- 12 - (tt)

     ôi lại còn nhớ có một lần, một bà cán bộ từ Hà Nội vào tham quan Sài Gòn trong những đợt đầu tiên. Bà ta có tìm tới địa chỉ nhà tôi để trao một lá thư thăm hỏi do thân nhân của tôi từ Hà Nội nhờ bà chuyển tay mang vào. Khi bà ta trở ra Hà Nội, tôi có nhờ mang giùm một đôi vớ còn nguyên trong vỏ bọc nylon để làm quà tặng cho một ông anh của tôi. Bà ta ngại ngần giây lâu rồi nhận lời với điều kiện: Tôi phải mang đôi vớ ra Phường xin giấy xác nhận đó là quà tặng nhờ cầm tay mang đi.
Thực tình, tôi không hề thấy phiền hà gì về chuyện phải mang một đôi vớ ra Phường chầu chực để xin giấy chứng nhận rằng nó là quà để biếu chứ không phải thứ buôn bán gì. Nhưng nghĩ kỹ thì thấy nực cười bởi đây là một chuyện kỳ cục chưa bao giờ xẩy ra ở trong Nam ngày trước. Cứ xem nội dung tấm giấy chứng nhận sau đây thì đủ rõ:
GIẤY CHỨNG NHẬN
Nay chứng nhận: Bà……….là cán bộ thuộc cơ quan……….
Có mang một đôi vớ ngoại, mầu xám, sọc nâu, điểm hoa văn trắng, là quà biếu của ông……..nhờ chuyển ra Hà Nội cho thân nhân là……..hiện ngụ tại địa chỉ……….
Nay chứng thực để đương sự có thể chuyên chở món đồ nói trên. Xin các cơ quan, đoàn thể, tổ chức dành mọi sự dễ dàng cho đương sự.
T.M. Ủy ban Nhân Dân Phường ….Quận…..
Ký tên và đóng dấu
Đòi hỏi điều kiện phải có dấu chứng thực cho một đôi vớ như thế, bà cán bộ đến từ miền Bắc đã hành xử rất đường hoàng, minh bạch, chấp hành rất nghiêm chỉnh đường lối chính sách của nhà nước cũng như lời Bác Hồ dạy là phải cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư.
Chỉ có điều là, khoảng hơn một năm sau, tôi lại được thân nhân ngoài Bắc cho biết là chính bà cán bộ này đã trở nên giầu sụ sau vài chuyến đi công tác trong Sài Gòn!!

*

Nhưng đâu phải ai cũng có cơ hội “làm giầu” như bà cán bộ kể trên. Hầu hết những người tôi quen biết hoặc là họ hàng thân thuộc ở miền Bắc thì đều đang sống một cuộc sống vô cùng vất vả, thiếu thốn. Vợ chồng ly dị nhau rồi mà vẫn phải chia nhau mỗi người nửa cái giường có màn làm bằng vỏ bao đựng bột đem ngăn đôi. Dưới gậm giường nhà nhà đều có một cái khạp được khóa kỹ mà bên trong chỉ chứa có nước máy tiêu dùng. Phải khóa lại vì nhà ở chen chúc, lẫn lộn chung nhau cả chục gia đình, sểnh ra là bị lấy trộm ngay đến cả nước máy. Nước khi đó rất hiếm hoi. Cả phố trông vào có một cái vòi chỉ chảy rỉ rả vào ban đêm. Sáng ra là tắt nước. Phải thức trắng đêm mới đổ đầy một khạp, không khóa nó lại thì có khi một ngày sẽ không có lấy một ngụm nước mà xài.
Như thế thì dân chúng miền Nam có san sẻ ra Bắc những ti-vi, tủ lạnh, quạt máy, đồng hồ, giường tủ, bàn ghế, sa-lông, xe đạp, xe máy.…để bà con ngoài ấy được hưởng đôi chút phương tiện văn minh vật chất thì cũng là sự san sẻ trong tình nghĩa đồng bào. Chẳng nên vì tiếc sót mà ca cẩm: Nam nhận họ, Bắc nhận hàng.
Có một lần tôi hỏi một bà chị họ:
- Ở ngoài Bắc có radio không?
Bà ấy cười:
- Có chứ!
- Vậy chị có nghe được đài BBC không?
- Radio một đài, sao nghe được BBC.
Thấy tôi ngạc nhiên không hiểu, chị giải thích:
- Đúng ra nó chỉ là một cái loa hình vuông nom giống cái bánh trưng nhưng mỏng lét. Phía trước có gắn một cái nút. Bật nút lên là có tiếng nói của đài Hà Nội phát ra. Nhà nào cũng có một cái như thế gắn trên tường. Thế chẳng là radio một đài thì là gì!
Tôi mỉm cười, tự nghĩ:
- Thật là một đầu óc kìm kẹp có sáng kiến thần sầu. Vừa rẻ, vừa tiện mà lại dễ bề kiểm soát...
Một xã hội triền miên thiếu thốn như thế, nhưng không bao giờ thiếu những tiếng hát trong trẻo, hồn nhiên của đám mầm non nhi đồng.
Tuổi thơ vốn vô tư, lại thêm các Cô giáo ở Vườn Trẻ, ở Trường Mầm Non, ở trên các chương trình TV dành cho tuổi trẻ luôn luôn sốt sắng dạy dỗ các em hát nhiều bài. Phổ biến nhất là bài:
Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ
Râu bác dài tóc Bác bạc phơ
Em âu yếm hôn đôi má bác
Vui bên bác là em múa hát
Hát bài Hồ Chí Minh muôn năm
Có lần tôi vui miệng hỏi thằng Tửu:
- Hồi bé, Tửu có hay hát bài “Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ” không?
Tửu cười:
- Đứa nào mà không quai mồm ra hát thì có mà cô giáo gang họng ra.
- Ơ! Vậy chớ Tửu có thật ngủ mơ là đã gặp Bác không?
- Làm gì có đứa nào nằm mơ thấy Bác! Chúng nó gào lên thế nhưng mà có nghĩ đến Bác bao giờ đâu. Có mà mơ thấy được ăn một cục kẹo thì đúng hơn. Hát thế là hát dối!
- Ấy! Lỗi đâu phải chúng nó. Cái anh sáng tác bản nhạc với đám Thầy, Cô bắt chúng nó nghêu ngao suốt ngày kìa. Bơm cái dối trá vào đầu con trẻ mà cứ tiếp tục mãi như thế được. Thế là giáo dục ở miền Bắc đấy ư?
Tửu cười hề hề:
- Thì thế! Mà nào có ai dở hơi, vẽ chuyện nêu vấn đề ấy ra đâu! Đụng đến Bác, có mà đi tù.
Nói cho ngay, cái trò bắt con trẻ nói lời “dối trá” không chỉ bắt nguồn từ thời buổi bây giờ, mà nó đã tồn tại ngay từ cái thuở mới khai sinh nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, tháng 9-1945. Vào thời đó, chính bọn trẻ chúng tôi cũng đã nghêu ngao suốt ngày:
Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn chúng em Nhi đồng
Bác chúng em dáng thanh thanh, người cao cao
Bác chúng em mắt như sao…Râu hơi dài…
Có bao giờ chúng tôi được nhìn thấy Bác tận mắt bao giờ đâu mà mô tả kỹ lưỡng như thế, rồi lại còn khẳng định: “Ai yêu Bác hơn chúng em Nhi đồng” nữa. Thế là giả dối! Trong đầu óc non nớt của chúng tôi hồi đó, đúng ra chỉ có hình ảnh ông bà Nội, ông bà Ngoại là luôn ngự trị trong đầu.
Đã thế lại còn có những câu thơ tệ mạt tới mức giả dối trắng trợn như:
Yêu biết mấy khi nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi Sít-ta-lin ….
Nhưng tác giả bài thơ này chắc ngoài ý định dụ dỗ các em nhi đồng hãy nên tôn kính ông Sít-ta-lin ông ta còn muốn gián tiếp ra một chỉ thị: “Mọi người hãy tôn sùng Sit-ta-lin!”. Phụ huynh của đám trẻ vốn là những cái đầu đã có sạn, đã biết bạo lực là gì, nên khi nghe ông trùm Thơ đang ở cương vị hét ra lửa đã mửa ra khói làm những câu Thơ như vậy, tất cũng phải khúm núm bầy tỏ lòng tôn kính ông lãnh tụ ngoại lai kia cho xong chuyện vậy thôi.
Mà chẳng cứ riêng một mình Tố Hữu! Phải nói cho ngay rằng, ở thời cực thịnh của Đảng CSVN, nhiều ông, bà cầm bút đã cố tình xuyên tạc lịch sử, bóp méo sự thật để tuyên truyền cho những mục tiêu cả ngắn hạn lẫn dài hạn của Nhà Nước. Họ đã chiếm lĩnh dư luận toàn xã hội, đã vo tròn bóp méo biết bao nhiêu sự thật. Tài sản trí tuệ của họ sau một thời gian dài đã tạo nên vô vàn sản phẩm văn nghệ nhớp nhúa mà hiện nay vẫn còn đầy rẫy trong sách vở giáo khoa ở nhà trường hay trong thư viện.
Tôi lại nhớ cái thời Bác Hồ qua Pháp tới 6 tuần lễ trong dịp có Hội nghị Fontainebleau năm 1946, mà ông Phạm văn Đồng là đại biểu của VN. Lũ nhi đồng chúng tôi hồi đó lại cũng đã từng nghêu ngao hát bài “Vắng bác Hồ yêu dấu”, mặc dù chẳng biết Bác đang đi đâu, làm gì, có thật là mình đã nhớ Bác hay không:
Vắng bác Hồ yêu dấu
Lòng bâng khuâng- cháu sầu nhớ nhung
Bác có nhớ cháu không
Từ lúc con chim bằng cất cánh
Lòng thẫn thờ nhìn theo chim kia
Nhẹ cánh khuất trong mây
Quay bước chân trở về …
Chờ mong tháng ngày…
Cái sự gia công tiêm nhiễm vào đầu óc con trẻ những sự kiện chính trị của đời thường, đến khi trưởng thành chúng nhận ra là mình đã bị nhồi nhét những điều giả trá thì e rằng niềm tin của chúng sẽ không những bị thui chột, mà có khi còn làm dấy lên trong đầu óc của chúng sự khinh miệt cả cái môi trường xã hội mà chúng đã lớn lên để rồi có những phản ứng tiêu cực không biết đâu mà lường.
Phải chăng xã hội ngày nay ở VN, trong đám trẻ đã có nhiều tên phá phách, ngổ ngáo, hỗn xược, ngồi xổm lên mọi giá trị đạo đức của cha, anh là hậu quả của sự coi rẻ sự thật và giẫm đạp dễ dàng lên nhân phẩm mà thế hệ cha anh chúng nó thản nhiên thực hiện. Để đến bây giờ, nhìn gương của thế hệ đi trước, chúng cảm thấy nếu có làm những cái gì sai quấy thì cũng chỉ là đi theo vết xe của cha, anh để lại, còn chúng thì hoàn toàn vô can và có quyền phủi tay, vô trách nhiệm..v..v…
Mà căn bệnh trầm kha này cho tới nay cũng đâu đã chấm dứt!

*

Nhân đề cập tới những sự đổi thay thường trực xẩy ra ở chung quanh mình, tôi bỗng nhớ đến một nhân vật vốn là một trong những người đầu tiên đã tới tiếp thu ngôi trường mà tôi đang dạy.
Đó là một thanh niên trạc gần ba mươi, trán cao, mắt sáng, dáng dấp gầy gò, nước da xanh mét, khuôn mặt bủng tái như mầu chì chứng tỏ hãy còn mang trong mình một bệnh sốt rét kinh niên mà chỉ những người ở lâu trong rừng mới mắc phải. Anh tên Thành, nghe nói trước là sinh viên đại học Vạn Hạnh, sau bỏ ra bưng. Khi Cách mạng thành công, anh ta trở về thành và được giới thiệu là người của Thành Ủy tới tiếp thu ngôi trường và có nhiệm vụ điều động sao cho nó có thể chính thức khai giảng được năm học đầu tiên càng sớm càng tốt.
Công việc nhìn có vẻ dễ dàng, vì trường ốc còn nguyên, học sinh sẵn sàng tới lớp, đa phần giáo chức không di tản kịp cũng đã quay trở lại trường tìm một chân đứng thay vì bị Phường, Khóm ở các địa phương đưa lên danh sách những người bị xua đi kinh tế mới.
Nhưng hầu như đã có những cuộc tranh cãi kịch liệt xẩy ra ở đằng sau cánh cửa dành riêng cho văn phòng của Ban Giám Hiệu. Mỗi lần thấy Thành ở đó bước ra, tôi thấy mặt mũi anh bơ phờ, dáng dấp mệt mỏi trong chiếc áo sơ mi nhầu nát bỏ ra ngoài chiếc quần tây dài mầu xám đậm không ủi nếp. Anh lê đôi dép da không quai hậu, nặng nề đi qua chiều dọc của căn phòng dài trước đây vẫn dành làm chỗ tập trung của các nhà giáo trong giờ nghỉ. Thấy mọi người nhìn anh với cặp mắt dò hỏi, anh chỉ nhếch đôi môi khô khan lên cười một cách nhạt nhẽo rồi lẳng lặng bước ra.
Nhiều người đưa mắt nhìn theo, rồi lại quay ra nhìn nhau và xì xào:
- Có chuyện gì thế?
Một vị có vẻ thông thạo thời thế đã nói:
- Trâu bò húc nhau…coi chừng ruồi muỗi chết!
Hẳn là vị này gợi ý có sự đụng độ giữa các cán bộ ở A vào và ở R ra. Hay nói khác đi, đường lối của miền Bắc có thể đang gây bất mãn cho cán bộ miền Nam
Sau này thì tôi biết thêm được một vài chuyện đã gây nên những cuộc tranh cãi trong thời gian nhà trường chuẩn bị khai giảng năm học đầu tiên ấy. Nào là vấn đề lập danh sách đề nghị lưu dung các giáo chức cũ, giữ ai, bỏ ai, ai còn có vấn đề phải xem xét kỹ khi đã mang danh nghĩa giáo sư “biệt phái”, hai chữ nghe sao mà nó đầy vẻ bí ẩn của loại công tác an ninh, điệp báo. Rồi nào là sách giáo khoa trong thời chế độ cũ, những cuốn nào đề nghị còn tạm xài trong khi chờ Bộ Giáo Dục cho in những sách mới, cuốn nào thì dứt khoát liệng bỏ cho chở đi làm bột giấy. Rồi trong tiến trình sắp xếp nhân sự để hoàn tất mọi cơ cấu nhà trường, lấy ai, gạt bỏ ai trong số người ở thì A vào, người ở thì R ra, người thì thuộc chế độ cũ nhưng có trình độ chuyên môn tổ chức cao ….Mà hình như ai cũng có lời gửi gấm từ “trên” cả, biết làm sao đây?
Nhưng điều sai lầm lớn nhất mà Thành mắc phải - theo tôi nghĩ - là anh đã quá tự tin vào thành quả mình đã đóng góp cho cách mạng cũng như vào vai trò của mình đã được giao phó lúc chiến tranh chấm dứt.
Anh hồn nhiên với lý tưởng của mình vẫn hằng theo đuổi là “Đoàn kết các tầng lớp nhân dân, các giai cấp, các dân tộc, các đảng phái, các đoàn thể, các tôn giáo và nhân sĩ yêu nước không phân biệt xu hướng chính trị, để đấu tranh lật đổ chế độ tay sai của Mỹ để thực hiện một miền Nam trung lập, dân chủ, hoà bình trước khi tiến tới việc thống nhất Tổ quốc”. Đó là cương lĩnh của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam mà anh đã nghiền ngẫm trước khi bỏ Sài Gòn trốn ra bưng, đi theo Cách mạng.
Khi chiến tranh chấm dứt, anh luôn luôn bầy tỏ với mọi người rằng đã đến lúc ai ai cũng nên xóa bỏ mặc cảm của mình để cùng nhau xắn tay vào công cuộc xây dựng một xã hội mới. Có lần anh nói với tôi:
- Tội ác của chế độ cũ là gây chia rẽ, hận thù. Làm gì có chuyện Việt Cộng khi vào thành thì nhổ hết móng tay của phụ nữ. Thầy sẽ thấy dưới chế độ mới, ai cũng đều có chỗ đứng của mình. Đất nước đã hoang tàn đổ nát quá nhiều rồi, bây giờ thời điểm của xây dựng chứ không phải là của phá hoại.
Thế là vì quá tự tin vào thiện chí trong sáng của mình, anh đã lội ngược dòng mà không hay.
Dù hoàn toàn không đồng ý với anh ở luận điệu “Tội ác của chế độ cũ là gây chia rẽ, hận thù”, nhưng tôi cũng chia sẻ với anh về cái nhìn “Đất nước đã hoang tàn đổ nát quá nhiều rồi, bây giờ thời điểm của xây dựng chứ không phải là của phá hoại”. Chỉ tiếc là, thay vì phải đi động viên, khuyến khích những người thuộc chế độ cũ, thì điều chính yếu là anh cần phải thuyết phục ngay chính những kẻ đang cùng với anh có nhiệm vụ vận hành guồng máy vừa mới tiếp thu được.
Bởi họ đâu có chia sẻ với anh những điều mà anh hằng tâm niệm. Họ tiếp tục đàn áp người của chế độ cũ để trả thù và lợi dụng danh nghĩa trả thù ấy để chiếm đoạt, vơ vét…vào quỹ chung thì ít mà túi riêng thì nhiều. Chỉ riêng việc khi lập biên bản tịch thu những lạng vàng trong cuộc đánh Tư sản, cán bộ chỉ ghi là “Kim loại có mầu vàng” là đủ thấy rõ.
Cho nên, những lời động viên và khuyến khích có tính đi ngược trào lưu của Thành vừa được loan truyền ra thì bỗng nhiên không ai thấy anh lui tới nhà trường nữa. Trước thì chúng tôi tưởng anh ốm đau bệnh hoạn sao đó, sau lại thắc mắc tại sao nhà trường cứ êm ả không nói năng gì về sự vắng mặt của anh. Rồi đùng một hôm Ban Giám Hiệu tổ chức hội họp giáo viên để chính thức giới thiệu viên Hiệu trưởng mới. Bấy giờ thì chúng tôi mới hiểu số phận của anh Thành đã ra sao rồi.
Có thể nói mãi mãi sau này, dù có để tâm dò hỏi, cũng không bao giờ chúng tôi còn nghe được bất cứ tin tức gì của anh nữa, ngoại trừ những lời đồn đoán lúc ban đầu, không được kiểm chứng là anh đã bị đem đi mất tích.
Người thay thế anh như đã tả trong một chương trước, là một tay bộ đội, tuổi trung niên, khi lui tới nhà trường vẫn mặc đồ lính và đeo súng kè kè. Nhân viên Ban Giám Hiệu gọi ông này là “đồng chí Vũ”.
Ông Vũ không đeo quân hàm, nhưng tác phong thì khinh khỉnh với mọi người và sẵn sàng tỏ thái độ hách dịch với đám giáo viên chế độ cũ, như hỏi điều gì cũng nói trống không. Một lần ông ta chỉ vào dàn máy ghi âm khá tối tân đặt trong phòng gắn máy lạnh:
- Cái này là cái gì? Nó phục vụ chức năng gì trong nhà trường cũ?
Rồi quát tháo:
- Ai lo quản thủ những thứ này đây? Sao cứ để máy lạnh chạy cả ngày lẫn đêm không lo tắt bớt lúc không cần đến.
Cũng có nhiều nhân viên cũ có thể đứng ra giải thích đấy. Nhưng ai cũng thấy sợ sệt, mong được yên thân nên không ai dại gì mà cứ ráo riết tranh biện vì lẽ phải. Vì thế, một lệnh của ông Vũ ban ra, bất cứ là thứ lệnh gì, mọi người đều cứ răm tắp tuân theo. Có thể nói, từ ngày ông Vũ được cử về công tác, bầu không khí trong nhà trường cứ như lúc nào cũng bao trùm một vẻ vừa u ám, vừa nặng nề.
Phải chăng ở ngôi trường này, dù là một cơ sở giáo dục, chúng tôi cũng đã bắt đầu ngửi được mùi vị của cái gọi là “chuyên chính vô sản”.