Người máy

 Buổi sáng, Bé nói với mẹ:
-Mẹ ạ, hôm qua ông nội ra nhà vệ sinh vừa đi vừa rên.
  Mẹ đang “tiếp” đôi giày cao gót kiểu mới nhất, vết chai cũ ở gan bàn chân thời bươn chải đang làm phiền mẹ.
-Biết rồi. Đi học đi! Muộn rồi đấy.
-Dạo này ít nghe tiếng ông ngáy, -Bé còn muốn nói nữa- chỉ có tiếng ho khúc khắc nhiều hơn.
  -Ngồi học không tập trung mà học, -mẹ bực mình- cứ nghênh đi đâu ấy.
-Con vẫn tập trung đấy chứ. Nhưng tiếng ở phòng ông cứ vọng sang phòng con.
Buổi tối, sau bữa cơm, vào cái giờ hiếm hoi ba người: cha, mẹ, con cùng có mặt, mẹ bảo cha:
-Từ ngày bị ngã, ông khác lắm. Không khéo ảnh hưởng đến thằng bé. May cái nhà ở quê chưa bán, cho cụ về đấy, để chị Nụ theo trông nom, việc nhà trên này thuê đứa khác. Dưới ấy có một tay bác sĩ về hưu đang hành nghề, ta thuê khoán họ lui tới thăm bệnh cho cụ.
Cha cau mày: -Cái kiểu mướn vú nuôi “cụ cố” như trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố xưa rồi. Cúng một số tiền cho viện dưỡng lão thành phố rồi gửi cụ vào đấy.
Mẹ nói: -Làm vậy mang tiếng chết. Chỉ những ai nghèo túng và không nơi nương tựa mới...
Mấy cái nước mà chúng mình đến tham quan mới rồi chẳng tiền tiến bậc nhất đấy ư, sao khối người già thuộc lớp trên vẫn gửi mình nơi viện dưỡng lão? Xã hội hiện đại có cái lí của nó. Miễn là chu cấp cho cụ sống tốt.
Trước khi rời phòng, cha quay lại bảo Bé:
-Tối nay con ôn lại những thao tác cơ bản trên máy vi tính. Từ mai sẽ xin dự lớp của Trung tâm tin học.
  Bé được cha sắm cho một máy điện toán. Thêm một mục vào thời khoá biểu khít khao hằng ngày, hằng tuần,... thậm chí hằng năm của Bé, cha vạch theo chu trình khép kín: học- ăn - nghỉ ngơi - giải trí. Chẳng còn khoản nào dành cho Bé đến với ông.
  Lúc ông mới về ở cùng theo yêu cầu thiết tha của cha, Bé rất “kết” ông. Con người ông dường như con đượm hương vị làng quê với cánh cò trong ca dao, với ông Bụt trong truyện cổ tích, từng ướp thơm giấc ngủ ấu thơ của Bé. Ông còn mang theo bao kỉ niệm thời ông đi đánh giặc mà Bé say nghe kể với lòng ngưỡng mộ. Song, cái gì rồi mà chẳng lạt phai! (Có lẽ chỉ trừ cái điệu lóng ngóng quê mùa của ông trước các tiện nghi hiện đại cứ ít lâu lại đổi mới hoặc tăng thêm trong nhà). Huống nữa, còn đĩa hình, còn trò chơi điện tử và những thứ khác. Bé dần lớn lên thì các dịp để ông cháu gần nhau dần ít đi. Bé quen dần, không cảm thấy thiếu ông. Hồi còn là tí nhau, Bé luyến hơi mẹ không muốn ngủ riêng, rồi cũng quen.
  Bé về phòng mình. Được hai mươi phút để xem phim đĩa vào giờ này. Bé có cả một “kho” đĩa ghi hình chọn lọc. Loại “chơi mà học”; loại “khoa học vui”; loại “nhẹ nhàng” như cha vẫn gọi;... Đĩa nào cũng đúng hai mươi phút, không hơn. Hôm nay, đúng phiên loại nhẹ nhàng. Bé lấy ra đĩa Quê Nội  cho vào máy phát. Đấy là đĩa ghi lại cảnh cả nhà về thăm quê. Lần đầu tiên, cha mẹ đi ô tô con về làng. Mẹ bàn với cha đi vào dịp Tết. Nhân thể làm lễ chúc thọ song thân luôn. Chẳng có dịp nào đẹp hơn. Tết năm ấy, trời cũng chiều người, tạnh ráo và đủ lạnh để cho người ta trưng diện. Mẹ còn thuê hẳn một “nghệ sĩ ghi hình” đi theo. Đã lâu lắm Bé mới xem laị đoạn phim này. Làng quê hiện ra trước mắt Bé hệt cảnh trong “Du lịch qua màn ảnh nhỏ”, quen quen mà xa xôi. Cảnh chiếc xe màu đen bóng lộn tiến vào cổng làng. Hai bên trụ cổng đỏ choé một đôi câu đối, chữ quốc ngữ viết lối triện bằng mực Tàu. Cha đã gửi thư và tiền nhờ một chú trong họ phụ trách văn hoá huyện lo giúp chuyện đó. Xe từ từ đi giữa đám người đứng đón,-đúng ra là những người tò mò. Tới cổng nhà, một tràng pháo chực sẵn nổ tạch đoàng chào đón đứa cháu đích tôn (Cũng là bạo tay mới được thế,-mẹ từng bảo cha). Một cô gái ào đến vồ lấy thằng nhóc lên ba –chính là Bé đó- từ trên tay mẹ nó. Mặt cô hơn hớn càng xinh dậy lên. Người cô ruột duy nhất ấy từ sau ngày lấy chồng chưa gặp lại Bé. Nghe nói cô “có khó khăn”. Bé cho lướt nhanh một số cảnh, dừng lại ở cảnh ông bà nội ngồi trên ghế bành trang nghiêm nhưng tươi cười nhận chúc thọ. Bé đứng giữa, cha mẹ đứng hai bên, người cô đứng lùi chếch phía sau một chút, tất cả đều hướng về ông bà. Chung quanh là bà con, xóm giềng đứng chật nhà. Mẹ mặc áo gấm vàng, đội khăn vành vàng, đi hài vàng hệt vai hoàng hậu trong tiết mục sân khấu truyền hình. Cha thì áo gấm lam, khăn đóng đen, giày da đen, quần dạ đen (chiếc quần cha mặc lúc ngồi trên ô tô) nom đến buồn cười. Nhóc Bé thì mặc Tây. Đồ “quốc phục” vừa tầm Bé chẳng thể thuê ở đâu được. Bù lại, đầu Bé được chít  khăn xếp lụa xanh, thiệt ngộ. Bé chắp tay vái theo cha mẹ, đúng bốn vái. Và theo lời mẹ nhắc khẽ, Bé nói to từng tiếng một, ngọng líu “Cháu chúc ông bà mạnh giỏi sống lâu cho con cháu mừng”. Bé lướt qua mấy cảnh nữa. Hiện lên cảnh vườn và nhà của ông bà nội được quay với góc độ làm cho bề thế và nên thơ hơn thực tế nhiều. Khi đã đủ lớn để nhận ra điều đó, Bé không thú mấy mỗi khi có dịp về quê. Bé bỗng toét miệng cười theo “thằng nhóc” đang nhong nhong trên cổ một ông già quắc thước mặc quần áo bộ đội còn hằn nếp gấp, đội mũ gắn sao, đi giày cao cổ, ngực đeo huân chương óng ánh. Ông nội đấy! Ngày trước.
Phòng bên vẳng lại tiếng ho. Bé tắt máy. Sớm hơn qui định bảy phút. Bé ngồi vào trước máy vi tính, bần thần một lúc. Ngày đưa máy về, cha cầm những ngón tay non nớt của Bé đặt lên các phím máy bảo: “Con của cha phải chịu khó học tập để cái máy biết nghe theo con. Lớn lên, con có thể làm ra cả người máy”. Bé chợt nảy ra một ý nghĩ. Ý nghĩ ấy làm Bé hăng lên, hãnh diện. Bé sẽ học thành tài và sẽ chế ra một người máy biết chăm sóc người già yếu. Ý nghĩ ấy theo Bé vào giường ngủ...
  Người máy của Bé đẹp hơn mọi người máy viễn tưởng từng xuất hiện trên màn truyền hình, và thông minh hơn là cái chắc. Bé bấm nút và ra lệnh: “Hãy vào phòng trong thăm nom ông nội ta!”. Hai con mắt loé xanh, người máy rùng mình một cái, khởi động, và... vừa bước đi xiêu vẹo, vừa thở phì phò. Tiếng thở to dần nghe như tiếng rên vẫn đưa lại từ phòng ông nội mỗi khi ông se mình và Bé để tai nghe. Bực mình, Bé ngắt mạch điện. Người máy đổ vật xuống. “Bịch!”, một tiếng trầm đục vang lên. Bé giật mình tỉnh dậy. Có tiếng rên nặng nhọc vẳng đến. Bé xô cửa phòng chạy ra. Trên sàn đá cẩm thạch láng bóng dưới ánh đèn đêm trong hành lang trước nhà vệ sinh, ông nội đang cố gượng đứng lên một cách tuyệt vọng. Bé hiểu ra rằng ông nội chờ được người máy của Bé thì quá là muộn.