CHƯƠNG 11
CUỘC NỔI LOẠN CỦA CÁC ANUNNAKI

     au khi đích thân xuống Trái đất, Enlil đã tước “Bộ Chỉ huy Trái đất” khỏi tay Enki. Có lẽ đây là thời điểm mà tên gọi của Enki được đổi thành E.A (“Chúa tể các Vùng nước”) thay vì “Chúa tể Mặt đất” như trước đây.
Các ghi chép của người Sumer giải thích rằng vào giai đoạn khi các vị thần này mới đến Trái đất, họ đã đồng thuận một phương án phân chia quyền lực: Anu ở trên Thiên đường và cai trị Hành tinh thứ Mười hai; Enlil được chỉ huy dưới Mặt đất; và Enki được giao phụ trách AB.ZU (apsu trong tiếng Akkad). Lần theo nghĩa “vùng nước” của cái tên E.A, các chuyên gia đã dịch nghĩa của AB.ZU là “Vùng Nước sâu” với giả thuyết rằng trong thần thoại Hy Lạp, Enlil đại diện cho Thần Sấm sét Zeus và Ea là nguyên mẫu của thần Poseidon, vị thần của các Đại dương.
Trong các trường hợp khác, lãnh địa của Enlil được cho là Thượng Giới và lãnh địa của Ea là Âm Phủ; các chuyên gia lại một lần nữa cho rằng các thuật ngữ này đồng nghĩa với việc Enlil kiểm soát bầu khí quyển Trái đất còn Ea là Đấng Cai trị của “những vùng nước sâu dưới mặt đất” – giống như Địa ngục của người Hy Lạp. Thuật ngữ abyss của chúng ta có nguồn gốc từ từ apsu có nghĩa là những vùng nước sâu thẳm, tối tăm, nguy hiểm mà con người có thể chìm xuống đó và biến mất. Bởi vậy, khi đọc được những ghi chép của người Mesopotamia mô tả về Âm Phủ này, các chuyên gia đã dịch nó thành Unterwelt (“thế giới ngầm bên dưới lòng đất”) hay Totenwelt (“thế giới của tử thần”. Chỉ đến gần đây một số nhà Sumer học đã giảm bớt phần nào ý nghĩa tiêu cực cho nó bằng cách sử dụng thuật ngữ netherworld (thế giới dưới thấp) khi dịch nghĩa từ này.
Những ghi chép của người Mesopotamia dẫn đến cách diễn giải sai lầm như vậy chính là một loạt những nghi thức tế lễ khóc than sự biến mất của Dumuzi, nhân vật còn nổi tiếng hơn trong Kinh thánh và các ghi chép của người Canaanite dưới cái tên thần Tammuz. Vị thần này chính là người có mối tình nổi tiếng sâu đậm nhất với nữ thần Inanna/Ishtar; và khi ngài biến mất, nữ thần này đã xuống Âm Phủ để tìm ngài.
Cuốn Tammuz-Liturgen und Verwandtes của P. Maurus Witzel, một tác phẩm lớn về “những ghi chép liên quan đến Tammuz” của người Sumer và người Akkad, chỉ càng khắc sâu thêm quan niệm sai lầm đó. Câu chuyện sử thi về chuyến đi tìm chồng của Ishtar được coi là một hành trình “tới vương quốc của tử thần và cuối cùng nàng đã quay trở về với xứ sở của sự sống”.
Các ghi chép của người Sumer và Akkad kể về chuyến đi của Inanna/Ishtar xuống Âm Phủ cho ta biết rằng vị nữ thần này quyết định đến thăm người chị Ereshkigal, vị Chủ thần của nơi này. Ishtar tới đó không phải trong tình trạng đã chết hay trái với ý nguyện của mình – nàng đến đó đầy sinh khí và đường đột, mở đường tiến vào bằng cách đe dọa tên gác cửa:
Nếu ngươi không chịu mở cánh cổng để ta vào,
Ta sẽ phá tan cánh cửa, ta sẽ đánh nát cái then,
Ta sẽ phá tan khung cửa, ta sẽ quẳng cánh cửa đi.
Lần lượt 7 cánh cửa dẫn tới cung điện của Ereshkigal đều mở ra trước mặt Ishtar; nhưng khi nàng vào được cung điện và khi nhìn thấy nàng, Ereshkigal liền nổi cơn giận dữ (bản ghi chép tiếng Akkad viết rằng “nổi trận lôi đình ngay khi nàng xuất hiện”). Bản ghi chép của người Sumer không nói rõ mục đích của chuyến đi này hay nguyên nhân khiến Ereshkigal tức giận và cho hay Inanna đã đoán trước được sự đón tiếp này. Nàng đã nỗ lực thu hút chú ý của các vị thần lớn về chuyến đi của mình trước khi lên đường và đảm bảo rằng họ sẽ có những động thái giải cứu nàng trong trường hợp nàng bị nhốt dưới “Đáy sâu”.
Phu quân của Ereshkigal – Chúa tể của Âm Phủ – chính là Nergal. Cách chàng đến với thế giới Đáy sâu và trở thành chúa tể chốn này không chỉ thể hiện phần “người” của các vị “thần” mà còn cho thấy rằng Âm Phủ không phải một “thế giới của tử thần”.
Theo một số dị bản, câu chuyện bắt đầu từ một bữa tiệc với khách mời danh dự là Anu, Enlil và Ea. Bữa tiệc được tổ chức “trên Thiên đường”, nhưng không phải ở cung điện của Anu trên Hành tinh thứ Mười hai. Có lẽ nó diễn ra trong khoang một phi thuyền đang bay trên quỹ đạo, bởi vì khi Ereshkigal không thể lên dự tiệc cùng với họ, các vị thần này đã cử một sứ giả “đi xuống theo một chiếc thang dài, tới trước cửa nhà Ereshkigal”. Sau khi nhận lời mời, Ereshkigal đưa ra chỉ thị cho Namtar, cố vấn của mình:
“Namtar, hãy trèo lên chiếc thang dài đó tới Thiên đường;
Lấy đĩa thức ăn ở trên bàn, lấy phần của ta;
Bất cứ thứ gì Anu đưa cho ngươi, hãy mang về cho ta.”
Khi Namtar bước vào phòng tiệc, tất cả các vị thần ngoại trừ “vị thần trọc đầu ngồi ở phía sau” đều đứng dậy chào đón ông ta. Namtar báo cáo việc này lại với Ereshkigal khi trở về Âm Phủ. Nàng và tất cả các vị thần cấp dưới trong lãnh địa của mình đều cảm thấy bị xúc phạm. Nàng yêu cầu đưa vị thần khiếm nhã đó tới chỗ nàng để chịu trừng phạt.
Tuy nhiên, kẻ khiếm nhã này lại là Nergal, con trai của thần Ea vĩ đại. Sau bị cha mình quở trách nặng nề, Nargal được bày cho cách xuống Âm Phủ một mình, với vũ khí trong tay chỉ là những lời khuyên của người cha về cách ứng xử. Khi Nergal tới cửa điện, Namtar nhận ra chàng là vị thần khiếm nhã kia và dẫn chàng vào “sân điện lớn”, nơi chàng sẽ phải trải qua vài thử thách.
Ereshkigal đi tắm…
… nàng cởi hết xiêm y.
Việc làm bình thường đối với đàn ông và đàn bà,
chàng… trong trái tim chàng…
… họ ôm chặt lấy nhau,
họ đưa nhau vào giường trong cơn đam mê.
Họ làm tình suốt 7 ngày đêm. Ở trên Thượng Giới, báo động về sự mất tích của Nergal. “Hãy để ta đi”, chàng nói với Ereshkigal. Chàng hứa: “Ta đi và sẽ quay lại”. Nhưng ngay sau khi chàng bước đi, Namtar tới gặp Ereshkigal và cáo buộc rằng Nergal không hề có ý định trở lại. Một lần nữa Namtar được cử lên gặp Anu. Thông điệp của Ereshkigal rất rõ ràng:
Ta, con gái của Người, còn trẻ;
Ta chưa trải qua niềm vui thiếu nữ…
Vị thần mà Người cử xuống
đã ăn nằm với ta.
Hãy cử chàng xuống với ta, để chàng trở thành chồng ta,
Để chàng sống cùng ta.
Vốn chưa hề có ý định kết hôn, Nergal đem một đội quân viễn chinh và khuấy đảo những cổng thành của Ereshkigal với mục đích “cắt đầu nàng ta”. Nhưng Ereshkigal đã van nài:
“Hãy làm chồng thiếp và thiếp sẽ là vợ chàng.
Thiếp sẽ để chàng cai quản
xứ Âm Phủ bao la này.
Ta sẽ đặt Tấm bảng Trí tuệ vào tay chàng.
Chàng sẽ là Chúa tể, thiếp sẽ là Phu nhân”
Và tiếp theo là một cái kết hạnh phúc:
Khi Nergal nghe được lời nàng,
Chàng nắm lấy tay nàng và hôn nàng,
Gạt đi nước mắt của nàng:
«Những gì nàng ao ước
trong những tháng qua – giờ sẽ trở thành sự thật!”
Những sự kiện này không có vẻ gì là diễn ra trên Xứ sở của Thần chết. Trái lại, đó là nơi mà các vị thần có thể ra vào, nơi để yêu đương, nơi đủ quan trọng và tin tưởng để giao phó một cô cháu gái của Enlil vào tay một người con trai của Enki. Nhận thấy rằng những thực tế này không giống với quan niệm về một chốn tối tăm ảm đạm trước đây, W. F. Albright (Mesopotamian Elements in Canaanite Eschatology – tạm dịch: Các yếu tố Mesopotamia trong thuyết Mạt thế của người Canaanite) cho rằng cung điện của Dumuzi ở Âm Phủ là “một ngôi nhà sáng sủa và nhiều cây trái trên Thiên đường dưới lòng đất và được gọi là ‘cửa sông’ có mối quan hệ mật thiết với ngôi nhà của Ea ở Apsu”.
Chắc chắn đây là một nơi xa xôi, khó tiếp cận và phần nào mang ý nghĩa của một “khu vực cấm” nhưng lại không phải là “chốn một đi không trở lại”. Giống như Inanna, nhiều vị thần hàng đầu khác cũng được cho là đã đi đến và trở về từ Âm Phủ này. Enlil đã bị đày đi Abzu một thời gian sau khi thần cưỡng hiếp Ninlil. Ea là vị thần thường xuyên qua lại giữa Eridu ở Sumer và Abzu, mang lại cho Abzu “kỹ năng tay nghề của Eridu” và lập nên ở đó một “đền thờ cao quý” cho bản thân.
Trái ngược với quan niệm rằng đây là một nơi tối tăm hoang tàn, trong thực tế Âm Phủ này được mô tả là một nơi sáng sủa với những con sông tuôn chảy:
Vùng đất màu mỡ yêu thích của Enki;
Dư thừa của cải, hoàn toàn no đủ…
Nơi có dòng sông lớn chảy ngang qua xứ sở.
Ta thấy rằng trong nhiều hình vẽ Ea được khắc họa là vị Thần của Dòng sông tuôn chảy. Các nguồn tư liệu của người Sumer cho thấy những dòng sông này thực sự tồn tại – không phải ở Sumer và những vùng đồng bằng của nó, mà là ở Âm Phủ. W. F. Albright chú ý tới một ghi chép nói rằng Âm Phủ chính là Vùng đất của UT.TU – “ở phía tây” của Sumer. Ghi chép này kể về một chuyến đi của Enki tới Apsu:
Tới Apsu, vùng đất thuần khiết,
Nơi những con sông lớn tuôn chảy cuộn trào,
Tới Cung điện của những Dòng sông Tuôn chảy
Chúa tể trở nên mê mẩn tâm hồn…
Cung điện của những Dòng sông Tuôn chảy
Enki đắm mình trong những dòng sông thuần khiết;
Ở vùng trung tâm Apsu,
Ngài lập nên một ngôi đền lớn.
Chắc chắn là vùng đất này nằm ngoài khơi một vùng biển lớn. Lời than khóc dành cho “đứa con trai thuần khiết”, vị thần Dumuzi trẻ tuổi, nói rằng chàng được mang tới Âm Phủ trong một chiếc thuyền. Một “Lời khóc than cho sự diệt vong của Sumer” kể lại việc Inanna tìm cách trốn lên một con thuyền đang đợi sẵn. “Nàng ra khơi bằng chiếc thuyền chiếm được này. Nàng đi xuống Âm Phủ”.
Một ghi chép dài kể về cuộc tranh cãi lớn giữa Ira (danh hiệu của Chúa tể Âm Phủ Nergal) và người anh em Marduk, tuy nhiên chúng ta chưa hiểu được nhiều về nội dung vì chưa tìm thấy bản nào còn nguyên vẹn. Trong cuộc tranh cãi này, Nergal rời lãnh địa của mình và đối đầu với Marduk ở Babylon; còn Marduk thì lại đe dọa: “Ta sẽ xuống tới Apsu, dưới sự giám sát của các Anunnaki… ta sẽ dùng những vũ khí khủng khiếp của mình chống lại bọn chúng”. Để tới được Apsu, vị thần này phải rời Mesopotamia và đi qua “những dòng sông cuồn cuộn”. Đích đến của ngài là Arali trong “tầng hầm” của Mặt đất và trong ghi chép này có một chi tiết về vị trí của “tầng hầm” này:
Trong vùng biển xa xôi,
qua 100 beru đường thủy…
là vùng đất Arali…
Đó là nơi Đá Xanh khiến ta phát ốm,
Nơi những người thợ của Anu
mang theo Chiếc rìu Bạc sáng lóa như ban ngày.
Beru là đơn vị vừa đo chiều dài quãng đường vừa để đo thời gian và khi hành trình bằng đường biển thì chắc nó được sử dụng để đo thời gian. Mỗi beru là 2 giờ, như vậy 100 beru tương đương với 200 giờ lênh đênh trên biển. Chúng ta không có cách nào biết được tốc độ giả định hoặc tốc độ trung bình khi đi trên biển được sử dụng trong các phép tính quãng đường của người cổ đại. Nhưng chắc hẳn rằng họ đã đến được một vùng đất xa xôi thực sự sau một chuyến hải trình trên 3.000 đến 5.000 km.
Các ghi chép này cho thấy rằng Arali nằm ở phía tây và nam của Sumer. Một con thuyền đi từ vịnh Persia qua 2 hoặc 3.000 dặm về hướng tây nam chỉ có thể đến một nơi duy nhất: bờ biển phía nam châu Phi.
Chỉ có kết luận này mới có thể lý giải hợp lý cho thuật ngữ Âm Phủ, ở đây ám chỉ bán cầu phía nam, nơi có Vùng đất Arali, đối lập với Thượng Giới ở bán cầu bắc, nơi có Sumer. Sự phân chia các bán cầu Trái đất này giữa Enlil (phía bắc) và Ea (phía nam) tương đương với việc phân định thiên cầu phía bắc là Đạo Enlil, còn thiên cầu phía nam là Đạo Ea.
Khả năng du hành liên hành tinh, quay quanh Trái đất và đổ bộ xuống hành tinh này của người Nefilim đã loại trừ câu hỏi rằng liệu họ có thể nào biết đến vùng nam châu Phi ngoài vùng đất Mesopotamia. Nhiều con dấu lăn khắc họa những con vật chỉ có ở khu vực này (chẳng hạn như ngựa vằn hay đà điểu), khung cảnh rừng rậm, hay những vị vua mặc áo da báo theo phong tục châu Phi chứng tỏ rằng họ có một “mối liên hệ với châu Phi”.
Người Nefilim được lợi ích gì từ khu vực này của châu Phi đến mức cử đến đó thiên tài khoa học Ea và giao cho những vị thần quan trọng phụ trách xứ sở này một “Tấm bảng Trí tuệ” độc nhất vô nhị?
Chúng ta cần có một phân tích mới mẻ mang tính phản biện đối với cách diễn giải các chuyên gia rằng thuật ngữ AB.ZU của người Sumer có nghĩa là “vùng nước thẳm sâu”. Thuật ngữ này có nghĩa đen là “nguồn sâu nguyên thủy” – không nhất thiết cứ phải là các vùng nước. Theo các quy luật ngữ pháp của người Sumer, bất kỳ âm tiết nào của tất cả các thuật ngữ có 2 âm tiết đều có thể được đặt trước âm tiết kia mà không làm thay đổi nghĩa của từ, như vậy là AB.ZU và ZU.AB đều có nghĩa như nhau. Cách phát âm thứ hai của thuật ngữ này giúp ta xác định được thuật ngữ tương đương với nó trong ngôn ngữ Semite, vì thuật ngữ za-ab từ trước tới nay luôn có nghĩa là “kim loại quý”, đặc biệt là “vàng” trong tiếng Hebrew và các ngôn ngữ có quan hệ gần gũi khác.
Chữ viết hình tượng của người Sumer cho thuật ngữ AB.ZU là một cái hố đào sâu xuống lòng đất, phía trên có một đường hầm. Như vậy Ea không phải là chúa tể của một “vùng nước sâu” mơ hồ nào đó mà là vị thần phụ trách việc khai thác khoáng sản trên Trái đất! (Hình 139)
Trong thực tế, từ abyssos trong tiếng Hy Lạp bắt nguồn từ chữ apsu trong tiếng Akkad cũng có nghĩa là một cái hố đào rất sâu vào lòng đất. Các ghi chép của người Akkad viết rằng “apsu là nikbu”; nghĩa của từ này và của thuật ngữ tương đương nikba trong tiếng Hebrew rất giống nhau: một vết cắt hay lỗ khoan sâu vào lòng đất do con người thực hiện.
Năm 1890, P. Jensen (Die Kosmologie der Babylonier – tạm dich: Vũ trụ học của người Babylon) đã nhận xét rằng không nên dịch thuật ngữ Akkad thường gặp là Bit Nimiku thành “ngôi nhà thông thái” mà phải dịch là “ngôi nhà của tầng sâu”. Ông trích dẫn một bản ghi chép (V.R.30, 49-50ab) viết rằng: “Vàng và bạc đến từ Bit Nimiku”. Ông chỉ ra rằng một ghi chép khác (III.R.57, 35ab) đã giải thích cái tên “Nữ thần Shala của Nimiki” của người Akkad được dịch ra từ danh hiệu “Nữ thần Nắm giữ Đồng Sáng ngời” của người Sumer. Thuật ngữ nimiku của người Akkad xưa nay vẫn được dịch là “trí tuệ”, nhưng theo kết luận của Jensen thì nó “phải có liên quan đến kim loại”. Nhưng còn lý do tại sao thì ông lại thú nhận một cách đơn giản: “Tôi không biết”.
Một số bài thánh ca của người Mesopotamia ca ngợi Ea là Bel Nimiki, được dịch ra là “Chúa tể Trí tuệ”; nhưng cách dịch đúng phải là “Chúa tể Khai mỏ”. Giống như Tấm bảng Số mệnh ở Nippur chứa đựng các dữ liệu về quỹ đạo thì Tấm bảng Trí tuệ được giao cho Nergal và Ereshkigal này thực tế là một “Tấm bảng về Khai mỏ”, một “ngân hàng dữ liệu” liên quan đến các hoạt động khai khoáng của người Nefilim.
Là Chúa tể của Abzu, Ea có một trợ thủ là thần GI.BIL (“người nung đất”), người phụ trách công việc đốt và nung. Vị Thợ rèn của Trái đất này thường được khắc họa là một vị thần trẻ với đôi vai phát ra những tia sáng nóng đỏ hay các tia lửa, đang hiện lên từ trong lòng đất hoặc sắp chui xuống đó. Những ghi chép này nói rằng Gibil thấm nhuần “trí tuệ” của Ea, có nghĩa là Ea đã dạy cho vị thần này các kỹ thuật khai mỏ. (Hình 140)
Quặng kim loại do người Nefilim khai thác ở vùng đông nam châu Phi được chở về Mesopotamia bằng những con thuyền chở hàng có thiết kế đặc biệt gọi là MA.GUR UR.NU AB.ZU (“thuyền chở quặng từ Âm Phủ). Từ đây, các loại quặng này được đưa tới Bad-Tibira, thành phố mà cái tên của nó có nghĩa là “nơi sáng lập kỹ nghệ rèn đúc”. Sau khi được nấu chảy và tinh luyện, các loại quặng này được đúc thành thỏi mà hình dạng của chúng vẫn không thay đổi trong thế giới cổ đại qua hàng thiên niên kỷ. Người ta đã tìm thấy những thỏi kim loại này tại nhiều địa điểm khai quật ở vùng Cận Đông, chứng tỏ tính tin cậy của những chữ hình tượng của người Sumer thể hiện những đồ vật mà họ “viết ra”; ký hiệu Sumer của thuật ngữ ZAG (“tinh luyện”) là hình vẽ của một thỏi kim loại như vậy. Trong thời cổ đại chắc hẳn các thỏi này có một cái lỗ dọc theo chiều dài qua đó người ta luồn một cái gậy để mang đi. (Hình 141)
Nhiều bức họa về vị Thần của Những dòng sông Tuôn chảy cho thấy đứng bên cạnh vị thần này là những người mang các thỏi kim loại quý đó, chứng tỏ rằng ngài đồng thời cũng là Chúa tể Khai mỏ. (Hình 142)
Những tên gọi và tên hiệu khác nhau cho Xứ sở Khai khoáng ở châu Phi của Ea cho ta biết rất nhiều thông tin về địa điểm và bản chất của nó. Xứ sở này được biết đến với tên gọi A.RA.LI (“nơi của mạch quặng sáng”), nơi mà từ đây người ta chở đi các loại quặng kim loại. Trong khi lên kế hoạch cho chuyến đi xuống bán cầu nam, Inanna đã nhắc tới địa danh này là nơi “kim loại quý bị phủ đất” – nơi người ta tìm thấy nó ở dưới lòng đất. Theo Erica Reiner, có một ghi chép liệt kê các ngọn núi và con sông của xứ Sumer đã khẳng định rằng: “Núi Arali: ngôi nhà của vàng”; và một bản ghi chép không còn nguyên vẹn do H. Radau mô tả lại xác nhận rằng Arali là vùng đất mà Bad-Tibira phải phụ thuộc vào để duy trì hoạt động của mình.
Các ghi chép của người Mesopotamia mô tả Xứ sở Khai khoáng là một vùng nhiều núi non, với những sườn đồi và thảo nguyên cỏ mọc xanh rờn, cây trái sum suê. Thủ phủ của Ereskigal ở vùng đất này được các ghi chép của người Sumer mô tả là GAB.KUR.RA (“giữa bụng những ngọn núi”) sâu bên trong nội địa. Trong bài thơ của người Akkad kể về chuyến hành trình của Ishtar, người gác cửa đã chào đón nàng:
Xin mời vào thưa quý bà,
Hãy để Kutu hân hoan chào đón bà;
Hãy để cung điện của xứ Nugia
Mừng vui vì bà đến.
Mang nghĩa “ở vùng đất trung tâm” trong ngôn ngữ Akkad, thuật ngữ KU.TU cũng mang nghĩa “vùng cao nguyên sáng lạn” trong ngôn ngữ gốc Sumer. Tất cả các ghi chép đều viết rằng đây là một vùng đất ngập tràn ánh nắng. Thuật ngữ Sumer dùng để chỉ vàng (KU.GI – “sáng ngời khi ra khỏi mặt đất”) và bạc (KU.BABBAR – “vàng sáng”) vẫn thể hiện mối liên hệ với các kim loại quý ở vùng đất sáng (ku) của Ereshkigal.
Các ký hiệu hình ảnh được người Sumer sử dụng làm chữ viết đầu tiên thể hiện mối quan hệ gần gũi không chỉ với các quá trình luyện kim đa dạng mà còn với thực tế rằng nguồn gốc của các kim loại này chính là những mỏ khai thác được đào sâu vào trong lòng đất. Các thuật ngữ chỉ đồng đỏ và đồng thau (“đá sáng bóng”) vàng (“kim loại quan trọng nhất khai thác được”) hay “tinh luyện” (“sáng thuần khiết”) đều có những hình ảnh khác nhau của một giếng mỏ (“lối mở/miệng của kim loại đỏ thẫm”). (Hình 143)
Tên của xứ sở này – Arali – được viết ra theo lối chữ hình tượng cũng là một biến thể của (đất) “đỏ thẫm”, của Kush (“đỏ thẫm”, nhưng có thời gian có nghĩa là “Negro”), hay của các kim loại được khai thác ở đây; các chữ hình tượng này luôn thể hiện các giếng mỏ khác nhau. (Hình 144)
Việc các ghi chép cổ đại đề cập rộng rãi đến vàng và các kim loại khác chứng tỏ người xưa đã quen thuộc với kỹ thuật luyện kim. Việc mua bán kim loại đã diễn ra sôi động ngay từ buổi đầu của nền văn minh, thành quả của những tri thức mà con người được lĩnh hội từ các vị thần, những nhân vật theo các ghi chép cổ đại đã thực hiện việc khai khoáng và luyện kim từ rất lâu trước khi Con người xuất hiện. Nhiều nghiên cứu tiến hành đối chiếu giữa các câu chuyện thần thánh của người Sumer với danh sách các tổ phụ thời trước Đại Hồng thủy trong Kinh thánh chỉ ra rằng, theo Kinh thánh thì Tubal-cain là một “thợ chế tác vàng, đồng và sắt” từ rất lâu trước khi diễn ra trận Đại Hồng thủy.
Kinh Cựu ước coi vùng đất Ophir, vùng đất nằm đâu đó ở châu Phi, là một nguồn cung cấp vàng thời cổ đại. Những đoàn thuyền áp tải của Vua Solomon từ Ezion-geber (Elath ngày nay) xuôi xuống Biển Đỏ. “Và họ tới Ophir và đem vàng từ đó về.” Không muốn để việc xây dựng Ngôi đền Thiên chúa ở Jerusalem bị đình trệ, vua Solomon đã thỏa thuận với đồng minh của mình là Hiram, vua xứ Tyre, cho một đoàn thuyền thứ hai tới Ophir theo tuyến đường khác:
Và nhà vua có một hạm đội của Tarshish trên biển
cùng với hạm đội của Hiram.
Hạm đội của Tarshish cứ 3 năm một lần
lại mang về vàng và bạc, ngà voi, tinh tinh và khỉ.
Hạm đội của Tarshish phải mất 3 năm mới hoàn thành một hành trình vừa đi vừa về. Trừ đi thời gian cần thiết để chất hàng ở Ophir thì chuyến đi này mỗi chiều cũng phải mất đến hơn một năm. Điều này chứng tỏ tuyến đường này là tuyến đường đi vòng chứ không phải tuyến đi thẳng qua Biển Đỏ và Ấn Độ Dương – một tuyến đường vòng quanh châu Phi. (Hình 145)
Đa số các chuyên gia đều cho rằng Tarshish nằm ở phía tây Địa Trung Hải, có khả năng nằm trên hoặc gần eo biển Gibraltar ngày nay. Đây là một địa điểm lý tưởng để tiến hành chuyến hành trình vòng quanh lục địa châu Phi. Một số chuyên gia tin rằng cái tên Tarshish có nghĩa là “nấu chảy kim loại”.
Nhiều chuyên gia nghiên cứu Kinh thánh đề xuất ý kiến rằng Ophir cần được xác định là Rhodesia ngày nay. Z. Herman (Peoples, Seas, Ships – Dân tộc, Biển, Thuyền) đã tiến hành thu thập các dẫn chứng chứng minh rằng người Ai Cập cổ đại đã lấy được nhiều loại khoáng sản từ vùng Rhodesia từ thời xa xưa nhất. Các kỹ sư khai mỏ ở Rhodesia cũng như Nam Phi thường tìm vàng bằng cách lần theo những dấu vết của việc khai khoáng thời tiền sử.
Làm thế nào để đến được cung điện của Ereshkigal ở trong đất liền? Các loại quặng được vận chuyển từ “khu trung tâm” tới các cảng ven biển bằng cách nào? Hiểu được sự tín nhiệm của người Nefilim đối với vận tải đường sông, ta sẽ không ngạc nhiên khi khám phá ra một con sông lớn tàu bè có thể qua lại được ở Âm Phủ. Câu chuyện “Enlil và Ninlil” kể với ta rằng Enlil đã chịu hình phạt lưu đày tới Âm Phủ. Khi đến xứ sở này, ngài phải đi bằng phà qua một con sông rộng.
Một ghi chép của người Babylon về nguồn gốc và số phận của loài người đã nhắc tới con sông ở Âm Phủ là Sông Habur, “Con sông của Cá và Chim”. Một số ghi chép của người Sumer đặt tên cho Xứ sở của Ereshkigal là “Xứ đồng cỏ của AH.BUR”.
Trong số 4 con sông lớn của châu Phi, sông Nile chảy từ phía bắc vào Địa Trung Hải, sông Congo và Niger chảy vào Đại Tây Dương từ phía tây và sông Zambezi chảy từ trung tâm châu Phi theo hình bán nguyệt hướng về phía đông cho đến khi vươn tới bờ biển phía đông. Dòng sông này tạo ra một vùng đồng bằng châu thổ rộng lớn với những địa điểm thuận lợi để làm bến cảng và tàu bè có thể đi trên dòng sông này vào sâu trong nội địa trên hàng trăm dặm.
Phải chăng dòng sông Zambezi này là “Con sông của Cá và Chim” ở Âm Phủ? Phải chăng thác nước Victoria hùng vĩ chính là thác nước được đề cập trong một bản ghi chép như là nơi định đô của Ereshkigal?
Ý thức được rằng nhiều mỏ khai khoáng “mới phát hiện” đầy tiềm năng ở phía nam châu Phi từng là những mỏ khai khoáng trong thời cổ đại, Tập đoàn Bristish - American đã kêu gọi các nhóm khảo cổ xem xét các khu vực này trước khi các thiết bị san ủi đất hiện đại quét sạch mọi dấu vết khai mỏ cổ xưa này. Trong bài báo về các phát hiện của mình trên tạp chí Optima, Adrian Boshier và Peter Beaumont nói rằng họ đã khám phá ra các hoạt động khai khoáng thời tiền sử và cổ đại trong hết địa tầng này đến địa tầng khác. Bằng phương pháp giám định carbon, Đại học Yale và Đại học Groningen (Hà Lan) đã xác định niên đại của các đồ tạo tác này khoảng từ năm 2000 TCN tới năm 7690 TCN.
Được tiếp thêm sức mạnh bởi những khám phá cổ xưa đến không ngờ này, nhóm khảo sát đã tiến hành mở rộng khu vực tìm kiếm. Tại chân một mặt vách đứng trên những sườn dốc dựng đứng phía tây đỉnh Lion, người ta đã tìm thấy một khối quặng sắt đỏ nặng 5.000 kg lấp kín lối vào một chiếc hang lớn. Dấu vết than củi để lại thể hiện rằng các hoạt động khai khoáng trong chiếc hang này đã diễn ra vào khoảng từ năm 20000 TCN tới 26000 TCN.
Liệu người ta có khả năng khai thác kim loại trong thời kỳ Đồ đá Cũ? Với nghi ngờ này, các chuyên gia đã đào một giếng mỏ tại nơi có khả năng các thợ mỏ cổ đại đã bắt đầu các hoạt động của mình. Một mẫu than tìm thấy ở đó đã được gửi tới phòng thí nghiệm Groningen. Kết quả cho thấy nó có niên đại từ năm 41250 TCN, cộng trừ 1.600 năm!
Sau đó các nhà khoa học Nam Phi đã tiến hành thăm dò các khu vực khai mỏ thời tiền sử ở miền nam Swaziland. Trong những chiếc hang khai mỏ chưa từng được phát hiện, họ tìm thấy các cành cây, lá, cỏ và thậm chí là lông vũ – có thể tất cả những vật dụng này đã được các thợ mỏ cổ đại đưa vào đây để làm chỗ ngủ. Ở lớp địa tầng có niên đại từ năm 35000 TCN, họ tìm thấy những khúc xương có vạch khấc, “chứng tỏ khả năng đếm của con người ở thời kỳ xa xưa này”. Các dấu tích khác cho thấy niên đại của các đồ tạo tác này là vào khoảng năm 50000 TCN.
Với niềm tin rằng “niên đại thực sự của hoạt động khai mỏ đầu tiên ở Swaziland có nhiều khả năng là vào khoảng năm 70000 đến 80000 TCN”, hai nhà khoa học này cho rằng “miền nam châu Phi… rất có thể là nơi khởi nguồn của các phát minh và sáng kiến công nghệ trong thời kỳ sau năm 100000 TCN”.
Bình luận về những khám phá này, Tiến sỹ Kenneth Oakley, trước đây là nhà nhân chủng học hàng đầu của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên, London, lại thấy rằng chúng có một ý nghĩa khác. “Nó soi rọi ánh sáng lên nguồn gốc của Loài người… giờ đây ta mới thấy có khả năng miền nam châu Phi chính là chiếc nôi tiến hóa của Loài người”, chiếc “nôi” của người Homo sapiens.
Như chúng tôi sẽ chỉ ra, đây thực sự là nơi Người Hiện đại xuất hiện trên Trái đất, qua một chuỗi sự kiện được khơi mào bởi hoạt động tìm kiếm kim loại của các vị thần.
Cả các nhà khoa học nghiêm túc lẫn các tiểu thuyết gia giả tưởng đều cho rằng lý do để chúng ta định cư trên các hành tinh hay tiểu hành tinh khác là vì trên các thiên thể này có các loại khoáng sản quý, những loại khoáng sản quá hiếm hoặc khai thác quá tốn kém trên Trái đất. Liệu đây có phải là mục đích khai hóa Trái đất của người Nefilim?
Các chuyên gia đương đại phân chia quá trình hoạt động của Con người trên Trái đất thành Thời kỳ Đồ đá, Thời kỳ Đồ đồng, Thời kỳ Đồ sắt, v.v…; còn trong thời cổ đại, chẳng hạn như nhà thơ Hesiod của Hy Lạp đã liệt kê năm thời kỳ - Vàng, Bạc, Đồng, Anh hùng và Sắt. Ngoại trừ Thời kỳ các Anh hùng, tất cả các truyền thuyết cổ đại đều thừa nhận chuỗi thời kỳ vàng-bạc-đồng-sắt. Nhà tiên tri Daniel trong một giấc mộng đã nhìn thấy “một bức tượng vĩ đại” với đầu bằng vàng ròng, ngực và tay bằng bạc, bụng bằng đồng thau, chân bằng sắt và bàn chân bằng đất sét.
Các câu chuyện thần thoại và dân gian chứa đựng rất nhiều ký ức mơ hồ về một Thời kỳ Vàng, chủ yếu gắn liền với thời kỳ khi các vị thần còn hiện diện trên Mặt đất, sau đó là Thời kỳ Bạc, rồi sau đó là các thời kỳ mà thần linh và con người cùng chung sống trên Mặt đất – Thời kỳ các Anh hùng, Thời kỳ Đồng đỏ, Đồng thau và Sắt. Phải chăng tất cả các truyền thuyết này trong thực tế chính là những ký ức mơ hồ về các sự kiện có thật đã diễn ra trên Trái đất?
Vàng, bạc và đồng đều là những nguyên tố tự nhiên của nhóm vàng. Chúng cùng nằm trong một nhóm trong bảng tuần hoàn về trọng lượng và số lượng nguyên tử; chúng có đặc tính cấu trúc tinh thể, hóa học và vật lý tương tự nhau – tất cả đều là những kim loại mềm, dễ dát mỏng và dễ kéo sợi. Trong tất cả các nguyên tố mà chúng ta biết tới, chúng là những nguyên tố dẫn điện và dẫn nhiệt tốt nhất.
Trong 3 loại nguyên tố này, vàng là nguyên tố bền vững nhất, gần như không thể bị phá hủy. Tuy công dụng phổ biến nhất của nó là được sử dụng làm tiền, đồ trang sức hay đồ tạo tác tinh xảo nhưng nó lại là chất liệu vô giá trong ngành công nghiệp điện tử. Một xã hội phát triển tinh vi cần có vàng dùng cho các bộ phận vi điện tử, cho các mạch dẫn đường và cho các “bộ não” máy tính.
Sự mê đắm của con người dành cho vàng đã có từ buổi đầu của nền văn minh và tôn giáo – thể hiện ở những mối liên hệ của con người với các vị thần cổ đại. Các vị thần Sumer yêu cầu họ phải cúng tế thức ăn trong những chiếc khay bằng vàng, nước và rượu đựng trong những chiếc bình bằng vàng và các vị thần phải được khoác lên người trang phục bằng vàng. Tuy người Israel rời khỏi Ai Cập vội vàng đến mức họ không có thời gian để ủ men cho bánh mỳ nhưng họ vẫn được ra lệnh yêu cầu người Ai Cập trao cho mình tất cả vật dụng bằng vàng hoặc bạc mà họ có. Như chúng tôi tìm hiểu ra, mệnh lệnh này cho thấy trước nhu cầu đối với các vật liệu này để tạo nên bàn thờ Tabernacle và các thiết bị điện tử của nó.
Vàng, vua của các kim loại, thực tế là kim loại của các vị thần. Trong khi nói chuyện với nhà tiên tri Haggai, đề cập đến sự trở lại để phán xét các quốc gia của mình, Đức Chúa đã nói rõ rằng: “Bạc là của ta và vàng cũng là của ta”.
Có bằng chứng cho thấy rằng sự đam mê đối với những kim loại này của con người bắt nguồn từ nhu cầu lớn của người Nefilim đối với vàng. Có vẻ như người Nefilim xuống Trái đất là vì vàng và các kim loại có liên quan với nó. Họ cũng có thể đến vì các kim loại hiếm khác, chẳng hạn như platinum (có rất nhiều ở miền nam châu Phi), thứ có thể chế tạo thành thùng chứa nhiên liệu đẩy theo cách đặc biệt. Và có một khả năng không thể loại trừ đó là họ đến Trái đất vì các nguồn khoáng chất phóng xạ, chẳng hạn như uranium hay cobalt – loại “đá xanh khiến ta phát ốm” của Âm Phủ được đề cập trong một số ghi chép. Một số bức họa thể hiện vị Thần Khai mỏ Ea đang phát ra những tia phóng xạ mạnh mẽ khi ra khỏi một hầm lò đến mức các vị thần đi cùng ngài phải sử dụng những tấm khiên che chắn; trong tất cả các bức họa này, Ea đều được thể hiện đang cầm trong tay một chiếc cưa đá của thợ mỏ. (Hình 146)

Hình 146

Tuy Enki là vị thần phụ trách nhóm đổ bộ đầu tiên cũng như sự phát triển của Abzu nhưng những thành quả này – giống như trường hợp những vị tướng khác – không phải do công lao một mình ngài gây dựng nên. Những người đã thực sự ngày ngày bỏ công bỏ sức lao động chính là những thành viên cấp thấp hơn của nhóm đổ bộ, các Anunnaki.
Một ghi chép của người Sumer mô tả quá trình xây dựng thủ phủ của Enlil ở Nippur: “Những vị thần của Thiên đường và Mặt đất Annuna đang làm việc. Với những chiếc rìu và gùi nắm chắc trong tay, họ đặt nền móng cho các thành phố.”
Các ghi chép cổ đại mô tả Anunnaki là những vị thần bình thường tham gia vào quá trình định cư ở Trái đất – những vị thần “thực hiện nhiệm vụ”. Thiên sử thi Sáng tạo của người Babylon coi Marduk là người giao nhiệm vụ cho các Anunnaki. (Chúng tôi có thể khẳng định chắc chắn rằng trong bản gốc của người Sumer, Enlil mới là vị thần ra lệnh cho các phi hành gia đó.)
Được giao cho Anu, lắng nghe những chỉ dẫn của ngài,
Ngài lập một trạm gác trên Thiên đường gồm 300 vị;
Và trên Mặt đất,
Ngài bố trí 600 vị.
Ngài ban ra những chỉ dẫn cho tất cả họ,
cho những Anunnaki của Thiên đường và Mặt đất
Ngài phân công nhiệm vụ cho họ.
Các ghi chép này cho thấy rằng 300 vị “Anunnaki của Thiên đường” hay Igigi này là những phi hành gia thực thụ ở lại trên con tàu vũ trụ mà không đổ bộ xuống Trái đất. Con tàu vũ trụ quay quanh quỹ đạo Trái đất này phóng đi và tiếp nhận những phi thuyền đi xuống và quay về từ Trái đất.
Là trưởng nhóm “Đại bàng”, Shamash là một vị khách anh hùng được chào đón nồng nhiệt trên chiếc “khoang lớn vĩ đại trong Thiên đường” của các Igigi. Một “Bài hát ngợi ca Shamash” kể về việc các Igigi quan sát Shamash tiến đến gần trong chiếc phi thuyền của mình:
Khi ngài xuất hiện, tất cả các hoàng tử đều vui mừng;
Tất cả các Igigi hân hoan chào đón ngài…
Dưới ánh sáng rực rỡ của ngài, đường đi của họ…
Họ không ngừng tìm kiếm tia sáng của ngài…
Cánh cửa được mở rộng hoàn toàn…
Bánh mỳ cúng tế của tất cả các Igigi [đang đợi ngài].
Rõ ràng là những Igigi ở trên cao này không bao giờ gặp Con người. Một số ghi chép viết rằng họ “ở quá cao đối với Con người” và kết quả là “họ không quan tâm đến Con người”. Trái lại, những Anunnaki đã đổ bộ và sinh sống trên Trái đất thì lại được Con người biết đến và tôn sùng. Ghi chép thể hiện “số Anunnaki trên Thiên đường… là 300” và “số Anunnaki trên Mặt đất… là 600”.
Tuy nhiên, nhiều ghi chép vẫn gọi các Anunnaki này là “50 hoàng tử vĩ đại”. Tên gọi của họ theo cách phát âm phổ biến trong tiếng Akkad, An-nun-na-ki, đã mang nghĩa là “50 vị đến từ Thiên đường xuống Trái đất”. Liệu có cách nào để khỏa lấp thực tế có vẻ trái ngược này không?
Chúng ta hãy nhớ lại ghi chép kể về việc Marduk hối hả lao tới cung điện của người cha Ea để báo cáo về việc thiệt hại mất một con tàu vũ trụ chở “50 Anunnaki” khi nó đến gần sao Thổ. Một bản ghi chép các câu thần chú có từ thời triều đại thứ ba của Ur có nói về anunna eridu ninnubi (“50 Anunnaki của thành Eridu). Điều này có thể chứng tỏ rằng số người Nefilim lập nên Eridu dưới sự chỉ huy của Enki là 50. Có lẽ nào 50 là số người Nefilim trong mỗi nhóm đổ bộ?
Chúng tôi tin rằng việc người Nefilim xuống Trái đất theo từng nhóm 50 người là khá hợp lý. Khi các chuyến viếng thăm Trái đất trở nên thường xuyên hơn, trùng với thời gian phóng tàu vũ trụ từ Hành tinh thứ Mười hai, nhiều người Nefilim hơn sẽ đổ bộ xuống Trái đất. Trong mỗi lần như thế, một số người đã xuống Trái đất trước đó sẽ bay lên bằng một mô-đun từ Trái đất và trở lại tàu mẹ để quay về nhà. Nhưng trong những lần đó lại càng có thêm nhiều người Nefilim ở lại Trái đất và con số phi hành gia của Hành tinh thứ Mười hai ở lại để khai hóa Trái đất từ một nhóm 50 thành viên đổ bộ ban đầu tăng lên thành “600 người định cư trên Trái đất”.
Làm thế nào mà người Nefilim hy vọng hoàn thành được sứ mệnh của mình – khai thác các loại khoáng sản mong muốn trên Trái đất và đưa các thỏi kim loại này trở về Hành tinh thứ Mười hai – chỉ với vỏn vẹn 600 lao động?
Hiển nhiên là họ dựa vào các tri thức khoa học của mình. Lúc này giá trị của Enki mới trở nên rõ ràng nhất – đây là lý do tại sao chính vị thần này chứ không phải Enlil là người đầu tiên đổ bộ xuống Trái đất và cũng là lý do để vị thần này được phân công tới Abzu.
Một con dấu lăn nổi tiếng hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Louvre khắc họa Ea với những dòng nước quen thuộc của mình, ngoại trừ việc những nước này dường như bắt nguồn từ, hoặc được lọc qua, một loạt các bình thí nghiệm. (Hình 147) Cách diễn giải của người xưa về việc Ea gắn liền với những dòng nước này khiến ta nghĩ rằng hy vọng ban đầu của người Nefilim là thu được các loại khoáng sản từ biển cả. Các vùng nước đại dương chứa đựng một lượng lớn vàng và các loại khoáng sản quan trọng khác, nhưng loãng đến mức cần phải có những kỹ thuật vừa rẻ vừa phức tạp để tiến hành việc “khai mỏ trong nước” này. Chúng ta cũng biết rằng dưới các đáy biển chứa lượng lớn khoáng sản dưới dạng những hòn nhỏ cỡ quả táo và chỉ thu được nếu ai đó có thể lặn sâu xuống đáy biển và múc lên.

Hình 147

Các ghi chép cổ đại liên tục nhắc đến một loại thuyền được các vị thần sử dụng có tên gọi là elippu tebiti (“thuyền chìm” – thứ mà ngày nay chúng ta gọi là tàu ngầm). Chúng ta đã thấy những “người cá” dưới quyền lãnh đạo của Ea. Đây có phải là minh chứng cho những nỗ lực lặn xuống đáy các đại dương và thu hoạch những nguồn khoáng sản ở đó của họ? Như chúng tôi đã đề cập, Vùng đất Khai khoáng ban đầu được gọi là A.RA.LI – “xứ sở của những dòng nước có những mỏ quặng sáng ngời”. Điều này có thể ám chỉ rằng đây là một vùng đất nơi vàng được vận chuyển bằng đường sông, cũng có thể thể hiện những nỗ lực khai thác vàng từ các vùng biển.
Nếu đây là các kế hoạch của người Nefilim thì rõ ràng là họ đã không gặt hái được gì. Bởi vì ngay sau khi lập nên những khu định cư đầu tiên, vài trăm Anunnaki đã được cử đi thực hiện một nhiệm vụ khó khăn ngoài dự kiến: đi sâu xuống lòng đất ở khu vực châu Phi và khai thác những khoáng sản cần thiết ở đó.
Những hình ảnh được tìm thấy trên các con dấu lăn khắc họa các vị thần ở nơi có vẻ như là lối vào của những giếng mỏ; một bức họa cho thấy Ea đang ở vùng đất nơi Gibil đang ở trên Mặt đất còn một vị thần khác đang chống tay, quỳ gối lao động ở bên dưới. (Hình 148)

Hình 148

Ở các thời kỳ sau này, các ghi chép của người Babylon và Assyria cho hay rằng đàn ông từ già tới trẻ đều bị buộc phải lao động khổ sai trong các khu mỏ ở Âm Phủ. Lao động trong bóng tối và coi bụi bặm là thức ăn, số phận không cho họ cơ hội quay trở về quê nhà. Đây là lý do tại sao cái người Sumer đặt tên cho vùng đất này là KUR.NU.GI.A, có nghĩa bóng là “xứ sở một đi không trở lại”, còn nghĩa đen của nó là “xứ sở nơi các vị thần lao động, trong các hầm sâu (quặng mỏ) chất đống”. Tất cả các nguồn tư liệu cổ đại đều khẳng định rằng thời kỳ người Nefilim định cư trên Trái đất thì con người chưa xuất hiện; và khi không có con người, một số Anunnaki phải lao động cực nhọc trong các hầm mỏ. Trong chuyến đi xuống Âm Phủ của mình, Ishtar kể rằng các Anunnaki khổ sai này phải ăn thức ăn lẫn bùn đất và uống nước đầy cặn bẩn.
Với bối cảnh này, ta có thể thấu hiểu đầy đủ một câu chuyện sử thi dài với cái tên được đặt theo câu thơ mở đầu như thường lệ là “Khi các vị thần phải lao động như con người”.
Sau khi chắp ghép nhiều mảnh ghi chép bằng cả tiếng Babylon và tiếng Assyria, W. G. Lambert và A. R. Millard (Atra-Hasis: The Babylonian Story of the Flood – tạm dịch Atra-Hasis: Câu chuyện Hồng thủy của người Babylon) đã có được một bản ghi chép liền mạch. Họ đi đến kết luận rằng câu chuyện này dựa trên các dị bản của người Sumer trước đó và có khả năng còn có nguồn gốc xa xưa hơn nữa từ những truyền thuyết truyền miệng về các vị thần viếng thăm Trái đất, về việc tạo ra Con người và việc Con người bị hủy diệt trong trận Đại Hồng thủy.
Trong khi nhiều câu thơ trong tác phẩm này chỉ có giá trị văn học đối với các dịch giả thì chúng tôi nhận thấy chúng có ý nghĩa rất lớn, bởi chúng xác thực cho những phát hiện và kết luận mà chúng tôi đưa ra ở các chương trước. Chúng cũng lý giải cho những điều kiện hoàn cảnh dẫn tới cuộc nổi loạn của các Anunnaki.
Câu chuyện bắt đầu vào thời kỳ khi chỉ có các vị thần ở trên
Trái đất:
Cũng như con người, các vị thần
phải làm việc và chịu đựng vất vả
Các vị thần lao động rất khó nhọc,
Công việc của họ rất nặng nề,
Nguy hiểm luôn cận kề.
Vào thời kỳ này, các vị thần đứng đầu đã phân chia quyền chỉ huy giữa họ:
Anu, cha của các Anunnaki, là Đức vua trên Thiên đường của họ;
Quan Chưởng ấn của họ là chiến binh Enlil.
Chỉ huy trưởng của họ là Ninurta,
Và Cảnh sát trưởng của họ là Ennugi.
Các vị thần cùng nhau vỗ tay,
Tiến hành rút thăm và phân chia nhiệm vụ.
Anu lên Thiên đường,
[Để lại] Mặt đất cho các thần dân của mình.
Biển cả bao quanh như một chiếc vòng lớn
Họ trao cho hoàng tử Enki.
7 thành phố đã được lập ra và bản ghi chép này nói rằng 7 Anunnaki đã được cử làm chỉ huy của thành phố. Kỷ luật ở đây chắc hẳn phải nghiêm khắc, vì ghi chép này nói với chúng ta rằng “7vị Anunnaki Vĩ đại đang khiến cho các vị thần thấp hơn chịu lao động khổ sai”.
Có vẻ như trong tất cả các loại công việc của họ thì đào bới là công việc phổ biến nhất, nguy hiểm nhất và bị căm ghét nhất. Các vị thần địa vị thấp hơn nạo vét các lòng sông để thuyền bè có thể đi lại được; họ đào những con kênh để tưới tiêu; và họ đào lò ở Apsu để khai thác khoáng sản của Trái đất. Mặc dù họ có một số loại dụng cụ phức tạp – các ghi chép có nói về “chiếc rìu bạc sáng loáng như ban ngày”, ngay cả khi ở dưới lòng đất – thì công việc này cũng đòi hỏi rất nhiều sức lực. Trong một thời gian dài – chính xác là 40 “thời kỳ” – các Anunnaki “phải lao động khổ sai”; và rồi họ thét lên: Đủ rồi!
Họ đang kêu ca, nói xấu sau lưng,
Càu nhàu trong các hố đào.
Thời cơ nổi loạn xuất hiện khi Enlil tới thăm khu vực khai mỏ. Nắm bắt cơ hội, các Anunnaki bảo nhau:
Chúng ta hãy đối đầu với… Chỉ huy trưởng,
Để ông ta giảm bớt công việc nặng nhọc này.
Vua của các vị thần, người anh hùng Enlil,
Hãy để ông ta bất an trong ngôi nhà của mình!
Người lãnh đạo hay người đứng ra tổ chức cuộc nổi loạn nhanh chóng bị phát hiện. Ông là “cựu chỉ huy trưởng thời trước”, người chắc hẳn đã nuôi lòng hận thù với vị chỉ huy trương đương chức. Thật đáng tiếc là tên của người này không đọc được; nhưng bài diễn văn kêu gọi của ông thì khá rõ ràng:
“Nay, hãy tuyên bố chiến tranh;
Chúng ta hãy kết hợp lòng thù hận với chiến đấu.”
Cuộc nổi loạn này được mô tả sinh động đến mức khiến ta liên tưởng đến cảnh tượng bão tố của cuộc tấn công pháo đài Bastille:
Các vị thần nghe theo lời kêu gọi của ông.
Họ châm lửa vào các dụng cụ của mình;
Họ châm lửa lên những chiếc rìu;
Họ gây chiến với vị thần khai mỏ trong các đường hầm;
Họ bắt giữ vị này trên đường tiến tới
cánh cổng của người anh hùng Enlil.
Những căng thẳng và kịch tính của các sự kiện sắp diễn ra được thể hiện trong một bài thơ cổ:
Lúc đó là ban đêm, vào nửa phiên canh phòng.
Ngôi nhà của ngài bị bao vây
nhưng thần Enlil không hề hay biết.
Sau đó người quan sát Kalkal giật mình tỉnh giấc.
Anh ta kéo then cửa và quan sát…
Kalkal đánh thức Nusku;
họ lắng nghe âm thanh ồn ào của…
Nusku đánh thức Chúa tể dậy
anh ta kéo ngài dậy khỏi giường [và nói]:
“Thưa chúa tể, nhà của ngài đang bị bao vây,
chiến sự đã kéo đến ngay trước cổng.”
Phản ứng đầu tiên của Enlil là lấy vũ khí chống lại những kẻ nổi loạn. Nhưng quan chưởng ấn Nusku khuyên ngài nên triệu tập Hội đồng các vị Thần:
“Hãy chuyển một thông điệp để Anu xuống nơi này;
Để Enki xuất hiện trước mặt ngài.”
Ngài chuyển thông điệp và Anu được đưa tới;
Enki cũng xuất hiện trước mặt ngài,
Enlin đứng lên… mở miệng
Và phát biểu trước các vị thần vĩ đại.
Khi bàn về cuộc nổi loạn với tư cách cá nhân, Enlil yêu cầu
được biết:
“Có phải những hành động này là chống lại ta?
Phải chăng ta có liên quan tới sự thù địch này…?
Chính mắt ta đã nhìn thấy những gì?
Đó là chiến sự đã đến ngay trước cổng nhà ta!”
Anu đề nghị tiến hành điều tra. Được vũ trang bằng quyền năng của Anu và các chỉ huy khác, Nusku đến gặp những kẻ nổi loạn đang đóng trại. Ông ta hỏi: “Ai là kẻ xúi giục trận chiến này? Ai là kẻ kích động sự thù địch?”
Các Anunnaki sát cánh cùng với nhau:
“Tất cả mọi người chúng tôi đều là người tuyên bố chiến tranh!
Chúng tôi có… của mình ở các khu khai mỏ;
Lao động khổ sai quá mức giết chết chúng tôi,
Công việc của chúng tôi quá nặng nhọc, nguy hiểm luôn cận kề.”
Khi Enlil nghe Nusku báo cáo về những lời bất bình này, “nước mắt của ngài tuôn chảy”. Ngài đưa ra một tối hậu thư: hoặc là người lãnh đạo cuộc nổi loạn bị hành hình hoặc là ngài sẽ từ chức. “Hãy giải tán trụ sở, hãy lấy lại quyền năng của ngài”, Enlil tâu với Anu, “và ta sẽ theo ngài lên Thiên đường”. Nhưng Anu, người đến từ Thiên đường, lại đứng về phe các Anunnaki:
“Chúng ta đang buộc tội họ vì cái gì?
Công việc của họ nặng nhọc, họ gặp nhiều nguy hiểm!
Mỗi ngày…
Lời than khóc thật thống thiết thấu tận trời.”
Được khuyến khích bởi những lời nói của cha, Ea cũng “mở miệng” và lặp lại kết luận của Anu. Nhưng ngài đưa ra một giải pháp: Hãy tạo ra lulu, “Nhân công Nguyên thủy”!
“Nhân Nữ thần sinh sản cũng có mặt ở đây,
Hãy để nàng tạo ra Nhân công Nguyên thủy;
Hãy để hắn mang trên vai gánh nặng…
Hãy để hắn thực hiện công việc nặng nhọc của các vị thần!”
Đề xuất tạo ra một “Nhân công Nguyên thủy” để gánh vác công việc nặng nhọc của các Anunnaki được chấp thuận ngay. Các vị thần nhất trí biểu quyết việc tạo ra “Nhân công”. Họ nói “Con người sẽ là tên của hắn”:
Họ triệu tập và hỏi ý kiến vị nữ thần
Bà mụ của các vị thần, Nữ thần Thông thái Mami,
[và nói với bà:]
“Nàng là Nữ thần sinh sản, hãy tạo ra Nhân công!
Hãy tạo ra một Nhân công Nguyên thủy,
Để hắn mang lấy gánh nặng!
Hãy để hắn đảm đương gánh nặng mà Enlil giao cho,
Hãy để Nhân công thực hiện công việc nặng nhọc của các vị thần!”
Mami, Nữ thần Mẹ, nói rằng bà cần sự giúp đỡ của Ea, “người có nhiều kỹ năng”. Trong Ngôi nhà Shimti, một nơi giống như bệnh viện ngày nay, các vị thần đang chờ đợi. Ea giúp chuẩn bị hỗn hợp để Nữ thần Mẹ tạo ra “Con người”. Các nữ thần sinh sản đã có mặt. Nữ thần Mẹ tiếp tục công việc trong khi những câu thần chú không ngừng được xướng lên. Sau đó bà kêu lên đắc thắng:
“Ta đã tạo ra!
Bàn tay ta đã làm ra nó!”
Bà “triệu tập các Anunnaki, các vị Thần Vĩ đại… bà mở miệng nói với các vị Thần Vĩ đại”:
“Các vị giao cho ta một nhiệm vụ
Ta đã hoàn thành…
Ta đã loại bỏ cho các vị công việc nặng nhọc
Ta đã đặt công việc nặng nhọc của các vị lên vai Nhân công, ‘Con người’
Các vị hãy kêu lên với kẻ Nhân công này:
Ta đã trút được gánh nặng,
Ta đã cho ngươi tự do.”
Các Anunnaki lắng nghe thông báo của bà đầy hào hứng. “Họ ùa tới và hôn chân bà.” Từ nay trở đi, Nhân công Nguyên thủy – Con người – “sẽ nhận lấy gánh nặng”.
Người Nefilim trong quá trình đổ bộ xuống Trái đất để lập nên các thuộc địa của mình đã tạo ra một loại nô lệ, không phải nô lệ được đưa từ lục địa khác tới, mà là những Nhân công Nguyên thủy do chính người Nefilim tạo nên.
Một cuộc nổi loạn của các vị thần đã dẫn tới sự ra đời của Con người.