Dịch giả: Ông Văn Tùng
Chương 89
Trực Giác Phi Phàm

Cuối thời Đông Hán, có một học giả nổi tiếng tên là Thái Ung. Một lần ông tình cờ thấy có một người đốt một tấm gỗ trấu để nấu cơm. Từ trong tiếng lửa cháy phát ra một thứ âm thanh tuyệt hảo. Thế là ông xin mua lại miếng gỗ ấy đem về chế tác thành một cây đàn. Quả nhiên khi gảy, tiếng đàn nghe thật du dương, phi phàm. Chỉ có điều là trên đàn còn lưu lại vết cháy. Người đời vì thế gọi cây đàn là "đàn cháy đuôi".
Đôi tai thẩm âm của Thái Ung thật đặc biệt, có một không hai. Một lần hàng xóm mở tiệc rượu mời ông sang. Khi tiệc đã vào cuộc thì ông mới tới. Khách khứa đã uống ngà say, có một vị khách ngồi sau bức bình phong gảy đàn. Thái Ung lặng lẽ đến gần lắng nghe, càng nghe càng thấy dở, ông buột miệng: "Làm sao mà trong tiếng đàn lại ẩn chứa sát khí", thế là ông lập tức rời buổi tiệc về nhà. Chủ nhân thấy vậy vội sai đầy tớ đi hỏi nguyên do, người đầy tớ này cũng không hỏi rõ được đành trả lời: "Thái Ung vừa tới cổng đã vội quay về rồi". Ở trong vùng, Thái Ung là người có uy tín, nổi tiếng, việc ông bỏ về khiến cho chủ nhà thấy bẽ mặt. Thế là ông ta vội đuổi theo hỏi cho bằng được nguyên cớ. Lúc đó Thái Ung mới kể lại chuyện tiếng đàn có sát khí. Mọi người liền hỏi người khách đánh đàn, anh ta bèn kể lại, thì ra trong lúc đánh đàn anh trông thấy một con bọ ngựa đang đuổi theo một con ve, cơ hồ như sắp nuốt chửng con ve, mải theo dõi nên anh ta không biết tiếng đàn của mình cũng bị thay đổi theo. Mọi người nghe xong câu chuyện càng thán phục trực giác và đôi tai tài tình của Thái Ung. Cái tài này nhất định là phải được rèn luyện trong một thời gian dài và đương nhiên cũng có một phần do thiên phú. Trên thương trường ngày nay, trực giác, dự đoán cũng được đánh giá có vai trò quan trọng, có được trực giác chính xác, nhạy bén có thể từ việc nhỏ mà suy ra được việc lớn.
Thạc sĩ Hamo là một bậc kỳ tài như vậy. Nhờ trực giác mà nhiều lần ông phán đoán được các tin tức giúp cho việc kinh doanh thành công. Không lâu sau khi chiến tranh thế giới lần thứ nhất kết thúc, quân đội Mỹ chấm dứt ký hợp đồng thuốc tân dược với chính phủ. Nhiều nhà kinh doanh thấy vậy cho rằng thị trường thuốc cung đã vượt cầu nên ra sức tinh giảm các dược sĩ và các nhà nghiên cứu hóa chất. Nhưng Hamo thì ngược lại, ông tuyển dụng thêm các dược sĩ, các nhà hóa chất, đẩy mạnh tích lũy nguyên liệu sản xuất. Bởi theo dự đoán của ông, việc bào chế thuốc bị giảm đi thì giá thuốc nhất định sẽ phải tăng. Quả nhiên, sau đó ít lâu thị trường lên cơn sốt thuốc tân dược.
Khi ở thị trường Busewi nước Nga, có lần ông vào một hàng tạp hóa mua một chiếc bút chì. Người bán hàng đưa cho ông một chiếc bút chì Đức và nói giá 0,26 đô la. ông kinh ngạc vì quá đắt chiếc bút này ở Mỹ chỉ có 0,03 đô la. Bằng cảm giác nhạy bén ông nhận ra thị trường Nga rất hiếm sản phẩm này, thế là ông quyết tâm mở một nhà máy sản xuất bút chì Đức tại Nga. Chẳng bao lâu sau ông xin được giấy phép, nhưng vấn đề khó khăn ở chỗ đối với lĩnh vực này ông hoàn toàn không thạo.
Để giải quyết khó khăn ông bèn đến nước Đức thăm dò công nghệ sản xuất. Thế nhưng công ty sản xuất bút chì Đức đang ở ngôi vị lũng đoạn nên giữ bí mật công nghệ sản xuất. sau một thời gian thăm dò ông biết được công ty có một tay kỹ thuật viên rất giỏi chuyên môn nhưng đang bị đả kích, bài trừ vì phạm kỷ luật. Ông bèn mời kỹ thuật viên này cùng ông tới Nga với mức lương hàng năm là 1 vạn đô la, cao hơn nhiều lần mức lương 200 đô la một tháng mà công ty Đức trả cho anh ta.
Sau đó ông về Mỹ tuyển chọn những kỹ thuật viên có tài trong nghề sản xuất bút chì sang Nga. Năm 1926 nhà máy của ông cho ra đời 0,1 tỉ chiếc bút chì, 9.500 vạn chiếc bút bi. Sản lượng này không chỉ đáp ứng nhu cầu của thị trường Nga mà còn xuất sang hơn 10 nước khác như: Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc v.v...
Trong thời gian ở nước Nga, ông và em trai của mình thường đi la cà dạo phố, xem các cửa hiệu bán đồ cũ. Một lần ông phát hiện ra trong cửa hiệu có bán một chiếc đĩa sứ cổ rất đẹp mà giá chỉ có vài rúp. ông liền mua ngay, thực chất đó chính là đồ vật của Nga hoàng. Sau đó ông say mê đi lùng mua các loại đồ cổ này, vì ít người chú ý đến giá trị của nó nên ông mua được rất nhiều mà giá thì rẻ. Chỗ ông ở dần biến thành một viện bảo tàng. Nhiều người đến xem không giấu nổi sự ngạc nhiên thán phục. Sau đó được một tay chơi đồ cổ người Mỹ gợi ý ông liền xuất lô hàng này sang Mỹ với giá 45% thuế xuất khẩu.
Lúc này ở Mỹ nền kinh tế bước vào thời kỳ suy yếu (những năm 31) để giải quyết số đồ cổ của mình ông không làm theo cách truyền thống là gửi vào các bảo tàng mỹ thuật mà ông tự tay viết thư gửi cho các ông chủ cửa hàng lớn, nhờ họ bán hộ những đồ cổ quý giá này với khoản hoa hồng là 40%. Nhờ biện pháp này mà ông vượt qua thời kỳ kinh tế suy yếu một cách khá dễ dàng.
Trực giác thần kỳ đã mang đến cho Hamo con mắt nhìn đời tinh anh, thông tuệ, giúp ông thực hiện thắng lợi những vụ làm ăn kinh doanh mà người khác có mơ cũng không thấy.