Dịch giả: Ông Văn Tùng
Dịch từ nguyên bản Trung văn do nhà xuất bản Lam Thiên ấn hành tại Bắc Kinh năm 1999.
Chương 1
Hàng Hiếm, Lãi To

- Buôn ruộng đất lãi mấy lần?
- Mười lần
- Buôn châu ngọc lãi mấy lần?
- Một trăm lần
- Buôn vua lãi bao nhiêu?
- Vô số
Đây là đoạn đối thoại giữa Lã Bất Vi - một đại thương nhân người Dương Địch - và cha của ông ta trong sách "Chiến quốc sách". ý nghĩa đoạn đối thoại này rất rõ ràng. Đó là Lã Bất Vi muốn thông qua biện pháp chính trị "Người đứng đầu quốc gia" để đạt được mục đích thu lãi vô số. Cái gọi là điển cố "Hàng hiếm có thể đầu cơ", nhìn chung rất khó tìm được ví dụ nào hay hơn, điển hình hơn ví dụ này.
"Hàng hóa đặc biệt" của Lã Bất Vi là cái gì vậy? Nó không phải là một loại đồ vật mà là một người. Đó chính là công tử Dị Nhân của nước Tần, lúc đó đang làm con tin ở nước Triệu. Thời kỳ cổ đại, kế thừa ngôi vua nói chung phải là con vợ cả, là con trưởng mới có phần, con thứ rất khó có phúc phận này. Dị Nhân không phải là con vợ cả vừa không phải là con trưởng; mẹ của ông ta cũng không được sủng ái, xem ra ngôi vua nước Tần không có duyên với ông ta. Hơn nữa, việc phải đi làm con tin, một xúi quẩy lại không thể thiếu phần của ông ta. Mọi người xem một vị công tử hồn xiêu phách lạc, mặt mày ủ dột, trong lòng buồn phiền ít vui, thoạt nhìn đã khiến cho người ta cảm thấy là một kẻ xui xẻo.
Mọi người đều không chú ý đến vị công tử mất hồn này và cũng không ai nghĩ đến việc giúp đỡ ông ta. Nhưng Lã Bất Vi, trong lúc đi buôn bán ngang qua Hàm Đan lại nảy sinh một hứng thú đặc biệt với ông ta. Trong con mắt của vị thương nhân này thì công tử Dị Nhân quả là một thỏi vàng lấp lánh, nếu được nó thì ông ta, quả là tìm thấy một kho vàng nhiều vô kể. Thế là Lã Bất Vi chủ động nhiệt tình kết bạn với công tử Dị Nhân. Vị thương nhân họ Lã thường xuyên thăm nghèo hỏi khổ vị công tử này và còn mang tiền ra để trợ giúp ông ta. Nơi đất khách quê người gặp tri âm, Dị Nhân rất cảm kích, đương nhiên ông ta coi Là Bất Vi là tri kỷ không có gì không thể tâm sự. Hai người trong chốc lát đã trở thành bạn tốt của nhau.
Lã Bất Vi trong lúc cùng Dị Nhân chuyện trò biết được Dị Nhân lo lắng buồn rầu vì quẻ bói tiền đồ của mình. Lã Bất Vi tất nhiên không thể ngồi nhìn vì tiền đồ của Dị Nhân cũng chính là tiền đồ của họ Lã. Thế là ông ta nghĩ ra một diệu kế cẩm nang.
Vua của nước Tần là Chiêu Tương Vương đã già. Thái tử Hiếu Văn Vương sắp sửa kế vị. Lúc đó, một phi tần được sủng ái của Hiếu Văn Vương là Hoa Dương phu nhân, cũng cùng tâm trạng với Dị Nhân lo lắng cho tương lai của mình. Vì vậy, mặc dù được sủng ái nhưng không có con kế tự, một khi Hiếu Văn Vương quy tiên, bà ta làm sao có thể duy trì sự vinh hoa phú quý hiện có.
Việc Lã Bất Vi cần làm là phải giới thiệu Dị Nhân với Hoa Dương phu nhân. Ông ta một mặt mua chuộc chị của Hoa Dương phu nhân, nhờ bà ta nói giúp cho Dị Nhân trước mặt Hoa Dương phu nhân rằng Dị Nhân hy vọng được làm tròn chữ hiếu với Hoa Dương phu nhân như thế nào. Mặt khác, Lã Bất Vi lại bỏ ra một khoản tiền lớn để Dị Nhân mang những lễ vật quí giá đi nịnh nọt Hoa Dương phu nhân. Cùng với sự ủng hộ của chị gái, Hoa Dương phu nhân cảm động trước tấm lòng hiếu thuận của Dị Nhân. Nước mạnh đẩy thuyền, bà Hoa Dương liền lập Dị Nhân là con kế tự của mình, lại tranh thủ việc mình được sủng ái, đả thông mấu chốt quan trọng, cuối cùng được Hiếu Văn Vương chấp thuận lập Dị Nhân là "người kế tự chi trưởng".
Sau khi Chiêu Tương Vương chết, Hiếu Văn Vương lên ngôi. Ai ngờ được Hiếu Văn Vương là người không có phúc phận, ông ta làm vua chưa được mấy ngày thì đã về chầu trời. Như vậy Dị Nhân liền trở thành Tần Vương mới, lấy hiệu là Trang Tương Vương. Theo như thỏa thuận ngầm ban đầu, Hoa Dương phu nhân vẫn được hưởng vinh hoa phú quý, không cần phải nói nữa, Lã Bất Vi có công làm mối nên phải báo đáp ông ta, Dị Nhân liền đưa ông ta lên làm Tướng quốc của nước Tần, còn phong cho ông ta làm Văn Tín Hầu, hưởng thuế tô của 10 vạn hộ ở Hà Nam, Lạc Dương. Quả nhiên, “người đứng đầu nhà nước" đã đem đến cho vị thương nhân họ Lã món lợi lớn "Tướng lập quốc".
Hàng hóa đặc biệt chỗ nào cũng có, lúc nào cũng có, chỉ cần xem bạn có con mắt nhìn hay không. Lã Bất Vi vì có con mắt nhìn độc đáo, ông ta nhìn thấy những giá trị mà người khác không nhìn thấy được. Nhìn thấy rồi thì nghĩ trăm phương ngàn kế nắm lấy nó, và vì món hàng đặc biệt số vốn bỏ ra nhiều đến đâu cũng thấy đáng. Đến cuối cùng món lợi mà ông ta thu được thật là to lớn. Trong thương trường thời hiện đại, có thể phát hiện ra món hàng đặc biệt và nắm lấy nó hay không cũng cần phải xem bạn có đủ tầm nhìn và biết phát triển cơ hội thu lợi lớn hay không?
Một trong những thời đại hoàng kim trong cuộc đời nhà tỉ phú nước Mỹ Hamo là quãng thời gian ông ta từ Liên Xô trở về nước. Lúc đó, Frankline bầu tổng thống sắp giành được thắng lợi mang tính quyết định. Hamo bằng con mắt nhạy bén dự cảm được chính phủ mới mà Frankline đưa ra sắp trở thành hiện thực. Nếu như vậy thì lệnh cấm rượu ban bố năm 1920 sẽ bị bãi bỏ. Một khi rượu không bị cấm thì rượu Whisky, bia mà số lượng nhiều gấp hàng ngàn, hàng vạn lần hiện nay sẽ được sản xuất ồ ạt như nước thủy triều và thứ cung không đủ cầu đầu tiên sẽ là thùng rượu, thùng rượu sẽ thành thứ hàng hiếm, các nhà sản xuất rượu sẽ tranh mua với giá cao.
Để sản xuất thùng đựng rượu cần một số lượng lớn các tấm nhôm. Hamo đã từng ở Liên Xô nhiều năm biết được Liên Xô có những tấm nhôm giá rẻ, dùng để sản xuất loại thùng này. Ý đã quyết, Hamo liền lập tức bắt tay vào làm. Ông ta đặt mua của Liên Xô số lượng tấm nhôm có thể chứa đầy mấy chiếc tàu, lại bí mật xây dựng nhà máy sản xuất tấm nhôm ở bến tàu New York để hạn chế hàng hóa của các tàu buôn Liên Xô. Những việc làm này mọi người đều không mấy chú ý.
Quả nhiên, dự đoán của Hamo không sai. Những thùng đựng rượu do ông ta sản xuất và tung ra thị trường đã trở thành thứ hàng bán chạy, cung không đủ cầu. Ông ta nhìn trúng cơ hội, lại cho xây dựng nhà máy sản xuất thùng cỡ lớn, quy mô, đầy đủ thiết bị hơn, tiên tiến hơn ở New Jesy, gọi là nhà máy sản xuất thùng rượu Hamo. Đúng lúc xưởng sản xuất thùng mới vừa đi vào hoạt động thì lệnh cấm rượu được bãi bỏ. Hàng loạt thùng rượu do Hamo sản xuất đã đáp ứng được nhu cầu. Những nhà sản xuất rượu quả thật tranh mua hết những thùng đựng rượu với giá cao, Hamo nhờ đó đã thu được lợi nhuận khổng lồ.
Hàng hiếm là hàng quý, nguyên nhân của việc buôn bán hàng hiếm thu được lợi lớn chỉ là vì nó quá ít quan hệ cung cầu đã thay đổi. Lã Bất Vi nhìn ra hàng hiếm nên làm Tướng quốc của nước Tần. Hamo tuy không làm tướng quốc nhưng địa vị mà ông ta có trong cộng đồng quốc tế nhờ vào số tài sản khổng lồ trong tay, lẽ nào so với Tướng quốc còn có chỗ thua kém?