Dịch giả: Ngọc Lan
Chương 6
“Đi về hướng tây, người tuổi trẻ”

     urich cuối tháng Tám tưng bừng, vui nhộn. Nước hồ từ băng hà đổ xuống trong vắt, náo nhiệt với những chiếc thuyền buồm đủ màu sắc và những người chơi trượt nước, trên bờ thì dày đặc người đi tắm. Bầu không khí như ngày hội đập vào thần kinh căng thẳng của tôi gây cho trái tim đau buồn của tôi bao nỗi thống khổ. Tôi thất vọng vì thói rởm đời của Derek và đầu óc địa phương của Kurt. Cả hai chỉ muốn chiêm đoạt thân xác tôi. Không phải là tôi mong mỏi được làm vợ Derek hay Kurt mà đơn giản là tôi chờ đợi nơi họ lòng tốt và cách xử thế của một “gentleman”. Tôi đã quá hiền lành và dễ dãi. Tôi khao khát làm vừa lòng mọi người và điều này làm cho tôi trở thành một sinh vật dễ dàng cho người ta lợi dụng. Tôi mất tin tưởng và chán ngán bọn đàn ông. Bắt đầu từ nay thì chấm dứt, tôi sẽ nhận chứ không cho nữa, tôi sẽ ngẩng cao đầu như một cô gái Gia Nã Đại dũng cảm (phải, một cô gái Gia Nã Đại xinh đẹp dũng cảm). Và bây giờ khi mà tôi biết tôi phải chấp thủ như thế nào rồi thì tôi quyết thay đổi toàn diện.
Việc phá thai đau đớn về thể xác không nhiều như tôi tưởng, nhưng nỗi đau tinh thần thì thật là trầm uất. Ba ngày sau tôi ra bệnh viện. Tôi đã quyết định rồi. Tôi sẽ trở về Anh quốc, xuống khách sạn Ariel gần sân bay, ở đó một thời gian đủ để giải quyết vài công việc, xong tôi đến Hammersmith mua một chiếc Vespa. Chương trình của tôi là trở về quê hương bằng phương tiện riêng, sau đó sẽ vắng mặt ít nhất là một năm để đi tham quan nửa phần kia của thế giới. Tôi đã có Luân Đôn nhưng nơi này đã quật cho tôi điêu đứng, tôi choáng váng nhưng đứng vững. Tôi sẽ đi thám hiểm, làm một cuộc phiêu lưu. Tôi sẽ băng qua châu Mỹ từ đầu nọ cho tới đầu kia, trên đường đi tôi sẽ làm hầu bàn, giữ trẻ, tiếp viên cho tới Floride; ở đó tôi sẽ xin một chỗ làm trong một tờ báo và an nhiên chờ mùa xuân tới. Chừng đó tôi sẽ tính làm gì tiếp.
Kế hoạch này thu hút tôi làm cho tôi quên đi tình cảnh khốn khổ của mình hay ít ra cũng ru ngủ cảm giác tội lỗi, ô nhục, thất bại trong tôi.
Giá tiền một chiếc xe hơi mua lại quá cao, cộng phí tổn bảo trì nữa nên tôi nghĩ đến xe gắn máy và tôi chọn mua một chiếc Vespa thể thao một trăm năm mươi phân khối, vừa khỏe vừa nhanh, tốc độ gần chín mươi cây số/giờ, nhưng lại ngốn xăng hơi nhiều, hơn ba lít cho một trăm cây số. Không sao, giá xăng ở châu Mỹ không đắt. Người bán xe rất nhiệt tình. Ông ta gợi ý tôi trong trường hợp thời tiết xấu hoặc là tôi bị mệt thì cứ cho xe lên xe lửa đi một đoạn đường. Ông ta cũng bớt cho tôi ba mươi bảng mà ông ta không phải đóng thuế nếu giao xe qua Gia Nã Đại bằng đường thủy trong vòng mười ngày. Số tiền được giảm này tôi dùng để mua các phụ tùng: một bọc yên xe, một bao bánh xe xơ-cua bằng da báo, một kính chiếu hậu, một poóc-ba-ga, hai xắc cốt da màu trắng rất hợp với nước sơn bạc của chiếc xe, một kính chắn gió và một nón bảo hộ màu trắng. Người bán xe cũng cho tôi vài ý kiến hay về cách ăn mặc, tôi mua một bộ combinaison (áo liền quần) màu trắng có dây kéo tùm lum, một kính mát to chung quanh có lót da lông rất êm và một đôi găng tay bằng da hươu màu đen có may chần rất đẹp mắt. Tôi trở về khách sạn lấy bản đồ ra nghiên cứu lộ trình của tôi. Giai đoạn đầu khởi hành từ Quebec. Tôi giữ một chỗ đi Montreal, trên chuyến bay rẻ nhất của hãng hàng không Trans-Canada. Tôi đánh điện báo cho dì Florence biết và buổi sáng đẹp trời ngày một tháng Chín tôi lên đường.
Thật lạ lùng và thích thú trở về nhà sau sáu năm xa cách. Dì tôi bảo tôi bây giờ trông khác hẳn. Quang cảnh Quebec làm cho tôi ngạc nhiên. Ngày ra đi tôi thấy thành lũy dường như rộng lớn uy nghi, còn bây giờ thì như một đồ chơi trong Disneyland, trước kia tôi thấy nó có vẻ dễ sợ thì bây giờ như làm bằng giấy bồi.
Tôi cẩn thận giấu dì Florence tất cả những điều đã xảy đến cho tôi ở Luân Đôn, dì sẽ ngất xỉu nếu biết sự thật. Tôi chỉ nói là cũng có nhiều người tán tỉnh tôi nhưng tôi không hề gì. Cũng không có ai đính hôn với tôi, không có một vị quý tộc hay một vị thượng nghị sĩ nào xin cưới tôi (điều này tôi có thể nói với tất cả thành thật) và tôi cũng không bỏ rơi một người tình nào sau lưng. Tôi thấy dì không mấy tin về điều xác nhận sau cùng này. Dì khen tôi đẹp, rằng tôi rất hấp dẫn và dì nói dì không thể nào tin được là đã hai mươi ba tuổi đầu rồi mà tôi vẫn chưa có một người đàn ông nào trong đời. Những dự tính của tôi làm cho dì dựng tóc gáy. Dì vẽ ra trước mắt tôi những nguy hiểm đang chờ đón tôi trên đường đi. Châu Mỹ đầy bọn găngxtơ, tôi sẽ bị đánh gục bên đường và bị hãm hiếp. Dù thế nào đi nữa thì chiếc xe gần máy cũng không hợp với phụ nữ. Dì mong rằng tôi sẽ cảm thấy xấu hổ khi ngồi dạng háng trên xe.
Ngày mười lăm tháng Chín tôi rút ra một ngàn đô-la trong số tiền ít ỏi của tôi ở ngân hàng. Tôi gói ghém vào trong hai cái xắc cốt một số áo quần cần thiết rồi tôi hôn tạm biệt dì Florence, lên xe chạy ra đường số hai dọc theo con sông Saint Laurent.
Con đường số hai bắt đầu từ Quebec hướng về miền nam Montreal. Có thể là một con đường đẹp nhất thế giới nếu hai bên đường không có những biệt thự cũng như những nhà tắm mọc chồng chất như nấm mùa mua từ khi có chiến tranh.
Chiếc Vespa chạy với tốc lực bốn mươi cây số/giờ kêu vù vù thật vui tai. Tôi quyết định cứ mỗi ngày đi một đoạn từ hai đến ba trăm cây số trong khoang sáu tiếng đồng hồ, nhưng không bắt buộc là phải tôn trọng thời gian biểu. Tôi muốn thấy tất cả. Nếu có một con đường tắt nào gợi tò mò thì tôi rẽ vào và nếu gặp một chỗ đẹp đẽ và lý thú thì tôi ngừng lại nhìn ngắm.
Ở Canada, về phía bắc Hoa kỳ có nhiều vùng để cắm trại. Đó là những bãi đất trống trong rừng hay trên bờ hồ, bờ sông được dọn dẹp với những ghế, bàn xù xì đẽo từ những khúc cây nằm rải rác giữa cây rừng. Tôi có ý định dùng những nơi này mỗi ngày để dùng bữa khi nào trời không mưa hơn là mua thức ăn đắt tiền trong các cửa hàng ăn uống. Mỗi sáng, trước khi rời lữ quán tôi làm trứng rán với thịt muối nhét vào bánh mì. Với trái cây và một bình thủy cà phê tôi đã có bữa ăn trưa, còn tối thì ăn trong lữ quán.
Tôi tiên liệu tiền tiêu mỗi ngày là mười lăm đô-la. Phần nhiều các lữ điếm lấy giá tám đô-la cho một cabin một người cộng thêm thuế là chín đô-la, rồi còn cà phê, thuốc lá và ăn sáng nữa. Ăn sáng chỉ tốn không hơn một đô-la, như vậy là tôi còn được năm đô-la cho bữa ăn trưa và tối, một ly rượu khi có dịp và một ít thuốc lá. Tôi sẽ cố gắng giữ gìn trong chừng mực này.
Chiếc Vespa vững chãi còn hơn là tôi tưởng. Nó lên dốc như chim bay. Dĩ nhiên là phải kể những tiếng huýt gió của bọn trẻ, những nụ cười và những cái vẫy tay của các cụ già. Tôi thích thú và cười với họ.
Ngày đầu tiên mọi việc đều suôn sẻ. Tôi thu xếp để băng qua Montreal trước khi trời tối và đi thêm ba mươi cây số trên quốc lộ chín, như thế sáng hôm sau sẽ ở bên kia biên giới của bang New York. Tôi dừng lại lữ quán Southern Trail. Sau bữa ăn tối sơ sài tại quầy và uống một ly rượu mời của ông chủ quán, tôi đi ngủ, lòng vui sướng phấn khởi.
Toi phải mất một ngày để vượt qua ba trăm cây số đầu tiên và gần hai tuần để đi hết ba trăm bảy mươi lăm cây số tiếp theo. Sau khi đã qua biên giới Hoa Kỳ tôi đi lang thang trong miền Adirondacks. Vào cuối hai tuần này tôi đến hồ George. Chính nơi đây tôi thoát được nước triều dâng kinh khủng trên quốc lộ chín để rẽ vào một con đường nhỏ băng qua rừng đưa tới lữ quán “Những cây thông mơ mộng” mà trong cái ghế bành này tôi đang ngồi nhớ lại chính xác những tình huống đã đưa tôi tới nơi đây.