Chương XV

     ố vợ, anh vợ và hai chàng rể ngồi cùng một chiếu uống rượu…
Bên ngoài, sương mù với mưa bụi tỏa mờ mờ. Những chỏm rừng, những dải núi xa đều như tan trong hơi nước. Cái cảm giác hoang lương trên sự vật khiến cho người có tâm sự không thể không bâng khuâng, man mác buồn vẫn buồn vơ…
Tôi thỉnh thoảng liếc nhìn vợ trẻ, trạnh nghĩ đến nông nỗi sinh ly sắp tới mà hai mắt tôi muốn sa lệ. Khốn nạn, vợ tôi, đương cùng mấy chị em xúm quanh bếp lửa, vừa nói chuyện vừa xe sợi, vợ tôi có biết gì không! Ừ vợ tôi có biết rằng chỉ đêm nay thì vợ chồng xa nhau có lẽ đến mãi mãi chẳng bao giờ lại giáp mặt nhau…
Tôi thở dài và ngâm một bài từ khúc:

Nghĩ mình gặp bước phong trần,
Cái thân trôi nổi lá thân lạc loài…
Ao xuân chan chứa vì ai:
Đời xuân xanh cũng là đời vô duyên!
Lênh đênh một kiếp bềnh bông.
Ngâm câu li biệt, tấm lòng xót thương!
Sông xuân nổi sóng đoạn trường,
Dẫu lìa ngỏ ấy còn vương tơ lòng!...

Tạo hóa cho người ta một tấm lòng rồi lại đem sự chia rẽ, sự sống, chết mà giày vò tấm lòng ta thì tạo hóa kể cũng độc ác thật!
Tôi càng nghĩ càng buồn và thương vợ tôi vô hạn. Tôi đã cẩn thận viết một bức thư để lại cho vợ tôi, gọi là có mấy lời từ tạ. Tôi có cắt nghĩa cái hành vi của tôi bằng cách viện lễ tôi còn cha mẹ già nay tết đến mong chờ tôi biết chừng nào! Và tôi hẹn đến qua giêng sẽ lại trở lại nơi này để vợ chồng lại đoàn tụ và đón con tôi một thể. Kèm theo thư ấy, tôi để cả mấy lời tạ lỗi với ông nhạc và anh vợ tôi.
Bức thư ấy hơi làm cho tôi yên lòng mà không thể làm cho tôi đỡ buồn đỡ thương được.
Trong khi ấy thì vợ tôi cứ vô tình chẳng biết gì cả!
Nàng vừa nói chuyện với chị em vừa cười rất vui vẻ. Chốc chốc nàng lại khẽ liếc nhìn tôi: những cái nhìn chứa chan âu yếm…
Tôi cảm thấy can đảm của tôi mất dần mỗi khi giờ hành động đến gần…
Bỗng Cơ gọi tôi:
-  Anh Khôi!
-  Anh bảo gì tôi?
-  Không uống rượu đi mà lại cứ ngồi ỳ ra thế!
-  Được, anh cứ uống đi!
-  Không, anh phải uống với tôi kia!
-  Anh này mới vô lý chứ.
-  Anh bảo ai vô lý?
-  Anh chứ còn ai!
-  Sao anh lại bảo tôi vô lý?
-  Anh uống rượu được, cứ việc uống. Tôi không quen uống, theo anh sao được!
-  Sao anh lại không theo được?
-  Không theo được là không theo chứ còn sao nữa!
Mắt Cơ đỏ vằn lên như mắt cá chày.
Giọng Cơ hầu như líu lại vì say rượu.
-  Anh giả dối thì có!
Tôi bực mình:
-  Ồ, cái anh này!...
-  Tôi làm sao?
-  Anh say rồi.
-  Tôi say thì có việc gì đến anh!
-  Sao lại không việc! Anh say một mình anh thì tôi đây rất tự nhiên. Nhưng anh say mà anh lại quèo tôi vào để nói này nói khác thì tôi chịu sao được!
-  Ừ thì thôi say đấy! Làm thằng con trai mà rượu không dám uống lấy đến hai chén thì gọi là thằng trai hoi!
-  Phải, tôi đây chỉ có trai hoi thế thôi, anh ạ!
-  Chứ không à!
Ông nhạc và anh vợ chúng tôi, cả chị Cơ nữa đều xúm lại can mỗi người một điều.
Tôi nghĩ tránh voi không xấu mặt nào nên nghe lời mọi người.
Nhưng Cơ, Cơ hình như thấy tôi nhịn lại càng làm già, anh ta hăng mãi lên.
Mặt đỏ gay, mắt long sòng sọc, Cơ giõ vào tận mặt tôi mà quát:
-  Tôi còn lạ gì anh nữa! Anh là một thằng bạn rất xấu…
Tôi cười nhạt.
Cơ lại càng tức.
-  Cái cười của anh từ nay về sau, anh nên bỏ nó vào hòm và khóa lại, đừng nên phơi nó ra trước mắt tôi nữa, nghe chưa?
-  Tôi cười, anh cũng cấm là thế quái nào!
-  Anh cười mặc anh nhưng nếu này dùng cái cười ấy để giễu tôi thì không được!
-  Giễu là giễu thế nào!
-  Anh chối thì anh hèn!
-  Tôi không thèm chối…
-  Tôi còn lạ gì anh!
-  Anh không còn lạ gì tôi thì anh thử nói xem?
-  Anh là một thằng giả đạo đức, một thằng hèn!
-  Còn anh, anh là một thằng láo, một đồ…
Cơ vùng dậy:
-  Mày láo! Mày đểu!
Tôi cũng đứng phắt lên:
-  Mày ấy! Mày là đồ vô giáo…
Tôi nói chưa dứt lời và chưa ai kịp can ngăn, Cơ đã nhảy xổ đến trước mặt tôi rồi vung tay chém một nhát dao trúng trán tôi. Con dao này chỉ là con dao nhỏ nên vết thương tuy có làm cho tôi váng óc mà không phạm lắm.
Ai nấy nhao lên.
Ông anh vợ tôi nắm ngay được tay Cơ và giằng lấy con dao.
Nhà tôi cùng mấy chị em cùng kêu rú lên…
Thực không ai ngờ Cơ lại xử tàn nhẫn với tôi như thế.
Trong khi ấy, máu từ vết thương chảy đỏ lòm cả mặt tôi.
Vợ tôi chạy lại gần, nước mắt giàn giụa.Nó liếc nhìn Cơ một cái trong đó, tôi thoáng nhận cả một ý phục thù ghê gớm.
Tôi vội khẽ gạt vợ tôi sang một bên rồi chạy bổ xuống thang: tôi vừa muốn lánh sự khùng ngô của Cơ vừa đi tìm một vài thứ lá dấu để rịt chỗ bị thương lại.
Tôi tìm thấy ngay các thứ lá cần ở cạnh nhà.
Và, lúc tôi trở lên thì Cơ đã nguôi bớt cơn giận.Tuy thế, hai bên vẫn chưa nói gì với nhau cả.
Tôi ngồm xổm xuống trước cửa bếp, lùi mấy cái lá vào than hồng.
Chỉ nháy mắt, mấy tầu lá tươi đã quắc lại rồi cháy, rồi hóa ra than…
Bên cạnh bếp chỉ còn một chị Cơ ngồi coi nồi canh bí. Các người kia mải sửa lại mâm vì trong lúc xô xát có đổ vỡ.
Tôi rụt mấy cái tàu lá ra.
Chị Cơ nói:
-  Nhà tôi nóng quá! Anh đừng giận nhé!
-  Không, tôi giận anh ấy làm gì! Nói với người say như vay không trả…
-  Thật thế!
-  Chị làm ơn lấy cho tôi cái bát và cái chày giã hành để nghiền mấy tàu lá này…
Chị Cơ vội làm theo ý tôi.
Trong khi ấy, tôi nhanh như cắt đã vò nát hai tàu lá lấy bột than cho vào nồi canh đương sôi.
Chị Cơ đem bát và chạy lại.
Tôi cười:
-  Gớm, chờ được chị thì có mà chết!
-  Anh không lấy nữa à?
Tôi trỏ vết thương:
-  Đây, chị xem… tôi bôi rồi…
Bố vợ tôi nói:
-  Thôi, đem cơm canh ra đây, không ai được uống rượu nữa.
Anh vợ tôi cũng nói.
-  Chú Khôi về ăn cơm. Việc anh em trong nhà xô xát nhau xong thôi…
Tôi đứng dậy và bước lại giường.
Trong khi bốn người đàn ông ăn cơm ở giường trên thì, ở chiếu dưới, ngay trước cửa bếp, sáu chị em cũng cùng nhau ăn.
Bữa cơm có vẻ lặng lẽ vì cái việc xô xát vừa xảy ra…
Nhất là tôi, lòng càng hồi hộp lắm.Tôi cố và mấy miếng nhưng miệng nhai chẳng khác nhai rơm nhá sỏi vậy.
Tôi bỏ bát, vô phép cả nhà.
-  Kìa, anh nó ăn đi chứ!
Anh vợ tôi nối lời của bố.
-  Chú nó sao dùng ít thế!
Tôi phải làm mặt giận và nói:
-  Thôi, xin rước ông và anh cứ xơi đi. Tôi không thể ăn được.
Mở bao ấm, tôi cầm ấm rót chén nước, tay tự nhiên đâm run run…
Trong đầu tôi hàng nghìn ý ng hĩ rối loạn hiện ra mất đi, man mác.
Trong lòng tôi cũng vậy, bâng khuâng như thương, như buồn, chẳng rõ mình cảm ra sao nữa.
Cả nhà đã ăn cơm xong.
Vợ tôi thu dọn bát đũa vì là em út.
Ai nấy quây cả lấy bếp lửa để vừa làm vừa nói chuyện như mọi khi.
Bên ngoài, mưa càng ngày càng mau. Trời lờ lờ mầu nước gạo rọi xuống cảnh vật của ngày dông sắp tối một thứ ánh trắng…
Gió thổi mạnh và lạnh buốt như nước đá…
Tôi nhìn xa về phương Nam, lòng thấy nao nao và cũng lạnh lẽo như một gian quá lộng gió…
Bỗng, ông nhạc tôi ngáp một tiếng dài:
-  Ồ nhỉ! Cơm xong buồn ngủ tệ!
Tôi bồn chồn cả người nhưng cũng còn dủ bình tĩnh để nói.
-  Bố mệt thì đi nghỉ cho ấm có được không!
Ông cụ lấy làm bằng lòng câu nói của tôi lắm:
-  Ừ, anh nó nói phải!...
Vừa nói, cụ vừa chống gối đứng lên vào buồng.
Vài phtus sau lại đến lượt ông anh vợ tôi.
-  Vảy, nừng cụng buồn ngủ sớm thế này à!
Tôi cười:
-  Buồn ngủ thì đi ngủ chứ sao!
-  Phải đấy, tội gì!
Tôi vờ đứng dậy, vươn vai và ngáp:
-  Tôi có lẽ cũng đi ngủ…
Anh vợ tôi bảo.
-  Chú đi ngủ cho khỏe mắt…
-  Vâng, đầu tôi rức lắm!
Câu nói ấy khiến vợ tôi lại lườm anh Cơ một cái sắc như dao.
Tôi khẽ nhìn Cơ rồi vào buồng.
Cơ cũng vờ say đi nốt.
Tôi nói qua tiếng thở:
-  Sửa soạn đi!
-  Ừ!....
Tôi bồi hồi nằm nghe đến sang đầu canh hai.
Mưa nhiều lắm!
Những giọt gianh rơi thánh thót, rơi âm thầm trong đêm lạnh chẳng khác những giọt lệ của người cô phụ mong chồng.
Trong nhà đã ngủ im cả.
Duy một mình vợ tôi sao chưa thấy vào buồng.
Hay nó không việc gì?
Câu hỏi ấy bắt tôi ngồi nhỏm dậy. Tôi vờ ra hút điếu thuốc lào thì kia: vợ tôi đã ngủ gục ở cạnh bếp!
Tôi bị xúc động chẳng khác có một mũi dùi đâm thẳng vào tim.
Cái cảnh tượng thương tâm quá!
Tôi cúi xuống, khẽ lay, nhưng nhà tôi mê man không biết gì nữa.
Tôi lắng nghe: anh vợ và bố vợ tôi ngáy như kéo gỗ!
Tôi liền cúi xuống bế nhà tôi lên lòng để ẵm nhà tôi vào buồng cho nàng ngủ.
Vừa lúc ấy Cơ ra.
-  Mau lên, quyến luyến mãi!...
Tôi rảo bước đưa nhà tôi vào buồng, đặt nằm xuống giường tử tế, đoạn lấy chăn đắp lên. Tôi để bức thư ngay gần gối để khi nhà tôi tỉnh dậy sẽ trông thấy ngay.
Rồi, như một thằng ăn cắp, tôi lén ra…
Nhưng, đến cửa buồng, tôi lại lộn vào, cúi đặt lên trán vợ tôi một cái hôn có lẽ là một cái hôn vĩnh biệt… Nước mất tôi rỏ xuống ướt đầm đìa cả mặt vợ tôi mà nàng vẫn không hay!
Trời! Giá lúc này nàng thức giấc, có lẽ tôi đến thú thật mất…
Tôi phải bước nhanh ra ngoài với cái cảm giác như ruột bị đứt.
Cơ nhoét miệng cười.
Tôi trách:
-  Thằng ông mãnh? Đã dặn chém khẽ thế mà lại choang người ta xuýt vỡ đầu!
-  Cho bõ ghét mà lại!
-  Hừ! Giỏi lắm….
-  Nói đùa chứ xin lỗi anh nhé! Và, anh thử xem tôi đóng vai trò có khá không?
-  Được lắm!
-  Từ nay hết coi thường nhau nhé!
-  Thì ai người ta dám coi thường mình bao giờ!
-  Đừng chối!
-  Nói thật đấy! Tôi lấy làm lạ một cái là anh hình như không bao giờ tin ở sự thành thực của tôi…
-  Thôi, không nói chuyện ấy nữa. Giờ ta làm thế nào?
Đi chứ còn làm thế nào!
-  Vẫn hay là đi nhưng đi ra sao chứ?
-  Bây giờ ta xuống tháo ngựa và xỏ giầy vào cho chúng nó…
-  Tôi tưởng đi bộ dễ thoát hơn…
-  Ngộ có người đuổi?
-  Ai biết đâu!
-  Cứ phòng xa bao giờ cũng vẫn hơn.
-  Tôi còn ngại thằng quân canh…
-  Trái lại, tôi bây giờ không sợ nó nữa!
-  Tại sao?
-  Tại không ai ngờ ta cả thì sự canh gác cũng lỏng lẻo. Vả lại, trời mưa rét này thì anh nào còn có gan ngồi ở ngoài chòi mà canh với gác!
Chúng tôi kéo nhau xuống dưới nhà.
Cửa tàu ngựa văng chặt quá, chúng tôi hì hục tháo mãi mới được.Hai chúng tôi lần mò lấy đủ yên cương thắng vào cho chúng nó rồi dắt ra ngoài.
Tôi lắng nghe…
Cơ lo sợ hỏi:
-  Cái gì thế?
-  Không!... Tôi nghe lại xem có gì khác ý không, thế thôi…