Phần III

Cả ngày hôm đó, Hồng và Cúc chìm đắm trong cõi u minh của vô thức. Việc bài tiết của họ, họ làm máy móc theo phản ứng của cơ thể mà không hay biết gì cả, thành thử Thảo không làm sao được khác hơn được là phải tự tay chàng thay y phục cho hai con bịnh, con bé giúp việc từ chối giúp Hồng vì nó nhờm gớm, chàng không dám bắt ép nó, sợ nó trốn đi thì càng rối rắm hơn nữa.
Tối lại, cả hai cô đều đỡ, nhiệt độ của họ chỉ còn băm tám rưỡi thôi, Thảo chạv hết buồng bên nầy qua buồng bên kia để cho họ uống thuốc, để cho họ uống nước.
Cúc thế nào?
Hồng thế nào?
Đó là hai câu hỏi mà chàng nghe khi chàng vào buồng người này hay vào buồng người nọ. Với người nào, chàng cũng đáp:
Đỡ. Cả hai cùng bịnh nặng rồi cùng đỡ như nhau chớ có gì lạ đâu.
Hồng chợt nhìn thấy y phục mình đang mặc khác với y phục hôm qua, hoảng lắm, nhưng chỉ hỏi Thảo bằng mắt thôi.
Thảo rầu rầu nét mặt mà đáp câu hỏi thầm lặng của nàng:
Xin Hồng biết cho, Thảo không có cách nào khác. Nếu sự mê sảng của Hồng không kéo dài quá và nếu việc bài tiết có thể ngăn được, Thảo không hề đám xúc phạm đến Hồng.
Hồng mắc cỡ lắm nhưng rồi cũng nhẫn nại nói:
Ừ, quả thật không có cách nào khác!
Nàng nói ra câu đó rồi thì Thảo nghe nhẹ cả người, khác rất xa những giây phút mà nàng hoảng sợ, những giây phút mà nàng hổ ngươi. Đây là một sự mặc nhận một tình thế, một quyền hành, một thứ ân huệ, trước một sự việc đã rồi mà người giải quyết chỉ có thể xử dụng một lối ra độc nhứt thôi.
Thảo ơi, cho Hồng miếng nuớc, để Hồng uống thuốc.
Hồng cố ngồi dậy, nhưng lại ngã xuống, nàng nghe choáng váng và thấy mọi vật đều quay cuồng nghiêng ngữa quanh nàng.
Nếu Hồng chỉ cần giải khát thì Thảo sẽ đổ nước vào miệng nàng bằng muỗng nhỏ. Ngặt nàng phải uống một thứ thuốc viên mà viên rất to, nên lại... Không có cách nào khác hơn nữa là chàng đỡ nàng dậy, đỡ như ẵm chứ không thể đỡ sơ sơ được.
Uống thuốc xong, Hồng vịn vai Thảo mà rằng:
Mệt quá Thảo ơi!
Không sao đâu, tại Hồng sốt nhiều giờ quá.
Chàng lại đặt nàng xuống để chạy qua săn sóc cho vợ.
Hai chị em đỡ được cho tới sáng thì bắt đầu nóng dữ trở lại, y như hôm qua và lại mê sảng suốt ngày hôm đó nữa và cái gì đã diễn ra ngày trước lại diễn y hệt trở lại.
Và tối lại thì nhiệt độ của họ cũng hạ, nhưng đêm nay nó hạ thật thấp, còn có băm bảy độ rưỡi, khiến Thảo rất mừng vì đó là dấu hiệu họ sắp khỏi hẳn.
Cả hai chị em đều tuyên bố nghe khỏe khoắn trong người lắm nhưng nếu phải cử-động thì họ lại nghe mệt nhiều hơn đêm trước nữa, mặc dầu chứng chóng mặt đã hết.
Cúm nặng thì thế, sau mấy ngày sốt nhiều, con bịnh mệt nhừ và nói khỏi là khỏi sốt ấy thôi, chớ họ vẫn nằm liệt giường. Nằm liệt giường nhưng họ lại bắt đầu thèm ăn, Thảo phải đút cháo cho cả hai chị em như mẹ đút cơm em nhỏ.
Ngày mà Hồng đi làm được, Thảo nghĩ rất nhiều về giải pháp ra riêng. Chàng sợ chính chàng chớ không sợ Hồng quyến rủ, bởi Hồng tuy nó thương mến chàng lắm, thân mật với chàng hơn trước nhiều vì sự chung chạ nầy giúp cho họ quen đi rồi, không phải ngại ngùng hay mắc cỡ nửa, nhưug nó vẫn trong sạch trong tâm-trí nó, chàng biết chắc như vậy vì một khi mà đàn ông họ có hậu-ý, họ hay dò dẫm thử để biết phản ứng bên kia.
Hồng nết hạnh, lại rất thương Cúc thì dĩ nhiên là không thể nào nàng phản bội Cúc vi lý-do nào cả, bởi cả lý-trí lẫn tình cảm đều hợp tác để giúp nàng giữ mình một cách toàn vẹn.
Ra riêng là chuyện rất dễ về mặt tài chánh. Lương chàng khá cao, chàng lại dành dụm được nhiều tiền trước khi cưới vợ. Nhưng lần nào chàng đá động tới dự định nầy, chàng cũng đều bị Cúc cự cả.
Hồi chưa cưới thì Cúc nó khẩn cầu chàng về đây ở, giờ cưới rồi, nó muốn làm quyền, ít lắm cũng về phương diện nầy, làm như Thảo có bổn phận phải chôn chặt đời chàng nơi đây vậy.
Khổ ơi là khổ. Cái hôm mà Hồng và Cúc vừa hết sốt, nhưng lại kêu mệt, chàng được một người bà con mách cho hai thứ thuốc để tiêm cho hai con bịnh nầy hầu giúp họ hết mệt.
Tiêm sinh tố C cho hai nàng thì không việc gì, bởi chàng tiêm thuốc ấy vào mạch máu của họ. Nhưng món thuốc thứ nhì, thuồc lạ, tên Hoa-kỳ lại phải tiêm vào thịt.
Như bất kỳ người thường học tiêm thuốc một cách tài tử nào, Thảo chỉ dám tiêm vào mông thôi, nơi đó dễ tìm chỗ thịt nhiều, phòng gây hại, chớ ở đùi, chàng không biết dò dẫm làm sao cho ra chỗ đó.
Đây là một cực hình cho chàng. Nội cái việc nói ra lời để yêu cầu Hồng hạ lưng quần xuống cho chàng tiêm, chàng đã nghẹn ngào trong nhiều phút rồi, phương chi rồi chàng lại phải thấy cái gì chàng không nên thấy.
Nếu chàng là y sĩ thì đã không có vấn-đề bởi y sĩ họ đã tiêm cho hàng ngàn phụ nữ, thì họ không bị xúc động như chàng.
Thảo yêu vợ rất là cổ điển. Chàng không hề thấy thân thể của vợ cho rõ ràng, bởi chính con người đạo đức của chàng cũng mắc cỡ dưới ánh sáng nữa, chớ đừng nói chi là Cúc.
Hôm tiêm thuốc lần đầu ấy, vì lịch sự, chàng tiêm cho Hồng trước, và lần đầu tiên trong đời con trai của chàng mà chàng thấy, trong ánh sáng ban ngày, da thịt của phụ nữ ở một phần thân thể có thể bảo là khiêu gợi số một.
Hình ảnh ấy cứ ám ảnh chàng suốt mấy hôm liền, phương chi trong mấy hôm liền đó, hôm nào chàng cũng có chích thuốc cho hai nàng cả.
Thảo đã muốn điên lên vì tà tâm của chàng, mà cũng muốn điên lên vì sợ cái tà tâm ấy.
Nếu Cúc không đau ốm vừa khỏi, chàng đã mần một trận bể nhà để ra đi. Cúc không theo chàng, chàng cũng mặc kệ.
Nhưng hai chị em khỏi hẳn rồi thì chàng thôi chích thuốc cho họ nữa và nhờ thế mà sự thèm muốn dịu đi.
Hơn thế, một biến cố quan trọng làm cho chàng mừng quýnh lên mà quên mất vấn-đề.
Cúc báo cho chàng hay là nàng mất kinh kỳ trong tháng nầy. Nàng luôn luôn đều đặn thì sự trễ nải khó lòng mà xảy ra lắm. Tuy chưa lấy gì làm chắc, bởi nạn cúm có thể làm xáo trộn sự đều đặn từ mười mấy năm rồi, Thảo vẫn vui sướng.
Họ ăn ở với nhau mới có bốn tháng và hai vợ chồng chưa ai nghĩ đến con cả, không phải vì họ không ham con nhưng họ ngỡ phải hai ba năm mới sanh đứa con đầu lòng.
Phước, trong trường hợp của Thảo thì trùng lai: chàng đã phân biệt được Hồng với Cúc rồi, vì thể mà đỡ khó chịu phần nào.
Sự phân biệt nầy chàng làm được vài tuần trước khi hai nàng mắc bịnh cúm.
Người con gái, khi thành đàn bà và nếu được sống một đời sống sinh lý và thỏa mãn, họ nở nang ra trông thấy. Những đường cong của thân thể họ rõ rệt hơn, nước da họ hồng hào hơn, và họ vui tính hơn.
Thế nên Cúc khác Hồng đi, không khác đột ngột, sự khác biệt nầy diễn ra rất chậm, mỗi ngày một tí thôi, không để ý không thấy được, nhưng thình lình ngày kia, những cái một ít ấy dồn lại nhiều cho đến đỗi sự biến hóa như lình thình xảy đến bất ngờ.
Khỏi bịnh rồi thì hai chị em đều ăn lại sức, nhưng trong khi Hồng chỉ lấy lại phong độ cũ thì Cúc lấy hơn phong độ cũ nữa. Đây là dấu hiệu nàng thọ thai, và bắt đầu thọ thai được tốt lành, thì không có sự “ốm” nghén, mà trái lại cái nở nang trước càng nở nang thêm và Cúc cứ tròn trịa ra.
Họ đợi môt tháng thì đã chắc mười mươi rồi. Sự trễ nải không thể nào kéo dài đến như thế, nơi một người sức khoẻ bình thường, phương chi Cúc khỏe mạnh hơn đàn bà thường nhiều lắm.
Trong bữa ăn tối hôm đó, Thảo nói đùa với Hồng:
Cúc đã khác Hồng rồi đó.
Cố nhiên.
Hồng không nói thêm gì rõ hơn nhưng ai cũng hiểu rằng nàng biết là đời sống sinh lý khác nhau nơi hai người đã làm họ khác nhau.
Không phải như Hồng tưởng đâu, Thảo đính chánh ý nghĩ thầm của Hồng, Hồng sắp có cháu đó.
Vậy hả? Trời ơi là sung sướng! Té ra Hồng sắp lên Dì rồi. Nhưng đã chắc chưa?
Chắc một trăm phần trăm.
Cả nhà vui vẻ vô cùng và Thảo rất cảm động mà thấy được sự chơn thật trong nỗi vui mừng của Hồng.
Hai chị em dựng lên rất nhiều dự định: nào là may tã bằng vải gì, may áo thế nào, sắm giường cho bé ra sao.
Rồi họ lại đánh cá với nhau để đoán xem bé sẽ là trai hay là gái. Cúc bị qua rất nhiều trắc nghiệm, và trắc nghiện nầy toàn là trò dị đoan tầm ruồng của đàn bà không thạo khoa học cho lắm.
Chẳng hạn như Hồng gạt Cúc đi ra cửa rồi bỗng gọi em giựt ngược. Cúc day lại thì Hồng rộ lên cười mà rằng:
Thôi, coi trai rồi, Hồng dám cá một trăm bạc đó.
Dấu hiệu nào? Thảo hỏi.
Cúc nó day lại ở bên trái, mà nam tả, nữ hữu, vậy nó sẽ sanh bé trai.
Cái thuyết nam tả nữ hữu của Hồng do khoa học của nền văn minh nào dạy đó?
Nền văn minh Trung Hoa.
Rồi mỗi ngươi ấy ra trăm bạc giao cho Cúc cất, vui thật là vui.
Qua tháng thứ ba, Thảo nhắc nhở Cúc đi thăm thai ở một nhà hộ sinh đường Cô Bắc.
Có cần lắm hay không? Cúc hỏi.
Sao lại không? Anh đọc sách phổ-thông y học, thấy bác sĩ nào cũng khuyên như vậy cả.
Cúc không thèm đi đâu hết, và tới tháng thứ tư Thảo nài nỉ Cúc lắm, cực chẳng đã nàng phải chìu chồng.
Cũng cứ trong bữa ăn tối Cúc cằn nhằn:
Anh bày đặt, cô đỡ cổ nói, báo hại em sợ quá.
Thảo hết hồn hỏi mau:
Sao, cô ấy nói làm sao?
Cổ nói gì mà hình như là xương cốt bàn của em hẹp.
Như thế là sao?
Em cũng chẳng biết nữa. Nhưng cô ấy nói rằng như thế thì có thể sanh khó.
Thảo lo lắm, nhưng để an ủi vợ và tự gạt gẫm mình, chàng nói:
Biết đâu cô ấy lại không dọa cho em sợ.
Dọa em ích lợi gì cho cô ấy?
Sao không ích lợi. Hễ em sợ, sẽ tới cầu cứu cổ và cổ được dịp đập đổ em.
Em có cảm giác rằng cô ấy lương thiện nên em mới lo.
Thôi được. Để mai, anh đưa em tới một bà bác sĩ quen để bả xác nhận hoặc phủ nhận lời cô đỡ. Như vậy ta chắc bụng hơn vì biết rõ cái nguy còn hơn là cứ hoang mang, với lại để biết xem cái nguy ấy to đến đâu. Vậy trưa mai em nên sẵn sàng hồi hai giờ rưỡi. Anh xin phép nghỉ làm buổi chiều để đưa em đến đó. Bà đó mở cửa phòng mạch hồi ba giờ, em sẽ được khám trước thiên hạ, vì có hẹn, khỏi đợi lâu, bực mình.
°
°
Thảo xin phép theo vợ vào phòng khám bịnh của bà bác sĩ Khánh, vì Cúc không có văn hóa nhiều, chàng sợ nàng không hiểu rõ những lời giải thích của nhà chuyên môn nầy.
Thảo đã gọi điện thoại cho bà Khánh để hẹn giờ và để báo trước mục đích của chàng, nên chi khi thấy mặt hai vợ chồng, bà chào hỏi họ rồi khám ngay, chớ không hỏi lôi thôi họ muốn gì.
Mười phút sau, bà nói:
Rất có thể là cô có xương cốt bàn hẹp.
Cái đó là thế nào bà, xin bà cho biết rõ hơn?
Nói đúng ra thì phải nói là lỗ xương cốt bàn hẹp. Xương cốt bàn là gì thì chắc thầy cô đã biết. Bên trong, xương nầy to bãng mà có khoét lỗ tròn ở giữa, đứa bé ra khỏi dạ con rồi thì phải chun qua cái lỗ ấy mới ra ngoài được. Nơi vài người đàn bà hiếm hoi, cái lỗ xương đó hẹp nên đứa bé không ra được.
Trời!
Cả hai vợ chồng đều kêu lên tiếng kêu kinh khủng ấy rồi rụng rời. Lâu lắm, Thảo mới tỉnh hồn lại được và hỏi:
Rồi làm sao mà sanh, bà?
Nếu quả thật lỗ xương cốt bàn hẹp thì chỉ có một giải pháp độc nhất thôi, là mổ.
Trời!
Không có gì đâu mà lo. Bây giờ khoa mổ xẻ đã tiến bộ nhiều lắm. Gì chớ trường hợp đó thì họ thành công một trăm phần trăm, không hề có ai chết bao giờ đâu.
Nhưng thưa bà, bà nói là “rất có thể”, nghĩa là chính bà cũng không chắc lắm. Vậy có cách nào để biết chắc hay không?
Có chớ, rọi kiến là biết ngay. Nhưng vô ích, đã tốn tiền, lại rọi kiến thường không tốt đâu. Nếu tôi nói sai thì càng tốt, bằng như tôi nói đúng thì dầu sao cũng phải mổ, có biết trước cũng chẳng làm gì được để sửa đổi tình trạng.
Trời ơi, khổ quá bà ơi! Tôi lo quá! Cúc kêu cứu. Bà có phương gì…
Không có phương gì cả. Nhưng nếu hai ông bà không giàu thì tôi khuyên nên đi nhà hộ sinh Từ Dũ, chớ đừng đi các nhà hộ sinh tư, bằng như giàu thì đi Đồn Đất tùy ý! Chỉ có nhà thương mới đủ dụng cụ mổ xẻ có bảo đảm, mà Từ Dũ thì chuyên môn hơn cả Đồn Đất nữa.
Bà có thuốc gì...
Không nên uống thuốc dưỡng thai gì hết ráo đấy nhé. Có thai tốt, người mạnh khỏe thì cứ để vậy, uống thuốc càng hại thêm. Và nhớ, muốn chắc ăn, phải vào Từ Dũ. Tôi bảo đảm là mẹ tròn con vuông, có gì, tôi bắt đền cho.
Bà bảo Đồn Đất không bằng Từ Dũ à?
Theo chỗ tôi biết thì không.
Hai vợ chồng ra về, buồn hiu, và từ đó cho tới nhà, không ai nói với ai gì cả.
Thảo thương vợ và ham con ghê lắm. Chàng đã mua lu bù thuốc dưỡng thai cho vợ uống. Nay bà đốc tơ nầy lại căn dặn trước rằng có thể sanh khó. Cái mới kỳ!
Chiều lại, Hồng đi làm về, thấy bộ mặt đưa ma của hai vợ chồng nên hỏi:
Bộ bà xác nhận hả?
Ừ. Cúc đáp rồi rưng rưng lệ.
Nhưng bả nói nguy làm sao?
Bả biểu phải mổ.
Trời!
Mặc dầu y học đã tiến rất nhiều, con người cứ nghe đến mổ thì kinh hãi, không riêng gì dân ta đâu, người các nước khác cũng thế, bởi hình ảnh chết chóc còn mới ràng ràng trong trí họ. Hai mươi năm trước, mổ cũng bằng như là vượt bể ra khơi trên một chiếc xuồng, trong cơn bão tố, một trăm người bị mổ, bất kỳ để trị bịnh gì, thì có hơn tám mươi người chết, thì làm sao mà người ta không kinh sợ được.
Hai chị em lặng lẽ phụ nhau để nấu ăn còn Thảo thì nằm dài trong phòng mà buồn.
Giữa bữa ăn tối đó, Hồng thình lình phá tan sự im lặng nặng nề nó đè lên không khí nhà nầy từ lúc vợ chồng chủ nhà đi đốc tơ về.
Họ nói bà bác sĩ Khánh dở lắm. Hay là Cúc đi bà Ngộ thử coi.
Bà Ngộ giỏi hơn thật à?
Biết đâu, tao chỉ nghe họ nói như vậy thôi. Họ nói bà Ngộ là cựu nội trú, mà y sĩ cựu nội trú giỏi bằng năm bằng bảy y sĩ thường.
Anh nghĩ sao? Cúc day qua hỏi chồng.
Ừ, hay là đi thử bà ấy xem sao. Cho chắc ý. Biết đâu bà Khánh lại không lầm như cô đỡ. Chiều mai anh sẽ đưa em đi.
Họ qua một buổi đầu hôm của một gia đình trong nhà có đám ma, và một đêm nhiều ác mộng.
Cúc chiêm bao thấy mình chết rồi, đứa con nàng bị bỏ bù lăn, bù lóc, trong khi Thảo vui sống với một người vợ kế rất đẹp mà gương mặt mơ hồ không rõ là ai. Giấc chiêm bao kéo dài năm bảy năm, và con nàng sống sót qua sự bỏ bê, bị mẹ ghẻ hành hạ khiến nàng nóng ruột đau lòng khóc mùi mẫn.
Cúc không có văn hóa nhiều, không biết được một mớ khoa học thường thức, và thuở bé cứ nghe mẹ nàng nói chuyện với bạn hữu của bà, thỉnh thoảng xen vào câu chuyện, câu ca dao sau đây:
Đàn ông đi biển có đôi,
Đàn bà đi biển lẻ loi một mình.
Nàng đã quan niệm rằng sự sinh nở là một sự rủi may của số mạng mà con người và y khoa hoàn toàn bất lực. Quan niệm nầy đối với trẻ không ảnh hưởng sâu xa vì đó là chuyện về sau, chuyện về sau, chuyện ở vào một tương lai mà cô gái bé thấy là còn lâu lắm mới tới.
Khi sắp lấy chồng, tình yêu lại xoá cả những điều ghê rợn đó, và cả khi nghe mình cấn thai, Cúc cũng quên luôn nỗi nguy hiểm của sự sinh nở. Nhưng giờ tất cả những thứ ấy lại sống dậy.
Nhưng giờ, những gì nàng đã nghe mẹ và bạn hữu của mẹ nói với nhau thuở nàng còn thơ ấu, lại trồi lên trên mặt khối nước ký ức ngỡ là sâu thẳm lắm và nhận chìm cả mọi việc. Nào là những sản phụ bị sót nhao, cái bụng sình chương to lên như cái trống chầu, vài ngày là tắt thở ; nào là máu sản hậu chận ngang cuống họng người đàn bà đẻ nếu bị xúc động mạnh, và họ phải chết tức tóc vì nghẹt thở, toàn là những cái chết rùng rợn mà không danh y nào, không bà đỡ giỏi nào cứu vớt được cả.
Hôm sau, Cúc nghe khoảng thời gian từ sáu giờ sáng đến ba giờ trưa là cả một thế kỷ. Nàng nóng lòng nghe tiếng nói cuối cùng tiên-tri số mạng của nàng, tiếng nói ấy có uy quyền thật hay không, nàng cũng không rõ. Vì Hồng chỉ nghe bà Bác sĩ Ngộ ấy giỏi lắm, chớ cũng không biết chắc mười bó vô một giạ rằng có đúng như thế hay không, nhưng nếu ba người mà nói y như nhau, thì có thể tin được, bằng như bà Ngộ nầy nói khác thì càng hay, dầu sao, nàng cũng sẽ được chắc ý hơn là mình sẽ chết hay còn hy vọng sống!
Bà bác sĩ Ngộ to lớn như đàn ông, giọng cũng ồ ề như giọng người phái nam, bà ta lại có râu mép nữa, những sợi râu thì nhuyễn và thật ngắn như nơi mấy cậu thiếu niên mới nhổ giò, nhưng vì bà trắng da nên trông nó nổi bật lên, xanh um.
Bà rất lớn tiếng, và luôn miệng nói đùa, nói xong, cười ha hả, nghe yêu đời ghê đi.
Y như là bà Khánh, bà Ngộ cũng bảo là rất có thể Cúc bị lỗ xương cốt bàn hẹp, và chỉ có một giải pháp là phải chịu mổ, lúc lâm bồn. Nhưng bà nói những điều trên đây nửa thản nhiên, nửa cà rỡn nghe như là bà nói chuyện uống một tách nước, ăn một cái bánh nên chi vợ chồng Thảo Cúc không có kêu trời lần nào hết.
Hơn bà Khánh, bà Ngộ khuyên đi ngay vào Từ Dũ trong lúc nầy để thăm thai, chỉ thăm lấy lệ thôi vì đã biết hư thật ra sao rồi, nhưng cốt là ghi tên để làm con bịnh mà người ta theo dõi, như thế đến ngày lâm bồn có lợi lớn là được người ta dành ưu tiên nhận ngay cho lúc chuyển bụng và được nhận xong, người ta biết làm cái gì cho mình, khỏi đợi họ khám lại mất thì giờ cho cả đôi bên
Thảo và Cúc được bà Ngộ nầy truyền lạc quan của bà qua cho họ, lạc quan ấy không ở trong lời bảo đảm nào mà nằm chính trong lối trình bày mọi việc và trong giọng nói của bà ta, nhứt là ở trong trận cười cuối cùng của bà khi Thảo nói:
Thưa bà, liệu mổ sẽ gặp rủi ro chết người hay không?
Sau cơn cười bà đáp:
Dễ như thiến gà vậy, chết làm sao được!
Và cũng giống bà Khánh, bà Ngộ căn dặn cái chuyện kỳ cục là đừng nên uống thuốc gì hết, nhất là các thứ thuốc quảng cáo là dưỡng thai, trừ khi sẽ mắc bệnh nào khác thì không kể.
Lần nầy trên đường về, hai vợ chồng Thảo Cúc có tiến bộ hơn lần trước mà họ nhìn nhau mà cười trên xe tắc-xi ; nhưng họ vẫn lặng thinh vì chưa hết hẳn lo âu.
Tuy nhiên một tuần lễ sau đó thì không khí gia đình trở lại vui như cũ.
Cả ba người đều thảo luận về cái tên mà bé sẽ mang. Mỗi người trong bộ ba nầy đề nghị hai tên, một tên cho bé trai, một tên cho bé gái.
Hồng và Cúc đều đưa ra tên Hiếu cho trai với lại tên Ngọc và tên Trúc cho gáí. Hồng thích tên Ngọc vì “Ngọc” đi liền nghĩa với “Hồng” nhưng dầu sao bé cũng là con của Cúc nên Cúc thắng thế với tên Trúc nó liền nghĩa với tên của nàng.
Thảo chấp thuận tên Trúc, nhưng không bằng lòng tên Hiếu bởi vì lòng hiếu thảo cũng hay, nhưng chàng nghĩ rằng con trai đời nay phải có đức tánh nào khác hơn là hiếu thảo với lại chàng không ưa lắm lối đặt tên con liền nghĩa với tên cha.
Chàng chọn chữ Thụ. Hồng và Cúc không biết Thụ là gì, hơn thế Thụ lại trùng với một tiếng lóng không hay kia: ba Thụ, tức là kẻ ưa nịnh.
Thụ lại cái cây, Thảo giải thích, cái cây già cứng và mạnh. Ngườì ta nói “Cổ thụ”
Như vậy thì phải là Thọ chớ, Hồng cãi. Anh nói theo giọng miền Bắc ai mà hiểu cho được, Miền Nam nói “cổ thọ”.
Ừ, thọ thì Thọ. Thảo nhượng bộ.
Đã dự trù hai tên, nghĩa là nghĩ đến việc có thể sinh con gái, nhưng cả hai lại không nghĩ tới con bé Trúc mà cứ kể như là thằng bé Thọ đang nằm trong bụng của Cúc.
Và ngộ nghĩnh nhứt là cả ba đồng tình xem như đứa bé đã có mặt rồi, nói đến nó trong nhiều dịp.
Chẳng hạn, Hồng giành:
Giao rồi nha! Thằng Thọ ngày thường trong tuần thuộc về mầy, còn ngày chúa nhựt thì nó thuộc về tao. Tao giữ độc quyền về nó ngày đó.
Cầu cho chị giành. Nó khóc nhề nhệ, em sẽ ngấy lên, rảnh tay bữa nào là sung sướng ngày nấy.
Thảo thì tính chuyện ghi tên Thọ ngay từ bây giờ vào lớp mẫu giáo niên khóa 5 năm sau của trường Sư phạm Quốc gia khiến Cúc bật cười, nói:
Ai mà nhận cậu học trò chưa sanh ra!
Ấy, em không biết chớ cái lệ đã có một năm sau khi lớp ấy của trường ấy được thành lập; trẻ con ở đô-thành đông quá, mà cái lớp kiểu mẫu đó chỉ nhận học trò có hạn thôi, nên thiên hạ tranh giành nhau mà ghi tên, mãi rồi trường phải nhận sự ghi tên trước nhiều năm, y như ở trường Eton bên Anh quốc, hễ các bà cấn thai thì các ông vội đi lo công việc ấy ngay.
Thảo nè, Hồng hỏi, người ta nói đẻ song thai có nòi. Như vậy Cúc có thể đẻ sanh đôi lắm.
Ừ, Thảo cũng nghe họ nói như vậy.
Như trường hợp ấy xảy ra thì Hồng sẽ bắt một đứa.
Cho chị cả hai đứa. Nhưng phải ở nhà để cho chúng nó bú, em không làm chị vú cho con chị đâu.
Tối tối Thảo hay hôn bụng vợ và nói nựng:
Xằng Xọ nằm chong nhầy! (Thằng Thọ nằm trong nầy!)
Chàng cưng vợ ghê lắm, cấm xuống nhà bếp nấu nướng sợ gạch ở dưới đóng rêu trơn trợt, rủi nàng té thì nguy cho thằng Thọ lắm.
Và cả hai vợ chồng cưng bé Thọ quá sức, nhứt là từ ngày nó bắt đầu “máy”. Nó máy mạnh ghê hồn, để cắc bạc lên bụng Cúc, nó một cái, cắc bạc rơi xuống giường.
Vui vẻ và sung sướng ghê đi!
Nhưng lắm đêm, Cúc lại khóc thầm, khi Thảo ngủ trước nàng. Nàng nghe cô đơn vô cùng mà nhớ lại phận “đi biển lẻ loi một mình” của nàng.
Vâng, có thương yêu nàng đến đâu Thảo cũng sẽ bất lực khi nàng lâm nguy, khác hẳn với trường hợp các tai nạn thường chẳng hạn như nàng té xuống sông, hoặc bị kẹt trong một ngôi nhà đang cháy, những trường hợp ấy có nguy ngập ghê rợn bao nhiêu, nàng cũng không đến đỗi tuyệt vọng vì chắc chắn là Thảo sẽ liều cả tánh mạng chàng nữa để cứu nàng.
Cảm giác cô đơn nầy sở dĩ mà có là vì cái viễn ảnh chết chóc do cuộc giải phẩu gây ra, chớ không phải sự sợ hãi đau chuyển bụng. Cảnh đi biển lẻ loi nơi Cúc là cái chết đau thương trong buổi đầu một đời hạnh phúc của nàng chớ không phải là những đau đớn thể xác một mình như nơi các bà vợ khác.
Nàng càng khóc dữ khi nghĩ đến cảnh mồ côi của thằng Thọ. Và trong đau khổ vô căn cứ của nàng, nàng cố tìm một giải pháp cho đứa con yêu quí của nàng. Sự tìm tòi nầy dĩ nhiên đưa đến Hồng.
Vâng, Thảo còn trẻ thì không sao mà ở vậy được cho tới già. Mà nếu phải tục huyền, Thảo không lấy ai mà tốt đẹp cho mọi việc bằng lấy Hồng. Thảo sẽ tìm thấy hình ảnh của người vợ thân yêu quá vãng nơi cái bản sao của người vợ ấy, và hạnh phúc của chàng có thể nói là không hề bị đứt đoạn. Chàng sẽ không gặp một hạnh phúc thứ nhì mà chỉ tiếp tục hưởng hạnh phúc đang có.
Hồng cũng có lợi nữa. Hồng sẽ khỏi trơ trọi một thân, nếu Thảo ra khỏi nhà nầy để tục huyền. Không dễ gì lấy chồng lắm đâu, ở vào thời nầy, thì Hồng lấy được một người chồng như Thảo là quí lắm rồi.
Kẻ thứ ba được hưởng lợi là thằng Thọ. Chắc chắn là Hồng sẽ yêu thương nó y như nó là con đẻ của Hồng. Ngày sau, nó sẽ biết rằng nó mất mẹ, nhưng thật ra nó có mất gì đâu. Nó sẽ thương người nuôi dưỡng của nó hơn là người đã cho nó máu mủ. Tình của con người là như vậy, bằng cớ là nhiều đứa bé xấu háy được mẹ chúng nó cho người khác nuôi, rồi khi lớn lên, chúng nó nhứt định không trở về với mẹ ruột của chúng nó, cho dẫu là các bà nầy giàu sang hơn mẹ nuôi chúng nó nhiều lắm.
Nghĩ tới đây, Cúc đâm ghen. Nàng hình dung ra cảnh Thảo ấp yêu Hồng trong lòng rồi máu nàng sôi lên, làm như chuyện ấy đã xảy ra thật sự rồi vậy. Thấy rõ là loài người, tốt bao nhiêu, vẫn ích kỷ về tình yêu. Họ sẵn lòng chia sớt cho người thân yêu họ tất cả những gì quí báu nhứt của họ, trừ cái đó.
Cúc lại nghĩ sâu hơn nữa, nghĩ đến những điều tế nhị hơn, khúc mắc hơn. Là không làm sao mà Thảo không hơi hơi yêu Hồng và Hồng không hơi hơi yêu Thảo, Hồng với nàng chỉ là một thì Thảo yêu nàng, không thể không yêu Hồng. Còn Hồng nó yêu nàng, không thể không yêu người mà nàng yêu.
Suy tưởng nầy càng làm nàng đau đớn, vì đây là chuyện có thể có thật, không, chắc chắn có thật, đã xảy ra rồi, đang xảy ra, và cứ xảy ra mãi mãi, cho đến khi nào Hồng đi lấy chồng thì thôi. Nàng đau hơn là lúc Thảo tính chuyện tục huyền với Hồng, bởi tình yêu thầm lặng giữa hai đứa nó, là một phản bội, trong khi nàng còn sống, chỉ là phản bội trong tinh thần thôi, nhưng vẫn có phản bội, còn sự tục huyền của Thảo là chánh đáng bởi nàng không còn đó nữa.
Tục huyền! Họ sẽ lấy nhau, yêu nhau và hạnh phúc tới bạc đầu! Thằng Thọ cũng hạnh phúc nữa! Trời ơi, ai cũng hạnh phúc cả, chỉ có mình là bạc số. Mình sẽ quạnh hiu dưới một nấm mồ lạnh trong một nghĩa địa đất ẩm của Saigon và người đời sẽ quên mình khi mãn kỳ tang khó!
Bỗng Cúc rống lên mà khóc, khiến Thảo giựt mình day lại, rồi hoảng sợ hỏi:
Sao, gì đó Cúc? Cúc đau ốm à?
Cúc không đáp, và càng tức tửi hơn vì câu hỏi của chồng càng làm cho nàng tủi thân phận hơn.
Thảo ôm đầu vợ, hôn lên trán vợ, lau nước mắt cho nàng, buồn cười quá, bằng tay áo của chàng vì chàng tìm trong túi áo ngủ không thấy mu xoa trong đó.
Gì đó cưng?
Em sợ lắm!
À, lêu lêu mắc cỡ em nhỏ của anh! Em nằm chiêm bao thấy gì?
Không, em chưa ngủ. Em sợ mổ.
Ờ… giờ nầy mà còn chưa ngủ để nghĩ bậy rồi sợ. Đã bảo không sao kia mà!
Họ chỉ nói cho an lòng mình thôi, chớ...
Không, thầy thuốc họ không gạt mình làm gì. Có gạt là họ dọa mình sắp chết đến nơi để mình hoảng, nhờ họ cứu chữa cho, hầu họ đập đổ mình, chớ đã bảo không sao thì thật không sao.
Cúc đã thôi khóc từ nãy đến giờ, chỉ còn thỉnh thoảng thổn thức thôi. Thình lình, nàng nghe bụng mình bị đạp mạnh từ trong ra ngoài, và chợt ý thức rằng chồng nàng đã để tay trên đó.
À, bắt được mầy rồi đây!
Thảo nói xong vói cái tay ở không để bóp trái boa trên đầu nằm, trái boa nầy điều khiển hai ngọn đèn, ngọn đèn chong ở sau đầu giường và ngọn đèn đọc sách trên đầu tủ đầu giường. Ngọn đèn chong tắt, ngọn đèn đọc sách cháy lên, soi sáng giường của đôi vợ chồng qua lớp màn tuyn.
Cúc cuối xuống và thấy da bụng nàng căng thẳng ra ở một nơi, chỗ bị đội lên nhọn như là dưới ấy là cái cùi chõ hay cái gót của bào thai. Thào đang nắm lấy chỗ đó và nói:
Thằng giặc con nầy, nó đạp mẹ nó từ trong bụng đạp ra. Nhưng nữa sanh nó ra rồi nó lại sẽ từ ngoài đạp vô cho mà coi.
Nói xong, chàng buông chỗ đó ra, rồi hôn lên đó một cái khiến Cúc nhột, cười hăng hắc. Đồng thời, cáí cùi chõ hay cái gót ấy cũng biến mất.
Dạo nầy nó đạp mạnh lắm anh à.
Bảy tháng rưỡi rồi còn gì.
Rồi Thảo lại hôn bụng vợ và Cúc lại cười lên vì nghe buồn buồn nhồn nhột.
Cảnh thân mật nhỏ nầy giúp nàng quên được mối lo âu và niềm đau của nàng.
Thảo lại tắt đèn, rồi hai vợ chồng rù rì với nhau một hồi thì Thảo ngủ mất, trong câu chuyện.
Bị bỏ rơi lại một mình, Củc lại nghe cô đơn và buồn vô cùng. Nhưng nàng cố nhớ đến lời của hai vị bác sĩ: “Rất có thể là lỗ xương cốt bàn hẹp”.
Chỉ là sự có thể thôi, nghĩa là hai nhà chuyên môn ấy có thể lầm, và nàng còn hy vọng thoát khỏi cái nạn mổ xẻ. Điều nầy giúp nàng an dạ lại được. Vả lại, nếu thấy bí lối, nàng cũng sẽ nhẫn nại chịu số phận như loài người đã từng phải chịu, chớ biết sao bây giờ.
°
°
Đêm nay ngoài vườn trăng sáng quá. Trăng Sàigòn là một người bà con nghèo, không được ai buồn đếm xỉa tới cả, chỉ có những đêm banh điện người ta mới chợt nhớ lại sự có mặt của chị Hằng mà thôi.
Qua tàn thưa của hai cây ngâu già, trăng đẹp vô ngần. Những chùm lá ngâu gợi nhớ cành tòng trong sách Tàu, mặc dầu hai loại lá cành nầy ở trên thật tế, khác nhau rất xa.
Mặt trăng trong mà một sợi mây trắng vắt ngang qua, lấp ló sau những chùm lá ngâu, lá nho nhỏ, tròn tròn, trông giống hệt như một bức tranh thủy mặc Tàu vẻ trăng sau cánh tòng, cạnh mái cong cong của một ngôi nhà thủy tạ bên bờ hồ, dưới chơn núi.
Dạo nầy Cúc nghe mệt nhọc trong người lắm, nên ăn rồi là muốn đi nằm, trăng trong thế nào nàng cũng không ham. Thành thử chỉ có Thảo và Hồng ngồi trên chiếc băng đá cẩm thạch giả màu xanh lợt để hứng mát thôi.
Con đường nhỏ nầy, ban đêm ít xe cộ qua lại, phương chi đoạn trên bị chận lại trước bót ngánh Cầu Kho thì số xe hiếm hoi lại càng bị bạn chế tới mức tối thiểu. Nhờ vậy mà khu nầy yên tịnh như một con phố ngoại ô tỉnh nhỏ.
Thảo vừa cắn hột dưa, vừa hỏi.
Hồng đã tới đâu rồi về vụ chị xẩm ấy?
Hồng cũng đang cắn hột dưa đáp:
Hồng đã đổi ý rồi, có lẽ tại nó đòi mắc quá.
Bao nhiêu mà mắc?
Một ngàn rưỡi.
Sao họ nói nhơn công Trung Hoa ăn rẻ? [1]
Ừ, nhưng trừ bọn vú em. Bọn nầy chỉ làm cho Tây nên quen với giá cao mà Tây trả cho họ. Vả lại Hồng hỏi kỹ thì thấy nó cũng dốt vệ sinh như bất kỳ con sen nào của ta. Nó chỉ mặc quần áo vải trắng nên trông cứ như là biết ở sạch lắm, chớ thật ra nó cũng làm rớt núm vú cao su xuống dưới đất, lượm lên, quẹt vào áo rồi đút vào miệng trẻ con. Người mình, bọn trưởng giả học làm sang, thích mướn xẩm để làm cảnh, để tăng cá vẻ giàu sang của họ lên thôi, để cho người ta thấy họ có cái mực sống như Tây, chớ họ cũng chẳng thiết gì về nỗi băn khoăn của ta là cần một người hiểu biết vệ sinh. Người ấy ít lắm cũng phải tin rằng có con vi trùng, và tin rằng nước phải đun thật sôi mới chết vi trùng, núm vú phải nấu trong nước sôi vân vân …
Ừ, nhưng biết tính sao giờ.
Nhưng Hồng đã tìm được một người đúng như ta muốn, mà họ cũng chỉ đòi có một ngàn rưỡi thôi, hơn thế, họ chịu giặt giụa áo quần của con Cúc trong tháng đầu, công việc mà bọn xẩm từ chối làm cả trong những tháng sau đó nữa, còn người mình thì có nhận làm trong tháng đầu cũng đòi tiền thật nhiều. Họ có thành kiến về đàn bà đẻ ấy mà!
Thảo bật cười. Người mình cho rằng đờn bà đẻ là thứ gì “hết xài” rồi, cái gì của họ cũng dễ tởm cả, thậm chí cả cho đến ngày nay mà trong nhiều gia đình khá giả, đàn bà đẻ chỉ được bố thí cho một cái chòi ngoài ranh dựng lên hối hả lúc họ chuyển bụng, chớ không được nằm trong nhà mà đẻ. Sau đó thì chòi được đốt đi với tất cả y phục của họ, y phuc nầy được chọn trong mớ y phục rách nát sắp dùng làm nùi giẻ.
Nhưng tiếng cười của chàng bỗng tắt ngang, vì chàng vừa nhớ đến một điều. Trong vòng hai tháng nay, Cúc chẳng những không còn thơm tho nữa mà lại có mùi hôi, may là nàng biết vệ sinh, đã ăn mặc sạch sẽ, đã xức nước hoa, thì nói chi là người quê mùa, họ bị ghê tởm cũng phải.
Nhưng rồi chàng lại nhớ đến điều khác nữa. Là Cúc đã méo mó nhiều quá rồi. Cái thai tám tháng rưỡi ấy làm cho con người của nàng bề xề, nặng nề quá.
Yêu vợ thì chàng vẫn yêu với tất cả tấm lòng chàng, nhưng không sao mà chàng khỏi nhớ đến một cô Cúc năm ngoái, một cô Cúc son trẻ mà bây giờ đang ngồi chung băng đá với chàng.
Đã sáu tháng rồi chàng không có gần Cúc nữa trong khi sức khỏe của chàng cứ càng ngày càng tăng, nhờ sống điều độ hơn lúc còn độc thân.
Tôn giáo, pháp luật và luân lý đều nín thinh ở chỗ đó, ở nhu cầu có người đàn ông trong gần suốt thời gian mà vợ họ mang thai, làm như là xác thịt của con người có thể bị tinh thần chế ngự được một cách dễ dàng.
Chàng có chế ngự xác thịt chàng thật đó; nhưng nó vẫn cứ muốn nổi loạn.
Lạ quá! Ngày thường, những ngày mà tối tối trời nóng bức, cả nhà hay ra đây để hóng mát, chàng đã ngồi sát Hồng mà không nghe sao cả, Cúc ngồi bên phải của chàng còn Hồng thì ngồi bên trái.
Nhưng đêm nay hai người ngồi cách xa nhau cả thước, mỗi người ở một đầu băng vì ai cũng muốn giữ gìn cả, thế mà chàng lại nghe rung động khó hiểu lẳm. Làm như là xúc giác của con người có thể cách cảm được vậy.
Hồng còn hột dưa hết?
Hết, Thảo còn không?
Thảo lặng thinh hốt môt nắm trong túi áo bi-da-ma của chàng rồi với tay qua trao cho Hồng. Hồng bụm ngửa bàn tay mặt lại để hứng lấy nắm hột dưa mà đáng lý gì Thảo rót lên đó là được rồi, nhưng hắn lại hạ bàn tay hắn vào đó rồi xoè ra cho hột dưa rớt xuống.
Vì bàn tay hắn lớn, hắn phải đặt sát vào bàn tay nhỏ xíu của Hồng để cho hột dưa khỏi đổ ra ngoài, hay vì ý gì khác thì không rõ mà hắn hành động như vậy, hóa ra Hồng gần như là nắm lấy bàn tay của hắn.
Hột đưa đã sang tay hết cả rồi, và Hồng hơi ngạc nhiên mà thấy hắn không lấy bàn tay của hắn lên. Nhưng sự nằm lỳ của bàn tay nầy không kéo dài quá, nó chỉ nằm quá thời khắc phải nằm có mấy giây thôi, chỉ vừa đủ cho một người tế nhị như Hồng nhận thức được thôi, nhận thức được nhưng cũng không dám chắc đó là một cử chỉ do hậu ý không tốt chi phối, bởi hắn có thể vì cẩn thận nên đã làm thế cho chắc ý rằng hột dưa không còn dính tay hắn nữa.
Cái bụm tay tràn trề hột dưa của Hồng rút về cùng một lượt với nắm tay của Thảo. Thảo ngượng nghịu hỏi:
Người ấy thế nào, ngoài cái việc giặt giụa ấy?
Chàng nghe giọng chàng run run, nghe hơì thở dồn dập, nghe tim chàng đập thình thình nghe mặt chàng nóng ran.
Nhưng Hồng thì nói rất bình thản, như không việc gì xảy ra, và chính sự bình thản nầy đã làm cho Thảo mắc cỡ với chàng quá. Nếu có sự tùng đảng thì việc xấu của ta, ít xấu hơn, hay không xấu gì cả, trước mắt kẻ a tòng. Nhưng chắc chắn là Hồng không có ý gì hết nên mới dửng dưng được đến thế.
Hồng là một cô gái nểt na, và luôn luôn thẳng thắn với chàng, cả trong những lúc bất đắc dĩ phải thân mật với nhau. Vì thế mà cho tới bây giờ chàng không ngã, không ngã vì sợ hơn là nhờ ở đạo đức của chàng, hơn là nhờ đã tranh đấu với bản thân, với xác thịt mình mà sự thèm muốn cứ kêu gào lên ầm ầm.
Hồng nói:
Chị nầy nguyên là một cô đỡ phụ ở một nhà hộ sanh, cô đỡ phụ các nhà hộ sanh tư lắm khi chỉ có nghĩa là một công nhân hơi chuyên môn một chút, đã được huấn luyện để tiếp tay các cô đỡ trong những công việc không hệ trọng như là nấu kim tiêm thuốc, trụn nước sôi ống bốc ta vơ, đốt dụng cụ để khử độc, thay tã cho em bé, mà như vậy là đủ khả năng săn sóc mẹ con con Cúc lắm rồi.
Đúng như vậy.
Mỗi tháng một ngàn rưỡi thì có hơi nhiều thật đó. Nhưng ta chỉ dùng chị ta hai tháng là cùng.
Ừ. Vậy Hồng cứ xúc tiến việc thương lượng đi.
Người ta đã nhận lời rồi và tuần sau thì họ đến đây.
Quí hóa lắm!
Thảo làm thinh sau câu đó. Sự đụng chạm của hai bàn tay khi nãy gợi nhớ cho chàng những kỷ niệm thời thơ ấu mà chàng ở nhà quê. Những đêm trăng, trẻ con trong làng chơi trò ve ve cút bắt. Một đứa trẻ xòe bàn tay ra, thường thì là một đứa con gái ; bao nhiêu đứa khác thọc vào bàn tay ấy một ngón tay của chúng, thường thì là ngón trỏ rồi vừa nói: “Ve… Ve...Ve...Ve” vừa ngoáy ngón tay chúng trong lòng bàn tay xòe. Đứa xòe tay thình lình thổi vào đó một cái thật lẹ rồi khép bàn tay lại cũng thật lẹ. Bao nhiêu ngón tay đều chớp nhoáng rút ra cả, ngón nào bị kẹp lại thì chủ của ngón đó phải bị bịt mắt ngồi đó, mấy đứa kia đi trốn và nó phải tìm bắt cho được, khổ sở không biết bao nhiêu.
Tuy khổ sở thế mà chàng lại thích chậm tay để bị bắt, nếu đứa xoè tay là con Thơ. Trẻ dại biết gì, nhưng không hiểu sao chàng nghe sung sướng vô cùng khi ngón tay trỏ của chàng bị bàn tay con Thơ nắm chặt lại.
Theo lệ, hễ bị nắm trong một giây là đủ rồi, nhưng con Thơ lại cứ giữ ngón tay của chàng trong tay nó, làm như sợ chàng ăn gian, giựt tay ra rồi chối rằng đã bị bắt.
“Trời ơi, chàng than thầm, sao Hồng không thích giữ tay mình như Thơ”
°
°
Cúc kêu đau bụng hồi mười giờ đêm. May quá, nếu trễ chừng một tiếng đồng hồ nữa, thật không biết tính sao, vì giờ giới nghiêm là 12 giờ đêm thì lối 11giờ xe tắc-xi đã rút lần đi hết.
Họ đã sắp đặt mọi việc rất chu đáo, nhờ chị Nhãn mách cho phương pháp, nên không có sự bối rối, ít lắm là ở bề ngoài. Nói ít lắm là ở bề ngoài, vì Cúc nghe rằng giờ cuối cùng của đời nàng đã điểm, còn Thảo thì thật ra quýnh lắm nhưng sợ chị Nhãn cười, nên cố làm tỉnh.
Chị Nhãn giúp việc trong một nhà hộ sanh tư kia được mười hai năm rồi, hồi chị mới mười tám tuổi. Không có cái gì mà chị không biết, không có thảm kịch gia đình nào mà chị không chứng kiến và không có vụ cuống cuồng nào mà chị không thấy.Trong tuần lễ đến ở trước nơi đây, ngày nào chị cũng kể chuyện những ông chồng nhát gan chạy quanh quẩn như gà mắc đẻ, như chính các ông đẻ chớ không phải các bà, khiến cả nhà cười vỡ bụng.
Câu chuyện hay hơn hết là câu chuyện những anh chồng nhà quê, bị các bà mụ vườn gạt-gẫm bắt các ảnh đi đốn chuối cây, đi nhổ hàng rào, đi lạy cánh cửa, bảo rằng làm thế vợ các anh sẽ sanh mau, nhưng thật ra là để đưa các anh đi xa cho các bà mụ khỏi vướng chơn vướng cẳng, không thế các anh cứ chạy xấn-rấn quanh đó, không ai làm gì được cả.
Sự kiện lỗ xương cốt bàn hẹp của Cúc được phòng khám thai chú ý đến ngay, và được ghi vào sổ sách rồi từ lâu, nên khi người ta nhận nàng thì người ta đã biết phải làm gì, đúng y như bà bác sĩ Ngô đã nói.
Người nhà được báo cho biết rằng Cúc phải mổ, người nhà nầy chỉ là Thảo thôi, chớ Hồng thì bận giữ nhà.
Mặc dầu không cần thiết, Thảo cũng tức tốc dông về cho Hồng hay, có lẽ chàng sợ trách nhiệm chăng vì chàng bị mặc cảm nhiều lắm trong quyền hạn về Cúc.
Chàng cứ nghe rằng Cúc thuộc về Hồng hơn là về chàng.
Té ra mấy bà bác sĩ ấy nói đúng! Hồng than. Nhưng đã thế thì phải để cho người ta mổ chớ biết sao giờ, bởi đó là giải pháp duy nhứt.
Còn có mười lăm phút nữa là giới nghiêm, Thảo vội trở lên Từ Dũ bằng xì-cút-tơ của chàng, chiếc xích lô đạp đưa chàng về đây không chịu neo.
Cúc chỉ đau bụng vừa vừa thôi và có bà già công nhân cho Thảo biết riêng rằng trường hợp của Cúc muốn mổ lúc nào cũng được, không cần đợi tới chuyển bụng chín mùi, mà có chuyển bụng chín mùi rồi chưa mổ cũng không sao, thành thử Cúc sẽ được mổ giờ nào là tùy lúc rảnh rang của các y sĩ, chàng đừng có sốt ruột hỏi thăm mãi mất công.
Cúc đã được đưa vào buồng mổ rồi và lời của bà già nầy giúp chàng biết rằng cuộc giải phẩu chưa khởi sự.
Lạ quá, cái mà chàng sợ, chàng muốn nó xảy ra cho xong đi, đến nỗi lo lắng của chàng chỉ bị kéo dài có thời hạn thôi. Giờ, chàng không chỉ đợi cuộc giải phẩu được làm xong để biết kết quả mà còn đợi cho họ chịu giải phẩu Cúc nữa, tức thời gian sốt ruột của chàng tăng lên bằng hai, có thể bằng ba nữa.
Thảo chỉ xin giấy phép ở lại nuôi bịnh cho chị Nhãn nhưng chàng cũng ở lại để chờ kết quả.
Hình như là có nhiều người phảí mổ chớ không phãi chỉ một mình Cúc mà thôi, nên thấy nhân viên nhà thương vô ra phòng mổ, Thảo không thể đoán được gì hết, và đành phải ngồi đó mà chờ trong sự im lặng nặng nề, trước vẻ bình thản đáng giận của người nhà thương. Cái thảm kịch của chàng, họ xem như là không có, bởi thật sự thì không có thảm kịch nào cả, tại chàng không biết gì nên cuống cuồng lên vậy thôi. Nhưng nếu Cúc mà thật tình lâm nguy đi nữa họ cũng cứ thản nhiên. Việc gì đến họ chớ? Họ chỉ làm hết khả năng của họ là họ an tâm rồi, con bịnh chết là thường, họ không sao làm khác hơn được.
Thảo ngồi đó mà triết lý vụn vặt thầm về khoa mổ xe, mà chàng thấy là ghê tởm. Một người bị thương nặng, một cơn bịnh trầm trọng, phải mổ mà có chết đi, không ghê rợn như một người đang khỏe mạnh như Cúc, năm phút trước thần trí còn minh mẫn, còn nói om lên thế mà năm phút sau đã hóa ra một cái xác chết, y như là con thịt từ lò sát sanh ra, dấu vết giết chóc của các tay đồ tể còn mới ràng ràng.
Cái gì sẽ xảy ra, nếu Cúc chẳng may xấu số? Thật là không đoán biết được, mặc dầu những gì xảy ra ấy chỉ tùy thuộc ở chàng. Chàng thấy cái tương lai gần ấy mờ mờ ảo ảo như là một chơn trời mờ mịt.
Nhưng mà chàng rơm rớm lệ. Chàng nghe đau quá trước viễn ảnh vĩnh biệt ngàn thu người bạn đời của chàng. Chàng thương Cúc hơn là thương chàng trong cái chết đó. Cúc có lẽ còn đau hơn chàng nữa khi nàng nghĩ đến nỗi bơ vơ của bé Thọ về sau nầy.
Cái lúc mà Cúc bị chụp thuốc mê, có lẽ hình ảnh cuối cùng hiện ra trong tâm nàng là hình ảnh của bé Thọ chớ không phải của chàng, càng không phải của Hồng.
Nhà thương được bọc lưới sắt nơi các cửa. Mặc dầu thế, cũng không ngăn hết muỗi. Thảo bị muỗi đốt và mỏi mệt vô cùng vì chàng nói chuyện với Hồng tới chín giờ rưỡi, rồi vô buồng đọc sách, qua mười giờ là nghe Cúc kêu đau bụng, nghĩa là từ đầu hôm tới giờ là hai giờ đêm chàng chưa chợp mắt lần nào và chỉ được nằm có non nửa tiếng đồng hồ thôi.
Chiếc đồng hồ tay của chàng đêm nay bị chàng xem mặt nhiều lần quá, và nó chạy chậm không thể tưởng tượng được.
Mãi cho đến ba giờ rưỡi khuya, Thảo mới thấy chiếc xe bàn có bánh xe được đẩy ra khỏi phòng mổ, trên xe bàn một bệnh nhân phủ tra trắng nằm ngay đơ.
Tim chàng đập mạnh thình lình và chàng nghe ngộp thở quá. Đứng lên như có lò xo bật, Thảo chạy trong hành lang để đón xe ấy và chàng chết sửng khi thấy gương mặt của Cúc, xanh như tàu lá, mắt nhắm nghiền lại, và hình như không còn thở nữa.
Trời ơi, vợ tôi mất rồi sao?
Chàng hỏi trổng như vậy chớ không nói với ai cả, bởi hai người đẩy xe bàn chỉ là công nhân thôi, chàng không chắc họ đủ khả năng trả lời chàng. Nhưng một chị đáp:
Không đâu thầy, tại thuốc mê chưa tan hết. Rồi cô ấy sẽ tỉnh lại. Đã xong xuôi cả rồi, tai qua nạn khỏi hết.
Thảo chưa hề thấy một con bịnh vừa được mổ xong nên không thể tin những lời trái hẳn với tình trạng của người đang nằm trên xe bàn.
Chàng bước mau theo xe và mới hay là họ đẩy xe vào phòng lạnh, chớ không phải đẩy xuống nhà xác như chàng tưởng.
Khi họ tới cửa phòng lạnh thì Thảo nghe tiếng giép sau lưng chàng, chàng day lại thì thấy một cô đỡ ẵm một đứa bé, nhìn chàng, nhe răng ra cười mà hỏi:
Đố ông gái hay trai?
Thảo bất kể đứa bé là gái hay trai, bởi nó mà chết, chàng cũng không nghe sao cả, vì sự liên hệ tình cảm giữa chàng và nó còn mong manh quá. Chàng nghẹn ngào hỏi:
Thưa cô còn vợ tôi?
Bà ấy tốt lắm. Lát nữa sẽ tỉnh lại và mai nầy sẽ như thường.
Thảo thở ra nhẹ nhõm và bây giờ, chàng mới thấy chị Nhãn, chị nầy vẫn có mặt bên cạnh chàng từ đầu hôm đến giờ.
Thảo về tới nhà là đã sáu giờ rưỡi sáng rồi.
Chàng đợi cho Cúc tỉnh lại, hỏi nàng vài câu mới yên lòng rời nhà hộ sanh.
Chàng bắt gặp một cô Hồng đôi mắt trõm lơ và biết ngay rằng đêm nay, Hồng cũng không có ngủ phút nào.
Hồng cũng nghe tim nàng đập mạnh thình thình khi Thảo gõ cửa. Bấy giờ tới phiên Thảo nhe răng ra cười mà hỏi:
Đố Hồng con trai hay con gái?
Và Hồng cũng bất kể đứa bé là trai hay là gái y như chàng, lúc cô đỡ hỏi.
Sao, Cúc thế nào?
Mổ xong rồi. Tốt lắm. Nó đã tỉnh lại rồi, nhưng còn mệt.
Hồng bỗng tươi hẳn lên và bây giờ mới nói tới đứa trẻ sơ sinh mà chưa ai thương bao nhiêu.
Còn thằng Thọ?
Ba kí lô rưỡi, giống Hồng ghê lắm.
Chớ không giống Thảo à?
Có chớ, nhưng nó chỉ giống Thảo ở cái trán và mũi thôi, còn miệng và mắt là miệng mắt của Hồng và Cúc. Cho uống cà phê Hồng ơi. Thảo mệt ghê đi.
Thảo uống cà phê tiệm cắc chú nhé, giờ đợi nấu nước lâu quá.
Cũng được.
Trưa hôm ấy Thảo và Hồng ra sở sớm hơn thường lệ để đi thăm Cúc vì nhà hộ sinh nhận người vào thăm hồi mười một giờ, họ muốn có mặt ngay sau khi cửa mở.
Cúc vẫn còn mệt, nhưng đã tươi tỉnh phần nào và đã yêu đời trở lại như thường vì nàng đã chắc chắn rằng tai qua nạn khỏi rồi.
Vì phòng lạnh chứa rất nhiều bịnh nặng, họ không được nói chuyện nhiều, không đuợc ở lâu, nên năm phút sau, Thảo và Hồng mỗi người hôn Cúc một cái, nhìn bé Thọ một cái rồi ra về.