CHƯƠNG 15
VƯƠNG VỊ TRÊN TRÁI ĐẤT

     ại Hồng thủy, một trải nghiệm kinh hoàng đối với Loài người và cũng không phải là điều gì tốt đẹp đối với “các vị thần” – những người Nefilim.
Đại Hồng thủy và đối vớiTheo lời kể trong những bản danh sách các vị vua của người Sumer, “trận Đại Hồng thủy đã tràn qua” và bao công sức xây dựng suốt 120 shar đã đổ xuống sông xuống bể chỉ trong một đêm. Những khu mỏ ở miền nam châu Phi, những thành phố ở Mesopotamia, trung tâm điều khiển ở Nippur, sân bay vũ trụ ở Sippar – tất cả đều bị chôn vùi dưới nước lũ và bùn. Ngồi trong những chiếc phi thuyền bay lượn trên Mặt đất tan hoang, người Nefilim sốt ruột chờ đợi nước rút để có thể đặt chân lên nền đất cứng một lần nữa.
Sau này họ sẽ sống như thế nào trên Trái đất khi các thành phố và các cơ sở biến mất và ngay cả nguồn nhân lực của họ – Loài người – cũng bị hủy diệt hoàn toàn?
Cuối cùng khi những nhóm người Nefilim sợ hãi, kiệt sức và đói khát hạ cánh xuống những đỉnh núi của ngọn “Núi Cứu thế”, họ thực sự cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi phát hiện ra rằng Loài người và các loài động vật không hoàn toàn bị xóa sổ. Ngay cả Enlil, tuy ban đầu rất tức giận khi biết rằng mục đích của mình không được trọn vẹn như ý muốn nhưng sau đó đã nhanh chóng thay đổi cách nghĩ.
Quyết định mà các vị thần đưa ra là một quyết định đầy tính thực tế. Đối mặt với những điều kiện kinh khủng hiện tại, người Nefilim phải gạt sang một bên những tham vọng đối với Loài người, xắn tay áo lên và không bỏ phí thời gian truyền lại cho con người những kỹ thuật cày cấy và chăn nuôi gia súc. Bởi vì sự sinh tồn rõ ràng phụ thuộc vào tốc độ phát triển nền nông nghiệp và thuần dưỡng súc vật nhằm duy trì sự sống cho bản thân các vị thần và loài người đang sinh sôi nảy nở nhanh chóng, nên người Nefilim đã ứng dụng những tri thức khoa học tiên tiến của mình để thực hiện nhiệm vụ này.

*

Vì không ý thức được rằng những thông tin này có thể đúc rút từ Kinh thánh và các ghi chép của người Sumer nên nhiều nhà khoa học nghiên cứu về nguồn gốc ra đời của nông nghiệp đã đưa ra kết luật rằng việc con người “khám phá” ra cách thức sản xuất nông nghiệp vào khoảng 13.000 năm trước đây có liên quan tới hiện tượng khí hậu “vừa ấm lên” diễn ra sau khi kỷ băng hà cuối cùng kết thúc. Tuy nhiên, trước các nhà khoa học hiện đại ngày nay một thời gian dài, Kinh thánh cũng đã đặt sự khởi đầu của nền nông nghiệp trong mối tương quan với thời kỳ hậu Hồng thủy.
“Mùa gieo và Mùa gặt” được Sáng Thế Ký mô tả như là món quà của thần linh ban cho Noah và con cái của ông trong giao ước hậu Hồng thủy giữa Đức Chúa và Con người:
Bao lâu Đất này còn,
Sẽ không ngừng đắp đổi
Mùa gieo và Mùa gặt,
Trời lạnh và Trời nóng,
Tiết hạ và Tiết đông,
Ban ngày và ban đêm.
Sau khi được truyền lại kiến thức về nông nghiệp, “Noah làm nghề nông, ông là người đầu tiên trồng nho”: Ông trở thành người nông dân đầu tiên sau trận Hồng thủy tham gia vào nhiệm vụ trồng cấy thâm canh đầy phức tạp.
Các ghi chép của người Sumer cũng mô tả việc các vị thần truyền lại cho con người cả kiến thức về nông nghiệp và cách thuần hóa các loài vật.
Trong quá trình lần theo thời kỳ đầu tiên của nền sản xuất nông nghiệp, các chuyên gia đương đại đã phát hiện ra rằng có vẻ như nền nông nghiệp xuất hiện đầu tiên ở vùng Cận Đông, nhưng không phải trên những vùng đồng bằng và thung lũng màu mỡ, dễ trồng cấy. Thay vào đó, nền nông nghiệp bắt đầu trên những rặng núi dọc theo những vùng đồng bằng thấp tạo thành hình bán nguyệt. Tại sao các nông dân thời cổ đại không lựa chọn vùng đồng bằng mà lại giới hạn việc gieo trồng và gặt hái trong địa hình đồi núi khó khăn hơn nhiều?
Câu trả lời hợp lý duy nhất cho câu hỏi trên là những vùng đất thấp này vẫn chưa có bóng người vào thời kỳ nền nông nghiệp xuất hiện; 13.000 năm trước các khu vực thấp trũng này vẫn chưa đủ khô ráo sau trận Hồng thủy. Phải mất nhiều thiên niên kỷ thì các đồng bằng và thung lũng này mới đủ khô ráo để con người từ những dãy núi bao quanh Mesopotamia di chuyển tới đây và định cư trên các vùng đồng bằng thấp trũng này. Quả thực đây chính là những gì mà Sáng Thế Ký nói với chúng ta: Sau nhiều thế hệ kể từ trận Đại Hồng thủy, Con người đến “từ phía đông” – từ những khu vực đồi núi phía tây Mesopotamia – “tìm thấy một vùng đồng bằng ở xứ Shin’ar [Sumer] và định cư ở đó”.
Các ghi chép của người Sumer khẳng định rằng ban đầu Enlil rải hạt ngũ cốc “ở vùng đồi núi” – không phải đồng bằng – và rằng ngài có thể thu hoạch được ở vùng đồi núi bằng cách giữ cho nước lụt không dâng lên. “Ngài chặn các quả núi bằng một cánh cửa.” Tên của vùng đất đồi núi ở phía đông Sumer này, E.LAM, có nghĩa là “ngôi nhà nơi cây cối nảy mầm”. Sau đó, hai trợ thủ của Enlil là thần Ninazu và Ninmada đã mở rộng việc trồng ngũ cốc xuống các vùng đồng bằng trũng thấp để cuối cùng “Sumer, xứ sở không biết đến thóc lúa, rồi cũng biết thóc lúa là gì”.
Các chuyên gia với quan điểm hiện tại cho rằng nền nông nghiệp bắt đầu với việc thuần dưỡng lúa emmer hoang để làm lúa mỳ và lúa mạch lại không thể giải thích được làm thế nào mà những giống lúa cổ xưa nhất (như giống lúa được tìm thấy trong chiếc hang Shanidar) đều đồng nhất và mang tính chuyên biệt cao. Tự nhiên phải mất hàng ngàn thế hệ chọn lọc gen để đạt được một mức độ phức tạp dù là khiêm tốn nhất. Vậy mà chúng ta không hề tìm thấy dấu vết về thời kỳ, thời gian hay địa điểm diễn ra quá trình lâu dài và chậm chạp đó trên Trái đất. Kỳ tích về di truyền thực vật này không thể nào giải thích nổi, trừ phi đó không phải là quá trình chọn lọc tự nhiên mà là có sự can thiệp nhân tạo.
Lúa mỳ Spelt, một loại lúa mỳ hạt nhỏ, còn là một bí ẩn lớn hơn nữa. Nó là sản phẩm của “một hỗn hợp khác thường của gen thực vật”, không phải là sự phát triển hay biến đổi từ một nguồn gen nhất định. Rõ ràng nó là kết quả của việc trộn lẫn các gen của một số loài thực vật. Còn việc con người thay đổi các loài động vật thông qua quá trình thuần hóa chỉ trong vài ngàn năm cũng là một vấn đề gây nhiều tranh cãi.
Các chuyên gia đương đại không có câu trả lời cho những vấn đề này và cũng không giải thích được cho câu hỏi chung rằng tại sao vùng bán nguyệt đồi núi ở vùng Cận Đông cổ đại trở thành nơi cung cấp liên tục các giống ngũ cốc, thực vật, cây trồng, cây ăn quả, rau và động vật thuần hóa mới.
Nhưng người Sumer lại biết câu trả lời. Họ cho rằng, những hạt giống này là món quà được Anu từ trên Thiên Cung gửi xuống Trái đất. Lúa mỳ, lúa mạch và cây gai dầu được đưa xuống Trái đất từ Hành tinh thứ Mười hai. Nền nông nghiệp và việc thuần hóa động vật là những món quà theo thứ tự được Enlil và Enki trao cho Con người.
Không chỉ sự xuất hiện của người Nefilim mà những lần Hành tinh thứ Mười hai đến gần Trái đất dường như cũng đóng một vai trò quan trọng trong 3 giai đoạn phát triển chủ yếu diễn ra cách nhau 3.600 năm của văn minh nhân loại hậu Hồng thủy: văn minh nông nghiệp vào khoảng năm 11000 TCN, thời kỳ Đồ đá mới vào khoảng năm 7500 TCN và nền văn minh đột ngột vào năm
3800 TCN.
Có vẻ như người Nefilim đã truyền thụ kiến thức cho Con người theo mức định sẵn, theo chu trình trùng với chu kỳ Hành tinh thứ Mười hai trở lại gần Trái đất. Như thể trước khi ban ra mệnh lệnh “tiếp tục”, giữa các “vị thần” đã có một số hoạt động xem xét thực địa, tham vấn trực tiếp vốn chỉ có thể tiến hành trong thời kỳ “cửa sổ”, thời kỳ có thể thực hiện các chuyến bay giữa Trái đất và Hành tinh thứ Mười hai.
“Sử thi Etana” cho ta cái nhìn tổng quát về những cuộc tranh luận đã diễn ra. Thiên sử thi này kể rằng trong những ngày tháng hậu Hồng thủy:
Các Anunnaki vĩ đại quyết định số mệnh
ngồi trao đổi ý kiến của mình về xứ sở.
Họ đã lập nên 4 vùng,
những đấng góp tay dựng nên các khu định cư, trông nom toàn
xứ sở,
họ quá cao quý so với Con người.
Câu chuyện kể rằng người Nefilim đã đi đến kết luận rằng họ cần có một đối tượng trung gian giữa họ và đám đông người phàm kia. Họ quyết định rằng mình phải là các vị thần – các elu trong tiếng Akkad, có nghĩa là “những Đấng Cao quý”. Để tạo nên chiếc cầu nối giữa họ, những chúa tể, với Loài người, họ đã tạo nên “Vương vị” trên Trái đất: bổ nhiệm một con người làm vua để đảm bảo sự phụng sự của Con người đối với các vị thần và đóng vai trò là kênh truyền đạt tri thức và luật pháp của các vị thần tới cho Con người.
Một bản ghi chép về chủ đề này mô tả tình hình trước khi Con người được trao vương miện hay được ban quyền trượng, tất cả những biểu tượng của Vương vị này – cộng thêm cả chiếc gậy của Đấng Chăn chiên, biểu tượng của công bằng và chính nghĩa – đều “được đặt trước mặt Anu trên Thiên đường”. Tuy nhiên, sau khi các vị thần đi đến quyết định này, “Vương vị đã được trao từ trên Thiên đường” xuống Trái đất.
Các ghi chép của cả người Sumer và người Akkad đều khẳng định rằng người Nefilim đã giữ lại “Địa vị Chúa tể” trên các vùng đất và để con người lần đầu tiên xây dựng lại những thành phố từ thời trước Hồng thủy đúng tại nơi mà chúng từng tồn tại và theo đúng như kế hoạch: “Hãy đặt những viên gạch của tất cả các thành phố vào những vị trí đã định, hãy để tất cả [những viên gạch] này nằm trên các thánh địa.” Sau đó, Eridu là thành phố đầu tiên được xây dựng lại.
Sau đó người Nefilim đã giúp con người lên kế hoạch xây dựng kinh thành đầu tiên và họ ban phước cho nó. “Thành này sẽ là chiếc nôi nơi Con người nghỉ ngơi. Đức Vua là Đấng Chăn chiên.”
Các ghi chép của người Sumer cho ta biết rằng kinh thành đầu tiên của Con người chính là Kish. “Khi Vương vị một lần nữa được trao xuống từ Thiên đường, Vương vị nằm ở Kish.” Tuy nhiên bản danh sách các vua của người Sumer lại bị vỡ ngay tại nơi khắc tên vị vua đầu tiên của Loài người. Nhưng chúng ta vẫn biết rằng ông ta đã bắt đầu một triều đại kéo dài qua nhiều đời với kinh thành được dời từ Kish tới Uruk, Ur, Awan, Hamazi, Aksak, Akkad, sau đó tới Ashur và Babylon và các kinh thành sau này.
“Bảng danh sách các Nước” trong Kinh thánh cũng coi Nimrud – vị tổ phụ của các vương quốc Uruk, Akkad, Babylon và Assyria – là người đến từ thành Kish. Nó ghi lại quá trình mở rộng của Con người, xứ sở và Vương vị của họ, cũng như kết quả của việc Loài người được chia thành 3 nhánh sau trận Đại Hồng thủy. Được đặt tên theo tên gọi của các ông tổ là 3 người con trai của Noah, họ gồm có người dân và xứ sở của Shem, những người sinh sống ở Mesopotamia và vùng Cận Đông; người Ham, những người định cư ở châu Phi và một số khu vực của Ả-Rập; và người Japheth thuộc hệ Ấn-Âu ở vùng Tiểu Á, Ấn Độ và châu Âu.
Hiển nhiên 3 nhánh này là 3 “vùng” định cư đã được các Anunnaki vĩ đại bàn bạc. Mỗi vùng được giao cho một trong số các vị thần đứng đầu phụ trách. Dĩ nhiên một trong 3 vùng đó là Sumer, khu vực của người Semite, nơi nền văn minh lớn đầu tiên của con người nở rộ.
Hai khu vực còn lại cũng trở thành nơi chứng kiến sự phát triển của các nền văn minh thịnh vượng. Vào khoảng năm 3200 TCN – khoảng nửa thiên niên kỷ sau sự bùng nổ của nền văn minh Sumer – một quốc gia với Vương vị và nền văn minh lần đầu tiên xuất hiện trong thung lũng sông Nile và trở thành nền văn minh Ai Cập vĩ đại thời kỳ đó.
Mãi đến 50 năm trước đây chúng ta mới biết về sự tồn tại của nền văn minh Ấn-Âu lớn đầu tiên. Đến nay chúng ta có thể khẳng định rằng đã có một nền văn minh tiến bộ với những thành phố lớn, nền nông nghiệp phát triển, giao thương thịnh vượng tồn tại ở thung lũng sông Ấn thời kỳ cổ đại. Các chuyên gia tin rằng nền văn minh này hình thành khoảng 1.000 năm sau khi nền văn minh Sumer bắt đầu. (Hình 161)
Các ghi chép cổ đại và những bằng chứng khảo cổ đã chứng minh cho mối liên hệ gần gũi về văn hóa và kinh tế giữa các nền văn minh ở lưu vực 2 con sông này với nền văn minh Sumer có từ trước. Hơn thế nữa, đa số các chuyên gia đều bị thuyết phục bởi các bằng chứng trực tiếp và gián tiếp rằng các nền văn minh của sông Nile và sông Ấn không chỉ có liên hệ mà thực sự là sản phẩm của nền văn minh Mesopotamia lâu đời hơn.
Người ta đã phát hiện ra rằng dưới lớp “da” bằng đá của các kim tự tháp, những lăng mộ hùng vĩ nhất của Ai Cập mô phỏng theo kiểu tháp ziggurat của người Mesopotamia; và chúng ta có lý do để tin rằng kiến trúc sư thiên tài tạo ra các bản thiết kế và giám sát việc xây dựng các kim tự tháp vĩ đại này là một vị thần được người Sumer sùng kính. (Hình 162)

Hình 161

Người Ai Cập cổ đại đặt tên cho xứ sở của mình là “Xứ sở được Nâng lên” và trong ký ức tiền sử của họ có “một vị thần vĩ đại đến đây từ thời xa xưa nhất” phát hiện ra vùng đất này nằm ngập dưới nước và bùn lầy. Ngài đã tiến hành những công việc cải tạo vĩ đại để “nâng” vùng đất Ai Cập từ dưới nước lên. “Huyền thoại” này mô tả chính xác vùng thung lũng thấp trũng của sông Nile thời kỳ hậu Hồng thủy; và ta có thể chỉ ra rằng vị lão thần đó không ai khác chính là Enki, kỹ sư trưởng của người Nefilim.

Hình 162

Cho đến nay tuy nền văn minh châu thổ sông Ấn vẫn còn rất nhiều bí ẩn nhưng chúng ta biết rõ rằng nền văn minh này cũng tôn sùng con số 12 là con số thần thánh tối cao; rằng họ khắc họa các vị thần của mình có hình dáng như con người với những chiếc mũ có sừng; và rằng họ sùng kính biểu tượng chữ thập – ký hiệu của Hành tinh thứ Mười hai. (Hình 163, 164)
Nếu cả 2 nền văn minh này đều bắt nguồn từ Sumer, thì tại sao ngôn ngữ viết của chúng lại khác nhau? Các nhà khoa học khẳng định rằng các loại chữ viết này không hề khác nhau. Điều này được công nhận lần đầu tiên vào năm 1852, khi Reverend Charles Foster (The One Primeval Language – tạm dịch: Một ngôn ngữ nguyên thủy) chứng tỏ rằng tất cả các ngôn ngữ cổ đại được giải mã cho đến thời bấy giờ, bao gồm cả tiếng Trung Quốc cổ và các ngôn ngữ Viễn Đông khác đều bắt nguồn từ một ngôn ngữ nguyên thủy – và ngôn ngữ đó được chỉ ra là tiếng Sumer.

Hình 163

Một số loại chữ tượng hình không chỉ đơn thuần là có nghĩa giống nhau, vốn có thể là kết quả của sự trùng hợp, mà chúng còn có nhiều nghĩa khác giống nhau và có cùng âm thanh ngữ âm – điều chỉ xảy ra khi chúng có cùng một nguồn gốc. Gần đây, các chuyên gia đã chỉ ra rằng những bản khắc đầu tiên của Ai Cập sử dụng một loại ngôn ngữ biểu thị sự phát triển từ trước về mặt chữ viết; nơi duy nhất có ngôn ngữ viết với trình độ phát triển trước chính là Sumer.
Vậy là chúng ta có một ngôn ngữ viết không hiểu vì lý do nào đó đã phân tách thành 3 ngôn ngữ khác nhau: tiếng Mesopotamia, tiếng Ai Cập/Hamitic và tiếng Ấn-Âu. Sự phân tách này có thể là quá trình tự diễn ra theo thời gian, không gian và khoảng cách địa lý. Tuy nhiên các ghi chép của người Sumer nói rằng nó là kết quả của một quyết định do các vị thần đưa ra và lại là do Enlil khởi xướng. Những câu chuyện của người Sumer về chủ đề này cũng xuất hiện trong câu chuyện Kinh thánh nổi tiếng về Tháp Babel với nội dung: “mọi người đều nói một thứ tiếng và dùng những từ như nhau”. Nhưng sau khi những người này đến định cư ở Sumer, biết được kỹ thuật làm gạch, xây dựng thành phố và dựng lên những tòa tháp cao (ziggurat), họ đã lên kế hoạch tự chế tạo cho mình một chiếc shem và một chiếc tháp để phóng nó. Vì lẽ đó “Ðức Chúa đã làm xáo trộn tiếng nói của mọi người trên Mặt đất”.
Việc Ai Cập được nâng lên từ vùng nước lầy lội đi kèm với những dẫn chứng về ngôn ngữ và các ghi chép của người Sumer cùng với Kinh thánh càng củng cố vững chắc cho kết luận của chúng tôi rằng 2 nền văn minh vệ tinh kia đã không phát triển một cách ngẫu nhiên. Ngược lại, chúng đều được lên kế hoạch và được thực hiện theo quyết định mà người Nefilim đưa ra.
Rõ ràng là do lo sợ Loài người thống nhất về văn hóa và mục đích, người Nefilim đã áp dụng chính sách đế quốc: “Chia để trị”. Vì khi Loài người đạt đến trình độ văn hóa có thể chinh phục được bầu trời và từ đó “chẳng có gì chúng định làm mà không làm được” thì vị thế của chính bản thân người Nefilim sẽ bị giảm sút. Đến thiên niên kỷ 3 TCN, những vị thần con cháu, chưa kể các vị á thần, đang gây áp lực lớn lên các vị thần già cả vĩ đại.
Cuộc đối đầu đầy cay đắng giữa Enlil và Enki được truyền lại cho những người con trai của họ và những cuộc đấu đá dữ dội tranh giành địa vị tối cao nổ ra liên miên không dứt. Ngay cả các con trai của Enlil – như ta đã thấy ở các chương trước – cũng lao vào cuộc chiến huynh đệ tương tàn và các con trai của Enki cũng vậy. Đúng như những gì được ghi chép lại trong lịch sử Loài người, các đấng chúa tể tìm cách giữ hòa khí giữa các con của mình bằng cách phân chia lãnh địa cho từng người thừa kế. Ít nhất trong một trường hợp mà chúng ta biết, một người con trai (Ishkur/Adad) đã được Enlil cố ý đẩy đi làm vị thần địa phương ở Xứ sở Đồi núi.
Thời gian trôi qua, các vị thần trẻ này rồi cũng trở thành chúa tể, mỗi vị bảo vệ lãnh thổ, lĩnh vực hay ngành nghề mà mình được trao quyền cai quản trong sự đố kỵ. Các vị vua con người là mối liên hệ trung gian giữa các vị thần và loài người đang phát triển lan rộng khắp nơi. Chúng ta không nên phớt lờ tuyên bố của các vị vua cổ đại rằng họ tiến hành chiến tranh, chinh phục những vùng đất mới hay khuất phục những dân tộc xa xôi “theo mệnh lệnh của thần linh”. Nhiều ghi chép đã khẳng định rằng điều đó hoàn toàn đúng đắn theo nghĩa đen. Các vị thần nắm giữ quyền tiến hành các hoạt động đối ngoại, bởi các hoạt động này liên quan đến các vị thần khác ở những lãnh thổ khác. Bởi vậy, họ có quyền đưa ra tiếng nói quyết định trong các vấn đề về chiến tranh và hòa bình.
Với sự phát triển nhanh chóng của con người, bang thành, đô thị và các làng quê, việc tìm ra những cách thức để nhắc nhở con người nhớ về chúa tể hay “Đấng Cao quý” của họ càng trở nên bức thiết. Kinh Cựu ước cũng đề cập đến vấn đề con người cần trung thành với Đức Chúa của họ và không “bán rẻ mình theo các vị thần khác”. Giải pháp được đưa ra là xây dựng thật nhiều nơi thờ cúng và đặt vào trong mỗi đền thờ những biểu tượng và hình ảnh của những vị thần “xứng đáng”.
Kỷ nguyên của tôn giáo đa thần bắt đầu.

*

Các ghi chép của người Sumer cho ta biết rằng, sau trận Hồng thủy, người Nefilim đã tiến hành những buổi bàn bạc trong thời gian dài về tương lai của các vị thần và con người trên Trái đất. Kết quả của những cuộc tranh luận đó là họ đã “tạo ra 4 vùng”. Ba vùng trong số đó – Mesopotamia, thung lũng sông Nile và thung lũng sông Ấn – đã được con người đến định cư.
Vùng thứ tư là “vùng thiêng” – một thuật ngữ có nghĩa gốc là “chuyên biệt, hạn chế”. Đây là một “xứ sở thuần khiết” chỉ dành riêng cho các vị thần, một vùng đất chỉ đến được khi được phép; việc xâm nhập có thể dẫn đến những cái chết nhanh chóng bởi những “vũ khí khủng khiếp” được những người lính canh dữ dằn sử dụng. Xứ sở hay vùng đất này được gọi là TIL.MUN (nghĩa đen là “nơi của những tên lửa”). Đó là khu vực cấm nơi người Nefilim xây dựng lại căn cứ vũ trụ của mình sau khi căn cứ tại Sippar bị trận Đại Hồng thủy cuốn trôi.
Một lần nữa khu vực này được đặt dưới quyền chỉ huy của Utu/Shamash, vị thần phụ trách những quả tên lửa. Những vị anh hùng cổ đại như Gilgamesh đã tìm cách đến được Xứ sở Trường sinh, được một chiếc shem hay một Đại bàng đưa tới Thiên Cung của các vị thần. Chúng ta hãy nhớ lại lời khẩn cầu của Gilgamesh hướng tới Shamash:
Xin hãy để con bước vào Xứ sở, hãy cho con phóng chiếc Shem
của mình…
Bằng cuộc sống của vị nữ thần đã sinh ra con,
với vị vua trung thành thuần khiết, người cha của con
con thẳng bước tới Xứ sở!
Những câu chuyện từ thời cổ đại – và thậm chí là lịch sử được ghi chép lại – đều nhắc đến những nỗ lực không ngừng nghỉ của con người để “đến được xứ sở này”, tìm thấy “Cây Trường sinh”, có được niềm hạnh phúc vĩnh cửu giữa các vị thần của Thiên đường và Mặt đất. Khát vọng này là cốt lõi của tất cả các tôn giáo với cội rễ bắt nguồn từ Sumer: Niềm hy vọng rằng công lý và chính nghĩa mà con người theo đuổi trên Trái đất sẽ đưa đến một “kiếp sau” ở nơi Thiên đường nào đó.
Nhưng xứ sở xa vời của thần linh này nằm ở đâu?
Câu hỏi này có thể trả lời được. Các bằng chứng đều ở đó nhưng lơ lửng phía trên nó lại là những câu hỏi khác. Từ bấy đến nay Loài người đã chạm trán với người Nefilim chưa? Điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta lại chạm trán với họ lần nữa?
Và nếu như người Nefilim là những “vị thần” đã “sáng tạo” ra Con người trên Trái đất thì phải chăng người Nefilim được tạo ra trên Hành tinh thứ Mười hai chỉ thông qua quá trình tiến hóa?

Xem Tiếp: ----