầy chàng dùng để đọc sách và sợ Cúc bị ánh sáng làm khó ngủ nên chụp đèn được chàng chế riêng bằng một thứ giấy bồi thật dầy, muốn đọc sách phải nằm ở bìa giường vì ánh sáng của cây đèn bị gom trong cái chụp đó rọi thẳng xuống gạch thành một cây ánh sáng hình nón cụt, giường nằm vẫn chìm trong một thứ ánh sáng lờ mờ.
Thảo bước tới nắm sợi dây xích nhỏ điều khiển cây đèn mà kéo xuống một cái. Đèn sáng lên và chàng đứng chết sững ở mép giường hơn mười phút đồng hồ.
Thì ra, quả có người đang nằm trên đó thật, mà người ấy là Hồng.
Hồng nằm ngửa, hai tay chấp lại trên đầu, mắt nhắm, nhưng không rõ đã ngủ hay chưa.
Thoạt tiên chàng hơi sờ sợ vì nghĩ ngay rằng Hồng chưa tỉnh trí hẳn nên vào lộn buồng mà không biết. Nhưng rồi chàng bác bỏ ý nghĩ ấy ngay. Không, Hồng đã tỏ ra lành hẳn rồi, và đã trở lại đời sống bình thường y như trước. Hai ngày sống chung với Hồng dưới một mái nhà giúp chàng biết chắc như vậy.
Hồng cũng chỉ nhúng môi trong rượu chớ không có uống giọt nào mà bảo rằng nàng say rượu.
Suy luận thì hữu lý như vậy và tin chắc rằng mình suy luận đúng. Thảo vẫn chưa dám tin là thế. Nếu không còn điên, không say rượu thì Hồng cố ý làm như thế nầy dể khiêu khích chàng. Giả thuyết nầy đứng vững lắm vì có cái trò phục rượu của Hồng khi nãy.
Nhưng Hồng là gái nết na kia mà! Không, Hồng không giả dối trong hạnh kiểm của nàng đâu. Sống chung nhau hơn một năm rồi, Thảo cũng biết chắc điều đó nữa.
Thế thì là làm sao?
Kẻ hóa điên trong giây phút nầy là Thảo chớ không phải là Hồng nữa, trước một sự kiện dị kỳ quá sức tưởng tượng mà không cắt nghĩa được bằng giả thuyềt nào cả.
Sự kiện đó là cuộc khiêu khích không thể chối cãi của Hồng. Cho đến cái lối nằm của nàng cũng là cả một chiến lược có lẽ đã được nghiên cứu tỉ mỉ. Nàng nàm ngửa như đã nói, chơn trong gác lên một chiếc gối ắp kê dưới chỗ đầu gối của nàng, cái chơn nầy hơi co lại.
Hai tay chấp lên đầu khoe hai cái nách ra và dưới lụa áo trắng quá mỏng, Thảo thấy dạng hai vệt đen.
Trong giây phút chàng xua tất cả mọi ý nghĩ, mọi suy luận vì rượu đã làm chàng yếu đuối tinh thần và tinh thần suy kém buông cương cho xác thịt nổi loạn.
“Ừ, tìm biết lý do khiêu khích của Hồng để làm gì? Nó khiêu khích thì ta cứ nhận sự khiêu khích ấy. Ta chỉ là tòng phạm thôi chớ không phải là chánh phạm thì không lo lương tâm rầy rà cho lắm”.
Nó gài bẫy để ám hại, phao vu mình chăng? Vô lý. Nó không có mục đích để làm như vậy.
Hồng sắp luống tuổi rồi, và có lẽ cơn bịnh vừa qua đã làm cho chính Hồng cũng yếu đuối tinh thần, sự suy kém tai hại nó giúp cho xác thịt nàng vùng lên thật mạnh. Có lẽ chỉ có thế thôi. Mà vì mình đứng đắn, không lay được nên Hồng phải đi đến cái nước liều là khiêu khích mình.
Vừa lúc ấy Hồng ư lên một tiếng rồi thở dài và co thêm cái chơn gác lên gối, ngực nàng phồng lên trong cái thở dài ấy và cái chơn co thêm làm cho sự hớ hênh trong lối nằm của nàng càng hớ hênh hơn.
Giờ, Thảo nghe còn nóng ran người nhiều hơn là lúc uống rượu nữa. Chàng cố chiến đấu với chàng thêm vài mươi giây rồi bỏ cuộc.
Bỏ cuộc là bỏ cuộc chiến đấu với bản thân chớ còn cái cuộc kia thì dĩ nhiên là chàng dấn thân vào.
Chàng rón rén bước nhẹ lên giường, ngồi cạnh Hồng và nhìn mặt Hồng rất lâu. Không, có phải là Hồng đâu. Đây là Cúc ấy chớ, Cúc năm ngoái, hồi hai người mới lấy nhau.
Thảo nhớ lại những gì Cúc đã nói với chàng “Mùi của Hồng cũng y như mùi của Cúc, và trừ cái nốt ruồi son ra thì cái gì hai đứa cũng giống hệt nhau.”
Chàng đã yêu Hồng chỉ vì sự giống hệt nhau đó, vì chàng nghe như Hồng và Cúc chỉ là một người thôi. Đồng thời chàng cũng thèm muốn Hồng vì cái một người ấy, thật ra là hai người, bởi vì sau đêm tân hôn là Cúc và Hồng đã khác nhau rồi.
Lâu lắm, chàng mời nằm xuống thật nhẹ, bên cạnh Hồng, cầm tay Hồng mà kéo xuống vì cánh tay chấp trên đầu nàng đưa cùi chỏ ra, ngăn chàng nằm sát Hồng.
Hồng làm bộ giựt mình, nhưng vẫn còn ngây ngủ, vùng vằng rồi nằm yên trở lại.
Chàng biết rằng Hồng làm bộ nhưng chàng cũng làm bộ như không dám công khai hành động. Chàng hôn lên trán Hồng rồi hỏi:
- Cúc ơi, em về hồi nào mà nằm đây?
Cúc ư... ư... chớ không thức dậy, Thảo kẹp đầu nàng vào nách chàng, xoa tóc mai nơi thái dương nàng rồi gọi:
- Cúc! Cúc à! day qua đây với anh.
Hồng nằm nghiêng lại, úp mặt vào ngực Thảo. Thảo cười thầm trong bụng mà rằng: “Được đa em bé, em bé cứ làm bộ ngủ thì anh đây cứ làm bộ say.”
Rồi chàng không thèm gọi Cúc ơi Cúc hỡi nữa mà cứ việc mơn trớn Hồng. Chàng hôn nhẹ lên tai của Hồng và môi chàng chạm phải da má của Hồng, phần nằm cạnh tai. Chàng thấy da Hồng mọc óc lên và bỗng nhớ lại những cái hôn đầu mà chàng ban cho Cúc, cũng đã làm cho Cúc nổi da gà như vậy.
Bây giờ chàng mớì tin chắc một trăm phần trăm là Hồng còn tân vì chỉ có gái tân, xác thịt họ mới phản ứng như thế trước sự đụng chạm đầu tiên trong đời họ.
Trong giây phút, chàng đâm sợ. Sự trinh trắng của người con gái có uy vệ riêng của nó đối với bọn con trai lương thiện, họ thấy tội ác tày trời nếu họ phá hại đời một thiếu nữ chưa hoen ố.
Nhưng Hồng lại ư ư mấy tiếng, cựa quậy nhè nhẹ rồi gác tay lên hông chàng. Chàng nằm nghiêng, tay Hồng oằn xuống và bàn tay ấy rơi xuống lưng chàng.
Chàng nghe như là Hồng dùng bàn tay đó để kéo nhẹ, nhẹ thật là nhẹ, gần như là không có gì, kéo chàng vào người của nàng.
Bị kích thích đến cực độ, Thảo đâm liều, chàng đỡ đầu Hồng lên, cho gối trên một cánh tay của chàng và đồng thời xô Hồng ra cho nàng nằm ngửa trở lại.
Thảo hôn lên mắt Hồng, hôn nhẹ lên má nàng theo lối Á Đông tức là ngửi bằng mũi, hôn lên cổ nàng rồi thình lình, môi chàng chụp lên môi Hồng như một cái ống bầu mà thợ giác chụp lẹ vào lưng một người bịnh, sợ sức nóng trong đó loãng đi rồi giác không được nữa.
Cái hôn tàn bạo của chàng có thể đánh thức cả một người say rượu nữa. Thế mà Hồng vẫn không thức.
Thảo không nhận sự hiến thân bất giác đó: Hồng có mục đích quan trọng nào để giữ mãi thái độ ấy, chàng cũng mặc kệ mục đích của nàng, quyết gây ra sự cảm thông giữa hai tấm lòng, hai ý thức chàng mới nghe cho.
Thế nên chàng lại gọi Hồng, mà lần nầy gọi đích danh nàng:
- Hồng! Anh vẫn tỉnh táo như thường chớ không có say rượu. Hồng cũng chưa ngủ, thì ta còn đóng kịch làm gì mất công. Anh yêu Hồng, Hồng có đủ can đảm thì yêu anh vậy. Bằng không thì thôi.
Món khí giới nầy, chàng đưa ra chiến trường một cách bất ngờ quá khiến bên địch chỉ còn biết đầu hàng chớ làm thế nào bây giờ.
Thảo vẫn còn chống tay, mặt chàng cách mặt Hồng độ hai tấc. Hồng lặng thinh đưa hai tay lên, đặt vào ót Thảo rồi ghì đầu Thảo xuống.
Thế là nàng đã ra mặt, mặc dầu mắt vẫn nhắm nghiền lại và miệng cứ ngậm câm. Nhưng bấy nhiêu đó là đủ cho Thảo rồi nên cái hôn thứ nhì của chàng còn tàn bạo hơn cái hôn thứ nhứt nữa.
- Hồng ơi! Hồng hôn Thảo một cái nhé.
Thảo giở mặt lên rồi nói khẽ câu đó, đoạn kề má chàng sát má Hồng. Một lần nữa, Hồng đưa tay lên, ghì lấy đầu Thảo xuống và má của Thảo đè mạnh lên mũi của nàng. Thảo nghe Hồng hít vào thật dài.
Thảo bỗng nhớ ra là đêm tân hôn, Cúc cứ nằng nặc đòi tắt đèn, nên chàng day ra sau lưng, vói tay lên để kéo sợi dây xích sắt nhỏ.
Buồng ngủ bây giờ tối đen vì đèn ở nhà sau cũng đã tắt rồi.