Nhị đào

 Nhị đào thà bẻ cho người tình chung
(Truyện Kiều - Nguyễn Du)
Chú muốn moi chuyện để viết truyện ngắn dự thi về "mối tình đầu" chứ gì. Đúng không, chú nhà viết? Chú chẳng thích được gọi là "nhà văn" thì tôi gọi là "nhà viết" vậy. Được!Nhưng tôi giao hẹn trước: không được nói là chuyện của tôi. Điều này nữa: đây đã kể là mối tình đầu của tôi chưa thì... Sau này, bà vợ tôi cứ truy vặn mãi, thật ra chủ yếu lại là vì lẽ khác.
Ngày ấy, tôi trọ học tại Hà Nội. Đã lớn ngồng lên rồi mà chửa biết yêu đương gì đâu. Nói cho đúng thì thấy gái đẹp cũng đã biết nghé mắt nhòm, song tơ tưởng thì chưa. ở quê tôi, con gái cũng xinh ra phết, con gái Hà Nội lại là chuyện khác...
Nói ở trọ, thật ra là ở nhờ. Chủ nhà làm công chức cho Pháp, bà vợ bán hàng. Một cậu bạn học của tôi, bà con với ông chủ, xin cho tôi cùng ở lấy vui.  Nhà có cô con gái nhớn kém tôi một tuổi. Cô có bằng tiểu học. Ngày ấy, đỗ tiểu học đã có thể đọc sách báo tiếng Pháp tàm tạm. ở nông thôn thì con gái học như vậy bói khó ra. Cô thôi học ở nhà giúp mẹ và học các nữ công, gia chánh. Cô có vẻ đẹp nền nã, thuỳ mị. Cô là em họ bạn tôi. Cô gọi tôi là "cậu", không phải cậu em đâu. Ngày trước, các trai trẻ có học ít nhiều hoặc con nhà đều được mọi người gọi bằng "cậu". Người ta bảo "nhất quỉ nhì ma, thứ ba học trò", song tôi và cậu bạn vào loại "ngoan", nghĩa là có tếu nhưng không quá đà. Anh bạn tôi đã có vợ. Hắn là con phó tổng, lấy con chánh tổng, quá là "môn đăng hộ đối". Hắn bảo vợ hắn chỉ "sạch nước cản", hắn có ưng thì mới được tiếp tục đi học. Hắn nói lấy vợ quê được cái yên tâm, "nhưng nếu khất các cụ được thì đừng rước một mụ sớm như tao". Hắn học hơi chậm, được cái chăm, không tiêu vung tiền cha mẹ, tôi không bị hư lây. Buổi tối, hai chúng tôi ngồi học, nàng thường ngồi đan gần đó. Có những khi tôi gặp nàng ngước nhìn tôi, ánh mắt là lạ. Cha tôi đã răn tôi là không được lấy người thành thị. "Nhà ta chân quê, rước một cô ăn trắng mặc trơn, ra guốc vào dép về thì nó xoay sở ra sao!". Mẹ tôi diễn giải các nghiêm lệnh của cha tôi cho tôi thấm. Cũng khớp với lời thằng bạn! Tôi đành lảng ánh nhìn ấy, làm như chẳng biết gì. Tôi thì chẳng phải khổ công để cho ra vai khờ. Nàng thường quan tâm đến tôi, một lối quan tâm kín đáo, ý nhị, rất "nữ tính Việt Nam". Tôi mà về học muộn, nàng hay tạo cớ để ăn cơm sau hoặc ủ ấm cơm cho tôi. Có lần, tôi học mệt gục xuống ngủ thiếp đi. Trời se lạnh, tôi bỗng cảm thấy lòng bàn tay mình đặt trên bàn ấm nóng, mở mắt ra: một tách trà còn vương khói.
Một hôm, cậu bạn rủ tôi cùng nàng ra nhà Gô-đa, cửa hàng bách hoá lớn nhất Hà Nội, rồi tiện chân đi dạo quanh hồ Gươm. Anh bạn nhẹn chân đi vượt lên. Tôi thả bước cạnh nàng. Hai chúng tôi dừng cạnh gốc liễu. Nàng vuốt một nhành liễu, chợt thở dài:
- Có lẽ rồi đây tôi sẽ chẳng bao giờ thấy hồ Gươm nữa.
- Sao vậy? - Tôi ngớ ra.
Nàng đăm đăm nhìn tôi:
- Người ta muốn cưới tôi cho..., cậu không biết sao?
Nàng ngầm đặt tôi trước một câu hỏi mà tôi không muốn nghĩ tới, và tự tôi không thể trả lời. Tôi đáp một câu rất chi là ngố:
- Trung du phong cảnh hữu tình, không khí thoáng đãng, lại sẵn hoa trái, về đấy...
- Cậu mà cũng nói vậy à? - Tôi đang thao thao để che sự bối rối thì nàng ngắt lời rồi quay ngoắt bỏ đi.
Tôi đứng trân, chưng hửng. Cậu bạn đi tới:
- Chọc giận gì nàng đấy?
Nghe tôi lúng búng thuật lại các câu trao đổi giữa tôi và nàng, hắn phá lên cười:
- Cậu học giỏi mà xử sự thì thộn nơi là thộn!
Nhưng rồi hắn ngừng cười, hắn biết cảnh ngộ của tôi. Cả hắn cả tôi đều không quan niệm "yêu chỉ để mà yêu".
Đêm đó, tôi nằm thao thức, không dám tự hỏi lòng mình mà nghĩ tới cảnh ngộ nàng. Tôi không thấy có gì bi kịch, nhưng nếu tôi hỏi cưới nàng... Cuối tuần, tôi về quê ngỏ lời với mẹ tôi. Bà bàn với cha tôi. Ông nghiêm nghị phán: "Nó còn phải lấy cho được cái đíp-lôm". Trở lại nhà trọ, tôi cố tránh để không phải đối mặt với câu hỏi ủ trong mắt nàng. ít lâu sau, nhân lúc chỉ có hai đứa, nàng lại bảo tôi: "Bà mối đang thúc cha mẹ tôi đấy". Anh mắt nàng vừa tha thiết, vừa bồn chồn. Tôi ậm ừ, tỏ ra thộn hơn bao giờ hết.
Thế rồi cuộc hôn phối giữa nàng và người kia được định đoạt. Nàng vốn là người trầm lặng, vui buồn ít lộ ra nét mặt, chẳng ai rõ tâm trạng thực của nàng ra sao. Một lúc nào đấy, nàng tỏ ý chưa muốn lấy chồng. Cha mẹ nàng giảng giải, nàng im. Chẳng làm mình, làm mẩy, chẳng hề có nước mắt công khai. Có thể nàng tin vào số mệnh. Nàng đã toan tìm cửa ra cho số mệnh mình. Và hẳn nàng đã định trao chìa khoá cửa vào tay tôi mà tôi không biết, không muốn, không dám cầm. Nàng vẫn lặng lẽ may vá, thêu thùa. Chắc nàng cũng phải chuẩn bị áo xống cô dâu ngoài những thứ nhà trai mang tới theo tục lệ. Gần ngày cưới, nàng đưa cho ông anh họ và tôi, mỗi người một cái áo đoạn "để dự đám cưới tôi". Với tôi nàng còn trao riêng một cái áo len tự tay nàng đan.
Đám cưới rất to; xác pháo ngập vỉa hè trước nhà gái và đỏ rực sân nhà trai; có ôtô rước dâu, chuyện rất hiếm thời ấy. Nhà trai đến xin dâu, bấy giờ chúng tôi mới tường chú rể. Một anh chàng nhỏ con, thấp hơn cô dâu một chút, mặc áo gấm, nhưng mang giầy tây, đi hơi cà nhắc - về sau mới biết là tại đôi giầy. Trong con mắt tôi, anh ta chẳng có dáng vẻ gì, không xứng với nàng.
Chú hỏi tôi lúc ấy có buồn không ư? Không rõ đâu. Hình như có chút bâng khuâng, có lẽ tiêng tiếc nữa chăng! Có phần chắc là tôi rất thương nàng, cám cảnh cho nàng...
Giờ đưa dâu định vào giờ Ngọ. Nàng xin được ngồi trong phòng riêng một lát. Một lúc lâu chẳng thấy nàng ra. Em gái nàng gọi mãi, cửa mới hé cho vào.  Nàng tỏ ra bình thản, song cô em thấy má chị mình bị hoen. Nàng dùng dằng mãi mới lên xe hoa. Tôi đi trong đoàn đưa dâu, lọt thỏm vào giữa cái không khí hồ hởi, phô trương, nghĩ tội nàng, cũng tội cho mình. Giá mà... Gian phòng ấm cúng chúng tôi ngồi học từ nay sẽ thiếu bóng dáng nàng.
Đám rước dâu đến quá trễ so với dự kiến. Bên nhà trai đã rất sốt ruột. Bà mẹ chồng định bảo người ra truyền lời cho cô dâu "chờ chút, được giờ tốt hãy nhập gia". Chẳng cần đến ai xui, bằng linh cảm người mẹ, linh cảm người đàn bà, bà biết "nó" chê con mình. Bắt chực ngoài cửa mới biết thân.  "Dạy con từ thuở còn thơ. Dạy dâu từ thuở bơ vơ mới về". Nếu bà ta thực hiện dư định kia thì chắc chắn nàng sẽ cởi bỏ trang phục cô dâu quay trở lại nhà mẹ đẻ lập tức.  Tôi biết tính nàng, dịu hiền đấy, song cũng quyết liệt đấy. Nàng phục tùng lễ giáo "hôn nhân do cha mẹ sắp đặt", nhưng nếu người ta vượt quá cái ngưỡng quyền lực lễ giáo thì nàng sẽ không cam chịu nữa. May thay! Họ nhà trai có mấy người tinh ý và biết điều.
Làm lễ tơ hồng xong, nàng vào buồng cài chặt then cửa. Thật ra thì chú rể chưa hẳn đã dám "xông" vào ngay tối tân hôn; thời xưa là vậy,có đâu hăm hở quá như bây giờ. Ngày hôm sau, nhà chồng dự định cô dâu về lại mặt (nhị hỉ) xong, cả nhà sẽ về luôn Phú Thọ. Nàng xin được nán lại nhà cha mẹ đẻ một tối, sáng mai sẽ ngược cùng số hàng hoá mà cửa hiệu trên đó đang cần.
Tôi ngồi thu mình trong bóng đêm, cảm thấy trong người mình có cái gì vừa vỡ ra. Mé giường phía trong, thằng bạn vẫn ngủ yên. Hôm sau nàng ra đi sớm.
Có thể có ai đó cho tôi là ngốc. Hoặc giả có người cho là tôi đã phụ nàng, để hoài cái thiện ý của nàng. Nhưng nào tôi đã phải là "người tình chung" của nàng. Có vẻ như tôi "phong kiến” hơn, hoặc đụt hơn anh chàng Kim Trọng cách mấy trăm năm trước. Thật tình, có thể là tôi sợ; có thể là tôi tôn trọng nàng. Chú có tin không? Bà vợ tôi, cho tới tận bây giờ, vẫn không chịu tin. Sắp lấy nhau, tôi đã bộc bạch hết với bà ấy. Bà bậm môi rồi hạ một câu: "Nằm với nhau đêm khuya mà chịu chay! Có mà mèo chê mỡ!" Bà "lạnh mặt" suốt tháng trời, tôi suýt bị ra rìa. Bây giờ già rồi, và vẫn không tha cho tôi cái "nghi án" kia, lại còn qui tội "không quên được người ta". Từ bấy, tôi có liên hệ gì với nàng đâu. Dẫu cả hai đều ở Việt Bắc, đều tham gia kháng chiến. (Chồng nàng cũng làm to to đấy). Giải phóng thủ đô, tôi có gặp em nàng, "chị ấy bây giờ vẫn đẹp" - cô ta báo tin, nhưng không cho địa chỉ nhà nàng mà tôi cũng không hỏi.  Cô ta cứ gọi tôi bằng "ông" hoài, tự nhiên tôi cảm thấy chán. Thôi thì mỗi người một phận.
Chú cứ muốn tôi nói hẳn ra có phải là mối tình đầu không ư. Với nàng, đúng là mối tình đầu. Với tôi, biết nói sao đây! Dường như trước khi nàng lấy chồng, tôi chỉ mới mến nàng. Nhưng sau đó, một thời gian dài, tôi không quên nàng. Khi đến với người tôi sẽ lấy làm vợ, tôi nghĩ nhiều đến nàng. Chú bảo đó chỉ là sự tiếc rẻ thôi à? Chú cho là giá Kim Trọng được hưởng "ân huệ tối hậu" của Thuý Kiều rồi thì hẳn chẳng còn tơ tưởng suốt mười lăm năm nàng Kiều lưu lạc phải không? Chú nghĩ như vậy thật lòng chứ? Thôi! Anh đi đi! Anh chẳng hiểu gì về tình yêu đâu. Vậy mà đòi viết mối tình đầu với mối tình cuối. Đi đi! Và đừng có viết chuyện tôi vừa kể. Khéo rồi lại thêm thắt, hư cấu bậy bạ.
Tôi không thêm thắt, vậy tôi cứ viết. Ông bạn vong niên xá cho nhé! Chỉ là một dạng chuyện cổ tích thôi mà.
Hải Phòng, 11 - 1999

Xem Tiếp: ----