PHẦN MỞ ĐẦU
SÁNG THẾ KÝ

    
inh Cựu ước đã ngấm vào cuộc đời tôi từ thời thơ ấu. Khi ấp ủ ý tưởng về cuốn sách này gần 50 năm trước, tôi không hề ý thức được về những cuộc tranh luận dữ dội giữa Thuyết Tiến hóa và Kinh thánh sau này. Nhưng khi còn là một cậu học trò học tập Sáng Thế Ký bằng tiếng Hebrew gốc, tôi đã hình thành nên mâu thuẫn của riêng mình. Một ngày nọ, khi chúng tôi đọc trong chương VI của cuốn Sáng Thế Ký rằng khi Chúa quyết định hủy diệt Nhân loại bằng một trận Đại Hồng thủy, “những đứa con của chúa”, những người kết hôn với con gái của Loài người, đã xuống Trái Đất. Trong tiếng Hebrew họ được gọi là Nefilim; thầy giáo tôi lúc đó đã giải thích rằng thuật ngữ này có nghĩa là “người khổng lồ”; nhưng tôi không nhất trí với cách lý giải đó: Chẳng phải nó có nghĩa bóng là “Người được cử xuống” Trái đất đó sao? Tôi bị thầy khiển trách và buộc phải chấp nhận cách giải thích truyền thống.
Trong những năm tiếp theo, khi tôi được học các môn học về ngôn ngữ, lịch sử và khảo cổ học của vùng Cận Đông cổ đại, người Nefilim trở thành một nỗi ám ảnh. Các phát hiện khảo cổ và việc giải mã các tư liệu cổ cùng các sử thi của người Sumer, Babylon, Assyria, Hittite, Canaanite và các dân tộc khác đã ngày càng khẳng định tính chính xác của các cứ liệu trong Kinh thánh liên quan tới các vương quốc, thành phố, các vị vua, địa danh, đền thờ, các tuyến đường giao thương, đồ tạo tác, công cụ và các phong tục của người xưa. Thế nên chẳng phải đã đến lúc chúng ta nên chấp nhận lời lẽ của các tư liệu cổ đại đề cập đến người Nefilim như những vị khách đến với Trái đất từ Thiên đường rồi sao?
Kinh Cựu ước liên tục khẳng định: “Ngai vàng của Đức Giê-hô-va ở trên Thiên đường” – “từ trên Thiên đường Chúa quan sát Trái đất”. Kinh Tân ước nói về “Cha của Chúng ta, người ở trên Thiên đường”. Nhưng độ tin cậy của Kinh thánh đã bị lung lay bởi sự ra đời và được chấp nhận rộng rãi Thuyết Tiến hóa. Nếu Nhân loại là kết quả của quá trình tiến hóa thì hiển nhiên họ không phải được tạo ra cùng một lúc bởi Đức Chúa trời, người mà trong khi suy nghĩ đã phán rằng: “Hãy tạo ra Adam như hình ta và theo tượng ta”. Người cổ đại đều tin rằng các vị thần đến với Trái đất từ Thiên đường và có thể tùy thích bay lên Thiên đường. Nhưng những câu chuyện đó chưa bao giờ được coi là đáng tin cậy khi ngay từ đầu các chuyên gia đã xếp chúng vào dạng thần thoại.
Các tài liệu về vùng Cận Đông cổ đại bao gồm vô số những tư liệu về thiên văn đã đề cập rõ ràng về một hành tinh mà từ đó các phi hành gia hay “vị thần” này đến Trái đất. Tuy nhiên, 150 năm trước, khi các chuyên gia giải mã và dịch một danh sách cổ về các hành tinh, các nhà thiên văn học lúc đó vẫn chưa biết về sao Diêm vương (hành tinh này chỉ được xác định vào năm 1930). Vậy làm sao họ có thể chấp nhận bằng chứng chứng tỏ sự tồn tại của một thành viên nữa trong Hệ Mặt trời? Giống như người cổ đại, hiện giờ chúng ta cũng đã biết thêm về các hành tinh bên ngoài sao Thổ, tại sao lại không chấp nhận bằng chứng cổ đại về sự tồn tại của Hành tinh thứ Mười hai?
Khi tự mình bước ra khám phá vũ trụ, chúng ta hơn bao giờ hết cần có một cái nhìn mới mẻ và chấp nhận những tư liệu cổ xưa đó. Giờ đây các phi hành gia đã đặt chân lên Mặt trăng và những con tàu không người lái khám phá các hành tinh khác, thì chẳng có cớ nào lại không tin rằng một nền văn minh trên một hành tinh khác tiến bộ hơn chúng ta đã từng có khả năng đưa các phi hành gia của mình đổ bộ xuống Trái đất vào thời điểm nào đó trong quá khứ.
Thực tế, nhiều tác giả nổi tiếng cho rằng những kỳ quan cổ đại như kim tự tháp hay các bức tượng đá khổng lồ chắc chắn đã được tạo ra bởi những vị khách đến từ hành tinh khác có nền văn minh tiến bộ - bởi hiển nhiên loài người nguyên thủy không thể tự mình đạt đến công nghệ cần thiết. Thêm một ví dụ nữa, gần 6.000 năm trước, làm thế nào nền văn minh Sumer nở rộ một cách đột ngột đến vậy mà không có dấu hiệu báo trước? Nhưng vì các tác giả đó thường không thể chỉ ra khi nào, cách nào và hơn hết thảy là từ đâu mà những vị khách từ vũ trụ đó đến Trái đất nên những câu hỏi gợi trí tò mò của họ vẫn không có lời giải.
Phải mất 30 năm nghiên cứu, lần tìm những nguồn tư liệu cổ xưa và nhìn nhận chúng theo nghĩa đen, tôi mới tái tạo được trong đầu mình bối cảnh liên tục và hợp lý của các sự kiện thời tiền sử. Bởi vậy, cuốn Hành tinh thứ Mười hai này ra đời với mục đích tìm cách cung cấp cho độc giả câu trả lời thuyết minh cho những câu hỏi cụ thể về Khi nào, Thế nào, Tại sao và Từ đâu. Bằng chứng mà tôi viện dẫn chủ yếu nằm trong chính các tư liệu và hình ảnh cổ.
Trong cuốn sách các bạn đang cầm trên tay này, tôi tìm cách giải mã một thuyết nguồn gốc vũ trụ phức tạp tương tự như các thuyết khoa học hiện đại trong việc giải thích cách thức hình thành Hệ Mặt trời, một hành tinh lạ xâm nhập vào quỹ đạo Mặt trời và Trái đất cùng các phần khác của Hệ Mặt trời hình thành.
Bằng chứng mà tôi đưa ra bao gồm những bản đồ thiên văn đề cập đến đường bay từ Trái đất tới Hành tinh đó, Hành tinh thứ Mười hai. Vậy nên theo trình tự, tiếp sau là sự hình thành đầy ấn tượng của những cộng đồng người Nefilim đầu tiên trên Trái đất: những người lãnh đạo của họ được đặt tên; các mối quan hệ, tình yêu, lòng ghen tuông, thành tựu và những cuộc đấu tranh tranh giành quyền lực được miêu tả; thực chất về “sự bất tử” của các vị thần được lý giải.
Trên hết, cuốn Hành tinh thứ Mười hai hướng tới mục đích lần theo những sự kiện đáng nhớ dẫn tới việc hình thành Con người và những phương pháp tiến bộ hoàn chỉnh công việc đó.
Cuốn sách còn đề cập đến mối quan hệ phức tạp giữa Con người và các chúa tể nhằm đem lại cái nhìn mới mẻ về ý nghĩa của các sự kiện trong Vườn Địa Đàng, về Tháp Babel, về trận Đại Hồng thủy. Cuối cùng, Con người vốn được Đấng Sáng tạo nhào nặn về mặt sinh học và vật chất lại ép những vị thần của mình rời bỏ Trái đất.
Cuốn sách này cho rằng chúng ta không đơn độc trong hệ Mặt trời. Điều này có thể củng cố thêm chứ không loại trừ tín điều về một Đấng Tối cao của vạn vật. Vì nếu như người Nefilim đã tạo ra Con người trên Trái đất, có thể lúc đó họ chỉ đang thực hiện một Tổng Kế hoạch lớn lao hơn mà thôi.
Z. SITCHIN
New York, tháng 2năm 1977

NGUỒN TƯ LIỆU

Nguồn tư liệu chính cho các đoạn trích dẫn Kinh thánh trong cuốn Hành tinh thứ Mười hai là cuốn Kinh Cựu ước bản tiếng Hebrew gốc. Cần phải nhớ rằng tất cả những bản dịch được tham khảo – những bản dịch chủ yếu được liệt kê ở cuối sách – đều chỉ là những bản dịch hay diễn giải. Trong phân tích cuối cùng, tư liệu có giá trị chính là những gì được viết trong cuốn kinh gốc tiếng Hebrew.
Trong phiên bản cuối cùng được trích dẫn trong cuốn Hành tinh thứ Mười hai, tôi đã so sánh các bản dịch hiện có với nhau và với bản gốc tiếng Hebrew cùng các tư liệu/chuyện kể tương đương của người Sumer và Akkad để rút ra những gì mà tôi tin là chính xác nhất.
Nhiều chuyên gia đã tham gia diễn giải các tư liệu của người Sumer, Assyria, Babylon và Hittite trong hơn một thế kỷ. Sau quá trình giải mã chữ viết và ngôn ngữ là quá trình chuyển thể, chuyển chữ và cuối cùng là dịch. Trong một số trường hợp, ta có thể lựa chọn giữa các bản dịch hay diễn giải khác nhau chỉ bằng cách thẩm tra bản chuyển thể và chuyển chữ trước là được. Trong các trường hợp khác, cách hiểu của một chuyên gia đương thời có thể mang lại cái nhìn mới mẻ cho một bản dịch trước đó.
Danh sách các nguồn tư liệu vùng Cận Đông trình bày ở cuối cuốn sách này được thể hiện từ những tư liệu cổ nhất đến mới nhất và được nối tiếp bằng các ấn phẩm của các chuyên gia mà trong đó ta có thể tìm thấy những đóng góp quý giá vào quá trình tìm hiểu những tư liệu này.