CHƯƠNG 4
SUMER: VÙNG ĐẤT CỦA CÁC VỊ THẦN

    
húng ta có thể chắc chắn rằng “những lời xa xưa” kia, vốn đã tạo thành ngôn ngữ của những thánh kinh tôn giáo và giáo dục trong hàng ngàn năm, chính là ngôn ngữ của người Sumer. Chúng ta cũng có thể tin chắc rằng những vị “lão thần” đó chính là các vị thần của người Sumer, bởi chưa ai tìm thấy ở bất kỳ đâu những ghi chép, chuyện kể, bảng phả hệ hay lịch sử của những vị thần xa xưa hơn các vị thần của người Sumer.
Khi những vị thần này (nguyên thủy của người Sumer hay người Akkad, Babylon, Assyria sau này) được đặt tên và tính đếm thì số lượng phải lên đến hàng trăm. Nhưng nếu phân loại ra thì ta thấy rõ rằng họ không phải là một đám thần linh ô hợp. Họ được đặt dưới sự lãnh đạo của nhóm các vị Thần Vĩ đại, được điều hành bởi Hội đồng Thần linh và có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Khi loại trừ những vị thần con cháu và tương đương có địa vị thấp hơn, ta sẽ được một nhóm các vị thần cố kết chặt chẽ có số lượng ít hơn – mỗi vị thần có một vai trò, quyền năng hay trách nhiệm nhất định.
Người Sumer tin rằng có những vị thần “thuộc về Thiên đường”. Các văn tự đề cập đến thời kỳ “trước khi vạn vật được tạo ra” có kể về những vị thần trên Thiên đường như Apsu, Tiamat, Anshar, Kishar. Không ai nói rằng những vị thần này từng xuất hiện trên Mặt đất. Khi nhìn nhận các vị thần này dưới lăng kính chi tiết hơn, ta có thể nhận ra rằng họ là những thiên thể tạo nên hệ Mặt trời của chúng ta; và như chúng tôi sẽ chỉ ra, cái gọi là huyền thoại của người Sumer về những vị thần trên trời này trong thực tế là những khái niệm vũ trụ đầy tính khoa học liên quan đến quá trình hình thành hệ Mặt trời.
Bên cạnh đó là những vị thần có địa vị thấp hơn “trên Mặt đất.” Trung tâm thờ cúng các vị thần này đa phần là các thị tứ; họ chẳng qua chỉ là các vị thần địa phương. Cao nhất họ cũng chỉ được giao phụ trách một số nhiệm vụ hạn chế, chẳng hạn như nữ thần NIN.KASHI (“nữ thần Bia”) là người giám sát việc sản xuất các loại đồ uống. Không có câu chuyện anh hùng nào về họ được truyền tụng. Họ không có thần khí và các vị thần khác cũng không run rẩy trước mệnh lệnh của họ. Họ gợi cho ta nhớ về nhóm những vị thần trẻ cuối đoàn diễu hành được khắc họa trên những tảng đá ở Yazilikaya của người Hittite.
Giữa 2 nhóm thần này là những vị Thần của Thiên đường và Mặt đất, được gọi là “những vị thần cổ đại.” Họ là những vị “lão thần” trong các thiên sử thi và trong tín ngưỡng của người Sumer, họ là những vị thần từ Thiên đường giáng xuống Mặt đất.
Họ không phải là những vị thần địa phương. Trong thực tế họ là những vị thần quốc gia hoặc quốc tế. Một số vị thần trong số họ đã từng hiện diện và hoạt động trên Mặt đất trước cả khi Con người xuất hiện. Thực tế, sự tồn tại của Con người được xem là kết quả của quá trình sáng tạo thận trọng của các vị thần này. Họ là những vị thần đầy quyền lực, có thể lập những chiến công ngoài khả năng và nhận thức của con người. Tuy vậy, các vị thần này lại không chỉ có hình dáng bề ngoài giống con người mà còn ăn uống như con người và có gần như tất cả những cảm xúc yêu và ghét, trung thành và phản bội như con người.
Tuy vai trò và thứ bậc của một số vị Chủ thần có thay đổi qua nhiều thiên niên kỷ nhưng vẫn có vài vị không bao giờ mất đi vị trí tối cao cũng như lòng tôn kính của con người ở cấp độ quốc gia và quốc tế. Khi xem xét Nhóm Chủ thần này kỹ càng hơn, ta sẽ nhìn ra bức tranh về một triều đại các vị thần, một gia đình thần thánh có quan hệ gắn bó gần gũi nhưng lại bị chia rẽ một cách đớn đau.
***
Người đứng đầu gia đình các vị Thần của Thiên đường và Mặt đất là AN (hay Anu trong các văn tự Babylon/Assyria). Ngài là người Cha vĩ đại của các vị thần, là Vua của các vị thần. Vương quốc của ngài là một dải Thiên đường và biểu tượng của ngài là một ngôi sao. Trong chữ viết tượng hình của người Sumer, ký hiệu ngôi sao cũng là biểu tượng cho An, cho “Thiên đường” và cho “Thần linh” hay “Thần” (cách nói giảm về thần An). Bốn ý nghĩa của biểu tượng này được duy trì qua nhiều thế hệ khi chữ viết được chuyển từ dạng tượng hình của người Sumer sang chữ hình nêm của người Akkad, rồi tới loại chữ kiểu cách hóa của người Babylon và Assyria. (Hình 43)

AN = HEAVENS = “GOD”
Hình 43
Từ những thời kỳ xa xưa nhất cho đến khi chữ viết hình nêm biến mất – khoảng từ thiên niên kỷ 4 TCN cho tới thời kỳ Chúa Jesus – biểu tượng này đã được đặt trước tên của các vị thần, thể hiện rằng cái tên được viết trong văn tự đó không phải là tên của con người mà là của một vị thần có nguồn gốc từ trên Thiên đường.
Cung điện và ngai vàng của Anu nằm trên Thiên đường. Đó là nơi mà các vị Thần của Thiên đường và Mặt đất khác lui tới khi họ cần lời khuyên hay sự ủng hộ cá nhân, hoặc khi họ họp Hội đồng Thần linh để giải quyết các bất đồng giữa các vị thần hay để đưa ra những quyết định lớn. Có rất nhiều ghi chép mô tả về Cung điện (nơi có những chiếc cổng được một vị thần của Cây Chân lý và một vị thần của Cây Sự sống canh gác), ngai vàng của Anu, cách các vị thần khác tới gặp ngài và họ ngồi trước mặt ngài như thế nào.
Các ghi chép của người Sumer kể về những trường hợp không chỉ các vị thần mà ngay cả một số người trần được lựa chọn cũng được phép tới cung điện của Anu, đa phần với mục đích được thoát tục. Một câu chuyện như vậy kể về Adapa (“hình mẫu của Con người”). Chàng là con người hoàn hảo và rất trung thành với thần Ea, vị thần đã tạo ra chàng, đến mức Ea thu xếp cho chàng đến gặp Anu. Sau đó Ea miêu tả cho Adapa những thứ chàng sẽ thấy.
Adapa,
ngươi đang tới trước Anu, Vua của các vị thần;
Ngươi sẽ đi trên con đường dẫn tới Thiên đàng.
Khi ngươi đặt chân lên tới Thiên đàng,
và hướng tới cánh cổng của Anu,
sừng sững trước cổng của Anu
là “Cây Sự sống” và “Cây Chân lý”.
Được Đấng Sáng tạo hướng dẫn, Adapa “đi lên Thiên đường… bước lên Thiên đường và hướng tới chiếc cổng của Anu.” Nhưng khi được trao cơ hội trở nên bất tử, Adapa đã từ chối ăn chiếc Bánh Sự sống với suy nghĩ rằng thần Anu trong lúc giận dữ đã trao cho chàng chiếc bánh tẩm độc. Bởi vậy khi trở lại Mặt đất, chàng tuy trở thành một giáo sỹ được xức dầu, nhưng vẫn là người trần.
Câu chuyện của người Sumer về việc bên cạnh các vị thần, những người trần được lựa chọn cũng có thể đến được Thần điện trên Thiên đường được lặp lại trong Kinh Cựu ước qua câu chuyện Enoch và nhà tiên tri Elijah lên Thiên đường.
Tuy Anu ngự trị trên Thần điện nhưng các ghi chép của người Sumer cũng kể về những lần ngài xuống Mặt đất vào những thời kỳ khủng hoảng lớn, hoặc trong những chuyến viếng thăm nghi thức (cùng với người vợ ANTU của thần), hoặc (ít nhất một lần) để lấy người chắt gái IN.ANNA làm vợ trên Mặt đất.
Bởi vì ngài không thường xuyên cư ngụ trên Mặt đất nên rõ ràng không cần thiết phải có một thành phố hay trung tâm thờ phụng dành riêng cho ngài; và Cung điện của ngài, hay còn gọi là “Ngôi nhà cao” được dựng lên ở thành Uruk (Erech trong Kinh thánh), lãnh địa của nữ thần Inanna. Trong các phế tích ở Uruk còn lại đến ngày nay có một quả đồi nhân tạo lớn, nơi các nhà khảo cổ đã tìm thấy bằng chứng về việc xây dựng và tái tạo một đền thờ cao – đền thờ thần Anu; ở đó người ta phát hiện ra ít nhất 18 tầng địa chất hay các thời kỳ khác nhau, chứng tỏ người xưa đã có những lý do thuyết phục để gìn giữ ngôi đền tại vùng đất thiêng đó.
Ngôi đền của thần Anu được gọi là E.ANNA (“ngôi nhà của An”). Cái tên đơn giản này lại được dùng cho một công trình mà ít nhất vào một số thời kỳ từng là một kỳ quan đáng chiêm ngưỡng. Theo các ghi chép của người Sumer, ngôi đền này là “E-Anna thần thánh, đền thiêng thánh khiết.” Truyền thuyết kể rằng các vị Thần Vĩ đại đã tự mình “thiết kế các phần của ngôi đền.” “Mái đua của ngôi đền trông như bằng đồng,” “bức tường to lớn của nó chạm đến tầng mây – một ngôi nhà cao ngất”; “đó là Ngôi nhà có sức hấp dẫn không cưỡng nổi, sức quyến rũ bất tận.” Và các ghi chép đó cũng nói rõ về mục đích xây dựng ngôi đền, bởi nó được gọi là “Ngôi nhà cho thần linh giáng trần từ Thiên đường.”
Một bản khắc trong kho lưu trữ ở Uruk miêu tả cho ta thấy cảnh xa hoa tráng lệ trong chuyến “viếng thăm chính thức” của Anu và vợ. Vì bản khắc này đã bị hủy hoại một phần nên chúng tôi chỉ có thể đọc được những nghi thức này từ đoạn giữa, khi Anu và Antu đã yên vị tại sân trong của ngôi đền. Các vị thần đứng thành một hàng phía trước và sau đấng nắm giữ quyền trượng này “theo đúng thứ tự như trước đây”. Sau đó nghi thức được tiến hành như sau:
Rồi họ bước xuống Sân chầu,
và hướng về phía thần Anu.
Giáo sỹ Tẩy trần sẽ dâng Quyền trượng,
và người nắm giữ Quyền trượng bước vào và an tọa.
Rồi đến lượt các thần Papsukal, Nusku và Shala
an tọa ở sân của thần Anu.
Trong khi đó, các nữ thần, “những đứa con thần thánh của Anu, những người con gái thần thánh của Uruk”, mang một vật nữa không rõ tên gọi và mục đích tới cho E.NIR, “ngôi nhà có chiếc Giường vàng của Nữ thần Antu.” Sau đó họ quay lại Sân trong theo một hàng dọc tới nơi Antu đang ngồi. Khi bữa tối được chuẩn bị theo một nghi thức nghiêm ngặt, một giáo sỹ đặc biệt bôi một hỗn hợp “dầu tốt” và rượu lên các bản lề cánh cửa của tẩm cung nơi Anu và Antu nghỉ ngơi qua đêm – có vẻ như đây là một cử chỉ đầy quan tâm để những cánh cửa không phát ra tiếng kẽo kẹt trong khi 2 vị thần say giấc.
Khi bữa tối với nhiều đồ uống và món ăn khác nhau được dọn ra, một giáo sỹ chiêm tinh bước lên “tầng cao nhất của ngọn tháp vị trí của đền chính” để quan sát bầu trời. Ông ta sẽ quan sát một góc trời nhất định để xem ngôi sao có tên là Anu Vĩ đại của Thiên đường mọc lên. Ngay sau đó, ông ta sẽ xướng lên các đoạn thơ có tên là “gửi Đấng Tỏa sáng, ngôi sao trên trời của Chúa tể Anu,” và “hình ảnh Đấng Sáng tạo đã hiện lên.”
Khi ngôi sao đó mọc và những bài thơ kia được xướng lên, Anu và Antu rửa tay bằng nước trong một chiếc chậu vàng và phần đầu tiên của bữa tiệc bắt đầu. Sau đó, 7 vị Thần Vĩ đại cũng rửa tay trong 7 chiếc khay vàng lớn và phần thứ hai của bữa tiệc bắt đầu. Sau đó “Lễ súc miệng” được tiến hành; các giáo sỹ xướng lên bài thánh ca “Ngôi sao Anu là anh hùng trên Thiên đường.” Những ngọn đuốc được đốt lên và các vị thần, giáo sỹ, ca sỹ tự xếp thành một hàng tiễn chân 2 vị khách về tẩm cung để nghỉ ngơi.
Bốn vị thần lớn được giao nhiệm vụ ở lại canh gác Sân trong cho đến khi trời sáng. Các vị thần khác trấn ở các cửa được phân công. Trong khi đó, cả đất nước nổi lửa và ăn mừng sự hiện diện của hai vị thần. Khi có tín hiệu từ ngôi đền chính, giáo sỹ của tất cả các ngôi đền khác ở Uruk sẽ “dùng những ngọn đuốc để đốt lửa hiệu”; và các giáo sỹ ở thành khác khi nhìn thấy lửa hiệu ở Uruk cũng sẽ làm tương tự. Rồi sau đó:
Người dân của Xứ sẽ đốt lửa trong nhà mình,
và dâng tiệc mừng tất cả các vị thần…
Lính canh của các thành sẽ đốt lửa
trên đường phố và các quảng trường.
Chuyến trở về của 2 vị Thần Vĩ đại cũng được lên kế hoạch, không phải theo ngày mà là theo từng phút.
Đến ngày thứ 17,
40 phút sau khi mặt trời mọc,
cánh cổng sẽ được mở trước khi thần Anu và Antu,
kết thúc buổi nghỉ đêm của mình.
Tuy phần cuối của bản khắc này đã bị hư hại nhưng có một ghi chép khác gần như chắc chắn cũng mô tả về buổi tiễn chân: bữa ăn sáng, những câu thần chú, những cái bắt tay (“nắm lấy bàn tay”) với các vị thần khác. Sau đó các vị Thần Vĩ đại được đưa tới điểm khởi hành trên những chiếc kiệu hình ngai vàng do những chức sắc trong đền thờ khiêng trên vai. Một bản khắc của người Assyria (thời kỳ sau đó khá lâu) thể hiện một hàng dài các vị thần có thể cho ta biết về cách thức Anu và Antu được kiệu đi trong chuyến nghênh rước họ ở Uruk. (Hình 44)
Những câu thần chú đặc biệt được xướng lên khi đoàn rước đi qua “đường phố của các vị thần”; những bài thánh ca khác được cất lên khi đoàn rước đến gần “bến tàu thiêng” và khi họ tới “con đê nơi thuyền của Anu neo đậu.” Những lời tạm biệt được cất lên và thêm những câu thần chú được xướng lên và hát vang “cùng những cử chỉ giơ tay lên trời.”

Hình 44
Sau đó, tất cả các giáo sỹ và chức sắc đền thờ khiêng kiệu các vị thần do một đại giáo sỹ dẫn đầu sẽ đọc một “bài nguyện khởi hành” đặc biệt. Họ ngâm nga 7 lần câu “Đấng Anu vĩ đại, Thiên đường và Mặt đất phù hộ cho Người!”. Họ cầu nguyện để 7 vị thần trên trời phù hộ và khẩn cầu các vị thần trên Thiên đường cùng các vị thần trên Mặt đất. Cuối cùng, họ xướng lên bài hát tiễn biệt Anu và Antu như sau:
Các vị thần của Lòng đất,
Và các vị thần của Thiên cung,
Sẽ phù hộ cho người!
Họ sẽ phù hộ cho người mỗi ngày –
Mỗi ngày trong mỗi tháng của mỗi năm!
Trong số hàng ngàn hàng vạn bức họa về các vị thần cổ đại từng được phát hiện, không có bức nào có vẻ mô tả về Anu cả. Nhưng ngài vẫn quan sát chúng ta từ mỗi bức tượng, từ mỗi bức họa của các vị vua từ thời cổ đại cho đến nay. Bởi vì Anu không chỉ là vị Thần Vĩ đại, Vua của các vị Thần, mà những người được ngài ban phước đều có thể trở thành vua. Theo truyền thuyết của người Sumer, vương vị được truyền từ Anu; và thuật ngữ chỉ “vương vị” là Anutu (“vị trí của Anu”). Biểu trưng của Anu là chiếc mũ tiara (mũ miện thần linh), cây quyền trượng (thể hiện cho quyền lực) và chiếc gậy (biểu tượng cho sự dìu dắt của người chăn chiên). Hiện nay hình ảnh chiếc gậy chăn chiên xuất hiện trên tay các linh mục nhiều hơn các nhà vua. Nhưng chiếc mũ miện và quyền trượng vẫn được những vị vua của loài người nắm giữ khi bước lên ngai vàng.
***
Vị thần quyền lực thứ hai trong các vị thần của người Sumer chính là EN.LIL. Tên của vị thần này có nghĩa là “Chúa tể của Không trung” – là nguyên mẫu và là Cha của các vị Thần Bão tố đứng đầu các vị thần của thế giới cổ đại sau này.
Ngài là con cả của Anu, được sinh ra tại Thần điện của cha mình. Nhưng thuở xa xưa, thần giáng xuống Mặt đất và sau đó trở thành vị Chủ thần của Thiên đường và Mặt đất. Khi Hội đồng các vị Thần tụ họp tại Thần điện, Enlil chủ trì các cuộc họp bên cạnh cha mình. Khi Hội đồng các vị Thần tụ họp trên Mặt đất, họ gặp nhau tại điện của Enlil trong cấm thành Nippur, tòa thành dành riêng cho Enlil và khuôn viên ngôi đền chính E.KUR (“ngôi nhà tựa ngọn núi”) của thần.
Không chỉ có người Sumer mà chính các vị thần của Sumer cũng coi Enlil là Đấng Tối cao. Họ gọi thần là Đấng Trị vì mọi xứ và nói rõ rằng “trên Thiên đường – Ngài là Hoàng tử; trên Mặt đất – Ngài là Chúa tể.” “Lời nói (mệnh lệnh) của ngài hướng lên trời cao khiến cho Thiên đường chao đảo, hướng xuống đất khiến cho Mặt đất rung chuyển”:
Enlil,
Quyền năng của ngài lan tỏa thật xa;
Với những “lời” cao quý và thiêng liêng;
Với tuyên bố không thể nào thay đổi;
Ngài phán quyết số mệnh trong tương lai xa xôi…
Các vị thần trên Mặt đất nguyện ý cúi mình trước ngài;
Các vị thần trên Thiên đường hiện diện trên Mặt đất
Khúm núm trước mặt ngài;
Họ chung thủy đứng cạnh ngài theo hướng dẫn.
Trong tín ngưỡng của người Sumer, Enlil xuống Mặt đất trước khi có cư dân và nền văn minh trên mặt đất. Một “bản thánh ca cho Enlil, Đấng Từ tâm” kể về những phương diện xã hội và văn minh sẽ không tồn tại nếu không được Enlil hướng dẫn để “thực hiện những mệnh lệnh của ngài ở khắp mọi nơi.”
Không có thành nào được xây dựng, khu dân cư nào được thành lập;
Không chuồng ngựa nào được xây, không chuồng cừu nào được dựng;
Không có vị vua nào lên nắm quyền, không có thầy cả nào được sinh ra.
Các ghi chép của người Sumer cũng khẳng định rằng Enlil đã xuống Mặt đất trước khi “người Đầu đen” – cách gọi Loài người của người Sumer – được tạo ra. Trong thời kỳ trước khi Con người xuất hiện đó, Enlil dựng lên Cung điện Nippur làm “điểm chỉ huy”, nơi kết nối Thiên đường và Mặt đất bằng một loại “liên kết”. Các ghi chép của người Sumer gọi liên kết này là DUR.AN.KI (“liên kết trời-đất”) và dùng từ ngữ bay bổng để mô tả những hành động đầu tiên của Enlil trên Mặt đất:
Enlil,
Khi ngài phân chia những khu đất thiêng trên Mặt đất,
Ngài đã dựng nên Nippur làm thành của riêng mình.
Tòa thành của Mặt đất, tòa thành cao quý,
Tòa thành thánh khiết của ngài nơi nước cũng ngọt ngào.
Ngài lập nên Dur-An-Ki
Tại trung tâm bốn góc của thế giới.
Trong những ngày xa xưa đó, khi chỉ có các vị thần ngự trị ở Nippur và Con người chưa được tạo ra, Enlil đã gặp một vị nữ thần và cưới nàng làm vợ. Theo một truyền thuyết, Enlil nhìn thấy người vợ tương lai của mình trong khi nàng đang khỏa thân tắm ở một dòng suối của Nippur. Đó là tình yêu sét đánh, tuy nhiên lúc đó thần chưa có ý nghĩ lấy nàng làm vợ:
Người chăn chiên Enlil, người định ra số mệnh,
Đấng Tỏ tường, nhìn thấy nàng.
Vị Chúa tể bày tỏ ý muốn quan hệ với nàng;
nàng không nguyện ý.
Enlil thể hiện ý muốn quan hệ với nàng;
Nàng không đồng ý:
“Tôi còn quá bé [nàng nói],
Tôi chưa trải qua lần quan hệ nào;
Đôi môi tôi quá nhỏ nhắn,
Chưa nếm qua nụ hôn nào.”
Nhưng Enlil không chấp nhận sự khước từ. Ngài thổ lộ với viên quan thị thần Nushku nỗi khát khao cháy bỏng có được “người thiếu nữ trẻ đẹp đó,” người được gọi là SUD (“bảo mẫu”) đang cùng sống với mẹ mình ở E.RESH (“ngôi nhà ngát hương”). Nushku đề nghị tổ chức một cuộc đi chơi bằng thuyền. Enlil thuyết phục Sud đi chơi thuyền cùng với mình. Khi họ cùng ở trên thuyền, Enlil đã cưỡng bức nàng.
Sau đó câu chuyện kể rằng mặc dù Enlil là thủ lĩnh nhưng các vị thần cảm thấy tức giận đến mức họ bắt giữ chàng và tống chàng xuống thế giới dưới Lòng đất. Họ mắng chàng: “Enlil, kẻ vô đạo đức! Hãy cút ra khỏi thành!” Câu chuyện này cũng kể rằng sau khi có mang đứa con của Enlil, Sud đã đi theo chàng và chàng cưới nàng làm vợ. Một dị bản khác kể rằng Enlil đã đi tìm kiếm cô gái trong hối hận và cử vị thị thần của mình tới gặp mẹ cô để hỏi cưới cô. Dù gì đi nữa, Sud cũng trở thành vợ của Enlil và thần trao cho nàng danh hiệu NIN.LIL (“Bà chủ Không trung”).
Nhưng chàng và các vị thần đã xua đuổi chàng đâu ngờ rằng không phải Enlil dụ dỗ Ninlil mà mọi việc đã diễn ra ngược lại. Sự thật là Ninlil khỏa thân tắm ở con suối theo sự chỉ dẫn của mẹ mình, với hy vọng rằng Enlil – người thường đi dạo trên bờ suối – sẽ nhìn thấy Ninlil và muốn “ngay lập tức ôm nàng, hôn nàng.”
Bất chấp hoàn cảnh 2 người đến với nhau như vậy, Ninlil vẫn đạt được danh vọng tột đỉnh khi được Enlil trao cho “bộ xiêm y lệnh bà.” Ngoại trừ trường hợp mà chúng tôi tin là Enlil phải làm cho sự kế vị vương triều này, người ta không bao giờ thấy chàng có bất kỳ hành động bất cẩn nào khác. Một bản khắc lễ tạ được phát hiện ở Nippur mô tả Enlil và Ninlil đang được phục vụ thức ăn và đồ uống tại ngôi đền của mình. Bản khắc này do Ur-Enlil, “quản gia của Enlil” ủy thác thực hiện. (Hình 45)
Bên cạnh vị trí là người đứng đầu các vị thần, Enlil cũng được cho là Chúa tể Tối cao của Sumer (đôi khi được gọi một cách đơn giản là “Xứ sở”) và “người Đầu đen” của xứ này. Một bản thánh ca của người Sumer thể hiện lòng tôn kính đối với vị thần này như sau:
Chúa tể biết được số phận của Xứ sở,
tin cẩn lời kêu gọi của ngài;
Enlil người biết được số phận của Sumer,
tin cẩn lời kêu gọi của ngài;
Cha Enlil,
Chúa tể của mọi miền;
Cha Enlil,
Chúa tể của Mệnh lệnh Chính nghĩa;
Cha Enlil,
Đấng Chăn chiên của người Đầu đen…
Từ những ngọn núi nơi Mặt trời mọc
tới những ngọn núi nơi Mặt trời lặn,
Không có vị Chúa tể nào khác trên Mặt đất;
ngài là vị Vua duy nhất.

Hình 45
Người Sumer tôn sùng Enlil với cả lòng sợ hãi và biết ơn. Ngài chính là người đảm bảo những sắc lệnh của Hội đồng Thần linh được thực hiện với Con người; “cơn gió” của ngài tạo thành những cơn bão tàn phá các thành phố gây nhiều tội lỗi. Ngài chính là người tìm cách hủy diệt Nhân loại trong trận Đại Hồng thủy. Nhưng khi hòa thuận với con người, ngài lại là vị thần thân thiện ban ơn phước; theo ghi chép của người Sumer thì kiến thức về kỹ năng trồng trọt cùng với các công cụ cày và cuốc là do chính Enlil trao cho Con người.
Enlil cũng lựa chọn những vị vua cai quản Nhân loại, không phải để làm kẻ cai trị mà là những đầy tớ được thần tin tưởng giao phó thi hành những điều luật công lý thần thánh. Theo đó, các vị vua của Sumer, Akkad, Babylon đều có những ghi chép tôn sùng bản thân bằng cách mô tả cách thức họ được Enlil triệu gọi nắm vương vị. Những lời “triệu gọi” được Enlil thay mặt bản thân và người cha Anu của mình ban ra đó thừa nhận vị trí chính thống của nhà vua và vạch ra các quyền hạn của vị vua đó. Ngay cả Hammurabi, người coi vị thần có tên Marduk là vị quốc thần của Babylon cũng mở đầu cho các điều luật của mình bằng khẳng định rằng: “Anu và Enlil gọi tên ta để mang lại thịnh vượng cho người dân… để cho công lý được phổ biến khắp Xứ sở.”
Vị Thần của Thiên đường và Mặt đất, Con cả của Anu, Đấng Truyền thụ Vương vị, Người đứng đầu Hội đồng Thần linh, Cha của các vị Thần và Con người, Ông tổ nghề nông, Chúa tể Không trung – đó là một số danh hiệu nói lên sự vĩ đại và quyền năng của Enlil. “Quyền năng của ngài trải rộng khắp nơi,” “những tuyên bố của ngài không thể nào thay đổi”; ngài “phán quyết số mệnh.” Ngài nắm giữ “liên kết trời - đất,” và từ “tòa thành Nippur vĩ đại” của mình ngài có thể “phát ra những chùm sáng tìm kiếm trái tim của mọi miền đất” – “những con mắt có thể quét tới mọi miền.”
Tuy vậy ngài vẫn là một con người như bất kỳ chàng thanh niên bị quyến rũ bởi một mỹ nhân khỏa thân nào khác; phải tuân theo những luật định đạo đức của cộng đồng các vị thần, những hành vi phạm luật đều bị trừng phạt bằng hình thức trục xuất; và thậm chí không được miễn tội với những cáo buộc về đạo đức. Ít nhất trong một trường hợp mà chúng ta được biết, có vị vua người Sumer của thành Ur đã khiếu nại thẳng lên Hội đồng Thần linh rằng một loạt những rắc rối đã trút lên thành Ur và người dân của thành này đã hé lộ ra một sự thật bất hạnh: “Enlil đã trao vương vị cho một kẻ vô dụng… kẻ không phải dòng dõi người Sumer.”
Khi tiếp tục nghiên cứu, chúng ta sẽ thấy được vai trò trung tâm của Enlil trong các vấn đề thần thánh và trần tục diễn ra trên Mặt đất và cuộc tranh chấp diễn ra giữa chính các con trai của vị thần này với nhau và với những kẻ khác để giành quyền kế vị, khơi nguồn cảm hứng cho những câu chuyện sau này về những trận chiến của các vị thần.
***
Vị Thần Vĩ đại thứ 3 của Sumer là một người con trai khác của Anu; vị thần này có 2 tên: E.A và EN.KI. Giống như người anh Enlil của mình, chàng cũng là một vị Thần của Thiên đường và Mặt đất, một vị thần có nguồn gốc từ Thiên đường và sau đó giáng trần.
Trong các ghi chép của người Sumer, việc giáng trần của vị thần này gắn liền với thời kỳ những dòng sông từ vịnh Ba Tư vào nội địa ngày nay, biến vùng đất phía nam của đất nước này thành những đầm lầy. Ea (cái tên này có nghĩa đen là “ngôi nhà trong nước”) là một kỹ sư bậc thầy, người hoạch định và giám sát việc xây dựng các kênh đào, đắp đê cho các con sông và việc tháo nước cho các đầm lầy. Ngài thích đi lại bằng thuyền trên những tuyến đường thủy đó, đặc biệt là trên đầm lầy. Những vùng nước này, như trong cái tên của ngài, chính là nhà của ngài. Ngài xây dựng “ngôi nhà lớn” của mình trong tòa thành dựng lên bên bờ của đầm lầy, tòa thành có tên là HA.A.KI (“nơi cư ngụ của cá”); nó còn được gọi là E.RI.DU (“ngôi nhà khi đi xa”).
Ea là “Chúa tể của những vùng Nước mặn,” đó là các biển cả và đại dương. Các ghi chép của người Sumer kể nhiều về thời rất xa xưa khi 3 vị Thần Vĩ đại phân chia vương quốc. “Biển cả được họ trao cho Enki, Hoàng tử của Mặt đất,” do đó Enki được trao “quyền cai quản Apsu” (“Đáy sâu”). Là Chúa tể Biển cả, Ea đã đóng những con thuyền đi tới những vùng đất xa xôi, đặc biệt là nơi có các kim loại quý và đá bán quý để mang về Sumer.
Những con dấu lăn cổ xưa nhất của người Sumer khắc họa Ea như là một vị thần được bao quanh bởi những dòng suối đang chảy, thậm chí có lúc có cả những con cá bơi lội. Những con dấu như được thể hiện trong hình dưới đây liên tưởng Ea với Mặt trăng (được thể hiện bằng hình lưỡi liềm), sự liên tưởng này có lẽ xuất phát từ thực tế Mặt trăng tạo nên thủy triều của biển cả. Chắc chắn từ sự liên quan đến hình ảnh mặt trăng này mà Ea được gọi bằng danh hiệu NIN.IGI.KU (“Chúa tể Mắt sáng”). (Hình 46)
Hình 46
Theo các ghi chép của người Sumer, trong đó có cả một tự truyện thực đáng kinh ngạc do chính Ea viết ra thì vị thần này được sinh ra ở Thiên đường và xuống Mặt đất trước khi xuất hiện cư dân hay nền văn minh ở đó. Ngài khẳng định: “khi ta xuống đến Mặt đất, ở đó đang chìm trong nước lụt.” Sau đó, ngài tiếp tục mô tả chuỗi hành động biến Mặt đất thành nơi có thể cư ngụ được: Ngài đổ những “dòng nước ngọt mang lại sự sống” vào sông Tigris; ngài bổ nhiệm một vị thần trông coi việc xây dựng các kênh đào để định hướng dòng chảy cho sông Tigris và Eupharates; và ngài khơi thông các vùng đầm lầy, đổ vào đó các loài cá, biến chúng thành nơi trú ngụ của tất cả các loài chim và khiến cho những cây sậy mọc lên để dùng làm vật liệu xây dựng.
Sau khi biến biển cả và sông ngòi thành vùng đất khô ráo, Ea tuyên bố rằng ngài chính là người “bày cách làm ra cày và ách… khai mở những đường cày thần thánh… xây dựng những chuồng ngựa… dựng nên những chuồng cừu.” Tiếp đó, bản ghi chép tự tâng bốc được các chuyên gia đặt cho cái tên “Enki và Trật tự Thế giới” ghi nhận công lao vị thần này là người đã mang xuống Mặt đất thuật làm gạch, cách xây dựng nhà cửa và các thành phố, thuật luyện kim, v.v…
Ngoài việc coi vị thần này là đấng ban ơn vĩ đại nhất cho Nhân loại, là vị thần khai sinh ra nền văn minh, nhiều ghi chép cũng khắc họa ngài là nhân vật bênh vực Nhân loại chính trong Hội đồng các vị Thần. Các ghi chép về trận Đại Hồng thủy của người Sumer và Akkad (có thể là cơ sở khởi nguồn cho câu chuyện trong Kinh thánh) mô tả Ea là vị thần đã cho phép một môn đồ tin cẩn (“Noah” trong tiếng Mesopotamia) thoát khỏi thảm họa nhằm thể hiện sự coi thường đối với quyết định của Hội đồng các vị Thần.
Thực tế, các ghi chép của người Sumer và Akkad (giống như Kinh Cựu ước) vốn gắn liền với tín điều rằng một vài vị thần đã tạo ra Con người bằng một hành động có chủ ý, đều nhắc tới Ea với vai trò chính yếu: Là khoa học gia đứng đầu các vị thần, ngài vạch ra phương pháp và quy trình tạo ra Con người. Với sự gắn bó như vậy cùng việc “tạo ra” hay sự xuất hiện của Con người, bảo sao Ea đã hướng dẫn Adapa – “hình mẫu Con người” được Ea tạo ra bằng “trí tuệ” của mình – tới được Cung điện của Anu trên Thiên đường, chống lại quyết định của các vị thần nhằm thu lại “cuộc sống bất tử” của Nhân loại.
Có phải Ea đứng về phía Con người đơn giản là bởi ngài tham gia vào quá trình tạo ra họ, hay ngài có những động cơ khác mang tính cá nhân hơn? Khi lục tìm trong các ghi chép, chúng tôi phát hiện ra rằng việc Ea kiên định bất tuân các vấn đề cả về con người trần tục lẫn thế giới thần linh đều chủ yếu nhằm mục đích phá hoại các quyết định hay kế hoạch do Enlil ban hành.
Các ghi chép này chứa đầy những dẫn chứng cho thấy nỗi ghen tị ghê gớm của Ea dành cho người anh Enlil của mình. Thực tế, cái tên khác (và có lẽ là cái tên đầu tiên) của Ea là EN.KI (“Chúa tể Mặt đất”) và các ghi chép đề cập đến việc phân chia thế giới giữa ba vị thần ám chỉ rằng đó có thể đơn giản là một cuộc rút thăm khiến Ea mất quyền kiểm soát Mặt đất vào tay người anh Enlil.
Các vị thần siết chặt tay nhau,
Cùng rút thăm và phân chia thế giới.
Rồi Anu bay lên Thiên đường;
Mặt đất được trao cho Enlil.
Biển cả, bao quanh như một chiếc vòng,
Được họ trao cho Enki, Hoàng tử của Mặt đất.
Ngoài nỗi đắng cay với kết quả của cuộc rút thăm này, dường như trong lòng Ea/Enki còn ấp ủ một nỗi oán giận sâu đậm hơn. Cơn cớ này được Enki giải thích trong tự truyện của mình: Enki tuyên bố chính ngài, chứ không phải Enlil, mới là con cả; bởi vậy chính là ngài chứ không phải Enlil là người đáng được trao danh hiệu người kế vị hiển nhiên của Anu:
“Cha ta, Vua của vũ trụ,
Sinh ra ta trong vũ trụ…
Ta là hạt giống tốt,
Do Bò hoang Vĩ đại sinh ra;
Ta là con trai cả của Anu.
Ta là Anh cả của các vị thần…
Ta là người được sinh ra
Là con cả của Anu thần thánh.”
Vì các bộ luật của con người sinh sống ở vùng Cận Đông cổ đại là do các vị thần trao cho nên chúng ta có thể suy ra rằng những điều luật về xã hội và gia đình áp dụng với con người được sao chép từ các quy định áp dụng với các vị thần. Các hồ sơ tòa án và gia đình được tìm thấy ở các địa điểm như Mari và Nuzi đã chứng tỏ rằng những phong tục và luật lệ mà các tộc trưởng Hebrew áp dụng được đề cập trong Kinh thánh cũng là những luật lệ mà các vị vua và quý tộc vùng Cận Đông cổ đại phải tuân theo. Bởi vậy các vấn đề liên quan đến việc kế vị cũng được các tộc trưởng này học hỏi.
Abraham vì không thể có con với người vợ Sarah “cằn cỗi” đã dan díu với người hầu gái của bà và sinh ra người con trai cả. Tuy nhiên người con trai này (Ishmael) đã bị mất quyền kế vị tộc trưởng ngay khi Sarah sinh cho Abraham người con trai Isaac.
Rebecca vợ Isaac sinh ra một cặp song sinh. Đứa con được sinh ra trước là Esau – một đứa “lông lá hung hung” xù xì. Nối gót Esau là Jacob, đứa trẻ kháu khỉnh hơn mà Rebecca yêu mến. Khi Isaac già cả, mù lòa chuẩn bị công bố di chúc của mình, Rebecca đã dùng mẹo để ơn phước kế vị được ban cho Jacob thay vì Esau.
Cuối cùng, hậu quả gian dối trong việc kế vị của Jacob đó là ông phải cúi đầu dưới trướng của Laban trong suốt 20 năm để được kết hôn cùng Rachel nhưng rồi Laban buộc ông phải cưới chị gái của Rachel tên Leah làm vợ cả. Leah chính là người sinh cho Jacob người con trai đầu lòng Reuben và ông có thêm nhiều con trai và một con gái với bà và 2 người vợ lẽ. Tuy nhiên khi Rachel sinh cho ông đứa con trai đầu lòng của bà, Joseph, Jacob lại yêu thương đứa con này hơn các anh em khác của nó.
Trong bối cảnh của những phong tục và luật lệ kế vị đó, chúng ta có thể hiểu được những xung đột tất yếu giữa Enlil và Ea/Enki. Enlil, được tất cả các ghi chép cho là con trai của Anu và người vợ chính thức, là người con cả hợp pháp. Nhưng lời kêu than đau khổ của Enki rằng: “Ta là hạt giống tốt… Ta là con cả của Anu” chắc hẳn phải là một tuyên bố có thật. Phải chăng ngài vẫn là con của Anu, nhưng là với một vị nữ thần khác có địa vị chỉ là thiếp? Có thể trên Thiên cung đã xảy ra trường hợp giống như trong câu chuyện về Isaac và Ishmael, hay câu chuyện về cặp song sinh Esau và Jacob.
Mặc dù Enki chịu thừa nhận quyền kế vị của Enlil song một số chuyên gia tìm ra đủ bằng chứng cho thấy có một cuộc chiến tranh giành quyền lực diễn ra giữa 2 vị thần. Samuel N. Kramer đã đặt tên cho một trong những ghi chép cổ xưa là “Enki và nỗi ám ảnh về sự yếu thế.” Như chúng ta sẽ thấy ở phần sau, một số câu chuyện trong Kinh thánh – câu chuyện về Eve và người chăn chiên trong Vườn Địa Đàng, hay câu chuyện về trận Đại Hồng thủy – đều có liên quan đến những câu chuyện của người Sumer về việc Enki chống đối lại mệnh lệnh của anh trai mình.
Dường như đến một thời điểm nào đó, Enki nhận ra rằng cuộc đấu tranh giành ngôi báu không mang lại kết quả gì; và ngài hướng những nỗ lực đó vào việc biến đứa con trai của mình chứ không phải của Enlil thành người kế vị đời thứ ba. Thoạt đầu, ít nhất ngài đã tìm cách đạt được điều đó với sự trợ giúp của chị mình là NIN.HUR.SAG (“Nữ thần các Đỉnh núi”).
Vị nữ thần này cũng là con của Anu, nhưng rõ ràng là không phải con của Anu với Antu và trường hợp này lại nảy sinh một quy định kế vị mới. Trong nhiều năm qua các chuyên gia đã từng băn khoăn tại sao cả Abraham và Isaac đều công khai rằng những người vợ của mình đều là chị em của họ – một câu hỏi đau đầu xét theo quan điểm cấm đoán trong Kinh thánh đối với việc quan hệ thể xác giữa chị em ruột. Nhưng khi các ghi chép về luật lệ được khai quật ở Mari và Nuzi, người ta mới thấy rằng một người đàn ông có thể kết hôn với người chị chung nửa dòng máu. Hơn nữa, khi xem xét việc kế vị giữa các đứa con của tất cả các bà vợ, con trai của người vừa là vợ vừa là chị đó với tỉ lệ “dòng giống thuần chủng” nhiều hơn 50% so với con trai của các bà vợ không cùng huyết thống khác sẽ được coi là người kế vị hợp pháp dù anh ta có là con trai cả hay không. Quy định này tình cờ đã tạo ra (ở Mari và Nuzi) thủ đoạn nhận người vợ sủng ái làm “chị” để biến con trai của cô ta thành người kế vị hợp pháp không thể thay đổi.
Ninhursag chính là người chị chung nửa dòng máu như thế để Enki tìm cách có một đứa con trai. Vị nữ thần này cũng có nguồn gốc “từ Thiên đường” giáng xuống Mặt đất thời xa xưa. Một số ghi chép kể rằng khi các vị thần phân chia lãnh địa trên Mặt đất, nữ thần này được giao cai quản Xứ Dilmun – “một nơi thuần khiết… một vùng đất thuần khiết… nơi sáng láng nhất.” Một ghi chép được các chuyên gia đặt tên là “Enki và Ninhursag – một huyền thoại Thiên đường” kể về chuyến đi của Enki tới Dilmun với mục đích cầu hôn. Bản ghi chép đó kể tiếp rằng Ninhursag “đang cô đơn”, một cô gái chưa chồng không ràng buộc. Tuy sau này vị nữ thần đó được khắc họa là một người đàn bà già nua nhưng chắc chắn thời trẻ nàng phải rất quyến rũ, bởi ghi chép đó khẳng định chắc chắn rằng khi Enki đến gần nàng, ánh mắt của nàng “khiến chàng không thể kiềm chế nổi.”
Với gợi ý rằng họ đang được riêng tư, Enki “trút tinh dịch vào tử cung của Ninhursag, nàng nhận lấy”; và “sau 9 tháng hoài thai… nàng sinh con bên bờ suối.” Nhưng đó lại là một đứa con gái.
Thất bại trong việc có được đứa con trai kế vị, Enki sau đó tiếp tục quan hệ với chính con gái của mình. “Thần ghì chặt nàng, thần hôn nàng; Enki hòa vào nàng.” Nhưng nàng cũng sinh cho thần một đứa con gái. Sau đó Enki nhắm tới chính đứa cháu gái đó của mình và cũng khiến nàng mang thai; nhưng một lần nữa kết quả lại là con gái. Với quyết tâm chấm dứt chuyện này, Ninhursag đã lập một lời nguyền khiến cho Enki khi ăn phải loại cây nào đó, thể lực sẽ yếu dần. Tuy nhiên các vị thần khác đã buộc Ninhursag rút lại lời nguyền.
Trong khi những sự kiện trên chủ yếu liên quan đến nội vụ thần giới thì những câu chuyện khác cũng kể về Enki và Ninhursag lại có liên quan nhiều đến thế sự của con người; bởi theo ghi chép của người Sumer thì Con người được Ninhursag tạo ra theo quy trình và công thức do Enki nghĩ ra. Nàng là người bảo mẫu chính, vị thần phụ trách các cơ sở y tế; với vai trò này mà nữ thần được gọi là NIN.TI (“Nữ thần Sự sống”). (Hình 47)
Một số chuyên gia cho rằng từ Adapa (“hình mẫu Con người” của Enki) chính là Adama, hay Adam trong Kinh thánh. Hai nghĩa của từ TI trong tiếng Sumer cũng có sự tương đương trong Kinh thánh. Bởi từ ti vừa có nghĩa là “sự sống” vừa có nghĩa là “xương sườn”, nên cái tên của Ninti vừa có nghĩa là “Nữ thần Sự sống” vừa có nghĩa là “Nữ thần Xương sườn.” Eve (có nghĩa là “sự sống”) trong Kinh thánh được tạo ra từ một dẻ sườn của Adam, thế nên theo cách nào đó thì Eve cũng là “nữ thần Sự sống” hay “nữ thần Xương sườn.”
Là người đem lại sự sống cho cả các vị thần lẫn Con người, Ninhursag được gọi là Nữ thần Mẹ. Nàng có biệt hiệu là “Mammu” – tiền thân của từ “mom” hay “mamma” (mẹ) của chúng ta – và biểu tượng của nàng là con “dao cắt” – dụng cụ được các bà đỡ thời cổ dùng để cắt dây rốn sau khi sinh. (Hình 48)
***
Còn Enlil, người anh trai và là đối thủ của Enki, đã rất may mắn khi có được “người nối dõi hợp pháp” với người chị Ninhursag của mình. Đó là vị thần trẻ nhất trên Mặt đất được sinh ra trên Thiên đường, tên của chàng là NIN.UR.TA (“Chúa tể hoàn thành việc kiến tạo”). Chàng là “con trai anh hùng của Enlil lên đường với tấm lưới và những tia sét” để chiến đấu cho cha mình; “đứa con trai báo thù… người phóng ra những quả cầu sét.” (Hình 49) BA.U, vợ của chàng, cũng là một thần y; biệt hiệu của nàng là “Nữ thần Cải tử Hoàn sinh.”

Hình 47
Hình 49
Các bức họa cổ đại về thần Ninurta thể hiện thần mang một loại vũ khí độc đáo – hiển nhiên đó chính là loại vũ khí có thể bắn ra “những quả cầu sét”. Các ghi chép của người cổ đại tán dương chàng là một thợ săn hùng mạnh, một vị chiến thần nổi tiếng với những kỹ năng võ thuật điêu luyện. Nhưng trận chiến hào hùng vĩ đại nhất của chàng không phải là thay mặt cha mình mà là vì lợi ích của chính chàng. Đó là trận chiến quy mô lớn với một vị ác thần tên là ZU (“thông thái”) và phần thưởng cho trận chiến đó chính là quyền lãnh đạo các vị thần trên Mặt đất, bởi Zu đã chiếm đoạt trái phép huy hiệu và các đồ vật tượng trưng cho vị trí Thủ lĩnh các vị Thần mà Enlil đang nắm giữ.
Phần mở đầu của các bản ghi chép mô tả các sự kiện này đã bị hủy hoại và câu chuyện chỉ trở nên rõ ràng từ đoạn Zu tới E-Kur, ngôi đền của Enlil. Hắn ta rõ ràng có danh tiếng và có địa vị nhất định, bởi Enlil chào đón hắn, “tin tưởng giao cho hắn canh gác lối vào đền của mình”. Nhưng vị “ác thần Zu” sắp phản bội lại lòng tin đó bằng cách “tước bỏ địa vị lãnh đạo của Enlil” được thể hiện qua việc nắm giữ những quyền lực thần thánh mà “hắn ấp ủ trong tim mình.”
Để làm được điều đó, Zu phải chiếm được một số đồ vật nhất định, trong đó có tấm Bảng Số mệnh Ma thuật. Vị thần Zu xảo quyệt đã chớp lấy cơ hội khi Enlil trút bỏ quần áo và xuống bể bơi như thường lệ, để những đồ vật của mình lại không ai trông coi.
Tại lối vào của ngôi đền,
nơi hắn đang quan sát,
Zu đợi đến lúc bình minh.
Khi Enlil đang tắm gội trong dòng nước trong lành
mũ miện được ngài tháo ra
và đặt trên ngai vàng
Zu giữ chặt tấm Bảng Số mệnh trong tay mình,
Đoạt lấy địa vị lãnh đạo của Enlil.
Khi Zu bỏ chạy trong chiếc MU (có nghĩa là “tên”, nhưng lại chỉ một loại máy bay) của mình tới nơi trú ẩn hẻo lánh, những hậu quả mà hành động trơ tráo của hắn mới bắt đầu phát tác.
Các Công thức Thần thánh bị đình chỉ;
Sự tê liệt lan rộng khắp nơi; sự im lặng bao trùm…
Ánh hào quang của Ngôi đền dần lịm tắt.
“Cha Enlil lặng đi.” “Các vị thần của xứ sở lần lượt họp nhau lại trước tin đó.” Vấn đề nghiêm trọng đến mức ngay cả Anu cũng được thông báo tin tức này trên Thần điện của mình.
Ngài xem xét hoàn cảnh và kết luận rằng phải bắt giữ Zu để phục hồi lại các “công thức.” Hướng ánh mắt về “các vị thần, những người con của mình,” Anu hỏi: “trong các thần ai sẽ đánh bại Zu? Người đó sẽ là người vĩ đại nhất!”
Một vài vị thần nổi tiếng với lòng can đảm được triệu tập. Nhưng tất cả họ đều chỉ ra rằng khi đã có trong tay tấm Bảng Số mệnh, Zu hiện đang nắm giữ những quyền năng giống như Enlil, thế nên “ai đối đầu với hắn đều nhũn như chi chi.” Lúc này, Ea nảy ra một ý tưởng hay: Tại sao không triệu tập Ninurta đánh trận chiến vô vọng này?
Các vị thần không thể nào bỏ lỡ “trò khỉ” thiên tài này của Ea. Rõ ràng, cơ hội kế vị rơi vào tay chính đứa con của Ea sẽ tăng lên nếu Zu bị đánh bại; tương tự, vị thần này cũng được hưởng lợi nếu Ninurta bị giết trong trận chiến. Trước sự ngạc nhiên của chúng thần, Ninhursag (trong bản ghi chép này là NIN.MAH – “Nữ thần Vĩ đại”) đồng ý. Hướng về phía con trai Ninurta, nữ thần giải thích cho chàng hiểu là Zu đã tước đoạt địa vị lãnh đạo không những khỏi tay Enlil mà còn cả chính Ninurta. “Với những tiếng thét đau đớn khi ta sinh ra con,” bà kêu lên và chính bà là người “đảm bảo cho em trai và cho Anu” kế tục “Vương vị của Thiên đường.” Để những nỗi đau đó không vô ích, bà đã hướng dẫn Ninurta lên đường và chiến đấu để giành chiến thắng:
Hãy tung đòn tấn công… hãy tóm lấy tên Zu chui lủi…
Hãy để đòn tấn công khủng khiếp của con đánh tới tấp lên hắn…
Cắt cổ hắn! Đánh bại Zu!...
Hãy tung 7 Ngọn gió độc của con về phía hắn…
Để toàn bộ cơn Cuồng phong tấn công hắn…
Hãy hướng Tia xạ của con về phía hắn…
Hãy để những Ngọn gió đưa Cánh của hắn tới nơi bí mật…
Hãy mang quyền tối cao về cho Ekur;
Hãy lấy lại Công thức Thần thánh
cho người cha đã sinh ra con.
Nhiều dị bản khác nhau của sử thi này đưa ra những miêu tả ly kỳ về trận chiến diễn ra sau đó. Ninurta bắn “mũi tên” vào Zu, nhưng “mũi tên không thể chạm được vào người Zu… khi hắn ta còn giữ tấm Bảng Số mệnh của các vị thần trong tay.” “Những vũ khí được phóng ra dừng lại nửa chừng” trên đường bay. Khi trận chiến diễn ra bất phân thắng bại, Ea khuyên Ninurta nên thêm một til-lum vào vũ khí của mình và bắn nó vào “đầu cánh,” hay những chiếc bánh răng nhỏ trên “cánh” của Zu. Nghe theo lời khuyên đó và bắn theo kiểu “cánh tiếp cánh,” Ninurta đã bắn til-lum vào các đầu cánh của Zu. Bị bắn trúng, các đầu cánh bắt đầu bung ra và “cánh” của Zu rơi lộn nhào. Zu bị đánh bại và tấm Bảng Số mệnh lại quay trở về với Enlil.
***
Zu là ai? Có phải vị thần này là một “con chim thần thoại” như ý kiến của các chuyên gia?
Hiển nhiên là vị thần này có thể bay. Nhưng ngày nay bất cứ người bình thường nào lái một chiếc máy bay, hay bất cứ phi hành gia nào bay vào vũ trụ đều có thể làm được điều đó. Ninurta cũng có thể bay lượn thuần thục như Zu (và có lẽ là còn thuần thục hơn). Nhưng bản thân vị thần này không phải là chim, bởi các bức họa về chàng, chính bản thân chàng hay với người vợ BA.U (còn được gọi là GU.LA) cho thấy điều đó rất rõ ràng. Thay vào đó, chàng bay lượn được là nhờ sự trợ giúp của một “con chim” đặc biệt được trông giữ tại khu đền thiêng của thần (GIR.SU) trong thành Lagash.
Zu cũng không phải là một “con chim”; hiển nhiên là vị thần này đã bố trí một “con chim” để có thể bay đi trốn. Chính từ những “con chim” như vậy mà trận không chiến giữa hai vị thần đã diễn ra. Và không còn gì bàn cãi khi xét đến bản chất của loại vũ khí cuối cùng đã bắn hạ “con chim” của Zu. Được gọi là TIL trong tiếng Sumer và til-lum trong tiếng Assyria, ký hiệu tượng hình của nó là: > (thêm tượng hình trang 109) và chắc là nó cũng có nghĩa như từ til ngày nay trong tiếng Hebrew: “tên lửa.”
Như vậy Zu là một vị thần – một trong những vị thần tìm cách chiếm đoạt ngôi vị của Enlil; một vị thần mà Ninurta, với tư cách là người kế vị hợp pháp, có mọi lý do để chiến đấu.
Liệu vị thần này có phải là MAR.DUK (“con trai của Ngọn đồi thuần khiết”), đứa con đầu lòng của Enki với người vợ DAM.KI.NA, người đã nóng lòng dùng mưu chiếm đoạt những gì theo lý không thuộc về mình?
Chúng ta có lý do để tin vào điều này, bởi sau khi không đạt được mục đích có đứa con trai với chị gái mình để trở thành đối thủ về mặt pháp lý tranh giành ngôi vị của Enlil, Enki đã trông cậy vào đứa con trai Marduk của mình. Thực tế, vào thời kỳ khởi đầu thiên niên kỷ 2 TCN, khi vùng Cận Đông cổ đại tràn ngập những biến động xã hội và quân sự to lớn, ở Babylon, Marduk đã đạt đến vị thế là vị thần quốc gia của Sumer và Akkad. Marduk được cho là Vua của các vị Thần, người thay thế Enlil và các vị thần khác được yêu cầu trung thành với ngài và đến cư ngụ ở Babylon, nơi mọi hoạt động của họ có thể bị giám sát dễ dàng. (Hình 50)

Hình 50
Sự tranh đoạt ngôi vị của Enlil này (diễn ra rất lâu sau sự việc xảy ra với Zu) đi kèm với nỗ lực toàn diện của người Babylon nhằm thay đổi các ghi chép cổ. Những ghi chép quan trọng nhất được viết lại và sửa đổi để làm cho Marduk trở thành Chúa tể của Thiên đường, Đấng Sáng tạo, Đấng Ban ơn, Vị Anh hùng thay cho Anu, Enlil hay thậm chí là Ninurta. Trong số những ghi chép bị sửa đổi có bản “Chuyện kể về Zu”; và theo dị bản của người Babylon thì chính Marduk chứ không phải Ninurta mới là người chiến đấu với Zu. Trong dị bản này, Marduk khoe khoang: “Mahasti moh il Zu” (“ta đã nghiền nát sọ thần Zu”). Như vậy rõ ràng rằng Zu không thể nào là Marduk.
Cũng không hợp lý khi Enki, “Thần Khoa học”, lại đi hướng dẫn Ninurta về việc lựa chọn và sử dụng những vũ khí hiệu quả để chống lại đứa con trai Marduk của mình. Qua cách xử sự cũng như việc hối thúc Ninurta “cắt cổ Zu” cho thấy Enki muốn trục lợi từ cuộc chiến này, bất kể kết quả thắng thua thế nào đi chăng nữa. Ở đây chúng ta chỉ có thể đưa ra kết luận hợp lý rằng xét trên phương diện nào đó Zu cũng là một đối thủ kế thừa vương vị hợp pháp của Enlil.
Điều đó sẽ dẫn tới việc còn lại duy nhất một vị thần: Nanna, con cả của Enlil với người vợ chính thức Ninlil. Vì nếu như Ninurta bị loại bỏ, Nanna sẽ đàng hoàng đứng vào hàng ngũ kế vị.
Nanna (tên gọi tắt của NAN.NAR – “người phát sáng”) đã được chúng ta biết đến qua nhiều thời kỳ với cái tên Akkad (hay “Semite”) là Sin.
Là con cả của Enlil, vị thần này được giao cai quản bang thành nổi tiếng nhất của Sumer là UR (“Thành phố”). Đền thờ vị thần này ở đó có tên là E.GISH.NU.GAL (“nhà của người kế vị ngai vàng”). Từ cung điện này, Nanna và người vợ NIN.GAL (“Nữ thần Vĩ đại”) của mình trông coi công việc của thành và dân chúng với lòng nhân đức lớn lao. Người dân thành Ur dành nhiều tình yêu thương cho những đấng trị vì thần thánh của mình, trìu mến gọi vị thần của mình là “Cha Nanna” và nhiều biệt danh thương mến khác.
Người dân thành Ur coi sự thịnh vượng của mình là nhờ Nanna trực tiếp ban cho. Shulgi, một vị vua của thành Ur (được đức thần ban phước) ở cuối thiên niên kỷ 3 TCN đã miêu tả “ngôi nhà” của Nanna là “một chuồng lớn đầy những ngựa”, một “nơi tràn ngập bánh mỳ dâng cúng,” nơi đàn cừu sinh sôi và những con bò được mổ thịt, chốn tràn đầy âm điệu ngọt ngào của tiếng trống và timbrel1.
Dưới sự cai quản của vị thần bảo hộ Nanna, Ur trở thành vựa lúa lớn của Sumer, là nơi cung cấp lúa mì cũng như cừu và gia súc cho các ngôi đền khác. Một “lời than khóc trên đống đổ nát của thành Ur” vẽ nên bức tranh tương phản về thành Ur trước khi nó sụp đổ:
Những vựa lúa của Nanna không có hạt
Những bữa tối của các vị thần bị cắt giảm
Trong phòng khách của họ, không còn rượu, mật ong
Trong căn bếp cao ngất của các đền thờ, không còn những con cừu hay bò quay
Tiếng kêu than vang lên ở Ngôi nhà lớn:
Ngôi nhà nơi tiếng thét dành cho những con bò vang lên −
Sự im lặng của chúng bao trùm…
Sự bi thương lan tỏa và chiếc chày nằm lăn lóc…
Những chiếc thuyền nằm chờ trên bến đìu hiu…
Không chở lúa mì đến cho Enlil ở Nippur
Dòng sông Ur vắng ngắt, không có chiếc thuyền lớn nào
trên dòng…
Không có bàn chân nào trên bờ sông, chỉ có cỏ mọc.
Điều khác thường nhất nằm ở một bài văn tế khác khóc than “những chuồng cừu tan thành mây khói,” những chuồng ngựa bị bỏ hoang, những người chăn gia súc bỏ đi: bài văn tế này không phải do người dân thành Ur viết ra, mà là tác phẩm của chính thần Nanna và người vợ Ningal. Những bài văn tế này và nhiều bài khác về sự sụp đổ của thành Ur cho thấy đây là hậu quả đau đớn của một sự kiện bất thường nào đó. Các ghi chép của người Sumer viết rằng Nanna và Ningal đã rời thành trước khi nó sụp đổ hoàn toàn. Đó là một cuộc chia ly vội vã, được mô tả đầy xúc động:
Nanna, dù yêu quý tòa thành của mình,
đã phải rời đi.
Sin, người yêu quý thành Ur,
đã không còn ở lại Ngôi nhà của mình.
Ningal…
vội vã khoác một bộ y phục lên người,
băng qua lãnh thổ của kẻ thù,
rời khỏi Ngôi nhà của mình.
Sự sụp đổ của thành Ur và cuộc di tản của các vị thần được khắc họa trong các bài văn tế đó là kết cục của một quyết định do Anu và Enlil chủ tâm đưa ra. Nanna đã cầu xin chính hai vị thần này chấm dứt biện pháp trừng phạt đó.
Xin Anu, Vua của các vị thần
nói rằng: “Thế là đủ rồi”;
Xin Enlil, Vua của Mặt đất,
ban cho một con đường sống!
Hướng lời khẩn cầu về phía Enlil, “Sin mang trái tim đau đớn tới cha mình; nhún gối trước Enlil, người cha đã sinh ra chàng,” và cầu xin:
Hỡi người cha đã sinh ra con,
Đến lúc nào người còn hậm hực
nhìn vào sự đền tội của con?
Đến lúc nào?...
Trên trái tim ngột ngạt mà người đã tạo ra
lập lòe như ngọn lửa –
xin hãy ban cho ánh mắt hiền hòa.
Bài văn tế không tiết lộ căn nguyên cơn phẫn nộ của Anu và Enlil. Nhưng nếu như Nanna là Zu thì sự trừng phạt đó dành cho tội âm mưu lật đổ của vị thần này. Vị thần này có phải là Zu không?
Có thể khẳng định vị thần này chính là Zu bởi vì Zu sở hữu một loại máy bay nào đó – “con chim” mà thần dùng để trốn chạy và để chiến đấu chống lại Ninurta. Các bài thánh ca của người Sumer ngợi ca “Con tàu Thiên đường” của vị thần này như sau:
Cha Nannar, Chúa tể của thành Ur…
Với ánh hào quang trong chiếc Tàu Thiên đường thiêng liêng…
Chúa tể là con trai cả của Enlil.
Khi chiếc Tàu Thiên đường của ngài hạ xuống,
tỏa ánh hào quang.
Enlil đã tô điểm cho bàn tay của ngài
Bằng cây quyền trượng vĩnh cửu
Ngài ngự trên Con tàu Thiêng phía trên thành Ur.
Trước khi phát hiện ra các mảnh của bản ghi chép Chuyện kể về thần Zu, người ta cho rằng vì biệt danh khác của Nanna là Sin bắt nguồn từ SU.EN tương tự như ZU.EN nên hai vị thần này là một. Nhưng hiện nay chúng ta biết rằng tên đầy đủ của Zu là AN.ZU – một đối thủ khác tranh giành quyền kế thừa vương vị của Enlil.
Dù Nanna/Sin đóng vai trò như thế nào trong các sự kiện đó đi chăng nữa thì chàng cũng đã bị loại khỏi hàng kế thừa trực tiếp vương vị của Enlil. Cả các ghi chép của người Sumer lẫn các bằng chứng khảo cổ đều cho thấy rằng Sin và vợ mình đã chạy tới Haran, tòa thành của người Hurrian được bảo vệ bởi những con sông và địa hình đồi núi. Đáng chú ý là khi gia tộc Abraham do người cha Terah dẫn đầu rời khỏi thành Ur, họ cũng hướng tới Haran, nơi họ dừng chân trong nhiều năm trên đường tới Miền đất Hứa.
Tuy Ur luôn được coi là tòa thành dành riêng cho Nanna/Sin nhưng chắc hẳn Haran mới là nơi định cư lâu dài của vị thần này, bởi nơi đây được xây dựng gần như giống hệt Ur, từ đền đài, công trình cho tới các đường phố. André Parrot (Abraham et son temps – tạm dịch: Cuộc đời Abraham) đã tổng kết những điểm giống nhau này bằng câu nói: “Mọi bằng chứng đều cho thấy rằng tín ngưỡng thờ cúng của Harran không gì hơn là bản sao chính xác của thành Ur.”
Khi đền thờ Sin ở Harran – được xây đi xây lại qua nhiều thiên niên kỷ – được phát hiện trong quá trình khai quật kéo dài hơn 50 năm, người ta phát hiện 2 tấm bia (cột đá tưởng niệm) có khắc một bản ghi chép độc đáo. Đó là bản ghi chép những lời của Adadguppi, một nữ tư tế cấp cao của Sin, về cách bà cầu nguyện và sắp xếp cho sự trở về của Sin, bởi trước đó vào thời điểm không rõ:
Sin, vua của các vị thần,
trở nên giận dữ với tòa thành và ngôi đền của ngài,
và bay lên Thiên đường.
Việc Sin do phẫn nộ hay thất vọng đã “khăn gói” và “bay lên Thiên đường” cũng được đề cập trong các ghi chép khác. Những ghi chép này kể rằng vua Assyria, Ashurbanipal đã thu được của kẻ thù một “con dấu lăn thiêng liêng bằng ngọc thạch anh quý giá nhất” và “cải tiến bằng cách khắc lên đó hình ảnh của Sin.” Sau đó, vị vua này còn cho khắc lên viên đá thiêng đó “lời ca ngợi Sin và treo nó quanh cổ bức tượng Sin.” Con dấu bằng đá quý có hình ảnh của Sin đó chắc hẳn phải là một thánh tích của thời cổ đại, bởi ghi chép đó còn khẳng định thêm rằng: “bề mặt của nó đã bị phá hủy trong thời gian đó, trong cuộc hủy diệt do kẻ thù gây ra.”
Nữ tư tế cao cấp được sinh ra trong thời kỳ trị vì của Ashurbanipal này được cho là người có dòng máu hoàng tộc. Trong lời kêu gọi hướng tới Sin, bà đưa ra một “thỏa thuận” thực tế: khôi phục lại quyền năng của thần Sin trước các đối thủ đổi lại việc giúp con trai bà là Nabunaid trở thành Đấng Trị vì của Sumer và Akkad. Các hồ sơ lịch sử xác nhận rằng vào năm 555 TCN, Nabunaid, người sau này trở thành Tư lệnh các Lực lượng Vũ trang Babylon, đã được các sỹ quan đồng ngũ đưa lên ngai vàng. Ông khẳng định là đã nhận được sự giúp đỡ trực tiếp từ Sin trong sự việc này. Các ghi chép của Nabunaid cũng cho thấy rằng “trong ngày đầu tiên xuất hiện”, Sin với “vũ khí của Anu” có thể “phóng một chùm sáng vươn tới” bầu trời và đánh hạ quân địch rơi xuống Mặt đất.
Nabunaid đã giữ lời hứa của mẹ mình đối với vị thần này. Ông cho xây dựng lại ngôi đền E.HUL.HUL (“ngôi nhà của niềm vui lớn”) cho Sin và tuyên bố rằng Sin là vị Thần Tối cao. Nhờ đó mà Sin có thể nắm trong tay “quyền năng của Anu, sử dụng tất cả các quyền năng của Enlil, kiểm soát quyền năng của Ea – từ đó nắm giữ trong tay mình tất cả Quyền năng Thiên đường.” Sau khi đánh bại kẻ soán ngôi Marduk, thậm chí chiếm giữ các quyền năng của cha Marduk là Ea, Sin xưng hiệu là “Trăng Lưỡi liềm Thần thánh” hay thường gọi là Thần Mặt trăng.
Làm thế nào mà Sin, vị thần được cho là đã trở về Thiên đường trong giận dữ, lại có khả năng tạo được những chiến tích to lớn như vậy khi trở lại Mặt đất?
Nabunaid, người xác nhận rằng Sin thực sự “quên đi những lời giận dữ… và quyết định trở lại ngôi đền Ehulhul”, đã tuyên bố một kỳ tích. Một kỳ tích “chưa từng có trên Xứ sở từ xưa đến nay” đã xảy ra: Một vị thần “giáng xuống Mặt đất từ Thiên đường.”
Đây là kỳ tích vĩ đại của Sin,
Điều chưa từng có trên Xứ sở
Kể từ những ngày xa xưa;
Điều mà người dân Xứ sở
Chưa từng thấy, chưa từng viết ra
Trên các tấm đất sét để bảo tồn mãi mãi:
Rằng Sin,
Chúa tể của tất cả các vị nam thần và nữ thần
Ngự trị trên Thiên đường,
Đã giáng trần.
Đáng tiếc là bản ghi chép này không đề cập chi tiết vị trí và phương thức Sin đáp xuống Mặt đất. Nhưng chúng tôi biết rõ rằng nó nằm ở đâu đó trên những cánh đồng bên ngoài Haran nơi Jacob trên đường từ Canaan tới để tìm cho mình một cô dâu ở “đất nước cổ xưa” đã nhìn thấy “một chiếc thang dựng trên Mặt đất vươn tới trời cao, nơi các thiên sứ của Đức Chúa lên xuống.”
Đồng thời với việc khôi phục lại quyền năng và xây dựng lại các đền thờ cho Nanna/Sin, Nabunaid cũng khôi phục lại các đền thờ và việc thờ cúng 2 người con sinh đôi của Sin là IN.ANNA (“nữ thần của Anu”) và UTU (“Người Phát sáng”).
Hai người con này do người vợ chính thức của Sin là Ningal sinh ra và trở thành thành viên huyết thống của Triều đại Thần thánh. Inanna là con cả, nhưng người anh em song sinh của nàng là Utu lại là con trai đầu lòng nên nghiễm nhiên trở thành người kế thừa vương vị hợp pháp. Không giống như mối thù địch trong trường hợp song sinh tương tự giữa 2 anh em Esau và Jacob, 2 đứa trẻ này lớn lên bên nhau rất gần gũi. Chúng cùng chia sẻ kinh nghiệm và những chuyến phiêu lưu với nhau, luôn trợ giúp nhau và khi Inanna phải chọn giữa 2 vị thần một người làm chồng, nàng đã hỏi ý kiến em trai mình.
Inanna và Utu được sinh ra từ thời thượng cổ, khi chỉ có các vị thần ngự trị trên Mặt đất. Tòa thành Sippar của Utu được coi là một trong những tòa thành đầu tiên được các vị thần ở Sumer tạo lập. Nabunaid khẳng định trong một ghi chép rằng khi ông tiến hành xây dựng lại ngôi đền E.BABBARA (“Ngôi nhà Hào quang”) của Utu ở Sippar:
Ta tìm kiếm nền móng cổ xưa của nó,
và ta đào xuống đất 18 cubit.
Utu, Chúa tể Vĩ đại của Ebabbara…
Chỉ cho mình ta phần nền móng
của Naram-Sin, con trai của Sargon, đã tồn tại 3.200 năm
trước ta, chưa từng có vị vua nào xuất hiện.
Khi nền văn minh nở rộ ở Sumer và Con người hòa nhập với các vị thần ở Vùng đất giữa những Con sông, hình tượng của Utu ngày càng gắn liền với luật pháp và công bằng. Một số bộ luật cổ xưa bên cạnh việc khẩn cầu Anu và Enlil đều được thể hiện dưới hình thức đòi hỏi sự thừa nhận và tôn trọng triệt để bởi chúng được ban hành “theo những lời nói thật sự của Utu.” Vua Babylon, Hammurabi đã cho khắc bộ luật của mình lên một tấm bia, trên đỉnh tấm bia đó có hình Đức Vua đang nhận bộ luật từ tay vị thần đó. (Hình 51)
Những tấm đất sét được tìm thấy ở Sippar minh chứng cho danh tiếng của một xứ sở có luật pháp công bằng và bình đẳng trong thời cổ đại. Một số ghi chép khắc họa hình tượng Utu ngồi phán xử các vị thần và Con người; trong thực tế, Sippar là nơi đặt “Tòa án Tối cao” của Sumer.

Hình 51
Công lý do Utu đề ra làm ta nhớ đến Bài giảng đạo trên Núi được ghi lại trong Kinh Tân ước. Một “tấm bảng thông thái” đưa ra cách hành xử làm hài lòng Utu:
Với đối phương đừng làm điều ác;
Hãy dùng điều thiện đáp lại kẻ ác.
Với kẻ thù, hãy để công lý được thực thi…
Đừng để trái tim xui nên tội lỗi…
Với kẻ cầu xin bố thí
hãy cho họ đồ ăn, rượu uống…
Hãy ra tay giúp đỡ; làm điều thiện.
Là người đảm bảo công lý được thực thi và ngăn ngừa áp bức cũng như do nhiều nguyên nhân khác nữa nên Utu được xem là Thần Bảo hộ cho những người lữ hành. Tuy nhiên tên gọi phổ biến nhất và tồn tại lâu nhất của Utu lại gắn với sự thông thái của ngài. Từ thời cổ đại, vị thần này được gọi là Babbar (“Người Tỏa sáng”). Ngài là “Utu, người phát ra ánh hào quang sáng chói,” là người “chiếu rọi Thiên đường và Mặt đất.”
Trong bản ghi chép của mình, Hammurabi gọi vị thần này bằng cái tên Akkad là Shamash, trong tiếng Semite có nghĩa là “Mặt trời.” Bởi thế, các chuyên gia cho rằng Utu/Shamash chính là Thần Mặt trời của người Mesopotamia. Sau này chúng tôi sẽ chỉ ra rằng tuy vị thần này được gán với thiên thể tương ứng là Mặt trời, thì vẫn còn cách nhìn khác về những tuyên bố này rằng thần “phát ra luồng sáng rực rỡ” khi thực hiện những nhiệm vụ đặc biệt mà người ông Enlil giao phó.
***
Bên cạnh các bộ luật và hồ sơ tòa án là những bằng chứng chứng thực của con người về sự hiện diện thực sự của vị thần có tên Utu/Shamash giữa những người dân Mesopotamia cổ đại, thì còn có vô số những bản khắc, ghi chép, thần chú, lời sấm truyền, lời cầu nguyện và hình ảnh minh chứng cho sự tồn tại của vị nữ thần Inanna, hay còn gọi là Ishtar trong tiếng Akkad. Một vị vua Mesopotamia vào thế kỉ XIII TCN khẳng định rằng ông đã cho xây dựng lại đền thờ vị nữ thần này tại thành Sippar của em trai nàng, trên nền móng có tuổi thọ 800 năm tính đến thời điểm đó. Nhưng thực tế, tại Uruk, tòa thành chính của nàng, những câu chuyện về nữ thần này còn lâu đời hơn thế.
Được biết đến với cái tên Venus đối với người La Mã, Aphrodite đối với người Hy Lạp, Astarte đối với người Canaan và Hebrew, Ishtar hay Eshdar đối với người Assyria, Babylon, Hittite và nhiều dân tộc cổ đại khác, Inanna, Innin hay Ninni đối với người Akkad và Sumer, hay nhiều biệt danh hoặc tên hiệu khác, vị nữ thần này luôn là Nữ thần Chiến tranh và Nữ thần Tình yêu, một phụ nữ xinh đẹp, sắc sảo và tuy chỉ là một người chắt gái của Anu, nàng đã tự tạo dựng cho mình một vị trí vững chắc trong số các Vị thần Vĩ đại của Thiên đường và Mặt đất.
Có lẽ vì là vị nữ thần trẻ tuổi nên nàng được giao lãnh địa ở vùng cực đông của Sumer, Xứ Aratta. Đó là nơi mà “vị Thần Cao quý, Inanna, Nữ hoàng của Xứ sở” xây dựng “ngôi nhà” của mình. Nhưng Inanna có tham vọng lớn lao hơn. Trong thành Uruk sừng sững một ngôi đền lớn của Anu, nó chỉ thỉnh thoảng được sử dụng trong các chuyến viếng thăm Mặt đất của thần; và Inanna đã để mắt tới chiếc ghế quyền lực đó.
Trong danh sách các vị vua Sumer thì vị vua đầu tiên không phải thần thánh của Uruk là Meshkiaggasher, con trai của thần Utu với một phụ nữ trần tục. Người kế vị ông là con trai Enmerkar, một vị vua vĩ đại người Sumer. Như vậy Inanna chính là bà cô của Enmerkar; và nàng không mấy khó khăn thuyết phục được vị vua này rằng nàng thực sự xứng đáng là nữ thần của Uruk thay vì xứ Aratta xa xôi.
Một ghi chép dài đầy cuốn hút có tên “Enmerkar và Chúa tể xứ Aratta” mô tả cách Enmerkar gửi các sứ giả tới Aratta, sử dụng mọi lý lẽ có thể trong một “cuộc đấu trí” để buộc Aratta phải quy phục bởi vì “Chúa tể Enmerka, tôi tớ của Inanna đã phong nàng là Nữ hoàng Ngôi nhà của Anu.” Kết thúc không rõ ràng của bản sử thi này ám chỉ một kết cục tốt đẹp: Tuy Inanna chuyển tới Uruk nhưng nàng không “bỏ rơi Ngôi nhà ở Aratta.” Việc nàng có thể là một “nữ thần đi mây về gió” không phải là không có khả năng, bởi trong nhiều ghi chép, Inanna/Ishtar được mô tả là một lữ khách thích phiêu lưu.
Việc nàng chiếm giữ ngôi đền của Anu ở Uruk không thể thực hiện được nếu không có sự chấp thuận của Anu; và ghi chép đó cũng cho ta thấy nhiều chi tiết rõ ràng về quá trình đạt được sự chấp thuận đó như thế nào. Inanna vốn được biết đến với cái tên “Anunitum”, có nghĩa là “người yêu dấu của Anu.” Trong các ghi chép nàng được coi là “tình nhân thần thánh của Anu”; và câu chuyện kể tiếp rằng Inanna không chỉ ở chung ngôi đền cùng Anu mà còn chung giường mỗi khi vị thần này tới Uruk, hay trong các lần nàng lên Thiên Cung của thần.
Sau khi dùng thủ đoạn đạt được vị trí Nữ thần của Uruk và tình nhân trong ngôi đền của Anu, Ishtar tiếp tục dùng mưu mẹo để củng cố và tăng cường vị thế của Uruk cũng như quyền năng của chính nàng. Phía hạ lưu dòng sông Euphrates là tòa thành cổ Eridu, trung tâm của Enki. Biết rằng vị thần này có kiến thức uyên thâm về tất cả các lĩnh vực nghệ thuật và khoa học của nền văn minh, Inanna quyết tâm cầu xin, mượn, hoặc ăn cắp những bí mật đó. Với ý định rõ ràng là dùng “sức hấp dẫn” của mình mê hoặc Enki (ông bác nàng), Inanna sắp xếp đến thăm vị thần này một mình. Enki không phải là không biết điều đó và thần đã chỉ đạo cho gia nhân chuẩn bị bữa tối cho 2 người.
Hãy đến đây gia nhân Isimud của ta, hãy nghe ta hướng dẫn;
lời ta nói với ngươi, hãy lắng nghe lời ta nói:
Nàng thiếu nữ đang một mình bước tới Abzu…
Hãy để nàng ta bước vào Abzu của Eridu,
Cho nàng ăn bánh mỳ lúa mạch với bơ,
Rót cho nàng nước mát tận tâm can,
Hãy để nàng uống bia…
Trong lúc vui vẻ và ngà ngà say, Enki sẵn sàng làm bất cứ điều gì cho Inanna. Nàng táo bạo đòi xin các công thức thần thánh vốn là cơ sở nền tảng của nền văn minh phát triển cao. Enki đã trao cho nàng khoảng 100 công thức, trong đó có các công thức gắn liền với địa vị chúa tể tối cao, vương vị, các chức năng tư tế, vũ khí, các quy trình pháp lý, cách ghi chép, nghề mộc, thậm chí cả tri thức về các nhạc cụ và nghi lễ phồn thực tại đền thờ. Khi Enki tỉnh rượu và nhận thức được hành động xuẩn ngốc của mình thì Inanna đã trên đường trở về Uruk. Enki ra lệnh cho “những vũ khí khủng khiếp” đuổi theo nàng, nhưng không cái nào phát huy tác dụng, bởi Inanna đã lao nhanh về Uruk bằng chiếc “Tàu Thiên đường” của mình.
Hình ảnh Ishtar thường được khắc họa là một nữ thần khỏa thân; thậm chí để phô trương vẻ đẹp, có lúc nàng còn được khắc họa đang vén chiếc váy làm lộ ra phần dưới cơ thể. (Hình 52)
Gilgamesh, vua của Uruk vào khoảng năm 2900 TCN, cũng là một vị á thần (là con của người cha trần tục với một vị nữ thần) đã kể lại việc Inanna dụ dỗ mình, ngay cả lúc nàng đã có một người chồng chính thức. Sau một trận chiến, chàng tắm và khoác lên mình “một chiếc áo choàng có tua, thắt bằng dây lưng,”
Nữ thần Ishtar rực rỡ để mắt tới vẻ đẹp của chàng.
“Hãy đến đây, Gilgamesh, hãy làm tình nhân của ta!
Đến đây, cho ta trái ngọt của chàng.
Chàng làm tình nhân của ta, ta sẽ là nữ nhân của chàng.”
Nhưng Gilgamesh ý thức rõ điều gì đang xảy ra. Nhà Vua hỏi “Trong số các tình nhân của nàng, ai là người nàng yêu thương mãi mãi?” “Trong số những kẻ chăn chiên của nàng, ai luôn làm nàng thỏa mãn?” Sau khi kể ra một danh sách dài những mối quan hệ tình ái của nàng, Nhà Vua đã từ chối.
Thời gian trôi đi, khi nữ thần này đạt được những vị trí cao hơn trong các vị thần, cùng với đó là trách nhiệm đối với quốc sự, Inanna/Ishtar bắt đầu thể hiện các phẩm chất điều binh khiển tướng của mình và thường được khắc họa là Nữ thần Chiến tranh và trang bị rất nhiều vũ khí. (Hình 53)
Ghi chép của các vị vua Assyria mô tả việc họ tham gia chiến tranh vì nàng và theo lệnh nàng, việc nàng trực tiếp đưa ra lời khuyên về thời cơ tấn công, việc nàng có lúc dẫn đầu các đoàn quân và việc nàng hiện thân xuất hiện trước toàn thể binh sĩ. Để đáp lại lòng trung thành của họ, nàng hứa sẽ cho các vị vua Assyria trường thọ và thành công. Nàng cam đoan với họ rằng: “Từ Khoang Vàng trên trời cao ta sẽ dõi theo các ngươi.”
Liệu nàng có trở thành một chiến binh khốn khổ bởi nàng xuất hiện vào thời kỳ khó khăn với sự nổi lên của Marduk hướng tới địa vị tối cao hay không? Trong một ghi chép của mình, Nabunaid viết: “Inanna xứ Uruk, nữ hoàng cao quý ngự trong nội điện bằng vàng, cưỡi trên một chiến xa thắng 7 con sư tử – người dân thành Uruk đã thay đổi việc thờ cúng nữ thần trong thời gian trị vì của vua Erba-Marduk, dỡ bỏ nội điện và tháo cương cỗ xe của nàng.” Theo lời Nabunaid, Inanna “sau đó đã rời E-Anna trong giận dữ và từ đó trú ngụ tại một nơi xoàng xĩnh” (mà nhà vua không nêu tên). (Hình 54)
Có lẽ để tìm cách kết hợp giữa tình yêu với quyền lực, nữ thần Inanna đầy toan tính đã lựa chọn DU.MU.ZI, con trai thứ của Enki làm chồng. Nhiều ghi chép từ thời cổ đại đề cập đến những yêu thương và tranh cãi của cặp đôi này. Có một số là những bài hát trữ tình về vẻ đẹp lớn lao và sức hấp dẫn giới tính mạnh mẽ. Những ghi chép khác kể về việc Ishtar sau một chuyến du ngoạn trở về nhìn thấy Dumuzi đang ăn mừng sự vắng mặt của mình. Nàng đã sắp đặt để bắt giữ và tống khứ chàng xuống Âm Phủ – lãnh địa do chị nàng là E.RESH.KI.GAL và người chồng NER.GAL cai quản. Một số ghi chép nổi tiếng nhất của người Sumer và Akkad kể về chuyến đi của Ishtar xuống Âm Phủ để tìm kiếm người chồng yêu dấu bị trục xuất.

Hình 53

Hình 54
Trong số 6 người con trai được biết đến của Enki, có 3 người được miêu tả trong các câu chuyện của người Sumer: người con cả Marduk, người cuối cùng đã soán đoạt Ngôi vị Tối cao; Nergal, người trở thành Đấng Trị vì Âm Phủ; và Dumuzi, người kết hôn với Inanna/Ishtar.
Enlil cũng có 3 người con trai giữ những vị trí quan trọng cả trên Thiên đường lẫn ở dưới Hạ giới: Ninurta, con trai của Enlil với người chị Ninhursag, là người kế vị hợp pháp; Nanna/Sin, con đầu của Enlil với người vợ chính thức Ninlil; và người con thứ với Ninlil tên là ISH.KUR (“đồi núi,” “vùng núi non xa xôi”) thường được gọi là Adad (“yêu dấu”).
Là em trai của Sin và chú của Utu và Unanna, có vẻ như Adad ở nhà họ nhiều hơn là ở nhà mình. Trong các ghi chép của người Sumer, nhóm 4 nhân vật này thường xuất hiện cùng nhau. Các nghi lễ liên quan đến chuyến viếng thăm của Anu tới Uruk cũng kể về nhóm 4 vị thần này. Một ghi chép mô tả lối vào điện thờ Anu kể rằng muốn vào cung điện nơi đặt ngai vàng phải đi qua “cánh cửa của Sin, Shamash, Adad và Ishtar.” Một ghi chép khác được V. K. Shileiko (Học viện Lịch sử Văn hóa Vật chất Nga) xuất bản lần đầu đã mô tả một cách thi vị nhóm 4 vị thần này nghỉ đêm cùng nhau.
Mối quan hệ gắn bó nhất có vẻ thuộc về Adad và Ishtar và thậm chí cặp đôi này còn được khắc họa đứng cạnh nhau, như trên bức hình dưới đây mô tả hình ảnh một vị vua Assyria đang được Adad (người cầm vòng và tia chớp) và Ishtar (người cầm cung) ban phước. (Hình ảnh vị thần thứ ba quá mờ nên không xác định được.) (Hình 55)
Phải chăng “sự gắn bó” này chỉ là một mối quan hệ thuần khiết, nhất là khi xét đến “bảng thành tích” của Ishtar? Đáng chú ý là trong Sách Diễm ca của Kinh thánh, cô nàng tinh nghịch gọi người tình của mình là dod – từ vừa có nghĩa là “tình nhân” vừa có nghĩa là “chú.” Vậy có phải Ishkur được gọi Adad – từ phái sinh của từ DA.DA trong tiếng Sumer – bởi vì vị thần này vừa là người chú vừa là tình nhân?
Nhưng Ishkur không phải là một kẻ trác táng; chàng là một vị thần hùng mạnh, được người cha Enlil trao cho những quyền năng và đặc quyền của một vị Thần Bão tố. Với vị thế đó, chàng được người Hurian/Hittite tôn sùng là Teshub và người Urartian gọi là Teshubu (“người gọi gió”), người Amorite gọi là Ramanu (“người giáng sét”), người Canaanite gọi là Ragimu (“người gieo mưa đá”), người Semite gọi là Meir (“người làm chói sáng” bầu trời). (Hình 56)
Trong danh sách các vị thần (Der Akkadische Wettergott in Mesopotamen – tạm dịch: Các vị thần thời tiết ở Mesopotamia), cổ vật tại Bảo tàng Anh được Hans Schlobies trình bày cho thấy thực tế Ishkur là Chúa tể của những vùng đất cách xa Sumer và Akkad. Qua các ghi chép của người Sumer ta thấy đây không phải là điều ngẫu nhiên. Có vẻ như Enlil mau chóng đẩy đứa con trai thứ của mình thành “Thần Thổ địa” ở những vùng đồi núi phía bắc và phía tây Mesopotamia.
Tại sao Enlil lại đẩy đứa con trai út được cưng chiều của mình rời xa khỏi Nippur?
Người ta đã tìm thấy một số thiên sử thi của người Sumer kể về các cuộc tranh cãi và thậm chí là cả những trận chiến đổ máu giữa các vị thần trẻ. Nhiều con dấu lăn khắc họa cảnh các vị thần chiến đấu với nhau (Hình 57); có vẻ như mối thâm thù giữa Enki và Enlil được tiếp nối và khoét sâu thêm giữa những người con – giống như trường hợp của Cain và Abel trong Kinh thánh. Một số trận chiến như vậy được mô tả là chống lại một vị thần được xác định là Kur – có nhiều khả năng đây chính là Ishkur/Adad. Điều này có thể giải thích tại sao Enlil cho rằng việc trao cho đứa con trai út của mình một lãnh địa xa xôi để giữ nó khỏi những trận chiến giành quyền kế vị đầy nguy hiểm là một hành động khôn ngoan.
Vị trí các con trai của Anu, Enlil và Enki cũng như con cháu của họ trong dòng dõi vương triều được thể hiện rõ ràng qua một công cụ độc đáo của người Sumer: bảng phân bổ thứ bậc theo con số cho mỗi vị thần. Việc khám phá ra hệ thống này cũng làm rõ vị trí các thành viên trong Nhóm các vị Thần Vĩ đại của Thiên đường và Mặt đất khi nền văn minh Sumer nở rộ. Chúng ta sẽ thấy rằng Hội đồng Tối cao các vị thần này được tạo nên từ 12 vị thần.

Hình 55
Hình 56
Hình 57
Căn cứ đầu tiên để khẳng định hệ thống số học mật mã được áp dụng cho các vị Thần Vĩ đại nảy ra khi người ta phát hiện ra rằng tên của các vị thần Sin, Shamash và Ishtar đôi khi được thay bằng các con số tương ứng là 30, 20 và 15 trong các ghi chép. Đơn vị lớn nhất của hệ lục thập phân của người Sumer là 60 được gán cho Anu; Enlil “là” 50; Enki, 40; và Adad là 10. Con số 10 và 6 bội số của nó trong phạm vi con số 60 được gán cho các vị nam thần và từ đó ta có thể thấy rằng những con số kết thúc bằng số 5 được gán cho các vị nữ thần. Từ đây, ta có thể vẽ ra bảng mật mã của các vị thần như sau:
 
 
Nam Thần
Nữ thần
60 – Anu
55 – Antu
50 – Enlil
45 – Ninlil
40 – Ea/Enki
35 – Ninki
30 – Nanna/Sin
25 – Ningal
20 – Utu/Shamash
15 – Inanna/Ishtar
10 – Ishkur/Adad
5 – Ninhursag
6 vị nam thần
6 vị nữ thần
Chúng ta không nên ngạc nhiên khi thấy Ninurta được gán cho con số 50 giống cha mình. Nói cách khác, thứ bậc trong triều đại của chàng được thể hiện theo thông điệp dạng mật mã: Nếu Enlil qua đời, ngươi, Ninurta, sẽ ngồi vào chiếc ghế của cha; nhưng trước lúc đó, ngươi không được nằm trong số 12 vị Thần, bởi thứ bậc “50” đã có người sở hữu.
Cũng không có gì lạ khi biết rằng thời điểm Marduk soán ngôi Enlil, vị thần này cầu khẩn các vị thần trao cho mình “danh hiệu 50” để biểu thị rằng thứ bậc “50” đã thuộc về mình.
Ở Sumer còn có rất nhiều vị thần – con, cháu, cháu trai, cháu gái của các vị Thần Vĩ đại; bên cạnh đó còn có vài trăm vị thần bình thường được gọi là Anunnaki và được giao (có thể nói) “những nhiệm vụ phổ thông.” Nhưng chỉ có 12 vị tạo nên Nhóm các vị Thần Vĩ đại. Ta có thể hiểu rõ hơn về họ, các mối quan hệ gia đình của họ và trên hết là thứ tự kế vị vương triều khi nhìn vào biểu đồ sau:
Chú thích biểu đồ:
Nhóm 12 vị thần
Người kế vị hợp pháp của Enlil
Con trai của Enki, kẻ soán ngôi
Số thứ bậc của quyền kế vị