Dịch giả: Ngọc Lan
Chương 2
Tiếc thương thời thơ ấu

     úc tỉnh dậy tôi nhớ lại ngay mình đang ở đâu và chuyện gì đã xảy ra. Tôi nằm còng queo dưới đất, chờ đợi một cú sét nữa. Tôi nằm yên như thế độ mười phút, lắng tai nghe mưa gió thét gào, tự hỏi mình có bị nội thương làm cho mất khả năng sinh sản hay là làm cho tóc bị bạc đi không, hay ít ra cũng làm cho tóc bị cháy. Tôi thử sờ lên đầu, không có gì bất thường ngoài một cục u sau đầu. Tôi cẩn thận cử động, may quá không cái xương nào bị gãy, cũng không có một vết thương nhỏ nào. Trong góc nhà động cơ chiếc tủ lạnh General Electric hoạt động trở lại với tiếng kêu vu vu quen thuộc. Tôi hiểu là sự sống vẫn tiếp tục, bão đã lặng. Tôi khó nhọc đứng lên nhìn quanh chờ phát hiện cảnh hỗn độn đổ nát nhưng không có gì. Tất cả đều như trước: cái bàn tiếp tân oai vệ, kệ xếp sách báo, quầy ăn uống, mười hai chiếc bàn ăn bằng formica đủ màu, vòi nước ướp lạnh, bình cà phê sáng chói, tất cả đều y nguyên. Chỉ có tấm kính vỡ và vũng nước dưới đất là làm chứng cho điều tai hại mà tôi và ngôi nhà phải chịu. Tai hại? Tôi muốn nói tai hại nào? Thôi chết! Có thể tóc tôi đã bạc trắng hết rồi chăng? Tôi chạy băng qua phòng chụp cái ví cầm tay của tôi để trên bàn tiếp tân, đến sau quầy ăn uống, cúi nhìn vào một dãy dài gương gắn dưới mấy cái kệ. Trước tiên tôi kiểm tra đôi mắt: xanh trong sáng đang mở to nhìn tôi dò hỏi, lông mi lông mày màu nâu, trán rộng đăm chiêu, vầng tóc màu nâu sẫm xõa thành hai lượn sóng bồng bềnh trên vai. Tốt! Tôi mở ví lấy lược ra chải tóc như điên rồi cất lại vào ví.
Đồng hồ đeo tay của tôi chỉ bảy giờ. Tôi mở radio và vừa dán tấm bìa cứng vào chỗ kính vỡ vừa lau vũng nước dưới đất vừa nghe đài WOKO thông tin về trận bão: đường dây điện bị đứt, mực nước sông Hudson dâng cao phía thác Glens, một cây du bị sét đánh đổ làm nghẽn quốc lộ số chín ở Saragota Spring, có cơ bị ngập lụt ở Mechanicville.
Tôi chạy ra lối đi có mái che để đến dãy cabin phía sau tiền sảnh. Căn của tôi số chín nằm phía bên phải lối đi tới hồ. Tôi cởi quần áo, tắm nước lạnh, giặt chiếc sơ-mi trắng bằng sợi terylene bị bẩn vì ngã lúc nãy rồi phơi lên.
Tôi đã quên sự trừng phạt của trận bão và cách xử sự ngốc ngếch của mình. Tôi ca hát, vui vẻ với ý nghĩ sẽ hưởng một buổi tối đơn độc và ngày mai tiếp tục lên đường phiêu lãng. Rồi bốc đồng tôi lấy bộ đồ đẹp nhất trong số áo quần hạn chế của tôi ra mặc: quần kiểu đấu bò may bằng nhung đen bó sát người có sợi dây kéo mạ vàng ngay giữa mông, không mang nịt vú, khoác chiếc áo săng-đai dệt chỉ kim tuyến vàng óng ánh vào tôi ngắm mình trong gương rồi quyết định xắn hai tay áo lên khỏi khuỷu tay. Tôi xỏ chân vào đôi xăn-đan kim tuyến rồi quay trở lại tiền sảnh.
Chai rượu buộc-bông còn vừa đầy một ly, tôi lấy cái chén uống rượu bằng thủy tinh rót hết vào xong kéo cái ghế tiện nghi nhất phòng tiếp tân lại gần radio, tôi mở đài, châm một điếu thuốc Parliament trong năm điếu còn lại trong hộp thuốc của tôi, rồi vào ngồi cuộn mình trong ghế bành vừa phì phà thuốc lá vừa nhâm nhi rượu.
Mục quảng cáo dành cho mèo và món pa-tê Pussycat mà chúng ưa thích nhất hòa nhịp với tiếng ầm ầm đều đặn của mưa chỉ thay đổi âm điệu khi có một luồng gió mạnh thổi hắt nước mưa vào cửa kính nghe giòn như tiếng súng liên thanh. Tiếp theo là 40 phút nhạc trữ tình và bất ngờ nhóm “Ink Spots” trình bày bản “Ai đó đang đung đưa con thuyền mộng của tôi”.
Tôi thấy lại tôi trên dòng sông Thames năm mùa hè trước, thuyền chúng tôi đang xuôi dòng, xa xa là lâu đài Windsor, Derek thì chèo còn tôi thì mở máy hát. Chúng tôi chỉ có mười dĩa nhạc, đến dĩa của nhóm “Ink Spots” khi nghe hết bản “Thuyền mộng” thì Derek nài nỉ: “Cho quay trở lại đi Viv.”, tôi phải quỳ gối xuống tìm chỗ để lại kim.
Mắt tôi đầy lệ, không phải vì Derek mà vì nỗi sầu muộn của mối tình đầu mà tất cả bọn con trai và con gái trên cõi đời này đều mắc phải. Đó là những giọt nước mắt thương cảm cho một thời thơ ấu đã mất, xót thương cho bản thân, hoài niệm nỗi đau đã được chôn vùi.
Trước khi lau khô đôi dòng lệ, tôi ngồi nhớ lại những kỷ niệm xưa.
Tôi tên Vivienne Michel, ngày tôi ở lại lữ quán “Những cây thông mơ mộng”, ngồi trong chiếc ghế bành và khơi lại dĩ vãng, tôi được hai mươi ba tuổi, cao một mét sáu mươi lăm. Tôi đã tưởng mình có một dáng người xinh xắn cho tới ngày mà bọn con gái ở trường Astor House bảo cho tôi biết là tôi có bộ mông quá gồ và khuyên tôi nên nịt vú chặt hơn. Mắt tôi màu xanh như đã nói khi nãy, tóc màu nâu sẫm dợn sóng tự nhiên. Chúng nó cũng nói gò má tôi cao giống người nước ngoài, mũi thì nhỏ miệng lại rộng, trông tôi rất sexy dù có lúc tôi không muốn như vậy. Với tính khí nóng nảy pha chút lãng mạn, cứng đầu và tự chủ tôi đã làm cho các sơ ở Couvent và cô giáo Threadgold ở trường Astor House nhiều lúc phải nổi sùng.
Tôi người Gia Nã Đại gốc Pháp, sinh trưởng trong một khu ngoại ô gần thành phố Quebec tên Sainte Famille trên bờ phía bắc đảo Orleans trải dài giữa con sông Saint Laurent như một chiếc tàu lớn. Tôi đã lớn lên trên bờ sông này, trong sóng nước của nó. Vì thế việc giải trí chính của tôi là bơi lội, câu cá, cắm trại, tất cả những môn thể thao ngoài trời. Tôi không có nhiều kỷ niệm về bố mẹ tôi, họ đã chết vì tai nạn máy bay trong thời kỳ chiến tranh khi máy bay hạ cánh xuống Montreal. Lúc đó tôi mới tám tuổi. Tòa án giao việc chăm sóc tôi cho người dì góa chồng Florence Toussaint. Dì đến ở trong căn nhà nhỏ của chúng tởi để lo việc dạy dỗ tôi. Chúng tôi sống rất hòa thuận, nhưng dì thì theo đạo Tin lành còn tôi thì được giáo dục theo đạo Công giáo. Vì thế tôi đã sớm là nạn nhân của các xung đột tôn giáo luôn luôn là một tai ương cho thành phố Quebec. Thành phố được đặt dưới quyền lực của các vị linh mục Thiên Chúa giáo nhưng gần như bị chia đôi giữa hai luồng tín ngưỡng.
Tôi được nuôi dạy tại tu viện các sơ Ursulines cho tới tuổi mười lăm. Các sơ rất nghiêm khắc, bầu không khí mau chong trở nên ngột ngạt và tôi đã xin rời khỏi nơi đó. Dì tôi rất bằng lòng hành động này và quyết định cho tôi sang Anh để hoàn tất việc học vấn. Bỏ tu viện các sơ Ursulines và rồi Quebec là tôi đã cắt đứt mọi liên hệ với các người giám hộ tinh thần cũng như với dòng họ tôi, và tôi thấy như mình có lỗi.
Đến Anh tôi vẫn còn mang nặng mặc cảm tội lỗi. Và giờ đây cái gốc “thuộc địa” của tôi là điều bất lợi để đương đầu với những cạm bẫy của một trường trung học dành cho những người trẻ tuổi của giới thượng lưu.
Astor House là một ngôi trường mang nhiều tính chất Anh quốc, kiểu kiến trúc thời Victoria với các phòng dành cho năm mươi nữ sinh, từng đôi hai người. Vì tôi là người nước ngoài nên được sắp xếp chung phòng với một học sinh khác cũng người nước ngoài. Con nhỏ này người Liban, con nhà triệu phú. Nó mê kem sô-cô-la cũng ngang với một tài tử điện ảnh người Ai Cập tên Ben Said mà tấm ảnh sáng chói, lòe loẹt với răng, ria mép, mắt và tóc đã sớm bị ba chị lớn của phòng ngủ màu hồng xé tan nát và vất vào cầu tiêu. Con nhỏ này rất khó ưa, kênh kiệu, lúc nào cũng nói chuyện tiền bạc thành ra hầu hết các học sinh đều thương hại cho tôi và họ cố gắng tử tế với tôi. Nhưng cũng có mấy đứa khác thì tỉnh bơ và tôi phải chịu muôn vàn ngược đãi vì giọng nói, vì sự mù tịt của tôi trong cách xử thế và đơn giản là vì tôi là một đứa con gái người Gia Nã Đại. Phải nói tôi cũng rất nhạy cảm và rất hung hăng. Tôi không chịu bị bắt nạt cũng như không chấp nhận những lời chọc ghẹo và tôi đã hành hung hai ba đứa trong bọn. Một buổi tối, thừa dịp tôi đã đi nằm chúng hè nhau đè lên người tôi đánh đấm túi bụi, ngắt véo rồi xối nước lạnh cho tới khi tôi phải khóc lóc và thề hứa sẽ không bao giờ đánh nhau với chúng như “một con nhỏ Gia Nã Đại” nữa. Sau vụ này tôi lần lần trầm tĩnh lại, quyết định hưu chiến và buồn bã bắt đầu học cách thức trở thành một “lady” (mệnh phụ).
Thời gian nghỉ hè mọi việc đều ổn. Tôi kết thân với một học sinh người Êcốt tên Susan Duff, nó cũng thích sinh hoạt ngoài trời như tôi. Nó là con một nên bố mẹ nó rất bằng lòng thấy tôi bầu bạn với nó. Mùa hè chúng tôi ở Êcốt và mùa đông thì trượt tuyết khắp châu Âu. Chúng tôi chơi thân với nhau suốt những năm trung học. Khi tôi tốt nghiệp, dì Florence gởi cho tôi năm trăm bảng Anh để tôi ghi tên vào một câu lạc bộ khiêu vũ tại Khách sạn Hyde Park. Thanh niên ở đây có vẻ mất dạy và mặt thì đầy mụn, rất kém nam tính so với những thanh niên Gia Nã Đại mà tôi đã quen biết.
Thế rồi tôi gặp Derek.
Lúc đó tôi mười bảy tuổi rưỡi. Susan và tôi ở chung một căn hộ ba phòng nhỏ xíu trên đường Old Church Street đối diện với King’s Road. Hồi đó vào cuối tháng Sáu, sắp hết mùa tiếp tân, chúng tôi quyết định tổ chức một party trong căn hộ rộng hơn của người láng giềng cùng tầng lầu. Chúng tôi mời ba mươi người nhưng dự tính sẽ có không quá hai mươi người đến dự. Chúng tôi mua mười tám chai sâm banh, một thùng caviar (trứng cá muối), hai hộp pa-tê gan loại rẻ tiền nhưng khi cắt ra từng lát trông cũng có vẻ lắm, và nhiều thức ăn có tỏi khác. Chúng tôi làm thật nhiều xăng-uých phết bơ ăn với xá-lách-xon và cá hồi hun khói. Tôi còn bày thêm nhiều thứ bánh kẹo.
Ba mươi người được mời đều đến đông đủ. Họ còn mang theo bạn bè thành ra đồ uống thiếu. Một thanh niên nắm tay tôi lôi đi “Mình ra quán rượu tiếp tế về đi!”
Chúng tôi ra quán mua hai chai Gin và một ôm chanh. Anh ta đòi trả tiền rượu còn tôi thì trả tiền chanh. Hơi ngà ngà say nhưng còn tỉnh táo anh ta tự giới thiệu tên Derek Mallaby, theo các bạn của Susan tớỉ dự party. Tiệc tan Derek đến sát bên tôi, vén tóc tôi rồi hỏi nhỏ vào tai tôi giọng hơi khàn, có đi ăn tôi với anh ta không. Thế rồi anh ta kéo tôi ra đường. Trời buổi tối nóng nực. Chúng tôi đi taxi. Derek đưa tôi đến một hiệu ăn tên “Le Bambou”. Chúng tôi ăn mì ống, uống rượu vang đỏ. Tôi chỉ nhâm nhi một tí còn thì anh ta uống hết sạch. Anh ta nói nhà ở gần Windsor, sắp đủ mười tám tuổi, đang học năm cuối bậc trung học, có chân trong đội bóng chày và được nghỉ phép hai mươi bốn tiếng đồng hồ để đi Luân Đôn làm thủ tục lãnh tiền của bà cô qua đời để lại cho anh ta; sau đó anh ta mời tôi đến câu lạc bộ “400”. Tôi run lên vì cảm động. Câu lạc bộ “400” là nơi được hoan nghênh nhất ở Luân Đôn. Anh ta kêu rượu. Dàn nhạc Maurice Smart chơi nhạc êm dịu. Chúng tôi khiêu vũ dưới ánh đèn mờ ảo. Tôi vui thích thực sự. Chúng tôi ở lại tới bốn giờ sáng, uống cạn hết chai rượu. Ra tới đường tôi phải dựa người vào anh ta mới đứng vững. Ngồi trong taxi anh ta ôm tôi vào lòng, hôn tôi và tôi hôn trả. Tôi nhẹ nhàng kéo bàn tay anh ta ra khỏi ngực tôi hai lần đến lần thứ ba, sợ anh ta cho mình là điệu bộ tôi để yên. Nhưng khi anh ta vén váy tôi lên thì tôi không cho anh ta để tay lên chỗ đó. Anh ta cầm tay tôi đặt lên chỗ đó của anh ta, tôi cũng không chịu mặc dù lúc đó tôi cũng bị kích thích nhiều và cũng muốn lắm. May thay xe cũng vừa về tới nhà. Anh ta xuống xe đưa tôi tới cửa phòng, hôn tạm biệt tôi, vuốt lưng tôi rồi nhéo một cái vào mông tôi thật mạnh.
Trước khi chui vào giường tôi nhìn vào tấm gương gắn trên bồn rửa mặt: mặt tôi, mắt tôi rạng rỡ như được chiếu sáng từ bên trong: chắc tại rượu. Nhưng tôi nhủ thầm “Trời! Mình đã yêu rồi”.