Chương Một

    
rời chạng vạng tối, những đám mây hồng từ từ chìm xuống chân trời, xa xa vài cánh chim đang bay về tổ.  Sân trường đại học chiều nay thật đông người, nhiều nhóm sinh viên học sinh tụm năm tụm ba trò chuyện, có những tà áo dài thật đẹp, có những tấm biểu ngữ căng dọc đường đi.  Hội trường đèn màu lấp lánh, khán giả ngồi đầy ắp, trên sân khấu đèn rực sáng, hai bên treo hai lá cờ bằng gấm mới toanh, bên trái là lá quốc kỳ Việt Nam màu vàng ba sọc đỏ óng ánh, bên phải là quốc kỳ của Hoa Kỳ.  Ngay phía trên sân khấu, một tấm biểu ngữ thật lớn - Tưởng Niệm Ngày Quốc Hận 30/4/1975.
Mọi người đang say mê trước các diễn tiến trên sân khấu, từng đợt trình diễn của những khuôn mặt thật trẻ.
 Bên cạnh những bài đơn ca, hợp ca và những màn hoạt cảnh, có những lời phát biểu cảm tưởng của những cựu chiến binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.  
Sơn hăng say trong vai trò điều khiển chương trình hôm nay, chàng cảm thấy thật hãnh diện được nhắc lại những chiến tích hào hùng, những thành tựu của người Việt tự do, bên cạnh những cô bạn học mà hôm nay bỗng đẹp tuyệt vời trong chiếc áo dài truyền thống, tung bay trên sân khấu, bên cạnh những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa tuy tóc đã hoa râm, nhưng trông vẫn oai vệ trong bộ quân phục ngày nào, đang ngồi trên hàng ghế danh dự trước sân khấu.
Tiếng vỗ tay vang dậy đưa Hà trở lên sân khấu, với giọng ca tươi trẻ ngọt ngào, hôm nay nàng được mọi người tán thưởng trong những bản nhạc quê hương "Làng Tôi", "Tình Hoài Hương", "Đường Về Quê Hương".  Hà hát bằng cả tấm lòng những bài hát mà hai năm trước đây nàng chưa có thể đọc được.
Hai năm trước đây Hà bước vào ngưỡng cửa đại học, nàng chơi chung với một số bạn gái chung lớp, cũng từ đó nàng bắt đầu tham gia sinh hoạt với hội sinh viên Việt Nam tại đây.  Qua những buổi họp, những ngày đi gây quỹ, những ngày làm báo chí, tiếng Việt của nàng từ từ khá dần.  Vào một buổi văn nghệ, bạn bè tình cờ khám phá ra nàng có một giọng ca thật ngọt.  Nhờ Sơn, trưởng ban văn nghệ, tận tình chỉ dẫn cho nàng học nhịp, học phát âm, chẳng bao lâu nàng đã có thể hát được tiếng Việt. 
Trong một dịp lễ Valentine, Sơn tặng cho nàng một CD, hình bìa có một cô gái Mỹ tóc vàng thật đẹp. Về nhà bỏ dĩa vào máy hát, Hà hết sức ngạc nhiên vì cô ca sĩ Mỹ có thể hát những bản tình ca Việt thật ngọt ngào, phát âm tiếng Việt của cô ca sĩ rất rõ ràng và chính xác, khó nhận ra được những bài hát này do người Mỹ hát.  Hà nhủ thầm, người Mỹ còn hát tiếng Việt được, không lẽ nàng không hát được?   Thế rồi nàng đặt quyết tâm trau dồi tiếng Việt.  Nàng đi dạo trên internet, vào những forums tiếng Việt, nàng tập thảo luận bằng tiếng Việt, tập làm thơ và dần dà nàng thuộc lòng các bài thơ "Em Đi Chùa Hương", "Chân Quê", "Mộng Dưới Hoa".
 Tết năm đó trong một buổi văn nghệ đón Xuân, cũng là lần đầu tiên Hà lên sân khấu trình diễn, với nhạc phẩm "Làng Tôi" của nhạc sĩ Y Vân, nàng được những tràng pháo tay tán thưởng nhiệt liệt kéo dài cả phút đồng hồ.  Nàng ôm mặt khóc vì xúc động.  Thế mà Sơn đứng trong hậu trường đón nàng, bằng vẻ mặt nửa cười nửa giả bộ mếu, Sơn nhái lời bản "Tình Như Mây Khói" của Lam Phương để chọc Hà:  "Em, khóc đi em, khóc nữa đi em, khóc để rồi... buông... một nụ cười".  Nhìn nét mặt nhăn nhó tiếu lâm của Sơn, Hà không không khỏi bật cười, nàng cung tay giả bộ đánh Sơn, Sơn chạy đi trong tiếng cười giòn giã.
Hai năm trôi qua, ngày nào cũng là ngày vui, Sơn lúc nào cũng quanh quẩn bên Hà, khi thì châu đầu làm bài tập trong thư viện, rảnh rỗi thì đi tản bộ quanh trường, có khi ngồi trên bãi cỏ Sơn đàn cho Hà hát, có khi bàn chuyện nhân tình thế sự.  Sơn năm nay làm chủ tịch hội sinh viên, Hà cũng trở thành trưởng ban văn nghệ, đôi bạn sát cánh bên nhau trong các công tác xã hội.  Có những đêm thắp nến cầu nguyện cho thuyền nhân, có những buổi biểu tình cho dân chủ, nhân quyền.
  Cũng có ngày ôm thùng đứng trước siêu thị, quyên tiền trợ giúp cho nạn nhân của thiên tai bão lụt.  
Có những chuyến đi cắm trại liên trường, ban ngày trèo núi, ban đêm cùng nhau ăn uống, ca hát bên ngọn lửa hồng tí tách reo. 
Trở lại buổi văn nghệ, Sơn trong bộ quân phục của "thiên thần mũ đỏ" tiếp lấy microphone rồi bước ra sân khấu, chàng cất giọng trầm buồn:
"Tháng tư, kỷ niệm cái tang chung của đất nước.  Tháng tư cũng là kỷ niệm sự hy sinh anh dũng của cố Đại Tá Nguyễn Đình Bảo, và những người anh hùng mũ đỏ của Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù đã tử thủ tại ngọn đồi Charlie.  Để tưởng niệm những người anh hùng vị quốc vong thân tại Charlie trong Mùa Hè Đỏ Lửa, Kim Sơn và Thanh Hà xin gửi đến quý vị khán giả nhạc phẩm "Người Ở Lại Charlie" của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh”.
Một tràng vỗ tay vang dội, Sơn dạo đàn, Hà cất tiếng hát, nàng thấy dưới hàng ghế danh dự một người chiến sĩ mũ đỏ nghiêm trang đứng lên đặt tay lên nón chào, trên cổ áo có một bông mai trắng lấp lánh, bài ca chưa dứt mà người đã mắt lệ long lanh. 
Ca xong Sơn và Hà đi vào hậu trường, con nhỏ bạn chung lớp nói 
- Hai người ca bản này xuất sắc nghen, tui nghe cảm động muốn khóc.
Hà nói 
- Ừa, Hà thấy có bác chiến sĩ mũ đỏ dưới kia, đứng chào hết bài ca mà cặp mắt đỏ au ngấn lệ.  Không biết bác có quen ai đã hy sinh tại Charlie không? 
Sơn trả lời
- Ừ bác ấy có quen nhiều lắm, không chỉ quen thôi mà bác ấy còn là một trong những người sống sót trong trận chiến lịch sử đó.
- Sao Sơn biết?  Hay là Sơn có quen bác ấy?
- Ừ, không chỉ quen, mà còn quen rất thân nữa.
Hà quay mặt lại nhìn thẳng vào mắt Sơn, lại nụ cười dí dỏm, trông như nửa đùa nửa thật.  Hà nghi ngờ nói
- Thôi đi, thấy người ta đeo lon thiếu tá rồi bắt quàng làm họ hả, Hà không có rảnh tin Sơn đâu.
- Ui cha, câu này tự ái trầm trọng nghen, Hà có dám đánh cá với Sơn không?
- Sơn muốn cá cái gì?
- Nếu Bác ấy là người có mặt tại trận đánh Charlie và Sơn có quen, thì Hà sẽ đến nhà tặng bác ấy một bó hoa.  Còn nếu không thì Sơn sẽ tặng cho Hà 10 DVD hài Hoài Linh.
Nghe nói tới DVD hài Hoài Linh Hà cười chúm chím
- OK, móc nghéo liền.
- OK tính vậy đi.
Một sáng cuối tuần, bầu trời xanh ngắt, vài cụm mây trắng lưa thưa, Sơn lái xe đưa Hà lên Santa Ana để mua DVD hài.  Gần tới Little Saigon, chàng ghé vào một căn nhà rộng rãi, chung quanh nhà thảm cỏ xanh mướt.
Hà hiếu kỳ hỏi, 
- Sơn đưa Hà đi đâu đây? 
- Thì trước khi mua DVD hài cho Hà, thì coi Sơn có thua Hà không trước đã.
Sơn mở cốp xe lấy ra một bó hoa đưa cho Hà, rồi bước lên bấm chuông.  Hà ôm bó hoa, nhớ tới lời giao kết hôm nọ, lòng bán tín bán nghi.  Có tiếng mở cửa lạch cạch, người mở cửa ra chính là bác lính mũ đỏ Hà mới gặp tuần rồi.  Hà nhìn quanh, thấy Sơn đang lúi húi lấy gì trong xe, Hà lắp bắp
- Dạ cháu chào bác.
- Mời cháu vào nhà chơi.
Hà bước vào nhà, bên trong thật rộng, trong phòng khách đã có người ngồi, thấy Hà vào bèn đứng lên chào, một người đàn bà tóc đã hoa râm, một người con gái khoảng 17, 18 tuổi, cặp mắt đen lay láy, tròn xoe, có vẻ tinh nghịch.  Cô gái mau mắn chạy lại đưa tay cho Hà bắt rồi nói
- Chị Hà phải không?  Mời chị ngồi chơi, em xin giới thiệu đây là ba má của em, còn em tên Thủy.
Hà còn đang bỡ ngỡ không hiểu vì sao Thủy lại biết tên nàng.  Nàng cúi đầu chào mọi người, rồi không dám ngẫng đầu lên vì không biết nói gì trước hai người lớn.  Người đàn bà vui vẻ nói
- Hà ngồi xuống đi cháu, bác nghe Sơn nói rất nhiều về cháu từ hai năm nay, từ lâu rồi bác có nhắn với nó mời cháu tới nhà  chơi, mãi tới hôm nay mới có dịp gặp mặt.
Mãi tới lúc này Sơn mới bước vào nhà, chàng đi thẳng vào nhà bếp rót mấy ly nước cam rồi bưng ra mời mọi người
- Mời Hà uống nước.
Hà lườm Sơn, cũng cái vẻ mặt nửa đùa nửa thật, Hà tức quá mà không sao nói được.  Sơn quay qua nói tiếp
- Thưa ba, tuần trước Hà gặp ba trong buổi văn nghệ, nghe nói ba có tham dự trận đánh ở Charlie nên Hà muốn tới đây, trước là thăm gia đình mình sau là tỏ chút lòng với người chiến sĩ mũ đỏ.
Nói xong Sơn tiếp lấy bó bông trên tay Hà, đứng lên xoay mặt đối diện với cha chàng, nghiêm trang đưa tay chào theo kiểu nhà binh, rồi hai tay đưa bó bông cho cha chàng.  Cha chàng cũng đứng nghiêm lại chào tay theo quân lễ và tiếp nhận bó bông.  Mọi người cười lên vui vẻ.