Dịch giả: Cao Xuân Hạo
Chương IV

Buổi khám bệnh ở bệnh viện Oriental bắt đầu từ chín giờ sáng và kết thúc lúc năm giờ chiều. Giữa trưa nghỉ chừng một tiếng để ăn cơm.
Các nữ y tá đến làm việc vào khoảng gần chín giờ. Đến giờ, họ tập hợp lại một lát để nghe cô y tá trực đêm báo cáo và giao ban, nghe những chỉ thị của y tá trưởng về những công việc ngày hôm nay và nghe thông báo về các kế hoạch. Buổi họp ngắn này thường chỉ mất mười đến mười lăm phút, sau đó các cô gái giải tán, mỗi người chạy một phía về nơi làm việc.
Các bác sĩ thường đến vào khoảng chín rưỡi. Theo điều lệ chính thức thì họ phải có măt. lúc chín giờ, nhưng hầu như không có ai đến vào giờ này, vả lại các nữ y tá thường càu nhàu khó chịu khi có bác sĩ nào bắt đầu sai bảo này nọ trước buổi họp sáng. Dù sao thì các bác sĩ cũng phải có mặt châm nhất là mười giờ sáng, vì đúng mười giờ bác sĩ trưởng đến.
Naôê thường là người đến sau cùng - sau chín giờ rưỡi và nhiều khi gần mười giờ. Thường thường vào giờ này bác sĩ phẫu thuật thứ hai là Kôbasi đã bắt đầu khám các bệnh nhân được một lát. Cách đây hai năm, Kôbasi đã kết thúc thời gian thực tập và nhận một chỗ ở khoa phẫu thuật trong bệnh viện của trường đại học.
Kôbasi làm việc ở bệnh viện Oriental mới được hai tháng. Trường đại học phái anh về đây để thực tập thêm nửa năm. Số là phải sau một vài năm làm việc, khi đã thuần tay trong những phẫu thuật đơn giản nhất thì một bác sĩ trẻ tuổi như vật mới giúp ích được phần nào cho bệnh viện.
Kôbasi biết Naôê qua những bài viết trên các tạp chí khoa học và qua những lời nhận xét của các nhà y học. Naôê được coi là một bác sĩ phẫu thuật có tài, cho nên mọi người đều kinh ngạc khi ông đột nhiên bỏ trường đại học để chuyển sang ở một bệnh viện tư. Khi Kôbasi được phái về bệnh viện Oriental, một người bạn ra trường trước anh vài năm đã nói với một giọng đầy ganh tị: 'Bác sĩ trưởng của bệnh viện Oriental là một gã lang băm, nhưng ở đấy lại có Naôê. Cái ông bác sĩ Naôê trước làm việc ở trường đại học ấy. Cậu thật là may mắn cực kỳ, cậu sẽ có thể học hỏi ông ta. So với thân phận của một anh bác sĩ phải rơi vào một bệnh viện thành phố vớ vẩn nào thì đây thật là một diễm phúc'. Bản thân Kôbasi cũng nghĩ đúng như vậy. Anh ước mơ sẽ tích lũy được nhiều kinh nghiệm quí báu trong khi học hỏi Naôê trong nửa năm trời.
Song mới về được ít lâu anh đã thấy Naôê khó gần và lặng lẽ đến kỳ lạ. 'Có', 'Không' - ngoài hai tiếng đó ra hầu như chẳng thấy ông nói gì hơn. Khi Kôbasi tìm cách hỏi thêm một vấn đề gì thêm cho thật cặn kẽ, Naôê thường chỉ trả lời qua loa cho xong chuyện. Quả tình trong những cuộc phẫu thuật, Kôbasi cũng học thêm đượt ít nhiều trong khi theo dõi những động tác của ông ta. Nhưng chung qui chỉ có thế. Naôê không có gì thiết tha trong việc hướng dẫn người bạn đồng nghiệp trẻ đi vào những hiểu biết và những kỹ thuật tinh vi không thấy nói đến trong các sách giáo khoa. Những lần chính Kôbasi mổ thì Naôê chỉ im lặng quan sát anh làm. Ông không bao giờ khen hay quở trách Kôbasi. Chỉ khi nào anh ta làm sai, Naôê mới buông một tiếng cộc lốc: 'Không phải thế'. Kôbasi không tài nào hiểu được: Phải chăng Naôê chỉ làm biếng không muốn mất công hướng dẫn anh ta, hay là ngay từ đầu ông ta đã không coi anh là một người học trò có triển vọng. Trong khi đó thì Kôbasi thậm chí gần như thuộc lòng bản luận án của Naôê. Chỉ cần có ai nói: 'Tôi không hiểu người ta tìm thấy cái gì đặc biệt trong bản luận án này! Có ai cần đến một công trình nghiên cứu cài màu ly phân của thận nhân tạo?! ' là Kôbasi lập tứ nổi sùng: 'Phương pháp này đang được ứng dụng rộng rãi không chỉ ở Mỹ, mà cả ở cộng hòa liên bang Đức và ở Pháp. Công trình của Naôê cực kỳ chính xác'. Những chương trong luận án có đề cập những vấn đề phẫu thuật thì Kôbasi đều có thể nhắm mắt đọc làu làu. Anh hết sức khâm phục những trí thức uyên bác cũng như cái nghệ thuật điêu luyện của Naôê, nhưng dù có cố gắng bao nhiêu anh cũng không thể khoét được một đột phá khẩu trong bức tường cách biệt mà ông ta đã dựng lên xung quanh mình. Chỉ cần bước một bước thôi qua cái vạch ngăn cấm, thì một cánh cửa vô hình đã lập tức đóng sập lại ngay trưới mũi anh. 'Thật là một con người kỳ quặc! ' - Kôsiba băn khoăn tự nhủ. Dĩ nhiên là có thể tìm cách giải thích tất cả những điều đó bằng cái tính cách xấu bụng và khó tính của Naôê, nhưng cách giải thích này không thể làm Kôbasi hài lòng. 'Có lẽ sở dĩ như vậy chẳng qua là vì ông ta với mình học trong những trường đại học khác nhau chăng? ' - Kôbasi loay hoay trong những phỏng đoán tương tự. Nhưng có một lần, một người quen của Naôê đến bệnh viện tìm ông mượn một số tài liệu gì đấy. Trước kia hai người cùng học một lớp với nhau, thế mà Naôê vẫn tiếp người bạn đồng nghiệp với một thái độ không kém lạnh lùng một chút nào. Người ấy nói: 'Naôê tiên sinh đã thay đổi rất nhiều', rồi vội vàng cáo từ. Như vậy nghĩa là Naôê lạnh nhạt không phải riêng gì đối với Kôbasi...
Tại sao Naôê bỏ trường đại học đi nơi khác? Điều đó Kôbasi không thể nào hiểu được, thế nhưng rõ ràng là nếu không giải được bài tính đố này thì không thể nào khám phá được những nguyên nhân bí ẩn của thái độ lạnh lùng khép kín của Naôê. Những nguyên nhân thật của tái độ ấy thì không ai biết được, dù là người bạn học kia hay là bác sĩ trưởng, hay là người chị của ông cũng vậy. 'Có một cái gì không ổn ở đây... ' - Kôbasi nghĩ như vậy. Ở phía sau cái mặt nạ thường ngày với vẻ đẹp lạnh lùng của nó hình như có che dấu một gương mặt hoàn toàn khác mà những người xung quanh không thể hay biết, và có lẽ chính điều đó làm cho Kôbasi suy nghĩ lao lung, chính điều đó thu hút anh như một chất nam châm.
"Dù sao chăng nữa thì mình được làm việc với một bác sĩ lỗi lạc như vậy cũng là một điều may mắn lớn lao!" - Kôbasi tự thuyết phục mình một cách nhiệt thành.
Thế mà bây giờ Naôê lại có ý định mổ cụ già Yôsiđzô Isikura! Dù là một người khâm phục Naôê đến như anh cũng không sao hiểu được việc này. Quả tình trước đây cũng đã có lần những lời khuyên và những phương pháp điều trị của Naôê gieo những mối ngờ vực vào lòng Kôbasi, nhưng lần này thì... Hôm qua Kôbasi nhân ghé vào trường đại học đã kể cho bạn mình nghe tất cả những chuyện này, và cuộc nói chuyện đã làm cho Kôbasi tin hẳn rằng mình đúng.
Vào ngày dự định mổ, Kôbasi đến phòng điều hành sớm hơn thường lệ, mặc áo blouse trắng, ngồi xuống đi văng, giở một tờ báo ra chờ Naôê đến. Nhưng chưa được năm phút thì cô nữ y tá Sawanô từ phòng cấp cứu chạy lên.
- Thưa bác sĩ, có một bệnh nhân đến!
- Cái gì nữa thế - Kôbasi rời tờ báo.
- Cái cậu thiếu niên vừa được cắt bỏ chiếc móng tay hôm qua ấy.
- Thì sao? Chỉ cần thay băng. Cô có thể tự làm lấy.
- Vâng, nhưng... Hôm nay đã là ngày thứ hai mà...
- Cô bảo cậu ấy đợi một chút. Tôi đang cần nói chuyện với bác sĩ Naôê.
Cô y tá làm ra một vẻ mặt bất mãn rồi đi ra ngoài.
Theo một tập quán đã hình thành từ trước, người khám các bệnh nhân mới đến bệnh viện lần đầu trước tiên là Naôê. Ông chẩn đoán bệnh và chỉ định cách điều trị xong mới chuyển lại cho Kôbasi. Hai bác sĩ phẫu thuật ngồi đối diện với nhau ở hai bên bàn khám bệnh. Các bệnh nhân mới làm tốn khá nhiều thời giờ, nhưng so với những người đến khám lần thứ hai hay thứ ba thì họ không đông bằng. Cũng có khi bệnh tình tiến triển thêm nay cách điều trị tỏ ra vô hiệu: lúc bấy giờ bệnh nhân lại được trả về cho Naôê. Ngoài ra, Naôê còn phải khám những bệnh nhân được ai đó gửi gắm riêng cho ông. Naôê giải quyết khá nhanh những trường hợp thuộc phần việc của ông. Xong việc, ông thường lấy tạp chí ra và vùi đầu vào một bài nào đấy. Kôbasi bận bịu với các bệnh nhân của mình, cố gắng làm ra một vẻ mặt thản nhiên. Dĩ nhiên Kôbasi so với Naôê thua kém hẳn về kinh nghiệm và kỹ năng, cho nên cách chia việc như vậy không làm cho anh bất mãn chút nào. Nhưng nói chung thì Naôê lẽ ra thỉnh thoảng có thể giúp Kôbasi một lời khuyên hoặc khi hết việc có thể làm hộ anh nữa... Nhưng điều đó lại không bao giờ xảy ra. Cả cái thái độ Naôê hình như muốn nói: 'Xin để cho tôi yên'. Nhưng Kôbasi uất ức chủ yếu không phải vì cái tính vị kỷ của ông, mà vì cái vẻ thờ ơ lạnh lùng của ông thì nhiều hơn: Anh không thể nào quen được với cái vẻ ấy...
Theo thường lệ, Naôê đến sau chín rưỡi một chút
- Chào bác sĩ, - Kôbasi cúi chào Naôê.
- Chào anh, - Naôê đáp lễ, mặt vẫn quay về phía cái tủ chim. Kôbasi giả vờ tìm một cái gì trên giá sách. Anh lấy cuốn " y học'', lật vài trang. Naôê, lúc bấy giờ đã mặc áo blouse, đang đi ra phía cửa.
- Thưa tiên sinh, tôi muốn hỏi tiên sinh một điều.
- Vâng?
Cũng như mọi khi, gương mặt Naôê xanh nhợt nhạt.
- Tôi muốn hỏi về bệnh nhân Isikura. Tiên sinh vẫn quyết định mổ ông cụ à?
- Tôi đang chuẩn bị mổ
- Tôi phản đối cuộc phẫu thuật này.
- Tại sao?
- Muộn rồi. Cắt bỏ một cái mà đã có di căn chỉ làm cho bệnh nhân chết nhanh hơn.
- Nhưng tôi không hề có ý định cắt bỏ u. Tôi chỉ rạch ra rồi khâu lại, để cho bệnh nhân nghĩ rằng người ta đã cắt bỏ những phần bị tổn thương.
- Nhưng... - Kôbasi đang nói bỗng im bặt không sao nói tiếp được nữa.
Trung thực mà nói, tối hôm qua anh cũng đã từng thoáng nghĩ đến một giải pháp tương tự, nhưng anh đã lập tức gạt nó đi. Anh không thể nào tưởng tượng nỗi rằng Naôê dám làm một việc như vậy. Có thể đây là một cách giải quyết vấn đề, nhưng nó quá ư tàn nhẫn...
- Vậy tiên sinh sẽ nói với bệnh nhân là đã cắt bỏ hết những gì cần cắt bỏ?
- Tôi sẽ nói là tôi đã cắt bỏ những gì có thể cắt bỏ
- Nhưng chính ông cụ biết là có u rồi kia mà! Có một lần chính ông cụ cầm lấy tay tôi để lên bụng đúng vào chỗ có thể sờ thấy thớ thịt co cứng lại.
Naôê lặng thinh.
- Ông cụ sẽ hiểu là chúng ta lừa dối!
- Ông cụ sẽ hiểu hay sẽ không hiểu... Đoán trước như vậy phỏng có ích gì? Cứ làm rồi sẽ biết.
- Không thể coi bệnh nhân như một kẻ toàn toàn đần độn! Nếu ông cụ hỏi cho kỹ được thật ra bệnh của mình là bệnh gì, thì chúng ta sẽ trả lời sao?
- Có thể nói rằng ông ta bị một vết loét lan rộng.
Naôê thong thả cài khuy áo blouse. Kôbasi cảm thấy cơn giận lại bắt đầu sôi lên trong người anh.
- Dù sao cũng không thể dấu nổi một sự lừa dối!
- Ông cụ bị ung thư. Thành thử dù sao cũng đành phải nói dối.
- Nhưng mổ như vậy... chẳng lẽ lại cần phải nói dối đến mức ấy?
- Tất cả đều tùy quan điểm.
- Khi ông cụ biết ra sự thật, ông ấy sẽ cay đắng vô cùng.
- Có thể.
- Đến khi ông cụ than thở rằng mổ rồi mà vẫn không đỡ chút nào, thì chúng ta xử lý ra sao?
- Thì im lặng mà nghe.
- Thế nếu ông cụ dồn ta vào chân tường?
- Không dồn đâu.
- Tại sao?
- Khi cái chết đến gần, con người bao giờ cũng tự mình cảm biết được. Chúng ta không có nhu cầu phải nói rõ ra.
- Thế còn...
- Bệnh nhân sẽ im lặng khi biết rằng không còn ai có thể cứu mình nữa. Và đồng thời lại bấu víu lấy niềm hy vọng cuối cùng. Bệnh nhân sẽ không oán giận nếu người ta không nói với họ là họ bị ung thư...
- Nhưng tại sao, tại sao tiên sinh lại cho rằng bệnh nhân sẽ im lặng mà nuốt lấy sự dối trá ấy?!
- Tại vì bản thân họ không muốn tin vào sự thật khủng khiếp ấy! Họ không muốn nghĩ rằng đây là sự kết thúc. Tại vì họ sợ nghe sự thật. Họ sẽ biết rằng các bác sĩ nói dối, nhưng lại sẵn lòng tin lời bác sĩ. Nếu chúng ta sẽ im lặng, họ sẽ cố gắng tự thuyết phục mình. Xét cho cùng, chết trong khi vẫn tin vào một sự dối trá đầy sức an ủi cũng không có gì quá tệ.
Đột nhiên trong đôi mắt trũng sâu của Naôê hiện ra một nỗi buồn da diết, tuyệt vọng. Kôbasi chợt nghĩ: Hay có lẽ Naôê nói đúng?... Không! Dù sao làm như vậy vẫn đê hèn. Đó là một sự phỉ báng đối với con người.
- Tôi không thể chấp nhận điều đó được, - Anh nói, giọng rắn rỏi.
- Kôbasi - san! - trong giọng nói khe khẽ của Naôê nghe như lanh lảnh những âm thanh kim loại - Không được ủy mị!
- Tôi không hề ủy mị - Kôbasi nổi giận - Chẳng qua tôi muốn phụ vụ con người một cách thật trung thực, không cần đến sự dối trá.
- Anh là thấy thuốc hay là người nhà của bệnh nhân?!
- Dĩ nhiên tôi là thầy thuốc.
- Vậy thì hãy lập luận như một người thầy thuốc!
Naôê trùm lên Kôbasi một cái nhìn có sức hủy diệt, quay ngoắt đi và ra khỏi phòng điều hành.