- 20 -
Một cuộc gặp gỡ

     hật đáng ngạc nhiên khi có một hôm thằng Tửu đến tìm tôi và nói:
- Bố em muốn mời thầy tới nhà để hỏi thăm chút chuyện.
Tôi ngạc nhiên:
- Có chuyện gì vậy?
- Em không biết. Nhưng bố em nói là giờ giấc tùy nghi ở thầy. Lúc nào cũng được. Sẽ có xe tới đón thầy tận nhà.
Tôi xua tay:
- Khỏi cần. Tôi đạp xe tới được rồi. Khoảng bảy, tám giờ tối mai, sau bữa cơm chiều.
Lúc Tửu đi khỏi rồi, tôi có hơi băn khoăn về cuộc gặp gỡ này, nhưng xét kỹ thì năm trước, tôi là chủ nhiệm lớp có thằng Tửu theo học. Hẳn ông ta muốn hỏi tôi kỹ càng hơn về thằng con của mình. Đấy cũng là chuyện bình thường.
Hôm sau, cơm nước xong, tôi thong thả đạp xe lên đại lộ Trần Hưng Đạo ở trung tâm Sài Gòn, rẽ vào đường Phát Diệm rồi đi thêm một hồi nữa. Ngôi nhà của thằng Tửu là một căn biệt thự rộng rãi, có hàng rào xi-măng phủ gần kín bởi một dàn ti-gôn đang có những chùm hoa nở rộ. Phía cổng ngoài, có một anh cảnh vệ đang ngồi gác trên một cái ghế gỗ kê ở sát mé tường. Bức tường kéo dài cả ở hai phía, với rặng cây um tùm che phủ gần kín đã khiến cho căn biệt thự này có một vẻ cách biệt hoàn toàn với những nhà chung quanh cùng một khu xóm.
Thằng Tửu đón tôi ngay ở cổng vào. Nó tíu tít khoe mấy cái lồng chim đang treo cao trên một cái xà ngang gần đó. Tôi vì đang bận tâm với cuộc gặp gỡ nên chỉ đáp ứng nguồn vui của nó với giọng ậm ừ. Sau cùng thì tôi cũng đặt chân vào tới căn phòng khách rộng thênh thang, có tràng kỷ, có salon, có tủ kính đựng những món đồ trang trí. Trên tường thì tranh được treo la liệt. Đặc biệt, tôi còn thấy cả một tấm hình chụp quang cảnh của một buổi lễ gắn lon có vẻ được tổ chức sơ sài ngay ngoài trận truyến với dãy trực thăng còn nhìn thấy ở phía xa xa. Nếu không có thằng Tửu bên cạnh thì tôi cứ ngỡ là mình đang đứng trong phòng khách của một vị sĩ quan cao cấp của QL/VNCH trước năm 1975.
Chủ nhà tiếp tôi là một người đàn ông trung niên, nước da đen xạm, mái tóc cắt ngắn, đôi mắt linh hoạt sau cái kiếng trắng lắp trên gọng vàng, và cử chỉ nhanh nhẹn trong một bộ đồ pyjama mầu xanh nước biển có chạy những đường viền mầu đỏ sậm, nhìn cũng khá diêm dúa. Ông ta từ trên cầu thang lầu bước xuống, thấy tôi chăm chăm nhìn những bức hình, liền lên tiếng:
- Toàn là hình chụp của tay Đại tá chủ nhân căn nhà này đó. Ông ta di tản vội vã nên bỏ lại nguyên cái cơ ngơi này.
Tôi không đáp lại mà đảo mắt nhìn ra chung quanh. Quả là “nguyên cái cơ ngơi” còn tồn tại nơi đây, với những bức tranh khảm xà cừ, những cụm đèn để trong các góc có gắn những chùm dây hoa văn đan kết bằng thủy tinh nom rất công phu và quý giá. Đặc biệt, trên trần nhà cao, một dàn đèn dễ có tới cả chục bóng xếp theo hình tròn tỏa ra chung quanh như những cánh hoa đang nở. Mặc dầu dàn đèn này chưa được bật lên, nhưng dưới ánh sáng dịu dàng của mấy ngọn đèn trong góc cũng đủ làm cho những chùm thủy tinh đan kết chung quanh vòm trần tỏa ra những mầu sắc lóng lánh. Thấy tôi có vẻ thắc mắc, ông ta liền giải thích:
- Tôi không có nhu cầu sử dụng cái phòng khách này. Rồi mấy cậu công tác bên Điện ảnh lại xin giữ nguyên trạng căn phòng này để làm sân khấu quay phim nên tôi không dọn dẹp cái gì đi hết.
Quả là cái sự nguyên trạng của căn phòng này như kéo giật tôi về khoảng thời gian trước đó vài năm, khi mà chúng tôi còn nhởn nhơ tin tưởng vào đời sống và không bao giờ nghĩ tới chuyện đổi đời. Có điều, khi nhìn trên tường thấy những huy hiệu, những bằng khen, những bằng tuyên dương hay hình ảnh chiến trường với những chiếc trực thăng lượn lờ, tôi có cảm giác xa lạ như những thứ đó đã trôi vào dĩ vãng rất xa vời. Tôi cũng không lấy làm lạ về cảm giác này bởi vì đời sống bây giờ có quá nhiều điều o ép khắc nghiệt, hầu như không mấy ai còn tâm trí đâu để mà suy nghĩ vẩn vơ. Hầu hết đầu óc mọi người chỉ còn quanh quẩn trong những chuyện tính toán làm sao để có được sự tồn tại trong an ninh, hay những lo lắng tủn mủn nhưng rất bộn bề trong đủ loại hình thức của các cuộc mưu sinh.
Đang lan man suy nghĩ thì ông chủ nhà lại nhắc tôi ngồi vào ghế salon và chỉ vào mấy cái đĩa đặt trên mặt bàn kính như có ý nói với tôi là xin cứ tự nhiên. Tôi thấy trong một đĩa có gói thuốc lá Tam Đảo còn nguyên vừa mới được bóc ra, mấy cái bên cạnh thì xếp đầy nào kẹo lạc, kẹo cứng, kẹo mềm, lại có cả bánh đậu xanh Rồng Vàng Hải Dương nữa. Sau đó thì một anh nhân viên phục vụ còn bưng ra một khay trà có hai cái tách đang nghi ngút bốc khói.
Thật tình là tôi đã thấy ngột ngạt về cung cách tiếp đón quá trịnh trọng này, và trong thâm tâm cũng thấy lo lắng không biết mình đang sắp sửa bị đưa vào một hoàn cảnh nào đây. Vì thế, tôi lên tiếng ngay như để phá vỡ tình trạng băn khoăn:
- Tôi không được rõ ông mời tôi tới đây là vì lý do gì?
Ông ta vội vã xua tay:
- Không…không….Không vì lý do gì hết. Thầy là giáo viên chủ nhiệm lớp thằng Tửu nhà tôi. Đáng lẽ tôi phải tới thăm thầy từ lâu mà vì công việc bề bộn quá, nay mới có dịp sắp xếp được.
Tôi cảm thấy nhẹ nhõm người hơn và mỉm cười:
- Cháu Tửu là đứa thông minh. Tuy có nghịch ngợm khác người, nhưng nó học hành cũng không đến nỗi. Mới đầu thì nó cũng hơi đuối......
- Tất nhiên rồi. Chương trình học ở đây hẳn nặng nề hơn là ở ngoài Bắc. Đã thế lại còn chênh nhau tới 2 cấp lớp.
Tôi gật đầu:
- Vâng, chương trình trung học 12 năm, ngoài Bắc rút xuống còn 10 năm. Nhưng theo tôi, điều quan trọng hơn cả là vào đây, Tửu nó quen thêm được nhiều bạn bè, biết thêm được nhiều cảnh mới, người mới…
Ông ta nhìn tôi, cái nhìn biểu lộ sự đồng tình về điều tôi vừa nói ra. Rồi ông ta gật đầu:
- Đúng vậy. Xã hội bên ngoài cũng mở mang thêm nhận thức của nó chứ. Đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Các cụ ngày xưa đã dạy như vậy rồi mà. Sách vở nhà trường thì chỉ lý thuyết thôi. Thực tế trực quan sinh động mới là cái đáng kể và đáng học nhiều hơn.
Yên lặng một lát, ông ta lại nhìn tôi chăm chú rồi hỏi:
- Nhưng theo Thầy thì cái sự thằng Tửu cứ thích theo bạn bè đi sâu vào xã hội ở trong này, sẽ tốt cho nó hơn hay nó sẽ bị ảnh hưởng tồi tệ đi hơn?
Tôi ngẫm nghĩ rồi trả lời:
- Thành thực mà nói, học sinh trong này có nhiều đám tốt vì được ảnh hưởng bởi giáo dục gia đình cũng như học đường. Nhưng nếu ông hỏi tôi về thằng Tửu thì tôi không thể trả lời. Tôi đâu có theo nó sát nút để biết nó hay giao du với loại nào, với những ai!
Ông ta “à” lên một tiếng khoái trá rồi nói:
- Đó là điều tôi vẫn hằng quan tâm. Thực tình tôi muốn thằng con tôi ‘bung” ra ngoài để nó mở mang thêm tầm mắt và học hỏi thêm ở những con người tốt. Nhưng tôi thì lại bận quá nên không có thì giờ kiểm soát. Cái ngữ nó mà buông lỏng ra, không kiểm soát thì lợi bất cập hại.
Tôi nhìn ông bằng một cái nhìn băn khoăn, không hiểu ông ta định đẩy câu chuyện đi tới đâu trong vấn đề này, và tôi cố giữ yên lặng để không phụ họa theo những lời ông vừa nói. Sau một vài giây yên lặng, ông lên tiếng tiếp:
- Giữa tôi với thầy, có lẽ còn có quá nhiều cách biệt. Nhưng trong thời gian vừa qua, nhìn cung cách giảng dạy của thầy cùng với những tình cảm gắn bó của Tửu đối với thầy, tôi thấy mình tuy khác biệt nhưng cũng có những điểm tương đồng.
Nói rồi ông ngưng lại và nhìn thẳng vào mắt tôi. Tôi thấy lấp lánh trong những tia nhìn đó là một biểu lộ tâm tình thân thiện hơn là che giấu một ý đồ thâm hiểm riêng tư. Nhưng tôi lại vẫn cứ cố làm ngơ như chưa hiểu ông đang nói gì. Mà đúng vậy. Ông ta nói “có những điểm tương đồng”, thật sự trong nhất thời, tôi cũng không thể nghĩ được giữa tôi và ông ta có những tương đồng gì. Rồi ông lại tiếp:
- Xã hội cũng còn nhiều chuyện bất toàn thầy ạ. Nhưng về tương lai lũ trẻ thì mình phải lo lắng trước tiên. Trong phạm vi thu hẹp, tôi chỉ nghĩ đến thằng Tửu nhà tôi, và tôi mong mỏi nó được dìu dắt bởi một người như thầy….
Tôi vội ngắt lời ông ta:
- Tửu đã qua cấp lớp….tôi đâu còn….
Ông ta vội giơ tay ngăn lại:
- Điều đó tôi biết. Mà tôi cũng không dám yêu cầu gì nhiều. Chỉ mong sao rằng tuy Thầy không còn dạy nó ở nhà trường nữa, nhưng nó vẫn có dịp lui tới để gặp gỡ thầy và thầy vẫn có dịp bảo ban nó…Và trong những dịp nó giao du với bạn bè, nhờ thầy tìm hiểu và ngăn chặn kịp thời những ảnh hưởng xấu…
Tôi ấy tôi còn ngập ngừng chưa bầy tỏ ý kiến thì ông đã nói tiếp:
- Thầy đừng nghĩ là phải gánh một trách nhiệm gì to tát quá. Nói thẳng ra là tôi chỉ mong muốn thầy lui tới đây mỗi ngày một, hai giờ để trò chuyện, trao đổi bất cứ vấn đề gì để nó có dịp mở mang cái đầu óc của mình. Tôi sẽ trả thù lao cho thầy để tăng thêm thu nhập. Tôi biết hoàn cảnh của các thầy cô giáo bây giờ rất ngặt nghèo. Nhiều thầy cô đã ra buôn bán chợ trời hay lái xe ôm…
Tôi nhìn thẳng vào mắt ông, rồi nói:
- Vậy xin hỏi thật, ông không ngại tôi tiêm nhiễm cho thằng cháu Tửu những tư tưởng mà chế độ này đã muốn xóa bỏ à?
Ông ta nhún vai, mỉm cười:
- Làm gì mà có chuyện ấy! Họ nói xóa là xóa mấy cái linh tinh bề ngoài thôi kìa. Còn con người, còn cốt cách, còn truyền thồng tốt đẹp bao nhiêu năm, làm sao mà xóa. Thầy yên tâm đi. Tôi không phải là con người quá tả. Mà tôi có đi theo phục vụ cho cách mạng trong ngần ấy năm cũng không phải là tôi mong muốn xây dựng một xã hội nhếch nháp như thế này. Nếu không nghĩ như vậy, tôi đã chẳng lo lắng cho thằng Tửu và mình có cuộc gặp gỡ như thế này…
Tôi suy nghĩ một lát rồi tần ngần:
- Trên nguyên tắc thì tôi xin nhận lời. Tôi sẽ bảo ban cháu Tửu về mặt tư cách, đạo đức, ứng xử ngoài đời cho ra một con người. Nhưng kết quả ra sao, tôi không bảo đảm.
Ông ta giơ hai tay lên cất giọng hoan hỉ:
- Thế là xong rồi. Tôi rất cám ơn thầy đã cất cho tôi được một mối bận tâm cứ lo canh cánh bên lòng. Tôi quá bận rộn nhiều việc, đâu có dành nhiều thì giờ cho nó được.
Sau đó, chúng tôi trao đổi thêm vài câu chuyện vu vơ nữa rồi tôi cáo từ. Ông tiễn tôi ra tới tận cổng và còn đứng dưới hàng rào nhìn theo cho tới khi tôi đạp xe đi khuất.
Trong thâm tâm, chính tôi cũng không hiểu mình đã vừa đưa ra một quyết định đúng đắn hay sai lầm. Bởi vì, với ông ta, tôi chưa từng quen biết, chưa hiểu rõ thực sự ông ta là loại người nào. Nói cho ngay, qua cung cách phát biểu, tôi thấy ông đã có một mối quan tâm chính xác về tương lai thằng Tửu. Nó còn phải được học hỏi thêm nhiều, để rũ bỏ được những dấu ấn còn in hằn trong tâm hồn của nó sau những năm nó sống theo bản năng ở miền Bắc trong suốt bao nhiêu năm khó khăn của cuộc chiến.
Tuy nhiên, tôi vẫn cảm thấy lấn cấn khi nhận lời làm công việc như ông bố của Tửu mong đợi. Cái lấn cấn là ở chỗ, tôi tự hỏi toàn bộ cái xã hội này với những con người hiền hòa của miền Nam cũ, và ngay cả với chính tôi, rồi ra mọi người sẽ gìn giữ bản chất được bao lâu dưới cái chính thể vẫn đang tiếp tục gieo rắc đầy dẫy những sai lầm trong mọi công cuộc điều hành đất nước?