- 13 -
Có những …..tâm tình !

     hật khó có thể tưởng tượng được rằng nhà trường XHCN sao mà sinh ra lắm tổ chức thế. Mà lại toàn là những tổ chức công khai, có liên hệ tới mọi sinh hoạt trong nhà trường sau ngày Sài Gòn đổi chủ. Chúng đã tuần tự xuất hiện như một thực thể hiển nhiên, không cần thông báo, không cần giới thiệu và ngay cả thành phần nhân sự của mỗi tổ chức ra sao cũng không thấy phổ biến cho mọi người biết.
Mà thực sự cũng chẳng mấy ai cần biết. Vì biết cũng chẳng để làm gì. Ngôi trường này đâu còn là một chỗ thân thương, tha thiết trong tâm tình của mọi người như xưa để ai cũng thấy mình gắn bó nổi trôi theo nó. Bây giờ không yêu, cũng chẳng ghét, mọi người chỉ thấy cần tới nó mà thôi. Bởi ai cũng muốn bám víu vào nó như những kẻ sang sông đắm đò, cố ngoi lên, tìm cách cột thân xác mình vào những mảnh ván vỡ của con thuyền để cho qua cơn hoạn nạn.
Nếu hiểu được như thế thì mới lý giải được tại sao trong những tháng ngày đằng đẵng, các thầy cô nom mệt mỏi trong vẻ mặt nhẫn nhịn, âu sầu mà vẫn phải cố công đạp xe qua nhiều đường phố để tới nhà trường hít thở bầu không khí đe nẹt, dòm ngó, nghi kỵ, một đôi khi còn phải chịu đựng lắng nghe những lời nói hỗn hào, xấc xược.
Nhưng mấy ai hành xử được như Linh Mục kiêm nhà giáo Thanh Lãng.
Ông cũng dạy học, lại làm Trưởng ban Văn Chương Quốc Âm ở đại học Văn Khoa Sài Gòn. Sau 30 tháng 4-1975, chắc sinh hoạt ở đó cũng nhiều trò nhố nhăng lắm nên ông không muốn về trường nữa mà đi làm tàu hủ ở một Hợp tác xã trong Ngã Tư Bẩy Hiền. Vì có quen biết với ông, nên thỉnh thoảng trên đường đạp xe từ Hợp tác xã trở về ông có ghé qua nhà tôi để cho mấy bìa đậu hủ mới ra lò, cầm lên thấy vẫn còn nóng hổi.
Dư luận sau này lên án ông là một kẻ nằm vùng chỉ vì lý do ông là Chủ Tịch Hội Văn Bút, lại nhân danh Văn Bút để can thiệp với chính quyền cho một cây bút nằm vùng đích thực là Vũ Hạnh. Nếu LM Thanh Lãng là một tay nằm vùng thì công trình của ông thực hiện cho phía bên kia hẳn phải nhiều hơn nữa, nhất là sự lũng đoạn tổ chức Văn Bút là một công tác dễ làm. Nhưng thành tích có lợi cho bên kia chỉ có mỗi một chuyện can thiệp đó. Ngoài ra, tuyệt nhiên tôi không thấy có bất cứ một dấu hiệu nào chứng tỏ ông đã phá hoại tổ chức Văn Bút trong cương vị một Chủ tịch nhiều năm trước đó. Theo tôi nghĩ, có thể ông nhẹ dạ, thương người, trọng tình nghĩa đối với người cộng tác lâu năm. Vả chăng, quyết định xin tha cho Vũ Hạnh không phải là một quyết định đơn phương của riêng ông, mà là của cả Ban Chấp Hành. Nếu Ban Chấp Hành không đồng ý thì dù muốn, LM Thanh Lãng cũng không thể đơn phương ra quyết nghị can thiệp nhân danh Văn Bút.
Cho nên, theo tôi nghĩ, là một linh mục, không bị ràng buộc bởi gia đình, ông có điều kiện để hành xử như một kẻ sĩ. Không có ruộng ở nhà quê để về quê đi cầy như cung cách ứng xử của người xưa, thì ông đi làm đậu hủ. Đôi lần ông tạt qua nhà tôi để cho bìa đậu nóng như đã nói ở trên, tôi thấy ông nhìn vợ chồng tôi, và lũ nhỏ nhà tôi bằng đôi mắt tần ngần, xót xa. Tôi hiểu thấu tâm trạng của ông.
Mọi sự đã đổi thay hết rồi, và thời thế này biết có còn được gặp nhau. Cho nên, chúng tôi đã nghĩ rằng bìa đậu ông cho chỉ là phụ, mà điều chính yếu là lâu lâu ông lấy cớ tạt qua để hãy còn nhìn thấy được nhau. Ôi, tấm lòng của một vị Linh mục, kiêm Giáo sư Đại học và Chủ tịch Văn Bút Việt Nam trong nhiều nhiệm kỳ cho đến khi xẩy đàn tan nghé.
Thực tình, tôi cũng theo gương ông để rũ bỏ hết thẩy mà đi theo con đường lao động như thế. Nhưng đa phần chúng tôi, gia cảnh đùm đề, giữa thời buổi mà mọi người đều chung một hoàn cảnh xẩy đàn tan nghé, bạo lực bao vây tứ phía thì thôi, đành là cứ nhắm mắt đưa chân, không thể làm như ông được. Có lẽ chỉ những ai trong cùng cảnh ngộ với tôi lúc đó thì mới có thể cảm thông mà thôi.

*

Trở về chuyện các tổ chức có trong nhà trường. Nói sơ qua về mặt nổi, thì có Ban Giám Hiệu. Bên cạnh Ban Giám Hiệu là Công đoàn Trường. Rồi đến Chi đoàn Thanh Niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Chi Đội Thiếu niên Tiền Phong, Chi Hội Nhà Giáo Yêu Nước, các Tổ Chuyên Môn, các Tổ Lao Động Sản Xuất…..thôi thì đủ mọi thứ cứ rối tinh rối mù chen vào sinh hoạt giảng dạy trong nhà trường, nơi mà xưa kia vẫn sinh hoạt êm đềm, tĩnh mịch. Sự êm đềm, tĩnh mịch đến khiến con người còn chú ý được tới cả những tia nắng le lói lọt qua khe mành hay bình tâm nhìn ngắm những cành lá đu đưa bên ngoài song cửa, đôi khi còn có cả tiếng chim hót líu lo vọng vào lớp học. Cái thời xa xưa ấy bây giờ cũng phải dìm sâu trong tâm tưởng. Nó chẳng hợp thời!
Về mặt phân công thì Công đoàn có nhiệm vụ tham gia vào việc quản lý Nhà trường, phối hợp với Ban Giám Hiệu để vừa chăm lo đời sống vật chất của các giáo viên vừa theo dõi công tác giảng dạy sao cho chủ trương, chính sách của Đảng và nhà Nước được bảo đảm thực hiện tốt. Bên cạnh đó là nhiệm vụ tham gia công việc soạn thảo và giám sát việc tiến hành những quy chế áp dụng trong nhà trường. Như qui chế Chi tiêu Nội bộ, quy chế Thiết lập Hội đồng Thi đua, quy chế tổ chức các phong trào thi đua và những đề nghị khen thưởng, quy chế tiếp thu, bảo quản và sử dụng tài sản của nhà trường thuộc chế độ cũ còn bỏ lại …v..v...
Vì lắm công việc đa đoan như thế, nên Công đoàn nhà trường cũng choán khá nhiều chỗ, đặc biệt là cả một dẫy nhà kho ở cuối hành lang kế bên khu bếp núc cũng đã được vận dụng để làm chỗ tiếp thu và phân phối các loại nhu yếu phẩm dành cho giáo viên và công nhân viên nhà trường.
Người lo việc quản lý cái “khâu” phân phối này là một phụ nữ được Công đoàn Quận phái xuống. Chị trạc tuổi gần 50, da trắng trẻo, thân hình phốp pháp, bận quần thâm, áo cánh nhưng là thứ áo may bằng vải có in hoa với mầu sắc rực rỡ chứ chẳng phải thứ vải ngà ngà của mầu trắng đã ố vàng như nhiều bà, nhiều cô ở đây hay mặc. Chị vui tính, rất hay cười và khi cười thì miệng rộng huếch lên phát ra thứ âm thanh nghe vui vẻ, ròn rã, loại tiếng cười của những người ruột để ngoài da, chẳng có gì để phải giấu giếm.
Chị tên Thu, người miền Nam, nói năng bằng giọng miền Nam rặt. Trước tháng 4-1975 chị vẫn sinh sống ở Sài Gòn, có một quán cơm bình dân mở ở ngay xế Tổng Y Viện Cộng Hòa. Ở nơi này, không ai biết được đấy là một ổ giao liên do chính chị làm chủ chốt.
Một người phổi bò như chị mà lại có thể là dân “Việt Cộng nằm vùng” sao?
Sau này, có nhiều dịp chuyện trò, chị đã kể:
- Chồng tui đi tập kết từ năm 54. Tui một nách hai con phải làm ăn buôn bán để nuôi chúng chớ! Trước thì buôn ba thứ linh tinh bậy bạ ngoài chợ để đắp đổi qua ngày. Sau, cái Tổng Y Viện Cộng Hòa dựng lên khang trang, tui mới chen vào một chân bán cơm cho thân nhân người bệnh. Ai ngờ dính luôn tại đó vì khách đông quá trời. Mà toàn vợ lính thôi. Họ nghèo xơ xác mà lắm khi còn lâm vào hoàn cảnh khốn đốn hơn mình.
Chị ngừng một chút như để nén cái mủi lòng cứ như đang tràn lên cổ họng:
- Thầy biết không! Lắm khi, chồng thì thương tích trầm trọng mới vô, nằm đó. Y tá thì nói bệnh viện hết máu trong kho. Muốn sang máu cho chồng thì phải đi mua. Mà tiền đâu mà mua.
Tôi cũng còn đang phân vân tìm câu trả lời cho câu hỏi của chị, thì chị đã cất giọng hằn học:
- Con bà nó! Thiếu gì đứa chầu chực rình mò ở ngoài cổng để gạ gẫm muốn có tiền mua bịch máu cho chồng thì cứ đi bán dâm.
Chị ngừng một lát rồi tiếp:
- Tui hận những cảnh đời như thế nên khi được mấy ổng móc nối là tôi chấp thuận liền. Chẳng cứ là tôi đã có chồng đi tập kết. Nó đi từ đời nảo đời nào, chẳng thơ từ lấy một chữ, tôi đâu còn nhớ.
Tôi vui miệng hỏi thêm:
- Vậy bây giờ đất nước thống nhất rồi thì anh chị lại đoàn tụ chớ?
Chị huếch miệng ra cười:
- Có mà đoàn với con thần đanh đỏ mỏ! Ở đó mà nói đoàn!
Tôi ngạc nhiên:
- Thế là sao?
- Còn là sao! Nó vác vào trong này một con vợ Bắc kỳ rặt, ăn nói chỏng lỏn cứ như mụ nội nhà người ta. Rồi còn nói là “chúng mình cùng ngồi lại với nhau rồi hiệp đồng giải quyết!”. Giải quyết con mẹ gì. Tui ký phứt giấy ly dị, nhưng đòi vẫn giữ con là xong cái một.
- Ảnh chịu chớ?
- Chịu chớ sao không. Còn mừng nữa là khác. Khỏi lo đèo bòng mà cũng khỏi bị kỷ luật.
Những dịp tôi được nghe chị Thu thổ lộ tâm tình như thế không hiếm. Vì cứ lâu lâu, cô giáo trong Tổ chuyên môn của tôi đáng lẽ phải tới gặp chị để phụ vào công việc điều hành, ghi chép sổ sách thì cô lại bận và nhờ tôi thay thế giùm một bữa. Thế là tôi thu xếp giờ giấc để giúp chị làm những việc chị cần nhờ. Toàn là những chuyện sổ sách thôi. Lâu lâu thì viết một cái văn thư cho một Hợp tác xã đề nghị mua ngoài tiêu chuẩn một, hai món gì đó để phục vụ nào Ngày Kỷ niệm, ngày Phát động một Phong trào, ngày Tổng kết Thi đua, ngày Bồi dưỡng sau một đợt công tác như tham gia Phòng Cháy Chữa Cháy..v..v…
Vì thế, trong lúc nghỉ ngơi hay chờ đợi nhân viên đi tìm kiếm một hóa đơn hay bảng liệt kê nào đó thì chị lại quay ra trò chuyện với tôi một cách thoải mái. Sẵn dịp, tôi hay nêu những câu hỏi tò mò, như thể:
- Hồi còn nằm vùng thì chị đảm đương những công tác nào?
Chị Thu đáp:
- Chủ yếu là biến cái quán ăn của tui làm cơ sở giao liên.
- Tức là một cái trạm tiếp nhận võ khí, mìn với lựu đạn trước khi đưa vào thành phố phải không?
Chị trợn mắt:
- Làm gì mà có tới mấy thứ đó! Cái quán của tui ở ngay xế cổng Y viện, người ta đi lại rần rần, ở đó mà chứa võ khí. Chỉ nhận rồi chuyển giao tin tức thôi.
- Thế thì cũng quá cỡ thợ mộc rồi.
- Mà tui có biết tin tức trời trăng gì đâu. Chỉ nay nhận tấm bánh tét, mai con cá kho, chuyển giao đi mà bên trong ruột nó chứa cái gì tui đâu có biết.
- Các con của chị có tham gia vào những công tác ấy không?
- Chúng nó còn con nít, biết gì mà tham gia. Với lại tui cũng không muốn cho chúng nó dính vào những thứ công việc này. Cứ phải lo học đi cái đã.
- Ủa! Các con chị đi học ở nhà trường của chế độ cũ, chị cũng cho đi à?
- Có gì mà không cho đi. Thầy cô thì cũng như thầy cô bây giờ chớ đâu có gì khác.
- Khác chớ! Không khác thì sao Cách mạng cứ đòi đánh cho Mỹ cút, Ngụy nhào?
Chị cười khanh khách:
- Chuyện của mấy ổng, mình xía vô chi cho thêm mệt. Tôi thì tôi vẫn quý các thầy các cô. Thời nào mà chẳng cần tới thầy giáo, cô giáo. Không thầy đố mầy làm nên, xưa ông bà đã nói vậy rồi mà.
Tôi tủm tỉm cười:
- Vậy mà tôi cứ nghĩ chị phải là tay cừ khôi lắm mới được trên giao cho nhiệm vụ này.
Chị chép miệng:
- Ui, cái trò bếp núc, chợ búa thì tui rành. Hồi còn cái quán, một ngày lo bữa ăn cho cả vài trăm cái miệng chớ đâu chỉ dăm bẩy chục người như các thầy ở đây. Mà phân phối cũng đâu có gì nhiều, dăm bữa nửa tháng mới có một kỳ. Mấy ổng biết tui từ ngày đó nên mới điều về đây đấy.
Rồi chị lại hỏi:
- Vậy mấy thầy có kêu ca gì không?
- Kêu ca chuyện gì?
- Thì cái khâu phân phối ấy. Thiếu gì thứ để kêu ca. Có điều là tụi tôi cũng đã cố gắng tối đa rồi. Lắm lúc phải vật lộn bên Hợp tác xã mới thu mua tạm đủ xài đó.
Tôi vội nói:
- Tụi tôi thông cảm chớ. Cả nước đang khó khăn mà. Đâu có ai kêu ca gì.
Chị thở dài:
- Các thầy hiểu cho vậy là tốt. Đúng là khó khăn cả nước. Nhưng nói cho ngay, mình đâu có thiên tai bão lụt gì. Khi không mấy ổng cứ hô lên chuyện này chuyện kia rồi làm rối tung cả lên. Bà con kháo nhau là cứ để yên như trước thì mọi sự sẽ êm tuốt.
Tôi vờ ngạc nhiên:
- Ủa! Lại có chuyện nói năng như vậy à?
Chị hiếng con mắt về phía tôi, vừa cười nhoẻn vừa hạ thấp giọng:
- Bà con nhân dân đâu có mù. Mà điều biết vậy thôi. Ai mà dám công khai nêu ý kiến. Thôi cứ cầu cho mọi sự bình an, đời sống yên lành, ổn định là tốt rồi.
Như thế là tôi lại biết thêm được một thứ tâm tình nữa của những con người đang đứng trong guồng máy cách mạng. Chị Thu, dưới mắt tôi thì cũng chỉ là một phụ nữ bình dân, dễ dãi, kiến thức hạn hẹp, suy nghĩ nông cạn ít khi ra khỏi những vấn đề nhỏ nhặt trong nếp sống hằng ngày.
Tuy nay thì chị đang được Cách mạng tin dùng, nhưng tôi thấy chị cũng chẳng khác chi hầu hết các bà buôn bán tại các sạp ngoài chợ. Chỉ có điều ngược lại, là họ thì đang bị liệt vào loại vô sản lưu manh, con phe buôn đi bán lại ngoài chợ trời, ngày ngày cứ phải đôn đáo, che đậy giấu giếm hoặc bỏ chạy tán loạn dưới sự ruồng bắt của những công an khu vực.
Rồi sau cuộc đảo lộn coi như một sự đổi đời, sẽ còn không biết bao nhiêu loại tâm tình khác biệt nữa trong những đám người đang chộn rộn ở xã hội bên ngoài kia. Làm sao phân biệt được cái nào là thật, cái nào là giả dối để biết đường, biết lối mà lần đi.
Thật vậy, bởi chính tôi đã trải qua một kinh nghiệm mà mỗi khi nhớ lại vẫn thấy hãi hùng. Hôm đó tôi phải tham dự một cuộc họp do ông Tổ trưởng dân phố triệu tập. Số người hiện diện không nhiều, chỉ khoảng hai chục người. Trừ dăm ba ông cán bộ, số còn lại có vẻ như là dân trí thức có ăn có học đang cư ngụ trong khu nhà quanh đó. Thì ra những người được mới tới cũng là thành phần có chọn lọc. Sau một hồi chuyện vãn về tình hình an ninh khu phố, bỗng một ông cán bộ quơ tờ báo Nhân Dân lên, xoay ngang xoay dọc rồi nói với mọi người:
- Báo chí gì mà chả có tin tức gì hết ráo. Toàn những thứ bình luận tào lao gì đâu.
Một ông khác, người hàng xóm tôi biết rõ chẳng có thành tích cách mạng gì, trước 30-4 còn chạy áp phe, buôn lậu đủ thứ hàng, vậy mà cũng lên giọng nói tiếp ngay:
- Đúng rồi! Những thứ báo này chỉ đáng vứt vô sọt rác chớ ai mà coi!
Câu tuyên bố xanh rờn của ông ta rơi tõm vào trong sự im lặng cứ mỗi lúc một nặng nề hơn lên. Tôi khẽ liếc nhìn quanh, điểm đủ mặt mọi người với một tâm trạng hồi hộp, lo âu. Thật tình tôi chỉ lo rằng một vị nào đó buột mồm hay ngứa mồm mà hùa theo cái ý kiến chết người kể trên thì đêm nay, hẳn công an sẽ tới nhà gõ cửa, mời đi sớm.
Nhưng may quá, chẳng có ai lên tiếng một câu nào. Thì ra trình độ đề cao cảnh giác của mấy người cùng khu phố với tôi hôm đó cũng đã tới mức thượng thừa.
Sau cùng, mới có một vị nhẩn nha lên tiếng:
- Ông nói làm sao ấy chứ. Báo Nhân Dân có rất nhiều bài giá trị. Mình là dân thành phố mới được giải phóng, cần phải đọc kỹ báo này để học tập đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng với nhà nước chứ. Sao lại nói vứt vô sọt rác!
Chả hiểu ông ấy nói mỉa mai hay nịnh nọt. Nhưng phát biểu được như thế, dù với ý đồ nào thì cũng là thuộc loại cái đầu có sạn!
Nhưng chao ôi! Chẳng lẽ từ nay con người ta sẽ cứ phải đối đáp với nhau kiểu như vậy mãi hay sao!